-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
- Chương 22
- (Trang 199 - 207.)
- Nguồn gốc Kim
Cương Thừa
- The Origins of
the Vajrayana Tradition.
- ~~~~~~~
- Chúng ta hãy
bắt đầu khảo sát tông phái Kim cương thừa (Mật tông, Chơn ngôn
tông, Du già tông) trong bối cảnh Bắc truyền (Ðại thừa). Bắc
truyền (Ðại thừa) được chia thành 2 đường tu tập: đường Ba la mật
thừa (Paramitayana) và đường Kim cương thừa (Vajrayana) hay còn
gọi là Chơn ngôn tông, Thần chú tông (Mantrayana). Kim Cương thừa
là một phần của Ðại thừa. Thật ra, không có sự phân biệt giữa hai
danh từ về điểm bắt đầu (tức kinh nghiệm đau khổ) và mục tiêu của
chúng (Phật quả). Cái khác biệt độc nhất nằm trong hệ phương pháp
của chúng là: trong khi hoàn thành Ba la mật thừa phải mất ba
niên kỷ (giai-đoạn-dài-không-thể-tính-được) thì phương pháp
của Kim cương thừa giúp hành giả tăng tốc độ tu tập và nhờ vậy
tinh tấn rất mau.
- Kim cương thừa
được biết đến qua ba tên: Kim cương thừa, Chơn ngôn thừa (hay Thần
chú thừa, Mantrayana) và Mật thừa (Tantrayana hay Tantrism). Kim
cương thừa là con đường vững chắc, cứng bén như kim cương. Vajra
là kim cương, loại đá quý thật cứng, cứng hơn bất cứ loại nào
khác. Kim cương cũng là thần sấm sét hay quyền trượng được sử dụng
bởi Indra, vua của các thần Bà la môn. Vì vậy kim cương là biểu
hiện của tính không bị phá hủy, là sự kiểm soát, điều khiển vũ
trụ.
- Hình thức thần
chú ngắn, có ba mục đích. Một, nó được dùng trợ sức cho sự tập
trung. Ta sử dụng hơi thở, hình ảnh đức Phật, một cành hoa xanh,
một ý tưởng đẹp làm đối tượng để tập trung trí óc của mình như thế
nào thì khi sử dụng âm thanh thần chú cũng như thế ấy. Hai, nó
được dùng trợ sức cho trí nhớ. Thí dụ khi tụng chú Om mani
padme hum, ta không chỉ nhớ đến Bồ tát Quan Thế Âm mà còn nhớ
cả phương tiện thiện xảo và trí tuệ cùng sự cần thiết của việc hợp
nhất chúng lại. Ba, thần chú có sức mạnh tô điểm sự phát triển tâm
linh con người, ở chỗ là việc liên tục dùng thần chú bởi các thiền
sư qua nhiều thế kỷ đã tăng nạp thêm sức mạnh hiệu nghiệm đặc biệt
cho những câu thần chú ấy. Chữ mantra bao gồm hai phần:
man từ chữ manas, nghĩa là tâm, và tra từ
chữ tranam nghĩa là hộ trì, bảo vệ. Vì vậy mantra
nghĩa là ‘cái hộ trì cái tâm’. Nói chung, nó cũng có nghĩa là bí
truyền hay chiếc xe (thừa) đặc biệt.
- Trang 200.
Tantra là tri thức mở rộng hay liên tục. Nghĩa đen là sự liên
tục của một sợi chỉ trong tấm vải; nghĩa bóng là sự tiếp nối liên
tục của chuỗi kiến thức cho đến khi tổng hợp được tất cả kiến
thức.
- Cần phân biệt
đúng đắn kinh văn Kim cương thừa với kinh văn Ðại thừa. Ðại thừa
gồm kinh điển Ba la mật thừa và thần chú Kim cương thừa. Kinh điển
và thần chú được mọi người tin rằng do đức Phật nói ra. Chúng tạo
thành văn chương kinh điển của Ðại thừa và Kim cương thừa. Có rất
nhiều loại thần chú. Phần quan trọng hơn cả là Tuyển tập Mật chú
(Guhyasamaja Tantra, The Collection of the Hidden of Secret
meaning), Thần chú của Niềm Hạnh phúc Khó Thâm Nhập
(adamantine) (Hevaira Tantra, the Tantra of Adamántine Bliss), và
Thần chú của Bánh xe Thời gian (Kalachakra Tantra, The Tantra of
The Wheel of Time). Ngoài những tập thần chú nầy, còn có một phần
lớn văn chương chú giải mà Kim cương thừa thu nhận và cho là của
Long thọ, Chandrakirti và 84 vị đắc đạo (mahasiddhas).
- Xin nói thêm
một chút để tìm hiểu nguồn gốc thần chú, bởi vì ta thường được hỏi
là chúng có thực do đức Phật dạy hay không. Ngay từ đầu, đức Phật
thường giảng pháp trong nhiều trường hợp rất đặc biệt. Khi thì
ngài dạy để đáp ứng lại lời yêu cầu của một vị thánh hay siêu nhân
khác, lúc thì nói Vi diệu pháp (Abidharma) để chỉ dẫn mẹ mình (sau
khi bà mất) đang ở trên Tầng Trời thứ Ba Mươi Ba. Trong Bắc truyền
Ðại thừa, rất phổ biến việc các minh sư Ðại thừa nhận sự hướng dẫn
qua các phương tiện phi thường. Chẳng hạn, những kinh sách căn bản
của trường phái Duy thức học được tin rằng Phật Di lặc vị lai đã
dạy cho Vô Trước (Asanga) (xem lại Chương 19).
- Trang 201. Các
mật chú được truyền đạt cùng một lối như thế. Sự có mặt của mật
chú hoàn toàn hữu lý nếu ta khảo cứu chúng một cách cẩn thận. Kinh
văn của chúng không mâu thuẩn với các kinh điển Phật học khác (sẽ
được thấy rõ ràng hơn trong các chương sau). Nếu đức Phật không
dạy mật chú ngay từ đầu cho mọi người, đó là vì không phải ai cũng
có khả năng hiểu hết ý nghĩa đích thực của chúng. Với các minh
chứng này, chắc chắn Kim cương thừa là có thực.
- Kim cương thừa
là do kết quả của tiến trình ba dòng tư tưởng và đã có mặt ngay
trong thời đức Phật còn tại thế. Ðó là 1. dòng tư tưởng dân chủ,
2. dòng tư tưởng nghi thức và 3. dòng tư tưởng biểu tượng. Dòng tư
tưởng dân chủ dành cho người thế tục sử dụng để đạt quả vị cao
nhất của đời sống tôn giáo là giác ngộ. Một thí dụ thực tế là
trong thời kỳ đầu tiên của Phật giáo, người cha của đức Phật là
vua Tịnh Phạn (Shuddhodana) đã đạt được quả A la hán trong khi ông
là người lương. Trong Bắc truyền Ðại thừa, dòng tư tưởng dân chủ
được đẩy mạnh và khai triển, nhờ vậy hình ảnh của người Bồ tát
quen thuộc trong mỗi nhà trở thành mẫu điển hình.
- Các thí dụ về
dòng tư tưởng nghi thức có trong kinh điển Pali, trong đó đức Phật
nghiêm túc tuyên bố công thức bảo vệ chống rắn cắn và sự nguy hiểm
của việc sanh con. Theo lời kể lại, trong một lần tạo ra pháp
thuật, đức Phật đã chuyển hình ảnh hoàng hậu Kshema, từ một thiếu
nữ đáng yêu quí thành một bà già trong một khoảnh khắc, với sự
chứng kiến tận mắt của chính hoàng hậu đó. Trong trường hợp nầy,
đức Phật đã dùng những năng lực phi thường để tạo ra pháp thuật
chứng minh sự thật của vô thường. Ðiều này xãy ra rất thường trong
kinh văn Ðại thừa, trong đó đức Phật đảm nhiệm nhiều hình thức
khác nhau để giáo hoá chúng sanh. Trong Ðại thừa, cũng có thêm
việc dùng đà la ni (dharanis, lời bằng miệng, đọc trước các câu
chú), dùng các nghi thức khác nhau trong thời kỳ Phật giáo nguyên
thủy, đặc biệt các nghi thức thụ phong như cạo đầu và mặc áo vàng.
- Trang 202. Dòng
tư tưởng thứ ba qua việc dùng biểu tượng cũng có mặt trong truyền
thống Phật giáo từ thời kỳ đầu tiên. Chẳng hạn, biểu tượng bánh xe
được dùng để chỉ Pháp Phật, và biểu tượng đàn luýt được dùng để
cắt nghĩa Trung đạo. Trong Ðại thừa, việc dùng các biểu tượng nầy
tiếp tục giữ một vai trò quan trọng. Trong ba dòng tư tưởng và
hành động nầy--dân chủ, nghi thức và biểu tượng--chúng ta có ba
hướng chuyển động chánh đóng góp vào sự lớn mạnh của truyền thống
Kim cương thừa.
- Hiện tượng mà
ta nhận ra là Kim cương thừa đã khởi từ Ấn độ giữa thế kỷ thứ III
và thứ VII sau Tây lịch. Kim cương thừa nở hoa khắp Ấn độ khoảng
thế kỷ thứ VII. Long thọ (Nagarjuna) và Vô trước (Asanga) giữ vai
trò chánh trong việc phát triển nó ngay từ đầu; sau đó, Kim cương
thừa đã bị ảnh hưởng mạnh bởi 84 Ðại sư đắc đạo (Mahasiddhas). Bạn
có thể ngạc nhiên khi thấy tên của các vị Long thọ và Vô trước
xuất hiện trong thời kỳ này, nhưng Kim cương thừa đều đồng ý trong
việc nhận họ là những vị sáng lập nó. Chúng ta sẽ hiểu tại sao,
đây là sự thật quan điểm căn bản khi khảo sát đến hậu cảnh triết
học và tôn giáo của Kim cương thừa trong Chương 23. Riêng ở đây,
chúng ta hãy xem tiểu sử của nhị vị Long thọ và Vô trước để giúp
ta hiểu rõ hơn hoàn cảnh nào mà Kim cương thừa khởi sinh và phát
triển.
- Theo các tiểu
sử truyền thống Tây tạng, Bồ tát Long Thọ đã được cho biết là sẽ
không sống quá 7 tuổi. Vì vậy, khi sinh nhựt thứ 7 của ông gần
đến, cha mẹ ông không sẵn lòng nhìn con mình chết, đã gởi ông đi
xa trong một cuộc hành trình lâu dài với nhiều người bạn và đồ ăn
thức uống đầy đủ. Những lời kể lại nói rằng Long Thọ hướng về phía
Bắc và sau đó đã tới Ðại học Nalanda. Ở đó Long Thọ đã gặp Saraha,
một vị giáo sư tài ba. Khi Saraha nghe được lời tiên đoán là Long
Thọ sẽ chết sớm, ông ta khuyên ngài trì chú Cuộc Ðời Vô Hạn Phật
(Aparamitayus). Nhờ trì chú suốt ngày đêm sinh nhật thứ bảy, Long
Thọ đã thoát được cái chết đã được tiên đoán về ông.
- Trang 203. Dù
muốn hay không muốn tin chuyện tiểu sử này, ta vẫn có thể học được
cái gì đó khá quan trọng cái thái độ chung đã chấp nhận chuyện
tiểu sử này, đó là, tụng kinh trì chú được tin tưởng là đã có
quyền (năng) ảnh hưởng thật (tướng).
- Trong phần tiểu
sử của Long thọ, ta cũng biết được là trong một nạn đói, ông đã
giữ được các tăng chúng trong tu viện bằng cách biến các kim loại
tầm thường, kém giá trị thành vàng. Ở đây, ta lại có một thí dụ về
biểu tượng của thuật chế kim. Chủ nghĩa biểu tượng rất quan trọng
trong Kim cương thừa bởi vì, người thợ kim hoàn chuyên môn như thế
nào thì người tinh thông Kim cương thừa cũng giỏi về việc chuyển
biến các kinh nghiệm tạp chất, vẩn đục của một con người bình
thường thành kinh nghiệm giác ngộ như thế ấy.
- Trong phần tiểu
sử của ngài Vô Trước, ta cũng thấy được rất nhiều điều. Theo đó,
ông lui ẩn vào một hang động để thực hành thiền quán về Phật Di
lặc vị lai, trong ba năm mà không thành công. Nản tâm, ông rời
khỏi hang cuối năm thứ ba và gần như gặp ngay một người đang chà
một thỏi sắt bằng lông chim. Ðược hỏi đang làm gì đó, người này
nói mình đang chà sắt thành kim. Vô Trước tự nghĩ, một người có
được kiên nhẫn ngay cả trong công việc tầm thường như thế, thì có
thể ông quá vội khi bỏ việc tu tập của mình chăng. Thế là ông trở
lại hang động và tiếp tục thiền định.
- Trong tất cả 12
năm, Vô Trước không được một kinh nghiệm lợi lạc trực tiếp nào của
Di lặc. Một lần nữa, vào cuối năm thứ 12, ông rời hang. Lần này,
ông gặp một con chó bệnh nằm bên đường, thân xác ghẻ lở, mưng mủ
đầy giòi bọ đang đục khoét. Nhờ quán tưởng Ðức Di lặc trong 12
năm, phát triển được lòng đại bi nên ngài lập tức cầu nguyện sự
bớt đau khổ cho con chó. Nghĩ đến việc bắt bỏ giòi bọ ra nhưng lo
rằng nếu ông dùng bằng tay, chúng sẽ đau đớn. Ðể các giòi bọ không
đau, đồng thời giúp giảm bớt sự đau đớn cho con chó, ông cúi xuống
dùng lưỡi để bắt từng giòi bọ ra. Ngay khi làm thế, tức thì con
chó biến thành một cầu vòng với ánh sáng đầy đủ màu sắc và Bồ tát
Di lặc xuất hiện ngay trước mặt ngài.
- Trang 204. Vô
Trước hỏi, ‘‘Mấy năm qua ông ở đâu?’’ Di lặc trả lời, ‘‘Ta luôn
luôn bên ngươi, ngươi không thấy được ta chỉ vì ngươi không có khả
năng thấy ta thôi. Chỉ khi ngươi phát lòng từ bi và thanh lọc cái
tâm đầy đủ thì thấy được ta.’’ Ðể chứng minh sự thật này, ông bảo
Vô Trước cõng ông trên vai và cùng vào làng. Không ai thấy cái gì
trên vai Vô Trước trừ một cụ già, vị này hỏi ông, ‘‘Ông cõng con
chó bệnh hoạn chi vậy?’’
- Trong phần tiểu
sử của Vô Trước, chúng ta thấy một sự thật quan trọng là: muốn
chứng nghiệm cái toàn thể của thực tướng, tất cả đều tùy thuộc vào
tâm duyên.
- Trang 204. Trong phần tiểu sử của
hai vị sáng lập, chúng ta có thể thấy các thành phần khác nhau
nhưng rất quan trọng, đó là yếu tố nghi thức, yếu tố chuyển biến
và yếu tố pháp thuật, hay tự tính tâm duyên của thực tướng. Trong
khi Long Thọ và Vô Trước được tin là cha đẻ sáng lập Kim cương
thừa, 84 vị đại sư (Mahasiddhas) chắc chắn đã làm công việc phổ
biến Kim cương thừa khắp xứ Ấn độ. Những vị này là các thí dụ điển
hình của một loại mới về cá tính riêng biệt tôn giáo. Không cần
biết họ là tu sĩ Phật giáo chính thống hay Bà la môn cổ, tất cả
những nhân vật này đều giữ vai trò chính yếu trong việc truyền bá
Kim cương thừa; họ là người lương, bậc tu khổ hạnh, kẻ chèo đò,
thợ đồ gốm hay các vì vua. Nếu xét đến các lời tường thuật về đời
sống và thời đại của các vị anh hùng nầy, chúng ta sẽ hiểu được
thái độ tâm linh chung trong thời kỳ phát triển phái Bắc truyền
(Ðại thừa) ở Ấn độ. Sau đây ta thử xét đến tiểu sử hai trong 84 vị
Ðại sư này, Virupa và Naropa.
- Trang 205.
Virupa có trách nhiệm về nguồn gốc và sự truyền bá các lời giáo
huấn Kim cương thừa. Ông là giảng sư triết học Ðại học Nalanda.
Thực hành Kim cương thừa suốt ngày đêm, năm này đến năm khác, trì
hàng ngàn chú mà vẫn không thành công. Cuối cùng, ông chán nản và
ném tràng hạt vào nhà xí. Ðêm hôm sau, trong giấc ngủ, nữ thần
Nairatmya tượng trưng Vô ngã xuất hiện và bảo rằng ông đã trì chú
sai vị thần. Ngày hôm sau Virupa trở lại lần tràng hạt, thiền định
và trì chú đúng vào vị nữ thần Nairatmya. Ông tu tập thành công và
rời bỏ địa vị, lang bạt khắp Ấn độ.
- Có ba sự kiện
quan trọng được nói về Virupa: ông đã làm ngưng dòng sông Hằng để
ông có thể băng qua; ông đã uống rượu ba ngày liên tiếp; ông đã
giữ ánh sáng mặt trời bất động trong một lúc. Những kỳ công này có
ý nghĩa gì? - Làm ngưng nước chảy sông Hằng có nghĩa là chận đứng
các phiền não, phá tan vòng sanh tử. - Uống rượu ba ngày có nghĩa
là hưởng hạnh phúc giải thoát tối thượng. - Giữ được ánh sáng mặt
trời bất động trong bầu trời có nghĩa là giữ được ánh sáng của cái
tâm muôn pháp về một
- Trong tiểu sử
Virupa, chúng ta thấy có một ẩn dụ quan trọng: Kim cương thừa đặt
sự hiểu biết vào kinh nghiệm trực tiếp. Ông là giảng sư Ðại học
Nalanda, nhưng việc đó chưa đủ. Ngoài kiến thức đạt được qua
nghiên cứu, ông phải đạt được tri kiến trực tiếp, lập tức cho
chính mình qua việc nhận ra chơn lý.
- Trang 206. Cùng
một ẩn dụ cũng được thấy rõ trong tiểu sử Naropa, vị này cũng là
giảng sư Ðại học Nalanda. Một ngày nọ, trong khi ông đang ngồi tại
phòng đọc sách với đầy sách chung quanh, một người đàn bà có tuổi
xuất hiện và hỏi ông có hiểu những chữ trong các lời giáo huấn
trong kinh sách không. Naropa trả lời rằng ông hiểu. Người đàn bà
hoan hỷ và rồi hỏi tiếp là ông có hiểu cái tinh thần của chúng
không. Naropa trả lời rằng mình cũng hiểu luôn cái tinh thần chúng
nữa. Lần này người đàn bà bỗng trở nên giận dữ, nói rằng lần thứ
nhứt ông nói thật, nhưng lần thứ hai thì không. Người phụ nữ này
chính là Vajravarahi, một vị nữ thần khác của Vô ngã. Sau khi biết
được rằng mình đã không hiểu tinh thần của những gì mình đọc,
Naropa từ bỏ địa vị và đi tìm chơn lý.
- Chúng ta kết
luận bằng cách xét đến một vài ý tưởng được cho là của các Ðại Ðạo
sư. Trong các đoạn văn này, ta thấy được một loại cá tính tôn giáo
điển hình mới. Chúng ta cũng thấy được việc dùng các biểu tượng
khác nhau để nói lên cái quan trọng về tính siêu việt của đối đãi.
- Ðoạn văn đầu
tiên như sau:
- Dombi, (một
người đàn bà bị ruồng bỏ) ngôi lều của ngươi nằm phía ngoài làng.
Ngươi bị bọn trọc đầu và bọn giai cấp Bà la môn làm hại. Ta là
Kapalica, một người tu khổ hạnh không manh quần tấm áo, mang vòng
hoa sọ người. Ta không có thành kiến nào cả. Ta sẽ xem bà là người
sống bên cạnh ta.
- Trang 207. Ở
đây ‘Dombi’ tượng trưng cho vị nữ thần Vô ngã, tức Nairatmya.
- ‘‘Ngôi lều của
bà nằm phía ngoài làng’’ có nghĩa là, để thực sự hiểu nghĩa không,
ta phải biết chuyển biến các giới hạn qui ước. Ý nghĩa phần còn
lại của đoạn văn là, mặc dù nghĩa không có thể bị các vị sư Bà la
môn làm hại, nhưng chỉ có người theo phái Du già, một nhân vật mới
mẻ của tôn giáo, không thành kiến, mới có thể sống chung với nghĩa
không được.
- Thí dụ thứ hai
như sau:
- Người đàn bà
bán rượu đang nấu rượu. Kẻ uống rượu thấy bảng bán rượu trên thềm
cửa thứ mười, bèn bước vào
- Ở đây ‘‘người
đàn bà bán rượu’’ là nữ thần Vô ngã Nairatmya. ‘‘Rượu’’ chỉ sự
không đối đãi (bất nhị), không bên này cũng không bên kia. ‘‘Bảng
bán rượu trên thềm cửa thứ mười’’ là giai đoạn thứ 10 của Bồ tát
đạo, ngưỡng cửa của Phật quả. Ðoạn văn trên có nghĩa là: người nào
uống rượu muốn đắc Phật quả phải qua nổi cửa bất nhị.
- Nhờ việc đại
chúng hoá các nghi thức và biểu tượng cũng như nhờ việc tập hợp
sức mạnh các dòng tư tưởng dân chủ nên có kết quả tâm linh cao
nhất cho tất cả các bậc thượng căn hạ trí, nhờ thế Kim cương thừa
đã phổ biến vượt mức khắp cả Ấn độ chỉ trong thời gian vài thế kỷ.
--o0o--
|
|