-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- Con Đường Hạnh Phúc
- Viên Minh &
Trần Minh Tài
- --- o0o ---
-
- Giải Phóng Tư
Tưởng
-
- Nói theo
Pascal: "Con người là một cây sậy biết tư tưởng", nhưng nếu tư
tưởng giúp con người vượt xa loài vật thì cũng chính tư duy giam
hãm con người trong vòng lẩn quẩn của vọng tưởng và đưa đến kiến
chấp. Cuộc chiến tranh ý thức hệ ngày nay cũng đủ chứng minh rằng
nhân loại đang tự tiêu diệt trong chính tư tưởng của mình. Vì vậy
Đạo Phật chủ trương giải phóng được tư tưởng tức là giải thoát.
- Con đường đưa
đến cuộc giải phóng tư tưởng là suy nghĩ chơn chánh: Chánh
Tư Duy.
- Chánh Tư-Duy là
một chi pháp trong Bát-Chánh Đạo. Danh từ Phạn ngữ gọi là Sammà
sankappa. Sammà là chân chánh, Sankappa do động từ Sankappeti là
suy tư hay nghĩ tưởng. Những danh từ phạn ngữ Sannà (tưởng),
Vipassanà (Quán), Cintà (tư), Anupassanà (trầm tư mặc tưởng) tuy
có nghĩa riêng của nó nhưng ở đây được xem như đồng nghĩa với
Sankappa (Tư Duy).
- Trong Tam Huệ,
Tư duy là một pháp rèn luyện trí huệ, nhưng tư duy đó phải là một
thứ suy nghĩ chơn chánh. Có suy nghĩ chân chánh thì tri kiến mới
chơn chánh, hành động và lời nói mới chân chánh, như thế chúng ta
thấy rằng Chánh Tư Duy đóng một vai trí quan trọng trong việc tu
tập để chóng đạt tới đích giải thoát giác ngộ.
- Vậy thế nào gọi
là Chánh Tư Duy?
- Tư tưởng chân
chánh là pháp đối trị ba thứ vọng tưởng hay tà tư duy:
- 1. Dục tưởng:
Suy nghĩ đến dục lạc (kàmasukha), nói một cách khác là tư tưởng
bám víu trong tài, sắc, lợi, danh hay trong ngũ trần: Sắc, Thinh,
Hương, Vị, Xúc.
- 2. Sân tưởng:
Là nuôi tâm niệm bất bình giận hờn ganh ghét về những đối tượng
không vừa lòng hợp ý.
- 3. Hại tưởng:
Suy nghĩ những phương kế hãm hại kẻ thù nghịch với mình, nhất là
tiêu diệt đối thủ.
- Trái với ba
vọng tưởng đó là Chánh Tư Duy :
- 1. Ly dục
tưởng: Hằng suy nghĩ đến tính cách vô thường, tạm bợ của pháp
trần. Đức Phật ví sự tan hợp của ngũ trần hay nói chung là pháp
hữu vi như giấc mộng, như trí huyễn hóa, như bọt nước, như ảo ảnh,
như sương mai, như ánh chớp trên không trung (Nhất thiết hữu vi
pháp, như mộng, huyễn, bào, ảnh, như lộ diệc như điện ưng tác như
thị quán). Suy nghĩ như thế là để thoát dần ra khỏi trói buộc của
dục lạc ngũ trần. Đời sống của chúng ta hẳn sẽ tự tại, hạnh phúc
hơn khi không còn bị dục lạc chi phối. đúng như một nhà tư tưởng
Tây phương đã nói: "Muốn có được những hạnh phúc cao thượng thì
hãy lánh xa những lạc thú đê hèn".
- 2. Ly sân
tưởng: Không nuôi trong lòng những tư tưởng sân hận. Trong Pháp Cú
kinh Đức Phật có dạy:
- "Nó nhục mạ
ta, đánh đập ta, chiến thắng ta và cướp đoạt của ta. Người nào
hằng ôm ấp những tâm niệm như thế thì oán hận không bao giờ nguôi
... nhưng kẻ nào xả ly được những tâm niệm ấy thì oán hận ắt phải
tiêu tan" (Akkochimam avadhimam, ajinimam ahàsime. Ye tam upa
nayhanti, veram tesam nasammati... ye tam nu panayhanti veram
tesùpasammati).
- Một đoạn kinh
khác dạy: "Phải dứt bỏ sân hận, phải tránh xa ngã mạn và đoạn
lìa mọi ràng buộc thì phiền não không thể chi phối được".
Thật vậy người ôm ấp tư tưởng sân hận tự đốt cháy lấy mình bằng
chính tư tưởng sân hận đó trước khi gia hại được kẻ khác.
- Muốn giải phóng
tư tưởng ra khỏi sân hận phải diệt trừ tâm niệm đó bằng cách rèn
luyện Đức tính Từ Bi Hỷ Xả. Vì chỉ có lòng Từ Bi mới diệt được hận
thù (Averana veràni sammanti). Trái lại hận thù chỉ làm cho hận
thù thêm chồng chất.
- Trong 40 đề mục
thiền định, đề mục đối trị tâm niệm sân hận là Từ Bi Quán (Mettà
Bhavana). Từ Bi Quán là rải từ tâm đến tất cả chúng sanh không
phân biệt thân hay thù, người hay vật. Như vậy người hành Từ Bi
Quán phải luôn luôn giữ tâm cởi mở, trong lành và mát dịu như nước
cam lồ, phải hằng niệm tưởng như vầy:
- -- "Nguyện
cho tất cả chúng sanh đừng có oan trái lẫn nhau, hãy cho được an
vui." (Sabbe sattà averàhontu, sukhità hontu).
- Chúng ta có thể
niệm tưởng như thế bất cứ lúc nào chứ không cần phải ngồi kiết già
hàng giờ như khi thực hành các đề mục thiền định khác.
- Hồi hướng công
đức sau mỗi lúc ta làm được một điều phước thiện, cũng là một hình
thức khác của Từ Bi Quán. Nhờ niệm tâm từ mà dần dần hành giả dẹp
bỏ được lòng oán hận, ganh tị, bơn sẻn, vị kỷ và phát huy tâm bác
ái, hoan hỷ, quảng đại, vị tha.
- Một bậc chỉ có
thể gọi là Bồ Tát khi đã phát tâm cứu độ chúng sanh, nghĩa là phải
có tâm từ bi xuất chúng, chứ không thể tự xem mình là Bồ Tát khi
tâm còn ôm ấp hận thù oan trái.
- 3. Ly hại
tưởng: Là dẹp bỏ những ý nghĩ hãm hại kẻ khác. Con người vì quá
chấp ngã và ngã sở nên sẵn sàng hãm hại, tiêu diệt kẻ nào đụng đến
quyền lợi, danh dự của mình. Nhưng nếu mình biết tự ái, biết tự
bảo vệ hạnh phúc và sự sống còn của mình thì tại sao không tôn
trọng hạnh phúc và sự an nguy của kẻ khác? Đức Khổng Tử dạy: "Kỷ
sở bất dục vật thi ư nhân" (cái gì ta không muốn thì đừng làm cho
người). Vậy ta không muốn đau khổ thì tại sao tìm hạnh phúc trên
sự đau khổ của kẻ khác. Và sao ta không tìm hạnh phúc bằng cách
đem an vui đến tha nhân, như câu châm ngôn Tây phương nói rằng:
"Bàn tay tặng hoa hồng tự nó thỏm trước."
- Người Phật tử
nên ghi nhớ lời dạy sau đây của Đức Từ phụ:
- "Ai ai cũng
sợ gươm đao, ai ai cũng đều sợ chết. Lấy bụng ta suy bụng người,
không nên giết hại, cũng không nên bảo ai giết hại mà phải thực
hành tâm hỷ xả, bao dung để diệt trừ tâm niệm hãm hại kẻ khác".
- Trên đây là
chúng ta vừa nói đến ba Pháp Chánh-Tư-Duy để đối trị với ba ác
tưởng. Trong kinh khác Đức Phật lại dạy thêm 10 Pháp Tư-Duy gọi là
Thập Tưởng.
- 1. Vô thường
tưởng (Aniccà Sannà): Suy tưởng đến nguyên lý thứ nhất của vạn hữu
là Vô Thường. Nhìn sự sinh diệt của hiện tượng ngoại giới cũng như
chính nội tâm, ta biết rằng: "Các Pháp do nhân duyên hợp khởi đều
phải bị định luật biến đổi chi phối" (Sabbe Sankhàrà aniccà). Suy
nghĩ như thế là để giải phóng tư tưởng ra khỏi các vọng chấp
tướng.
- 2. Khổ tưởng
(Dukkha Sannà): Suy nghĩ đến tính cách khổ não của đời sống trong
hiện tượng giới. Chữ khổ ở đây không hoàn toàn ám chỉ thân khổ hay
tâm khổ, như sinh, già, đau, chết, phiền muộn, uất ức ... mà còn
bao hàm tính cách bất lợi, phiền toái của pháp hữu vi (sabbe
sankhàrà dukkhà). Đức Lão Tử than rằng: "Ngô sở dĩ hữu đại hoạn
giả, vị ngô hữu thân, cập ngô vô thân ngô hữu hà hoạn." Cái thân
Đức Lão Tử nói đây thuộc về pháp hữu vi nghĩa là do nhân duyên
sinh khởi và cái đại hoạn đó chính là chữ Khổ trong Đạo Phật. Pháp
hữu vi khiến ta vướng mắc không được tự tại nên là đại hoạn, là
khổ vậy.
- 3. Vô ngã tưởng
(Anatta SaƯnƯnà): Suy nghĩ đến bản chất rỗng không của các pháp.
Hiện tượng luôn luôn biến đổi nên không có thực thể, con người
được xem như là một hiện tượng tâm vật lý, gồm danh (nàma) hay tâm
giới và sắc (rùpa) hay vật thể giới. Vậy toàn bộ cái gọi là Ta
cũng không có thực thể nghĩa là vô ngã. Không phải riêng hiện
tượng tâm vật lý mới là vô ngã, mà tất cả các pháp đều không có
thực thể (Sabbe dhammà anattà), nhờ suy tưởng như thế mà dần dần
ta thoát ra khỏi chấp ngã và ngã sở để đi đến chỗ tự tại vô ngại.
- 4. Yếm ly thực
tưởng (Ahàre patikkulasannà): Tư tưởng không vướng bận trong việc
mưu sinh. Tục ngữ Pháp nói rằng: ăn để sống chứ không phải sống để
ăn. Vì vậy Đức Phật dạy các vị Tỳ Khưu phải tiết độ trong việc ẩm
thực (Bhojanamhi mattannum) và quán tưởng vật thực chỉ là tứ đại,
ta phải dùng để duy trì sức khoẻ hầu tu hành theo đạo cao thượng.
Quán tưởng như vậy là để chúng ta không còn nô lệ vào vật chất một
cách quá đáng. Mới xem ra yếm ly thực tưởng có vẻ tầm thường nhưng
lịch sử đã chứng minh rằng nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu từ cổ
chí kim gây ra bởi tranh giành ảnh hưởng kinh tế, nói một cách nôm
na là vì miếng cỏm manh áo.
- Như thế chúng
ta phải xem ăn uống chỉ là phương tiện, chứ đừng đặt nó làm mục
đích của cuộc sống, vì cứu cánh của đời sống phải là cái gì cao
thượng hơn.
- 5. Nhất thiết
thế gian bất khả lạc tưởng (Sabbaloke anabhitasannà): Tư tưởng tự
tại đối với tất cả thế gian pháp. Chữ Thế gian (loka) theo đệ nhất
nghĩa đế (paramattha sacca) là những gì phát xuất từ căn Tham, Sân
và Si, nói một cách khác là kết quả của vô minh và ái dục. Đức
Phật dạy rằng, chúng sanh bị chi phối bởi Tám Pháp Thế Gian là:
được lợi, mất lợi, được danh, mất danh, được khen, bị chê, được
vui, bị khổ. Người nào tự giải phóng tư tưởng ra khỏi ba căn bất
thiện, không vướng mắc trong Tám Pháp Thăng Trầm của thế gian thì
chắc chắn được tự do, giải thoát.
- 6. Tử tưởng
(Marana sannà): Suy nghĩ đến cái chết tất hữu của mình. Có người
mới nghe đến hai chữ Tử Tưởng đã vội cho rằng đđao Phật bi quan
đến nỗi đang sống mà đã nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra đó là một
thái độ rất tích cực và can đảm. Can đảm vì dám đối diện với một
sự thật phũ phàng, và tích cực vì không bó tay chịu chết mà đứng
lên tranh đấu và sẵn sàng đối phó với tử thần. Như một nhà tư
tưởng nói rằng: "Nghệ thuật sống giống như đánh vợt phải luôn luôn
sẵn sàng để đối phó với những cú bất ngờ."
- Hơn nữa Đức
Phật dạy suy nghĩ đến cái chết là gián tiếp bảo chúng ta phải:
- -- Chiến đấu
từng giây từng phút, không để mất một giờ khắc nào trong sứ mạng
tự giác, giác tha.
- -- Chấp nhận
cái chết như một sự kiện hiển nhiên, trong khi nỗ lực tu niệm như
một chiến sĩ cảm tử ra mặt trận đã chấp nhận trước cái chết của
mình nên mới dám xông pha trong gưỏm đạn.
- -- Thấy sống
chết là sự thường để không còn bị chi phối bởi những thăng trầm
của cuộc đời.
- Thiền sư Vạn
Hạnh đã dạy chúng ta:
- Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
- Thân như bóng chớp chiều tà
Cỏ xuân tưỏi tốt, thu qua rụng rời
Sá chi suy thạnh việc đời
Thạnh suy như hạt sương rỏi đầu cành (Thích Mật Thể dịch)
- 7. Đa quá tội
tưởng (Asabhà sannà): Asabhà là bất tịnh, ám chỉ 32 thể trược
trong thân ta. Vì sao Đức Phật dạy ta phải quán tưởng thân bất
tịnh? Như chúng ta từng thấy, nhiều người vì quá trọng thân xác và
bảo vệ nó với bất cứ giá nào. Đạo Phật gọi đó là thân kiến, thân
kiến là một trong mười kết sử mà một người muốn giải thoát phải
cắt đứt. Nhưng đừng hiểu lầm rằng diệt thân kiến là tự hủy bỏ xác
thân mình. Chính đức Phật dạy phải giữ gìn cho thân thể tráng kiện
để dễ dàng tu niệm. Và chúng ta phải biết rằng giữ gìn thân thể
khoẻ mạnh là khác còn quá quí trọng thân xác là chuyện khác. Một
người khoẻ mạnh có thể hy sinh thân mình cho nghĩa cử vị tha cao
đẹp, còn người quá quí trọng xác thân thì trái lại có thể hãm hại
kẻ khác để mình được vinh thân phì gia.
- 8. Ly tưởng
(Pahàna sannà): Tư tưởng xuất ly tam giới. Một trong bốn điều làm
cho chúng sanh chìm đắm trong vòng luân hồi là dục lậu, có nghĩa
là mê chấp vào sự hiện hữu trong tam giới. Ngay cả bậc thiền cao
nhất là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ cũng còn gọi là hữu lậu. Bao
lâu chưa diệt tận hữu lậu thì chưa thể giải thoát được. Lúc Bồ Tát
Sĩ Đạt Đa vào rừng tầm đạo, Ngài được nhiều vị thiền sư Bà La Môn
chỉ giáo và chẳng bao lâu Ngài đắc được các bậc thiền. Đối với
những vị Bà La Môn như thế Ngài đã giải thoát, nhưng Bồ Tát tự
thấy tư tưởng của mình vẫn còn lệ thuộc trong vòng tam giới rồi
Ngài quyết thoát ra khỏi những hữu lậu vi tế nhất còn tiềm tàng
ngay trong các thiền tâm. Cuối cùng dưới cội cây Bồ đề tại
Bodhigàya Ngài đã toàn tất cuộc giải phóng tối hậu và đã được siêu
xuất tam giới.
- 9. Diệt tưởng
(Nirodha sannà): Là hằng hoài bão tâm niệm diệt tận phiền não.
Phiền não có nhiều thứ, như 10 kiết sử, 14 tâm sở bất thiện, 11
thứ là phiền não; bốn hoặc lậu... nhưng nói chung là tham, sân, si
hay vô minh và ái dục. Chính phiền não là một cái lưới phong tỏa,
hay lò là (hỏa trạch) thiêu đốt chúng sanh. Tư tưởng chỉ được giải
phóng khi đã dẹp tan được những kềm chế của những phiền não.
- 10. Vô ái tưởng
(Viràga sannà): Cuối cùng là giải phóng tư tưởng ra khỏi ái dục.
Kinh Dhammapàda (Pháp Cú), phẩm Piya vagga, dạy rằng: "Ái dục
sinh ra sầu muộn, ái dục sinh ra lo sợ. Người đã hoàn toàn dập tắt
ái dục không còn sầu muộn, lo sợ nữa." Thật vậy, tư tưởng của
chúng ta còn bị ảnh hưởng ái dục thì chưa thể tự tại vô ngại được.
- Nói tóm lại,
một cuộc cách mạng khó khăn nhất là cuộc cách mạng giải phóng tư
tưởng ra khỏi ràng buộc ngoại giới cũng như những ô nhiễm nội tâm,
vì tư tưởng đòi hỏi nhiều thử thách cam go qua các giai đoạn huấn
luyện và phấn đấu để tìm tự do. Cho đến khi tư tưởng được hoàn
toàn tự chủ không lệ thuộc vào một sở tri chướng, một phiền não
chướng nào, đó chính là Chánh Tư Duy vậy.
--o0o--
|
|