PHẬT HỌC CƠ BẢN
Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002
---o0o---
Chương 5
(Trang 47 - 55.)
Giới Hạnh
Morality.
~~~~~~~
Trong chương 4, chúng ta đã thảo luận về Tứ Diệu Ðế, trong đó phần cuối Bát chánh đạo, tức sự thực thứ tư, là toa thuốc giúp chấm dứt đau khổ. Ta đã so sánh Bát chánh đạo (Con đường Tám bước) với việc leo núi, bước thứ nhất luôn nhìn về đỉnh núi, bước cuối cùng phải cẩn thận ngay từ đầu để không bị vấp ngã. Nói một cách khác, mỗi phần đều ảnh hưởng nhau, nếu bất cứ phần nào của con đường không được hoàn tất, ta sẽ không bao giờ lên được đỉnh núi. Trong trường hợp Bát chánh Ðạo cũng giống như vậy, tất cả các bước đều được hỗ tương và tùy thuộc vào nhau. Chúng ta không thể bỏ qua bất cứ một bước nào.
Như đã được nói ở cuối chương 4, tám bước của Con Ðường Ðạo được chia thành 3 cách thực hành: (1) giới hạnh, (2) định tâm và (3) trí huệ. Theo quan niệm và cách sắp xếp, bước đầu khi leo núi tùy thuộc bước sau và bước sau cũng tùy thuộc vào bước đầu; theo thực tế, ta thực sự phải leo từ sườn núi thấp trước. Chúng ta có thể bị đỉnh núi thu hút, nhưng muốn lên đến đó chúng ta phải qua được những sườn núi thấp trước; chỉ có như vậy chúng ta mới có thể tiến lên những bờ cao hơn. Chính vì lý do thực tế này mà các bước của Bát chánh Ðạo được chia thành ba giai đoạn tu tập.
Trang 47. Ðầu tiên là giới hạnh. Giới hạnh tạo căn bản tiến bộ trên con đường phát triển nhân cách. Người ta nói rằng đất là căn bản của tất cả động vật và thực vật thì giới hạnh cũng là nền tảng của tất cả các đức tính tích cực. Nhìn chung quanh ta có thể thấy rằng mọi vật đều nằm trên quả đãt, từ các dinh thự cho đến cầu kỳ, từ thú vật cho đến con người. Quả đất tiếp trợ tất cả những vật này; cũng giống như vậy, giới hạnh là cơ bản của tất cả phẩm chất, đức độ, mọi thủ đắc từ cái tầm thường cho đến cái siêu phàm, từ thành công giàu có cho đến khả năng trong thiền định và sau rốt là trí tuệ và giác ngộ. Bằng lối ẩn dụ này, chúng ta có thể hiểu một cách dễ dàng sự quan trọng của giới hạnh. Nó là điều kiện tiên quyết và căn bản để tuân thủ và hoàn thành kết quả.
Tại sao chúng ta lại chịu khó nhấn mạnh vào sự quan trọng của giới đức là căn bản tiến bộ của Con Ðường Ðạo? Bởi vì có người cho nó là không thú vị và nhạt nhẽo. Thiền định có vẻ lý thú và thu hút sự chú ý hơn; trí tuệ và triết lý cũng có một cái gì hấp dẫn hơn. Thực ra, đây là sự cám dỗ nguy hiểm khi bỏ qua sự quan trọng của giới đức. Không tạo ra nền móng giới đức, chúng ta sẽ không thành công trong việc theo đuổi những bước kế tiếp khác.
Trang 48. Cần hiểu rõ các điều luật của giới đức trong Phật giáo, bởi vì có sự khác nhau trong các qui tắc được đưa ra. Nếu xét đến những điều dạy đạo đức của các tôn gíao chính trên thế giới, bạn sẽ ngạc nhiên về mức độ đồng ý trong các tôn giáo đó. Lấy thí dụ những điều dạy về đạo đức của Do thái giáo, Cơ đốc giáo, Hồi giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo và các đạo sư Ấn độ giáo, bạn thấy rằng các luật căn bản của giới đức hầu hết đều giống nhau. Tuy giống nhau nhưng quan điểm và cách diễn tả trong mỗi tôn giáo lại được giải thích khá khác nhau.
Nói chung, có hai lối--đó là lối phục tùng và lối dân chủ. Một thí dụ điển hình của nguyên tắc đầu tiên là Chúa ban phát các bia truyền của Mười Ðiều răn cho dân Moses trên núi. Trong Phật giáo việc thiết lập các giới đức có tính cách dân chủ hơn. Bạn có thể lấy làm lạ tại sao tôi nói điều này khi thực sự giới luật đã có in rõ trong kinh sách Phật giáo. Bạn có thể hỏi, ‘Bộ những điều luật này không tương tự với những gì Chúa ban các điều răn cho người Moses sao?’ Tôi nghĩ là không, bởi vì nếu xét một cách tỉ mỉ ý nghĩa trong kinh sách Phật giáo, chúng ta mới có thể thấy những gì nằm đằng sau các giới luật của đức hạnh--đó là, các nguyên tắc bình đẳng và tương nhượng.
Trang 49. Nguyên tắc về bình đẳng cho rằng tất cả sinh vật đều có chung định hướng và quan điểm căn bản của chúng. Nói một cách khác, tất cả các sinh vật đều muốn hạnh phúc, vui hưởng cuộc đời và tránh đau khổ, chết chóc. Ðiều này cũng đúng với các sinh vật khác giống như chúng ta. Nguyên tắc bình đẳng này là trung tâm của mọi vật trong vũ trụ theo cái nhìn của đức Phật. Hiểu được nguyên tắc bình đẳng này, chúng ta được khuyến khích hành động theo sau một nguyên tắc nữa, đó là tương nhượng.
Trang 49. Sự tương nhượng lẫn nhau có nghĩa là, ta không muốn bị lợi dụng, bị cướp, bị gây thương tật hay bị giết. Tất cả các sinh vật khác cũng không muốn có những sự việc như thế xãy ra cho chúng. Ta có thể nói nguyên tắc tương nhượng này một cách giãn dị là,‘Ðừng làm những gì mình không muốn người ta làm cho mình.’ (Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân). Một khi chúng ta hiểu được nguyên tắc công bằng và tương nhượng này thì sẽ không khó hiểu cái căn bản dân chủ về giới đức trong Phật giáo.
Trang 49. Chúng ta hãy xét chi tiết nội dung giới đức trong Phật giáo. Cách thực hành giới đức bao gồm ba phần: chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng.
Chánh ngữ là mặt cực kỳ quan trọng. Chúng ta thường đánh giá thấp sức mạnh của lời ăn tiếng nói, nên đôi khi ít kiểm soát chúng. Một lúc nào đó trong cuộc đời, ta thường bị tổn thương vì lời nói của người này hay có đôi khi lại rất phấn khởi bởi lời nói của người kia. Trong chính trường, ta đã thấy những người ăn nói tài giỏi, ảnh hưởng mạnh mẻ đến dân chúng như thế nào, có khi tốt đẹp hơn, có lúc tệ hại hơn... Hitler, Churchill, Kennedy và Martin Luther King đều là những nhà hùng biện có khả năng ảnh hưởng hàng triệu người với lời nói của họ. Người ta nói rằng một lời nói nặng có thể làm tổn thương nhiều hơn là một võ khí, trong khi một lời dịu dàng có thể thay đổi trái tim và đầu óc ngay cả một tội phạm khó trị nhất. Hơn bất cứ cái gì khác, khả năng ăn nói phân biệt được con người với thú vật. Nếu chúng ta muốn tạo ra một xã hội trong đó nói năng, cộng tác và hạnh phúc là những mục tiêu phải đạt được, chúng ta phải kiểm soát và dùng lời nói cho hữu ích.
Trang 50. Giới đức nói lên sự tôn trọng các giá trị về bình đẳng và tương nhượng. ‘Chánh ngữ’ ám chỉ đến sự quí trọng sự thật và hạnh phúc của người khác. Dùng khả năng ăn nói với các giá trị nầy trong đầu óc chính là ta đã gieo trồng chánh ngữ và hoàn thành tốt đẹp các liên hệ của mình với người khác. Theo truyền thống, chúng ta nói đến 4 khía cạnh của chánh ngữ, đó là, tránh (a) nói dối, (b) nói xấu, (c) nói quá và (d) nói chơi.
Một trong những lời chỉ dạy của đức Phật cho con, đại đệ tử La Hầu La, là sự tốt đẹp của việc tránh nói dối. Ông dùng thí dụ cái chậu đựng nước dơ sau khi rửa chân. Sau khi chỉ cho ngài La hầu la thấy nước dơ xong, ông nói, ‘Những người có đức hạnh mà nói dối một cách không xấu hổ thì kể như bỏ đi, giống như nước dơ trong chậu vậy.’ Kế đó, ông đổ nước dơ ra và nói, ‘Người nào nói dối không xấu hổ tức là đã bỏ đi đức hạnh của họ, cũng giống như ta đổ nước này đi vậy.’ Kế đó đức Phật chỉ cho ngài La hầu la cái chậu dơ không còn nước và nói,‘ Cái chậu cũng bị ảnh hưởng vì nước dơ, giống như đức hạnh của những người quen thói nói dối vậy.’
Trang 51. Bằng cách dùng cái chậu, Phật đã chứng minh rằng nói dối ảnh hưởng nặng nề đến việc tu tâm dưỡng tánh. Nếu tin rằng có thể làm một đàng nói một nẻo, thế là ta sẽ không ngần ngại gì khi làm bậy, bởi vì chúng ta sẽ tự tin rằng mình sẽ có khả năng che đậy những hành động có hại bằng cách nói dối. Nói dối mở cửa cho tất cả các loại hành động không lương thiện.
Vu khống gây chia rẽ. Nó tạo ra cải cọ giữa bạn bè, gây đau khổ và bất hòa trong xã hội. Vì thế, nếu không thích có người hiềm thù mình vì những lời nói xấu, ta cũng không được nói xấu người khác.
Cũng giống như vậy, chúng ta không nên dè bỉu người khác với những lời nói quá, nói thêm. Trái lại, nên nói năng lịch sự với kẻ khác giống như chúng ta thích họ nói với mình vậy.
Trang 51. Khi bàn đến chuyện nói chơi, bạn có thể tự hỏi tại sao chúng ta không thể tham gia vào những chuyện vui nho nhỏ? Thật ra việc cấm đoán nói chơi không phải tuyệt đối như vậy. Loại nói chơi ở đây là chưyện thị phi có tính cách ác ý, đó là, đổi hướng sự chú ý về mình và kẻ khác bằng cách kể ra lỗi lầm và thất bại của thiên hạ.
Nói tóm lại, tại sao không tự chế mình trong việc sử dụng một cách xây dựng khả năng ăn nói, một khả năng hữu ích và mạnh mẽ, để trao đổi với nhau những buổi nói chuyện ý nghĩa, hòa hợp con người, khuyến khích hiểu biết giữa bạn bè và cho những lời khuyên hữu ích; thay vì để lừa dối, gây chia rẽ, nói xấu kẻ khác và chuyện vãn cho qua thời giờ? Ðức Phật đã từng nói,‘Lời nói dễ nghe thì ngọt như mật; nói lên sự thật là điều đẹp đẽ giống như một bông hoa; những lời nói sai trái thì không lành mạnh, giống như vết bẩn. Vì thế chúng ta hãy cố gắng, vì lòng thiện của mình và của người khác, gieo trồng chánh ngữ. Ðó là sự tôn trọng sự thật và hạnh phúc của tha nhân.
Trang 52. Phần kế của Bát chánh đạo nằm trong phần đức hạnh là chánh nghiệp. Chánh nghiệp bao gồm (a) quí trọng đời sống, (b) quí trọng tài sản, và (c) quí trọng sự liên hệ cá nhân. Hẵn bạn còn nhớ những gì tôi đã nói trước đây rằng cuộc đời rất đáng quí. Ðiều ấy được nói đến trong Kinh Pháp cú (Dhammapada) rằng mọi sinh vật đều run sợ trước sự trừng phạt, tất cả đều sợ chết và tất cả đều yêu quí đời sống. Xin nhớ các nguyên tắc về bình đẳng và tương nhượng là chúng ta không được giết các sinh vật. Bạn có thể chấp nhận điều nầy đối với con người nhưng lưỡng lự đối với các sinh vật khác. Tuy nhiên, một số tiến bộ trong những năm vừa qua trong các lãnh vực khoa học và kỹ thuật chắc phải cho những người thích suy nghĩ vài món ăn tinh thần. Chẳng hạn, khi ta diệt một đàn côn trùng, chúng ta có chắc là đã hoàn thành sự tốt đẹp nhất, lâu dài nhất không, hay không khéo lại góp phần vào sự mất thăng bằng hệ thống môi trường mà nó sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn trong tương lai?
Tôn trọng tài sản có nghĩa là không trộm cắp, cướp giựt hay lừa gạt người khác. Ðiều này là quan trọng bởi vì người nào lấy tài vật bằng sức mạnh; lấy lén đi, hay lừa lọc tức đã phạm tội không công bằng về tài sản. Người chủ không trả lương công nhân cho xứng đáng, đền bù đúng với công việc làm, cũng là có tội này; công nhân lãnh lương nhưng né tránh bổn phận cũng có tội ngang với sự thiếu tôn trọng tài sản.
Trang 52. Cuối cùng, tôn trọng sự liên hệ cá nhân nghĩa là tránh sai trái về tình dục. Nói một cách giản dị nhất là thông dâm. Ngoài chuyện đó ra, nó còn có nghĩa là tránh liên hệ tình dục với những người từng bị đau khổ vì những sự giao tiếp như thế. Nói chung, tránh lạm dụng các giác quan. Bạn có thể dễ dàng thấy kết quả nếu những chỉ dẫn này được thi hành trong một cộng đồng nào đó, chỗ ấy sẽ là nơi sinh sống tốt đẹp.
Chánh mạng là bước thứ ba của Bát chánh đạo được kể đến trong việc thực hành giới đức. Chánh mạng là sự nới rộng luật lệ của chánh nghiệp vào các vai trò gia trưởng trong xã hội. Trong hai trường hợp chánh ngữ và chánh nghiệp, giá trị bên trong của nó là tôn trọng sự thật, hạnh phúc, cuộc sống của người khác; tôn trọng tài sản cùng sự liên hệ giữa con người với nhau. Chánh mạng có nghĩa là kiếm sống bằng cách nào mà không vi phạm những giá trị căn bản nói trên.
Trang 53. Năm lối sống không được khuyến khích đối với Phật tử là buôn bán thú vật để làm thịt, buôn bán nô lệ, khí giới, thuốc độc và rượu. Năm loại này không được đề nghị bởi vì chúng góp phần vào các tệ nạn xã hội và vi phạm các giá trị tôn trọng đời sống và hạnh phúc của người khác. Buôn bán thú vật để làm thịt là vi phạm giá trị thứ nhứt của chánh nghiệp (tôn trọng đời sống). Buôn bán nô lệ là vi phạm hai giá trị trong chánh nghiệp (tôn trọng đời sống và liên hệ giữa con người với nhau). Buôn bán khí giới là vi phạm giá trị tôn trọng đời sống, trong lúc đó buôn bán chất độc hoặc rượu cũng không tôn trọng cuộc sống và hạnh phúc của người khác. Tất cả những loại buôn bán này gây ra sự bất ổn, bất hòa và đau khổ trên thế giới.
Trang 53. Thực tập như thế nào để có giới đức? Chúng ta đã nói là trong khung cảnh xã hội, hành động theo giới luật là tạo cho môi trường xã hội được hòa hợp và bình an. Tất cả mục tiêu xã hội của chúng ta có thể được hoàn thành trong phạm vi giới luật, dựa trên các nguyên tắc căn bản của sự bình đẳng và tương nhượng. Ngoài ra, mỗi người được sự lợi lạc từ sự thực hành các giới đức đó. Trong một bài giảng, Phật đã nói rằng người nào để ý đến sự tôn trọng cuộc sống...sẽ cảm thấy giống như vua, xứng đáng với danh vị và khuất phục được kẻ thù . Người như vậy cảm thấy bình an và thoải mái.
Sự thực tập giới đức tạo nên một cảm giác an toàn, lâu dài, thanh tịnh và bình an. Một khi tạo được sự bình an nội tại, bạn có thể hoàn tất các bước khác của Bát chánh đạo. Bạn có thể vun trồng và hoàn thành các mặt khác của thiền định và trí huệ nhưng chỉ được nó sau khi bạn đã tạo ra nền móng cần thiết của giới đức cho chính bạn và cho sự liên hệ với những người khác.
Trang 54. Nói tóm lại, đây là nguồn gốc, nội dung và mục tiêu của giới đức trong Phật giáo. Xin thêm một điểm nữa khi xét đến các giới đức. Bạn thường nghĩ, ‘Làm sao ta có thể giữ giới được?’ Có vẻ không thực tế hay khó tuân thủ quá phải không? Như việc cấm sát sanh là điều rất khó theo một cách tuyệt đối. Trong khi quét dọn nhà bếp hoặc làm việc vặt vãnh trong vườn, chắc là bạn sẽ giết vài côn trùng mà chúng bất chợt làm bạn khó chịu. Cũng như vậy, có vẽ cũng rất khó, ngay cả việc tránh nói dối trong mọi trường hợp. Làm sao xử trí các vấn đề nầy, cái nào là cái đúng đây?
Trang 54. Ðiểm chánh không phải là bắt buộc ta theo một cách tuyệt đối tất cả các luật lệ của giới đức. Nếu các luật lệ của giới đức có giá trị thực tế (có nghĩa là, nếu các nguyên tắc về bình đẳng và tương nhượng là đáng tin và có thể thực hành được) thì bổn phận của chúng ta là phải theo các giới luật này càng nhiều càng tốt. Chúng ta sẽ không có khả năng theo được chúng tuyệt đối mà là ta phải làm hết sức mình để thực tập giới luật. Nếu muốn sống bình an cho chính mình và với những người khác, ta phải tôn trọng cuộc sống và hạnh phúc cùng tài sản của họ v.v...Nếu một sự việc diễn ra trong đó chúng ta cảm thấy không thể áp dụng đúng theo một luật nào đó, cái đó không phải là lỗi của luật, mà chỉ vì có một khoảng cách giữa cách thực tập riêng của mình và sự thực hành lý tưởng của nó.
Cuối trang 54. Ngày xưa, khi lái tàu băng qua đại dương với sự giúp sức của các tinh tú, các thủy thủ không thể nào theo chính xác cái thủy lộ được chỉ ra bởi các thiên thể. Tuy vậy nhờ theo chúng một cách phỏng chừng như thế nào đó, các thủy thủ đã đến được bến bờ. Cũng giống như vậy, khi theo các luật về giới hạnh, chúng ta không thể luôn luôn theo được tất cả giới luật . Ðây là lý do tại sao năm giới này được gọi là ‘năm giới luật rèn luyện’. Ðó cũng là lý do tại sao chúng ta cứ nói đi nói lại luôn. Những gì có trong các giới luật là cái khung làm việc qua đó chúng ta có thể cố gắng sống hòa hợp với hai nguyên tắc căn bản làm nổi bật giáo lý của đức Phật: nguyên tắc bình đẳng và tương nhượng của mọi sinh vật.
--o0o--