-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
- Chương 9
- (Trang 85 - 95.)
- Tái sinh
- Rebirth
- ~~~~~~~
- Trong chương
này, tôi sẽ xét kỹ cái kết quả của nghiệp báo trong cuộc đời kế
tiếp. Nói một cách khác, tôi sẽ nói kỹ quan niệm tái sinh. Nhưng
trước khi chúng ta bắt đầu nói chuyện đặc biệt về lời dạy của đức
Phật về tái sinh, chúng ta có thể bỏ ra một chút thời giờ bàn thảo
về quan niệm tái sinh một cách tổng quát.
- Tái sinh là một
ý niệm mà nhiều người cảm thấy khó tin. Ðiều này lại càng rõ nét
hơn trong mấy thế kỷ qua là chúng ta càng ngày càng trở nên quen
nghĩ đến những gì được xem là những từ ngữ khoa học, có nghĩa là
những gì mà nhiều người ngây thơ cho là khoa học. Quan điểm này đã
gây cho nhiều người không chấp nhận ý niệm tái sinh bởi vì họ nghĩ
rằng nó sặc mùi mê tín dị đoan và có cái nhìn lạc hậu về thế giới
ngày nay. Vì lý do này, tôi nghĩ chúng ta cần tạo nên một thế cân
bằng bằng cách tạo ra một chút phóng khoáng đối với ý niệm tái
sinh trước khi chúng ta bắt đầu xét đến giáo lý Phật giáo về đề
tài này.
- Có một số
phương pháp chúng ta có thể chấp nhận trong việc làm sáng tỏ vấn
đề tái sinh. Một trong những cách đó là trong hầu hết tất cả các
văn hóa lớn của thế giới đã có niềm tin phổ biến về tái sinh. Ðiều
này đặc biệt đúng ở Ấn độ, nơi mà ý tưởng này có thể quay ngược
lại vào thời kỳ văn minh cổ đại Ấn độ. Tất cả các tôn giáo chánh ở
nơi đó--hữu thần hay vô thần, các trường phái Ấn độ giáo hay các
giáo phái không chính thống như Kỳ na giáo--đều thừa nhận về sự
thật tái sinh. Trong các văn hóa khác cũng vậy, niềm tin về tái
sinh rất phổ biến. Lấy một thí dụ, trong vùng Ðịa trung Hải, lòng
tin về sự thực tái sinh có khắp nơi trước và trong vài thế kỷ đầu
Tây lịch. Ngay đến nay, nó vẫn còn trong giáo phái Druze của Hồi
giáo ở Trung Ðông. Do vậy, lòng tin về sự thực tái sinh là một
phần quan trọng của lối suy nghĩ của con người về thế giới và vị
trí của chúng ta trong đó.
- Trang 86. Kế đó
ta phải kể đến lời chứng của những người có thẩm quyền, những
người thuộc về các giáo phái khác nhau. Trong Phật giáo, chính đức
Phật đã dạy sự thật về tái sinh. Chúng ta được biết rằng, vào đêm
giác ngộ, ngài đạt được 3 loại tri thức, đầu tiên là tri thức về
cuộc đời quá khứ của riêng ông. Ông nhớ lại những sự việc trong đó
ông đã sống trong vô số kiếp trước đây. Ngoài lời chứng của Phật,
chúng ta còn có những đại đệ tử của ông, những người có khả năng
nhớ lại các cuộc đời quá khứ của họ. Ananda, chẳng hạn, đạt được
các khả năng nhớ được cuộc đời qua khứ của ông ngay sau khi ông
được thọ giới làm tu sĩ Phật giáo. Cũng vậy, trong suốt lịch sử
của Phật giáo, những hành giả viên mãn đã có thể nhớ lại cuộc đời
quá khứ của họ.
- Tuy nhiên,
những lời biện giải này về sự tái sanh không hy vọng hoàn toàn
thuyết phục được trong môi trường lý giải và khoa học của chúng ta
đang sống, vì thế có thể chúng ta cần quan sát những gì gần với
chúng ta hơn. Một vài bạn có thể biết một sự kiện là trong ba thập
niên qua đã có một số các cuộc điều tra khoa học rộng lớn về vấn
đề tái sinh. Các cuộc nghiên cứu như thế đã được đảm trách bởi các
nhà tâm lý và cận tâm lý. Qua các cuộc nghiên cứu này chúng ta đã
dần dần dựng lên được một điều kiện đáng tin tưởng cho sự thực về
tái sinh, một trường hợp được phát triển theo những kinh nghiệm
khoa học. Nhiều sách được xuất bản trong đó các chi tiết của các
cuộc điều tra này đã được mô tả và thảo luận.
- Trang 87. Một
học giả đặc biệt trong lãnh vực này trong những năm vừa qua là
Giáo sư Ian Stevenson thuộc Ðại học Virginia Hoa kỳ. Ông đã xuất
bản các tài liệu của ông trong khoảng 20 trường hợp về tái sinh.
Một trường hợp, đã nhận được sự chú ý khắp nơi, đó là một người
đàn bà có tên là Bridey Murphy có khả năng nhớ lại cuộc đời của bà
đã sống hơn một trăm năm trước đó trong một miền đất lạ, một nơi
mà bà trước đó chưa bao giờ đến thăm trong cuộc đời hiện tại của
bà. Tôi sẽ không đi vào những chi tiết đặc biệt của các trường hợp
đó ở đây, bởi vì bất cứ ai quan tâm đến các bằng chứng tái sinh
khoa học tự người đó có thể đọc thêm về nó. Tuy nhiên, tôi nghĩ
bây giờ chúng ta đang đến một thời điểm mà ngay cả những người
hoài nghi nhất trong chúng ta cũng phải thừa nhận rằng có rất
nhiều bằng chứng khá chi tiết nhưng không thể chứng minh được cho
sự thực về tái sinh.
- Trong việc dựng
lên một trường hợp thực tế về tái sinh, chúng ta có thể suy nghĩ
cặn kẽ với kinh nghiệm riêng của mỗi người. Chúng ta chỉ cần nhớ
lại và xem xét kinh nghiệm ấy theo lối Phật giáo để rút ra được
các kết luận. Mọi người đều nhận rằng, mỗi người trong chúng ta có
những khả năng đặc biệt riêng, ta gọi là có khiếu hay không có
khiếu. Ta nên tự hỏi xem: có phải những điều trên đây thực sự là
kết quả của sự tình cờ hay do sự tác động nhau của xã hội trong
cuộc đời trước hay không? Chẳng hạn, một số người trong chúng ta
có khả năng xuất sắc về thể thao hơn những môn khác. Một vài người
trong chúng ta có tài về toán học, trong khi những người khác có
thiên khiếu về âm nhạc. Người này thích bơi, trong khi người khác
sợ nước. Tất cả những sự khác nhau về khả năng và tinh thần thái
độ của chúng ta chỉ là do kết quả của sự ngẫu nhiên và tính tác
động nhau?
- Trang 87.
Thường có những khúc ngoặt lớn lao và không ngờ trên con đường
phát triển cá nhân. Cho tôi lấy trường hợp riêng của tôi. Tôi được
sinh trong một gia đình Thiên chúa giáo La mã ở Hoa kỳ. Tuyệt đối
không có một cơ bản đầu tiên nào của tôi cho biết rằng tôi đi đến
Ấn độ vào cái tuổi hai mươi, và rằng tôi sẽ bỏ ra kế đó hai thập
niên rưởi cuộc đời hầu hết là tại Á châu, nơi tôi liên hệ thật sâu
đậm trong việc nghiên cứu Phật giáo.
- Trang 88. Rồi
thì, cũng có những tình trạng trong đó đôi khi chúng ta cảm thấy
một linh tính mạnh mẽ rằng chúng ta đã từng ở một nơi đặc biệt
trước đây, mặc dầu chúng ta không viếng thăm nơi đó trong cuộc đời
hiện tại. Vào những dịp khác, chúng ta cảm thấy rằng mình đã biết
người nào đó trước đây: chúng ta gặp một người lần đầu tiên, vậy
mà tức thì chúng ta cảm thấy rằng mình đã biết người đó từ lâu.
Ngược lại, chúng ta có thể biết một người nào khác nhiều năm mà
vẫn cảm thấy không thực sự biết người đó. Các kinh nghiệm như khi
cảm thấy rằng chúng ta ở trong một tình trạng đặc biệt trước đây,
rất thông thường và phổ thông là ngay cả trong văn hóa đương thời
của Pháp, hầu như nó hoàn toàn không biết về tái sinh, có một câu
nói nổi tiếng của họ--thành ngữ ‘déjà vu’ (đã từng biết hay nhớ
đến, dù trước đây chưa biết hay nhớ đến nó--already seen)
- Nếu chúng ta không giáo điều hoặc
võ đoán thì khi chúng ta tổng hợp lại tất cả những điều đã biết
này--tức lòng tin về tái sinh trong nhiều nền văn hóa và thời đại
trong suốt lịch sử của văn minh nhân loại, sự chứng nhận của đức
Phật và những đệ tử nổi tiếng của ông, các bằng chứng được cung
cấp bởi sự nghiên cứu khoa học và những điều biết được do chính cá
nhân bạn chứng minh rằng chúng ta đã có mặt trước đây--tôi nghĩ
chúng ta sẽ phải thú nhận rằng, tái sinh là một thực tế chắc chắn
có thể xảy ra.
- Trong Phật
giáo, tái sinh là phần thiết yếu của một tiến trình thay đổi liên
tục. Thật vậy, chúng ta không chỉ tái sinh vào lúc chết mà chúng
ta tái sinh từng lúc một. Ðiều này, giống như những lời dạy quan
trọng khác của Phật giáo, dễ dàng được chứng nhận bằng cách dẫn
chứng đến kinh nghiệm riêng của chúng ta và vào những điều tìm
thấy của khoa học. Chẳng hạn, đa số các tế bào tạo thành thân thể
con người chết đi và được thay thế nhiều lần trong tiến trình của
một đời người. Dù rằng một vài tế bào kéo dài suốt một đời người
vẫn chịu sự thay đổi liên tục ở bên trong. Ðây là một phần của
tiến trình sanh, tử và tái sanh. Nếu xét đến cái tâm, chúng ta
thấy rằng các tâm hành (như lo lắng, hạnh phúc, v.v...) xuất hiện
và biến mất từng chặp một. Chúng mất đi và được thay thế bởi những
tình trạng mới mẻ và khác nhau, cho dù chúng ta xét đến thân thể
hay tâm não, kinh nghiệm của chúng ta thay đổi luôn bởi sự sống,
chết và sống lại một cách liên tục.
- Trang 89. Phật
giáo dạy rằng sự hiện hữu có những cõi, phạm vi hay quy mô khác
nhau. Vài kinh sách liệt kê đến 31 cõi hiện hữu, nhưng riêng cho
mục đích ở đây, chúng ta sẽ có một kế hoạch giãn dị hơn, bằng cách
chỉ dùng sáu cõi. Sáu cõi này có thể được chia ra thành hai nhóm,
nhóm một ‘tương đối may mắn’ và nhóm kia, ‘không may mắn’. Nhóm
thứ nhứt bao gồm cõi của các thánh, cõi của các á thánh, và cõi
người. Tái sinh trong những cõi may mắn này là kết quả của nghiệp
lành mạnh. Nhóm thứ hai bao gồm cõi súc sanh, cõi ngạ quỉ và cõi
địa ngục. Tái sinh trong những cõi thống khổ này là kết quả của
nghiệp không lành mạnh.
- Chúng ta bây
giờ hãy xét từng cõi này, bắt đầu với cái thấp nhứt. Có một số cõi
địa ngục trong Phật giáo, bao gồm tám địa ngục nóng và tám địa
ngục lạnh. Trong các địa ngục này, các sinh vật chịu đựng những
đau khổ không thể tính ra và không thể mô tả được. Người ta nói
rằng cái đau khổ phải chịu trong thế giới loài người này là hậu
quả của việc bị đâm bởi ba trăm ngọn giáo trong một ngày chỉ là
một phút của cái đau khổ chịu đựng bởi các cư dân của địa ngục.
Cái nguyên nhân của việc tái sinh trong địa ngục là tánh tình bạo
động triền miên như giết theo thói quen, độc ác, v.v...
- Trang 89. Những
hành động như thế được sinh ra do sự ghét bỏ, và sinh vật phạm tội
này chịu đựng những cái đau khổ của địa ngục cho đến khi nghiệp
không lành mạnh mà họ đã làm ra qua những hành động như thế không
còn nữa. Cái điểm cuối cùng này là quan trọng, bởi vì nó cho chúng
ta cơ hội để ghi nhận rằng, trong Phật giáo, không ai ‘mãi mãi bị
nguyền rủa’ hay chịu đau khổ triền miên. Khi nghiệp báo không lành
mạnh của họ cạn kiệt rồi, các cư dân của địa ngục được tái sinh
trong những cõi hiện hữu may mắn hơn.
- Cõi kế tiếp là
cõi của quỷ đói. Sinh vật trong cõi này chịu đựng phần lớn sự đói,
khát, nóng, lạnh. Họ hoàn toàn mất hết các món vật mà họ thích
thú. Người ta nói rằng khi quỷ đói thấy một núi cơm hay một dòng
sông nước mát và chạy về hướng đó, họ cảm thấy rằng một núi cơm
chỉ là một đống sỏi và con sông chỉ là một dãy đá xanh. Giống như
vậy, người ta nói rằng trong mùa hè ngay cả mặt trăng cũng nóng
đối với họ, trong khi trong mùa đông ngay cả mặt trời cũng lạnh.
- Trang 90.
Nguyên nhân gần nhất của việc tái sinh làm quỹ đói là tính tham
lam và keo kiệt; nó được sanh từ sự gắn bó chặt chẽ và tham danh
lợi, tham ăn ngũ (tài sắc danh thực thùy). Cũng như với các cư dân
của địa ngục, các sinh vật trong cõi này không bị kết tội mãi mãi
dưới hình thức của ngạ quỹ, bởi vì khi nghiệp không lành mạnh cạn
kiệt, họ sẽ được tái sinh trong một cõi trời may mắn hơn.
- Cõi kế là cõi
của thú vật, sinh vật chịu đựng từ một số hoàn cảnh không hạnh
phúc. Chúng chịu đựng từ sự lo sợ và đau khổ gây ra từ sự giết
chóc thường xuyên và ăn thịt lẫn nhau. Chúng chịu đựng từ những
con người giết họ để lấy thịt, lấy da, trân châu hay răng tóc. Dù
rằng không bị giết, chúng bị nuôi trong nhà, bị bắt buộc phải làm
việc cho những người điều khiển họ với mâu hay roi. Tất cả những
việc này là nguyên nhân của đau khổ.
- Trang 90.
Nguyên nhân chánh của việc tái sinh làm thú vật là vô minh. Sự
theo đuổi mù quáng, buông lung cho những dục vọng, quá bận bịu với
sự ăn, ngủ và thỏa mãn tình dục, không để ý đến sự cần thiết phát
triển tinh thần và tu tập giới đức cho mình-- tất cả những việc
này dẫn đến việc con người tái sinh làm thú vật.
- Khi ta nói rằng sân nhuế là nguyên
nhân tái sinh vào cõi địa ngục, tham ái là nguyên nhân tái sinh
vào cõi ngạ quỹ và mê si là nguyên nhân tái sinh vào cõi thú vật,
điều này không có nghĩa là một hành động đơn phương bị tác động
bởi sân, tham hay si sẽ gây tái sinh trong các cõi sinh vật liên
hệ. Thực sự nó có nghĩa là có một sự liên hệ rõ ràng và có chứng
minh giữa: lòng ghét bỏ với sự tái sinh trong các cõi địa ngục;
lòng tham ái với sự tái sinh vào các hồn ma đói; lòng si mê với sự
tái sinh thành thú vật. Nếu không được ngăn chận và không được cản
trở bởi những hành động đạo đức bù lại thì các hành động được tác
động theo thói quen không lành mạnh (hay bất thiện) chắc chắn sẽ
dẫn đến tái sinh trong 3 tình trạng đau buồn này.
- Trang 91. Tôi
tạm lướt qua một bên để bàn sau về cõi người và xin tiếp tục nói
về cõi á thánh. Á thánh, về cả 2 mặt thân và tâm thì đều mạnh khỏe
và tốt đẹp hơn con người. Tuy thế họ vẫn đau khổ vì ghen tỵ và mâu
thuẩn. Theo thần thoại Ấn độ cổ điển, các á thánh và các thánh
chia xẻ cùng một cõi trời (hay cây trời). Trong khi các thánh vui
hưởng quả trái của cây này, các á thánh là những người giữ các rễ
cây. Kết quả là, các á thánh ghen tị với các vị thánh và thường
xuyên cố gắng dành lấy trái, quả. Họ chống lại các vị thánh nhưng
bị thất bại và kết quả là bị đau khổ nhiều. Vì sự ghen tỵ và mâu
thuẩn này nên việc tái sinh trong số các á thần á thánh là không
hạnh phúc và không may mắn.
- Trong trường hợp các cõi khác, có
một nguyên nhân làm tái sinh vào các á thần á thánh. Ở mặt tích
cực, cái nhân là sự rộng lượng, trong khi ở mặt tiêu cực, cái nhân
là ganh ghét và thèm muốn.
- Cõi của các
thánh là cõi hạnh phúc nhất trong sáu cõi. Do kết quả của các hành
động lành mạnh được làm trong quá khứ, hành trì các giới hạnh và
thực hành thiền định, các sinh vật được sinh ra trong số các
thánh, nơi họ vui hưởng các thú vui tính dục, hạnh phúc tinh thần,
hay sự tĩnh mịch tuyệt đối, tùy thuộc vào cấp độ của cõi mà họ
được sinh ra. Tuy nhiên, cõi của thánh không phải là để muốn thì
được, vì hạnh phúc của các thánh là vô thường. Không cần biết là
họ có thể vui hưởng được bao nhiêu hay bao lâu, một khi cái lực
của nghiệp báo lành mạnh đã hết đi, cái hiệu quả của giới đức và
kinh nghiệm của thiền định đã tiêu cạn, các vị thánh sẽ rời khỏi
thiên đàng và được tái sinh vào một cõi khác. Lúc đó, người ta nói
rằng các vị ấy chịu đựng sự thống khổ tinh thần còn hơn là các
sinh vật trong các cõi khác chịu đựng về thể xác.
- Các thánh được
tái sinh trong cõi thiên đàng do kết quả của sự thực hành giới
hạnh và thiền định, nhưng cũng có một yếu tố tiêu cực khi tái sinh
trong cõi thiên đàng. Ðó là tính hãnh diện.
- Trang 92. Như
bạn đã thấy, chúng ta có sự phiền não hay nhiễm ô gắn liền với
từng cõi một: địa ngục, ngạ quỹ, súc sanh, á thần và thánh---đó
là, sân, tham, si, ganh tị và ngã mạn. Tái sinh vào bất cứ một
trong 5 cõi này thì đều không phải là hay. Ba cõi thấp nhất không
hay vì những lý do hiển nhiên: vì sự quá đau khổ và vì sự vô minh
hoàn toàn của các sinh vật sống trong đó. Dù tái sinh trong các
cõi của á thánh và thánh cũng không hay nốt bởi vì mặc dù họ hưởng
được một mức độ hạnh phúc và quyền lực nào đó nhưng sự hiện hữu ở
đó là vô thường. Ngoài ra, các trò tiêu khiển và vui thú trong
những cõi này làm cho các sinh vật ở đó lãng quên việc tìm một lối
thoát ra khỏi vòng sinh và tử. Ðây là lý do tại sao người ta nói
rằng, trong 6 cõi hiện hữu, cõi may mắn , đầy cơ hội và đặc ân
nhất là cõi người. Ðây cũng là lý do tại sao tôi đã để phần thảo
luận cũa chúng ta về cõi người đến phần cuối.
- Cõi người là
cõi được đặc ân nhất của 6 cõi bởi vì, là con người, ta có động cơ
thúc đẩy và cơ hội để thực hành Giáo pháp và hoàn thành giác ngộ.
Người ta có động cơ và cơ hội bởi vì các điều kiện dẫn đến việc
thực hành con đường đạo là có sẵn ở đó. Ở cõi người, ta có cả hai
hạnh phúc và đau khổ. Cái đau khổ trong cõi này, dù kinh khủng,
cũng không to lớn như cái đau khổ trong 3 cõi phiền não kia. Cái
vui thú và hạnh phúc được trải qua trong cõi người thì không to
lớn như cái thật vui thú và rất hạnh phúc được kinh nghiệm bởi các
vị trên thiên đàng, con người cũng không bị tràn ngập đau khổ như
các sinh vật phải chịu như ở dưới địa ngục. Và không giống như thú
vật, con người sở hữu đầy đủ sự thông minh để nhận ra sự cần thiết
của việc tìm phương tiện để hoàn thành sự chấm dứt đau khổ.
- Tái sinh làm
người thì khó đạt theo một số quan điểm. Trước tiên, nó khó vì
quan điểm nguyên nhân của nó. Giới hạnh tốt là nguyên nhân tối cần
của việc tái sinh làm người, nhưng hạnh lành thực sự thì rất hiếm.
Thứ hai, tái sinh làm người khó đạt nếu nói về quan điểm con số,
vì loài người chỉ là một phân số nhỏ của các sinh vật trú ngụ
trong 6 cõi. Thứ ba, là người chưa hẳn là đủ tốt để làm người (tức
‘làm một con người cho ra người’), bởi vì có vô số con người không
có cơ hội để thực hành Giáo pháp. Nói chung, ‘Nhân thân nan đắc’
đã là một cơ hội, ‘Phật Pháp nan văn’ (hay phát triển tam học
giới, định và huệ) lại là một cơ hội không phải ai cũng được!
- Trang 93. Ðức
Phật dùng một dẫn dụ để chứng minh sự hiếm có và tính chất quí
giá, may mắn khi được sanh làm người. Giả dụ toàn thể thế giới là
một đại dương to lớn và trên mặt biển có một cái ách nổi lên trên
ấy, bị gió thổi qua lại. Lúc đó ở dưới đáy biển có một con rùa nổi
lên trên mặt nước một trăm năm một lần. Ðức Phật nói rằng thật là
hiếm để đạt được cơ hội tái sinh làm người giống như con rùa đặt
cái cổ của nó qua cái ách khi nổi lên trên mặt nước. Người ta cũng
nói rằng được sanh làm người với cơ hội thực hành Phật Pháp cũng
hiếm như là ném một nhúm đậu khô vào một bức tường đá và có một
hạt đậu dính vào một lỗ nẻ trong đó.
- Vì thế thật là
điên rồ khi ta để phí sự hiện diện làm người của mình, chưa nói
chi đến những điều kiện may mắn mà chúng ta được hưởng trong những
xã hội tự do đầy cơ hội để thực hành Giáo pháp. Một điều rất quan
trọng là, có được cơ hội thì ta phải dành lấy nó. Nếu thất bại
trong việc thực hành Phật pháp trong cuộc đời này, không có cách
nào để biết khi nào chúng ta sẽ tái sinh trong 6 cõi, hoặc khi nào
chúng ta sẽ có cơ hội đó một lần nữa. Chúng ta phải nỗ lực để tự
giải thoát ra khỏi vòng tái sinh bởi vì không làm được như vậy có
nghĩa là chúng ta tiếp tục vòng luân hồi bất tận trong sáu cõi
hiện hữu này. Khi nghiệp báo, dù lành mạnh hay không lành mạnh,
gây cho chúng ta sanh ra trong bất cứ 6 cõi bị cạn kiệt, tái sinh
sẽ xãy ra, và chúng ta lại ở vào một cõi khác nữa. Người ta nói
rằng tất cả chúng ta đã luân hồi trong 6 cõi này từ vô thỉ. Người
ta cũng nói rằng nếu tất cả các bộ xương có trong nhiều đời trước
đây của chúng ta được chất chồng lên, nó sẽ cao quá chiều cao của
núi Sumeru, rằng nếu tất cả sửa mẹ chúng ta đã uống trong vô số
lần hiện hữu được thu tập lại, nó sẽ lên đến hơn tất cả số nước
trong tất cả đại dương. Bây giờ thì chúng ta có cơ hội để thực
hành Phật pháp, chúng ta phải làm như vậy mà không nên trì hoãn.
- Trang 94. Trong
những năm sau này, đã có một khuynh hướng giải thích 6 cõi bằng
những từ tâm lý. Vài bậc thầy đã gợi ý rằng các kinh nghiệm của 6
cõi đang hiện có ngay trong cuộc đời này, Ðiều này đúng theo như
chúng ta có thể tưởng tượng. Ðàn ông hay phụ nữ nào không may ở
trong nhà tù, bị tra tấn, bị giết, v.v... thì chắc chắn là đang
chịu đựng những tình trạng giống như những người ở địa ngục. Những
người keo kiết trải qua một tâm trạng tương đương với các quỉ đói;
có những người giống như thú, trải qua một tình trạng tâm tính
tương tự như tính của thú vật; những người hay la rầy, đói quyền
và ghen tỵ đang trải qua một tình trạng tâm tính tương tự như các
á thần á thánh; và những người trinh bạch, sống trong lành, thanh
thản và được đề cao thì đang trải qua một tình trạng tâm tính
tương tự với tâm tính của các vị thánh.
- Tuy thế, mặc dù
các kinh ngiệm trải qua của 6 cõi, ở một mức độ nào đó có xãy ra
cho chúng ta dưới hình thức là người, tôi nghĩ sẽ là một điều sai
lầm khi giả dụ hay tin rằng 5 cõi hiện hữu kia không có một thực
tế có thật như kinh nghiệm làm người riêng của chúng ta. Những cõi
địa ngục, cõi ngạ quỹ, súc sanh, á thánh và thánh là có thật như
cõi người của chúng ta. Các bạn hẵn nhớ lại rằng tâm là vật tạo ra
tất cả các sự vật. Hành động được làm với một cái tâm thanh bạch
(được tác động bởi lòng quảng đại, tình thương v.v...) có kết quả
hạnh phúc, được ở trong những tình trạng hiện hữu như cõi người và
cõi thánh. Hành động được làm với một cái tâm nhiễm ô (được tác
động bởi tham sân v.v...) gây kết quả không hạnh phúc giống như
ngạ quỹ và các sinh vật ở cõi địa ngục.
- Cuối cùng, tôi
xin phân biệt tái sinh với nhập hồn. Có thể bạn không nhận ra
rằng, trong Phật giáo, chúng ta luôn luôn nói về tái sinh, chứ
không phải nhập hồn. Ðấy là vì trong Phật giáo, chúng ta không tin
vào một thực thể vỉnh cữu mà lại nhập hồn. Chúng ta không tin một
cái ngã tái sinh. Ðó là lý do tại sao, khi chúng ta cắt nghĩa tái
sinh, chúng ta dùng những thí dụ không đòi hỏi sư nhập hồn của một
loại thực thể nào đó.
- Trang 95. Chẳng
hạn, một cái chồi hay búp được sanh từ hạt thì không có một thực
thể để nhập hồn. Cái hạt và cái chồi không giống nhau. Giống như
vậy, khi chúng ta mồi một ngon đèn cầy từ một ngọn đèn cầy khác
thì không có thực thể thuộc vật chất đi từ cái này qua cái kia, dù
rằng cái đầu tiên là nguyên nhân của cái thứ hai. Khi một trái
banh bi da đụng trái banh khác thì có một sự tiếp tục; cái năng
lượng và phương hướng của trái banh đầu tiên được truyền qua cho
trái thứ nhì. Trái banh đầu tiên là nguyên nhân của trái banh bi
da thứ hai di chuyển về một hướng đặc biệt và với một tốc độ đặc
biệt, nhưng không phải cùng một trái banh. Khi chúng ta bước hai
lần vào một con sông, đấy không phải là cùng một dòng sông, tuy
rằng có sự tiếp tục, cái liên tục của nhân và quả.
- Vì thế có sự
tái sinh, nhưng không có sự nhập hồn. Trách nhiệm đạo đức là có,
nhưng không có cái ngã độc lập, thường hằng. Cái liên tục của nhân
và quả thì có đó, nhưng không thường hằng. Tôi muốn chấm dứt
chương Tái sanh ngay điểm này bởi vì chúng ta sẽ xem xét cái thí
dụ của cái hạt và cái chồi, cái thí dụ của ngọn lửa trong ngon đèn
dầu ở Chương 10, khi chúng ta thảo luận về nhân duyên. Sau đó,
chúng ta sẽ hiểu biết hơn về nhân duyên để từ đó trách nhiệm đạo
đức và vô ngã có thể tương hợp với nhau.
-
--o0o--
|
|