PHẬT HỌC CƠ BẢN
KIẾN THỨC
CĂN BẢN PHẬT GIÁO
 
 
CHƯƠNG 1
 
KHÁI NIỆM
 
1.- KHỞI NGUYÊN PHẬT GIÁO
Xã hội Ấn-Độ lúc bấy giờ (năm 624 trước kỷ nguyên Tây lịch) chia ra thành nhiều giai cấp khác nhau. Mỗi giai cấp giữ một thế sinh hoạt riêng biệt. Lịch sử còn chứng minh có ít nhất là bốn giai cấp, trong mỗi giai cấp đều có sự bất bình đẳng không thể tưởng tượng được trong kiếp người !
Giai cấp đứng đầu là Bà-La-Môn (Blamon) hay giáo sĩ chuyên việc tế tự và có uy tín tuyệt đối trong đám quần chúng. Thứ đến là giai cấp Sát-Đế-Lợi (Ksatrya) hay dòng dõi vua chúa có uy quyền tối cao, chi phối toàn thể dân tộc Ấn-Độ. Giai cấp thứ ba là Phệ-Xá (Vaisya) hay giới bình dân và cuối cùng là giai cấp Thủ-Đà-La (Sudra) tức là hạng người suốt đời làm nô lệ cho ba giai cấp trên, còn gọi là bất xúc dân (untouchables). Họ sống một cuộc đời cơ cực lầm than, không có quyền ăn nói và cũng không được đóng góp ngang hàng với mọi người, như một giống dân mọi rợ sống bên lề của xã hội.
Với một tình trạng xã hội đầy bất công như thế, Đức Phật Thích-Ca thị hiện ra đời tại thành Ca-Tỳ-La-Vệ, thuộc Trung Ấn-Độ vào ngày rằm tháng tư âm lịch 624 năm trước kỷ nguyên (năm nay Phật lịch là 2541 - 1997 = 544 năm). Sau khi ra đời Đức Phật nhìn thấy cảnh khổ của chúng sanh, Ngài quyết chí xuất gia tầm đạo để giải thoát cảnh khổ cho con người trong xã hội. Ròng rã suốt sáu năm tu khổ hạnh trong rừng sâu và 49 ngày nhập định dưới cây bồ-đề, Đức Phật đã giác ngộ được đạo quả Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch. Bánh xe pháp bắt đầu chuyển lần đầu tiên tại vườn Lộc-Uyển để độ cho năm người bạn đồng tu với Ngài lúc trước là các ông Kiền-Trần-Như bằng pháp Tứ-Đế và chính năm vị tỳ kheo nầy liền sau đó đều chứng quả A-La-Hán.
Lịch trình và khởi nguyên của Phật giáo qua nhiều chặng đường lịch sử do sự chứng ngộ mà Phật đã đạt được để dẫn dắt người đời đồng tu đồng chứng qua câu nói muôn đời bất diệt của Ngài :
"Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành".
2.- PHẬT GIÁO THÀNH HÌNH TỪ LÚC NÀO ?
Phật giáo chỉ thật sự thành hình sau khi đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni ra đời, hành đạo và chứng quả. Phật giáo, do chữ Phật (Buddha) ghép chung với chữ Pháp (Dharma) tức là giáo pháp của Ngài mà thành một tôn giáo hay một triết thuyết.
Sự xuất thế của đức Phật Thích-Ca trải qua các giao đoạn thực hành phương pháp tu tập, giác ngộ chân lý và thuyết pháp giáo hóa chúng sanh suốt trong 49 năm tại thế là một bài học sống động, hùng hồn nhất trong lịch sử xã hội loài người. Phật vì một đại sự nhân duyên là "khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" (chỉ bày cho chúng-sanh giác-ngộ được trí-tuệ sáng-suốt Phật tánh) mà hiện thân ra cỏi đời. Ngài không đến với loài người bằng uy quyền, thế lực mà đến với một tâm đại từ-bi, đại hùng-lực để dẫn dắt con người tu-tập pháp lành và cầu đạt được chân-lý giải-thoát mọi sự khổ ở đời.
Lịch-sử chứng-minh rõ-ràng, sau khi Phật nhập diệt, giáo pháp của Ngài được các chúng đệ tử kiết tập lại thành giáo điển qua bốn lần diễn ra tại những địa điểm và thời gian khác nhau. Điều nầy còn chứng tỏ rằng Phật giáo đã thành hình ngay từ khi đức Phật còn tại thế và suốt trong 25 thế kỷ trôi qua với biết bao nhiều triều đại đã sụp đỗ mà giáo pháp của Phật và sự hiện diện của Phật giáo trong xã hội loài người khắp nơi trên mặt trái đất vẫn còn tồn tại mãi mãi với thời gian...
Đạo Phật là đạo như thật, lấy từ bi, trí giác soi sáng lương tâm nhân loại qua mọi thời đại để cải tạo con người và xã hội được công bằng, hợp lý trong tinh thần lợi tha, vô ngã. Vì thế các dân tộc Tây-phương ngày nay đang tìm về với triết học Đông-phương mà Phật giáo là đề tài hấp dẫn qua môn Thiền-học hay Tư-duy (meditation) để định tỉnh tâm tư mà họ đang quay cuồng trong xã hội văn minh vật chất nên không tìm ra được một lối thoát thoải mái cho đời sống nội tâm.
Sự có mặt của Phật giáo trong cuộc đời cũng có nghĩa là còn ánh sáng của chân lý soi thấu tận cùng trong tâm thức tối tăm của loài người đang tới hồi kiệt lực vì sự cạnh tranh sanh tồn của cuộc sống phức tạp, đa diện hiện nay.
3.- PHẬT GIÁO QUAN NIỆM THẾ NÀO VỀ CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI ? (NHÂN SINH QUAN)
Con người là một hợp chất do 4 yếu tố : Đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành hình và chỉ tồn tại trong khoảng thời gian hữu hạn chừng trăm năm, rồi các yếu tố vật chất kia đều tan rã trở về nguyên trạng thái cũ, còn phần thần thức đi đầu thai làm kiếp khác do một nghiệp lực dẫn dắt đến cảnh giới an vui hay khổ sở.
Như vậy con người theo quan niệm của Phật giáo có hai phần là tinh thần và thân xác. Tinh thần không thể tồn tại ngoài thân xác, cũng như thân xác không thể thiếu tinh thần là phần trí tuệ hiểu biết, sự phán đoán đúng sai mọi sự mọi vật. Vì thế, sống ở đời con người cố gắng tu sửa hành vi, ngôn ngữ, tư tưởng ... để khi thân xác nầy tan rã được sanh về cảnh giới an lành.
Chư Phật xuất thế, các vị Bồ-Tát hiện thân ra đời đều mang thân xác như người, nhưng các Ngài giác ngộ được nhờ vận dụng tinh thần và chuyên tâm tu tập mà thành tựu viên mãn. Cuộc đời nầy được coi như là cỏi tạm và con người chỉ hiện diện được theo đúng chu kỳ có giới hạn rồi thân xác lại trả về cho 4 trạng thái như lúc ban đầu và tinh thần rời khỏi xác để nương vào một lớp khác mà tồn tại. Do đó, câu nói "sống gởi thác về" để chỉ cho cỏi thế gian lúc ta sống và sau khi chết sẽ về một cảnh giới an lành khác là thế giới Cực-Lạc của đức Phật A-Di-Đà. Nơi đó vĩnh viễn không già, không chết mà mọi người được sống đời an lạc tự tại. Đó là quan niệm theo pháp môn tu Tịnh-Độ, còn người thực hành pháp tu Thiền-Định một khi tỏ ngộ được chân tâm tức kiến tánh thành Phật. Nếu không tận lực tu tập đạo hạnh, chúng ta khó mong giải thoát được các nghiệp chướng ràng buộc mà muốn được như vậy con người sống ở đời phải làm tròn bổn phận của mình để xây dựng xã hội nhân gian tốt đẹp, đó là một cách cải thiện hay trang nghiêm cõi Tịnh-Độ trong tương lai sau khi nhắm mắt lìa đời.
Việc làm đẹp cá nhân và xây dựng tâm thể vững mạnh để tạo được một xã hội có trật tự và hòa bình mà Phật giáo chủ trương, nếu không gọi là sự tích cực lành mạnh hóa cỏi đời uế trược thành cảnh Tịnh-Độ nhân gian là gì ?
4.- PHẬT GIÁO QUAN NIỆM THẾ NÀO VIỆC HÌNH THÀNH THẾ GIỚI ? (VŨ TRỤ QUAN)
Một Thái-dương-hệ gồm mặt trời, mặt trăng và trái đất gọi là vũ trụ. Phật giáo quan niệm thế nào về thế giới hiện thực mà chúng ta đang sống ?
Phật giáo không cho rằng chỉ có một thế giới duy nhất mà ngoài vũ trụ nầy còn có vô số cảnh giới khác nhau, như 33 cõi trời thuộc về Sắc-giới và Vô-sắc-giới, còn cõi thế gian nầy thuộc về Dục-giới. Theo như kinh Hoa-Nghiêm luận rằng pháp giới trùng trùng duyên khởi tức là các cảnh giới chồng chất nhau do nhân duyên hình thành. Ngoài ra, Kinh Kim-Cang chủ trương phá ngã chấp, sắc thân để chứng nhập chân tâm hay bản lai diện mục của con người, trong khi kinh Bát-Nhã với vạn pháp đều vô tướng, vì tất cả đều không tăng, không giảm, không sanh, không diệt, không dơ, không sạch ... để hướng dẫn con người đừng mê chấp vào đó mà bị kẹt không thoát ra được ngoài quan niệm thường tình của thế gian về sự vọng chấp qua tướng mạo, hình dung.
Vũ trụ nầy hình thành là do các nhân duyên hợp lại và tồn tại đúng chu kỳ rồi cũng bị hoại diệt như con người qua 4 thời kỳ : Thành, trụ, hoại, không. Vì căn thân và thế giới có là do nơi mỗi niệm của chúng sanh mà tồn tại, cũng như vũ trụ chỉ là một tập hợp các tinh thể lại và đây chỉ là một trong những cõi khác nhau, không có gì lớn lao, vĩ đại cả. Hơn nữa, vũ trụ không làm áp đảo được con người mà chính loài người ngày nay đã chinh phục được cả vũ trụ như việc thám hiểm cung trăng qua những cuộc bắn hỏa tiển và đưa người vào không gian. Điều khoa học khám phá ra được hiện giờ đủ chứng minh cho thấy rằng những lời dạy của đức Phật cách đây 25 thế kỷ vẫn là chân lý và sẽ còn được nhân loại triển khai ở các mức độ khác nhau do tầm hiểu biết của con người.
Vũ trụ được quan niệm một cách có khoa học như Phật giáo, điều nầy có nghĩa là ngày nào khoa học kỹ thuật càng tiến bộ thì Phật giáo càng đứng vững vàng trong phạm vi nghiêm cứu về thế giới hữu hình và vô hình.
5.- PHẬT GIÁO VÀ TRIẾT HỌC
Phật giáo là một tôn giáo hay triết học ? Câu hỏi nầy được nêu ra và mãi cho đến trong khoảng thời gian gần đây, khi khoa học tiến bộ, nhất là về khoa nhân chủng học (khoa học nhân văn), khoa-học xã-hội, tôn-giáo, xã-hội-học ... đã tìm ra được lời giải đáp cho vấn đề trên một cách thỏa đáng.
Phật giáo với kho tàng kinh điển phong phú gồm Kinh, Luật, Luận gọi là tam tạng mà trong đó chỉ dẫn phương pháp tu tập rõ ràng rành mạch để giúp cho con người vượt ra khỏi cảnh giới tối tăm đau khổ của thế gian và đạt đến quả vị giải thoát an vui. Đối với muôn loài vạn vật trong các cõi, nếu biết áp dụng đúng cách, chúng sinh cũng đều được quả báo tốt đẹp trong kiếp tương lai. Như thế, chúng ta có thể gọi Phật giáo là một tôn giáo. Nhưng nếu chỉ luận như trên rồi dừng lại và cho rằng Phật giáo là tôn giáo như nhiều tôn giáo khác hẳn không được đúng. Vì sao ? Ngoài sự hiện hữu của muôn vật trong vũ trụ ra, Phật giáo còn chủ trương có các cảnh giới khác nhau. Các cảnh giới đó ở trọng 3 cõi : Dục-giới, Sắc-giới và Vô-sắc-giới. Mỗi một cảnh giới đều có sự cấu tạo theo một chu kỳ qua 4 giai đoạn thành, trụ, hoại, không (diệt) mà ngày nay khoa học đã khám phá ra được sự hình thành của những tinh thể quả đúng như chân lý mà đức Phật đã khám phá ra cách đây 25 thế kỷ. Điều nầy cho chúng ta kết luận được rằng Phật giáo là triết học. Đứng về mặt tu chứng và các quả vị để nhìn, người ta cho rằng Phật giáo là tôn giáo cũng đúng, còn đứng trên lý luận thành lập vũ trụ và các cảnh giới khác nhau để phân tích, chúng ta có thể kết luận Phật giáo là triết học cũng không sai.
Riêng đối với những ai ít có dịp nghiên cứu tới kinh điển của đạo Phật, có thể ngộ nhận cho rằng lối lập luận như thế nào có tính cách co dản quá, nhưng nếu đi sâu vào rừng giáo điển của Phật giáo và phóng cái nhìn ngay thật, người ta sẽ không còn có điểm nghi ngờ và hiểu thiên lệch sự vật được.
Tóm lại, Phật giáo bao hàm cả triết học và tôn giáo. Tùy theo tầm nhìn của chúng ta mà Phật giáo được quan niệm như một tôn giáo hay như môn triết học cũng đều được cả.
6.- ĐỨC GIÁO CHỦ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Đức Phật Thích-Ca Mâu-Ni (Sakya Muni) là thái tử Tất-Đạt-Đa (Shidartha), con vua Tịnh-Phạn (Suddhodana) và hoàng hậu Ma-Da (Maya), nước Ca-Tỳ-La (Kapilavastu) thuộc miền Trung Ấn-Độ.
Họ của Phật là Kiều-Đáp-Ma hay còn gọi là Cù-Đàm. Còn chữ Thích-Ca (Sakya) có nghĩa là "năng nhân", có ý nói người ưa làm việc lợi lành trong tinh thần nhân đạo và là tên của một chủng tộc ; chữ Mâu-Ni (Muni) là tịch mặc, chỉ cho sự yên tỉnh của tâm thức. Danh từ Phật chỉ có sau khi Ngài chứng được đạo quả và đạt được 3 yếu tính : Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn. Sự giác ngộ ấy do công trình tu tập tự thân mà đạt thành rồi đức Phật đem điều đã giác ngộ chỉ dạy cho nhiều người tu tập để đạt tới được sự thanh thảnh của tâm thức, cho đến khi trọn được hạnh nguyện nên gọi Phật hay Thế-Tôn, là lời tôn sùng tán dương đức Giáo-chủ Thích-Ca Mâu-Ni.
Đức Phật nhờ công tu hành mà đạt được đạo. Ngài không như một vị thần quyền thế lực, cũng như không do phép thần linh biến hiện ra đời. Từ là một Thái-tử, Ngài vượt ra sự ràng buộc của những lạc thú vật chất để quyết chí xuất gia tìm ra chân lý cứu độ chúng sinh đang trầm luân trong biển khổ. Chính ý chí cương quyết, dứt khoát ấy, đức Phật đã vượt qua các pháp tu khổ hạnh trong 6 năm và chứng ngộ được đạo quả vào một buổi bình minh ngày mồng 8 tháng 12, sau khi đã trải qua 49 ngày tư duy dưới gốc cây Bồ-Đề với lời thề nguyền sắt đá : "Nếu không thành đạo chứng quả, dù thịt nát xương tan, ta quyết không rời khỏi chỗ ngồi nầy".
Sau khi chứng được đạo quả, đức Thế-Tôn đi chu du khắp xứ Ấn-Độ thuyết pháp độ sanh trong 49 năm và cuối cùng Ngài vào Niết-Bàn tại thành Câu-Thi-Na trong rừng cây Ta-La Song-Thọ. Ngài thọ được 80 tuổi. Phật nhập diệt rồi, giáo pháp của Ngài được các hàng đệ tử kết tập thành 3 tạng : Kinh, Luật, Luận và truyền lại mãi cho đến ngày nay.
Đức Phật Thích-Ca đã đến với nhân loại và mang lại cho loài người một bài học quí giá như phương thuốc chữa cơn bịnh trầm kha, nếu thực hành đúng ta sẽ thấy sự ứng nghiệm hoàn toàn, tức đạt đến chỗ giải thoát, giác ngộ như Phật.
7.- GIÁO PHÁP
Phật giáo gồm một hệ thống triết lý đa diện, cống hiến cho xã hội loài người mặt an sinh và tu chứng.
Mặt an sinh xã hội, Phật giáo chủ trương thế giới đại đồng huynh đệ trong tình tương thân tương ái ; còn về mặt tu chứng, với phương pháp tu hành đạt đến giải thoát khỏi luân hồi, sanh tử để chứng nhập vào cảnh Niết-Bàn (Nirvana) tịch tịnh an vui.
Phật giáo vì thế được quan niệm như là một tôn giáo, một triết lý sống thực, một siêu hình học hay là một mớ giáo điều mê tín dị đoan như người duy vật nhận xét thì Phật giáo vẫn giữ được nguyên cương vị của nó trên mọi bình diện khách quan. Vì chân lý không bao giờ thay đổi trước bất cứ một thế lực hay khuynh hướng chánh trị nào. Điều nầy đủ chứng tỏ cho thấy giáo pháp của Đức Phật suốt trên 2500 năm lịch sử vẫn giữ được địa vị độc tôn mà không bị sự chi phối bởi không gian và thời gian. Dù chúng ta đứng ở khía cạnh nào để nhìn đi nữa, Phật giáo vẫn đúng theo tầm nhận xét của con người trong mọi thời đại. Một ví dụ cụ thể hơn, trong các nước thuộc Xã-hội Chủ-nghĩa ngày nay, người Cộng-sản cho rằng tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng, lừa bịp một số người nhẹ dạ, dễ tin. Mục đích của họ là cố tách rời số tín đồ đông đảo đang tinh theo tôn giáo bằng những lối tuyên truyền độc đáo, nhưng âm mưu chánh trị nầy đã bị phơi bày trước ánh sáng của chân lý. Chúng ta khẳng định một cách dứt khoát rằng, không riêng ở Việt-Nam ngày nay mà ở bất cứ một quốc gia nào đạo Phật đã thâm nhập vào trong lòng dân tộc đó rồi thì cái tinh ba của Phật giáo như một chất keo gắn liền với con người bản xứ vậy.
Phật giáo luôn luôn tồn tại dưới bất cứ một chế độ chánh trị nào, nếu bị tiêu diệt, đó cũng chỉ là một hình thức Phật giáo mà không ai có thể tẩy xóa được đức tin sâu xa của người Phật tử !
8.- TỨ ĐẾ LÀ GÌ ? HÌNH TƯỚNG VÀ SỰ ẢNH HƯỞNG RA SAO ?
Tứ-Đế hay còn gọi là Tứ-Thánh-Đế là bốn pháp căn bản để làm trợ duyên cho việc tu tập đạt đến chân lý, tức là thấu triệt được cái chân tướng của vạn vật vậy.
Tứ-Đế không có hình tướng, vì cái Khổ không thể hình dung ra được nó lớn, nhỏ, dài, ngắn là thế nào cả nên gọi Khổ đế (đế là điều chắc thật). Những hạt mầm kết tụ lại từ nhiều đời, tức là sức chứa nhóm trong "Tập-Đế". Khi nào ta trừ được cái khổ, không cho dây dưa những hạt mầm nẩy nở nữa, đó là "Diệt-Đế". Cuối cùng đạt đến chân lý trong phần "Đạo-Đế" là phần thứ tư trong pháp bốn đế.
Đức Phật Thích-Ca đã thân chứng và giác ngộ được chân lý giải thoát dưới cội Bồ-Đề sau 49 ngày đêm tư duy và lần đầu tiên Ngài chuyển bánh xe pháp độ cho 5 anh em ông Kiều-Trần-Như tại vườn Lộc-Giả bằng pháp bốn đế.
Con người do cái khổ triền miên kết tập từ lâu đời nên phải chịu trong vòng luân hồi, sanh tử. Quan sát cái khổ và nguyên nhân phát sinh ra khổ để tận diệt thì những mầm mống khổ, những ý niệm sai lầm cũng tiêu tan, tức là ta đã tìm cách diệt được nguyên nhân của khổ. Một khi cái khổ không còn thì con đường đạo sẽ rộng mở thênh thang, để chúng ta ung dung tự tại đi tới cứu cánh của đạo giải thoát. Trong pháp bốn đế có thể chia ra hai phạm vi : thế tục và xuất thế. Khổ và Tập thuộc về tục đế, còn Diệt và Đạo thuộc về thánh đế. Sống ở đời con người biết là khổ nhưng không làm sao tránh cho khỏi được khổ mà chỉ có những người tu hành ngộ đạo mới lìa khổ được vui.
Người nào muốn thực hành cái đạo chân thật phải quan sát kỹ bốn tướng trạng của pháp Tứ-Đế nầy.
Pháp bốn đế tóm lược như bảng dưới đây :
TỨ-ĐẾ
KHỒ ĐẾ TẬP ĐẾ DIỆT ĐẾ ĐẠO ĐẾ
Thế gian xuất thế gian
9.- THẬP NHI NHÂN DUYÊN LÀ GÌ ? CÓ SỰ LIÊN HỆ MẬT THIẾT NÀO GIỬA CÁC PHÁP ẤY ?
Mười hai nhân duyên là đầu mối của kiếp sống con người. Nó là hạt giống tạo ra thế giới của muôn loài vạn vật có hình dạng sai khác ở thế gian.
Con người từ khi thọ thai, cho tới khi ra chào đời, được nuôi dưỡng lớn lên, rồi tồn tại cho tới khi chết là cả một trường kỳ phấn đầu không ngừng nghỉ. Từ chỗ vô minh, con người thọ hình hài nhi do hai giọt máu huyết kết tinh của cha mẹ tạo thành và lớn dần theo năm tháng, cho đến ngày đứa bé ra chào đời là một chuổi xích liên hệ chặc chẻ với nhiều yếu tố khác nhau hợp lại. Mười hai nhân duyên gồm có : Vô-minh, Hành, Thức, Danh-sắc, Lục-nhập, Xúc, Thọ, Ái, Thủ, Hữu, Sanh, Lão Tử ; tức là do từ chỗ không sáng suốt, hành vi tạo tác, nhận thức hình sắc của vật thể dài ngắn, rộng hẹp, xấu tốt .., sáu yếu tố tạo thành cơ thể : Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đụng chạm với hoàn cảnh hay khi ra tiếp xúc với đời, thọ nhận những thứ tình cảm như yêu, ghét, đau, buồn, khổ sở, giữ chặc làm của riêng, sinh ra đời, già và chết. Do 12 nhân duyên nầy dẫn dắt con người tới bất cứ một thế giới nào do nghiệp lực đã tạo trong quá khứ cảm thọ nên. Động cơ chính thúc đẩy là do vô minh mà có căn thân và thế giới hiện thực.
Cái vòng lẩn quẩn nầy, tất cả chúng ta dù giàu nghèo, sang hèn đều không ai tránh khỏi được. Kiếp người cứ theo đó tiếp tục trôi lăn mãi không ngừng nghỉ như bánh xe lăn.
Muốn phá tan được vô minh phải tu tập để không thọ thai trong kiếp sau nữa, vì vô minh là đầu mối của dòng sanh tử vô tận.
10.- NHÂN QUẢ TRONG PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ MỘT HÌNH THỨC PHẢN KHOA HỌC TIẾN BỘ KHÔNG ?
Phật giáo quan niệm lý nhân quả một cách rộng rãi và khoa học. Vậy nhân quả trong Phật giáo có phải là một hình thức phản khoa học tiến bộ không ?
Nhân là hột mầm, quả là sự hình thành do từ cái nhân tức hạt mầm mà ra. Nhân xấu thì quả xấu và nhân tốt thì quả tốt. Đó là một quan niệm rất thực tế, như người gieo hạt hay lúa mạ lúc làm mùa. Khi gieo giống ta phải chờ một thời gian ba hoặc bốn tháng mới có kết quả được. Nhưng có khi chúng ta gieo hạt giống tốt, nhưng gặp phải khí hậu hay thời tiết xấu và sự thay đổi bất thường như hạn hán, bão lụt, dĩ nhiên cái kết quả sẽ không có được như ý ta mong muốn. Câu nói : "Nhân nào quả nấy" chỉ mới đúng được 70%, còn câu "gieo gió, gặp bão" cũng chưa hoàn toàn đúng 100% được. Cái nhân dù lớn hay nhỏ cũng là hạt giống, còn cái quả ra sao lại còn tùy thuộc nơi hoàn cảnh nữa. Phật giáo quan niệm lý nhân quả rất thực tế và chia ra làm ba thời kỳ : Hiện báo, sanh báo và hậu báo. Hiện báo là nhân và quả đồng thời xuất hiện cùng một lúc như đánh người ta sẽ bị đánh lại, kẻ trộm cướp bị giam tù ... Sanh báo là nhân gây ra xong nhưng chưa có kết quả liền mà phải chờ trong một thời gian 5 năm, 10 năm hoặc 20 năm sau quả báo mới đến, còn hậu báo là nhân và quả có khoảng cách rất xa như trong đời nầy ta gieo nhân nhưng mãi chờ cho đến đời con cháu sau nầy mới hiện thành quả báo.
Nhân quả là một chân lý đúng trong mọi trường hợp, nhưng khi nào chúng ta biết cởi mở trong việc tìm hiểu thì mới thấy rõ được chân giá trị của vấn đề rốt ráo.
11.- LUÂN HỔI TRONG PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ THUYẾT ĐỂ RU NGỦ VÀ DỖ NẠT QUẦN CHÚNG ?
Khoa học mỗi ngày càng tiến bộ thì thuyết luân hồi trong Phật giáo càng được nghiên cứu một cách rộng rãi và cởi mở, không như người duy vật vội vàng lên án thuyết luân hồi chỉ để ru ngủ và có tính cách dọa nạt những người nhẹ dạ dễ tin.
Luân là xoay vần và hồi là trở lại. Như vậy, chữ luân hồi là một cái vòng tròng lẩn quẩn không có chỗ bắt đầu, cũng như không có nơi chấm dứt. Có người đưa ra vấn nạn : nếu quan niệm luân hồi theo Phật giáo như thế thì con gà và cái trứng gà, cái nào có trước ? Nếu bảo cái trứng gà có trước con gà là một điều phi lý, vì con gà chưa có thì con gì đẻ ra được trứng gà ? Còn như cho rằng con gà có trước trứng gà lại càng phi lý hơn nữa, vì con gà cũng do từ trong cái trứng gà mà ra !
Phật giáo chủ trương chúng sanh vì còn ở trong vòng thất tình, lục dục (xem bài riêng) nên cứ mãi đắp đổi lên xuống làm cha mẹ, anh em lẫn nhau không ngừng nghỉ. Chỉ khi nào con người nói riêng và mọi loài nói chung biết tu thiện để đạt đến được đạo quả giải thoát rồi mới rảnh nghiệp đi đầu thai và thoát ra khỏi vòng luân hồi. Luân hồi thường đi kèm theo với nghiệp chướng tức là những sự ràng buộc, vướng víu. Vì thế, những nhà tu theo đạo Phật phần đông không gia đình vợ con là muốn không còn dây dưa tái sanh trở lại trong vòng lục đạo chúng sanh nữa.
Thuyết luân hồi trong Phật giáo không phản lại khoa học, trái lại khoa học càng tiến bộ bao nhiêu lại càng cần phải có lý luân hồi để bổ túc cho những thiếu sót mà khoa học chưa đủ khả năng đạt được.
Quan niệm cho rằng thuyết luân hồi là để làm mê hoặc quần chúng hay là một thứ thuốc phiện làm ru ngủ nhiều người nên cần phải xa lánh. Đây là một lối nhồi sọ phan giáo dục và bóp chết tự do của con người mà chỉ có kẽ vô thần (vô tôn giáo, vô gia đình, vô tổ quốc) mới chủ trương một cách độc đáo như thế !
Trong đời sống hằng ngày, không nhiều thì ít chúng ta đều có nghe qua những việc luân hồi có thật và chính những người sống đồng thời với chúng ta trong cùng một nơi hay khác nhau về chủng tộc, quốc gia, nhưng việc đầu thai, thoát kiếp không còn là điều xa lạ hay mới mẽ nữa.
12.- QUẢ PHÚC, BÁO ỨNG LÀ GÌ ?
Quả phúc và báo ứng là hai vấn đề nói lên khía cạnh nhân và quả thành hình liên tục trong Phật giáo.
Quả phúc là kết quả của việc làm phước. Kết quả có được là do nhờ nhiều nhân tố hợp thành. Nhân tốt thì quả tốt, còn nhân xấu dĩ nhiên kết quả sẽ xấu.  Câu ca dao :
"Cây xanh thì lá cũng xanh,
Cha mẹ hiền lành để phúc cho con".
Có liên hệ đến lý nhân quả liên tục kéo dài từ đời nầy qua đời khác. Còn báo ứng là đền trả hay thù đáp lại cũng giống như quả báo. Như vậy, quả phúc và báo ứng giống hay khác nhau ? Chữ quả phúc bao hàm cái nghĩa thiện, còn báo ứng có sự trả vay vô hình do luật nhân quả hỗ tương mà thành. Có nhiều trường hợp ta làm thiện trong đời nầy liền được hưởng báo ứng ngay gọi là hiện báo. Có người làm nhiều việc lành nhưng hiện tại chưa được đền đáp xứng đáng mà phải chờ thời gian 5, 10, 20 hoặc 30 năm sau mới có báo ứng gọi là sanh báo, nhưng đôi khi còn có những trường hợp ta ra sức làm việc thiện và chờ mãi cho tới lúc lìa đời vẫn không thấy được chút phước báo nào tới cả mà phải đợi tới đời con cháu mới được hưởng phước gọi là hậu báo. Chữ báo ứng hay quả báo vì thế có ba nghĩa : Hiện báo, sanh báo và hậu báo như đã trình bày trên đây.
Khi biết qua ý nghĩa nầy rồi, chúng ta không còn thắc mắc hay trông chờ cũng như không chán nản, thối chí đạo tâm trong bất cứ một công việc làm thiện nào, dù nhỏ đến đâu cũng phải cố gắng làm cho đến cùng và cái kết quả tốt hay xấu đưa lại đều phải vui vẽ chấp nhận, thì mới tỏ ra xứng đáng là người thực hành và hiểu lý nhân quả của đạo Phật một cách đúng mức, không thiên lệch.
Thái độ chán nản, than trách số phận, chờ mong việc tốt đến ... là những việc không phải của người Phật tử chân chánh đã hiểu sâu về ý nghĩa của nhân và quả liên tục kéo dài.
13.- NGHIỆP, NGHIỆP LỰC, NGHIỆP CHƯỚNG KHÁC HAY GIỐNG NHAU ?
Nghiệp đóng một vai trò quan trọng trong kiếp người, cho nên người Phật tử phải cẩn thận tìm hiểu vấn đề cho thật chính xác để biết được việc của chính mình làm.
Nghiệp là hành động, tức hành vi tạo tác do thân miệng và ý tạo thành. Nghiệp gồm có nghiệp lành và nghiệp ác. Phần lớn nghiệp của chúng ta tạo đều do ý chí quyết định cả. Nếu tư tưởng không nghĩ sai, hành động sẽ đúng. Nghiệp hay nghiệp lực chỉ cho hành động của ta có một sức mạnh phi thường không gì sánh nổi. Còn nghiệp chướng là hậu quả của hành động sai quấy đưa lại. Nghiệp gồm có hai loại là cộng nghiệp và biệt nghiệp, nói một cách khác là nghiệp chung và nghiệp riêng. Nghiệp chung do nhiều người tạo ra ở trong cùng một hoàn cảnh như trường hợp của một quốc gia lâm cảnh chiến tranh ; còn nghiệp riêng do chính mỗi người tạo. Cũng trong cùng cảnh binh lửa của chiến trường, chưa hẳn ai nấy đều chết theo lằn tên mũi đạn. Còn nếu phân chia theo kinh "nhân quả" dựa vào yếu tố thời gian thì nghiệp có bốn loại :
- Hiện nghiệp : Hành động nghĩ ra đều có kết quả.
- Sinh nghiệp : Phải chịu quả báo ở đời sau.
- Hậu nghiệp : Đời nầy tạo và phải chờ sang mấy đời sau mới chịu quả báo.
- Bất định nghiệp : Là hậu quả do hành động chúng ta không rõ sẽ xẩy ra lúc nào. Cũng có một lối phân chia khác : Nghiệp do nhiều đời còn lại, nghiệp do thói quen tạo ra, nghiệp cực trọng gồm cả thiện và ác, nghiệp lực lúc gần trút hơi thở lìa đời.
Những hành động của ta chưa hẳn đã mất đi khi chưa đủ yếu tố để hiện ra kết quả đó thôi. Người Phật tử biết được điều đó nên tránh gây nghiệp ác bằng cách tạo cho tư tưởng ngay chính trong đời sống để tránh quả báo chẳng lành về sau.
14.- KINH ĐIỂN TRONG PHẬT GIÁO CÓ HỆ THỐNG, THỨ LOẠI NÀO KHÔNG ?
Kinh điển của Phật giáo nhiều vô số như rừng, biển bao la mà trong thời gian 49 năm tại thế, đức Phật Thích-Ca đã giảng thuyết và được hình thành trong ba tạng Thánh giáo.
Ba tạng là Kinh, Luật và Luận. Kinh điển để cho người thọ trì, đọc tụng, học hỏi ; Luật là những điều răn cấm không cho môn đệ Ngài làm điều lầm lỗi ; còn Luận là bàn rộng các vấn đề vũ trụ, nhân sinh mà đức Thích-Ca, chư Tổ, đã tu hành đạt đạo nói ra để dạy cho chúng ta con đường tu chứng giải thoát.
Sau khi đức Phật nhập Niết-Bàn, các môn đệ của Ngài tuần tự nhóm họp tăng chúng lại biên chép những lời của Phật nói thành hệ thống, thứ loại. Trải qua bốn thời kỳ kiết tập kinh điển :
Lần thứ nhất, sau khi Phật nhập diệt, tại thành Vương-Xá, núi Kỳ-Xà-Quật, thuộc nước Ma-Kiệt-Đà, có 500 Đại-Đức, Tỳ-kheo họp lại, do ngài Ca-Diếp làm chủ tịch và ngài A-Nan trình bày mọi diễn tiến, thời gian, nơi chốn Phật nói pháp.
Kỳ kiết tập lần thứ hai sau đức Thế-Tôn diệt độ khoảng 100 năm, chúng Tỳ-kheo nhóm họp lại được 700 người tại thành Tỳ-Xá-Ly và để giải quyết các nghi vấn trong giới luật, chứ chưa biên chép kinh điển bằng văn tự.
Lần kiết tập kinh điển thứ ba, cách Phật diệt độ 200 năm do vua A-Dục triệu tập được 1000 tăng sĩ tại thành Hoa-Thị và ngài Mục-Kiền-Liên được bầu làm chủ tịch, có tổ chức biên chép kinh điển hẳn hoi.
Lần kiếp tập kinh điển thứ tư, sau Phật nhập diệt khoảng 500 năm, do vua Ca-Nị Sắc-Tra triệu tập được 1500 người gồm cả tăng, tín đồ Phật giáo tới thành Ca-Thấp-Di-La kiết tập lời dạy của Phật. Lần nầy do ngài Hiếp tôn-giả và ngài Thế-Hữu chủ tọa và kinh điển cũng được biên chép cẩn thận.
Đó là những giai đoạn hình thành kho tàng kinh điển của Phật giáo còn được truyền bá sâu rộng đến các nước trên khắp thế giới ngày nay.
15.- KINH BÁT ĐẠI NHÂN GIÁC NÓI VỀ NHỮNG GÌ ?
Bát-Đại-Nhân-Giác là 8 điều giác ngộ của bậc đại nhân, tức chỉ cho hạng Bồ-Tát vì phát nguyện rộng lớn vào đời cứu độ chúng sanh, lấy đây làm kim chỉ nam cho việc tu tập hàng ngày.
Tám điều giác ngộ là :
- Điều thứ nhất, giác ngộ được cuộc đời là vô thường. Tất cả mọi vật đều bị thay đổi, cho đến các yếu tố cấu tạo nên cơ thể đều không bền chắc và còn có tác dụng gây ra đau khổ nữa. Con người do một tập hợp các yếu tố vật chất, tinh thần mà thành, không có thực ngã, sự sanh và diệt thay đổi không ngừng, giả dối và không có chủ thể.
- Điều thứ hai, giác ngộ rằng càng nhiều ham muốn thì càng nhiều đau khổ, bởi mọi sự cực nhọc ở đời đều do lòng ham muốn mà ra. Trái lại, người ít ham muốn thì không bị hoàn cảnh chi phối. Thân và tâm đều được thư thái, nhẹ nhàng.
- Điều thứ ba, giác ngộ rằng, vì tâm ta đuổi theo danh lợi không nhàm chán, tội lỗi theo đó càng ngày càng tăng lên. Riêng đối với các bậc Bồ-Tát lại khác. Các Ngài luôn tưởng nghĩ tới điều tri túc (biết đủ), biết an vui để sống trong đạm bạc, lấy việc hành đạo và trí tuệ làm sự nghiệp lâu dài.
- Điều thứ tư, giác ngộ rằng tánh lười biếng đưa tới chỗ buông tha, vì vậy ta phải chuyên cần tu tập, phá giặc phiền não để khắc phục mọi ràng buộc, vướng mắc trong cỏi trời, người.
- Điều thứ năm, giác ngộ rằng do vô minh che lấp trí sáng suốt nên con người phải bị giam hảm trong sanh tử. Các vị Bồ-Tát nhờ học rộng, biết nhiều, phát triển trí tuệ và có tài biện luận thông suốt, nên giáo hóa chúng sanh cùng đạt tới niềm vui trọn vẹn.
- Điều thứ sáu, giác ngộ được sự nghèo khó khiến người ta dễ sinh ra oán hận và nuôi lòng căm thù, do đó càng ngày càng tạo thêm những nhân xấu. Các vị Bồ-Tát biết thế nên thực hiện phép tu bố thí. Đối với kẻ ghét, người thương đều coi bình đẳng như nhau, cũng như các Ngài bỏ qua điều ác mà người khác đã gây ra, không để tâm ghét bỏ kẻ làm điều ác đối với mình.
- Điều thứ bảy, giác ngộ được rằng năm thứ dục vọng (1) gây nên tội lỗi và tai họa. Người xuất gia tuy ở trong thế tục, nhưng không nhiễm theo cái vui của phàm tục, biết quan niệm được rằng tài sản của mình chỉ có 3 chiếc áo cà-sa và một bình bát. Vì chí nguyện của người xuất gia là sống thanh bần để tu hành và giữ hạnh thanh cao, cũng như đem lòng từ bi tiếp xử với tất cả mọi người không phân biệt giai cấp.
- Điều thứ tám, giác ngộ rằng vì lửa sanh tử cháy bùng cho nên mọi loài đang phải chịu biết bao niềm thống khổ. Do ý thức được điều đó, ta phải phát tâm Đại-thừa, nguyện cứu độ cho tất cả mọi người và nguyện thay thế cho mọi người chịu khổ. Một lòng cầu mong cho tất cả chúng sanh đều đạt tới niềm vui cứu cánh, giải thoát (2).
Với những nguyện lực cao cả như thế, người có tâm hạnh Bồ-Tát mới làm nổi việc khó làm nầy nên gọi là Đại Nhân vậy.
16.- THẬP THIỆN VÀ THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO GIỐNG HAY KHÁC NHAU ?
Thập Thiện là 10 điều lành mà người hành trì Phật giáo phải thực hành để nuôi lớn ý chí, nghị lực trong việc tu tập hầu đạt đến giải thoát khỏi mọi nghiệp lực chi phối nên còn gọi là Nghiệp đạo.
Do từ nơi thân thể, miệng và ý chúng ta phát ra mỗi hành vi, tư tưởng và cũng từ đó mà hình thành thế giới, vạn sự vạn vật trên thế gian nầy. Nếu người nào biết cải đổi 10 điều ác sẽ thành 10 điều lành như dưới đây :
- Thân có 3 là không sát sanh, không trộm cắp và không tà dâm.
(1) năm thứ dục vọng là : Của cải, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống và ngủ nghỉ (tài, sắc, danh, thực, thùy).
(2) theo kinh Tám điều giác ngộ của bậc Đại Nhân do Nhất-Hạnh dịch và chú giải, xuất bản Lá Bối, Paris - 1979.
- Miệng có 4 là không nói dối, không nói lưỡi đòn xóc nhọn hai đầu, không nói lời chải chuốt êm tai và không sử dụng lời nói độc địa để chửi mắng kẻ khác.
- Ý có 3 là không tham lam, không sân hận và không si mê. Nếu mỗi người trong chúng ta đều hoàn thành được 10 điều lành như thế sẽ có được một giá trị đạo đức cao và xứng đáng là người tốt trong cộng đồng xã hội.
Trong ba nghiệp thân, miệng và ý đều có những hành động hỗ tương với nhau, tuy nhiên ý chí mới là phần quyết định quan trọng. Do động cơ của lòng tham xúi cho thân phạm vào tội sát sanh và trộm cắp. Do mê mờ nên phạm việc tà dâm, rồi do từ nóng giận và ngu si nên buông ra những lời nói thiếu cân nhắc kỹ lưỡng.
Ngăn chặn 10 điều ác do ý thức thiếu sáng suốt tạo nên và thực hành 10 việc lành lợi ích cho mình và người là ta sống đúng nhân cách của một người Phật tử chân chánh.
17.- KINH HOA NGHIÊM HÀM CHỨA NHỮNG GÌ ? VỀ BỘ LOẠI VÀ VIỆC PHIÊN DỊCH RA SAO ?
Kinh Hoa-Nghiêm nói cho đủ là Đại-Phương-Quảng-Phật Hoa-Nghiêm Kinh, tức là pháp bao hàm cả vũ trụ, theo thứ lớp khó tính đếm được. Chính đức Phật Thích-Ca là người đã chứng được lý mầu của pháp rốt ráo nầy và nói ra kinh vậy.
Hai chữ Hoa-Nghiêm là ví cho Phật, vì chư Phật mới có đủ được vạn hạnh như đóa hoa muôn sắc và lấy cái hoa nầy trang nghiêm quả vị tu đắc nên gọi là Hoa-Nghiêm. Nói một cách khác, Phật có đủ muôn đức tướng sáng rỡ như hoa tươi đua nở, lấy hương sắc mỹ miều của hoa để trang nghiêm cho pháp thân, huệ nghiệp gọi là Hoa-Nghiêm. Chữ "đại" có nghĩa là bao hàm cái thể tánh, còn chữ "Phương Quảng" gồm cả nghiệp và dụng. "Phật" là quả vị viên giác (tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn). "Hoa" là phần tinh túy của cây, vì thế bộ kinh nầy đức Phật chỉ nói ra trong vòng 21 ngày cho các hàng Bồ-Tát thiện căn, lần đầu tiên tại Long-Cung, sau khi Ngài đắc đạo. Kinh Hoa-Nghiêm có 3 nhà dịch thuật : vào đời Đông-Tấn ngài Phật-Đà Bạt-Đà-La dịch 60 quyển gọi là lục thập Hoa-Nghiêm. Sau có ngài Trí-Nghiễm làm bộ sớ 5 quyển là "Sưu Huyền Ký" và ngài Hiền-Thủ tạo ra bộ "Thám Huyền Ký" gồm 20 quyển đều căn cứ vào lý kinh Hoa-Nghiêm. Người dịch thứ hai là ngài Thật-Xoa Nan-Đà, gồm 80 quyển vào đời Đường nên còn gọi là Đường kinh hay Tân kinh, để đối lại với Cựu kinh của ngài Phật-Đà Bạt-Đà-La. Theo đó, ngài Huệ-Uyển tạo tập "San Định Ký" 60 quyển, ngài Thanh-Lương làm ra các bộ sớ 20 quyển và "Diễn Nghĩa Sao" 40 quyển. Người dịch thứ ba là ngài Bác-Nhã cũng đời Đường, gồm 40 quyển gọi là tứ thập Hoa-Nghiêm.
Theo truyền thuyết, kinh Hoa-Nghiêm do ngài Văn-Thù và ngài A-Nan kết tập tại Long-Cung. Sau có ngài Long-Thọ vào Long-Cung thấy kinh nầy có phân làm 3 bổn : Thượng, trung và hạ. Quyển hạ gồm có 38 phẩm và 10 vạn bài kệ, quyển trung có 1.200 phẩm và 49.800 bài kệ, quyển thượng chứa tới 14.000 cõi số vi trần và vô số bài kệ nói về cõi 3000 đại thiên thế giới. Ngài Long-Thọ bèn lấy quyển hạ có 10 vạn bài kệ đem về truyền cho cõi thế gian nầy. Do đó, Phật giáo Trung-Quốc gọi là tam bổn Hoa-Nghiêm kinh là dựa vào lý do vừa dẫn.
Ngoài ra Phật giáo Trung-Quốc còn lập ra tông Hoa-Nghiêm đều căn cứ vào lý kinh nầy làm tông chỉ thành lập. Tông Hoa-Nghiêm được thành lập vào đời nhà Đường do ngài Đỗ-Thuận Hòa-Thượng khai sáng và kế thừa Tổ đạo như sau : Đỗ-Thuận tổ thứ nhất, Trí-Nghiễm Đại-sư tổ thứ hai, Pháp-Tạng Pháp-sư, tổ thứ ba, Thanh-Lương Trừng-Quán Pháp-sư, tổ thứ tư. Ngài Quế-Phong Tông-Mật Thiền-sư, tổ thứ năm. Đời Tống ngài Mã-Minh kế thừa làm tổ thứ sáu và ngài Long-Thọ là tổ thứ bảy.
Kinh Hoa-Nghiêm là vua của các kinh, ngài Long-Thọ đã vận dụng sức thần thông để mang về truyền bá trong dân gian. Ngài Đỗ-Thuận là Hóa thân của Bồ-Tát Phổ-Hiền và là tổ thứ nhất của tông Hoa- Nghiêm vậy.
18.- KINH A HÀM, THỜI GIAN NÓI KINH, BỘ SỐ VÀ NÉT ĐẶC THÙ GỔM CÓ NHỮNG GÌ ?
Kinh A-Hàm là một bộ kinh thuộc về Tiểu-thừa Phật giáo, có nghĩa là "pháp quy", tức là có ý muốn nói vạn pháp đều nằm trong lý của kinh nầy.
A-Hàm còn có một nghĩa là "Vô Tỷ Pháp : Tức muốn nói không có pháp nào sánh kịp hay là "Thủ Vô", nghĩa là không thể nói hết được ý thú cứu cánh của kinh vậy. Trong năm thời nói pháp của đức Phật, bộ kinh A-Hàm được đem giảng lần thứ hai sau kinh Hoa-Nghiêm tại vườn Lộc-Uyển cho các thầy Tỳ-kheo và gồm có 4 bộ :
1.- Tăng-Nhất-A-Hàm 51 quyển
2.- Trường-A-Hàm 22 quyển
3.- Trung-A-Hàm 60 quyển
4.- Tạp-A-Hàm 50 quyển.
Tổng cộng là 183 quyển. Về ý thú của kinh : Bộ thứ nhất bàn về pháp số của các pháp, như là phần sưu tập. Bộ thứ hai là phần luận về mọi sự vật ở thế gian qua các đề mục có tính cách lý thú, gây được hứng khởi sôi nổi người đọc, vì văn mạch dài và bàn rất sâu rộng mọi vấn đề. Bộ thứ ba gồm các kinh không phân biệt ngắn hay dài, với các chủ đề đủ loại nói về nhân duyên, duyên khởi của vạn vật. Bộ thứ tư là phần tổng hợp các phần trên lại.
A-Hàm là một bộ kinh thật lý thú có lập luận rõ ràng cho người mới bắt đầu tu qua các pháp như bốn đế, 12 nhân duyên, 6 độ, 37 phẩm trợ đạo bồ-đề ... cùng các quả Thánh-đế tu chứng. Ở các nước thấm nhuần tư tưởng Phật giáo như Nhật-Bản, Tích-Lan, Ấn-Độ, Thái-Lan, Việt-Nam ... các đại học Phật giáo năm chứng chỉ cử nhân I, các sinh viên phải chọn kinh A-Hàm là môn học tất tu vậy.
Ngoài lẽ sanh tử của kiếp người ra, kinh A-Hàm còn nêu rõ những gương tu chứng của các bậc A-La-Hán, những câu chuyện thần bí ẩn hiện mà chỉ có bậc tu hành đắc đạo có đủ thiện căn mới thâm nhập được trí tuệ tuyệt vời ấy.
Tóm lại, A-Hàm tuy là bộ kinh thuộc hàng Tiểu-thừa, nhưng hành giả muốn thực hành được hạnh Bồ-Tát phải nghiên cứu kỹ toàn bộ lý kinh nầy để nhận chân ra được chỗ thâm áo của vạn pháp.
19.- KINH PHƯƠNG ĐẲNG HÀM CHỨA NHỮNG GÌ ?
Chữ Phương-Đẳng có 3 lối phỏng dịch theo lý như sau : Phương, là vuông vức ngay thẳng, Đẳng, là bình đẳng để chỉ cho lý trung đạo.
Kinh Phương-Đẳng thuộc Đại-thừa Phật giáo. Phương-Đẳng hay còn gọi là Phương-Quảng để chỉ cho các hàng Bồ-Tát thực hành tu chứng, đắc đạo đều dựa theo lý của kinh nầy. Nếu căn cứ theo "sự" để dịch, chữ Phương có nghĩa là rộng, còn Đẳng là đều đặn, quân bình. Đức Phật Thích-Ca nói kinh nầy vào thời điểm thứ ba trong năm thời thuyết giáo để hướng dẫn hàng Bồ-Tát theo 4 tiêu chuẩn : Tạng-giáo, Thông-giáo, Biệt-giáo, và Viên-giáo (chứa nhóm, tánh chung, tánh riêng, tròn đầy rốt ráo) để đưa kẻ đại căn trí đạt ngộ chân lý giải thoát. Nói một cách khác hơn :
Phương là phương pháp và chia ra làm 4 như sau : Hữu-môn, Không-môn, Song-diệc-môn và Song-phi-môn (phàm, thánh, cả phàm và thánh đều nương vào nhau, phàm thánh đều không còn trên danh nghĩa nữa mới đạt được chân lý).
 lý theo như pháp tứ môn hợp với lý tánh bình đẳng nên có tên "Phương-Đẳng". Bộ kinh Phương-Đẳng Phật đã thuyết trong 8 năm, sau thời kinh A-Hàm.
Trong 5 thời kỳ nói pháp của Phật chia ra như sau :
1.- Thời thứ nhất : Kinh Hoa-Nghiêm trong 21 ngày.
2.- Thời thứ hai : Kinh A-Hàm, 12 năm.
3.- Thời thứ ba : Kinh Phương-Đẳng 8 năm.
4.- Thời thứ tư : Kinh Bát-Nhã 22 năm.
5.- Thời thứ năm : Kinh Pháp-Hoa 8 năm và kinh Niết-Bàn trong 1 ngày 1 đêm.
Có bài tụng bao hàm ý nầy như sau :
Hoa-Nghiêm tối sơ tam thất nhựt.
A-Hàm thập nhị.
Phương-Đẳng bát
Nhị thập nhị niên Bát-Nhã đàm
Pháp-Hoa Niết-Bàn cộng bát niên.
Đó là cách phân biệt theo tông Thiên-Thai, chọn kinh Hoa-Nghiêm làm tông chỉ cho việc thành lập tông. Còn tông Niết-Bàn lại chia 5 thời thuyết pháp của Phật có khác.
1.- Thời thứ nhất : Kinh Hoa-Nghiêm.
2.- Thời thứ hai : Kinh A-Hàm.
3.- Thời thứ ba : Kinh Phương-Đẳng.
4.- Thời thứ tư : Kinh Pháp-Hoa
5.- Thời thứ năm : Kinh Niết-Bàn.
Theo như cách phân 5 thời trên, ta thấy không có kinh Bát-Nhã, vì chỗ rốt ráo đạt đến chân lý của mỗi tông đều chủ trương khác nhau. Cách chia ra 5 thời nói kinh dù khác nhau nhưng lý kinh đều không khác mà tất cả đều nhắm tới lý thâm sâu để cho hàng Bồ-Tát tu tập đạt đến giải thoát, rốt ráo.
20.- KINH BÁT NHÃ : TRỌNG TÂM PHẬT MUỐN GIẢNG THUYẾT LÀ GÌ VÀ THỜI ĐIỂM NÀO TRONG CÁC THỜI NÓI PHÁP ?
Kinh Bát-Nhã có hai tên gọi khác nhau là Bát-Nhã Ba-La-Mật kinh (gọi theo cổ) và Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa Tâm kinh (theo danh từ ngày nay). Tất cả gồm có 10 bộ, do ngài Huyền-Trang (thế kỷ thứ 7 T.L.) dịch từ chữ Sanskrit sang tiếng Trung-Hoa gọi là Đại Bát-Nhã Ba-La-Mật kinh và 600 quyển.
Ngài La-Thập trước đó cũng có dịch kinh nầy và chia thành 5 bộ là : Ma-Ha Bát-Nhã Ba-La-Mật kinh, Kim-Cương Bát-Nhã, Thiên-Vương Vấn Bát-Nhã, Năng-Đoạn Kim-Cương Bát-Nhã và Quy-Tán Bát-Nhã. Riêng bộ sau nầy còn nằm trong văn tiếng Phạn chưa được phiên dịch.
Trong suốt 49 năm tại thế đức Phật nói kinh chia ra làm 5 thời kỳ mà bộ kinh Bát-Nhã ở vào thời điểm thứ tư theo thứ tự. Kinh nầy trình bày lý tánh tuyệt đối của sự vật, do đó thời gian giảng thuyết kéo dài trong 22 năm, Phật muốn các hàng đệ tử thấy tỏ được chân lý rốt ráo. Điểm căn bản của kinh luận rằng : Sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ-tưởng-hành-thức diệc phục như thị. Thị chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm, nãi chí nhãn, nhỉ, tỹ, thiệt, thân, ý, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp diệc phục như thị (sắc tức là không, không ấy là sắc cho đến việc thọ nhận - tưởng nghĩ hành động - sự phân biệt đúng sai cũng đều không. Đó là cái không tướng của các pháp như không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm, cho đến cả mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý để tiếp xúc với sáu cảnh sắc bên ngoài như : Màu sắc, âm thanh, mùi vị, đụng chạm với sự vật cũng đều không có hình tướng như vậy).
Bộ kinh nầy được tóm lược trong bài kinh Bát-Nhã ngắn gọn chỉ có 272 chữ mà các chùa thường tụng, đủ để nói lên thật tướng các pháp trong vũ trụ.
21.- KINH PHÁP HOA : BỘ SỐ, DỊCH GIẢ VÀ VIỆC TRUYỀN THỪA RA SAO ?
Kinh Pháp-Hoa nói cho đủ là kinh Diệu-Pháp Liên-Hoa. Luận về lý viên dung (tròn đầy), phân biệt rõ ràng sự ứng hóa thân của chư Phật, Bồ-Tát thị hiện ra đời độ thoát chúng sanh khỏi sanh tử luân hồi.
Bộ kinh Pháp-Hoa gồm có 7 quyển và 27 phẩm, trong đó phẩm thứ 25, tức kinh Phổ-Môn mà các hàng Phật tử thường hay tụng niệm để cầu an.
Phật giáo Nhật-Bản thuộc các tông như Tào-Động, Lâm-Tế, Chân-Ngôn, Nhựt-Liên, Sáng-Giá Học-Hội, Lập-Chánh-Giảo Thành-Hội ... đều lấy phẩm Phổ-Môn trong kinh Pháp-Hoa hay toàn bộ làm kinh tụng chính thức trong các khóa lễ. Sáng giá học hội dùng đề kinh 7 chữ : "Nam-mô Diệu-Pháp Liên-Hoa Kinh" (NAMYO HO RENGEI KYO) Tượng trưng cho tôn chỉ trong việc tu hành. Tại Việt-Nam, kinh Pháp-Hoa cũng được chọn như là bộ kinh cốt yếu trong các khóa lễ cầu an. Trong khi đó, Trung-Quốc cũng có một tông Pháp-Hoa cũng lấy từ lý kinh nầy làm kim chỉ nam.
Kinh Pháp-Hoa hiện đang lưu hành do ngài Cưu-Ma-La-Thập dịch từ chữ Phạn (Sanskrit) sang chữ Hán vào đời Diêu-Tần (đầu thế kỷ thứ 5 T.L). Bộ kinh Pháp-Hoa bằng chữ Hán đã được dịch sang tiếng Việt do Hòa-Thượng Thích-Trí-Tịnh, vào khoảng năm 1950. Vào những năm sau, còn có Thượng-Tọa Tuệ-Hải cũng dịch kinh nầy, đã ấn hành vào năm 1963.
Kinh Pháp-Hoa chỉ rõ 3 yếu tố cấu tạo nên sự vật là thể - tướng - dụng để độc giả quan sát được chân tướng của vạn sự vạn vật một cách có phương pháp như khoa học, để thấu đạt được tới chân lý rốt ráo. Trong phẩm "Phương Tiện" thứ hai có trình bày "thập như thị", tức là mười chân tướng của các pháp như là : Như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bổn mạt cứu cánh đẳng (thật tướng của các pháp là tướng, tánh, thể, lực, tạo tác, gây nhân, các yếu tố, hòa hợp, kết quả, từ gốc gác ngọn ngành đều như vậy cả) để chỉ chung cho sự hình thành muôn loài vạn vật trong vũ trụ đều có sự cấu tạo giống nhau từ vật nhỏ đến vật lớn.
Kinh Pháp-Hoa do Phật Thích-Ca nói sau cùng, đồng thời với kinh Niết-Bàn, trước khi vào Niết-Bàn. Việc nghiên cứu, đọc tụng để hiểu được tinh thần của bộ kinh Pháp-Hoa là ý hướng căn bản mà phần đông Phật tử chúng ta đều mong đạt thành.
22.- ĐỨC PHẬT NÓI KINH NIẾT-BÀN LÚC NÀO, TẠI ĐÂU, VỚI MỤC ĐÍCH GÌ ?
Kinh Niết-Bàn gồm chung cả Tiểu-thừa và Đại-thừa do đức Phật giảng thuyết cho các hàng đệ tử tại thành Câu-Thi-La trước khi vào Niết-Bàn và sau thời nói kinh Pháp-Hoa.
Kinh Niết-Bàn có nhiều người dịch thuật. Đời Tây-Tấn, ngài Bạch-Pháp dịch là Phật-Bát-Nê-Hoàn kinh gồm 2 quyển. Đời Đông-Tấn ngài Pháp-Hiển dịch là Đại-Bát Niết-Bàn kinh gồm 6 quyển. Kinh Niết-Bàn nói về việc tu hành, chứng quả và hóa thân của đức Phật Thích-Ca. Trong kinh Trung A-Hàm cũng có đề cập tới kinh Niết-Bàn. Đời Tây-Tấn còn có ngài Trúc-Pháp-Hộ dịch là Phật Thuyết Phương-Đẳng Bát-Nê-Hoàn kinh, gồm 2 quyển. Đời Tùy, ngài Xà-Na Quật-Đa dịch là Tứ-Đồng-Tử Tam-Muội kinh, 3 quyển và ngoài ra còn có ngài Đàm-Vô-Sấm (đời Bắc-Lương) dịch là Đại-Bát Niết-Bàn, gồm 10 quyển. Đến đời Đường ngài Nhược-Na Bạt-Đà-La cũng có dịch kinh nầy, sau có ngài Huệ-Quán đời Tống cũng dịch kinh Niết-Bàn gồm có 36 quyển.
Kinh Niết-Bàn nói : Phật tuy diệt độ, nhưng pháp thân Ngài thường còn không diệt. Phật cũng có nói về việc thiêu xác và phân phối Xá-lợi để phụng thờ sau khi Ngài vào Niết-bàn. Đây là một cách giáo hóa thực tiển để cho các hàng đệ tử nào chưa có dịp gần gũi đức Phật, cũng có được cơ duyên phụng sự Phật một cách có hiệu quả.
Kinh Niết-Bàn được xem như là những lời di chúc sau cùng của đức Phật để dẫn dắt hàng đệ tử con đường tu tập và cũng là những lời trấn an những đệ tử nào quá bi ai khổ não về việc Phật không còn tại thế.
Phật dạy rằng các ngươi nên tin tưởng nơi tự thân, cho dù không có Phật cũng có thể tự tu tự độ được, nếu mỗi người không tự cố gắng, Phật dù ở gần bên cạnh, chúng ta cũng không thể nào giải thoát được mọi khổ não.
23.- DUY THỨC, CÁCH THÀNH LẬP VÀ PHÂN LOẠI RA SAO ?
Duy-Thức tiếng Phạn là Ma-Hằng Thích-Đa, dịch là Duy và Tỳ-nhược-đế dịch là Thức. Đây là một lối dịch đảo ngữ từ thành Duy-Thức.
Thức còn có nghĩa là liễu-biệt (phân biệt rõ ràng chi li), thông đạt cả nhân và quả và được chia ra làm 3 loại : Thức thứ 8 hay A-lại-da-thức, thức thứ 7 hay còn gọi là Mạt-na-thức và 5 thức là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nói cách khác, con người gồm có 8 thức : 5 thức, thức thứ 6 hay ý thức, thức thứ 7 hay Mạt-na-thức và thức thứ 8 hay Alaya thức. Thức chính là nơi chứa nhóm các chủng tử để phát khởi ra hiện hành (phát ra sự hiểu biết sự vật) nên gọi là duy tâm và do phân biệt để thấu suốt mọi vật tức là duy thức. Theo bộ "Duy Thức Thuật Ký" thì Duy-thức có hai nghĩa chỉ sự hiển bày "giản - biệt" tức do vọng chấp mà có thức, không có tâm ngoài cảnh mà do tâm tạo ra tất cả. Trong Duy-thức Tam Thập Tụng có bài kệ nói về ý nầy như sau : "Tâm dẫn đầu vạn pháp, tâm chủ, tâm tạo tác và theo nghĩa thứ hai là "quyết-định" tức xa lìa mọi sự tăng hay giảm mà trong đó có 8 thức vậy. Có các loại Duy-thức : Tam Thập tụng (30 bài tụng), Nhị Thập tụng (20 bài tụng), thành Duy-Thức, Bát-Thức Qui-Củ, Đại-Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận ... Theo quan điểm của lý Duy-thức có 3 tánh : Biến kế sở chấp, tức chấp các Pháp ở ngoài tâm, y tha khởi tánh cho rằng nhân duyên của các pháp sanh ra chủng tử (hạt mầm) và tánh viên thành thật, nhờ nương vào tánh y tha cho là thật thể, chân như ... Có một tông phái Duy-thức gọi là Pháp-tướng-tông do ngài Long-Thọ và Vô-Trước (thế kỷ 9 T.L.) khởi xướng. Duy-thức dùng lối lý luận để chứng minh vạn vật đều do thức biến. Do đó, chúng ta biện giải thông suốt lẽ sinh tồn trong vạn vật muôn loài.
Muốn hiểu rõ được lý Duy-thức, hành giả phải thực hành và gia công nghiên cứu kinh điển Phật giáo trong nhiều năm tháng qua các bộ kinh Đại-thừa mới thấu đạt lý mầu của môn học nầy.
24.- PHẬT ĐẢN VÀ PHẬT LỊCH KHÁC HAY GIỐNG NHAU ?
Một người thường ra chào đời gọi là sinh và ngày đó là ngày sinh nhật. Các bậc Thánh ra đời thì gọi là Đản-sanh, Giáng-sanh hay Khánh-đản hoặc Phật-đản.
Đức Phật Thích-Ca là giáo chủ của đạo Phật, ra đời vào năm 624 trước Tây lịch. Do công phu tu hành, Phật đã giác ngộ, chứng quả giải thoát rồi truyền bá pháp tu ấy cho nhân loại. Cứ mỗi năm đến ngày Đản-sanh Ngài, người Phật tử ở khắp năm châu đều tổ chức lễ kỷ niệm một cách thật trọng thể để tưởng niệm đấng chí Tôn Vô-thượng Chánh-giác.
Theo truyền thống của dân tộc Việt, lễ Phật-đản mỗi năm đều vào ngày mồng 8 tháng 4 âm lịch. Từ năm 1951 trở đi, nhân kỳ đại hội Phật giáo thế giới lần thứ nhất tại Colombo (Tích-Lan) quy định trở lại ngày giáng sinh của đức Phật vào ngày Rằm trăng tròn tháng tư theo lịch Ấn-Độ để phù hợp với đại đa số các nước theo Phật giáo Đại-thừa.
Phật-đản và Phật-lịch khác hay giống nhau ? Như đã trình bày, Phật-đản để đánh dấu một ngày quan trọng mà bậc Thánh nhân là đức Thích-Ca ra đời. Trong khi đó Phật-lịch tính sau khi Phật nhập Niết-bàn tới nay là 2541 (1997) năm. Chữ Lịch có nghĩa là trải qua, để đánh dấu chuỗi thời gian mà Phật giáo tồn tại trong nhân loại qua thời gian tính theo năm tháng Phật diệt độ. Có một vài cuốn sách chọn Phật lịch không được thống nhất, vì có thể lấy ngày Phật-thành-đạo làm Phật-lịch, hoặc ngày Phật nhập Niết-Bàn làm Phật-lịch mà niên đại có khác nhau trồi sụt khoảng 100 năm.  Dù chọn ngày vào trong đời của Phật làm Phật-lịch thì ý nghĩa việc thị hiện độ sanh của Ngài nơi cõi đời nầy vẫn không thay đổi.
25.- VỀ Ý NGHĨA CỦA NGÀY PHẬT-THÀNH-ĐẠO VÀ GIÁ TRỊ LỊCH SỬ CỦA NÓ.
Sau khi đã thực hành và nhận chân ra được phương pháp tu ép xác theo lối khổ hạnh như các đạo sĩ thuộc nhóm ông Kiều-Trần-Như không thể đạt đến giải thoát rốt ráo, đức Phật bèn rời khỏi họ để tìm ra một lối thoát do chính mình bằng con đường thực nghiệm tu chứng.
Nhờ áp dụng pháp tu tĩnh tọa tham thiền, Phật Thích-Ca đã giác ngộ được sau 49 ngày tư duy dưới cây Bồ-Đề, và chứng được sáu phép thần thông : 1- Thiên-nhãn-thông, 2- Thiên-nhĩ-thông, 3- Lậu-tận-thông, 4- Tha-tâm-thông, 5- Thần-túc-thông, 6- Túc-mạng-thông (1- Mắt tinh thông, thấy suốt được tất cả các cõi, 2- Tai nghe rõ thấu được tất cả tiếng kêu than của mọi loài, 3- Các phiền não mê mờ đã được đãi lọc sạch không còn thấm lọt được tâm thanh tịnh, 4- Thấu rõ được tâm địa của kẻ khác một cách dễ dàng, 5- Thay hình đổi dạng tùy theo nhu cầu mà biến hiện cho thích hợp, 6- Biết rõ được kiếp trước của mình đã tạo ra nhân gì và thọ quả báo ra sao). Sáu phép thần thông hay còn gọi tắt là lục thông cũng cùng một ý nghĩa. Trong lúc tu hành quan sát lý vô thường, khổ, không và vô ngã (không có cái ta) trong Tứ-niệm-xứ (4 ý niệm căn bản phải luông ghi nhớ về kiếp nhân sinh) mà đức Phật đã nghĩ về kiếp nhân sinh chỉ giả tạm chứ không có gì thực thể, không bền chắc, vì con người sống ở đời bị mọi thứ ràng buộc chi phối. Do tham thiền nhập định, Đức Phật đã đạt được giác ngộ (Englightenment)lúc sao mai vừa mọc vào ngày mùng 8 tháng 12 âm-lịch. Lúc Phật chứng quả, chư Thiên cùng nhau hoan hỷ rải hoa cúng dường và xưng tán đức Phật là bậc thầy của cả Trời và người.
Nhớ lại năm thầy đạo sĩ cùng tu khổ hạnh ép xác lúc đầu, đức Phật lần đầu tiên đến vườn Lộc-Uyển thuyết về nguyên nhân của sự khổ và tìm cách diệt khổ mới đạt được chân lý (4 chân lý) để hướng dẫn họ tu tập theo chánh pháp.
Ngày Đản-sanh của đức Phật đánh dấu trang sử vàng son của Phật giáo, nhưng ngày Thành-Đạo mới chính là thời điểm lịch sử huy hoàng chói lọi nhất còn vang vọng trong lòng nhân loại qua mọi thời đại.
26.- GIỮA NHẬP-DIỆT VÀ NIẾT-BÀN KHÁC HAY GIỐNG NHAU ?
Người thường chúng ta sau khi tắt hơi thở lìa khỏi cõi đời nầy gọi là chết, còn người theo đạo Lão khi chết gọi là quy tiên. Trong khi đó đối với người lớn tuổi có đạo đức lúc qua đời gọi là "Hóa" hay "Vãng" và Phật giáo còn có một vài danh từ để chỉ cho trạng thái nầy.
Nhập-diệt hay Niết-bàn đều có nghĩa giống nhau để chỉ cho trạng thái vắng lặng mà chỉ có Phật mới đạt được, khi lìa bỏ xác thân ở đời. Nhập-diệt là vào nơi yên tỉnh không bị phiền não câu thúc bó buộc hay lôi kéo. Còn Niết-bàn là không còn sanh diệt nữa, đã được tự tại và đạt tới an lạc hoàn toàn. Tiếng Phạn gọi Niết-bàn là Nirvana cũng đều có ý nghĩa là không bị sanh tử chi phối nữa, vì thế còn gọi là "viên tịch".
Người tăng sĩ Phật giáo khi nhắm mắt, tắt thở gọi là viên tịch, tịch diệt, hay thị tịch để nói lên cái ý nghĩa rằng không còn bị ràng buộc bởi cái nghiệp lực chi phối. Do kinh nghiệm hay do một vài người kể lại, có nhiều nhà sư biết trước được giờ chết, lo tắm rữa sạch sẽ, thay quần áo gọn gàng và dặn dò đệ tử những điều cần thiết trước khi lìa đời. Nhờ công đức tu hành nên lúc bỏ thân xác nầy, các tăng sĩ đều được an nhiên mà hóa, nghĩa là con người của họ đã làm chủ được thần thức, không bị các ý niệm xấu tới lôi kéo đi thọ sanh vào một kiếp khác. Thông thường, chỉ có Phật mới gọi là nhập Niết-bàn, nhưng trong một ít trường hợp các Hòa-Thượng lớn tuổi có nhiều thành tích hoạt động, lúc chết cũng được gọi là nhập Niết-bàn hay nhập-diệt vậy. Tưởng cần nói thêm là nghĩa của chữ vắng lặng trong chữ Tịch-diệt không có nghĩa là trống không như hư không và đã có người cho rằng Phật giáo chủ trương phá chấp để cuối cùng chọn lấy một chữ "KHÔNG" như là con số zero. Nếu chủ trương một cách thuần vật lý như nhận xét vừa nêu, hẳn Phật giáo đã bị đào thải bởi các ngành khoa học thực nghiệm ngày nay.
Đi từ khái niệm vật chất để đạt tới lý tưởng do công phu tu tập mà thành, chỉ có con đường thực nghiệm tâm thức do Phật giáo chủ trương là được tồn tại lâu dài.
27.- HÃY PHÂN BIỆT PHẬT GIÁO VỚI ĐẠO PHẬT KHÁC NHAU THẾ NÀO ?
Phật giáo và đạo Phật là hai danh từ đã dùng quen thuộc, hầu mhư ít có ai để ý phân biệt được chỗ giống và khác nhau thế nào để làm gì, có lẽ việc tìm hiểu như thế không cần thiết chăng ?
Thật ra, chữ Phật giáo và đạo Phật có khác nghĩa nhau đôi chút. Phật giáo là tiếng gọi tổng quát rất phổ thông để chỉ cho một tôn giáo như Phật-giáo, Thiên-chúa-giáo, Cao-đài-giáo v.v... tức là gồm cả một hệ thống của một tôn giáo có một giáo chủ, giáo lý và giáo đoàn thuộc phạm vi khách quan. Trong khi đó, danh từ đạo Phật được thu hẹp nghĩa hơn và chỉ lưu hành trong phạm vi của một quốc gia hay nhìn xa hơn thuộc về phạm vi chủ quan của từng cá nhân. Ví dụ: Tôi theo đạo Phật hay đạo Phật của tôi, hoặc đạo Phật, đạo Hòa-hảo, đạo Islam...
Ngoài ra Phật giáo còn bao hàm được cái nghĩa nguyên thủy của nó, còn đạo Phật theo dòng thời gian, đã biến thái và đi vào dân gian như một tôn giáo qua sự đãi lọc và truyền thừa bởi các nhà truyền giáo, các vị tổ khai sáng tông phái, các bậc thiện-tri-thức ... để đem đạo Phật gần gũi và hòa nhập vào các sinh hoạt dân gian.
Do đó, chúng ta có thể nói rằng Phật giáo là chỉ cho cái chung của một tôn giáo về chiều rộng, còn đạo Phật phải đòi hỏi ở sự thực hành thuộc về chiều sâu hơn. Từ trước tới nay hai danh từ nầy có sự dùng lẫn lộn và cho tới bây giờ cũng chưa ai phải bận tâm đem tách rời nhau ra làm hai phạm vi cả, vì trên danh nghĩa hình như hai, nhưng ý nghĩa đều chỉ có một, là một tôn giáo thuần túy mà thôi. Biết được sự khác nhau của cách dùng như thế để khỏi có sự lầm lẫn mỗi khi gặp kẻ khác hỏi để tìm hiểu hay chất vấn về Phật giáo.
Vấn đề danh từ đơn giản ta chưa giải quyết được thì đừng nói chi tới phần giáo nghĩa sâu xa của Niết-Bàn, Cực-Lạc, Chơn-Tâm ... còn xa lạ khó hiểu đến chừng nào !
28.- GIẢI THOÁT LÀ THẾ NÀO ? NHỮNG PHƯƠNG PHÁP GÌ ĐỂ TU CHO ĐẠT ĐƯỢC ?
Như những tội nhân được cứu ra khỏi lao tù, như người sắp chết đói được thức ăn, cũng như chúng ta sống trong đời nầy gặp nhiều oan trái vây ngặt nên phải tìm cách vượt ra mà chỉ có giáo lý đạo Phật mới đủ công năng giải thoát được sự ràng buộc ấy.
Đức Phật từ bỏ ngai vàng, bệ ngọc, vợ con vào núi tu hành cho đến khi đạt được chân lý là một sự giải thoát vô tiền khoáng hậu. Vì Phật không những tu để tự cứu mình mà khi giải thoát được tất cả khổ não rồi còn giải thoát cho tất cả chúng sanh đang trầm luân trong biển khổ sanh tử nữa. Người tu hành sống đời đạo hạnh, không vướng bận cảnh vợ con là một hình thức giải thoát. Chúng ta tự chủ được mình trong những dục vọng thấp hèn cũng là một hình thức giải thoát nhưng chính ta không tự thấy được. Muốn được giải thoát, trước hết chính ta phải tự ý thức để cứu lấy mình ra khỏi cảnh ràng buộc. Ngoài ra, do nhờ tha lực trong những trường hợp như bị áp bức, ép ngặt ... để được tự do, tự tại. Nhưng trong đời phần nhiều do ta tự giải thoát lấy mình. Có phương pháp để đạt đến giải thoát là dứt bỏ lòng tham muốn bất chánh và khi đã bắt tay vào làm một công việc gì phải trung thành với việc đó cho đến khi hoàn thành mới thôi (quan niệm giải thoát theo thế gian), thứ hai là hy sinh thì giờ để nghiên cứu, học hỏi, thực hành những việc thiện hay từ bỏ gia đình để tu theo Phật cho đến khi tìm ra được chân lý (quan niệm) giải thoát hướng thượng vượt ngoài phạm vi thế gian).
Đức Phật Thích-Ca nhờ thực hành đúng và rất táo bạo về cuộc cách mạng để giải phóng cho nhân sinh thoát khỏi vòng sanh tử và chính Ngài được xưng tụng là bậc Thiên Nhơn chi Đạo-Sư (Thầy của Trời và Người).
Nói cách khác, việc giải thoát không khó, nhưng khó ở thái độ trù trừ của chúng ta không chịu bắt tay vào việc tu tập thì khó mong đạt được mục đích.
29.- THẦN THÔNG LÀ GÌ ?  NHỮNG AI ĐẠT ĐƯỢC ?
Ngày nay chúng ta thường nghe danh từ thôi miên thuật cũng đã là một hình thức nhờ luyện tập công phu mà đạt được. Phật giáo có thần thông để nói phép tùy cơ ứng biến mà chư Phật thị hiện ra đời và biết rõ suốt được tất cả việc quá-khứ, hiện-tại và tương-lai một cách rõ ràng.
Thần thông gồm có 6 loại, sáu phép hay lục thông như :
1- Thiên-nhãn-thông : Con mắt nhờ luyện thần nên trông thấy suốt được mọi thời, mọi cảnh giới.
2- Thiên-nhĩ-thông : Lỗ tai nghe thấu suốt được tất cả âm thanh của thời đại và ngày cả âm thanh trên các cõi trời.
3- Lậu-tận-thông : Các mê lầm của vô minh đã diệt không sót lại, trong tâm thức hoàn toàn tĩnh lặng.
4- Tha-tâm-thông : Biết rõ được tha nhân một cách tự nhiên.
5- Thần-túc-thông : Bay đi tự tại qua mọi nơi, mọi lúc nhanh chóng như trở bàn tay.
6- Túc-mạng-thông : Biết rõ được mạng sống kiếp trước của mình một cách thấu suốt trong mỗi một hành động tạo nghiệp và cũng nhờ đó phối kiểm lại những việc đã qua.
Đạt được sáu phép thần thông nầy, chỉ có Phật, còn các bậc Bồ-Tát chỉ đạt được lậu tận thông và một phần của tha-tâm-thông.
Muốn đạt được thần thông, cần phải tập trung định lực bền chắc như chất kim cương mới không bị bất cứ ma lực nào chi phối được. Còn những người tu hành bình thường, lúc ngồi thiền tự nhiên cũng thấy mình phi thân tới chỗ nầy chỗ nọ. Điều đó không phải là trạng thái chứng ngộ, giải thoát mà chỉ là ma chướng thường hiện ra để thử thách mà thôi.
Tu tập để đạt được thần thông không phải chỉ một sớm một chiều mà thành công, chúng ta cần phải tích lũy công phu lâu dài, liên tục như đức Phật Thích-Ca đã thực hành.
30.- XÁ-LỢI LÀ GÌ ?  AI CÓ ĐƯỢC NGỌC XÁ-LỢI ?
Chư Phật, Bồ-Tát, các vị Tổ sư khi viên tịch (nhắm mắt lìa đời), xác thân được đem thiêu và còn lại phần tinh ba gọi là Xá-lợi.
Như thế, Xá-lợi có khác với xương cốt mà người thường chúng ta khi chết cũng đốt và thu lại trong một cái bình để thờ không ? Nói một cách khác dễ hiểu hơn, Xá-lợi là do cái tinh túy của con người dồn lại. Người tu do sức thiền định, cũng như tinh tủy không dùng vào việc ân ái nên tích tụ lại và kết thành một chất sáng long lanh như kim cương sau khi xác thân đã được thiêu đốt. Chất sáng ấy chính là ngọc Xá-lợi. Chư Phật, các vị Tổ sư đã tu chứng đắc đạo, lúc nhập Niết-bàn mới có được ngọc Xá-lợi. Đức Phật Thích-Ca lúc nhập diệt, Xá-lợi của Ngài được chia thành 8 phần để cho các hàng đệ tử phụng thờ. Hiện nay, Xá-lợi Phật vẫn còn tại một vài nơi như Népal, Tích-Lan và được dân chúng hết sức kính ngưỡng. Việt-Nam có chùa Xá-Lợi Sàigòn, thành lập vào năm 1952 cũng có rước được một phần Xá-lợi Phật từ Tích-Lan về thờ. Ngọc Xá-lợi nguyên thủy có lẽ đã bị biến dạng và hiện nay có còn lại chăng một phần (của ngọc Xá-lợi) đều do sáng tạo của hàng Phật tử sùng kính muốn ghi ơn đức Phật nên tìm cách duy trì. Tại Pháp vào năm 1979, chùa Việt-Nam tại Nice có tổ chức một cuộc rước đất thiêng do phái đoàn hành hương đến Ấn-Độ chiêm bái các nơi Phật tích mang về.
Đức tin của con người rất quan trọng, những gì đã được tôn thờ đều có một giá trị tinh thần rất cao !
Ngày nay, Xá-lợi Phật vẫn còn sáng ngời trong lòng mỗi chúng ta qua mọi thời đại, nếu biết tùy hoàn cảnh của mỗi quốc độ mà duy trì chánh pháp để tạo cho người đời một lòng tin tưởng mãnh liệt vào ánh sáng của đạo mầu giải thoát là chúng ta đã cúng dường Xá- lợi Phật một cách đúng nghĩa vậy.
31.- KHỒ TRONG PHẬT GIÁO CÓ PHẢI LÀ MỘT HÌNH THỨC THAN THÂN TRÁCH PHẬN ĐỂ CHÁN ĐỜI ?
Cái khổ của con người có muôn mặt thuộc về tâm sinh lý, là một sự thực hiển nhiên ta không thể chối cải được. Phật chỉ nói khổ, vì thấy rõ được chân tướng của nó và chỉ bày phương pháp để diệt khổ.
Trong mỗi sinh hoạt hàng ngày, chúng ta chưa thấy có ai hài lòng với chính mình. Chẳng hạn người buôn bán hơi bận rộn một chút đã than bận quá, còn như lúc rãnh lại than ế ẩm. Học trò tới kỳ thi vùi đầu vào sách vở thì than bận đã đành, nhưng khi đã thi xong thì cũng còn bao nhiêu mối bận rộn khác như nghỉ hè ở đâu, tiệc vui bè bạn... Như thế con người từ khi sinh ra đời, lớn lên, già rồi chết, chúng ta gặp biết bao nhiêu cảnh khổ, không được toại ý. Khổ về tinh thần và khổ về vật chất mà Phật giáo chia làm 8 loại khổ khác nhau là : Khổ về sanh, già, bịnh, chết, yêu nhau phải xa lìa, mong cầu không được toại nguyện, thù ghét nhau nhưng phải sống chung đụng và các phần thuộc sắc, thọ, tưởng, hành, thức (5 uẩn) có sự bất bình thường cũng gây ra sự khổ.
Nêu ra cái khổ không phải để chán nản, bi quan mà là để tìm cách thoát ra nó, đạo Phật không chủ trương khổ để đưa người vào chỗ mê lộ không lối thoát, như có người cho rằng đó là tư tưởng chán đời, yếm thế ... Chữ khổ có nghĩa là DUKKHA (suffering), tức là chồng chất lẫn lộn những điều bất như ý vào trong các sinh hoạt thường ngày của chúng ta. Muốn diệt khổ, chúng ta phải biết kiên nhẫn (perseverance) và trì chí hay nhẫn nại (patience), tận tâm (thoroughness) và chăm chỉ (industry) làm hết bổn phận của mình mỗi ngày, tâm hồn sẽ an vui, thư thái. Kinh 42 Chương, phẩm "Thiểu dục và tri túc" nói :
"Người biết đủ dù ở bất cứ chỗ nào trên mặt đất, tâm trí cũng được thỏa mãn, còn người không biết đủ dù cho có ở trên thiên đường cũng không vừa ý".
Chúng ta biết được khổ để tìm cách tiêu diệt, vì không thể chạy trốn được. Người chạy trốn cái khổ mới chính là kẻ bi quan, yếm thế vậy.
32.- 37 PHẨM TRỢ ĐẠO BỔ ĐỀ
Có nhiều người nghĩ và giải thích khác nhau về 37 Phẩm-trợ-đạo Bồ-Đề, bởi do sự hiểu lầm hoặc vì thiếu sự nghiên cứu đúng đắn gây ra. Để bổ túc cho được đúng, ở đây bút giả cố gắng trình bày những chi tiết sau đây để quý vị hằng lưu tâm tới Phật giáo dễ dàng trong việc đối chiếu với các kinh điển.
37 Phẩm-trợ-đạo Bồ-Đề là một trong các phương pháp tu hành để giúp cho hành giả tấn tu trong khi thực hành Phật giáo và được chia ra làm 3 lãnh vực là chuyên tâm, chánh niệm và chọn lọc. Trong phần chuyên tâm có 4 Niệm-Xứ, 4 pháp Chánh-Cần và 4 điều Như-Ý. Phần Chánh niệm gồm có 5 căn và 5 lực và phần chọn lọc có Thất-Bồ-Đề-Phần và 8 Chánh-Đạo (những danh từ vừa nêu trên xin xem bài riêng).
Thất-Bồ-Đề-Phần hay Thất-Giác-Chi mà trong đó việc lựa chọn các pháp tu trước tiên để được thích hợp cho việc tu hành, chứng tỏ rằng giai đoạn chọn lọc tức là đãi lọc những cáu bợn phiền não ra khỏi tâm thức rất quan trọng.
Trong 3 giai đoạn chuyên tâm, chánh niệm và chọn lọc, nếu hành giả thực hành được trong một hoàn cảnh thuận lợi và tâm trí không bị chi phối bởi các tạp niệm (nhớ nghĩ vẫn vơ vô ích) bên ngoài xen vào thì thật là điều lợi ích thiết thực cho việc tu tập.
Tóm lại, 4 Niệm-Xứ, 4 Chánh-Cần, 4 điều biết đủ Như-Ý, 5 căn, 5 lực, 7 Bồ-Đề-Phần, 8 Chánh-Đạo là 37 phương pháp trợ giúp hành giả tấn tu huệ nghiệp.
33.-  HÃY CHO BIẾT "TỨ NIỆM XỨ" VÀ CÔNG DỤNG RA SAO ?
Hành giả trên bước đường tu tập, đầu tiên là những phương pháp thực hành để đạt đến tỏ ngộ chân tâm. Đây là 4 pháp môn mở đầu trong 37 Phẩm Trợ-Đạo Bồ-Đề.
Bất cứ lúc nào và ở đâu, nếu thấy thuận tiện, người thực hành Phật giáo cũng có thể tưởng nghĩ tớ 4 điều căn bản nầy để quan sát rõ về hình tướng thật của thân mạng nầy thay đổi theo từng khoảnh khắc. Có quan sát được như thế chúng ta mới biết được chân giá trị của kiếp sống con người để bồi dưỡng cho đời sống đạo đức cho được hoàn hão hơn.
Bốn điều nhớ nghĩ của người hành trì Phật giáo có thể được chia ra như sau :
* Về thân thể : Quan sát thân nầy dơ nhớp, do các yếu tố đất, nước, gió, lửa tạo nên và nó chỉ tồn tại được trong một thời gian hữu hạn rồi cũng tiêu hủy theo năm tháng. Nếu ta không chú ý săn sóc, như tắm rửa hay trang điểm thì xác thân nầy sẽ bẩn thỉu khó chịu, nhất là khi ta phải tiếp xúc với mọi người chung quanh.
* Về nhu cầu vật chất : Có thân xác dĩ nhiên phải có những nhu cầu vật chất để nuôi dưỡng nó và đây là điều cần nên suy nghĩ kỹ tới việc thọ nhận là khổ. Nói như thế không có nghĩa là từ chối tất cả để cho thân thể héo gầy, bịnh hoạn. Khi thọ nhận những nhu cầu vật chất không nên quá độ, vì ngoài thân thể ra, tinh thần mới đáng quý.
* Về tâm lý đổi thay : Tâm con người luôn luôn thay đổi như con vượn leo cây (tâm viên), như ngựa chạy rông (ý mã), không một giây phút nào ngừng nghỉ cả. Việc cần thiết là chúng ta nên suy nghĩ hay quan sát kỹ tâm ta vốn không cố định, từ đó mới bắt đầu tìm cách chế ngự nó định tĩnh lại theo sự điều khiển của chủ nhân chính là ta.
* Các pháp đều không có thật tướng, tức là tất cả các pháp đều vô ngã. Thật vậy, tự nơi bản chất của các pháp đều không có gì gọi là cái "NGÃ" được cả. Ví dụ : Thân thể cũng không phải là ta, vì khi xác thân nầy rã rời, thì các phần đất, nước, sức ấm và hơi thở đều hoàn nguyên cho các trạng thái lúc ban đầu.
Khi chúng ta quan sát kỹ 4 ý niệm căn bản nầy để tấn tu, vì thân thể bất tịnh, thọ nhận là khổ, tâm vô thường và pháp không có thật ngã thì việc tu hành mới tấn bộ ngỏ hầu đạt đến giải thoát an vui.
34.- TỨ-CHÁNH-CẦN LÀ GÌ ? HÌNH TƯỚNG VÀ CÔNG DỤNG CỦA CÁC PHÁP ẤY RA SAO ?
Trong 37 pháp giúp cho việc thực hành Phật giáo được hoàn bị mà 4 pháp môn quan trọng chánh đáng rất cần thiết nên gọi là Chánh-Cần.
Bốn pháp Chánh-Cần là : Điều thiện chưa sanh cần làm cho phát sanh, việc thiện đã sanh phải làm cho nó tăng trưởng mãi, điều ác chưa sanh phải cố ngăn chặn không cho phát sanh và việc ác đã sanh phải tìm cách diệt trừ. Đó là 4 pháp tu chánh đáng mà bất cứ hành giả nào muốn đạt được đạo không thể không thực hành.
Đã gọi là pháp Chánh-Cần thì bất cứ lúc nào người tu hành cũng có thể nhớ nghĩ và thực hành được cả. Tuy nhiên, để cho công việc tu tập đạt tới kết quả tốt, thì giờ thích hợp và thuận tiện nhất để nghĩ tới 4 pháp Chánh-Cần là lúc ngồi thiền, quan sát và tập trung tư tưởng hoặc lúc nào ta cảm thấy tâm trí nhẹ nhàng, không bị chi phối bởi hoàn cảnh phức tạp chung quanh.
Điều ác và việc thiện vốn không có hình tướng nên khó có thể diễn tả cho đúng hoàn toàn được. Ở đây có thể lấy một vài ví dụ để làm cho vấn đề được sáng tỏ hơn như : Tánh tỵ hiềm, lòng tham muốn, ý ganh ghét v.v... là những việc xấu, điều ác cần nên tránh, còn việc thiện là những điều mà ai cũng thích như lòng tha thứ, yêu thương rộng khắp, tánh rộng rãi v.v... Nhưng, còn những việc xấu ác chưa sanh thì làm sao mà biết được để ngăn chặn cho nó đừng sanh ? Việc ác dù nhỏ nhoi đi nữa cũng là hạt mầm của bao nhiêu sự sai lầm tai hại, cho nên dù một sự móng tâm nào có tính cách bất chính và có phương hại tới mọi người và mọi vật chung quanh cũng đều phải tức thời tìm cách dập tắt ngay từ lúc nó mới nhen nhúm phát khởi.
Tập trung được mọi ý tưởng tốt cho tới khi nào ta nghĩ tới điều thiện thắng được điều ác như người đãi lọc vàng trong đất cát thì việc tu tập mới gọi là thuần thục vậy.
35.-  TỨ-NHƯ-Ý-TỨC LÀ GÌ ?
Tứ-như-ý-túc là bốn điều biết đủ như ý hay là bốn pháp môn tùy thuộc vào việc suy nghĩ và là phần cốt tủy trong việc thực hành các pháp lành vậy.
Bốn điều biết đủ như ý là : Lòng ham muốn vừa đủ, ý niệm, tinh tấn và định hay nói một cách khác việc mong cầu, việc suy nghĩ, về hành động và tư tưởng phải đúng. Mong muốn, suy nghĩ, hành động và tư tưởng là 4 khía cạnh của một vấn đề để từ đó con người có thể làm được thiên thần hay quỉ vật. Tại sao ? Vì một khi mà lòng ham muốn hay dục vọng của ta quá độ dễ đưa tới chỗ sa ngã, mù quáng và gây ra nhiều tội ác. Đối với người tu, mọi việc đều phải biết đủ (tri túc) nên chữ "túc" ở đây còn có nghĩa là tri túc. Trong khi đó việc suy nghĩ và hành động là những yếu tố quan trọng hơn cả. Nếu ta chỉ nghĩ và hành động một chiều, tức là thiếu sự cân nhắc kỹ càng để đưa tới việc làm thô bạo có phương hại kẻ khác. Sau cùng là phần tư tưởng mới quyết định được mọi việc đúng hay sai ở đời. Tư tưởng đúng, hành động đúng ; tư tưởng sai, dĩ nhiên hành động không thể nào đúng được. Một người có tư tưởng hướng thượng, tức là biết hướng đời sống tới một lý tưởng và sẽ đi đúng theo con đường đã chọn. Nếu tư tưởng lệch lạc, sai lầm sẽ kéo theo cuộc đời khổ não, đau đớn không thể lường được.
Nguyễn-Công-Trứ trong bài "chữ nhàn" có câu : Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc ; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn, nghĩa là biết đủ cứ cho là đủ, chờ đợi cho đủ thì chừng nào mới đủ được ; cũng như biết nhàn cứ tự nhiên hưởng cái nhàn, chờ đợi tới lúc thực sự nhàn nhã thì làm gì có được cảnh ấy ?
Trong kinh "Tứ Thập Nhị Chương" cũng có đoạn nói về thiểu dục và tri túc, đức Phật dạy các thầy Tỳ-kheo : Người biết đủ dù có ở đâu trên mặt đất, tâm hồn vẫn cảm thấy được thư thái nhẹ nhàng ; còn người không biết đủ cho dù ở trên cảnh thiên đường cũng không được vừa ý.
Tri túc là phương thuốc cần cấp cho người tu hành, cũng như biết đủ như ý rất quan trọng trong bất cứ mọi trường hợp ta muốn thực hiện một công việc gì dù lớn hay nhỏ.
36.- NGŨ CĂN CÓ PHẢI LÀ 5 PHẦN THUỘC VỀ CƠ THỂ ?
Ngũ căn là 5 pháp môn căn bản thuộc về khía cạnh tinh thần mà người tu muốn hoàn thiện tư cách, không thể không suy nghĩ để thực hành cho đúng cách.
Ngũ-căn là tín, tấn, niệm, định và huệ hay nói cách khác là lòng tin tưởng, sự chuyên cần, điều suy nghĩ, tập trung tư tưởng và trí hiểu biết phán đoán. Ở đây, vấn đề có thể triển khai theo nhiều khía cạnh trong môi trường xã hội. Chữ Tín đứng đầu trong mọi việc giao tế, do đó trong kinh Qui-Nguyên Trực-Chỉ có câu "Tín vi đạo nguyên công đức mẫu" (lòng tin là nguồn mạch của bao nhiêu mẫu ruộng công đức). Mọi việc từ nhỏ đến lớn ở đời, nếu thiếu lòng tin cậy lẫn nhau, người ta khó có thể cộng tác với nhau được. Sự chuyên cần cũng là yếu tố quyết định cho tư cách đàng hoàng và đúng đắn của một người. Ví dụ làm việc đúng giờ ; khi đã hứa việc gì ta phải giữ lời ; việc nào chưa biết phải tìm tra cứu đến tận gốc rễ mới thôi, có như vậy mới đủ uy tín để cho người khác đặt được lòng tin tưởng nơi ta. Ngoài ra, việc suy nghĩ cũng giữ một phần quyết định quan trọng trong đời sống. Nghĩ đúng, hành động đúng. Việc định tĩnh tâm thần và trí hiểu biết sáng suốt là điều không thể thiếu được trong đời sống. Trí tuệ sáng suốt sẽ đẩy mạnh công việc của ta đến chỗ thành công tốt đẹp như ý. Muốn có được trí hiểu biết lẹ làng, thông minh, một phần do bẩm sinh mà có còn một phần do ta tập luyện và tu tập nơi kinh nghiệm mới thành tựu được.
Ngũ-căn là phần trợ duyên cho tư tưởng như phân bón, hóa chất thêm vào cho cây cối được xanh tốt. Đây là những chất liệu cần thiết để làm phong phú cho đời sống tinh thần ngày càng bén nhậy, tinh vi.
Người tu hành biết áp dụng trong việc thực hành đúng mức pháp môn nầy sẽ thành tựu được đạo nghiệp lâu dài vậy.
37.- NGŨ-LỰC LÀ GÌ ?
Như trên đã luận về ngũ-căn rồi, phần ngũ-lực chỉ là cái tác dụng của ngũ căn mà thôi. Ngũ-lực là 5 sức mạnh tinh thần làm động cơ thúc đẩy tư tưởng suy nghĩ đúng.
Như vậy, ngũ-lực là tín, tấn, niệm, định và huệ lực. Tại sao 5 căn và 5 lực có cùng một hình tướng và tên gọi giống nhau lại chia ra làm hai lãnh vực cho thêm phức tạp ? Hình tướng của 5 căn và 5 lực tuy giống nhau, nhưng cái tác dụng của chúng hoàn toàn khác biệt. Chữ Lực là sức mạnh mà trong Phật giáo mỗi hành vi tạo tác ra nghiệp lành, nghiệp dữ của chúng sanh đều do cái "Lực" nầy thúc đẩy mà ra cả. Giả sử ta tin một điều gì cũng giống như bao nhiêu kẻ khác tin, còn cái hấp dẫn để tin lại là việc khác, cho nên cái sức mạnh để tin đó mới là điều quan trọng. Chuyên cần là một đức tính tốt mà ai cũng có thể nghĩ được, nhưng cái động cơ thúc đẩy việc chuyên cần kia mới là điều đáng nói hơn cả. Trí tuệ phán đoán mọi việc đúng, sai đều phải có một sức mạnh tiềm tàng bên trong làm trợ duyên. Lực hay động lực, nếu chỉ dùng chỉ thuần vật chất nó là cái đầu máy (moteur) của toàn bộ máy vậy. Lực trong phạm vi tinh thần là đầu dây mối nhợ sai sử con người quyết định, lựa chọn hay từ chối, tán đồng hay phản đối ... mọi việc đúng hoặc sai.
Vì vậy, người thực hành Phật giáo cần phải đặc biệc chú trọng tới cái sức mạnh lôi kéo nầy của tư tưởng để kiểm soát mọi hành vi của mình, nếu không, sẽ bị cái sức chi phối nầy dắt dẫn tới những việc làm tai hại, lỗi lầm và cuối cùng ta không còn cách nào để sửa đổi được nữa.
Hành động, tư tưởng, trí phán xét của ta phải do ta làm chủ để giữ được thế quân bình trong mọi khía cạnh sinh hoạt là vai trò của năm sức mạnh tinh thần nầy chi phối.
38.- THẤT-BỔ-ĐỀ-PHẦN VÀ THẤT-GIÁC-CHI GIỐNG HAY KHÁC NHAU ?
Thất Bồ Đề Phần là 7 yếu tố quan trọng trong việc phát tâm tu tập đạo quả Bồ-Đề tức là giải thoát hay đạt đến giác ngộ.
Bảy phần trợ giúp cho công việc tu học đạt thành viên mãn, là một trong các pháp của 37 phẩm trợ duyên cho hành giả tấn tu đạo nghiệp. Bảy yếu tố đó là những gì ?
Đó là : Trạch-pháp, tinh-tấn, hỷ, khinh-an, niệm, định, xã ; về ý nghĩa của mỗi pháp và việc thực hành như thế nào ?
- Trạch-pháp là chọn lực phương pháp hay các pháp môn thích hợp để tu, tức là các pháp lành, đúng với trình độ căn cơ của ta. Ngoài ra, phương pháp nào không thích hợp thì loại bỏ như người thích tu thiền thì nên chọn thiền, kẻ thích tu quán tưởng niệm Phật thì nên chọn pháp môn tu Tịnh-độ.
- Tinh-tấn là tiến tới không ngừng nghỉ. Khi làm bất cứ một công việc gì, muốn đạt đến chỗ thành công cần phải có ý chí cương quyết, dứt khoát.
- Hỷ là niềm phấn khởi vui tươi trong mọi việc hoặc hỷ xã, tức là vui vẽ chấp nhận các pháp lành để tu tập, trong tinh thần phấn chấn tự nhiên lúc thực hành điều kiện ấy giúp ta dễ thành tựu mọi việc.
- Khinh-an là nhẹ nhàng, thư thái, hòa hoản, không gấp rút vội vàng, nhờ đó ta có đủ sự sáng suốt để công việc tu học không bị thối chí nản lòng.
- Niệm là suy nghĩ những việc cần thực hành, tức là chú tâm vào một công việc không có ý chểnh mảng lơ là.
- Định là tập trung tư tưởng. Trong trường đời, ta phải sống vật lộn với bao nhiêu khó khăn, thử thách nên tâm bị giao động và cần phải có thì giờ định tĩnh lại để tìm lấy những giây phút bình an.
- Xả là bỏ, xa lánh những pháp bất thiện để tìm về chân tướng thật của con người, hầu tạo dựng một đời sống tốt đẹp hơn.
Như thế, giữa chữ Bồ-Đề và Giác-Chi (giác là sự hiểu biết, chi là nhánh hay ngọn tức là từng bộ phận) đều có nghĩa là các pháp cơ bản đưa tới giác ngộ.
Tóm lại, nếu hành giả biết thực hành đúng pháp tu, tức là chọn lựa phương pháp để chấp nhận hay từ bỏ các pháp không thích hợp thì kết quả sẽ tốt đẹp.
39.- BÁT-CHÁNH-ĐẠO LÀ GÌ ?  XIN KỂ RÕ THỨ LOẠI RA SAO ?
Bát-Chánh-Đạo là 8 con đường chơn chánh hay 8 phương cách thực tiển để giúp cho việc tu hành đạt đến thành tựu viên mãn.
Bát-Chánh-Đạo nằm trong các phương pháp tu tập của 37 Phẩm-Trợ-Đạo Bồ-Đề. Tám pháp môn chính đáng nầy là động cơ của mắt, miệng, hành vi, tư tưởng và ngay cả thân thể nữa cũng ảnh hưởng dây chuyền hợp thành. Thấy biết đúng để nhận ra được sự vật không lầm thuộc về chánh kiến, suy nghĩ ngay thật (Chánh-tư-duy) không mang tâm niệm xấu có hại cho kẻ khác. Miệng luôn luôn nói lời chân thật, hòa nhã, không cố ý thêm bớt, đặt điều vô ích (Chánh-ngữ). Hành động, việc làm chân chính (Chánh-nghiệp) luôn luôn chuyên cần để đẩy mạnh công việc làm đạt tới kết quả tốt (Chánh-tinh-tấn), lúc nào cũng nhớ nghĩ tới điều hay lẽ thật (Chánh-niệm), chọn lựa những công việc nào thích hợp với khả năng và trình độ của mình không làm phương hại tới kẻ khác trong việc mưu sinh (Chánh-mạng). Lòng lúc nào cũng hướng tới những tư tưởng hay, những điều bổ ích thiết thực cho đời sống của mình là ta đã theo đúng chánh định. Nếu hiểu biết suy nghĩ chân chánh theo như tám phương pháp nầy, chúng ta có thể rút tỉa ra được từ đó một bài học thực tiển thật hữu ích để ứng dụng vào đời sống hầu cải tạo cho riêng cá nhân mình và tư tưởng theo đúng con đường chánh đáng, là con đường duy nhất chân thật làm kim chỉ nam cho cuộc sống đúng nghĩa, hữu ích và an lạc.
Sống là một nghệ thuật mà mỗi người phải tự tạo ra cho cuộc đời mình tốt đẹp hay xấu xa. Người Phật tử biết sống đúng theo chánh pháp sẽ tạo được hạnh phúc an vui trong chánh đạo.
40.- A-NẬU ĐA-LA TAM-MIỆU-TAM BỔ-ĐỀ LÀ GÌ ?
A-Nậu Đa-La Tam-Miệu-Tam Bồ-Đề là trí tuệ sáng suốt của Phật, dịch là trí hiểu biết rộng lớn. Do con đường tu chứng đã đạt được, là trí tuệ vô thượng, là chân lý của sự an lạc.
Chữ A nghĩa là "vô", Nậu-Đa-La nghĩa là "thượng", Tam-Miệu là "chánh", Tam-Bồ-Đề là "biến" hay "đạo". Dịch tổng quát có nghĩa là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác hay Vô-thượng Chánh-biến-đạo và gọi tắt là A-Nậu Bồ-Đề.
Chỉ có chư Phật là bậc Đại giác ngộ hoàn toàn mới được tôn hiệu nầy. Các vị Bồ-Tát, La-hán, Thanh-văn ... chưa đủ tư cách để được tôn xưng. Con người từ khi phát tâm tu hành cho tới khi đạt được quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác phải trải qua vô số kiếp tinh tấn không ngừng mới phá dẹp được hai trận tuyến của quân giặc đang bủa vây từ trong nội tâm là sự phiền não quấy phá, cho đến giặc ngoại cảnh như ma chướng và các thứ sắc dục khác theo cám dỗ. Nếu người tu bẻ dẹp được 2 thứ giặc hùng hậu kia rồi cứ tiến thẳng tới quả vị Bồ-Đề là con đường rộng mở để vào ngôi nhà chánh pháp tức là giác ngộ giải thoát vậy.
Người Phật tử trong lúc sơ cơ học đạo, vì còn nặng gánh gia đình, chúng ta nên thực hành từng bước một những điều Phật dạy để tạo dựng một nếp sống gia đình thoải mái, lành mạnh, an vui, hạnh phúc, nhờ đó làm thềm thang đưa tới quả vị Bồ-Đề. Nếu luận rằng quả Phật khó đạt và việc Phật sự khó thực hành, chúng ta không biết đến đời nào mới chứng quả ? Sự giác ngộ và giải thoát không gì khác là ngay trong mỗi hành động, lời nói của ta trong sạch và lợi lành cho kẻ khác.
Phật đã dạy "Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành" thì quả Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác không xa đối với người Phật tử chân chánh, biết quyết tâm thực hành Phật giáo.
--o0o--