-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
-
Con Đường Hạnh
Phúc
- Viên Minh &
Trần Minh Tài
- --- o0o ---
-
- Nhận lãnh
trách nhiệm
-
- Khổ đau hay
phiền muộn của chúng ta do chính chúng ta tạo nên, chứ không phải
là một tai ách gia truyền hay tội tổ tông từ thế giới bên kia trở
về ám ảnh chúng ta, như một vài người quan niệm. Cũng không có
thưởng phạt từ một đấng quyền uy tối thượng phán xử công và tội
của ta. Chúng ta phải là quan tòa của chính mình.
- Phải biết gánh
chịu trách nhiệm của đời sống chúng ta và nhìn nhận những khuyết
điểm của chính mình mà không qui trách hay nguyền rủa bất cứ kẻ
nào khác. Đổ tội cho kẻ khác khi gặp phải những nghịch cảnh thì dễ
nhưng chúng ta nào biết rằng chính khi hành động như thế chúng ta
vô tình rước thêm phiền lụy và tạo cho mình nhiều thù nghịch hơn.
- Như tiền nhân
đã nói: Người tiểu nhân luôn luôn tìm cách chỉ trích kẻ khác,
người trung nhân thì tự khiển trách mình và người đại nhân quân tử
không tự trách mình cũng chẳng phiền trách tha nhân. Vì thế, muốn
làm người quân tử chúng ta phải tự giải quyết những vấn đề riêng
tư của mình mà không nên phiền trách kẻ khác. Hơn thế nữa, chúng
ta phải sáng suốt, khi một người nào đó đã làm phiền lụy đến ta;
hãy bắt chước thái độ của người hiền nhân quân tử, nghĩa là không
oán trách, không nguyền rủa kẻ tạo ra làm lỗi, mà phải nhận thức
rằng kẻ đó đã bị mê hoặc bởi tham lam, sân hận, si mê, nên mới
hành động điên rồ, và tìm cách khuyên răn, cải thiện họ bằng lòng
từ ái khoan dung. Được như vậy, một ngày kia kẻ làm lỗi sẽ ăn năn
hối cải.
- Phương pháp này
đã được các bậc Thánh nhân từ cổ chí kim áp dụng và chứng tỏ rằng
đó là phương pháp hữu hiệu nhất để thắng lướt mọi trở lực trên
đường đời. Một điều đáng ghi nhớ là chính lòng khoan dung, đức
kiên nhẫn và sự sáng suốt của ta có một từ lực khả dĩ quy hồi kẻ
thù nghịch và làm cho họ nhận thức được làm lỗi của họ.
- Trong kinh Pháp
Cú Đức Phật dạy rằng:
- "Chớ nên
dòm ngó người, chớ nên coi họ đã làm gì hay không làm gì. Chỉ nên
nhìn lại mình thử đã làm được gì và chưa làm được gì."
- Vì ít có ai
toàn chân toàn thiện trên thế giới này, bất cứ người nào cũng có
thể phạm một lỗi lầm dù vô tình hay cố ý. Nếu quả thật nhân vô
thập toàn thì liệu chúng ta đã là người hoàn toàn không có lầm lỗi
chưa. Và như thế tại sao chúng ta không cố gắng sửa đổi làm lỗi
của mình mà lại chỉ trích lỗi làm của kẻ khác?
- Nếu mọi người
đều biết tự tu, tự xả, tự nhận lãnh trách nhiệm về mọi hành động
của mình chứ không quy trách kẻ khác thì thế giới sẽ trở nên bình
an, thái hòa; không còn loạn ly, tranh chấp, không còn đố kỵ, oán
thù.
- Nhưng, như Đức
Phật đã dạy: "Nhìn lỗi người thì dễ, song quả thật là khó mà
thấy được lỗi lầm của chính mình". Thế nên người ta thường
phiền trách, phê phán kẻ khác hơn là tự phản tỉnh để kiểm soát
chính mình, hành động như thế là trốn trách nhiệm. Tại sao chúng
ta không can đảm nhìn nhận lỗi lầm và chịu trách nhiệm về những
kết quả của lỗi làm đó.
- Lắm khi chúng
ta gặp phải một số người tìm cách lợi dụng lòng khoan dung và đức
kiên nhẫn của ta và cũng lắm khi thái độ nhường nhịn của ta có thể
bị xem là hèn nhát. Chúng ta không nên vì thế mà lấy làm khó chịu;
vì nếu lương tâm chúng ta minh trực, thái độ chúng ta cũng chính
đáng thì tất phải được các bậc thiện trí thức ca ngợi. Vả lại Đức
Phật dạy rằng: "Không bao giờ có một kẻ hoàn toàn được khen
hay hoàn toàn bị chê, dù trong quá khứ, hiện tại hay mãi mãi sau
này." Ngài lại dạy rằng: "Như một ngọn thanh sơn kiên cố
không bị gió lay, những lời tán dương hay phỉ báng không lay động
được bậc đại trí."
- Ngay trong đời
sống của Đức Phật, lắm khi Ngài cũng bị chỉ trích, vu khống, phỉ
báng. Phương pháp của Ngài là kiên nhẫn và trầm tĩnh. Ngài không
cần đính chính, nhưng sự thật tự nhiên sáng tỏ nhờ đức độ siêu
việt của Ngài.
- Chúng ta chưa
thể so sánh với bậc thánh nhân tuyệt thế như Ngài, nhưng nếu chúng
ta sáng suốt, cũng có thể thắng lướt được hiểm nguy. Nếu có một kẻ
nào đó vì si mê, tà kiến mà gây rối cho chúng ta, thì đó là cỏ hội
để chúng ta trắc nghiện hay thể hiện lý trí sáng suốt, căn bản
giáo dục, nền tảng đạo đức và tinh thần từ, bi, hỷ, xả của chúng
ta. Trái lại, nếu ta cũng cư xử như kẻ điên rồ bằng cách tích lũy
lòng oán hận, cố báo thù trả oán, thì hóa ra chúng ta tự hạ phẩm
giá của mình xuống ngang hàng hay thấp kém hơn kẻ điên rồ ấy. Căn
bản giáo dục và kiến thức đạo đức có ích gì khi ta không biết tùy
cơ ứng dụng giống như người quân tử. Chính vì nhận thấy kẻ khác
điên rồ, hung ác và tội lỗi mà ta không nên dẫm lên vết chân lầm
lạc của họ.
- Giữa chúng ta
nhiều người có thiện tâm, không bao giờ làm hại kẻ khác, nhưng có
khi họ vẫn bị chỉ trích và vẫn gặp ít nhiều khó khăn trên đường
đời mặc dù họ luôn luôn giúp đỡ kẻ khác. Vì thế họ nghĩ rằng: Nếu
ở hiền gặp lành, ở ác gặp dữ, thì tại sao ta làm lành mà lại gặp
khó khăn và hành động từ thiện của ta vẫn bị người khác chỉ trích?
- Đức Phật dạy
rằng: "Khi thi ân ta không nên cầu được báo đáp". Hơn
nữa, không phải kẻ thọ ơn nào cũng là hạng người biết ơn ân nhân
của mình. Không gì cao đẹp bằng một người thi ân không mong được
đền ân, đáp nghĩa. Nếu làm được như vậy chúng ta trở thành bậc
hiền nhân quân tử và chắc chắn chúng ta không bao giờ cảm thấy
thất vọng khi bị vong ân bội nghĩa. Tuy vậy, trong một ngày nào
đó, dù muốn dù không, chắc chắn chúng ta sẽ gặt hái được kết quả
cao quí do hành động phước thiện mà ta đã làm, đúng như lời cổ
nhân đã nói: "thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo; nhược hoàn bất
báo thời thân vị đáo", nghĩa là nhân lành thì quả lành, nhân ác
thì quả dữ, sở dĩ chưa trổ quả là chưa đúng lúc đó thôi.
- Mặt khác chúng
ta phải suy nghĩ rằng, sở dĩ ngày nay ta làm lành mà bị chỉ trích
hoặc gặp phải những điều bất hạnh là vì một vài nhân bất thiện nào
đó mà ta đã tạo tác trước đây trong kiếp sống hiện tại hay quá
khứ. Nhưng sau khi đã can đảm, bình tĩnh nhận lãnh trách nhiệm
những hành động bất thiện quá khứ của mình, chúng ta đương nhiên
không còn bị chi phối bởi phiền não chướng ấy nữa, nếu từ bây giờ
ta không tạo thêm nhân bất thiện nào khác.
- Nhờ suy nghĩ
như thế chúng ta có thể dễ dàng vượt qua mọi trở ngại để tiếp tục
con đường phước thiện.
- Đức Phật đã nêu
một gương sáng cho thế nhân khi Ngài lấy ân báo oán. Ngài dạy:
"Càng nhiều oan trái đến với ta, ta càng có nhiều cơ hội thực hiện
từ tâm". Hơn nữa người hành động bất thiện chưa hẳn là người
luôn luôn có bản tính độc ác, mà chỉ vì vô minh và vì họ tưởng lầm
rằng phải hành động như thế để khỏi bị kẻ khác chê bai, hoặc để
ngăn chận kh1ông cho kẻ khác phá rối họ đến cùng. Thay vì trả thù
họ, ta nên tìm cách cải thiện và giải thích cho họ biết rằng làm
như thế là không hợp lý.
- Chúng ta phải
thương yêu họ như chính mình, vì một ngày kia họ sẽ nhận thức được
hành động điên rồ của mình và bỏ dần những tập quán sai lầm. Như
thế chúng ta cần phải để cho họ có cơ hội ly ác, hoàn thiện.
- Mọi người làm
lỗi chỉ vì vô minh hay nhu nhược, nhưng chúng ta không nên có
thành kiến là họ sẽ nhu nhược mãi mãi. Họ cần phải được các bậc
đạo đức bao dung che chở. Chúng ta cần tìm mọi cách để cải thiện
họ hơn là cô lập hay bỏ mặc họ. Có thể họ tái phạm làm lỗi cũ
nhiều lần, nhưng chúng ta cần phải kiên nhẫn sửa đổi họ như một vị
bác sĩ chữa trị bệnh nhân mang một căn bệnh dễ tái phát.
- Nếu chúng ta có
ý chí, biết kiểm soát tâm minh và tri túc, kẻ khác không thể quấy
rầy hay đánh cắp hạnh phúc của ta được. Lòng bao dung và trí sáng
suốt giúp chúng ta rất nhiều trong việc thoát ly ra khỏi những
ràng buộc, những gánh nặng do phiền não gây nên, để sống một cuộc
đời thanh tịnh tự tại.
- Đức Phật dạy:
"Hạnh phúc thay chúng ta sống không thù hận giữa những người
thù hận, giữa những người thù hận chúng ta sống không thù hận.
Hạnh phúc thay ta sống kiên cường giữa những người nhu nhược, giữa
những người nhu nhược ta sống kiên cường". Trong thực tế của
cuộc đời, không ai hoàn toàn thoát khỏi những lo âu phiền muộn,
trừ khi chúng ta trở thành bậc toàn thiện. Tuy nhiên, nếu ta hiểu
rõ được bản chất của cuộc sống, không phàn nàn, bất mãn mà can đảm
nhận lãnh những kết quả của hành động mình thì đau khổ không những
không còn làm cho chúng ta sa đọa, mà còn giúp chúng ta vượt lên
đến Chân, Thiện, Mỹ.
- Phiền não và
khổ đau là phí tổn tất nhiên mà ta phải trả vì chúng đã chiếm hữu
cái thân ngũ uẩn này. Chừng nào chúng ta không còn lệ thuộc vào
khối danh sắc ấy nữa, chúng ta mới hoàn toàn thoát ly mọi phiền
muộn khổ đau.
- Khi gặp nguy
khó mà ta vẫn giữ được nụ cười trên gương mặt trầm tĩnh và sáng
suốt, giải quyết vấn đề mà không tỏ ra một chút bối rối lo âu thì
chính ta là hiền nhân quân tử.
- Tóm lại, chúng
ta phải nhận lãnh trách nhiệm cải thiện chính mình, phải can đảm
nhìn nhận khổ đau của ta do chính ta tạo nên, chứ không qui trách
cho kẻ khác. Không những thế, chúng ta còn tìm cách lấy đức độ của
mình để qui phục kẻ khác trở về con đường chân chính, đó là sứ
mạng tự giác giác tha vậy.
--o0o--
|
|