PHẬT HỌC CƠ BẢN
Phật Học Phổ Thông

 
Mục Lục Khóa Thứ bảy
Triết Lý Ðạo Phật hay là
Ðại Cương Kinh Lăng Nghiêm
(tiếp theo)
--- o0o ---
 
Bài Thứ Sáu
 
Mục Lục
            I. Phật bảo Ngài Văn Thù lựa pháp tu viên thông
II. Ngài Văn Thù vâng lời Phật lựa phương pháp tu
III.Chúng sanh ở thế giới ta bà này nhờ có nghe pháp mới biết đường lối tu hành
IV. Công năng của nhĩ căn (tai nghe)
V. Ngài Văn Thù quở trách ông A Nan học nhiều mà không tu
VI. Các vị nghe pháp được chứng ngộ
VII.  A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp để độ chúng sanh đời sau
VIII. Phật dạy phải tu giới, định, huệ
IX.  Ðây nói về đại thừa tâm giới có bốn: dâm, sắc, đạo, vọng
 
---o0o---
Bài Thứ Sáu

 

I.   Phật bảo Ngài Văn Thù lựa pháp tu viên thông
Khi ấy Phật bảo Ngài Văn Thù Sư Lợi:
- Ông đã nghe các vị đại Bồ tát và A La Hán vừa trình bày các phương pháp tu hành được thành đạo quả.  Thật ra 25 pháp tu này, đối với các vị thánh, thì tu pháp nào cũng đều được chứng quả cả, không có pháp nào hơn và kém.  Song nay ta muốn cho A Nan và chúng sanh đời sau, nếu muốn vào đại thừa Bồ tát thì đối với 25 pháp tu này, ông nên lựa pháp nào tu hành để mau thành đạo vô thượng Bồ đề.
II.    Ngài Văn Thù vâng lời Phật lựa phương pháp tu
Ngài Văn Thù Sư Lợi vâng lời Phật dạy, đứng dậy lạy Phật, kính cẩn nói bài kệ, khen chơn tâm nhiệm mầu sáng suốt, chỉ rõ cái “vọng” vốn không và lựa chọn pháp tu viên thông.
NGUYÊN VĂN CHỮ HÁN
            Giác hải tánh trừng viên
            Viên trừng giác nguyên diệu
             Nguyên minh chiếu sanh sở
Sở lập chiếu tánh vong
Mê vọng hữu hư không
Y không lập thế giới
Tưởng trừng thành quốc độ
Trí giác nãi chúng sanh
Không sanh đại giác trung
Như hải nhứt âu phát
Hữu lậu vi trần quốc
Giai y không sở sanh
Âu diệt không bổn vô
Huống phục chư tam hữu
Quy nguyên tánh vô nhị
Phương tiện hữu đa môn
Thánh tánh vô bát thông
Thuận nghịch giai phương tiện
Sơ tâm nhập tam muội
Trì tốc bất đồng luân
DỊCH NGHĨA
-       Chơn tâm thanh tịnh viên mãn lại nhiệm mầu, như biển đứng lặng và rộng sâu.  Vì vọng động chiếu soi (phân biệt) nên sanh ra có cảnh bị chiếu (bị phân biệt).  Khi năng, sở đã vọng sanh, thì cái “tánh chơn” lại ẩn (chiếu tánh vong).
LƯỢC GIẢI
            Như biển đứng lặng lóng trong, vì xao động nên thành sóng, lúc bấy giờ tánh trong lặng của nước bị ẩn đi v.v...
*
            Từ mê muội vọng động cho nên có hư không, nhơn hư không mà có thế giới.  Những vọng tưởng si mê lóng lại thành ra thế giới, còn cái phân biệt hiểu biết thì làm chúng sanh.
            Hư không sanh ở trong chơn tâm rộng lớn này, cũng như chùm bọt nổi trên mặt biển.  Thế giới nhiều như vi trần đều y hư không mà sanh; khi bọt tan cũng như hư không diệt, thì hằng sa thế giới đều tiêu hết.
            Trở về chơn tâm thì đồng một, nhưng trên đường tu có nhiều phương tiện.  Ðối với bực Thánh, tu pháp nào cũng đều là phương tiện cả.  Còn đối với kẻ sơ tâm tu hành lại có khó và dễ, bởi căn cơ không đồng.  Hôm nay con xét 25 pháp tu của các vị Thánh vừa trình bày, thì duy có pháp tu nhĩ căn (tai nghe) của ngài Quán Âm mới là viên thông.
III   Chúng sanh ở thế giới ta bà này nhờ có nghe pháp mới biết đường lối tu hành
Bạch Thế Tôn, Phật ra đời ở thế giới Ta bà này, dùng âm thanh nói pháp để giáo hóa chúng sanh.  Chúng sanh nhờ có nghe tiếng của Phật nói pháp mới biết đường lối tu hành được thanh tịnh.  Hôm nay muốn đặng chánh định, quyết phải nhờ có nghe rồi mới tu được.
IV.  Công năng của nhĩ căn (tai nghe)
Bạch Thế Tôn, như lời Ngài Quán Thế Âm nói: “Ngài ở chỗ thanh vắng, mười phương đồng đánh trống, nhứt thời dồng được nghe”; nên duy có nhĩ căn (tai nghe) mới được viên thông.  Mắt xem còn bị cách ngại; miệng, mũi, thân và ý cũng không bằng, chỉ có nhĩ căn là hơn hết.  Mặc dầu bị cách vách, hay tiếng ở xa gần, tai đều nghe được cả, nên nhĩ căn mới thật là viên thông.
Âm thanh khi có, khi không, còn cái nghe lúc nào cũng có.  Khi không có tiếng, thế gian nói rằng: “không nghe”; thật ra chẳng phải “cái nghe” không có.  Không tiếng, cái nghe không diệt; có tiếng, cái nghe cũng không sanh.  Bởi cái nghe không có sanh và diệt, nên nó mới thật là thường.
Dầu cho ở trong chiêm bao, tâm không có suy nghĩ phân biệt, mà “cái nghe” ấy cũng không mất (vì khi chiêm bao vẫn còn nghe tiếng chày giã gạo).  Cái nghe, nó thoát ngoài tâm niệm suy nghĩ phân biệt, nên thân và tâm (thức thứ sáu) đều không bằng (không bằng tiếng nghe).
V.                 Ngài Văn Thù quở trách ông A Nan học nhiều mà không tu
- Nay chúng sanh ở thế giới Ta bà này, nhờ có nghe nói chỉ dạy, nên mới hiểu biết tu hành.  Song chúng sanh vì mê cái “tánh nghe thường còn” của mình, cứ chạy theo tiếng nói phân biệt, cho nên mới bị lưu chuyển.
            A Nan, ông tuy học rộng nhớ nhiều, nhưng vì chạy theo vọng trần phân biệt, nên không khỏi đọa lạc theo tà.  Nếu ông xoay cái nghe trở vào tự tánh, thì sẽ đặng hết vọng.
            A Nan, ông nên chú ý nghe: Tôi vâng oai thần của Phật, nói pháp môn tu hành này.  Ông đem cái nghe của ông, nghe tất cả pháp môn thâm mật của chư Phật, nhiều như vi trần, nếu các phiền não dục lậu không trừ, thì cái nghe càng thêm lầm lỗi.  Ông biết đem cái nghe của ông, nghe các pháp môn của chư Phật, sao ông không đem cái nghe đó, trở lại nghe “tánh nghe” (chơn tánh) của mình.
            A Nan, cái “nghe” nó không phải tự nhiên sanh, do có tiếng (thinh trần) nên mới gọi rằng “nghe”.  Nếu xoay cái nghe trở vào tự tánh, không chạy theo tiếng, thế là thoát ly được cái tiếng (thinh trần) lúc bấy giờ cái nghe này cũng không còn gọi tên là nghe nữa (vì không còn đối đãi, nên chẳng tên kêu gọi).  Một căn (lỗ tai) đã được phản vọng trở về chơn rồi, thì cả sáu căn cũng đều được giải thoát.
            A Nan, các trí giác: thấy, nghe, hay, biết của ông đó, đều là hư huyễn, như con mắt bị nhặm.  Còn ba cõi sum la vạn tượng đây, cũng không thật, đều như hoa đốm giữa hư không.  Khi cái thấy, nghe, hay, biết xoay trở lại chơn rồi, thì cũng như con mắt kia hết nhặm.  Khi cái vọng trần tiêu hết, thì tâm ông được thanh tịnh.
LƯỢC GIẢI
            Vì vọng động cho nên mới có thấy, nghe, hay, biết là năng phân biệt.  Bởi có năng phân biệt, nên mới có cảnh bị phân biệt là ba cõi muôn vật.  Ðến khi năng phân biệt hết, thì cảnh bị phân biệt cũng tiêu, lúc bấy giờ chơn tánh hiện bày.  Cũng như vì mắt nhặm nên mới thấy hoa đốm, đến khi nhặm  hết thì hoa đốm không còn, và chỉ còn con mắt trong sáng.
*
            Khi tâm hoàn toàn thanh tịnh rồi, thí cái trí quang sáng suốt hiện ra.  Lúc bấy giờ chơn tâm ông vừa tịch tịnh lại vừa chiếu soi, bao trùm khắp cả mười phương hư không thế giới, lúc bấy giờ ông trở lại xem cảnh vật hiện tiền ở thế gian này, cũng như là việc trong chiêm bao.  Khi ông được như thế rồi thì nàng Ma đăng già ở trong mộng kia làm gì bắt ông được!
            Sáu căn của ông cũng thế, gốc từ nơi tâm, vì vô minh vọng động thành ra sáu căn, nếu một căn được phản vọng về chơn rồi, thì sáu dụng kia (sáu giác quan) đều không thành.  Nếu trần cấu còn thì ông vẫn còn ở địa vị hữu học (còn phải tu).  Khi trần cấu hết, thì tâm tánh ông được hoàn toàn sáng suốt, đó là Phật.
            A Nan, ông chỉ xoay cái nghe của mình trở về chơn tánh, không chạy theo phân biệt vọng trần bên ngoài, thì ông liền thành đạo vô thượng, đây thật là pháp tu viên thông.
            Các đức Phật nhiều như số vi trần cũng đều do một con đường này mà đến cửa Niết bàn.  Hiện tại các vị Bồ tát và những người tu  hành đời sau, đều y pháp môn này mà thành đạo.  Chính tôi cũng nhờ pháp môn này mà được chứng quả, đâu phải một mình Ngài Quán Thế Âm tu mà thôi.
            Nay Phật dạy cho con lựa pháp môn tu hành, để cho người đời sau tu hành mau thành đạo quả, thì duy có pháp tu của Ngài Quán Thế Âm là hơn hết.  Còn bao nhiêu các pháp tu hành khác, đều nhờ oai thần của Phật gia hộ mới được thành tựu.  Các pháp ấy đều từ nơi sự tướng mà dẹp trừ trần lao, nên không phải là một phương pháp trường kỳ tu tập.
            Kính lạy đức Như Lai, xin Ngài gia hộ cho chúng sanh đời sau, đối với pháp môn này không còn mê lầm.  Bạch Thế Tôn, phương pháp này rất là dễ tu, mau được thành đạo quả, có thể đem dạy A Nan và chúng sanh đời sau, y theo đây tu hành thì hơn các phương pháp khác.  Ðây là do lòng thành của con lựa chọn như thế.
VI.              Các vị nghe pháp được chứng ngộ
A Nan và đại chúng nghe ngài Văn Thù nói bài kệ rồi thì tâm tánh đều được khai ngộ, đối với quả Phật Bồ đề và đại Niết bàn hiểu rất rành rõ, cũng như người đi xa quê hương, đã biết rõ con đường về nhà, nhưng chưa có dịp trở về.  Trong đại hội có vô số Thiên, Long, Bát bộ, các hàng nhị thừa hữu học và các vị Bồ tát mới phát tâm, đều được xa lìa trần cấu, ngộ được chơn tâm.  Bà Tánh Tỳ kheo ni nghe bài kệ này rồi, đặng thánh A La Hán và vô lượng chúng sanh đều phát Bồ đề tâm.
 
_______________________
LƯU Ý:            Từ trước đến đây là nói về phần y ngộ đốn tu
Từ đây về sau là nói phần tiệm tu
 
VII.  A Nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp để độ chúng sanh đời sau
A Nan cúi đầu lạy Phật kính cẩn thưa rằng:  -Bạch Thế Tôn, con nay đã hiểu pháp môn tu hành để thành Phật rồi; trên đường tu hành con không lầm lạc nữa.  Nhưng con thường nghe Phật
dạy:
“Người chưa được ngộ mà muốn độ người, đó là tâm Bồ tát.  Còn người đã được giác ngộ hoàn toàn, rồi giác ngộ cho người, đó là việc làm của Như Lai”.  Nay con chưa được độ tất cả chúng sanh đời sau.
              Bạch Thế Tôn, tất cả chúng sanh đời sau cách Phật càng xa, lại gặp chúng tà sư ngoại đạo nói pháp nhiều như cát bụi.  Vậy nếu có chúng sanh phát tâm tu hành, thì làm sao để tránh xa các ma chướng, đối với con đường với con đường Bồ đề, tâm không thối lui?
VIII.         Phật dạy phải tu giới, định, huệ
Phật khen A Nan và dạy rằng: -Ông hỏi phương pháp tu hành để độ chúng sanh trầm luân đời sau, vậy ông nên chú ý nghe, ta sẽ vì ông chỉ dạy.
-  Này A Nan, ông đã thường nghe ta dạy, người tu hành quyết định phải đủ ba điều cần yếu:
Dùng giới luật nhiếp phục tự tâm
Nhơn giữ giới, tâm mới sanh định
Nhơn định, tâm phát huệ
Ðây gọi là ba món tu vô lậu.
(Vì tu ba phép này, thì không còn sa đọa)
LƯỢC GIẢI
Ngài An Pháp sư nói:  “Giới, định, huệ là cái cửa của người và đạo, cũng là cái ải trọng yếu để vào thành Niết bàn”.
Ngài La Thập Pháp sư nói:  “Trì giới mới hay chiết phục được phiền não làm cho phiền não yếu thế.  Thiền định như bốn cái núi để ngăn giòng nước phiền não.  Trí huệ diệt được hết phiền não”.
Trong kinh Niết bàn nói: “Có phiền não thì không trí huệ, có trí huệ thì không phiền não”.
*
IX.  Ðây nói về đại thừa tâm giới có bốn: dâm, sắc, đạo, vọng
            A.  Trước đoạn lòng dâm: -A Nan, tại sao dùng giới luật để nhiếp phục tự tâm?
- Này A Nan, nếu các chúng sanh trong tâm không còn nghĩ đến việcx dâm dục nữa, thì sẽ ra khỏi sanh tử luân hồi.
Ông tu hành quyết cầu ra khỏi trần lao, nếu tâm dâm dục không trừ, thì cảnh trần lao không bao giờ ra khỏi.  Dầu cho ông hiện tiền đặng nhiều trí huệ và thiền định, cũng sẽ đọa vào ma đạo.  Thượng phẩm làm ma chúa, trung phẩm làm ma dân, hạ phẩm làm ma nữ.  Các loài ma kia cũng đều có đồ đệ và tự xưng đã thành đạo vô thượng Bồ đề.
Sau khi ta nhập diệt rồi, vào đời mạt pháp, chúng ma này rất thạnh hành trong thế gian, ưa làm việc tham dục, xưng là thiện tri thức của chúng sanh, khiến cho chúng sanh đọa vào hầm tà kiến, mất con đường Bồ đề.
A Nan, ông tu thiền định, nếu không đoạn lòng dâm, thì cũng như người nấu cát muốn cho thành cơm, dầu trải bao nhiêu kiếp cũng không thể thành cơm được.
Ông đem tâm dâm dục để cầu quả Phật, dầu cho ông có được diệu ngộ đi nữa, cũng không ra khỏi tam giới, vì gốc của nó là dâm thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được; huốn chi quả Niết bàn của Phật, ông làm sao chứng được.
Nên quyết định phải đoạn trừ dâm cơ: trong tâm ngoài thân đều đoạn, cho đến cái biết đoạn cũng không còn, được như thế thì đối với quả Phật Bồ đề, ông mới có hy vọng!
Vậy ông nên dạy người tu hành, điều thứ nhứt là quyết định phải đoạn trừ lòng dâm, đây là lời chỉ dạy sáng suốt trong sạch của ta và của các đức Phật quá khứ.  Như lời ta dạy đây mới gọi là Phật nói, trái lại là Thiên Ma Ba tuần nói.
LƯỢC GIẢI
Ðây là Ðại thừa giới, cao siêu và khó hơn Tiểu thừa giới nhiều.  Nếu tâm còn nghĩ tưởng đến dâm, sắc, đạo và vọng, thế là phạm giới rồi.
Tổ Ðơn Hà dạy: “Nếu người chưa tỏ ngộ được chơn tâm thanh tịnh của mình, thì hột giống dâm còn ẩn núp”.  Nói cho dễ hiểu, nếu còn vô minh, thì chơn tâm sáng suốt chẳng hiện, thế là giới thể chưa thanh tịnh.
Phật tử đọc đến đoạn này, chớ nên t hấy khó mà nản lòng.  Phải biết rằng việc tu hành cũng như lóng nước để lâu quyết định sẽ trong, và cũng như lột bẹ chuối, lột mãi sẽ đến lỏi.
Người tu hành cũng thế, trước đoạn phần thô thiển ngoài thân, sau dần dần trừ đến phần tế nhị trong tâm, lâu ngày thành tánh quen, thì quyết định có ngày sẽ được thanh tịnh.  Ðiều cốt yếu là nên nhớ lời Phật dạy có bốn chữ “bất tùy phân biệt”.  Nghĩa là khi đối cảnh không khởi vọng niệm phân biệt, thì tham, sân, si không khởi.  Tham, sân, si không khởi thì sát, đạo, dâm chẳng sanh.  Ðây là lối tu tắt của Ðại thừa, để trở lại với chơn tâm thanh tịnh.
*
B.     Ðoạn lòng sát hại:  A Nan, nếu các chúng sanh trong tâm không nghĩ tưởng đến việc sát hại, thì không còn bị sanh tử luân hồi nữa.  Ông tu hành quyết cầu ra khỏi trần lao, nếu ông không đoạn trừ tâm sát hại, thì cảnh trần lao không bao giờ ra khỏi.  Dầu cho hiện tiền ông được nhiều trí huệ hay thiền định, nếu không đoạn tâm sát hại, thì ông chỉ đọa vào thần đạo.  Bực thượng làm Ðại lực quỷ, bực trung làm Phi hành dạ xoa và các loài quỷ soái, bực hạ làm Ðịa hành La sát và các quỷ thần.  Các loài quỷ thần này cũng có đồ đệ, đều tự cho mình thành đạo vô thượng.
Sau khi ta diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, các loài quỷ thần này rất thạnh hành trong thế gian, và tuyên bố rằng “Ăn thịt cũng được Bồ đề”.  A Nan, trước kia ta cho các ông ăn ngũ tịnh nhục, là vì ở nhằm địa phương đất chai, nhiều đá sỏi, không trồng rau cải đưọc, nên ta tạm cho các ông dùng.  Sau khi ta diệt độ rồi, tại sao những người ăn thịt  chúng sanh, mà cũng xưng là tăng lữ.
LƯỢC GIẢI
Trong kinh Lăng Già, Phật dạy Ngài Ðại Huệ Bồ tát:  “Ta trước kia phương tiện cho các ông ăn năm thứ thịt hoặc mười thứ, hôm nay tất cả đều cấm tuyệt”.
*
A Nan, những người ăn thịt, dầu cho có đặng tâm trí khai ngộ, cũng thành quỷ Ðại la sát, đến khi mãn kiếp quỷ La sát rồi, quyết định phải trầm luân trong biển khổ sanh tử.  Giết hại ăn thịt lẫn nhau, thì làm sao ra khỏi sanh tử luân hồi được.
A Nan, ông tu thiền định, nếu không trừ tâm sát hại mà muốn cầu được đạo, thì cũng như người tự bịt hai lỗ tai của mình, la tiếng thiệt lớn, mà muốn cho mọi người không nghe, thì không thể được.
  Ðây là lời sáng suốt trong sạch của ta cũng là lời các đức Phật quá khứ đã chỉ dạy.  Như lời ta dạy đây mới gọi là Phật nói, trái lại là Thiên Ma Ba Tuần nói.
C.     Ðoạn trừ trộm cướp: A Nan, nếu các chúng sanh, trong tâm không nghĩ tưởng đến đến việc (tham lam) trộm cướp, thì không còn sanh tử luân hồi nữa.  Các ông tu hành quyết cầu ra khỏi cảnh trần lao, nếu tâm (tham lam) trộm cướp không trừ, thì không bao giờ ra khỏi.
Dầu cho hiện tiền ông đặng nhiều trí huệ hay thiền định, nếu không đoạn tâm (tham lam) trộm cướp thì quyết định đọa vào tà đạo, bực thượng làm loài tinh linh, bực trung làm loài yêu mỵ, bực hạ làm người tà, bị các loài tinh yêu này nhập (dựa).  Bọn ngày cũng có đồ đệ, đều tự xưng rằng đặng đạo vô thượng.
Sau khi ta diệt độ rồi, trong đời mạt pháp, chúng tinh yêu tà mị này rất thạnh hành trong đời, tự xưng là thiện trí thức, dối gạt phỉnh phờ người, khiến cho người mất tâm chánh tính; chúng nó đi đến đâu thì làm cho người tiêu hao tài sản đến đó.
A nan, ông tu thiền định, nếu không đoạn trừ tâm trộm cướp, mà muốn cầu cho được đạo quả, thì cũng như người rót vào chén bể, mà muốn cho đầy, dầu trải bao nhiêu kiếp cũng không thể đầy được.  Ông nên dạy người tu  hành, điều t hứ ba là quyết định phải đoạn trừ tâm trộm cướp.  Ðây là lời nói sáng suốt trong sạch của ta cũng như của các đức Phật quá khứ.  Ðúng như lời ta dạy gọi là Phật nói, trái lại là Thiên Ma Ba Tuần nói.
*
D.        Ðoạn trừ vọng ngữ:  A Nan, nếu các chúng sanh, đã giữ hoàn toàn ba hạnh trên là không sát, đạo, dâm rồi mà còn đại vọng ngữ, thì tâm cũng không thanh tịnh, mất hột giống Phật, thành ma ái kiến.  Thế nào là đại vọng ngữ?  Nghĩa là chưa đặng đạo nói mình đặng đạo, chưa chứng quả nói mình chứng quả.  Ðối với người đời, nói: “Ta đã chứng Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát và Phật”, để trông cầu người lạy cúng.  Những người nói dối như thế, làm tiêu diêu hột giống Phật, sẽ đọa vào trong biể khổ.  Cũng như cây Ða la khi bị chặt đứt đọt rồi (như cây cau xứ ta) thì không thể mọc chồi đâm tược được.
A Nan, ta có dạy các vị Bồ tát và A La Hán: “Sau khi ta diệt độ rồi, các ông phải thị hiện thân hình, trong đời mạt pháp để cứu độ các chúng sanh đang trầm luân, làm thầy sa môn, cư sĩ, vua, quan, đồng nam, đồng nữ, cho đến hiện đàn bà góa, kẻ dâm nữ, người gian giảo, kẻ trộm cướp, người hàng thịt, kẻ buôn bán, để lẫn lộn trong từng lớp người, chung một nghề nghiệp, đặng giáo hóa chúng sanh trở về chánh đạo”.
Nhưng các vị ấy quyết chẳng bao giờ nói: “Ta đây thật là Bồ tát hoặc A La Hán v.v.” hay tỏ ra một vài cử chỉ gì làm tiết lộ sự bí mật, để cho người ta biết mình là Thánh nhơn thị hiện.  Chỉ trừ sau khi mạng chung rồi, các vị ấy mới âm thầm để lại một vài di tích cho người biết thôi.
LƯỢC GIÁI
Các Phật tử đọc đến đoạn này nên chú ý:  Phật và Bồ tát thị hiện, chúng ta không thể biết được; nếu chúng ta biết được thì đó không phải thiệt Phật hay Bồ tát.  Chỉ trừ khi nào các vị ấy cởi bỏ xác phàm, mới lưu lại một vài di tích, lúc bấy giờ chúng ta mới biết được.  Nhưng khi biết, thì không gặp các Ngài nữa.
Như Tổ Ðạt Ma hiện thân đến Trung Quốc, vua Lương Võ Ðế không biết; đến khi biết được Ngài là Thánh thì không còn thấy được Ngài.
Vậy hiện nay những người tự xưng mình là Phật hay Bồ tát v.v... giáng thế, thì căn cứ vào đoạn kinh này, chúng ta thấy rõ ràng và chắc chắn không phải thiệt Phật hay Bồ tát rồi, chớ nên tin mà bị hại.
*
A Nan, chính thật Bồ tát hay A La Hán thị hiện, mà còn không cho người biết, tại sao những người phàm phu lại dám mạo xưng là Phật, Bồ tát, v.v...  Cũng như người cùng đinh, mà mạo xưng mình là Ðế vương, thì sẽ bị tội tru diệt.
A Nan, nếu người tu hành, không đoạn trừ đại vọng ngữ, mà muốn được đạo, thì cũng như người lấy đồ hôi tanh, tô đắp thành cái hình chiên đàn, muốn cho thơm chừng nào lại càng hôi chừng nấy.  Cái nhơn đã chẳng ngay, thì kết quả phải cong vậy.  Những người như thế mà cầu quả Phật Bồ đề, thì cũng như người muốn tự cắn rún của mình, làm sao cắn được.
A Nan, ông nên dạy người tu hành điều thứ tư là quyết định phải đoạn trừ đại vọng ngữ.  Ðây là lời nói sáng suốt trong sạch của ta, và các đức Phật quá khứ chỉ dạy.  Ðúng như lời ta dạy đây thì gọi là Phật nói, trái lại là Thiên Ma Ba Tuần nói.
LƯỢC GIẢI
Bốn đoạn trên Phật ân cần nhắc nhở, nói đi lặp lại nhiều lần.  Phật tử chúng ta nên ghi xương tạc dạ những lời vàng ngọc chỉ dạy rất thống thiết của đức Từ phụ 
--o0o--