|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Cây Giác-Ngộ
The Tree of
Enlightenment.
-
Chương 26
- (Trang
234 - 242.)
-
Tâm lý học, Sinh lý học và Vũ trụ học
-
Psychology, Physiology, and Cosmology.
-
~~~~~~~
-
Trong Kim cương thừa, tâm lý học, sinh lý học và vũ trụ học liên
hệ rất chặt chẽ với nhau. Tôi xin chứng minh chúng liên hệ chặt
chẽ như thế nào và nói tổng quát về các lợi ích của việc liên hệ
này.
-
Chúng ta bắt đầu bằng cách nói lại quan niệm tương duyên và
tương nhập. Tương duyên có cái nghĩa của tương đối hay tánh
không. Nó là một trong hai cột trụ của Bắc truyền (Ðại thừa).
Trong trường hợp đặc biệt này, tương duyên có ý nghĩa đặc biệt
là sự tương nhập. Như ta biết, từng sự vật, vì sự hiện hữu và
bản thể của nó, đều phải tùy thuộc vào các sự vật khác. Vì thế
mọi vật đều có giữ cái mầm, (nguyên) nhân và duyên (tức điều
kiện) của các vật khác. Ta có thể hiểu việc này dễ hơn bằng cách
áp dụng ý tưởng tương duyên giữa cái toàn thể và các phần riêng
của nó. Bản thể của cái tổng hợp tùy thuộc vào bản thể của từng
phần riêng, và bản thể của từng phần riêng tùy thuộc vào bản thể
của cái tổng hợp. Ðây là tính tương duyên của chúng.
-
Theo truyền thống Bắc truyền, chúng ta thấy ý tưởng này được nói
rõ trong truyện ‘mạng lưới của Ðế thích’ (Indra hay Nhân đà la).
Trong truyện này, mỗi phần của lưới, vì sự tồn tại và đặc tính
của nó, nên phải tùy thuộc vào các phần lưới khác, và mỗi phần
nhỏ của lưới tự nó chứa đựng hết thảy cái đặc tính của toàn bộ
mạng lưới. Ý tưởng tương duyên hay tương nhập giữa cái từng phần
và cái tổng hợp cũng rất quan trọng ở Trung hoa, nơi mà tư tưởng
quan trọng độc nhất là triết lý Hua-yen, nền triết lý của sự
tổng hợp.
-
Trang 235. Ý tưởng tương nhập cũng có thể được tìm thấy trong
Kim cương thừa, ở đó ta có thể thấy nó qua chữ ‘khung cửi’
(tantra) . Bạn có thể nhớ rằng ‘tantra’ nghĩa đen là kiểu dệt
của một miếng vải (xin xem lại chương 22). Việc dùng phép ẩn dụ
về miếng vải cho ta hiểu được sự tương nhập giữa cái toàn bộ và
các bộ phận của nó. Ta thấy rằng một phần nhỏ của miếng vải cũng
là cái mẫu toàn bộ của tấm vải.
-
Trang 235. Kế đến, tư tưởng tương nhập trên được áp dụng vào sự
tương nhập giữa từng cá nhân (đại diện cho từng bộ phận vi mô)
với vũ trụ (đại diện cho cái toàn bộ vĩ mô). Ý niệm tương nhập
về con người với vũ trụ là điều đầu tiên tôi muốn xét đến trong
sự để tâm đặc biệt hơn về tâm lý học, sinh lý học và vũ trụ học
trong Kim cương thừa.
-
Ðể
hiểu được vai trò năng động của tâm lý học, sinh lý học và vũ
trụ học, chúng ta cần nhớ lại ý tưởng căn bản thứ hai của Kim
cương thừa, đó là tính biến thái của kinh nghiệm. Ðiều này được
diễn tả trong kinh nghiệm của Vô trước (Asanga). Ðầu tiên, ngài
không thấy được Phật Di lặc, sau đó, ngài thấy được dưới hình
thức của con chó bệnh và cuối cùng thấy rõ hơn với kinh nghiệm
của một vị thánh đã được chuyển biến. Ý tưởng này cũng được diễn
tả là, chúng sinh ở trong 6 cõi giới khác nhau, có kinh nghiệm
với các hiện tượng một cách khác nhau: đây là tính biến thái của
kinh nghiệm tùy thuộc vào trạng thái tinh thần. Vì thế, thực
tướng tùy thuộc vào điều kiện tâm thức con người: tâm ô nhiễm
nhận thức và kinh nghiệm thực tướng theo một cách; trong khi tâm
chuyển biến và được thanh lọc, sẽ kinh nghiệm nó theo một cách
khác.
-
Quan trọng là ta phải giữ cả hai tính tương nhập và tính biến
thái của tâm. Có thế, ta mới biết được sự liên hệ giữa cá nhân
và vũ trụ trong tâm lý học, sinh lý học, và vũ trụ học Kim cương
thừa và ta mới biết sự liên hệ này vận hành một cách năng động
như thế nào để đem lại kết quả cho sự chuyển biến đó. Ðây là mục
tiêu của việc thực hành Kim cương thừa.
-
Trang 236. Ðầu tiên, chúng ta hãy xét đến tâm lý học trong Kim
cương thừa. Từ đầu đến giờ tôi đã cho thấy rằng Kim cương thừa
là một sự phát triển tự nhiên và hợp lý của Phật thừa nói chung,
điều này ta cũng tìm thấy trong Nam truyền (Tìểu thừa) và Bắc
truyền (Ðại thừa). Với sự kiện này, ta không ngạc nhiên là các
thành phần xây dựng căn bản của tâm lý học Kim cương thừa lại
thuộc hệ thống trung tâm của tâm lý học Phật giáo.
-
Các khối xây dựng này là ngũ uẩn hay ngũ ấm (5 khối hoà hợp kết
tập thành thân tâm con người. Xin xem lại chương 12). Năm khối
hòa hợp này (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) là những thành phần
căn bản của tâm lý học Kim cương thừa. Trong tình trạng tâm thức
uế trược, tình trạng bình thường của tất cả chúng ta trước khi
được chuyển biến kinh nghiệm, 5 ngũ ấm này có liên hệ với 5
phiền não (ô nhiễm): tham, sân, si, mạn nghi, tật đố. Bạn chắc
hẵn đã để ý đến sự hiện diện của 3 phiền não căn bản là nguyên
nhân kinh nghiệm của đau khổ và thêm vào chúng là các đau khổ
của mạn nghi và tật đố.
-
Chúng ta cũng có thể thấy 5 phiền não này liên hệ với 5 cõi giới
không giúp ta giải thoát được. Ðó là, tham với cõi quỹ, sân với
cõi ngục, si với cõi thú, mạn nghi với cõi thần thánh, tật đố
với cõi á thánh. Một điều đáng chú ý là ngũ uẩn cũng tạo nhân
sanh vào 5 cõi giới không thuận lợi trên.
-
Ðây là bức tranh thực tế cho cái nhìn về các sinh vật chưa được
chuyển biến, chưa được trong sạch mà đây là điển hình cho kinh
nghiệm của chúng ta, cũng là điển hình cho kinh nghiệm của ngài
Vô trước (Asanga) khi ông không thấy được Phật Di lặc
(Maitreya). Ngay trong văn chương Trí huệ Bát nhã, ta cũng thấy
những lời là, trong khi một Bồ tát đang tiến về hướng Phật quả,
ngũ uẩn của người trở nên thanh tịnh tuyệt đối. Trong Kim cương
thừa, lời phát biểu này được cho là tích cực và đặc biệt đến
nổi, trong tâm lý học Kim cương thừa, ngũ uẩn được chuyển biến
và xuất hiện dưới hình thức của 5 chư Phật trên cõi trời. Tâm
của các chư Phật ấy đã trong sạch hoàn toàn nhờ gieo duyên thiện
lành. Vì thế, với hình hài đã được chuyển biến, ngũ uẩn đã trở
thành 5 chư Phật trên cõi trời: uẩn sắc, sau khi được thanh lọc,
xuất hiện dưới hình thức Phật Tỳ lô giá Na (Vairochana); uẩn
thọ, hình thức Phật Bảo sinh (Ratnasambhava); uẩn tưởng, hình
thức Phật A di đà (Amitabha); uẩn hành, hình thức Phật Bất không
thành tựu (Amogasiddhi); và uẩn thức, hình thức Phật Bất động
(Phật A súc, Akshobhya).
-
Trang 237. Chắc bạn có thể đã thấy 5 chư Phật cõi trời này được
vẽ dưới hình thức tượng thánh trong nghệ thuật giới đàn
(mandala), gồm nhiều vòng tròn huyền bí thiêng liêng. Ðây là các
biểu tượng của vũ trụ đã được chuyển biến trở nên thanh tịnh.
Những gì 5 chư Phật cõi trời đại diện là 5 thành phần chúng sinh
đã được chuyển biến trở nên thanh tịnh về phương diện tâm sinh
lý. Năm chư Phật cõi trời tượng trưng cho sự chuyển biến kinh
nghiệm ô nhiễm của chúng ta thành các hình hài đã được giác ngộ.
-
Năm chư Phật cõi trời này được cho biết là chư Thánh của Năm Gia
đình: đức Phật (Hiện kiếp), Ratna (Bảo vật), Padma (Liên hoa),
Karma (Tác nghiệp) và Vajra (Kim cương). Ðây là những biểu tượng
của ngũ uẩn dưới hình thái đã được biến cải.
-
Ở
mức độ chưa chuyển biến và còn uế trược, ngũ uẩn bị gắn liền với
5 phiền não; ở mức độ được chuyển biến, hết ô nhiễm, 5 chư Phật
cõi trời tương đương với 5 loại tri thức siêu việt (trí huệ bát
nhã). Tri thức siêu việt đầu tiên là tri thức Pháp giới
(Dharmadhatu), tương đương với Phật Tỳ lô giá na (Vairochana).
Tri thức Pháp giới là tri thức về thực tướng các sự vật và về sự
tinh túy của chúng. Nói một cách khác, Pháp giới (Dharmadhatu)
là đặc tính cần thiết của tất cả các hiện tượng, đó là, tánh
không và tính bất nhị của chúng sự. Vì thế, uẩn sắc được biến
đổi là Phật Tỳ Lô Giá Na, và sự biến đổi này là sự biến đổi cái
phiền não của vô minh thành tri thức siêu việt cho cái thực tánh
của tất cả các sự vật, tức tánh không.
-
Trang 238. Thứ hai, với Phật Bảo Sinh (Buddha Ratnasambhava), vị
Phật biểu tượng cho thọ uẩn. Ðây là sự chuyển biến của lòng tự
hào thành tri thức bình đẳng siêu việt. Ðây là tri thức xem tất
cả mọi vật bằng nhau. Trong Bát nhã Tâm kinh, người ta nói rằng
‘Trí tuệ bát nhã’ đã chuyển sự không bình đẳng thành bình đẳng.
Trong trường hợp của Phật Bảo Vật, chúng ta có loại tri thức xem
các sự vật là bình đẳng. Hơn bất cứ mọi thứ, tri thức bình đẳng
không thấy một sự phân biệt nào giữa luân hồi và niết bàn. Tri
thức bình đẳng siêu việt không thấy khác nhau giữa luân hồi và
niết bàn và cho phép chư Phật và chư Bồ tát hoạt động một cách
tự do trong thế giới này.
-
Thứ ba, trong trường hợp của tưởng uẩn, nó đã được chuyển biến
và thanh lọc để thành Phật A di đà. Ở đây, ta có sự chuyển biến
tham muốn thành phân biệt. Ðây là tri thức có thể thấy tất cả
các sự vật theo đặc tính cá biệt của chúng. Trong một ý nghĩa
nào đó, điều này tương đương với tri thức Pháp giới
(Dharmadhata) đây là tri thức về cái đặc tính tinh túy và phổ
quát của tất cả các sự vật, đó là tánh không. Là một điều bổ túc
cho tri thức Pháp giới (Dharmadhata), chúng ta có tri thức phân
biệt, đó là tri thức các đặc tính cá biệt của tất cả các sự vật.
-
Thứ tư, trong trường hợp hành uẩn, nó được thanh tịnh thành hình
thức Phật Bất-không-thành-tựu (Buddha Amogasiddhi), chúng ta có
được sự chuyển biến lòng đố kỵ thành tri thức toàn bích. Tri
thức này là cái khả năng biết chính xác thực trạng tất cả giống
hữu tình để sao cho có thể được giúp họ hoàn thành tốt đẹp nhất
trên đường hướng về Phật quả.
-
Trang 239. Cuối cùng, trong trường hợp thức uẩn, nó dược thanh
lọc thành hình thức Phật Bất Ðộng (Phật A xúc, Buddha
Akshobhya). Ta có được sự chuyển biến mối ác kiến thành một kiến
thức giống như cái gương, có khả năng phản ảnh tất cả sự vật.
Cái gương phản chiếu chính xác, không thiếu không thêm bất cứ
vật gì đứng trước nó.
-
Vậy là, bạn đã có thể thấy được sự sắp xếp đối xứng các thành
phần tâm sinh lý, với ngũ uẩn bị ô nhiễm tương đương với 5 chư
Phật trong cõi giới không còn ô nhiễm. Cũng như thế, có sự đối
xứng giữa 5 phiền não khi chưa chuyển biến, còn uế trược, tương
đương với 5 tri thức đã được chuyển biến và không còn uế trược.
-
Sự
sắp xếp đối xứng giữa kinh nghiệm bất tịnh và thanh tịnh cũng
được chuyển thành khối vật chất. Ở cấp thanh tịnh, 5 thành phần
của thế giới này--đất, nước, lửa, gió và không gian (ngũ đại)
lấy hình thức của 5 thiên nữ. Những vị này là vợ của 5 chư Thánh
cõi trời. Thành phần của không gian, tương đương với sắc uẩn,
được chuyển biến không còn ô nhiễm, thành một nữ thánh, vị này
là vợ của Phật tỳ lô giá na (Vairochana). Các thành phần vật
chất ‘đất, nước, gió, lửa’ tương đương với các uẩn ‘thọ, tưởng,
hành, thức’, theo thứ tự, được chuyển biến thanh tịnh thành các
nữ thánh, là vợ của Phật Bảo Vật, Phật Vô lượng Quang (hay A di
Ðà), Phật Bất Không Thành Tựu và Phật Bất Ðộng (Ratnasambhava,
Amitabha, Amoghasiddhi và Akshobhya).
-
Trong Tâm lý học Kim cương thừa, vì thế, chúng ta có các uẩn ấm,
phiền não và các yếu tố tầm thường, bất tịnh đã được chuyển biến
thanh tịnh thành 5 vị thánh trên cõi trời, 5 kiến thức siêu
nhiên và 5 vị nữ thánh vợ của 5 chư Phật cõi trời. Chúng ta cũng
có 2 cấp độ kinh nghiệm đối xứng nhau, cấp một là tiêu chuẩn của
các hình tướng bất tịnh, cấp kia là tiêu chuẩn của các hình
tướng đã được thanh tịnh. Ðây là hệ thống tổ chức căn bản của
tâm lý học Kim cương thừa.
-
Trang 240. Trong hệ thống Kim cương thừa, 5 vị thánh ở cõi trời,
cùng với 5 phối ngẫu, được tìm thấy chính trong thân thể của cá
nhân từng người. Họ hiện diện tại 5 trung tâm năng lực tâm linh,
còn được gọi là luân xa (chakras), được tìm thấy trong thân thể
của mỗi người. Năm trung tâm năng lực tâm linh nằm trên đỉnh
đầu, cổ họng, trái tim, lỗ rún và bộ sinh dục. Tại mỗi nơi, có
một trong 5 vị Phật trên cõi trời với phối ngẫu được nằm trên
một ngai vàng hoa sen: Phật Tỳ lô giá Na (Vairochana) tượng
trưng cho uẩn sắc đã được thanh tịnh, nằm trên đỉnh đầu; Phật Vô
lượng quang (tức A di đà) biểu hiện cho uẩn tưởng đã được thanh
tịnh, nằm ở cổ họng; Phật Bất Ðộng (Akshobhya), biểu tượng cho
uẩn thức đã được trong sạch, ở trái tim; Phật Bảo Vật
(Ratnasambhava) tượng trưng cho uẩn thọ đã được thanh tịnh, ở
tại lỗ rún; và Phật Bất không thành tựu (Amogasiddhi), biểu
tượng cho uẩn hành đã được thanh tịnh, nằm tại bộ sinh dục.
-
Có
một số kinh mạch của luân xa, được gọi là NADIS, nối liền các
trung tâm luân xa (năng lực tâm linh) với nhau. Dầu có rất
nhiều, nhưng có 3 kinh mạch chính: kinh mạch trung tâm
(avadhuti), chạy thẳng từ trên đỉnh đầu đến bộ sinh dục và nối 5
luân xa; và 2 kinh mạch bên phải và trái của kinh mạch trung tâm
(rasana và lalana). Ở trình độ thực hành Kim cương thừa cao cấp,
hành giả có thể khai dụng và điều khiển dòng mạch của năng lượng
tâm linh, tức năng lượng của cái tâm, qua các kinh mạch tâm linh
này. Ðiều này giúp bạn hợp nhất lại được các kinh nghiệm tâm
sinh lý mâu thuẫn nhau có trong mỗi người và trong vũ trụ. Nhờ
vậy, bạn nhận ra được qua thiền định, sự hợp nhất tuyệt đối của
tất cả các đối nghịch, sự tiêu diệt tất cả các đối đãi. Ðây là
mục tiêu của việc hành trì mật giáo.
-
Trang 241. Qua việc thể hiện ngắn ngủi này về sinh lý học Kim
cương thừa, bạn có thể thấy các khối xây dựng căn bản của kinh
nghiệm trong tâm sinh lý học, được thấy từ cấp bất tịnh hay cấp
thanh tịnh, được phản ảnh như thế nào trong việc hình thành nên
tư chất con người về phương diện sinh lý học.
-
Trang 241.Qua việc hợp nhất được các mâu thuẫn trong phạm vi
kinh nghiệm tâm sinh lý cho một cá nhân, người thành thạo về Kim
cương thừa có khả năng chuyển biến cái nhìn của mình cho một vũ
trụ nhất thống. Người này có khả năng làm được như vậy bởi vì
thân xác của ông là một đại diện thu nhỏ của vũ trụ này. Trong
vũ trụ học Kim cương thừa, các đặc điểm của một vũ trụ nhất
thống hiện diện trong kinh nghiệm tâm sinh lý của mỗi một người.
Núi Sumeru, ngọn núi trung tâm của vũ trụ theo vũ trụ học Phật
giáo, được nằm trong một vòng thân xác của hành giả, giống như
mặt trời và mặt trăng, các dòng sông thiêng liêng của Ấn độ và
những nơi hành hương được tìm thấy trong vòng thân xác thu nhỏ
lại này.
-
Những đặc điểm của vũ trụ không chỉ nằm trong thân xác con người
mà nó còn là những đặc điểm nguyên thủy của kinh nghiệm đã được
chuyển biến trở nên thanh tịnh. Chúng ta đã thấy là 5 vị thánh
trên cõi trời được tìm thấy trong 5 trung tâm luân xa (năng lực
tâm linh) thân thể con người. Cũng vậy, chúng ta thấy rằng kinh
nghiệm riêng mỗi người thực sự chẳng có gì khác hơn là kinh
nghiệm của vũ trụ đã trở nên thanh tịnh, vì vậy thân xác thực ra
là lầu đài thần thánh của chư Phật siêu phàm. Vì thế, trong tâm
lý học, sinh lý học và vũ trũ học Kim cương thừa, chúng ta thấy
được ý nghĩa thực của thành ngữ ‘thân xác là một ngôi đền’. Một
ngôi đền gồm các chư Thánh trên cõi trời, những người này không
khác gì hơn là những hình hài hiện hữu đã được chuyển biến từ
những mẫu hiện hữu bình thường của các thành phần kết hợp tâm
sinh lý.
-
Bạn thấy trong Kim cương thừa có sự tương đương chặt chẻ giữa
kinh nghiệm bình thường và kinh nghiệm đã trở nên thanh tịnh. Sự
tương đương này được thiết lập qua ý tưởng vi mô và vĩ mô.
-
Ðặc biệt, Kim cương thừa cung ứng một kế hoạch tâm lý và sinh lý
đặc biệt cho các thành phần kinh nghiệm: chúng bị khuất phục bởi
sự khai dụng trực tiếp và hữu hiệu của cái tâm. Kế hoạch này
dùng các trung tâm năng lực tâm linh và các kinh mạch mà năng
lực tâm linh đi qua.
-
Những gì tôi cố gắng thực hiện trong chương này là để cho thấy
rằng, trong hệ thống tâm lý học, sinh lý học và vũ trụ học Kim
cương thừa cũng như trong huyền thoại và biểu tượng Kim cương
thừa, chúng ta không có sự mô tả gì bí ẩn hay kỳ dị trong các
hình thức ngẫu nhiên hay tùy tiện. Ngược lại, chúng ta có một hệ
thống được vẽ ra rất cẩn thận, hợp với các nguyên tắc căn bản
của con đường Phật giáo giải thoát. Những gì chúng ta có, thực
sự chỉ là sự phát triển đặc biệt phong phú và đầy màu sắc của
các ý kiến chúng ta đã thấy trong các tông phái Phật giáo cổ
đại, trong tâm lý Vi diệu pháp. Tất cả các ý kiến này có một nội
dung rất dứt khoát. Kim cương thừa cung ứng được các cách thức
đầy màu sắc, trong sáng và hấp dẫn với những thành phần khác
nhau của kinh nghiệm tâm sinh lý học. Kim cương thừa cũng mô tả
cách chuyển biến và hoàn tất như thế nào qua sự thanh lọc dần
dần mô thức hiện hữu của con người.
--o0o--
|
|