PHẬT HỌC CƠ BẢN

Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002

---o0o---
Chương 32
(Trang 276 - 283.)
Phương pháp luận
Methodology.
~~~~~~~
Trong chương này tôi sẽ thảo luận các phương pháp qua đó Vi diệu pháp tìm ra sự thật các cá tánh của chúng ta và sự liên hệ con người với thế giới chung quanh mình.
Có hai cách mô tả con người và sự liên hệ của con người với thế giới chung quanh, đó là diễn dịch (từ chung sang riêng) và qui nạp (từ riêng sang chung). Phương pháp suy diễn (hay lý trí) bắt đầu với ý tưởng trừu tượng và áp dụng ý tưởng đó vào kinh nghiệm riêng cho mình. Phương pháp qui nạp (hay thực nghiệm) bắt đầu với các kinh nghiệm. Bằng cách quan sát, phân tích, giải thích và hiểu biết các sự kiện này, chúng ta dựng lên một hình ảnh về chúng ta và thế giới chung quanh mình. Nói ngắn gọn, phương pháp lý trí bắt đầu với cái trừu tượng và cố gắng đưa vào cụ thể; trong khi phương pháp thực nghiệm bắt đầu với cái cụ thể và dựng lên dần dần một hình ảnh thực tế.
Hệ thống Vi diệu pháp (Abhidharma) dùng phương pháp qui nạp, khá gần với phương pháp của khoa học, chỉ khác là khoa học hướng ra phía ngoài và Vi diệu pháp nhắm vào bên trong và vào cái tâm. Ðây là lý do tại sao phương pháp mà Vi diệu pháp dùng, đôi khi được gọi là ‘hồi tưởng’, ‘phản bổn’ hay ‘quán chiếu’ (introspection). Nếu muốn dùng thuật ngữ thì ta gọi là ‘thiền định’.
Nói rằng phương pháp của Vi diệu pháp (Abhidharma) là thực nghiệm, thực tế, là ý muốn nói về kinh nghiệm tâm linh. Ðôi khi chúng ta nói rằng thiền định giống như kính hiển vi dùng để nhìn cái tinh thần ở bên trong. Nó điều tra kỹ lưỡng các sự kiện về kinh nghiệm. Phương pháp ‘hồi tưởng’ của Vi diệu pháp có được các kết quả vì nhờ thiền quán, nó giúp các tiến trình tâm linh hội tụ lại một điểm, từ đó chúng ta có thể thấy và hiểu đúng các kết quả đó. Về mặt này, có sự song hành đáng chú ý giữa Vi diệu pháp (Abhidharma) và khoa học. Trong khoa học, khi muốn tìm hiểu một sự thay đổi đã xãy ra như thế nào thì chúng ta giảm hoặc tăng tốc độ nó lên. Trong thiền định Vi diệu pháp, chúng ta cũng giảm hoặc tăng tốc độ các tiến trình tâm linh hầu giúp ta có thể thấy những gì thực sự đang xãy ra. Nếu chúng ta có khả năng thấy được một đời người chỉ trong thời gian năm phút, nó sẽ cho chúng ta một sự hiểu biết to lớn vào sự sống của vũ trụ. Tuy nhiên, vì việc này thường khó có thể có được, nên chúng ta phải làm cho chậm lại. Ðây là căn bản của thiền định Vi diệu pháp.
Trang 285. Ðọc trong các kinh sách của Vi diệu pháp (Abhidharma) nói về các yếu tố tinh thần và những điều tương tự có thể là nhạt nhẽo vì chỉ tuyền lý luận, nhưng thực sự chúng là những dữ kiện được nghiên cứu từ kinh nghiệm được viết ra một cách rất cẩn thận. Hoàn toàn không dựa vào thuần lý luận, kinh Vi diệu pháp là kết quả của sự phân tích kinh nghiệm cẩn thận và hồi tưởng chặt chẻ. Các kinh sách đó đã nói rằng, nếu bạn có nghi ngờ chút nào về cách nghiên cứu của Vi diệu pháp thì tốt hơn hết là bạn nên ngồi thiền để đạt được kinh nghiệm thực tế cho chính bạn. Ðây là một sự thực, vì trong các lời dạy của Phật giáo, việc hiểu biết trực tiếp hay gián tiếp là điều cần thiết.
Với cái nhìn Vi diệu pháp, chắc chắn hiệu quả sẽ nhiều hơn nếu hình ảnh ta đạt được là cái hình ảnh trực tiếp do chính chúng ta hoàn thành qua thiền quán. Nhưng dù cho đó là hình ảnh gián tiếp qua việc nghiên cứu, nó vẫn có ích cho chúng ta, bởi vì khi chúng ta tọa thiền hẵn chúng ta đã hiểu biết chút ít về tâm linh với hình ảnh tổng quát mà ta cố gắng chú tâm vào. Trong ý nghĩa này việc nghiên cứu Vi diệu pháp vẫn hữu ích trong việc đem lại kết quả hiểu biết gián tiếp về chính chúng ta và thế giới chung quanh theo cái nhìn Vi diệu pháp.
Trang 286. Có hai cách nghiên cứu Vi diệu pháp: 1. phân tích và 2. tổng hợp (hay liên kết). Căn bản cho 2 phương pháp này nằm trong các kinh sách đầu và cuối của Luận Tạng (Abhidharma Pitaka), quyển Phân Loại Pháp (Dhammasangani, Classification of Factors) và quyển Luận Nhân Quả (Patthana, Book of Causal Relations). Ðây là 2 quyển quan trọng nhất của Vi diệu pháp. Chính qua phương pháp phân tích và tổng hợp mà Vi diệu pháp đã cho ta một sự hiểu biết căn bản về vô ngã và tánh không.
Trước hết ta hãy xét phương pháp phân tích, rồi đến phương pháp tổng hợp và sau cùng kết hợp cả hai mới hiểu hết sự lợi ích toàn bộ phương pháp điều tra của Vi diệu pháp. Trong Kinh ‘Các Câu hỏi của vua Mi lan đà’ (Milinda Panha), người ta nói rằng Phật đã hoàn thành một công việc rất khó khăn: Ðức Na Tiên (Nagasena) trả lời với vua Mi lan đà rằng: ‘‘Nếu một người đi tàu ra biển, lấy một nhúm nước biển và phải nói với bạn nước nào là nước sông Hằng, nước nào là nước sông Yamuna, nước nào là nước ở các sông khác, điều này chắc chắn sẽ rất khó làm. Cũng như vậy, Phật đã lấy một kinh nghiệm sắc tướng, phân tích kinh nghiệm tâm thức đơn lẻ ấy thành từng phần khác nhau: sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Phân tích là sự mổ xẻ tỉ mỉ một toàn thể, tưởng như có vẻ đồng nhất, thành từng phần cấu tạo nó. Sự phân tích này không chỉ áp dụng cho cái ngã, như chúng ta thấy trong khi phân tích kinh nghiệm riêng tư, mà còn cho các ngoại vật: giống như ta đập vỡ ra các hiện tượng phía ngoài thành các bộ phận cấu tạo ra chúng. Chẳng hạn, chúng ta phá cái bàn ra thành chân bàn, mặt bàn, v.v...và đi xa hơn nữa, thành những phân tử và nguyên tử của các thành tố khác nhau để hợp lại thành cái bàn.
Mục đích của sự phân tích tỉ mỉ một toàn thể là để xới lên sự dính mắc vào các hiện tượng nội vi và ngoại lai. Một khi chúng ta nhận ra được rằng cái ngã trông có vẻ nhất thể, thực sự chỉ là một tập hợp của các thành phần, sự dính mắc của chúng ta vào ý niệm cái ngã đó sẽ trở nên yếu đi; tương tự như vậy, một khi chúng ta nhận ra rằng các hiện tượng bên ngoài chỉ là những tập hợp của từng thành phần riêng rẻ nhỏ hơn, thế là sự dính dáng với chúng sẽ yếu dần. Ta được cái gì từ tiến trình phân tích trên? Về phương diện nội tại, đây là những dịp cho tâm thức ta làm việc; về phương diện ngoại lai, chúng ta chỉ còn với các nguyên tử. Nếu kết hợp được 2 cách này với nhau, chúng ta còn lại các pháp của kinh nghiệm.
Trang 287. Các pháp của kinh nghiệm dù thuộc về vật chất hay tinh thần tự chúng không đem lại cho chúng ta sự hiểu biết sau cùng của thực tướng, bởi vì chúng ta chỉ còn lại những ‘khoảnh’ tâm thức và các nguyên tử vật chất--tức các pháp của kinh nghiệm. Những pháp này không còn có thể giảm bớt được nữa cho dù chúng ta còn ở trong tiến trình mổ xẻ tỉ mỉ lâu mau hay nhiều ít. Mặc dầu chúng ta đạt được những phần nhỏ hơn và nhỏ hơn nữa, chúng ta chỉ còn lại với một hình ảnh thực tướng được làm vở ra thành những mảnh vụn nhỏ do kết quả của việc phân tích tỉ mỉ. Ðiều này tự nó không phải là một hình ảnh thực tướng hoàn toàn và chính xác.
Ðể đạt được hình ảnh thực tướng sau cùng, chúng ta cần cặp đôi phương pháp phân tích với phương pháp tổng hợp hay liên hệ. Ðó là lý do tại sao một đại học giả Phật tử mà cũng là một vị thánh, tức Bồ tát Long Thọ, có lần đã bày tỏ sự tôn kính đức Phật như là ‘vị thầy của lý đuyên khởi’. Mục đích của lý duyên khởi là thanh tịnh hóa sự vọng động của tư tưởng. Ðây là chỉ dấu cho sự quan trọng của phương pháp tổng hợp, tương tác nhau trong việc muốn hiểu tính chất thực sự của các sự vật. Ðấy cũng là lý do tại sao các học giả đã chú tâm vào quyển ‘Liên hệ Nhân Quả’. Nó cung cấp cái phân nửa còn lại của phương pháp điều tra Vi diệu pháp.
Qua phân tích, chúng ta biết được ‘tính không cơ sở’ (hay không thật) của cá tính và hiện tượng (bởi vì chúng ta hiểu được rằng chúng là do các thành phần hợp lại với nhau). Vì thế, qua tiến trình điều tra liên hệ tổng hợp, chúng ta đạt được cái không của cá tính và cái không của hiện tượng (bởi vì chúng ta thấy rằng các thành phần cấu tạo đều phải ăn chịu và tương duyên với nhau). Chúng ta hiểu được ‘tính không cơ sở’ và tánh không bằng cách nhắm vào việc dạy và học lý duyên khởi.
Trang 288. Nếu xét một sự vật, chúng ta có thể thấy là một cá tính hay một ngoại vật là do các thành phần cấu tạo chúng tùy thuộc vào nhau cho sự hiện hữu của chúng. Chẳng hạn, một hiện tượng đơn độc, như cái bàn, trông có vẻ là một nhưng thật ra gồm nhiều thành phần cấu tạo (chân bàn, mặt bàn, v.v...) chung hợp với nhau cho sự hiện hữu của ‘cái bàn’. Giống như vậy, cái bàn tùy thuộc vào các ‘nhân’ có trước (cây, sắt, người thợ làm cái bàn...) và các ‘duyên’ theo sau (như cái sàn mà cái bàn nằm ở đó).
Chúng ta cũng có thể khảo sát tỉ mỉ cái ý tưởng tương hợp trong ba yếu tố: thời gian, không gian và nghiệp. Chẳng hạn, cái bàn tùy thuộc vào thời gian ở chỗ trước khi có cái bàn, một số các diễn biến đã xãy ra--việc cắt gỗ, hành động ráp cái bàn, v.v...Chuỗi diễn biến này dẫn đến việc xuất hiện cái bàn. Cũng giống như vậy, cái bàn có ý nghĩa về phương diện không gian ở chỗ là nó nằm ở trên sàn, v.v...Cái yếu tố thứ ba của tính tương duyên nằm ra ngoài thời gian và không gian. Nó được giải thích bằng nghiệp. Nghiệp có kết quả dựa vào thời gian và không gian, tuy thế nó không hiện thẳng vào thời gian và không gian. Qua nghiệp, một hành động được làm ở một thời điểm trong thời gian và không gian có thể có kết quả của nó ở đây và bây giờ. Sự ăn chịu với nhau vì thế không chỉ thuộc về thời gian và không gian mà nó còn có một ý nghĩa nghiệp quả nữa.
Chúng ta hãy lấy hai thí dụ để thiết lập một cách chắc chắn hơn những gì chúng ta muốn nói bằng phương pháp phân tích và tổng hợp. Hãy lấy chiếc xe ngựa chiến đấu thời cổ, đó là một hiện tượng, một thực thể có thể nhận ra được. Chúng ta áp dụng phương pháp phân tích vào chiếc xe bằng cách vỡ toan ra thành các thành phần cấu tạo nhỏ: bánh xe, trục, thân, càng, v.v...Sự áp dụng phương pháp tổng hợp nhìn vào cùng một chiếc xe về phương diện các món đồ thừa vụn vặt, hành động của những người làm xe xây dựng nó v.v.. Một cách khác, chúng ta có thể lấy những thí dụ cổ điển về ngọn lửa của một cây đèn, nó tùy thuộc vào dầu đốt và tiêm mồi. Còn về trường hợp một cái mầm thì tùy thuộc vào hạt giống, đất, ánh sáng,v.v...
Trang 289. Các phương pháp phân tích và tổng hợp cho ta một hình ảnh tuyệt đối về các sự vật đúng như thực tướng của chúng. Ðó là nhờ Vi diệu pháp phân tích và điều tra cẩn thận tỉ mỉ. Chúng ta dùng phương pháp phân tích để làm vỡ ra thành từng phần cấu tạo của một vật mà ta tưởng là đã hoàn chỉnh, không phân ra được. Chúng ta tiếp tục dùng phương pháp tổng hợp để chứng tỏ các thành phần cấu tạo không hiện hữu độc lập và tách rời nhau mà là tùy thuộc vào những yếu tố khác để hiện hữu.
Có nhiều chỗ trong giáo lý nhà Phật mà các phương pháp điều tra đã được dùng một cách đơn lẻ và kế đó tổng hợp lại. Chẳng hạn, chúng ta áp dụng chánh niệm đầu tiên đối với các hiện tượng nội tại, kế đến là các hiện tượng ngoại lai, và cuối cùng cả hai. Bằng cách phân tích và liên hệ với nhau, chúng ta khắc phục được nhiều vấn đề. Chúng ta không những khắc phục được cái ý tưởng về cái ngã, vật chất và cá tính mà chúng ta còn khắc phục được các vấn đề đó xãy ra, nếu chúng ta tin vào sự hiện hữu độc lập của các yếu tố tách rời và những ý tưởng như hiện hữu - phi hiện hữu, giống nhau - khác nhau.
Các phương pháp phân tích và tổng hợp thực sự phản ảnh trong quá trình biến đổi của bộ óc. Các nhà chuyên khoa về thần kinh học đã khám phá rằng bộ óc được chia ra thành 2 bán cầu, phân nửa vận hành theo lối phân tích và phân nửa kia là tổng hợp. Nếu hai nhiệm vụ này không hòa hợp, không cân bằng thì cá tính và các xáo trộn sẻ xãy ra. Người nào quá phân tích sẽ có khuynh hướng bỏ qua khía cạnh trực giác, năng động, dễ thay đổi của cuộc đời; còn người nào quá tổng hợp sẽ có khuynh hướng thiếu sự chính xác, rõ ràng và chú tâm. Vì thế ngay trong các cuộc sống riêng tư, chúng ta cần kết hợp 2 lối suy nghĩ phân tích và tổng hợp.
Các khía cạnh tâm lý và não bộ của hai phương pháp này cũng hiện diện trong việc phát triển triết học và khoa học Tây phương. Phương pháp phân tích trong triết học đã để lại cho ta các hệ thống thực tế, đa nguyên và cực nhỏ như triết lý của Bertrand Russell. Cũng như vậy, với phát triển mới nhất của khoa học, như thuyết lượng tử nói về thực tại, một quan điểm tổng hợp hơn đã chiếm phần ưu thế. Khi chúng ta xét đến lịch sử triết học và khoa học của Tây phương, chúng ta có thể thấy rằng một trong hai phương pháp điều nghiên này đã thắng thế hoặc lúc này hay lúc khác.
Có thể chúng ta đang đến một thời điểm có thể kết hợp cả hai phương pháp ngay trong khoa học và triết học Tây phương. Có thể chúng ta đã đạt được một quan điểm thực tại không quá khác với cái của Vi diệu pháp qua tiến trình quán tưởng nội tâm--một quan điểm thực tại có cả hai phần phân tích (ở chỗ là nó không chấp nhận cái toàn thể thuần nhất) và tổng hợp (ở chỗ là nó không chấp nhận ý tưởng tách rời của các phân tử nhỏ). Chúng ta sẽ có một quan điểm thực tại uyển chuyển và ‘để ngỏ’, trong đó các kinh nghiệm đau khổ có thể chuyển biến năng động thành kinh nghiệm không còn đau khổ nữa.
--o0o--