|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Cây Giác-Ngộ
The Tree of
Enlightenment.
-
Chương 34
- (Trang
298 - 305)
-
Sắc giới và Vô sắc giới
-
The form and formless spheres.
-
~~~~~~~
-
Trong chương 33, tôi đã đưa ra một số phương thức để phân loại
đề tài là một đề tài khó hiểu, đặc biệt cho những người mới học
nghiên cứu Vi diệu pháp. Vì thế tôi muốn bổ túc 2 điểm nữa trước
khi tiến hành cuộc thảo luận.
-
Ðầu tiên, để đạt được sự hiểu biết, người ta cần: 1. tầm (tìm,
nghiên cứu), 2. sát (xét, nghĩ) và 3. (thiền) định. Chỉ ‘tầm’
(tức nghe và đọc) thì không đủ để phân loại các thức: ta cần
‘sát’ một cách chính xác cách thức chúng vận hành, xét nghĩ ý
nghĩa của chúng là gì. Theo kinh nghiệm cá nhân tôi, các kế
hoạch phân loại này không có ý nghĩa gì cả nếu ta không bỏ thì
giờ ra cho chúng chạy tới chạy lui trong đầu chúng ta. Sau cùng,
sau khi tìm và xét, ta mới có thể dùng chúng trong giai đoạn
thiền định của mình.
-
Thứ hai, muốn hiểu rõ hơn các lối phân loại này, ta phải xét đến
một khuôn mẫu cụ thể và gần gũi hơn. Giả dụ bạn muốn biết bao
nhiêu người xem truyền hình ban ngày ở Singapore. Bạn có thể
chia số dân thành dân đi làm và dân thất nghiệp; thêm nữa, bạn
có thể chia nhóm thất nghiệp thành nhóm nói tiếng Anh và nhóm
nói tiếng Hoa, vì thế bạn biết bao nhiêu người xem chương trình
tiếng Anh so sánh với tiếng Hoa. Rồi bạn có thể chia dân số
thành nam và nữ, hay thành nhóm đi học và không đi học, và nhóm
đi học thành những người học trường tiếng Anh và những người học
trường tiếng Hoa. Sau khi được một số dữ kiện, ta sẽ có nhiều
cách để phân loại chúng tùy thuộc vào những gì bạn muốn tìm ra.
-
Trang 299. Ðây cũng là cách mà Vi diệu pháp dùng để phân loại về
thức: với các loại thức được chia thành từng nhóm, ta sẽ phân
loại chúng nhiều cách khác nhau tùy theo những gì chúng ta muốn
tìm ra. Nếu chúng ta luôn nhớ 2 điều chung này: 1. tại sao và
bằng cách nào ta phân loại các thành phần của thức, 2. suy nghĩ
tới lui nhiều lần các lối phân loại đó, thế thì chắc chắn ta sẽ
hiểu biết chúng sâu sắc hơn.
-
Bây giờ ta sẽ xét đến các thức sắc giới (rapavachara) và thức vô
sắc giới (arupavachara, xem chương 33). Ở đây chúng ta chỉ xét
đến việc phân tích loại thức có được do thiền na, chú tâm, hay
định (tiếng Nam Phạn Pàli là jhàna, tiếng Bắc Phạn Sanscrit là
dhyàna). Trong quyển sách đầu tiên của Vi diệu pháp, Xá lợi Phật
(Sariputta) giữ một vai trò quan trọng trong việc phân tích các
thức đầu tiên của Vi diẹu pháp. Kinh Anupada đã nhận xét rằng,
sau khi hoàn thành các tình trạng khác nhau của thiền na
(dhyàna), Xá lợi Phất đã áp dụng một lối phân tích Vi diệu pháp
bằng cách liệt kê, phân loại và nhận diện các loại thức mà ông
đã kinh nghiệm qua.
-
Khá nhiều sự nhấn mạnh được phân tích ngay trong thời kỳ đầu
tiên của lịch sử Phật giáo, bởi vì kinh nghiệm của tình trạng
thiền na đặc biệt có thể được giải thích sai sự thật một cách dễ
dàng. Trong các tông phái ngoại đạo (ngoại đạo đây không có
nghĩa là tà đạo mà chỉ là các tông phái đạo giáo khác với Phật
giáo chính thống), các tình trạng ấy được liên tục giải thích
sai lầm là bằng chứng của một thực thể siêu việt, siêu nhiên hay
là của một linh hồn bất tử.
-
Bằng cách nói rõ rằng các tình trạng thiền na, giống như kinh
nghiệm nói chung, là vô thường, phù du và vô ngã, sự phân tích
tránh được 3 điều ô trược: 1. đam mê hay dính mắc đến những tình
trạng tâm thức siêu nhiên và lạ thường, đạt được qua thiền na;
2. những quan điểm không đúng, thí dụ như, giải thích sai lầm về
các tình trạng thiền na, xem chúng là bằng chứng của việc có một
thực thể siêu việt hay linh hồn vĩnh cửu; và 3. đánh lừa, do có
ý niệm cho rằng đã đắc được các tình trạng thiền na đặc biệt.
-
Trang 300. Sự tu tập thiền na (dhyàna) và đắc được các giai đoạn
định là một phần rất quan trọng trong việc hành trì Phật giáo
bởi vì nó là cái đích của sự phát triển tâm linh. Ðây là một
trong ba ngành học chánh là giới-định-huệ của Phật giáo Ðể hoàn
thành các giai đoạn định này, ta cần tạo căn bản giới hạnh và
bớt tham gia vào các hoạt động thế gian. Sau khi tạo được các
điều kiện tiên khởi này rồi, ta mới tiến tới việc trau dồi từng
giai đoạn định qua các phương pháp khác nhau.
-
Tóm lại, ta tiến hành bằng phương tiện của khoảng 40 đối tượng
thiền định truyền thống, bao gồm 10 trợ lực (kasina). Những đối
tượng này được liên hợp với khí chất, căn cơ của thiền giả. Nói
cách khác, những đối tượng thiền định đặc biệt được qui định cho
một số căn cơ. Nói chung, ta bắt đầu với một trợ lực bên ngoài,
dần dần trợ lực đó đươc nội tại hóa và trở thành ý niệm. Cuối
cùng trợ lực đó được xả bỏ đi và thiền giả đi vào trạng thái
thiền định đúng nghĩa.
-
Năm pháp định (jhananga) chủ chốt cho việc phát triển các trạng
thái thiền định đem kết quả cho thức sắc giới và vô sắc giới là:
1. tầm hay tìm (vitakka), 2. sát hay xét (vichara), 3. hỉ
(piti), 4. lạc (sukha), 5. tịnh (ekaggata) (Phụ chú: Xin so sánh
với 7 giai đoạn của sơ thiền là ‘tầm, sát, hỉ lạc, tịnh, định,
xả’ trong quyển ‘Chơn lý’ của Hệ phái Khất sĩ Minh Ðăng Quang
trang 72. Cũng xin so sánh với Thất giác chi trong Ba mươi bảy
phẩm trợ đạo là ‘niệm, trạch, tấn, hỉ, khinh, định, xả). Năm yếu
tố vitakka, vichara, piti, sukha và ekaggata này có trong hầu
hết các loại thức, bao gồm thức dục giới và thức của vài loại
thú thông minh.
-
Lấy thí dụ ‘tịnh’. Mỗi thức đều có mức độ ‘tịnh’ nào đó. Tâm
tịnh này giúp ta chú tâm vào đối tượng của kinh nghiệm thức của
mình. Nếu không thực sự tịnh tâm được, chúng ta không thể rút ra
một đối tượng rõ rệt nào của thức từ một số đối tượng để chọn.
Năm pháp định giữ vai trò đặc biệt trong việc phát triển các
thức thiền định ở chỗ là chúng nâng các thức dục giới lên sắc
giới và tăng cường độ lên vô sắc giới. Sự tăng cường độ này là
sự cải thiện và phát triển sức mạnh của các phần hành đặc biệt
của thức.
-
Trang 301. Sự tăng cường độ của 2 pháp định đầu tiên (tầm - sát)
dẫn đến sự phát triển trí tuệ và tăng sự sáng suốt lên. Giống
như vậy, sự tăng cường độ giai đoạn thứ năm dẫn đến sự phát
triển pháp định ‘tịnh’ (hoàn toàn tập trung). Sự tăng cường độ
tất cả 5 pháp định lần lượt dẫn đến quả đắc các quyền lực siêu
phàm.
-
Năm pháp định cũng giúp nâng cao tâm thức con người từ cõi dục
qua cõi sắc và sang cõi vô sắc bằng cách tháo gở 5 trở ngại trói
buộc (nivarana): ‘tầm’ chuyển biến sự lười biếng, lờ đờ; ‘sát’
biến đổi sự nghi hoặc; ‘hỉ’ cải biến sự không thân thiện; ‘lạc’
làm tiêu tan bồn chồn, lo lắng; và ‘tịnh’ điều chỉnh lòng ái
dục.
-
Chúng ta hãy xét kỹ 5 pháp định để thấy chúng chuyển biến như
thế nào về các thức tập trung. Ðầu tiên ta xét chi tiết về cái
nghĩa của nó. Trong bối cảnh của thiền quán, ‘vitakka’ nên được
đặt tên là ‘tầm’ hay ‘tìm’, vì nó có nghĩa là ‘đặt lên’.
‘Vitakka’ đặt cái tâm lên đối tượng thiền định; ‘vichara’ là
‘sát’ hay ‘xét’ hay duy trì cái tâm vào đối tượng ấy. Yếu tố
‘piti’ (hỉ) làm ta vui, hứng khởi theo đuổi hoạt động thiền quán
một cách cần mẫn.
-
Kế
đến ta thử đối chiếu ‘hỉ, piti’ với ‘lạc, sukha’ để hiểu thêm sự
liên hệ giữa chúng. Hỉ và lạc thuộc về hai hạng kinh nghiệm khác
nhau: hỉ thuộc về hành (sankhara) và lạc thuộc thọ (vedana). Một
mặt, ‘hỉ’ là sự tham dự tích cực và nhiệt tình; còn ‘lạc’ là một
cảm giác thoả mãn hay vui sướng. Xin đọc thêm dẫn dụ sau đây để
hiểu thêm sự liên hệ giữa 2 từ đó. Giả thử một người đang ở
trong sa mạc, được cho biết rằng có một hồ nước ngọt ở bìa làng
gần đó. Sau khi biết được, anh liền có một cảm giác hỉ (piti,
interest) và được thúc đẩy để khuyến khích đi tìm. Khi thực sự
tới được hồ nước và thỏa mãn cơn khát, anh có cái lạc (sukha,
bliss). Chính cái ‘hỉ, piti’ khuyến khích ta hướng về thức được
tập trung, trong khi ‘lạc, sukha’ là kinh nghiệm thực sự của
hạnh phúc tinh thần do kết quả từ thức tập trung.
-
Tịnh (hay Nhất điểm tụ, ekaggata) là sự tập hợp, không tản mạn
của tâm, tập trung cái tâm không dao động với đề tài thiền quán.
Nó giống như ngọn lửa của cây đèn không bị dao động trong một
căn phòng không có gió lùa.
-
Khi tất cả 5 pháp định có mặt, ta đắc được thức định đầu tiên
của sắc giới (sơ thiền). Khi các pháp định bị loại bỏ từng phần
một, chúng ta tiến đến bực thứ năm của sắc giới. Nói một cách
khác, khi ta loại được ‘tìm, vitakka’, ta có nhị thiền của sắc
giới; khi ‘xét, vichara’ được bỏ đi, ta có tam thiền của sắc
giới; khi ‘hỉ, piti’ được loại đi, ta có tứ thiền của sắc giới;
và khi ‘lạc, sukha’ biến đi, ta có ngũ thiền của sắc giới.
-
Có
năm loại thức chủ động gây nghiệp quả, tức là các loại thức
thiện. Ngoài ra, có 5 loại thức gây kết quả và 5 loại thức thực
dụng không gây kết quả. Năm cái đầu là hoạt động do nghiệp lực
hiện có trong đời này. Năm cái thứ hai là kết quả của 5 cái đầu:
đây là đầu mối của định thuộc cõi sắc gây kết quả tái sinh vào
cõi sắc. Năm cái thứ ba là 5 định thức thuộc sắc giới được thực
hành bởi những vị đã được giải thoát (A la hán), những người đã
phá vỡ được các sự ràng buộc của hành động và phản hành động; vì
thế các định thuộc sắc giới được xem như không gây quả khi phải
thực hành chúng. Nói tóm, có 15 loại định sắc giới: 5 thiện lành
- hành động; và vì hành động nên gây 5 quả; 5 không gây quả.
-
Trang 303. Khi đã đạt được định thứ năm của sắc giới mà ta vẫn
không thấy bằng lòng với sự hữu hạn của nó thì ta tiến lên thiền
định vô sắc giới, cũng bằng phương tiện của một đối vật thiền
định, thông thường đó là một trong mười trợ lực (kasina). Người
ta hoàn thành sự chuyển tiếp này bằng cách nới rộng trợ lực cho
đến khi nó bao trùm cái vô biên của không gian (vô biên xứ), kế
đến từ bỏ cái trợ lực đó và thiền quán về cái vô biên đó, nhờ
vậy hoàn thành định đầu tiên của các định thức của vô sắc giới.
-
Khi hoàn thành được rồi, ta tiến lên định thức thứ hai của vô
sắc giới, tức thức vô biên xứ. Nghĩa là thay vì chú tâm vào đối
tượng của định (tức không vô biên xứ), ta chú tâm vào chủ thể
(tức thức vô biên xứ).
-
Ðịnh thứ ba của vô sắc giới trụ vào sự không hiện hữu của thức
vô biên xứ trước đó. Nói một cách khác, cái định thứ ba của vô
sắc giới là không trụ vào đâu cả (tức vô sở hữu xứ).
-
Cuối cùng, cái định thứ tư của vô sắc giới là không trụ vào cỏi
tưởng cũng như cỏi không tưởng, một điều kiện mà thức này rất
tinh tế đến độ nó không thể được mô tả là hiện hữu hay không
hiện hữu.
-
Cũng như với các định trong sắc giới, ta có 3 bộ thức vô sắc
giới (nhưng với 4 thay vì 5 loại cho mỗi bộ). Bốn loại thức vô
sắc giới thuộc về loại thiện lành-hành động; bốn thuộc loại kết
quả-phản ứng, có nghĩa là tái sinh trong cỏi vô sắc; và 4 thuộc
loại bất động hay thực dụng, các định vô sắc giới được thực hành
bởi các vị A la hán. Tóm lại, có 12 loại thức vô sắc giới: 4
thiện lành-chủ động, 4 gây kết quả và 4 bất động.
-
Trang 304. Nếu xét đến tiến trình các định của vô sắc giới, ta
thấy một sự thống nhất dần dần và tinh vi của thức: cái định vô
biên xứ của đối tượng tức ‘không vô biên xứ định’, rồi đến cái
định vô biên xứ của chủ thể tức ‘thức vô biên xứ định’, theo sau
là cái định trong tánh không tức ‘vô sở hữu xứ định’, và cuối
cùng cái định không ở trong tưởng cũng không ở trong không tưởng
tức ‘phi tưởng phi phi tưởng xứ định’. Bạn hẳn nhớ rằng, khi ta
nói về thức và đối tượng trong cõi dục giới, tức loại kinh
nghiệm nhỏ nhất, thức và đối tượng của nó vỡ ra thành nhiều pháp
định. Trong khi tiến qua sắc giới và vô sắc giới, dần dần ta có
sự thống nhất về chủ thể và sự thống nhất về đối tượng, để khi
đạt đến cái định thứ tư vô sắc giới (tức phi tưởng phi phi tưởng
xứ định), ta đã đạt đến cực điểm của kinh nghiệm thế gian.
-
Ðiều đáng quan tâm là các định thuộc sắc giới và vô sắc giới đã
được biết đến bởi các nhà tu phái Du già trước thời đức Phật và
được thực hành bởi các hành giả thời đức Phật. Ta có lý do để
tin rằng 2 vị thầy mà Ðức Phật theo học trước khi giác ngộ là
những hành giả của các lối thiền định này. Các thức định vô sắc
giới là mức độ cao nhất của sự phát triển tâm linh mà con người
muốn đạt được trước thời đức Phật, vào đêm giác ngộ của ông,
chứng tỏ rằng định phải phối hợp với huệ để trở thành thực sự
siêu thế gian.
-
Ðây là lý do tại sao người ta nói rằng, dù ta hoàn thành mức
phát triển cao nhất trong thiền định và được tái sinh vào đỉnh
cao nhất của vô sắc giới, nhưng khi sức mạnh của thức thiền định
đó yếu đi (vì tính vô thường của nó), ta lại sẽ được tái sinh
xuống cõi thấp hơn. Vì lý do này, ta cần phải tiến lên nữa đến
mức độ phát triển tinh vi và cao cấp của thức thiền định. Cần
phải song hành các loại thiền định với trí huệ thì ta mới có thể
vượt lên trên các loại thức thế gian để đến với các loại thức
siêu thế gian (siêu thức).
--o0o--
|
|