PHẬT HỌC CƠ BẢN
Con Đường Hạnh Phúc
Viên Minh & Trần Minh Tài
--- o0o ---
 
Thoát Vòng Nô Lệ
 
Như những tên tội nhân bị trói tay, bịt mắt để cho người dẫn đi hành hình hay đưa đến bất cứ một lao xá nào mà mình không biết. Họ phải chịu khổ đau bởi tội lỗi của mình. Cũng vậy chúng ta hiện hữu trên cõi đời bị tham dục, hữu ái, kiến chấp, vô minh che lấp và dẫn dắt chúng ta trôi dạt, đắm chìm trong vòng sinh tử luân hồi. Hãy cố tìm cách cắt đứt mọi dây ràng buộc mà mình đã tự trói lấy mình. Hãy thắp sáng ngọn đèn trí tuệ để thấy đâu là chánh đạo, đâu là mê đồ hầu sớm chọn đường giải thoát.
Buồn thay, không mấy ai trong chúng ta nhận chân được thân phận đọa đày của mình trong kiếp sống trầm luân, không mấy ai dám nhìn thẳng vào thực trạng nô lệ của mình trong gông cùm bản ngã. Chúng ta cứ mãi chìm sâu trong bể khổ vì tưởng bã mồi danh lợi là chân hạnh phúc, và không biết rồi đây sẽ ngã gục ở một phương trời nào mà cứ tưởng mình đang hướng về một tiền đồ sáng lạn. Vì thế Đức Phật phải ân cần nhắc nhở:
"Cười sao được, vui sao được khi thế gian đang bị thiêu đốt và màn đen bao phủ, sao không tìm ánh sáng thoát ly?".
Thật vậy, con người bị dục vọng thiêu đốt, và màn đen vô minh che lấp, chỉ có ánh sáng trí tuệ mới có thể dập tắt ngọn lửa ái dục, xé toang màn vô minh ấy để đưa ta đến nơi giải thoát.
Đức Phật không những đã đánh thức chúng ta, mà còn chỉ cho chúng ta thấy rõ đâu là ách nô lệ, đâu là phương cách thoát ly nô lệ.
Trong kinh Sabbàsava, Majjhima-nikàya (Trung Bộ), Đức Phật đề cập đến các Hoặc Lậu (àsava) như những gánh nặng (yoga) nhận chìm chúng sanh trong trầm luân khổ hải và Ngài đưa ra bảy phương pháp thoát ly những cùm xích nô lệ này. Trước khi nói đến các phương pháp đối trị hoặc lậu, ta phải tìm hiểu Hoặc Lậu là gì ?
I.- Hoặc Lậu là gì ?
Theo Phạn Ngữ danh từ àsava có cùng ngữ căn với động từ àsavati hay assavati nghĩa là chảy rỉ ra. Một con thuyền bị rạn nứt, nước thấm vào càng lâu càng đầy thì sẽ có lúc chìm đắm. Cũng vậy, những phiền não nội tại rỉ ra làm ô nhiễm thân tâm, khiến cho lục căn bất tịnh và từ đó lục căn trở thành những cám dỗ vô cùng nguy hiểm.
Tùy theo tác dụng của những phiền não này mà đôi lúc hoặc lậu được gọi dưới những tên khác như ách nô lệ (Yoga), trầm luân (Osidàpana), trầm mịch, hay dòng nước lũ (Ogha). Bởi vì chúng trói buộc, nhận chìm và lôi cuốn chúng sanh trôi nổi trong sông mê bể khổ.
Theo kinh Sabbàsava có ba thứ Hoặc Lậu: Dục Lậu, Hữu Lậu và Vô Minh Lậu. Tuy nhiên để tiện việc giải thích, trong bộ Chú giải (Atthakathà), Kiến Lậu được tách rời khỏi Hữu Lậu. Như vậy có tất cả bốn thứ Hoặc Lậu.
1. Dục Lậu (Kàmàsava): Danh từ Phạn ngữ Kàma thường được dịch là Lạc Dục. Xét cho kỹ, lạc dục có hai khía cạnh, đứng về phương diện chủ thể lạc dục là ưa thích thụ hưởng những khoái cảm của giác quan, về phương diện khách thể là buôn trôi theo sức lôi cuớn đối tượng ngoại giới (trần cảnh). Ngọn lửa tham dục nầy có khả năng làm nhiễu loạn thân tâm, vì vậy được gọi là dục lậu.
Dục lậu thường biểu lộ dưới nhiều hình thức như Hỷ Ái, Tham Ái, Tham Dục, Ái Dục... Nhưng dù ở trạng thái nào, về phương diện bất thiện, dục lậu vẫn là một ách nô lệ cần phải tháo gỡ mới được tự do.
Đức Phật dạy rằng chính Hỷ Ái, Tham Ái, Tham Dục, Ái Dục sinh ra phiền muộn và lo âu, chừng nào không còn những tâm niệm sai lầm ấy con người mới thoát khỏi ách nô lệ (Yopakkema).
Nguyên nhân khiến chúng ta tự trói mình trong ách nô lệ của Dục Lậu là vì phán đoán sai lầm về bản chất của thọ cảm và nhận định quá chủ quan về giá trị của đối tượng ngoại giới.
2. Hữu Lậu (Bhavàsava): Hầu như tất cả mọi người, ai ai cũng muốn được tồn tại mãi mãi. Dù sống trong đau khổ họ vẫn ước ao được sinh tồn với hy vọng một ngày nào đó hạnh phúc sẽ đến. Khát vọng được tồn tại vĩnh viễn, đặc biệt là tồn tại trong Sắc và Vô sắc giới gọi là Hữu Lậu. Nhiều tôn giáo hay Triết phái đã cố gắng đưa ra những hình ảnh trường cửu như Thượng Đế, Đại Ngã, Phạm Thiên cùng với những tín điều khác hấp dẫn nhằm thỏa mãn những thị hiếu này của con người.
Có thật con người sẽ được đời đời sống an lành dưới sự che chở của đấng Toàn Năng hay Đức Phạm Thiên nào đó như những lời hứa hẹn của các Tôn Giáo ấy không ?
Đức Phật khẳng định: Không! Ngài nói những hứa hẹn trên chỉ làm cho con người đắm chìm sâu hơn trong bể trầm luân và đó chính là hữu lậu.
Nếu hành thiền định, người Phật tử cũng có thể đến được những cõi trời hữu hay vô sắc và sẽ hưởng hạnh phúc ở đó một thời gian khá lâu. Nhưng theo Đức Phật, dù là cõi trời cao nhất như Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ thiên vẫn còn nằm trong vòng Tam Giới, nghĩa là vẫn bị các Hoặc Lậu chi phối. Và bao lâu còn hoặc lậu thì chưa thể giải thoát. Vì thế thiền định đối với Đạo Phật chỉ là phương tiện để làm cho tâm thanh tịnh chứ chưa phải là cứu cánh giải thoát. Muốn giải thoát giác ngộ phải hành thiền để đạt Minh Sát Tuệ.
3. Kiến Lậu (Ditthisava): Quan niệm của mỗi người về vũ trụ và nhân sinh có ảnh hưởng rất lớn đối với đời sống của họ. Hễ quan niệm còn sai lầm (tà kiến) thì con người còn phải nô lệ phiền não vì thế tà kiến được xem là một trong những ách nô lệ hay hoặc lậu cần phải tiêu trừ.
Vào thời Đức Phật, nước Ấn Độ có rất nhiều tôn giáo, mỗi tôn giáo có những quan niệm sai khác về Vũ Trụ và nhân sinh. Tuy nhiên không phải tất cả các quan niệm ấy đều hợp với chân lý. Sáu mươi hai trong số các quan niệm ấy bị Đức Phật chứng minh là tà thuyết gồm có Thường Trú Luận, Vô Thường Trú Luận, Phi Phi Tưởng Luận, Đoạn Diệt Luận, Hiện tại Niết Bàn Luận và các luận thuyết chắp nối các quan niệm trên.
Chúng ta có thể phân loại các tà kiến trên thành hai nhóm:
a- Thường Kiến (Sàssata ditthi): là quan niệm cho rằng bản ngã và thế giới trường tồn vĩnh cửu.
b- Đoạn Kiến (Uccheda ditthi): là quan niệm chủ trương bản ngã hoàn toàn hủy diệt sau khi thân hoại mạng chung. Đoạn kiến đưa con người đến chỗ bất chấp thiện ác và nhân quả.
Cả hai kiến chấp trên đều là những trở ngại lớn lao trong việc giải phóng con người ra khỏi thành trì bản ngã.
4. Vô Minh Lậu (Avijjàsava): Thế gian là cõi u tối vì vô minh chi phối tất cả chúng sanh sống ở trong đó. Vì bản tính của vô minh là không sáng suốt, không thấy được đâu là chân, đâu là giả hay nói một cách khác là không thấy được thực tướng của bản ngã và thế giới.
Qua lớp màn đen u minh ấy, chúng sanh thấy vô thường là thường còn, khổ não là hạnh phúc và vô ngã là hữu ngã.
Đứng về một phương diện khác, vô minh ám chỉ những chúng sanh chưa thực chứng được lý Tứ Diệu Đế và Thập Nhị Nhân Duyên. Mãi đến lúc Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ Đề Ngài mới thật sự thấy rõ đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của sự khổ, đâu là nơi diệt khổ và đâu là con đường đưa đến nơi diệt khổ. Và Ngài nắm được giềng mối hình thành của vòng luân hồi qua Thập Nhị Duyên Khởi. Nhờ đó Ngài mới hoàn toàn trút bỏ được ách nô lệ của phiền não và thật sự sống một cuộc sống tự tại giải thoát.
II.- Con Đường Thoát Ly:
Chúng ta đã nói đến các hoặc lậu như những ách nô lệ ràng buộc chúng sanh trong vòng sanh tử luân hồi, nguyên nhân và sức tàn phá của chúng, bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu bảy phương pháp thoát ly ra khỏi các ách nô lệ mà Đức Phật đã giới thiệu trong Kinh Sabbàsava, Majjima Nikàya (Trung Bộ).
Bảy phương pháp sau đây không những có tính cách đạo đức mà còn phù hợp với khoa Tâm Lý Liệu Pháp (Psychotherapy) ngày nay, đó là: Kiến Pháp (Dassanà), Nhiếp phục (Samvara), Tỉnh Dụng (Patisevanà), Nhẫn Thống (Adhivàsanà), Viễn Ly (Parivagganà), Trừ Đoạn (Vinodanà) và Luyện Tâm (Bhàvanà).
Chúng tôi xin lần lượt trình bày lời chỉ dẫn của Đức Phật trong nửa đoạn sau của Kinh Sabbàsava; tức là phần nói về phương pháp diệt trừ Hoặc Lậu.
1. Kiến Pháp (Dassanà): nghĩa là chú tâm quan sát bằng trí tuệ để thắng các nội pháp (chủ thể) và ngoại pháp (đối tượng ngoại giới, khách thể) đúng với chân tướng của chúng.
Đức Phật dạy: về phương diện chủ thể, có hai cách chú tâm là chú tâm hợp lý (Yoniso manasikàra) và chú tâm phi lý (Ayoniso manasikàra); về phương diện đối tượng, có hai pháp là pháp đáng chú tâm (manasikàraniyà dhammà) và pháp không đáng chú tâm (Amana sikàraniyà dhammà).
Như vậy, nếu chú tâm vào các pháp không đáng chú tâm thì các hoặc lậu chưa có sẽ phát sanh và các hoặc lậu đã có sẽ tăng trưởng. Trái lại nếu chú tâm hợp lý vào các pháp đáng chú tâm thì các hoặc lậu chưa có sẽ không phát sinh và các hoặc lậu đã có sẽ hủy diệt.
Như vậy có người chú tâm hợp lý vào các pháp đáng chú tâm, suy nghĩ rằng: "Đây là khổ, đây là nguyên nhân của sự khổ, đây là nơi diệt khổ và đây là con đường đưa đến nơi diệt khổ". Nhờ chú tâm chân chính như thế mà ba thứ thằng thúc Thân Kiến, Hoài Nghi và Giới Cấm Thủ bị tiêu diệt.
Đó là con đường hủy diệt các Hoặc Lậu bằng Kiến Pháp.
2. Nhiếp Phục (Samavara): tức là chế ngự hay thu hút lục căn cho thanh tịnh. Như chúng ta đã đề cập trong phần trên, sự tiếp xúc giữa lục căn và lục trần gây nên những kết quả nguy hiểm không lường được nếu lục căn không được Nhiếp Phục đứng đắn.
Với tâm niệm sai lầm, lục căn bị lôi cuốn và đắm chìm trong sức hấp dẫn của lục trần, nghĩa là khi mắt thấy sắc, tai nghe thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân tiếp xúc... các tình cảm chủ quan như yêu, ghét sẽ phát sinh. Vậy muốn lục căn tiếp nhận lục trần mà không bị tình cảm chi phối, một mặt ta phải dùng đến Kiến Pháp để thấy rõ chân tướng của hiện tượng nội giới và ngoại giới như đã đề cập ở trên. Mặt khác, ta phải nhiếp phục lục căn, tức là tập cho mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý tiếp nhận sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp với một tâm bình thản không thiên chấp.
Đức Phật dạy: "Nếu sống không nhiếp phục lục căn, các hoặc lậu có tính cách tàn phá và hủy hoại rất có thể sinh khởi. Nhưng nếu sống chế ngự lục căn thì những hoặc lậu mang tính cách tàn phá và hủy hoại ấy không thể phát sanh được. Đó là con đường diệt trừ Hoặc Lậu bằng Nhiếp Phục".
3. Tỉnh Dụng (Patisevanà): bậc tu hành khi dùng một nhu cầu cần yếu nào phải sáng suốt nhận định những lợi ích thiết thực của nó, đừng để tâm ưa thích vật dụng này, chê bai vật dụng kia, và nhất là tri túc không tham đắm trong các xa xỉ phẩm.
Các nhu cầu cần thiết cho đời sống tu hành gọi là Tứ Y Pháp: áo mặc, cơm ăn, chỗ ở và thuốc uống. Những vật dụng tối yếu này càng giản dị thanh bần chừng nào tốt chừng đó. Hơn thế nữa, khi dùng y phục vị ấy phải niệm tưởng rằng: "Ta mặc đây chỉ tránh sự nóng lạnh, muỗi mòng, gió nắng, rắn rết, và che thân thể vậy thôi".
Khi dùng vật thực, vị ấy quán tưởng rằng: "Ta dùng của cúng dường không phải để vui chơi, không phải vì dục lạc, không phải để bồi dưỡng xác thân cho duyên dáng, cũng không phải để điểm tô nhan sắc cho xinh đẹp, mà chỉ để giữ gìn và duy trì thân thể được quân bình hầu dũng tiến trong đời sống phạm hạnh".
Khi cư ngụ trong tịnh thất phải biết rằng đó chỉ là phương tiện để tránh nguy hiểm về thời tiết, thú dữ, nhất là để có nơi thanh vắng phù hợp với việc hành đạo như tham thiền, suy tư, quán tưởng.... Và khi uống thuốc ngừa bệnh hay trị bệnh phải biết rằng chỉ dùng để làm dịu những cơn đau, trừ khử hoặc ngăn ngừa những bịnh hoạn nguy hiểm có thể gây trở ngại cho việc tu hành. Nhờ tỉnh dụng như thế mà các Hoặc Lậu không thể phát sanh được.
4. Nhẫn Thống (Adhivàsanà): bậc tu hành không nên than van, phàn nàn, dù gặp bất cứ một hoàn cảnh khó khăn nào; phải kiên nhẫn chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn hay nghịch cảnh xảy đến với mình, có như thế mới phá bỏ được sự ràng buộc của ái dục.
Đức Phật dạy rằng: "Này các hiền giả, thế nào là diệt trừ Hoặc Lậu bằng Nhẫn Thống ? Trong giáo pháp của Như Lai, này các hiền giả, một vị tỳ khưu suy nghĩ đúng đắn là người biết chịu đựng lạnh nóng, đói khát, muỗi mòng, gió sương, rắn rết, chịu đựng những lời nói bực mình, không niềm nở; là người can đảm đương đầu với những cảm giác đau đớn mãnh liệt, nhức nhối, khó chịu khốn khổ và nguy kịch. Vì thiếu nhẫn thống các hoặc lậu có tính cách tàn phá, hủy hoại sẽ phát sanh, nhưng nhờ kham nhẫn mà những hoặc lậu mang tính cách tàn phá, hủy hoại không thể phát sinh được. Nầy các hiền giả, như thế gọi là diệt trừ các hoặc lậu bằng nhẫn thống vậy".
5. Viễn Ly (Parivagganà): Khi gặp những hoàn cảnh khó khăn không thể tránh được thì ta sẵn sàng đương đầu như trường hợp vừa nói ở trên. Nhưng tốt hơn ta nên tránh xa những nơi nguy hiểm xấu xa để khỏi bị quấy rầy khi đang hành đạo; không nên vào cư ngụ những nơi có nhiều thú dữ hoặc cây cối gẫy đổ, rừng bụi chông gai, vực thẳm, dốc núi và nhất là tránh xa tà hữu, ác đảng. Bởi vì không tránh xa những nơi nguy hiểm và những kẻ xấu xa ấy sự sợ hãi, kinh hoàng, tính hung dữ, lười biếng... sẽ phát sanh và do đó các hoặc lậu không thể trừ được. Đó là phương pháp trừ diệt hoặc lậu bằng viễn ly.
6. Trừ Đoạn (Vinodana): tức là dứt bỏ những vọng niệm. Có ba thứ vọng niệm hay tà tư duy là: suy nghĩ về dục lạc, suy nghĩ về ác tâm và suy nghĩ phương kế hãm hại kẻ khác - nói chung là tất cả các bất thiện tâm sở.
Tư tưởng của chúng ta thường hướng đến các bất thiện pháp tức là chú tâm đến các pháp không đáng chú tâm, vì thế mà các hoặc lậu chưa có phát sinh lên và các hoặc lậu đã có càng tăng trưởng.
Vậy muốn thoát khỏi những ràng buộc của Hoặc Lậu ta phải chấm dứt, trừ đoạn, hủy diệt các tư tưởng bất thiện nói trên.
7. Luyện Tâm (Bhàvanà): tức là phát huy năng lực tinh thần. Ở đây Kinh Sabbàsava đặc biệt nhấn mạnh đến Thất Giác Chi.
a) Niệm giác chi: giúp ta luôn luôn giác tỉnh để ghi nhận và biết rõ tất cả những hành động, lời nói, ý nghĩ của mình một cách chân thực.
b) Trạch pháp giác chi: để thấy đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của sự khổ, đâu là nơi diệt khổ và đâu là con đường dẫn đến nơi diệt khổ.
c) Tinh tấn giác chi: để dõng mãnh tiến lên trên đường đạo.
d) Hỷ giác chi: giúp ta phấn khởi dễ dàng vượt qua mọi trở ngại.
e) Thư thái giác chi: giúp cho thân tâm lắng dịu, không bị lửa ái dục thiêu đốt.
g) Định giác chi: có mục đích giữ tâm thanh tịnh, khi tâm được an trú thì các ác pháp sẽ bị tiêu diệt; nhờ đó tâm trở nên sáng suốt, trí tuệ phát sanh.
h) Xả giác chi: là tâm quân bình không bị ảnh hưởng của ngoại vật; đó là tâm không thiên vị, không bị tình cảm chi phối.
Khi tâm được rèn luyện, các giác chi được phát huy thì những hoặc lậu sẽ bị hủy diệt, vì vậy luyện lâm là một trong những phương pháp hữu hiệu để diệt trừ phiền não.
Bảy phương pháp diệt trừ hoặc lậu vừa nêu trên đã được nhiều nhà phân tâm học hoan nghinh như những tâm lý liệu pháp thực dụng.
Một vị Giáo sư Đại Học đường Cambridge, Tiến sĩ Robert Thouless nói: "Trong kinh Sabbàvana Đức Phật giảng thuyết y như một vị Bác sĩ ngành tâm lý liệu pháp tân thời... (những phương pháp của Ngài) là một hệ thống tâm lý liệu pháp vượt bực nhờ nguyên tắc nhân quả". Giáo sư nói tiếp: "Khoa học tâm lý liệu pháp tân thời cho bệnh nhân trong đời sống hiện tại. Đức Phật cũng xem đó là một khía cạnh của vấn đề, nhưng vì đời sống hiện tại chỉ là một trong chuỗi sanh tư luân hồi... nên Ngài không những đã tìm cách giúp cho môn đệ thoát khỏi các tâm bệnh trong đời sống này mà còn trong cả kiếp sống vị lai".
Thật vậy, Đạo Phật không phải chỉ nhằm mục đích giải quyết những phiền não và khổ đau của con người bằng những phương pháp tạm bợ có hiệu năng trong một thời gian nào đó; mà mục đích của Đạo Phật là giúp con người giải thoát hoàn toàn ra khỏi mọi nô lệ của phiền não và khổ đau.
--o0o--