PHẬT HỌC CƠ BẢN

Cây Giác-Ngộ
The Tree of Enlightenment.
Nguyên tác: Peter Della Santina, Ph.D.
Việt dịch: Minh Thiện Trịnh Chỉnh
Melbourne 2002

---o0o---
Chương 40
(Trang 341 - 348)
Ba Mươi Bảy Pháp Giác Ngộ
Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Ðạo
The Thirty- Seven Factors of Enlightenment.
~~~~~~~
Ba mươi bảy pháp dẫn đến giác ngộ (bodhipakkhiya dhamma) quan trọng vì 2 lý do. Thứ nhứt, theo truyền thống, chúng được đức Phật trước khi nhập Ðại Niết bàn, ca ngợi là phương tiện chính để được giác ngộ. Thứ hai, các yếu tố này hình thành phần cơ sở căn bản của Vi diệu pháp (Abhidharma), ở chỗ là chúng thuộc vào loại giáo lý, giống như giáo lý về ngủ uẩn, bao gồm các nội dung Vi diệu pháp của Kinh Tạng.
Trong chương 30, chúng ta đã nói về các đặc tính của Vi diệu pháp và sự liên hệ giữa Luận tạng Vi diệu pháp và các nội dung thuộc về Kinh tạng. Các phẩm trợ đạo dẫn đến giác ngộ thuộc về Luận tạng Vi diệu pháp nhưng lại tìm thấy trong các kinh giảng. Vì thế chúng thuộc về giai đoạn nguyên thủy của triết học Vi diệu pháp.
Ba mươi bảy phẩm trợ đạo chắc chắn thuộc về Vi diệu pháp (Abhidharma). Tất cả 5 đặc tính của tài liệu Vi diệu pháp đều áp dụng vào các phẩm trợ đạo: 1. định nghĩa từng phẩm, 2. sự liên hệ các phẩm với nhau, 3. phân tích các phẩm, 4. phân loại các phẩm, và 5. sắp xếp chúng theo số thứ tự (xem Chương 30).
Ba mươi bảy phẩm trở đạo được xếp loại theo 7 nhóm: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát chánh đạo (4,4,4,5,5,6,7). Vì chúng ta đã xét pháp Tứ chánh cần và thuyết Bát chính đạo trong các chương 5, 6, 7, nên tôi chỉ tập trung vào 5 nhóm còn lại.
Trang 342. Ðức Phật đã gọi ‘niệm’ (mindfulness) là cách diệt trừ tất cả các phiền não. Phật cũng đã nói rằng cái tâm (mind) là gốc rễ của tất cả đức hạnh. Vì thế, sự tu tập quan trọng nhất là rèn luyện cái tâm (niệm). Người ta có thể hiểu sự quan trọng của ‘tâm niệm’ là do nó xuất hiện 5 lần trong 7 nhóm của 37 phẩm trợ đạo. Ðặc biệt, nhóm thứ nhất Tứ Niệm Xứ (Satipatthana Sutta) đều sử dụng 4 loại niệm. Tất cả điều này chứng tỏ sự quan trọng của ‘tâm niệm’.
Trong những năm vừa qua, pháp Tứ Niệm Xứ của Nam truyền đã có sự hồi sinh lớn lao, đặc biệt ở Miến điện, và Bắc truyền, nơi mà sự quan trọng của nó là việc thực tập thiền định hiện nay đã được đánh giá rất cao. Một trong những lý do pháp Tứ Niệm Xứ đã chiếm một vị trí quan trọng như vậy trong thiền định Phật giáo là vì chúng giúp ta nhận ra được 3 đặc tính phổ biến là vô thường, khổ não, vô ngã. Muốn biết Pháp này hiệu quả và rõ ràng như thế nào thì ta nên xét kỹ từng chặng sau đây: 1. niệm thân, 2. niệm thọ, 3. niệm tâm, 4. niệm pháp.
Loại niệm thân toàn diện hơn cả loại 40 thiền định hỗ trợ, loại xảy ra một trong 10 lần nhớ lại nhưng chỉ giới hạn vào thân thể. Niệm thân của Tứ niệm xứ không chỉ chú tâm vào thân mà còn chú tâm về hít vào, thở ra, vào các thành phần của sắc, thân thể tan rả, v.v...
Trang 343. Niệm thọ dụ cho các cảm tính của kinh nghiệm cá nhân, các cảm giác vui thú, không vui thú và bình thản.
Niệm thức (các kinh Việt gọi là niệm tâm), hay đúng hơn là niệm về tư tưởng, nói đến sự quán tưởng việc sinh và diệt của tư tưởng.
Niệm pháp (đối tượng tinh thần) dụ cho các nội dung của tâm thức, đặc biệt các quan niệm như vô thường và những đại loại khác.
Với thân, ta hết lòng quán tưởng mặt vật chất của kinh nghiệm cá nhân (sắc), và với ba chặng niệm còn lại, ta hết lòng quán tưởng ba mặt tinh thần của kinh nghiệm cá nhân (thọ, tưởng, hành, thức). Sự áp dụng đầy đủ về niệm sẽ đem đến kết quả là bỏ hẳn được 3 quan điểm sai lầm: thường, vui sướng và ngã, tức đạt được sự hiểu biết của 3 đặc tính phổ biến: vô thường, khổ não, vô ngã. Tùy theo các tông phái khác nhau của thiền định Phật giáo mà ta có các lối giải thích khác nhau nhưng nói chung, các lối giải thích đó nên được chúng ta chấp nhận.
Chúng ta hãy xét ‘bốn con đường dẫn đến quyền năng’ (tứ như ý túc, iddhipada): 1. muốn hay dục (lòng muốn được thần thông), 2. năng lượng hay tinh tấn (lòng thệ nguyện tu rốt ráo) 3. tâm hay tư tưởng (giữ gìn tư tưởng tinh tấn) và 4. lý giải (tham cứu đạo lý, tư duy như ý túc). Bốn pháp này cũng được tìm thấy trong 24 mô thức của tính tương hợp (xem chương 39), ở đó chúng được gọi là ‘các điều kiện ưu thế’ (adhipati). Cả hai ‘con đường dẫn đến quyền năng’ và các ‘điều kiện ưu thế’ rõ ràng ngụ ý đến sức mạnh của tâm thức đối với kinh nghiệm.
Một thí dụ giản dị là khả năng kiểm soát các cử chỉ và lời ăn tiếng nói của mình. Ðiều này cũng đúng nếu áp dụng cho việc phát triển đầy đủ về tâm (thức), dục vọng, năng lực và lý trí để kiểm soát được các hiện tượng vật chất. Khi các ‘pháp ưu thế’ được tăng cường để vun trồng 5 yếu tố định (tầm, sát, hỷ, lạc, tịnh) đặc biệt là tịnh, lúc đạt được giai đoạn thứ năm của các định sắc giới--chúng trở thành ‘con đường dẫn đến quyền năng’ (tứ như ý túc).
Trang 344. Nhờ tăng cường, các ‘pháp ưu thế’ dẫn đến các loại kiến thức cao cấp thế gian và kiến thức siêu thế gian. Có 5 loại kiến thức cao cấp thế gian: khả năng lơ lửng trên không gian, đi bộ trên nước, độn thổ, đọc tư tưởng của người khác, và nhớ lại các cuộc đời trước đây của mình. Kiên thức siêu thế gian là kiến thức tiêu diệt được các nhiễm ô (asava), vô minh, v.v...Ðó là lý do 4 ‘nhân duyên ưu thế’ có thể là thế gian hay siêu thế. Nếu là thế gian thì ta có 5 loại kiến thức cao cấp thế gian, nếu là siêu thế, hay niết bàn, kết quả là ta thấm nhuần lý Tứ Ðiệu Ðế và tiêu diệt được các món hữu lậu.
Giống như nhóm Tứ Như Ý Túc, nhóm 5 Khả năng Kiểm soát (tức Ngũ Căn Pháp) (indriya)--tín, tấn, niệm, định, huệ--cũng được tìm thấy trong 24 mô thức của tính tương duyên. Trong quyển Các Liên Hệ Nhân Quả (Patthana), Ngũ Căn Pháp được định nghĩa là những ‘pháp vượt trội’. Có một sự rất gần gũi giữa nhóm Ngũ Căn Pháp và nhóm Tứ Như Ý Túc, đó là sự có mặt hỗ tương của chúng trong tính tương duyên và sự tương đồng của chúng về phương diện kiểm soát, chi phối hay làm chủ.
Ngũ Căn Pháp được gọi là ‘kiểm soát, điều chỉnh, kiểm tra’ vì chúng được cho là kiểm soát hay khống chế các đối nghịch: ‘tín’ khống chế nghi hoặc; ‘tấn’ kiểm soát giải đãi; ‘niệm’ (nhớ biết, chú tâm) chi phối phóng dật; ‘định’ làm chủ sự tán tâm; và ‘huệ’ điều chỉnh mê lầm. Giống như Tứ Như Ý Túc, Ngũ Căn Pháp chỉ có thể thực sự điều chỉnh các đối nghich của chúng khi chúng được tăng cường bởi các yếu tố ‘định’ (absorption). Chẳng hạn, tín (niềm tin) chỉ hiệu quả khi có sự hiện diện của các yếu tố định ‘hỉ, lạc, tịnh’; và ‘huệ’ chỉ có thể vận hành hiệu quả khi nó được tăng cường 3 yếu tố định ‘tầm, sát, tịnh’. Nhóm ‘Năm yếu tố định’ củng cố và tăng cường nhóm Ngũ Căn Pháp để cho nhóm sau hoạt động hiệu quả, chuyển hướng về sự giác ngộ (chuyển thức thành trí). Một cách hỗ tương, Ngũ Căn Pháp cũng củng cố 5 yếu tố định. Chẳng hạn, ‘định’ củng cố ‘hỉ, lạc’. Nói chung sự liên hệ giữa 2 nhóm này có tính cách hỗ trợ và tăng cường tương tác nhau.
Trang 345. Một mặt Ngũ Căn Pháp không thể thiếu được trong việc đem lại kết quả chuyển hóa các tâm thức ‘nghi ngờ, thẫn thờ, buông lung, tán tâm và si độn’ thành những tâm thức sáng suốt hơn, mặt khác chúng phải được điều chỉnh sao cho cân bằng. Ðiều đó có nghĩa là chính trong 5 yếu tố đó phải được phân chia đều với nhau. Chẳng hạn, lòng tin và trí huệ là cặp tương đối tưong tác: nếu lòng tin mạnh hơn trí huệ, điều này sẽ làm tệ hơn khả năng phân tích và các mặt tìm hiểu tri thức; và nếu trí huệ mạnh hơn lòng tin, nó sẽ làm giảm đi sự tự tin đến độ không biết chắc chắn và thiếu sự sốt sắng cần thiết để thực hành. Giống như vậy, nếu năng lượng (tinh tấn) mạnh hơn định tâm, nó sẽ dẫn đến sự loạn động, và nếu định tâm mạnh hơn năng lượng, nó sẽ dẫn đến sự uể oải và giải đãi.
Vì thế, ‘tín, tấn, định, huệ’ phải được phát triển và duy trì thật cân bằng, và cái giúp ta làm được chuyện này là ‘niệm’ (sati, mindfulness). Niệm là chi canh gác báo động bảo đảm sự liên hệ cân bằng thích đáng hỗ tương giữa tín và huệ, tấn và định.
Trang 346. Nhóm kế tiếp của các phẩm trợ đạo là Ngũ Lực (bala): tín, tấn, niệm, định, huệ, giống với Ngũ Căn cả về số lẫn về chữ. Năm yếu tố này được gọi là lực (sức mạnh) vì ở giai đoạn này ‘tín tấn niệm định huệ’ trở nên vững chắc, đều đặn và mạnh mẽ hơn.
Phật đã cho biết rằng Ngũ Căn và Ngũ Lực là hai mặt của một vật, giống như một hòn đảo ở giữa sông dẫn ta đến được bến bờ phía đông và bờ phía tây, dù rằng 2 phần của con sông là một và giống nhau. Ngũ Căn là những khả năng tiềm ẩn phải được tăng cường và phát triển qua sự kết hợp của chúng với Năm yếu tố Ðịnh. Khi chúng trở nên vững chắc và đều đặn nhờ sự tăng cường, chúng mới có thể được gọi là lực (Căn + Ðịnh= Lực).
Chúng ta có thể thêm rằng Ngũ Lực trở nên không thối chuyển một cách tuyệt đối chỉ trong trường hợp Tứ thánh (xem chương 35). Khi trở thành Tu đà hoàn, chẳng hạn, tín trở nên một sức mạnh không thể lay chuyển được vì cái cùm nghi ngờ được tháo gở.
Mặc dầu chỉ có Ngũ Căn và Ngũ Lực được liệt kê trong 37 phẩm trợ đạo, nhưng trong cách phân loại của Vi diệu pháp mở rộng về Ngũ Căn và Ngũ Lực, ta có thêm ba khả năng ‘tâm thức, hỉ lạc vă sinh lực’ được thêm vào 5 khả năng đã kể, và thêm 2 khả năng nữa ‘xấu hổ về đạo đức (tàm), và khiếp sợ về đạo đức (quí), mà chúng có tên chung là ‘những người bảo vệ thế gian’ (thần hộ mệnh). Xấu hổ về mặt đạo đức và khiếp sợ về mặt đạo đức được cắt nghĩa là sự ngay thẳng chính trực và nỗi sợ hãi bị khiển trách riêng của mỗi người trong chúng ta. Chúng được gọi là ‘những người bảo vệ thế gian’ vì, khi được phát triển đến một mức độ tài năng (lực), chúng trở thành những kẻ bảo vệ cho các hành động thiện lành.
Trang 347. Nhóm cuối cùng chúng ta xét ở đây là Thất Giác Chi (bojjhanga hay samhodhyanga): ‘niệm, trạch, tấn, hỉ, khinh, định, xả’.
Niệm lại xuất hiện một lần nữa. Nó là một trong những nhân tố chánh và dẫn đầu toàn nhóm, vì chính với niệm mà con đường dẫn đến giác ngộ bắt đàu. Qua sự nhận biết tình trạng tiến bộ của mình mà con đường đạo được bắt đầu. Sự tiến bộ này được hỗ trợ qua việc ‘điều tra rõ ràng các pháp’ (Trạch pháp).
Tinh tấn (năng lượng, nghị lực) có ở đây, như đã có trong ‘Bốn con đường dẫn đến quyền năng’ (Tứ Như Ý Túc), ‘Năm khả năng điều khiển’ (Ngũ Ðiều Căn) và ‘Năm sức mạnh’ (Ngũ Lực). ‘Tấn’ cần thiết để hỗ trợ cho sự tiến bộ khi ta đang trên con đường tâm linh. Thường thì các cố gắng của ta rời rạc không đều đặn; ta tỏ ra rất cố gắng một thời gian ngắn rồi lại rơi vào tình trạng cũ và lần này dài hơn. Nếu muốn sự tiến bộ không bị gãy đổ thì nó phải đều đặn. ‘Tấn’ phải đóng góp vào sự tiến bộ đều đặn đó một cách liên tục trên con đường đang theo.
Nhân tố thứ tư cũng là một trong năm nhân tố của định, đó là ‘hỉ’. Nó là niềm hạnh phúc dâng tràn, tuy đúng ra nó có thể được hiểu chỉ là ‘quan tâm, sở thích’ hơn là ‘hân hoan’ hay nỗi ‘sung sướng vô ngần’.
Khinh (nhẹ và sạch) là sự thanh tịnh của tâm, có được là do việc diệt trừ các phiền não vô minh, ác cảm và vướng mắc (si, sân và tham).
Ðịnh đồng nghĩa với nhất điểm tụ, là một trong Ngũ Ðịnh.
Xả (bình tâm) là sự diệt trừ khuynh hướng của cái tâm thơ thẩn, lang thang. Giống như trong nhiều từ ngữ của Vi diệu pháp, ‘xả’ có giá trị với một số trình độ. Ở trình độ cảm thọ, nó có thể là vô ký. Ở trình độ tu tập thiền Tứ Vô Lượng Tâm tức Từ Bi Hỉ Xả (brahmavihara), xả là tính điềm đạm đối với các giống hữu tình: không vướng mắc với người thân, không ác cảm với kẻ thù. Với sự phân tích kinh nghiệm cá nhân theo thuyết ngũ uẩn, xả là sự vô tư, trung lập với 8 điều kiện thế gian (tức Bát Phong: lạc-khổ, lợi-suy, xưng-cơ, dự-hủy; sướng-khổ, được-mất, khen-chê, vinh-nhục. Xin xem lại Chương 12, đoạn cuối). Ở đây, trong nội dung của Thất Giác Chi, xả là cái tâm hợp nhất và không lay chuyển được. Cái tâm đó hoàn toàn không còn khuynh hướng theo thói quen ‘‘tâm viên ý mã’’ nữa.
Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Ðạo được hệ thống hóa, duy trì và được dạy bởi nhiều thế hệ minh sư chỉ với một lý do: người ta thấy chúng hữu ích và lợi lạc cho việc phát triển cái tâm của con người và đặc biệt giúp ta tinh tấn trên con đường đi đến chánh giác. Dù bạn chọn cách tu tập Thiền Tứ niệm xứ hay pháp Tứ chánh cần, Tứ như ý túc hay Ngũ điều căn, Ngũ lực hay Thất giác chi hoặc Bát chánh đạo (Con đường Tám bước), việc làm quen với 37 Pháp Giác ngộ hay 37 Phẩm Trợ đạo đều được sự giúp đỡ một cách thực tế và tức khắc cho sự tiến bộ của bạn đối với mục tiêu đã chọn.
--o0o--