-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
- Chương 7
- (Trang 65 - 74.)
- Trí Huệ
- Wisdom
- ~~~~~~~
- Chương này là
chương hoàn tất việc quan sát tám bước đi của Bát Chánh Ðạo. Trong
chương 5 và 6 chúng ta đã xét qua 2 nhóm đầu tiên, các cách thực
hành thuộc phần giới đức và thiền định. Tới đây ta
đối đầu với một nghịch lý rõ rệt: trong danh sách tám bước, ‘Chánh
(tri) kiến’ và ‘Chánh tư duy’ xãy ra trước, vậy mà trong nội dung
của 3 giai đoạn thực hành, nhóm trí huệ lại đến sau. Tại
sao lại như vậy?
- Trước đây, ta
dùng câu chuyện leo núi để cắt nghĩa các sự liên hệ trong tám bước
của Bát chánh Ðạo. Trước khi khởi hành để leo núi, bạn phải có
đỉnh núi trước mặt. Ðây là tầm nhìn để hướng tới của ta. Vì vậy,
ngay từ đầu ta phải giữ con mắt hướng vào đỉnh núi. Vì thế, ‘Chánh
(tri) kiến’ được đặt ngay từ đầu các bước đi của nó. Trong thực
tế, phải leo từ những sườn núi thấp hơn và leo dần lên các rặng
núi kế bên trước khi bạn có thể đạt tới đỉnh núi, đây mới là sự
đạt được trí huệ. Vì thế trong thực tế, trí huệ chỉ đến sau cùng
trong việc thực hành Bát Chánh Ðạo.
- Trí huệ được mô
tả là sự hiểu biết về Tứ Diệu Ðế, sự hiểu biết về thuyết Duyên
khởi và những thuyết khác. Những gì chúng ta muốn nói ở đây là:
việc chứng đắc trí huệ là sự chuyển biến các học thuyết từ tri
thức thành sự chứng nghiệm riêng. Nói một cách khác, chúng ta muốn
chuyển đổi kiến thức về Tứ Diệu Ðế và các thuyết khác từ việc học
trong sách thành sự thật sinh động và thực tế. Muốn hoàn tất sự
chuyển đổi này, trước nhất phải vun trồng giới đức và kế đó qua sự
thực tập thiền quán.
- Trang 66. Bất
cứ ai cũng có thể đọc sách nói về ý nghĩa của Tứ Diệu Ðế, thuyết
Duyên sinh, v.v... Nhưng như vậy không có nghĩa là người ấy đã đạt
được trí huệ (bát nhã ba la mật đa=prajna paramita (Phạn)). Phật
đã nói rằng chính vì không hiểu được Tứ Diệu Ðế và thuyết Duyên
sinh mà tất cả chúng ta đã chịu luân hồi sinh tử quá lâu. Dĩ nhiên
ông còn muốn nói sâu xa hơn thế nữa.
- Trang 66. Chữ
‘hiểu biết (tri kiến)’ phải được hiểu với nghĩa ‘Chánh tri kiến’
tức là hiểu biết trực tiếp và tức thì. Nó có thể là một nhận thức
giãn dị giống như thấy một dãy màu xanh chẳng hạn. Có thể đây là
lý do tại sao chữ ‘thấy’ được dùng rất thường để mô tả sự đạt được
trí huệ. Chúng ta nói đến trí huệ bằng chữ ‘thấy sự thật’ hay
‘thấy sự vật đúng như thực tướng của nó’ bởi vì việc đạt được trí
huệ không phải là sự sử dụng tri thức hay học tập lý thuyết mà nó
là sự hiểu biết hay ‘thấy’ những sự vật này một cách trực tiếp.
Ðạt được sự hiểu biết trực tiếp về bản chất thực tế tương đương
với sự đạt được giác ngộ. Ðiều này mở rộng cánh cửa tự do để thoát
khỏi đau khổ và đến niết bàn.
- Trong Phật
giáo, trí huệ là chìa khóa cho sự nhận thức mục tiêu của tôn giáo.
Trong một vài tôn giáo, chúng ta nhận thấy rằng lòng tin là cao
tột nhất; ở những tín ngưỡng khác, thiền định là cao tột nhất.
Trong Phật giáo, bắt đầu là lòng tin, kế đó là thiền quán và trung
tâm chính yếu là trí huệ.
- Hai bước trong
Tám Bước Bát chánh đạo thuộc nhóm trí huệ là ‘Thấy đúng’ (Chánh
tri kiến) và ‘Nghĩ đúng’ (Chánh tư duy). ‘Thấy đúng’ là thấy sự
vật đúng như thực tướng hơn là chỉ thấy qua bề ngoài của chúng.
Những gì mà điều này muốn nói đến trong nghĩa thực tế là sự sáng
suốt, hiểu biết thâm thúy, hay thấy được bên dưới của bề mặt sự
vật. Nếu muốn cắt nghĩa điều này về mặt học thuyết, ta phải nói về
Tứ Diệu Ðế, thuyết Duyên khởi, vô thường, vô ngã,v.v...Ngay lúc
này, chúng ta chỉ nói đến phương tiện để đạt được ‘Thấy đúng’
(Chánh tri kiến), còn phần nội dung, ta để một dịp khác sẽ nói
sau. Một lần nữa, quan điểm khoa học của Pháp Phật thật hiển
nhiên. Khi xem xét các phương tiện để đạt được ‘Thấy đúng (Chánh
tri kiến), ta nhận thấy là chúng ta bắt đầu với sự quan sát khách
quan về thế giới chung quanh mình và về chính mình. Hơn nữa, sự
quan sát khách quan được nối kết bằng tìm tòi, xem xét và cân
nhắc.
- Trang 67. Trong
tiến trình đạt được nó, ta thấy rằng có hai loại tri kiến: 1. loại
do chính ta đạt được, 2. loại do ta đạt được từ người
khác hay do người khác trưng ra. Nói chung, hai loại tri kiến
này cuối cùng hợp làm một. Tri kiến tổng hợp này( hay Chánh tri
kiến) là của riêng ta. Tuy nhiên ta có thể phân biệt giữa cái tri
kiến được hoàn thành qua sự quan sát các sự kiện hàng ngày và cái
tri kiến học hỏi qua giáo lý.
- Trong trường
hợp kinh nghiệm cá nhân, chúng ta được khuyến khích quan sát khách
quan các sự kiện được đưa ra và cân nhắc ý nghĩa của chúng. Khi
tiếp cận Pháp Phật, chúng ta được khuyến khích nghiên cứu trước (Văn),
rồi xem xét và cân nhắc chúng sau (Tư). Dù quan sát khách
quan để tìm sự thật cho kinh nghiệm cá nhân, hay nghiên cứu, xem
xét các kinh sách, bước thứ ba và cuối cùng trong tiến trình đạt
được kiến thức vẫn là thiền định. Chính ngay tại điểm này mà hai
loại tri kiến tôi đã ám chỉ trước đây trở nên không thể nào phân
biệt được.
- Trang 68. Ðể
tóm tắt, các phương tiện đạt được sự ‘Thấy đúng’ (Chánh tri kiến)
là: (1) giai đoạn quan sát và nghiên cứu; (2) giai dọan xem xét và
suy nghĩ những gì đã quan sát và nghiên cứu; (3) giai đoạn thiền
định, suy ngẫm những gì đã xem xét và suy nghĩ. Hãy dùng một thí
dụ thực tế. Chúng ta có ý định du lịch một nơi nào đó. Ðể chuẩn bị
cho cuộc hành trình, ta phải có một bản đồ để tìm phương hướng; kế
đó quan sát, nghiên cứu, xem xét các dấu hiệu chỉ đường, đường
siêu xa lộ, đường địa phương, khoảng cách xa gần, các đô thị lớn
nhỏ, các ngõ tắt,v.v.... Sau cùng, ta thực sự thực hiện cuộc hành
trình đi dến nơi đã định trước. Bước cuối cùng này có thể so sánh
với thiền định.
- Lấy một thí dụ
khác. Giả thử bạn đã mua một dụng cụ cho căn nhà hay văn phòng
mình. Ðọc lời chỉ dẫn để biết cách dùng qua một lần thì không đủ.
Nó phải được đọc đi đọc lại và xem xét kỷ lưởng để chắc chắn rằng
bạn đã hiểu rõ những gì nó muốn nói. Chỉ khi nào chắc chắn đã hiểu
thật sự thì lúc đó bạn mới có thể tiến hành sử dụng dụng cụ mới
mua này. Cách sử dụng nó cho có kết quả giống như giai đoạn thiền
định. Ðể đạt được trí huệ chúng ta phải thiền định, suy ngẫm vào
những điều mà chúng ta đã đạt được qua việc quán sát, nghiên cứu
và chứng nghiệm. Vào giai đoạn thứ ba này, cái tri kiến mà ta đạt
được trước đó trở nên một phần của kinh nghiệm sống của mình.
- Chúng ta có thể
bỏ ra một chút thời gian xét đến thái độ thích nghi cần có để học
tập Pháp Phật. Muốn có một thái độ tốt, ta phải tránh 3 điều, được
cắt nghĩa với ví dụ cái chén. Chúng ta được ví là cái chén, lời
giáo huấn là những gì được đổ vào trong chén.
- Trang 69. Giả
thử cái chén được đậy nắp: chúng ta sẽ không thể đổ gì vào đó được
hết. Ðiều này được so sánh với tình trạng của một người lắng nghe
lời giáo huấn với tâm bị đóng chặt lại, có nghĩa là, một cái tâm
đã đầy. Trong trường hợp nầy, Pháp Phật không thể nào vào được tâm
trí của người ấy.
- Giả thử cái tô
có lỗ dưới đáy: nếu chúng ta cố gắng đổ đầy sửa, chất sửa rõ ràng
là chỉ chảy theo chỗ lủng đó thôi. Ðiều này được so sánh với một
người không giữ lại được những gì họ nghe, vì thế, không có lời
giáo huấn nào có lợi ích cả.
- Cuối cùng, thí
dụ chúng ta đổ đầy sửa tươi vào tô trước khi kiểm soát xem tô sạch
hay không hoặc còn sửa hư còn lại hay không: sửa tươi mà chúng ta
đổ vào trong tô sẽ đương nhiên bị hư. Cũng giống như vậy, nếu nghe
lời giáo huấn với một tâm trí không trong sạch, người đó sẽ không
được lợi lạc gì. Chẳng hạn, có người nghe pháp vì những mục đích
ích kỷ, như muốn có danh và có lợi: điều này giống như cái tô đã
bị nhơ bợn đầy những uế trược.
- Trang 69. Tất
cả chúng ta phải cố gắng tránh ba điều sai sót này khi tiếp cận
giáo lý của Phật. Cái thái độ đúng đắn phải có để nghe Pháp giống
như một bệnh nhân chăm chú nghe lời khuyên của vị y sĩ. Ở đây, đức
Phật cũng như vị Y sĩ, Pháp có giá trị như thuốc men, chúng ta là
bệnh nhân, và sự thực tập các lời giáo huấn là phương tiện mà nhờ
đó chúng ta có thể được chữa lành bệnh phiền não, đây là nguyên
nhân của sự đau khổ. Chúng ta chắc chắn hoàn thành một mức độ nào
đó của việc ‘Thấy đúng’ (Chánh tri kiến) nếu chúng ta tiếp cận
việc học Pháp Phật với thái độ này.
- ‘Chánh tri
kiến’ tự nó thường được chia làm hai mặt (hay hai trình độ): một
trình độ thông thường và một trình độ cao hơn. Trong chương 4, tôi
đã lưu ý đến những mục tiêu mà Phật giáo đã cho, mà nó cũng thuộc
về hai trình độ khác nhau: mục tiêu hạnh phúc và sung mãn thuộc về
cuộc đời ngày hôm nay và mai sau, trong khi mục tiêu tự do, hay
niết bàn, là mục đích thực hành tối hậu. ‘Chánh tri kiến’ đầu tiên
tương đương với mục tiêu bình thường của việc thực tập, trong khi
trình độ cao hơn của ‘Chánh tri kiến’ tương đương với mục tiêu tối
hậu của việc tu tập Pháp Phật.
- Trang 70. Cái
đầu tiên, trình độ bình thường của ‘Chánh kiến’, có liên hệ với sự
‘Thấy đúng’ về sự liên hệ giữa nhân và quả, nó thuộc về trách
nhiệm đạo đức đối với hành vi của mình. Nói khác đi, không sớm thì
muộn, ta sẽ nhận lấy các kết quả về hành động của mình. Nếu chúng
ta hành động tốt đẹp như duy trì các giá trị của việc tôn trọng
cuộc sống, tài sản, sự thật, v. v...chúng ta sẽ hưởng được những
quả tốt đẹp về các hành động đúng đắn của mình. Nói chung, ta sẽ
vui hưởng hạnh phúc và những điều kiện may mắn hay sẽ chịu khổ
đau, khốn đốn và những điều kiện không may mắn trong cuộc đời này
và trong các cuộc đời tương lai.
- Trang 70. Cái
thứ hai, lãnh vực cao hơn của ‘Chánh tri kiến’, có liên hệ với
việc thấy các sự vật đúng như thực tướng của nó, thuộc về lãnh vực
tối hậu của Pháp Phật. Ý chúng ta muốn gì khi nói ‘ thấy sự vật
đúng như thực tướng của nó’? Một lần nữa, các câu trả lời có tính
cách học thuyết cho thấy: ‘các sự vật đúng như thực tướng của nó’
có nghĩa là, ‘thấy các sự vật là vô thường, là duyên sanh, là vô
ngã’, v.v... Tất cả những câu trả lời này đều đúng. Tất cả đều có
một cái gì để nói về ‘các sự vật đúng như thực tướng của nó’. Ðể
đạt được bước đầu của sự hiểu biết này và cũng là bước cuối cùng
của Bát Chánh Ðạo, chúng ta phải xét đến tất cả những lời diển tả
có chung một ý nghĩa. Ý nghĩa tổng hợp của ‘Chánh tri kiến’ đều
chống việc mê lầm, nô lệ và sự mắc bẫy trong luân hồi sinh tử.
- Việc đắc quả
giác ngộ của Phật là một kinh nghiệm cần thiết cho việc diệt trừ
vô minh. Kinh nghiệm này thường được mô tả bởi chính đức Phật nếu
nói theo thuyết Tứ Diệu Ðế và thuyết Duyên sanh. Cả hai thuyết này
đều liên hệ với sự diệt trừ vô minh. Vô minh là vấn đề trung tâm
của Phật giáo. Ý niệm chánh trong Tứ Diệu Ðế và thuyết Duyên sanh
là vô minh, các hậu quả và sự tiêu diệt nó.
- Trang 71. Chúng
ta hãy trở lại một chút công thức Tứ Diệu Ðế. Chìa khóa để chuyển
biến từ kinh nghiệm đau khổ qua kinh nghiệm chấm dứt đau khổ là
việc ‘Thấy đúng’ sự thật gây ra đau khổ. Một khi hiểu các nguyên
nhân của đau khổ, chúng ta có thể hành động để hoàn thành sự chấm
dứt nó. Như đã được đề cập trong Chương 4, Tứ Diệu Ðế được chia
thành hai nhóm: nhóm thứ nhất cần được diệt trừ gồm có khổ
và sự huân tập cái khổ; nhóm thứ hai cần phải thực hành cho
được gồm sự diệt trừ đau khổ và Bát chánh đạo.
- Trang 71. Hiểu
được nguyên nhân của đau khổ giúp chúng ta hoàn tất được việc này.
Việc này đã được mô tả rõ ràng trong kinh nghiệm riêng của đức
Phật vào đêm giác ngộ của ông. Khi đức Phật nhận ra Tham Sân Si là
3 nguyên nhân chánh của đau khổ thì nó đã mở cánh cửa tự do và
giác ngộ cho ông. Nếu muốn biết nguyên nhân nào chủ động nhất, ta
phải để tâm vào vô minh tức Si, bởi vì chính vì vô minh mà tham và
sân mới nổi lên.
- Vô minh là cái
ý tưởng về sự thường hằng, độc lập cá nhân, hay cái ngã. Chính vì
ý niệm cái ‘tôi’ được tách rời ra và đối lập với con người và sự
vật chung quanh chúng ta, đấy là nguyên nhân căn bản của đau khổ.
Một khi có ý tưởng cái ‘tôi’, ta sẽ có khuynh hướng tự nhiên trở
thành kinh nghiệm lưu lại và hổ trợ cái ‘tôi’ này, và một khuynh
hướng tự nhiên khác tách khỏi những cái mà chúng ta tưởng tượng đe
dọa cái ‘tôi’ này. Chính vì ý niệm có cái ngã độc lập này mà nó là
nguyên nhân căn bản của đau khổ, căn nguyên của các cảm xúc gây
các phương hại khác như: dính mắc, ghét bỏ, tham lam, giận dữ,
thèm muốn và ghen ghét. Chính vì không biết cái gọi là cái tôi,
hay cái ngã chỉ là cái tên gọi tiện lợi cho các yếu tố thay đổi
không ngừng mà nó gây ra những vướng mắc hay trở ngại về tình cảm.
- Trang 72. Nhưng
có bao giờ có một khu rừng ở ngoài các cây cối hay không? Cái
‘tôi’, hay ‘ngã’, chỉ là cái tên thông thường cho một sự tập hợp
của các tiến trình. Khi cái ngã được xem là có thực và độc lập,
đây là nguyên nhân của đau khổ và sợ hãi. Việc tin tưởng có một
cái ngã độc lập được xem như tưởng lầm cái dây thành con rắn trong
lúc tranh tối tranh sáng. Nếu gặp cái dây trong phòng tối, chúng
ta có thể tưởng sợi dây thực sự là một con rắn, và sự tưởng tượng
đó là nguyên nhân của sợ hãi. Cũng giống như vậy, vì bóng tối của
vô minh mà chúng ta xem các tiến trình vô thường, vô ngã của thọ,
thức, v.v...là thực, là độc lập. Do vậy, ta đáp ứng các tình trạng
đó với hy vọng và lo sợ, tham muốn một vài việc và ghét bỏ một số
việc khác, thích người này không thích người kia.
- Trang 72. Vì
thế, vô minh là ý tưởng sai lầm có một cái bản ngã thường hằng, có
thực. Lời dạy về vô ngã không đi ngược với giáo lý dạy về trách
nhiệm đạo đức, tức luật nghiệp quả. Bạn hẵn nhớ lại chúng ta đã mô
tả ‘Chánh kiến’ theo hai mặt: sự hiểu biết luật nghiệp báo và thấy
sự vật đúng như thực tướng của nó. Một khi ý niệm sai lầm của cái
ngã coi mình là trung tâm, bị đẩy lui bởi ‘Chánh kiến’, tức thì
tham, sân và những phiền não khác sẽ không xãy ra. Khi tất cả
ngừng lại, tức là sự chấm dứt của đau khổ đã đạt được. Tôi không
mong tất cả những đìều này được rõ ràng ngay bây giờ. Tôi xin cống
hiến thêm một số chương nói về ý niệm vô minh trong Phật giáo và
sự xét lại cho đúng hơn của nó.
- Bây giờ chúng
ta hãy tiếp tục đi đến bước kế tiếp trong nhóm trí huệ, bước
‘Chánh tư duy’. Ðến đây chúng ta có thể bắt đầu thấy sự tái hợp
của trí huệ với giới đức, bởi vì ‘Tư duy’ có một ảnh hưởng rất lớn
vào tính tình cũng như lối cư xử của chúng ta. Ðức Phật nói rằng:
‘Nếu chúng ta hành động và nói năng với một tâm não trong sạch,
hạnh phúc sẽ theo liền giống như cái bóng, ngược lại nếu chúng ta
hành động và ăn nói với một đầu óc không trong sạch, sự dau khổ sẽ
theo sau giống như cái bánh xe bò theo sau móng guốc của con bò
kéo (Phẩm Song yếu- The Pairs--Kinh Pháp cú- Dhammapada).
- Trang 73. Các
nguyên nhân của đau khổ được cho biết là si, tham, sân. Trong khi
‘Thấy đúng’ (Chánh kiến) trừ bỏ được sự mê si thì ‘Nghĩ
đúng’ (Chánh tư duy) tháo gở được sự tham muốn và sân
giận. ‘Chánh kiến’ và ‘Chánh tư duy’ cùng hợp với nhau diệt được
các nguyên nhân của đau khổ.
- Muốn cởi bỏ sự
dính mắc, tham muốn chúng ta phải gieo trồng tính nghị lực (dũng)
trong khi muốn tháo gở sự ghét bỏ, sân giận chúng ta phải gieo
trồng tình thương và từ bi. Làm sao chúng ta thực hiện được
Dũng và Bi để tu sửa Tham và Sân? Dũng được phát triển bằng cách
quán tưởng sự không thỏa mãn các tình trạng hiện tại, đặc biệt là
sự không vừa lòng các tình trạng về thú vui của các giác quan. Các
thú vui của các giác quan giống như nước biển. Người khát nước
uống nước biển với hy vọng làm đả cơn khát rút cục chỉ thấy rằng
cơn khát lại càng tăng. Phật so sánh các thú vui của các giác quan
với một loại trái cây có bề ngoài hấp dẫn, thơm ngon, nhưng rất
độc hại nếu ăn nó. Giống như vậy, các thú vui thì hấp dẫn và gây
thoả thích nhưng nó phá hại. Vì thế, để gieo trồng cái Dũng, bạn
phải xét đến những hậu quả phiền não từ sự vui thú của các giác
quan.
- Trang 73. Ngoài
ra, chúng ta nên biết đến sự kiện là chính tính chất của luân hồi,
tức vòng sanh tử, là đau khổ. Dù rằng sanh ở đâu thì đời ta cũng
sẽ chịu ít nhiều đau khổ. Ðặc tính của luân hồi là đau khổ, cũng
như đặc tính của lửa là nóng. Qua việc ‘Nghĩ đúng’ việc không thoả
mãn các tình trạng hiện tại và việc nhận ra các hậu quả phiền não
về sự vui thú của các giác quan, chúng ta có thể gieo trồng lòng
dũng cảm và tính độc lập.
- Cũng giống như
vậy, chúng ta có thể phát triển tình thương và từ bi qua việc nhận
ra sự bình đẳng cần thiết của tất cả các sinh vật. Con người và
các sinh vật khác đều sợ chết và run sợ với ý nghĩ bị trừng phạt.
Hiểu được chuyện này, chúng ta không nên giết những sinh vật khác,
hoặc khiến chúng bị sát sanh. Giống như chúng ta, tất cả các sinh
vật đều thích sống và sống hạnh phúc. Hiểu được như vậy, chúng ta
không nên tự đặt chúng ta trên trước người khác hay tự xem mình
khác với họ.
- Trang 74. Thừa
nhận sự bình đẳng cần có của tất cả các sinh vật là căn bản cho
việc vun trồng tình thương và từ bi. Tất cả các sinh vật đều thích
hạnh phúc và sợ đau khổ cũng như chúng ta. Nhận ra được điều này,
chúng ta phải kính trọng tất cả với tình thương và từ bi. Hơn nữa,
chúng ta phải vun trồng mạnh mẽ lòng mong muốn rằng tất cả các
sinh vật đều hạnh phúc và không bị đau khổ. Bằng cách này, tất cả
chúng ta có thể vun trồng thái độ có ích cho lòng dũng cảm và lòng
từ bi. Hai đức tính này sẽ sửa đổi và sau đó giải trừ tham và sân.
Cuối cùng, bằng sự thực tập mặt trí tuệ của Bát Chánh Ðạo, tức
‘Chánh kiến’ và ‘Chánh tư duy’, chúng ta có thể tận diệt các phiền
não của si mê, tham muốn và sân giận, đạt
được tự do và hạnh phúc tối cao của niết bàn. Ðây là mục tiêu tối
hậu của Bát Chánh Ðạo.
--o0o--
|
|