|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Cây Giác-Ngộ
The Tree of
Enlightenment.
-
Chương 29
- (Trang
262 - 268.)
-
Hành trì Phật giáo Kim cương thừa (Mật giáo)
-
Vajrayana Buddhism in Practice.
-
~~~~~~~
-
Trong chương cuối của 8 chương nói về Kim cương thừa này (xin
xem lại từ chương 22 đến 28), tôi xin xét đến sự hành trì thiền
định đặc biệt theo lối Kim cương thừa có tên là Sadhana (một lối
hành trì của Mật tông bao gồm các nghi thức như hình dung, khẩn
cầu và đọc tụng thần chú). Từ ngữ Sadhana nghĩa là ‘hoàn thành,
đạt được, thiết lập’. Sadhana là phương tiện nhờ đó người ta có
thể hoàn thành, đắc quả hay thiết lập cái kinh nghiệm của cõi
giới linh thiêng hay kinh nghiệm giác ngộ. Người tham gia vào
việc hành trì theo lối sadhana được gọi là Sadhaka. Việc đạt
được kết quả cho việc hành trì này là Siddhi (tất đàn) và người
đạt được nó là Siddha. Tôi đề cập đến nó là vì trong Chương 22,
chúng ta đã biết qua về những bậc Ðại Giác (Mahasiddhas) đã
chứng đắc kinh nghiệm giác ngộ qua sự hành trì thiền định Mật
giáo.
-
Trong Chương 28 chúng ta đã nói rằng, trong lễ điểm đạo Kim
cương thừa, hành giả dùng phương pháp hay chìa khóa để nhập vào
và kinh nghiệm với cõi linh. Nói chung, chìa khóa được cho là
cái hướng nhìn về vị thánh giám hộ và công thức truyền khẩu đặc
biệt, hay bài thần chú liên hệ với vị thánh giám hộ. Những việc
này tạo thành những thành phần quan trọng trong thiền định Mật
giáo, mục đích của nó là việc tái tạo và thiết lập cõi giới linh
thiêng. Nếu muốn hiểu cách hành trì thiền định Mật giáo giúp cho
hành giả đạt được kinh nghiệm giác ngộ ra sao, ta cần xét đến
hình thức và nội dung tổng quát của thiền định Mật giáo.
-
Ðể
cắt nghĩa việc hành trì thiền định Mật giáo, tôi sẽ dùng một cấu
trúc không phổ biến lắm. Bạn sẽ đối đầu với một số hành trì
không giống với mẫu đặc biệt mà tôi dùng ở đây: các thành phần
không theo thứ tự, đôi khi lại được trình bày có hơi khác nữa.
Tuy vậy nói chung, các thành phần cấu trúc này hiện diện trong
hầu hết tất cả các hình thức thiền định Mật giáo. Và sự giải
thích cặn kẽ mà tôi nói ở đây được căn cứ vào những điều chính
thức có trong Tạng luận của phái Mật tông.
-
Trang 263. Một điểm khác nữa tôi muốn xin nhấn mạnh là thiền
định Kim cương thừa có ý nghĩa cả 2 mặt, đó là phương pháp (con
đường) và mục tiêu (kết quả). Tôi nói phương pháp là, nhờ vào sự
thực hành thiền định Kim cương thừa, người ta có thể đạt được
kinh nghiệm giác ngộ. Tinh tấn trong việc thực hành thiền định
là ta đã hoàn thiện phương pháp đó, tức là nhờ phương pháp đó mà
ta đạt được mục tiêu. Vì thế một mặt thì thiền định Kim cương
thừa là phương pháp, nhưng khi hành giả thành thạo rồi, thiền
định trở nên mục tiêu. Nó chỉ là phương pháp chứ chưa thành mục
tiêu đối với những người chưa thấy tiến bộ.
-
Tôi xin cắt nghĩa việc này bằng cách đưa ra lời giải thích tổng
quát về thiền định Kim cương thừa: thiền định Kim cương thừa là
sự bắt chước, là một bản sao của các chư Bồ tát và chư Phật.
Hạnh nghiệp của chư Phật và chư Bồ tát gồm phương pháp và mục
tiêu. Trong khi Bồ tát hành hạnh Bồ tát thì con đường đang đi là
phương pháp. Một khi hoàn thành Phật quả thì con đường Bồ tát và
hạnh nghiệp của một vị Phật trở thành mục tiêu cho người, dù
rằng, đối với các sinh vật khác, chúng vẫn là phương pháp. Chẳng
hạn như chúng ta thấy trong Chương 15, trong bối cảnh của Bắc
truyền (Ðại thừa), hạnh nghiệp của đức Phật như: ngày sanh, ngày
từ bỏ cuộc sống gia đình, thời gian tu khổ hạnh, thời kỳ giáo
hóa chúng sinh và cuối cùng đắc quả...chỉ là một vở kịch đuợc
diễn ra cho sự giác ngộ của một trong các giống hữu tình.
-
Trong tiến trình đạt được tiến bộ trên con đường đạo, phương
pháp và mục tiêu trở nên khó phân biệt được. Sự tu tập để đạt
được mục tiêu cho một hành giả vẫn có khi chỉ là phương pháp cho
các người khác, những người vẫn cần phải được hướng dẫn tới Phật
quả. Vì thế, xem thiền định Kim cương thừa là phương pháp hay
mục tiêu là tùy theo chỗ đứng, trình độ hiểu biết và mức độ tinh
tấn của người đó trên con đường đạo.
-
Trang 264. Chúng ta hãy chia thiền định Kim cương thừa thành hai
phần, mỗi phần lại được chia thành 2 phần phụ nữa. Ðể đắc quả
Phật, ta phải hoàn thành công đức (phước) và tri kiến (huệ), đó
là 2 điều kiện tiên quyết không có gì thay thế được. Hoàn thành
Bát nhã Ba la mật về bố thí, trì giới, nhẫn nhục cho ta công
đức, chu tất Bát nhã Ba la mật về thiền định và trí huệ cho ta
tri kiến. Còn tinh tấn thì đều cần cho phần công đức và phần tri
kiến.
-
Phân nửa đầu của việc tu theo Kim cương thừa là sự mô phỏng, bắt
chước có tính cách tiếp thu cho khả năng vô thức và tư duy của
con người đi vào con đường Bồ tát, nhờ đó công đức và tri kiến
Phật được hoàn thành. Thiền định Kim cương thừa bắt đầu bằng
việc qui y. Nó tiếp tục đánh thức tư tưởng giác ngộ và phản ảnh
các sự hành trì của Lục độ và Tứ Vô lượng tâm Từ Bi Hỉ Xả. Tất
cả các sự hành trì này biểu hiện sự tiếp thu, thiền định cho
phần tích lũy công đức của Bồ tát.
-
Ðể
xét thêm nội dung ‘Thiền Kim cương thừa’ (Sadhana), chúng ta nói
tiếp về thiền định của tánh không. Nó chẳng có gì khác hơn là sự
biểu hiện cho việc được tiếp thu và hoàn thành tri kiến của Bồ
tát. Bồ tát hoàn thành tri kiến qua định và huệ. Ở đây, ta có
thiền định về tánh không, nó là sự hợp nhất của (thiền) định và
(trí) huệ.
-
Ta
đã xét cái phân nửa đầu của thiền định Kim cương thừa, tương ứng
với hạnh nghiệp của Bồ tát cho đến khi đạt được Phật quả, với 2
loại hoàn thành công đức và tri kiến. Ðiều này được biểu hiện
bằng cách trở về với việc: đánh thức tư tưởng giác ngộ, thực
hành Tứ Vô lượng tâm và thiền quán về tánh không.
-
Trang 265. Sau khi giác ngộ và đắc quả Phật, các sự hoàn thành
về công đức và tri kiến cho ta 2 thứ bậc. Hai thứ bậc này là 2
tầm vóc của Phật quả: tầm vóc hình sắc và tầm vóc siêu việt.
Trong cái nửa thứ hai của Thiền Kim cương thừa (Sadhana), ta có
toàn bộ các biểu hiện có tính cách mô phỏng, tư duy về cái thực
tướng Phật quả của 2 tầm vóc này. Việc này được biểu hiện trong
Thiền Kim cương thừa (Sadhana) qua 2 tiến trình: 1. tiến trình
tạo duyên, và 2. tiến trình hoàn tất. Hai tiến trình này tương
đương với 2 tầm vóc hình sắc và siêu việt như đã nói trên.
-
Bằng cách nào mà 2 tiến trình tạo duyên và hoàn tất lại được
phản ảnh dưới hình thức kinh nghiệm tư duy trong bối cảnh Thiền
Kim cương thừa? Khi đạt được biểu tượng Phật quả, ta hình dung
đến sắc tướng vị thần giám hộ, tức là tạo duyên cho cái biểu
tượng của Phật quả dưới hình thức vị thần giám hộ đặc biệt đó.
Hành giả tạo ra sự mô phỏng tâm thức thuộc tầm vóc hiện tượng
của Phật quả dưới hình thức vị thần giám hộ liên hệ. Ngoài ra,
còn có việc đọc tụng thần chú về vị thần ấy. Việc đọc tụng này
là sự mô phỏng biểu tượng, tiếp thu, tư duy của Pháp Phật. Hai
yếu tố sáng tạo sắc tướng của vị thần giám hộ và đọc tụng thần
chú, tạo ra tiến trình sáng tạo. Chúng tương tự với tầm vóc sắc
tướng của Phật quả và cũng là sự bắt chước các hoạt động có tính
cách hiện tượng của đức Phật.
-
Sau phần hành trì sáng tạo về sắc tướng của vị thần và việc đọc
tụng thần chú là đến phần ‘hoà tan’ sắc tướng của vị thần trở
thành tánh không và không còn đọc tụng thần chú nữa. Việc hoà
tan và không đọc tụng nữa là mô hình thu nhỏ của tầm vóc tư duy
siêu việt của Phật quả.
-
Trang 266. Trong phần phân nửa thứ hai của Thiền Kim cương thừa,
ta có sự bắt chước các hạnh nghiệp của đức Phật, với tầm vóc
hiện tượng và siêu việt của Phật quả. Sự mô phỏng này được hoàn
thành qua việc dùng 2 ý niệm ‘tạo duyên và hoàn tất’. Tiến trình
tạo duyên cho ta hình dung được vị thần và đọc tụng thần chú, đó
là mô hình về tầm vóc hiện tượng của đức Phật: các hoạt động
hoằng pháp và giáo pháp của ông. Tiến trình hoàn tất tạo ra sự
‘‘hoà tan’’ vị thần (thành tánh không) và sau đó không đọc tụng
thần chú nữa. Ðó là mô hình của tầm vóc siêu việt của đức Phật.
-
Nói tóm lại, trong Thiền Kim cương thừa (sadhana), ta có một mô
hình toàn bộ hạnh nghiệp của chư Phật và chư Bồ tát. Phần thứ
nhất là mô hình thu nhỏ các sự hoàn thành công đức và tri kiến
của Bồ tát. Phần thứ hai là mô hình thu nhỏ các tầm vóc hiện
tượng và siêu việt của Phật.
-
Tôi xin trở lại thiền định và trí huệ. Ðiểm này nhấn mạnh đến sự
hợp nhất hoàn toàn của Phật giáo. Ðây là đặc tính tuyệt đối của
tất cả các tông phái Phật giáo khi đòi hỏi sự hoà nhập giữa định
(chú tâm) và huệ (hiểu biết), một sự hợp nhất của sự yên bình và
sự hiểu biết sâu xa (trí huệ). Trong bối cảnh Thiền Kim cương
thừa, sự hợp nhất này là điều cần thiết. Trong khi hành giả
thiền quán về tánh không bằng cách hoàn thành tri kiến của Bồ
tát, vị này phải hợp nhất ‘định’ với ‘huệ’. Trong trường hợp
này, khả năng chú tâm vào đối tượng được áp dụng cho sự hiểu
biết về tánh không. Trong khi trước đây, vị này gieo trồng khả
năng chú tâm với sự giúp đỡ bên ngoài, thí dụ như một cái đĩa
màu xanh, thì bây giờ trong bối cảnh Thiền Kim cương thừa, vị
này chú tâm vào sự hiểu biết tánh không. Nhờ thiền quán vào tánh
không, vị này bắt chước để hoàn thành tri kiến Bồ tát qua sự
gieo trồng thiền định và trí huệ ba la mật.
-
Trang 267. Cũng có sự hợp nhất ‘định’ và ‘huệ’ trong bối cảnh
hình dung vị thần giám hộ và đọc tụng thần chú. Ở đây các đối
tượng để chú tâm là hình tướng của vị thần giám hộ và âm thanh
của thần chú, nhưng hành giả phải hợp nhất cái hiểu biết tánh
không của mình với sự chú tâm về hình tướng của vị thần giám hộ
và âm thanh của thần chú để cho, trong khi hình dung và đọc
tụng, vị này xem sự hình dung và âm thanh của thần chú là mẫu
của hiện tượng tánh không, là sự phản hồi, là một ảo tưởng huyền
bí, là một tiếng dội. Ðiều này quả đúng như vậy, vì sự phản hồi
hay tiếng dội liên hệ tương đối với nhân và duyên như thế nào,
thì sự hình dung vị thần giám hộ và âm thanh của thần chú sanh
khởi và tồn tại cũng liên hệ tương đối với nhân và duyên như thế
ấy.
-
Trong bối cảnh Thiền Kim cương thừa, sự hình dung và đọc tụng
cũng giống như các hiện tượng khởi sinh độc lập và tánh không.
Trong Thiền Kim cương thừa cũng như trong các tông phái Phật
giáo phát triển tâm linh khác, sự hợp nhất thiền định và trí huệ
là tuyệt đối cần thiết. Ðây là lý do tại sao Bồ tát Long thọ nói
trong Bức Thư Gửi Bạn (Sukrillekkha) rằng nếu không có định thì
không có huệ, và không có huệ sẽ không có định. Ðối với hành giả
đặt thiền định và trí huệ chung với nhau, bể luân hồi có thể bị
cạn khô, giống như nước đọng trong dấu in của móng guốc bò trong
bùn bị cạn khô vì cái nắng mặt trời ở giữa trưa vậy.
-
Bằng cách đặt thiền định và trí huệ trong bối cảnh Thiền Kim
cương thừa, người ta có thể hoàn thành cái kinh nghiệm của cõi
giới linh thiêng, cái kinh nghiệm của Phật quả. Ðiều này được
hoàn thành dần dần qua việc làm quen và để riêng của cõi giới
linh thiêng được vẽ ra trong Thiền Kim cương thừa. Ðây là một
thế giới thiền định thu nhỏ đã được tiếp thụ qua hạnh nghiệp của
chư Bồ tát và chư Phật. Bằng cách này, người ta có thể hoàn
thành mục tiêu Phật quả. Và cũng nhờ thế, kinh nghiệm giác ngộ
của một người sẽ trở thành phương tiện dẫn dắt các giống hữu
tình khác đến cùng một cõi giới linh thiêng, cùng một mục tiêu.
--o0o--
|
|