|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Cây Giác-Ngộ
The
Tree of Enlightenment.
-
Chương 25
- (Trang
225 - 233.)
-
Thần-thoại và Biểu-tượng
-
Myth and Symbolism
-
~~~~~~~
-
Trong Chương 24 chúng ta đã nói về Kim cương thừa khi bàn về
việc dùng toàn thể kinh nghiệm để hoàn thành tri kiến bất nhị
một cách trực tiếp. Trong việc chuyển toàn thể kinh nghiệm vào
nỗ lực tinh thần này, điều quan trọng là chúng ta biết chọn lựa
các yếu tố kinh nghiệm mạnh mẽ và có ý nghĩa đặc biệt. Nói như
vậy không có nghĩa là bỏ ra ngoài các kinh nghiệm khác. Nói rõ
hơn là đầu tiên chúng ta tập trung vào các loại kinh nghiệm đặc
biệt mạnh mẽ, có ý nghĩa, dùng chúng làm thành các khối xây dựng
cho cái nhìn đã được chuyển biến của mình. Rồi thì, ta nới rộng
kinh nghiệm chuyển biến đó để bao gồm tất cả các kinh nghiệm,
ngay cả những cái mà từ đầu ít có ý nghĩa.
-
Ðầu tiên, ta chọn các thành phần kinh nghiệm đặc biệt có hiệu
nghiệm và mạnh mẽ. Trong tiến trình này, vài thành phần điển
hình được tách rời ra. Chúng là những kinh nghiệm được sắp xếp
nằm rất sâu trong tâm thức cá nhân và tâm thức tập thể (tức tổng
số các tâm thức của tất cả cá nhân).
-
Chúng ta hãy xét một vài thí dụ đặc biệt về kinh nghiệm điển
hình này. Loại đầu thuộc phạm vi thần thoại. Ðặc điểm nổi bật
nhất của thần thoại là sự chiến đấu giữa cái thiện và cái ác.
Ðây có thể là đề tài sơ khởi, căn bản có vẻ có tính cách huyền
thoại, đã được dựng lên từ thời kỳ nguyên thủy cho đến nay.
Chẳng hạn, điểm chính của cuộc đua tài giữa Rama và Ravana trong
truyện Ramayana là sự tranh đấu giữa các lực lượng của thiện và
của ác. Ðiều này tiếp tục là đề tài nổi bật trong các thần thoại
phổ thông nhất. Cách đây không lâu, ta đã thấy sự tranh đấu giữa
thiện và ác được thần thoại hoá trong phim khoa học giả tưởng
‘Star Wars’ được ưa chuộng.
-
Trang 225. Chúng ta cũng thấy đề tài này trong thái độ và lối sử
dụng ngôn ngữ gây ấn tượng của các chính trị gia và các nhà lãnh
đạo trên thế giới. Chẳng hạn, khi Tổng Thống Hoa kỳ Ronald
Reagan gọi Liên bang Xô Viết là ‘Ðế quốc Tội ác’, ông đã muợn
một câu từ phim ‘Star Wars’ để nói lên lòng tin mạnh mẽ của mình
về sự tranh đấu giữa thế giới dân chủ và thế giới cộng sản là sự
tranh đãu giữa cái thiện phải thắng cái ác. Ðây là một đề tài
rất quan trọng trong văn hóa con người. Khi ta gọi đề tài này là
đề tài thần thoại không có nghĩa là ta làm giảm giá trị nó. Nếu
có, việc này chỉ làm tăng giá trị nó mà thôi bởi vì nó cho đề
tài này một tầm vóc siêu nhân, một ý nghĩa đại chúng. Gọi đề tài
là thần bí không làm nó không thực, ngược lại còn làm cho có ý
nghĩa thêm nữa.
-
Thiện và ác dĩ nhiên là nhị nguyên (như chủ thể - khách thể, ngã
- kỹ, luân hồi - niết bàn v.v...). Sự vượt ngoài tầm hiểu biết
bình thường của con người đối với thiện - ác, việc cái thiện làm
chủ và đồng hóa cái ác, được biểu tượng bằng sự xuất hiện của
các thần thánh trong lăng đền Kim cương thừa. Trong Chương 24,
chúng ta đã nói về cách có thể chuyển đổi các thành phần của
kinh nghiệm và sử dụng chúng cho sự tiến bộ tâm linh mình. Những
gì chúng ta có ở đây là tính ưu thế của cái thiện đối với những
cái mà ta thường nghĩ là ác, nghĩa là, sự đồng hóa và chuyển
biến toàn thể cái ác có tính tách thần thoại dưới hình thức các
thành phần đặc biệt của các vị thần Kim cương thừa.
-
Ðiều này cắt nghĩa sự xuất hiện tổng quát của các thần thánh
trong Kim cương thừa. Những người nào trong các bạn đã thấy
tranh vẽ và các bức điêu khắc cổ thư, rất có thể tự hỏi tại sao
các thần thánh mang vòng kiềng của các đầu người bị cắt rời, đồ
trang sức bằng xương, da thú vật, các bộ xương người, khí giới
v.v.... Tại sao trong tranh hay tượng thánh của Kim cương thừa
lại có quá nhiều chuyện có vẻ ma quỉ rùng rợn như vậy.
-
Câu trả lời là các đồ trang sức bằng xương người hay thú, khí
giới... tất cả chỉ là đồ trang bị cho lực lượng của cái ác mà
chúng được hình dung trong tâm thức tập thể của chúng ta. Sự
kiện chúng được mặc và sử dụng bởi các thần thánh Kim cương thừa
là biểu tượng cho: 1. tượng trưng cho sự chiến thắng của thiện
đối với ác; 2. tượng trưng cho sức mạnh của cái ác dùng vào mục
đích thiện; và quan trọng nhất, 3. tượng trưng sự hiệp nhứt và
tính siêu việt của các đối đãi thiện - ác, niết bàn - luân hồi.
-
Trang 226. Trên bình diện thần thoại thì ta nên hiểu đặc tính sự
xuất hiện của các thần thánh Kim cương thừa như sau: đó là tính
ưu thế và chuyển biến cái ác, và đó là tính siêu việt của cái
thiện và ác.
-
Kim cương thừa cũng đề xướng mạnh mẽ sự bình đẳng của các đối
tượng về tham và sân. Sự bình đẳng này hàm ý tính siêu việt của
các cặp đối đãi như thích - ghét, thiện - ác. Trong hình thức
biểu tượng của Kim cương thừa, ta thấy các đối tượng của ‘thích
- ghét’ rất gần nhau. Chẳng hạn, chúng ta thấy nữ trang và thủ
cấp; thân hình phụ nữ dễ coi và xác người; hoa sen, mặt trời,
mặt trăng và máu, thịt, xương ở cạnh nhau trong cùng một bức
tranh. Tất cả những vật này xãy ra bên cạnh nhau là tượng trưng
cho cái siêu việt của các đối đãi thiện - ác, dễ coi - khó coi,
thanh - trọc v.v....
-
Chúng ta hãy xét với những từ ngữ cụ thể hơn, các hình thức đặc
biệt của vài biểu tượng điển hình được tìm ra trong Kim cương
thừa. Rất nhiều biểu tượng có liên hệ đến tính siêu việt của đối
đãi. Ðầu tiên chúng ta hãy xét đến biểu tượng hợp nhất của nam
và nữ, là điều nổi bật nhứt trong Kim cương thừa. Ðây là biểu
tượng điển hình với ý nghĩa là, nó luôn luôn là phần căn bản của
kinh nghiệm của các sinh vật. Nó là thành phần nằm sâu trong tâm
thức cá nhân và tập thể của các sinh vật. Sự hợp nhất của nam và
nữ là biểu tượng của sự hợp nhất các sự đối nghịch--thường là
biểu tượng cho sự hợp nhất của trời và đất--trong nghệ thuật,
thi ca và văn chương của hầu hết các nền văn hoá thời này hay
thời khác.
-
Trang 227. Trong Kim cương thừa, chúng ta thấy được rằng giá trị
nổi bật của yếu tố kinh nghiệm là rất mạnh mẽ và đầy ý nghĩa. Nó
vẽ ra sự hiệp nhất giữa chơn không và sắc tướng, niết bàn và
luân hồi, trí huệ và từ bi. Nữ tính tượng trưng cho tánh không,
niết bàn và trí tuệ (ta đã thấy trong Chương 22, ‘vô ngã’ được
biểu tượng dưới hình thức các vị nữ thần Nairatmya và
Vajravarahi. Nam tính tượng trưng cho sắc tướng, luân hồi và từ
bi. Nữ cũng tượng trưng cho tánh không và nam cho sự sáng suốt
v.v...
-
Thêm một biểu tượng phổ biến được dùng trong tranh hay tượng
thánh Kim cương thừa là cái cây, nó là biểu tượng của đời sống,
của trưởng thành và phát triển. Trong một xuất thiền Kim cương
thừa, hành giả thường qui phục về hình ảnh nơi một cái cây.
Giống như sự hợp nhất của nam và nữ, cây là biểu tượng gốc,
tượng trưng cho sự hợp nhất giữa các nền văn hóa.
-
Tôi ngạc nhiên thấy rằng cái cây là vật biểu tượng trong các tôn
giáo và văn hoá trên thế giới. Trong Thiên chúa giáo, chúng ta
thấy ‘cây kiến thức’ trong Vườn Ðịa đàng. Trong Phật giáo, cây
là biểu tượng lý tưởng: ‘cây trú ẩn’ có thể được nhận ra là ‘cây
bồ đề’. Nhưng ‘cây giác ngộ’ đi ngược thời gian Lịch sử Văn minh
Ấn độ trước thời kỳ của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Nó cũng
quan trọng cho con người của nền Văn minh Thung lũng Indus, một
nền văn minh phát triển mạnh cách đây 5000 năm.
-
Nếu xét thêm về tranh hay tượng thánh Kim cương thừa, chúng ta
thường thấy một vị thánh được đặt lên trên một cái ngai của một
cái cây. Ngài là biểu tượng gốc của hoàng gia, của chủ quyền và
sự tài giỏi (vương miện và quyền trượng). Bạn có thể nhớ lại
trong Chương 22, chúng ta đã nói rằng Kim cương thừa lấy tên từ
chữ kim cương (vajra), là cái quyền trượng của Indra, là biểu
tượng của tinh thông và điều khiển (mastery). Không nghi ngờ gì
đó là những biểu tượng quan trọng trong tâm thức cá nhân và tập
thể. Ngay trong các xã hội cộng hoà, chế độ hoàng gia cũng hấp
dẫn. Người Huê kỳ có thể đọc nhiều về gia đình hoàng gia Anh hơn
là người Anh. Có thể có nhiều tư liệu truyền hình về gia đình
hoàng gia Anh quốc ở Mỹ hơn là ở Anh. Ngay cả định chế của chức
vị tổng thống cũng có nhiều liên hệ với tất cả các loại biểu
tượng chủ quyền hoàng gia.
-
Trang 228. Giống như biểu tượng về cây cối, biểu tượng hoàng gia
được tìm thấy trong hầu hết các tôn giáo chính. Chúa Ki tô đã
nói về vương quốc Chúa Trời và được gọi là vua của những người
Do thái. Ðức Phật đã được gọi là vua của Pháp (Phật) và của các
vật lý gia. Bài giảng pháp nổi tiếng đầu tiên đức Phật nói cho
đại chúng là ‘Kinh Chuyển Pháp luân’ (Dhammachakkappavattana
Sutta), thực ra có tên là ‘Kinh Nền tảng cho Vương quốc của Pháp
Phật’.
-
Giống như cây, ánh sáng và nước chiếm những chỗ dễ thấy nhứt
trong các biểu tượng của Bắc truyền (Ðại thừa). Lửa thường vây
chung quanh thần thánh. Ánh sáng là phương tiện quan trọng cho
việc nhận diện giữa thiền giả và các hình tướng thấy được của
thần thánh. Lửa, ánh sáng là các yếu tố rất quan trọng và có ý
nghĩa về kinh nghiệm của con người chúng ta. Có thể nhờ sự khám
phá của lửa mà con người trở nên văn minh. Tất cả các điều này
rất rõ ràng cho đến ngày hôm nay, vì không lẽ chúng ta không
thích đốt lửa lên, ngắm nhìn và sử dụng nó? Trong Kim cương
thừa, lửa tượng trưng cho ngọn lửa thiêu đốt và tiêu diệt vô
minh.
-
Nước cần thiết cho sự hiện hữu của chúng ta hơn là đồ ăn và dĩ
nhiên cần thiết cho sự tươi tốt của đất. Không ngạc nhiện là
nước cũng giữ vai trò quan trọng trong Kim cương thừa, trong đó
nó là biểu tượng của sự bí truyền từ nghi thức mật giáo, nó kích
thích hạt giống tiềm năng tâm linh. Giống như việc tưới nước cho
đất thì hạt giống sẽ nẩy mầm, nhờ được rắc rải trong nghi thức
bí truyền, hạt giống của tiềm năng tâm linh con người được nẩy
mầm và kế đó tượng hình trọn vẹn và chuyển biến thành hình hài
khác: cái thực tướng của Phật quả.
-
Trang 229. Biểu tượng hoa sen không phải chỉ có đặc biệt trong
Kim cương thừa mà còn hiện hữu trong tất cả các tranh hay tượng
thánh Phật giáo. Biểu tượng này đặc biệt có tính cách văn hóa
hơn những biểu tượng khác mà ta đã xét đến từ trước đến nay. Hoa
sen có thể là vật gần gũi nhứt trong tâm thức văn hoá Ấn độ, đó
là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự trưởng thành và chuyển biến tâm
linh. Vì lý do này, nó xuất hiện trong Kim cương thừa như là một
biểu tượng của sự phát triển tâm linh biến hóa siêu việt.
-
Trong Kim cương thừa, cũng có việc dùng các chữ cái, mục từ và
thần chú rất đặc biệt. Một lần nữa, đây là thí dụ điển hình nói
về yếu tố mạnh mẽ nằm trong tâm thức cá nhân và tập thể. Ðối với
người đời xưa cũng như người thời nay, tên của một vật có quyền
năng rất mạnh. Những dân tộc thời xưa thành công trong sự làm
chủ các lực lượng tự nhiên bằng cách đặt tên cho các lực lượng
ấy. Chẳng hạn, bằng cách gọi thần sấm là ‘Indra’, những người Bà
la môn thời xưa đã thiết lập một cơ chế và mức độ nào đó để kiểm
sóat được nó.
-
Ðiều này rõ ràng phản ảnh kinh nghiệm riêng của chúng ta. Nếu
một người nào đó ‘ cọ quẹt’ xe bạn trong chỗ đậu xe, bạn không
có cái quyền nào với người ta nếu bạn không biết tên người đó.
Nếu biết tên, bạn có thể đòi bồi thường thiệt hại. Vì thế, các
tên gọi có quyền năng riêng của nó. Trong một nghĩa nào đó, cái
tên tạo ra được thực tướng của vật đó. Chẳng hạn, khi tôi nói
chữ ‘kim cương’, với một nghĩa nào đó cái thực tướng của vật đó
được tạo ra cho tất cả chúng ta. Nhận ra được quyền năng của các
chữ cái, tên gọi, và các chữ, Kim cương thừa sử dụng chúng dưới
hình thức các câu chú để đem lại một thực tướng nào đó.
-
Trong Kim cương thừa, ý nghĩa giản dị của quyền năng dính liền
với tên gọi, một đặc tính của con người cổ đại, được thay thế
bằng sự hiểu biết nghiêm túc ý nghĩa các tên và chữ để tạo ra
một giá trị đặc biệt. Cái ý nghĩa được diễn biến ra đó là qua ý
chí của tâm. Chính ý chí của cái tâm làm cho các chữ cái, chữ,
tên và thần chú có được một giá trị sáng tạo đặc biệt.
-
Trang 230. Vì thế, chúng ta tìm thấy trong chủ nghĩa biểu tượng
Kim cương thừa, việc dùng các biểu tượng bằng lời nói một cách
tự do nhưng hữu ý là phương tiện cho việc tập trung ý chí của
cái tâm để tạo ra sự chuyển biến. Chẳng hạn, chúng ta tượng
trưng hoá cái tâm bằng tiếng Phạn ‘HUM’, và dùng biểu tượng đó
như là chiếc xe tượng trưng cho cái tâm hữu hình, làm hạt giống
cho các thần thánh khác trong lăng đền Kim cương thừa. Ðây là
vai trò lý tưởng sâu sắc của các chữ cái, chữ và tên gọi đối với
tâm thức cá nhân và tập thể. Kim cương thừa dùng sức mạnh lý
tưởng này trong chủ nghĩa biểu tượng để mô tả cái tâm và tạo
điều kiện cho việc khống chế và chuyển biến kinh nghiệm.
-
Nghệ thuật tranh hay tượng thánh Kim cương thừa cũng thừa nhận
sự quan trọng và ý nghĩa của màu sắc như là các biểu tượng của
một vài khuynh hướng và quan điểm khác. Ðây cũng là những gì mà
các nhà tâm lý ngày nay thừa nhận. Giữa thập niên 1930, một tâm
lý gia Huê kỳ đã khuyến khích một công ty thuốc lá nổi tiếng
thay đổi màu sắc trên gói thuốc từ xanh qua đỏ; qua một đêm,
lượng bán ra tăng từ 50 đến 60 phần trăm. Khi đợt màu đỏ được
bán hết, nhà sản xuất in trở lại màu xanh và lượng bán giảm
xuống thấy rõ. Khi được thay đổi đỏ lần nữa, độ bán lại tăng lên
như trước. Kể từ đó, các nhà quảng cáo và vẻ kiểu đã rất chú ý
về tầm ảnh hưởng của màu sắc đối với người tiêu thụ.
-
Ðiều này cũng được thừa nhận trong truyền thống Kim cương thừa.
Màu sắc có vai trò và cách dùng đặc biệt. Màu trắng, chẳng hạn,
là một biểu tượng của trong sạch, một ý nghĩa phổ thông khắp
nơi. Nhưng màu trắng cũng là một biểu tượng của tính không rõ
ràng, vô minh, và cũng là một biểu tượng cho kiến thức của Pháp
giới (Dharmadhatu). Ðiều sau cùng này giải nghĩa tại sao, trong
giới đàn (mandala) của 5 chư thánh cõi trời, Phật Tỳ lô giá na
(Vairochana) có màu trắng và tại sao trong lăng đền Kim cương
thừa, Bồ tát Phổ Hiền (Vajrasattva) cũng có màu trắng để chỉ cho
sự quan trọng của ông ta trong việc xoá lỗi, rửa tội.
-
Trang 231. Màu xanh hay màu đen là biểu tượng của tính bất di
bất dịch. Ðen, không giống bất cứ màu nào khác, không thể được
thay đổi. Xanh vừa là màu tượng trưng sự ghét bỏ cũng vừa là màu
tượng trưng cái kiến thức phản ảnh tất cả các hiện tượng mà
không bóp méo chúng (như màu xanh của nước phản ảnh vô số đối
tượng một cách không thiên vị). Vì thế, màu xanh là màu của kiến
thức như thực.
-
Trang 231. Màu đỏ là màu của lửa, là một biểu tượng của dục vọng
và tượng trưng cho kiến thức phân biệt.
-
Các màu này được dùng để mang những thông điệp tượng trưng không
chỉ dính liền với 5 chư Phật trên cõi trời, mà còn với các thần
thánh Mật giáo khác. Những thông điệp này thường có ý nghĩa ở
mức độ vô thức hay tiềm thức, nhưng ý nghĩa đặc biệt của chúng
nẩy lên một số cảm tính hay phản ứng (thường trên mức độ tiềm
thức). Một thí dụ cho việc này là sự kiện về những người hút
thuốc lá đã mua thuốc với nhãn hiệu đỏ thay vì xanh tuy rằng họ
không biết tại sao mình lại làm như vậy.
-
Bây giờ chúng ta hãy xét đến một vài vật đặc biệt hơn, được tìm
thấy trong nghệ thuật vẻ tranh và tượng thánh Kim cương thừa và
xem các ý nghĩa đặc biệt của chúng như các vật phụ trợ, các vật
mà chư vị cầm giữ trong tay họ, và các đồ trang sức bao quanh
họ. Thánh Vajrakilaya chẳng hạn, giẫm lên 2 vị thánh khác của Ấn
độ giáo là Shiva và Parvati. Ðầu tiên, ta có thể nghĩ rằng đây
chỉ là một loại nghệ thuật ca ngợi chiến thắng cho các Phật tử,
nhưng thực ra ý nghĩa của nó quan trọng hơn nhiều. Shiva và
Parvati tượng trưng cho hai thuyết cực đoan là thuyết vĩnh cửu
và thuyết hư vô. Vật phụ trợ mà thánh Vajrakilaya dùng là một
biểu tượng của sự chuyển biến vượt trội để tránh 2 cực đoan này.
Một lần nữa, chúng ta thấy thánh Mahakala đứng lên trên một tử
thi. Tử thi đại diện cái ngã, cái tôi, cái vật chất; việc
Mahakala giẫm lên nó tượng trưng cho sự chiến thắng của ông đối
với cái ý tưởng của ngã hay vật chất.
-
Nhiều vị thánh Kim cương thừa cầm dao trong tay. Ðiều nầy được
cho rằng trong nghệ thuật tượng tranh thánh Ðại thừa, ta thấy
thánh Ðại trí Văn thù sư lợi (Manjushri) cầm cây kiếm trí tuệ
cắt ngang lưới vô minh. Trong tay của các thánh Kim cương thừa
cũng vậy, dao là những dụng cụ tượng trưng trí tuệ mà họ dùng để
cắt ngang lưới vô minh và ảo tưởng.
-
Trang 232. Trong nghệ thuật tượng tranh thánh Kim cương thừa,
chúng ta cũng thấy các thần thánh uống máu từ những tách hình sọ
người, tượng trưng cho các phiền não. Bởi uống máu này, các
thánh cho thấy khả năng của họ đồng hoá và trung hòa các phiền
não.
-
Chúng ta thấy các thánh Kim cương thừa thường cầm hột kim cương
với cái chuông. Kim cương là biểu tượng cho phương tiện thiện
xảo, cái chuông biểu tượng cho trí huệ. Kim cương và chuông linh
tượng trưng cho sự hợp nhất các phương tiện thiện xảo và trí
huệ, hình tướng và chơn không, luân hồi và niết bàn.
-
Nhiều thánh Kim cương thừa cũng có các vương miện của 5 sọ người
trên đầu của họ. Năm sọ người này tượng trưng cho 5 kiến thức
siêu việt, tức trí huệ, thuộc về 5 chư Phật cõi trời: 1. kiến
thức Pháp giới (Dharmadhatu), 2. kiến thức như thật (giống như
kiếng), 3. kiến thức bình đẳng, 4. kiến thức biện biệt, và 5.
kiến thức toàn bích. Thân thể của họ được trang sức với 6 hình
thức bằng xương như kiềng tay, chân, thắt lưng-v.v...Sáu đồ
trang trí này tượng trưng cho Lục độ (Bố thí, Trì giới, Nhẫn
nhục, Tinh tấn, Thiền định, và Trí tuệ).
-
Việc chúng ta thấy các vật ấy nổi bật trong nghệ thuật tranh
tượng thánh không phải để chứng tỏ sự kỳ dị và rùng rợn cho hấp
dẫn. Thực ra, những vật này liên hệ rất gần gũi với nhiều mức
độ: 1. mức độ vô thức sâu sắc, 2. mức độ có tính cách văn hoá,
và 3. mức độ có sự liên hệ rất đặc biệt và chính xác với các yếu
tố đặc biệt của Phật thừa.
-
Toàn bộ, chúng ta đã giải quyết ở đây các đối đãi lớn và có ảnh
hưởng sâu rộng: các đề tài huyền thoại, thiện và ác, các mẫu
điển hình của nam và nữ ,v.v...Ðặc biệt, chúng ta đã giải quyết
các mẫu có quyền năng và ý nghĩa đặc biệt cho các sinh vật--các
mẫu cây cối, ngai vàng, lửa,v.v...; các cực đoan của thuyết vĩnh
cửu và thuyết hư vô; giá trị của các phương tiện thiện xảo và
trí huệ. Ðặc biệt hơn nữa, ta đã xét đến các vật tượng trưng
liên hệ đến các phái đặc biệt của học thuyết Phật giáo, như 5
kiến thức siêu việt và Lục độ.
-
Trang 233. Trong chương này tôi đã vẽ ra các huyền thoại và biểu
tượng tác động nhau, và vẽ ra ý nghĩa các biểu hiện và hình ảnh
khác nhau mà chúng ta thấy trong nghệ thuật về tượng hay tranh
thánh Kim cương thừa. Sẽ là một điều lầm lỗi nếu xem chúng là
những sản phẩm tùy hứng, tình cờ hay hoàn toàn chỉ để gây xúc
động cực mạnh, giật gân, gây sự tò mò. Thực sự, Kim cương thừa
sử dụng cẩn thận các huyền thoại và biểu tượng một cách có ý
thức và có chủ ý cho mục tiêu đặc biệt là đẩy mạnh sự tiến bộ
của hành giả trên con đường đi đến Phật quả.
--o0o--
|
|