PHẬT HỌC CƠ BẢN

Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002

---o0o---
Chương 28
(Trang 253 - 261.)
Lễ Ðiểm đạo Kim cương thừa
The Vajrayana Initiation.
~~~~~~~
Với chương này, ta có một đề tài quan trọng hơn bất cứ đề tài nào trên con đường tu tập Kim cương thừa Mật giáo. Hơn nữa thế kỷ qua, Mật giáo đã được phương Tây và thế giới nói chung biết đến, nó đã chịu trách nhiệm rất nhiều cho các lời giải thích và hiểu biết sai lầm trước đây. Cái yếu tố có thể là nguyên nhân cho việc hiểu lầm lớn nhất là tục lệ nghi thức điểm đạo (bí truyền). Nhiều người đã phản đối lễ điểm đạo trong tín ngưỡng Phật giáo.
Như đã được nói qua trong Chương 27, thực sự lễ điểm đạo (bí truyền) Kim cương thừa Mật giáo không khác gì với các nghi thức chính thức giữ vai trò quan trọng trong Phật giáo. Thật khó hiểu tại sao người ta có thể chấp nhận lễ qui y và lễ truyền thụ cho tu sĩ nhưng lại khó khăn với ý tưởng ‘lễ điểm đạo’ Mật giáo! Tôi hy vọng rằng, với sự trình bày rõ ràng về nội dung của lễ điểm đạo cùng vai trò và nhiệm vụ của nó trong môn phái này, một vài điều sai lầm về những giải thích và hiểu biết sẽ được sáng tỏ hơn.
Trước hết chúng ta hãy xem nghĩa của chữ gốc Sanscrit ‘abhishekha’, được dịch là ‘truyền thụ, kết nạp, trao quyền’. Không có chữ nào có nghĩa đen từ nghĩa gốc của nó. Thực sự nó có nghĩa là ‘tưới nước’, đặc biệt là tưới nước trên một vùng đất rộng, thí dụ như trên một cánh đồng.
Chúng ta hãy bắt đầu tìm hiểu thêm một chút về tính chất của lễ điểm đạo Kim cương thừa Mật giáo, xét xem tại sao chữ ‘abhishekha’ được dùng cho nghi thức này. Lễ này có mục đích là làm sống động hoặc đẩy mạnh tiến trình tinh tấn giác ngộ của môn đồ. Cũng giống như ta tưới nước trên cánh đồng có các hột giống đã được gieo, lễ điểm đạo ‘tưới nước’ nuôi dưỡng cho mau chóng phát triển cái hột giống tiềm năng tâm linh của người trò.
Các ý niệm như trên đã được phát triển nhuần nhuyễn trong Bắc truyền (Ðại thừa)--đó là, ý niệm Phật tính hay tiềm năng giác ngộ mà tất cả sinh vật đều có. Tiến trình của sự phát triển và hoàn thành của tiềm năng tâm linh này được tăng trưởng bởi việc ‘tưới’ hay ‘xức dầu thánh’, một dấu hiệu rõ ràng trong lễ điểm đạo đó. Mặc dù không hay lắm khi dịch là ‘tưới nước’ hay ‘xức dầu thánh’, nhưng điều quan trọng ta phải nhớ là từ ngữ này muốn nói đến một tiến trình khác với những gì chúng ta tưởng tượng khi xem nó là một loại điểm đạo bí truyền của một hội bí mật.
Tôi xin mở rộng lý nghĩa của điểm đạo có tính cách văn tự nhưng rất căn bản này. Lể điểm đạo Mật giáo có nghĩa là giới thiệu môn đồ vào trong giới đàn (mandala), một giới linh thiêng, huyền diệu, thuộc một trong những vị thánh giám hộ của lăng đền Kim cương thừa Mật giáo, các vị thánh có những hình tướng nội tại đặc biệt của đức Phật, thiền định vào những vị này có thể đem lại giác ngộ. Trong Chương 27, chúng ta đã thấy rằng giới đàn là một biểu hiện tượng trưng của vũ trụ. Trong bối cảnh lễ điểm đạo, nó tượng trưng không phải là cái vũ trụ như chúng ta thấy từ quan điểm chưa giác ngộ, mà là cái vũ trụ thiêng liêng thuần nhất mà ta phải hoàn thành với trình độ giác ngộ, với cái nhìn không còn các khuynh hướng bất thiện. Trong Chương 26 đã có rất nhiều phần nói về sự chuyển biến 5 uẩn thành 5 chư Phật trên cõi trời, áp dụng cho ý niệm về một vũ trụ đã được chuyển biến thanh tịnh này. Vì thế khi chúng ta nói rằng lễ điểm đạo là để giới thiệu môn đồ vào giới đàn (mandala) của một trong những vị thánh giám hộ mật tông, tức ta muốn nói là lễ đó giới thiệu vị này vào vũ trụ thanh tịnh của một trong những vị thánh giám hộ này.
Trang 255. Các vị thánh giám hộ Kim cương thừa có thể được chia thành 4 bậc quyền năng thăng hoa có hiệu quả trong việc đem lại sự chuyển hoá từ một hình thức hiện hữu chưa giác ngộ thành một hình thức hiện hữu đã giác ngộ và linh thiêng: 1. bậc Kriya, 2. bậc Charya, 3. bậc Yoga, và 4. bậc Anuttarayoga. Lễ điểm đạo là sự giới thiệu môn đồ vào vũ trụ linh thiêng của vị thần giám hộ của một trong những bậc cổ thư mật tông này. Bậc Kriya thuộc nhóm các vị thánh giám hộ mà các sự hành trì chủ yếu có liên hệ với các nghi thức ngoại giới. Kriya nghĩa là ‘hành động, lễ nghi’. Các vị thánh giám hộ này nói chung hành trì các nghi thức bên ngoài. Các sự hành trì của bậc Kriya mật tông thường liên hệ với những người ăn chay, tắm thường trực, tắm trong nghi thức và cúng lễ.
Ngược lại, các vị thánh giám hộ bậc Charya cổ thư mật tông được đồng hóa với những sự hành trì có liên quan chủ yếu với các thái độ, tư tưởng và chủ ý bên trong của hành giả. Trong khi lạt ma nhóm Kriya hành trì các hình thức bên ngoài thì lạt ma Charya hướng về bên trong. Các hành giả bậc Charya thường trình bày các hình thức xã hội ít hơn nhiều so với hạng Kriya.
Hàng thứ ba, bậc lạt ma Yoga phối hợp các sự hành trì thuộc 2 bậc vừa nói. Lạt ma nhóm Yoga muốn tìm được một sự cân bằng giữa bên ngoài và bên trong. Cái cân bằng hợp nhất này được phản ảnh qua chữ Yoga, có nghĩa là ‘tổng hợp’.
Trong trường hợp thứ tư với các vị thánh giám hộ Anuttarayoga, các sự hành trì vượt qua khỏi hay phá bỏ các hàng rào của 3 bậc trên (ngoại, nội và hợp nhất). Anuttarayoga nghĩa là ‘siêu việt, vượt qua khỏi’ các sự hành trì bên ngoài cũng như bên trong. Vì thế lạt ma anuttarayoga thuộc các vị thánh giám hộ mà các sự hành trì của họ được phát triển cao nhất trong phái Kim cương thừa. Chính ở đẳng cấp này mà chúng ta hoàn tất sự hợp nhất các kinh nghiệm khi đi vào con đường Kim cương thừa, một sự hợp nhất dẫn đến sự chuyển hóa thành một thực thể tự phát, không gò bó. Ðây là cái lý tưởng tôi đã dẫn chứng trong Chương 24, khi thảo luận về mục đích của phương pháp luận Kim cương thừa--tức là, hoàn tất sự hợp nhất các kinh nghiệm vào con đường Ðạo.
Trang 256. Có 3 loại điểm đạo. Ðầu tiên là lễ điểm đạo chính yếu, một loại lễ có giá trị cho tất cả. Có thể ví một buổi điểm đạo chính yếu giống như bằng lái xe cho phép bạn lái tất cả các loại xe hơi, hoặc tất cả quyền hành mà một chính phủ cho quyền một đặc sứ toàn quyền quyết định đối với một số vấn đề. Lễ truyền thụ này là một loại trao quyền trọn vẹn thường phải mất 2 ngày. Ngày đầu tiên dành cho các sự hành trì chuẩn bị, nói chung có liên hệ đến sự thanh tịnh của người trò. Ngày thứ hai dành cho việc giới thiệu thực sự người trò vào giới đàn của vị thánh đặc biệt có liên hệ.
Loại truyền thụ thứ hai là thứ yếu, nó có thể giống như một giấy phép cho phép bạn sử dụng các lối hành trì chuyên môn, đặc biệt. Tuy vậy, chúng rất quan trọng và đem lại kết quả cao.
Loại thứ ba lại giới hạn hơn nữa. Nó gồm các lễ điểm đạo giản dị, thường diễn ra trong thời gian ngắn nhằm giúp cho hành giả tham gia vào các sự hành trì tương đối giản dị cùng với các vị thánh thứ yếu có đông thành viên. Lễ này đôi khi được đặt tên là ‘lễ thụ giáo phụ thuộc’, vì chúng được diễn ra sau những buổi lễ chính thức và thứ yếu.
Các vị thánh Kim cương thừa cũng được chia ra thành từng nhóm gia đình (không liên hệ gì với 4 bậc thần thánh giám hộ đã được nói trên) có liên hệ với chư Phật của Năm Nhóm Gia       Ðình: Phật Tỳ lô giá na (Vairochana), Phật Bảo Vật phương Nam (Ratnasambhava), Phật A di đà phương Tây (Amitabha), Phật Bất Không Thành tựu phương Bắc (Amoghasiddhi), và Phật Bất động phương Ðông (Phật A súc, Akshobhya). Chẳng hạn, Thánh giám hộ Hevajra liên hệ với gia đình Kim cương đứng đầu bởi Phật A súc, trong khi Thánh Chakrasamvara có liên hệ với gia đình Phật Thích Ca thuộc Phật Tỳ Lô Giá Na.
Một lễ điểm đạo giáo chính yếu có thể so sánh như việc mua một vé trọn mùa (như xem thể thao) cho toàn thể các cuộc thi đấu. Vé trọn mùa cho phép bạn tham dự bất cứ các cuộc thi đấu, mỗi khi đi xem bạn chỉ cần trình vé và được đóng dấu. Giống như vậy, lễ điểm đạo cho phép bạn nhận thêm một loạt các lễ điểm đạo phụ thuộc ít quan trọng hơn, dù rằng, khi nhận lễ, bạn vẫn sẽ phải tham dự các nghi thức cần thiết.
Theo truyền thống, chính nhờ lễ điểm đạo chính thức mà nó giúp cho môn đồ có thể tiếp cận với các vị thánh và hành trì Mật giáo. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, vì sự đòi hỏi càng ngày càng tăng trong các lễ truyền thụ cổ thư Mật giáo, nên các vị thầy Kim cương thừa đôi khi chọn làm lễ trước một trong những lễ điểm đạo phụ thuộc, ít quan trọng và giản dị hơn. Ðiều này đôi khi hữu ích, ở chỗ nó cung ứng một thứ phương tiện để thử thách cho sự hành trì Kim cương thừa, giống như người ta được cấp bằng lái xe gắn máy trước khi được bằng lái các loại xe hơi đa dụng khác.
Tất cả những lễ điểm đạo này phải được hành lễ bởi một người thầy Kim cương thừa có khả năng. Có 2 loại chứng khả năng mà người thầy có thể có. Trường hợp thứ nhất, người thầy sau khi hoàn thành một đẳng cấp rất cao về phát triển tâm linh, nhận được quyền trực tiếp từ vị thánh liên hệ. Loại chứng này điển hình là các trường hợp của chư vị đã được chứng đắc thành Ðại sư (Mahasiddhas) ở Ấn độ hơn là ở Tây tạng.
Loại chứng có khả năng thứ hai thì phổ thông hơn. Trong trường hợp này người thầy nhận được quyền của vị thánh từ một người thầy khác có đủ điều kiện. Vị này phải cử hành các lễ theo sự đòi hỏi, thí dụ như thời gian ẩn cư v.v...theo như qui định bởi truyền thống, để bảo đảm một sự liên kết gần gủi với vị thánh làm trung gian giới thiệu người vào giới đàn của vị thánh liên hệ. Ðiều quan trọng là lễ điểm đạo Kim cương thừa được nhận từ một người thầy ít nhất phải có điều kiện thứ hai.
Trang 258. Trong lễ điểm đạo này, người học trò xem người thầy như vị thần giám hộ linh thiêng. Người trò xem môi trường, đặc tính của lễ điểm đạo như cái cõi linh của vị thánh giám hộ đó. Người trò được giới thiệu vào và nhận diện cả hai với vị thánh giám hộ (dưới hình thức người thầy trong lễ điểm đạo) và với cõi linh mà nó được biểu tượng hóa trong buổi lễ.
Tiến trình điểm đạo và nhận diện này được diễn ra qua việc dùng các biểu tượng. Những biểu tượng khá đặc thù và tổng quát này được trình bày tốt đẹp nhất bằng một số nghi thức khác nhau. Các đối tượng của nghi thức này được liên kết với, và tượng trưng cho các thành phần (hay ‘‘diễn viên’’) tham dự trong ‘‘vở kịch’’ thiêng liêng này, là những vị ngự trị trong cõi linh. Trong các bài thảo luận trong chương 25 và 26 về các biểu tượng Mật giáo và của 5 chư Phật đại diện Năm Gia đình, chúng ta đã nói đến một số biểu tượng với ý nghĩa đặc biệt của chúng. Chúng ta đã nói đến 5 gia đình Phật được biểu tượng hoá như kim cương, vương miện, linh chuông v.v...Trong lễ điểm đạo, những vật này có nhiệm vụ như những biểu tượng đặc biệt, làm phương tiện cho người học trò có thể được giới thiệu vào cõi linh và rồi tự nhận diện ra mình trong cõi linh đó, nhận ra kinh nghiệm thuần nhất của một hình thức hiện hữu đã giác ngộ. Trong lể điểm đạo, người học trò được cho một hạt kim cương và linh chuông đễ cầm lấy, một vương miện để đội, v.v...Các hành động tượng trưng này có tác dụng đem lại kết quả: 1. giới thiệu người học trò này vào cõi linh, và 2. một dạng tánh cá biệt riêng của người trò với cõi linh đó.
Trang 259. Ngoài những vật tượng trưng đặc biệt này cũng có những biểu tượng năng động và tổng quát hơn. Thí dụ biểu tượng ánh sáng và nước mà chúng ta cũng đã nói trong chương 25 về Biểu tượng luận Kim cương thừa. Trong lễ điểm đạo, ánh sáng và nước được dùng để nhận diện người học trò với vị thánh giám hộ và với cõi linh. Ánh sáng được dùng như là một phương tiện cho sự nhận diện người học trò với người thầy, người mà trong bối cảnh của lễ điểm đạo, giống như vị thánh giám hộ. Giống như vậy, nước được dùng làm biểu tượng cho việc nhận diện người học trò với các trình độ hiểu biết khác nhau của cõi linh. Trong lễ điểm đạo, ánh sáng và nước lập thành một cây cầu nối liền người trò với người thầy dưới hình thức cõi linh và kinh nghiệm của người trò với kinh nghiệm của cõi linh--được biến hoá sao cho thành một. Người trò được yêu cầu tham dự tiến trình này bằng cách hình dung ánh sáng và nước như là phương tiện cho sự hòa nhập với cõi giới đã được thanh lọc và được vẽ ra trong lễ điểm đạo Kim cương thừa.
Lễ điểm đạo là chiếc xe chuyển hoá hay nói một cách khác là sự tái sanh hay tái sản xuất. Trong lễ điểm đạo, người trò được cho một tên mới, giống như khi ta trở thành Phật tử trong lễ qui y hay lễ thụ chức vậy. Sự đặt tên mới tượng trưng cho sự tái sinh của người học trò với đức hạnh và nhân tánh trong hai hình thức của vị thánh giám hộ và cõi linh.
Lễ điểm đạo không chỉ quan trọng vì sự gia nhập vào cõi linh, mà nó còn cung cấp cho người học trò phương pháp hay chìa khóa, nhờ đó người này có thể sau đó tái hợp nhất chính mình với cõi giới linh thiêng. Những phương pháp hay chìa khóa này là 1. hướng nhìn của người trò, trong đó với bối cảnh của lễ điểm đạo, người trò được thấy lần đầu tiên hình thức biểu tượng của cõi giới linh thiêng, 2. bài thần chú liên hệ với vị thánh giám hộ trong lễ điểm đạo.
Trang 260. Nhờ hướng nhìn và bài chú này, người học trò có thể tái tạo cái nhìn linh thiêng và tự tái giới thiệu mình vào cõi giới kinh nghiệm linh thiêng cũng như tự tái nhận dạng mình với cõi linh đó. Việc này sẽ xãy ra sau lễ điểm đạo, với sự hành trì thiền định liên hệ với vị thánh giám hộ đặc biệt đó. Trong bối cảnh thiền định, hành giả sẽ dùng chìa khóa trong lễ điểm đạo--tức hướng đi và bài chú--để tái tạo và tái nhận dạng mình với kinh nghiệm trong cõi linh đó. Kế đến, vị này không còn cần sự hỗ trợ và môi trường bên ngoài của lễ điểm đạo. Trái lại, người này có khả năng tái tạo và tái nhận dạng mình với kinh nghiệm thuần chất được trình bày trong lễ điểm đạo trước đây cho mình. Ðây là vai trò và nhiệm vụ căn bản của lễ điểm đạo Kim cương thừa.
Giống như các buổi lễ khác, lễ điểm đạo Kim cương thừa có một vài ràng buộc phải được tôn trọng và hành trì. Giống như những trường hợp thế gian như việc được cấp bằng lái xe hay xem mạch cho thuốc cũng phải có một số ràng buộc kèm theo. Trong tín ngưỡng Phật giáo nói chung, các nghi thức như qui y và truyền thụ vào hội tăng già, tu sĩ cũng có một vài ràng buộc mà họ phải hoàn thành.
Nói chung, có 3 lối nguyện: lối nguyện dành cho sự giải thoát cá nhân (tức Tỳ kheo giới); lối nguyện dành cho sự quyết tâm giải thoát tất cả giống hữu tình (Bồ tát giới); và lối nguyện dành cho sự hành trì Kim cương thừa (Mật giáo giới). Ðức hạnh cần thiết của các lời nguyện dành cho sự giải thoát cá nhân là tránh làm thương tổn kẻ khác; đức hạnh cần thiết của các lời nguyện dành cho chư Bồ tát là làm lợi cho kẻ khác; và đức hạnh cần thiết của các lời nguyện dành cho hành giả Kim cương thừa là xem tất cả chúng sinh là một phần của thế giới thuần chất, thí dụ như các vị thánh trong cõi linh mà người trò đã đặc biệt được điểm đạo qua lễ Kim cương thừa.
--o0o--