PHẬT HỌC CƠ BẢN
Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002

---o0o---
Chương 13 
(Trang 121 - 122.)
Thực hành các nguyên tắc cơ bản của Phật giáo
The fundamentals in practice.
~~~~~~~
Ðể kết luận cho 13 Chương thuộc Phần Một này, tôi xin xét lại những gì chúng ta đã thảo luận trước đây, đồng thời suy nghĩ xem chúng ta có thể làm được gì cho cuộc sống cá nhân bây giờ và tương lai.
Giáo lý của đức Phật quá sâu rộng và rất sâu sắc. Vậy mà chúng ta chỉ khảo sát được một số ít các giáo lý căn bản Phật giáo, và những điều này chỉ mới bề ngoài một cách nông cạn thôi. Bạn có thể nghĩ là chúng ta đã đề cập đến khá nhiều đề tài và lại không thể thực hành chúng hết được. Thật vậy, ngay cả một vị sư sống tách biệt một mình, cũng khó mà thực hành tất cả những giáo lý căn bản Phật giáo: không ngạc nhiên là nó cũng khó khăn đối với nam nữ cư sĩ như chúng ta đây, những người có nhiều trách nhiệm phải hoàn thành trong thế gian này. Tuy thế, nếu chịu trau dồi một cách chân thật và chỉ cần thực hành một số ít lời dạy của Phật, ta sẽ thành công trong việc làm cho cuộc đời này có ý nghĩa hơn. Hơn nữa, chắc chắn là chúng ta sẽ gặp được những hoàn cảnh thuận lợi đối với việc thực hành giáo pháp, và sau đó nhận chân ra được sự giải thoát.
Mọi người đều có thể hoàn thành mục tiêu cao đẹp nhất của Phật giáo, cho dù là cư sĩ hay tu sĩ. Người ấy chỉ cần thành thực cố gắng tu tập theo Con Ðường Tám Bước (Bát chánh đạo). Người ta nói rằng người nào nhận được sự thật này, như Phật Thích Ca Mâu Ni và những đệ tử lỗi lạc của ông, tức là đã không làm việc đó do sự may rũi. Họ không phải từ trên bầu trời xuống như là mưa rơi, cũng không mọc lên từ lòng đất như hạt giống. Ðức Phật và các đồ đệ ông đã từng là những giống hữu tình bình thường như bạn và tôi. Họ đã từng bị khổ sở bởi các phiền não tham sân si. Chính nhờ tiếp cận được với Phật Pháp, nhờ hoàn thiện lời nói và việc làm, nhờ phát triển năng lực tâm trí và cuối cùng nhờ sự đạt được trí huệ mà họ trở thành những người tự do, được xưng tán, có thể dạy và giúp những người khác nhận ra sự thật. Vì thế không nghi ngờ gì là nếu tự tu tập các điều giáo huấn của Phật, chúng ta cũng có thể đạt được mục tiêu rốt ráo của Phật giáo. Chúng ta cũng có thể giống như đức Phật và các đệ tử lẫy lừng của ông.
Trang 122. Sẽ không lợi lạc lắm nếu chỉ nghe Pháp hay đọc Pháp, chỉ viết bài vở về Pháp hoặc giảng Pháp, nếu chúng ta không đem ra thực hành nó. Người xưa đã nói rằng, những ai tự gọi là Phật tử có thể được lợi lạc thực sự bằng cách thỉnh thoảng nên tự kiểm điểm lại. Nếu chúng ta thấy rằng, qua những năm tháng trước đây, sự thực hành giáo pháp đã đem lại một số thay đổi tốt đẹp cho kinh nghiệm sống của mình--dù rằng nó là một số nhỏ--thế là chúng ta biết rằng các lời dạy ấy đã có hiệu lực.
Nếu chịu đem thực hành các lời dạy cho mình, chắc chắn chúng ta sẽ được lợi lạc. Tìm cách tránh làm hại những người khác, cố gắng hết sức mình để giúp tha nhân bất cứ lúc nào có thể được, học tập tỉnh giác, phát triển khả năng tập trung trí tuệ, học hỏi cách vun trồng trí tuệ, điều tra kỹ càng (trạch pháp), thiền định, không nghi ngờ gì là Phật pháp sẽ giúp ích cho chúng ta. Ðầu tiên, nó sẽ dẫn chúng ta đến hạnh phúc và thịnh vượng trong cuộc đời này và đời sau. Nếu được tiếp tục tu tập, nó sẽ dẫn chúng ta đến mục tiêu sau cùng là sự giải thoát, niềm vui tối thượng của niết bàn.
--o0o--