PHẬT HỌC CƠ BẢN
Con Đường Hạnh Phúc
 Viên Minh & Trần Minh Tài
--- o0o ---
 
Vô Ngã
 
Đáng lẽ chúng tôi không dám bàn đến lý Vô Ngã trong một bài tiểu luận ngắn ngủi này. Vì đó là một vấn đề thậm thâm vi diệu cần phải thực chứng hơn là bàn luận suông, vả lại nếu có đem ra nghị luận thì cũng không thể phân tích mọi khía cạnh của vấn đề một cách chu tất được. Chúng tôi chỉ mong nêu vấn đề với những ý kiến thô thiển để quý vị cùng chúng tôi suy nghiệm sâu xa hơn.
Vô ngã là một điều mà các nhà học giả từ Âu sang Á, từ cổ chí kim khi nghiên cứu giáo lý Đức Phật đều phải nhìn nhận là nổi bật nhất trong tư tưởng nhân loại. Trong khi hầu hết các tôn giáo, các nhà tư tưởng cũng như các triết gia đều chủ trương thuyết hữu ngã, dưới hình thức này hay hình thức khác, thì Đức Phật đã phát động một cuộc cách mạng tư tưởng, bẻ gẫy tất cả những lý cứ mập mờ của bản thể luận. Ngài đã ngang nhiên phủ nhận cái gọi là Atman của các tư tưởng hệ Ấn Độ, nhất là của Bà La Môn giáo. Ngài thẳng thắn gọi bản ngã là Vọng ngã, không có thực thể tuyệt đối hay bất biến.
Đoạn kinh sau đây trong Samyutta Nikaya (Tương Ưng Bộ) đã làm đảo lộn thuyết thường tại, thuyết đoạn diệt và vô nhân thuyết:
"Một ngày nọ Đại Đức Kassapa đến hỏi Đức Phật :
-- Bạch Đức Thế Tôn phải chăng đau khổ do ta tạo nên?
Đức Phật trả lời:
-- Không phải vậy, Kassapa.
-- Bạch Đức Thế Tôn, thế thì đau khổ do kẻ khác tạo ra?
-- Không phải vậy, Kassapa.
-- Bạch Đức Thế Tôn, hay là đau khổ vừa do ta vừa do kẻ khác tạo ra?
-- Này Kassapa, cũng không phải vậy.
Đại Đức Kassapa lại hỏi:
-- Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ đau khổ ngẫu nhiên phát khởi?
-- Này Kassapa, Như Lai không hề chủ trương như thế.
-- Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ nào Ngài dạy không có đau khổ hay sao?
-- Không, Kassapa, Như Lai xác nhận có đau khổ.
-- Bạch Đức Thế Tôn, phải chăng Ngài không thấy và không biết đau khổ?
-- Này Kassapa, quả thật Như Lai đã từng thấy và biết đau khổ.
Lúc bấy giờ, Đại Đức Kassapa vô cùng ngạc nhiên, vì từ xưa, ai ai cũng nghĩ rằng Đức Phật dạy: kẻ nào tạo nghiệp ác thì kẻ ấy phải gánh chịu quả khổ. Hôm nay chính Đức Phật đã phủ nhận tất cả những điều chúng ta hằng tin tưởng.
Vì chưa hiểu rõ lời giáo huấn thậm thâm vi diệu của Đức Phật, nên Đại Đức Kassapa kính cẩn hỏi tiếp:
-- Bạch Đức Thế Tôn, một đàng Ngài dạy đau khổ không do ta tạo nên, không do kẻ khác tạo nên, cũng không ngẫu nhiên phát khởi, một đàng Ngài xác nhận có đau khổ và Ngài đã từng kinh nghiệm đau khổ. Thật là bất khả tư nghị, kính xin Đức Thế Tôn mở lòng từ bi khai thị cho đệ tử.
Đức Thế Tôn ôn tồn đáp :
-- Nầy Kassapa, ai bảo rằng người hành động là kẻ nhận lấy kết quả tức là nói rằng đau khổ của một chúng sanh do chính chúng sanh ấy tạo ra. Đó chỉ là thường kiến. Ai bảo rằng một người hành động, một người gặt quả tức là bảo rằng đau khổ của một chúng sanh do chúng sanh khác tạo ra. Đó cũng chỉ là đoạn kiến.
Nầy Kassapa, không theo hai biên kiến đó, Như Lai chủ trương rằng: "Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ. Đoạn diệt được tham, sân, si tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ phải chấm dứt".
Chúng tôi xin mạn phép giải thích đoạn kinh trên để quí vị dễ lãnh hội lời giáo huấn cao siêu của Đức Phật. Trước hết chúng tôi xin nhắc lại, Đạo Phật bác bỏ thuyết thường tại hay thường kiến. Thuyết này chủ trương con người hay bên trong con người là một bản ngã trường cửu bất biến, sau khi chết còn tồn tại mãi mãi. Mặt khác, Đạo Phật cũng phủ nhận cả thuyết đoạn diệt hay đoạn kiến, chủ trương sau khi chết là hết và như thế người tạo nhân không thể nào gặt quả được.
Như thế nếu bảo rằng người tạo nghiệp chính là người gặt quả, có nghiã là lúc tạo nghiệp và lúc gặt quả người ấy vẫn là một, không có gì thay đổi; đã không thay đổi tức là thường tại, bất biến, điều nầy đạo Phật gọi là thường kiến.
Chúng tôi xin lấy một ví dụ, như mọt người tên A tạo một nhân bất thiện, sau khi chết người ấy bị đọa vào cảnh khổ, dưới hình thức một súc sanh B chẳng hạn. Nếu bảo chính người tạo nghiệp sẽ gặt quả khổ, thì ở đây điều đó đã bị chứng minh sai, vì rõ ràng là người tên A tạo nghiệp mà chúng sanh B gặt quả.
Nhưng nếu bảo rằng người tạo nghiệp không phải là người gặt quả tức là chủ trương đoạn kiến, vì cho rằng người hành động không còn tồn tại nữa, và kẻ gặt quả là một chúng sanh hoàn toàn khác biệt. Điều nầy cũng bị chứng minh là sai lầm.
Ví dụ như một người bị kết án 10 năm khổ sai vì phạm pháp, nhưng anh ta trốn biệt tích trước khi thi hành án quyết. Mãi đến 10 năm sau nhân viên công lực mới bắt được anh ta. Lúc bấy giờ anh đã già đi và hoàn toàn đổi khác nên khó nhận ra chính anh là người đã phạm pháp trước đây. Tuy nhiên khi điều tra kỹ lưỡng, anh vẫn bị tống giam như bản án đã phán xử. Vì anh không thể viện lẽ rằng lúc anh phạm pháp là một người khác và lúc này là một người khác được.
Cả hai luận cứ về bản ngã nêu trên đều bị Đức Phật cho là biên kiến, nghĩa là những phán đoán theo cái nhìn phiến diện: khi ở một trắc diện này thì thấy bản ngã trường tồn, ở một bình diện khác lại thấy là đoạn diệt.
Như vậy thuyết Vô Ngã của Đức Phật là gì ?
Đạo Phật chủ trương Vô Ngã không có nghĩa là không có cái Ta nhưng là một cái Ta không có thực thể, vì biến đổi không ngừng và luôn luôn "trở thành cái gì không phải là chính nó". Không có thực thể nghĩa là không có một bản ngã hay cái Ta trường tồn, bất biến. Nhiều học giả nghiên cứu Giáo Lý Đức Phật, sau khi nhìn nhận không có cái "giả ngã" lại đi chấp vào một cái gọi là "chân ngã" vì hiểu lầm rằng: "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh" mà Phật tánh là cái chân ngã trường tồn bất biến. Hiểu như thế hóa ra đi từ bác bỏ đoạn kiến đến chỗ chấp vào thường kiến mà không hay! Nếu bảo có chân ngã tức Phật tánh là trường tồn, bất biến thì vì sao kinh Bát Nhã lại dạy Phật tánh là: "Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm..." Đã bất sanh, bất diệt thì còn cái gì để trường tồn, bất biến? Và giả sử có cái trường tồn, bất biến thì tự nó đã nằm trong vòng tương đối với hủy diệt, biến dịch. Vậy chúng ta không nên gán cho Phật tánh cái tên chân ngã đối với giả ngã.
Cũng xin quý vị đừng hiểu lầm "Cái ta luôn luôn trở thành cái gì khác không phải là chính nó" mà chúng tôi vừa nói trên đồng nghĩa với thuyết đoạn diệt.
Đạo Phật nhìn nhận rằng khi A trở thành B, B trở thành C, thì A, B và C không thực hữu. Nhưng không bảo rằng A hoàn toàn khác B, khác C vì đó là đoạn kiến, cũng không bảo rằng A giống B, giống C hay nói cách khác A, B, C chỉ là một, không biến đổi, vì đó là thường kiến.
Cái "Ta" theo Đạo Phật chỉ là một sự kết hợp của ngũ uẩn tức là năm yếu tố: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong Ngũ Uẩn dụ, Đức Phật ví năm yếu tố cấu thành bản ngã như sau:
1) Sắc như phù mạt (Phenupindupamamrupam): về phương diện vật chất, xác thân của con người tan hợp, hợp tan như bọt nước trôi giạt đó đây không định hướng.
2) Thọ như thủy bào (Vedana bubbulupama): những cảm giác vui khổ của thân và tâm đều sinh diệt bất thương giống như những bong bóng trên mặt nước.
3) Tưởng như ảo ảnh (Maricukapamasanna): Tri giác ví như những giả cảnh mà người lữ hành trong sa mạc thường thấy, chỉ là những ảo ảnh của thị giác.
4) Hành như hương giá (Sankharakadapama): Những tác động thiện ác hay duy tác đều không vững chắc giống như loại cây mềm yếu, dễ uống theo chiều gió.
5) Thức như ảo thuật (Mayupamavinnanam): tâm thức của con người biến ảo như trò quỉ thuật. Theo Phật Giáo sự biến đổi của tâm 16 lần nhanh hơn sự biến đổi vật chất.
Ngũ uẩn hay bản ngã được tạo thành bởi những yếu tố bất định, nên chính nó cũng bất định và không thực hữu vì luôn luôn dị biến. Những dị biến không có nghĩa là hoàn toàn đổi khác một cách ngẫu nhiên, mà biến đổi theo định luật Nhân-Quả: B là quả của A và là nhân của C, do đó chúng không giống nhau cũng không khác nhau mà liên hệ với nhau mật thiết. Vì có A mà B sinh, vì có B mà C sinh. Nếu không có A thì B và C cũng không có (Imasmim sati, idam hoti, imasmim asati, idam na hoti). Như vậy bản ngã chỉ là một tiến trình biến đổi của danh và sắc theo mối dây liên hệ nhân quả mà chúng ta có thể hiểu theo Đại Đức Buddhaghosa (tác giả Thanh Tịnh Đạo) rằng: "Không có cái tôi tạo nghiệp cũng không có cái tôi gặt quả, chỉ có dòng nghiệp báo triền miên".
Và động lực vận chuyển dòng nghiệp báo triền miên ấy là Tham, Sân, Si như Đức Phật đã dạy trong đoạn kinh trên : "Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là nguyên nhân của mọi đau khổ. Đoạn diệt được ba nhân ấy là phá hủy động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ chấm dứt ".
Tóm lại, cái Ta chỉ là một hiện tượng tâm-vật-lý chứ không phải là một bản ngã trường tồn, vĩnh cửu, cũng không phải là một chân ngã thường tại - dù dưới hình thức "Phật tánh hữu thể hóa" - như nhiều người đã lầm tưởng.
--o0o--