PHẬT HỌC CƠ BẢN

Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002

---o0o---
Chương 36
(Trang 313 - 319)
Phân Tích các Tâm Hành
Analysis of Mental States.
~~~~~~~
Trong Vi diệu pháp, các tâm hành được định nghĩa là ‘các yếu tố đi với thức, sinh diệt cùng với thức, có cùng đối tượng và các căn bản như thức’. Ðiều này chứng tỏ sự liên hệ rất gần giữa thức (chitta) và tâm hành (chetasika). Một trong những so sánh để mô tả sự liên hệ của chúng là cái sườn nhà và các vật liệu cất nhà, hoặc bộ xương và bắp thịt của ta. Ở đây các loại thức là bộ xương, các tâm hành là bắp thịt, tạo ra toàn thể kinh nghiệm thức là thân thể.
Với các ý niệm đó trong tâm, ta thử xem xét các loại thức được liệt kê và được phân tích trong Vi diệu pháp (Abhidharma) mà chúng cùng đi chung với nhau. Sự phân tích riêng biệt của ta sẽ không hẳn tương hợp một cách chính xác với sự phân tích trong kinh sách. Nhưng với một chừng mực nào đó, một vài tâm hành tự nhiên xảy ra cùng với các loại thức đặc biệt nào đó, chúng ta sẽ hiểu đuợc tại sao chúng đi chung với nhau. Ðiều này quan trọng hơn là ta phải thuộc và nhớ cả một danh sắc tên các tâm hành.
Có 3 loại tâm hành tổng quát: thiện (lành), bất thiện (dữ) và vô ký. Riêng các tâm hành vô ký không lành không dữ thì kết hợp với các tâm hành khác. Các tâm hành vô ký này giữ một vai trò chánh trong việc tạo dựng kinh nghiệm tâm thức, giống như việc không có xi măng thì các ‘kinh nghiệm’ được xây lên không thể dính với nhau được.
Trang 314. Có hai nhóm tâm hành vô ký: phổ biến (hay chủ yếu) và đặc biệt (hay thứ yếu). Các tâm hành phổ biến hiện diện trong tất cả các loại thức trong khi các tâm hành đặc biệt chỉ xảy ra trong một số loại thức.
Có 7 tâm hành vô ký phổ biến (các sách gọi là ‘biến hành’): xúc, thọ, tưởng, hành, nhất điểm tụ, tác ý và sức sống (sinh khí).
Xúc là sự kết hợp của thức (bên trong) với vật (bên ngoài). Ðây là sự cộng hữu của chủ thể và đối tượng. Ðó là nền tảng của tất cả kinh nghiệm thức.
Thọ là phẩm chất thuộc về cảm tính của một kinh nghiệm: vui, buồn hay không vui không buồn.
Tưởng là sự nhận biết (thuộc dục giới) của một khả năng để cho một cảm quan nào đó thuộc nhãn thức, nhĩ thức, v.v...
Hành, trong bài này, không có nghĩa tự do mà nó là một phản ứng hành động theo bản năng.
Nhất điểm tụ không có nghĩa là định mà nó có nghĩa là sự giới hạn thức vào một đối tượng đặc biệt. Như đã được nêu trong Chương 34, nhất điểm tụ xảy ra ngay cả trong các loại thức bình thường và không thiền định. Nhất điểm tụ là một tâm hành cần thiết cho tất cả các loại thức bởi vì chính nhờ nhất điểm tụ mà nó chú tâm riêng vào một đối tượng ra khỏi nhiều đối tượng khác.
Tác ý có thể được xem là có liên hệ đến nhất điểm tụ. Nhất điểm tụ và tác ý là 2 mặt tiêu cực và tích cực của cùng một phần hành. Nhất điểm tụ giới hạn kinh nghiệm của ta vào một đối tượng đặc biệt trong khi tác ý hướng dẫn sự chú ý của ta vào một đối tượng đặc biệt. Nhất điểm tụ và tác ý vận hành chung với nhau để cô lập và tạo thành thức của một đối tượng đặc biệt.
Sức sống (sinh khí) ý nói đến cái lực kết hợp 6 tình trạng tâm thức kia lại với nhau.
Có 6 tâm hành vô ký đặc biệt: tầm (tìm), từ (sát hay xét), quyết tâm (thắng giải), tật đố, hỉ và dục. Chúng ta đã nói một vài điều trên trong bài nói về các pháp định. Tâm sở đặc biệt thứ ba, thường được dịch là ‘quyết tâm’ (adhimokkha), là một tâm hành rất quan trọng, nó có nhiệm vụ quyết định đặc biệt cho thức này. Nghĩa đen của từ gốc là ‘giải thoát’ có nghĩa là ‘thoát khỏi sự nghi ngờ’. Tâm hành thứ sáu, ‘dục’ (chhanda), có thể tạm dịch như thế với điều kiện là chúng ta phải nhớ rằng ‘dục’ thuộc về xác thịt (kamachhanda) là tiêu cực và phá hoại, trong khi ‘dục’ thuộc về giải thoát (dhammachhanda) là tích cực và xây dựng. Vì thế dục có cả 2 đặc tính thiện và bất thiện, tùy vào đối tượng của dục và vào những tâm hành khác mà dục liên kết với chúng.
Chúng ta hãy tiếp tục xét các tâm hành thiện. Có tất cả 14, và liên kết với 12 loại thức bất thiện (xem Chương 33) qua 5 cách, được phân ra thành 5 nhóm. Ba nhóm đầu lấy đặc tính cho chúng từ 3 căn bất thiện: si (moha), tham (lobha) và sân (dosa). Nhóm thứ tư bao gồm lười biếng (thina) và giải đãi (middha), nhóm thứ năm thuộc nghi ngờ (vichikichchha).
Chúng hãy xét đến nhóm bắt đầu bằng si. Nhóm này hiện diện khắp nơi trong tất cả các loại thức bất thiện và nó bao gồm bốn yếu tố: si, vô tàm (không xấu hổ), vô quí (không cả thẹn, làm càn) và trạo cử (không yên). Cả hai vô tàm và vô quí dụ về đạo đức và luân lý, bên trong lẫn bên ngoài.
Trang 316. Khi nói về không xấu hổ (vô tàm), ta muốn nói đến việc không có khả năng tự chế mình không làm điều bậy, không có khả năng ứng dụng đạo đức cá nhân vào hành động của mình. Khi nói đến không cả thẹn hay làm càn (vô quí) ta muốn nói là việc không có khả năng áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức xã hội cho hành động của mình. Hai từ này có ngụ ý là: tiêu chuẩn đạo đức phải có ở hai hướng: nội tại, liên hệ đến mình, và ngoại tại, liên hệ đến người khác.
Ðặc biệt trong những trường hợp của thức si (mê lầm), ta có ý nói về hành động hay cử chỉ. Khi thức của con người bị chi phối bởi si, người ấy không thể áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức cho riêng mình và vì vậy hành động theo hướng bất thiện. Cũng như vậy, khi không áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức xã hội, ta thường hành động sai trái. Việc không có khả năng áp dụng các phẩm cách đạo đức cho các hành động của mình cũng như cho bên ngoài tạo nên tính không yên, nóng ruột (trạo cử), đây là yếu tố thứ tư trong nhóm bị thức ‘si’ chi phối.
Nhóm thứ hai trong năm nhóm tâm hành bất thiện là nhóm bị thức ‘tham’ chi phối: tham đi kèm theo sự tin tưởng sai lầm và tính tự cao tự đại. Về cá nhân thì thức tham bị chi phối thành một khuynh hướng tự nâng cao địa vị, tích lũy, phô trương kiến thức, thường xuyên có lòng tự hào, tính vị kỷ và tự cao tự đại.
Nhóm thứ ba của các tâm hành bất thiện là nhóm bị ‘sân’ chi phối. Tính sân kèm theo tính ganh ghét (tật đố), tính tham lam và buồn phiền (não).
Nhóm thứ tư bao gồm lười biếng, giải đãi, đặc biệt liên hệ đến các loại thức không gây ra hành.
Nhóm thứ năm bao gồm nghi ngờ (bất tín), áp dụng trong tất cả trường hợp mà sự quyết định không có mặt, thí dụ, quyết tâm (thắng giải) là một trong sáu tâm hành vô ký đặc thù (các sách gọi là biệt cảnh)
Trang 317. Có 19 tâm hành chung cho tất cả các loại thức thiện lành. Một số các yếu tố dẫn đến giác ngộ (bodhipakkhiya dharma) giữ một vai trò quan trọng trong việc hun đúc và phát triển tiềm năng tâm linh của con người. Danh sách bắt đầu với ‘lòng tin, nhớ biết (niệm), biết xấu hổ (tàm), biết thẹn (quí), vô tham, vô sân, bình tâm, tĩnh lặng, nhẹ nhàng, linh động, thích nghi, thành thạo và chính trực. Chúng thuộc về các yếu tố tâm linh. Xin chú ý đến sự hiện diện của tàm (biết xấu hổ) và quí (biết thẹn) đối nghịch với vô tàm và vô quí.
Mười chín tâm hành thiện lành thỉnh thoảng kèm theo 6 tâm hành khác: 3 giới điều (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng); 2 vô lượng tâm (bi và hỉ); và lý trí hay trí tuệ. Khi 6 cái hợp lại chung với nhau, có tất cả 25 tâm hành thiện lành.
Trí tuệ chiếm một vị trí trong các tâm hành thiện tương đương với vị trí dục trong các tâm hành vô ký. Cũng như dục có thể bất thiện hay thiện tùy theo đối tượng của nó, trí tuệ cũng có thể là thế gian hay siêu thế gian tùy theo đối tượng của nó là kiến thức thông thường hay thực tướng siêu thường.
Ðể củng cố những gì tôi đã nói về sự liên hệ rất gần giữa các loại thức và các tâm hành, tôi xin dẫn chứng đến sự phân loại chủ quan của thức đã được đề cập trong chương 33. Ở đó, chúng ta đã nói đến các loại thức tùy theo giá trị nghiệp báo của chúng--thiện, bất thiện, gây kết quả hay thực dụng. Ðặc biệt trong phạm vi dục giới, chúng ta đã nói đến thêm một loại thức về mặt thọ, tưởng và hành.
Kết hợp với nhau, chúng ta có trong phạm vi dục giới một loại thức chủ quan bốn mặt tùy theo giá trị nghiệp báo, cảm xúc, tri thức và hành--nói một cách khác, 1. nói theo cái thiện, bất thiện hay trung tính; 2. nói theo cái vui, cái buồn hay bình thản; 3. nói theo việc hợp với kiến thức hay không hợp với kiến thức và 4. nói theo việc được thúc đẩy hay không được thúc đẩy.
Trang 318. Với 4 mặt này, ta có thể thấy các loại thức được quyết định như thế nào do sự hiện diện của các tâm hành. Chẳng hạn, trong loại giá trị nghiệp báo, các loại thức thiện được quyết định bởi các tâm hành thiện. Trong loại giá trị cảm xúc, các loại thức được quyết định bởi sự hiện diện của các tình trạng thuộc về nhóm thọ (vui thú tinh thần, đau khổ tinh thần, vui thú vật chất, đau khổ vật chất và bình thản). Trong loại giá trị tri thức, sự hiện diện hay vắng mặt của si quyết định hoặc là một loại thức biệt cảnh được đồng hóa với kiến thức, không đồng hóa với kiến thức, hay đồng hóa với sự tin tưởng sai lầm. Và trong loại giá trị hành, sự hiện diện hay vắng mặt sự nghi ngờ và quyết tâm hoặc là một loại thức biệt cảnh được thúc đẩy hay không thúc đẩy, tự phát hay không tự phát.
Vì thế bốn loại thức chủ quan làm sáng tỏ các loại thức khác nhau được quyết định như thế nào bởi sự hiện diện của các tâm hành liên hệ--thiện, bất thiện, liên hệ với kiến thức, v.v...
Cuối cùng, tôi xin xét đến cách các tâm hành vận hành trong việc đối phó với mỗi loại thức. Ðây là điều đáng quan tâm bởi vì sự phân tích của Vi diệu pháp về thức đôi khi được so sánh với sự phân tích của Bảng Tuần hoàn sắp xếp các nguyên tố (theo trọng lượng nguyên tử hóa học của Menđêlếep) theo các giá trị nguyên tử liên hệ. Ta không thể nào không bị ảnh hưởng bởi các thuộc tính hoá học của các tâm hành: thí dụ như trong hóa học, một chất thí dụ như kiềm có thể trung hòa hay kết hợp với một axit để tạo nên muối, và ngược lại. Vì thế trong sự phân tích các thức, một tâm hành thường đương đầu với các tâm hành nào đó, và ngược lại.
Trang 319. Chẳng hạn, trong các pháp định (xem chương 34), 5 tâm hành đương đầu với 5 chướng ngại (‘tầm’ đương đầu với ‘lười biếng, giải đãi’; ‘sát’ đối phó với ‘nghi ngờ’; ‘hỉ’ với ‘sân’; ‘lạc’ với ‘bồn chồn’ (trạo cử) và ‘lo lắng’; ‘tịnh’ với ‘ái dục’). Nếu không có sự liên hệ một đối một thì các nhóm của pháp thiện đương đầu với từng pháp bất thiện hoặc đương đàu với nhóm của pháp bất thiện (‘tín’ đương đầu với ‘nghi ngờ’ và ‘si’, ‘bình tâm’ và ‘tĩnh lặng’ với ‘ngờ’ và ‘lo’; ‘nhẹ nhàng, linh động, thích nghi, tâm thành thạo và các yếu tố tâm linh’ đối đầu với ‘lười biếng và giải đãi’; v.v...). Một lần nữa, khi tính quyết tâm có mặt, lòng nghi ngờ vắng mặt.
Bằng cách ấy, các tâm hành thiện lành đương đầu và chống lại các thức bất thiện. Sự có mặt của các tâm hành nào đó diệt trừ các tâm thức chống đối và nhờ vậy dọn chỗ cho các tâm hành thích nghi. Qua sự hiểu biết sự liên hệ giữa thức và các tâm hành và qua sự vun trồng các tâm hành thiện lành này, chúng ta có thể dần dần thay đổi và cải thiện tướng trạng của kinh nghiệm tâm thức chúng ta.
--o0o--