-
-
|
PHẬT HỌC CƠ BẢN
- ÐỨC PHẬT ÐÃ DẠY NHỮNG GÌ
- Hòa Thượng
Walpola Rahula
- Thích Nữ Trí
Hải dịch (1998)
- Nguyên tác:
"What The Buddha Taught"
(Tựa đề lần xuất bản thứ nhất, 1966: "Con đường thoát khổ")
- --- o0o ---
-
- Chương Bảy
- QUÁN
TƯỞNG
-
Sự đào luyện tâm ý:
Bhàvanà
-
Ðức Phật dạy: "Hỏi các Tỳ
kheo, có hai thứ bệnh. Hai bệnh ấy là gì? Bệnh thể xác và bệnh
tinh thần. Có những người hưởng sự vô bệnh về thể xác trong một
năm, hai năm... cả đến 100 năm hay hơn nữa. Nhưng, này các Tỳ
kheo, hiếm thay trong thế gian này là những người hưởng được sự vô
bệnh về tinh thần, ngay cả trong chốc lát, trừ phi những người đã
thoát khỏi những tâm xấu xa ô nhiễm" (có nghĩa là những vị
A-la-hán)[1].
- Giáo lý Phật,
đặc biệt phương pháp thiền quán nhằm mục đích phát sinh một trạng
thái sức khỏe tinh thần hoàn hảo, quân bình và an tịnh. Ðiều bất
hạnh là không một ngành nào trong giáo lý Phật bị hiểu lầm nhiều
như thiền, bởi chính những Phật tử cũng như người ngoài. Mỗi khi
nói đến "thiền" người ta nghĩ ngay đến sự thoát ly những sinh hoạt
thường ngày, ngồi yên như pho tượng trong hang hay trong một tu
viện, ở một nơi xa xăm tách biệt hẳn với xã hội, để mình chìm đắm
trong một thứ trầm tư xuất thần huyền bí. Thiền chân chính của đạo
Phật tuyệt nhiên không phải là kiểu trốn đời như thế. Người ta đã
hiểu sai lạc hay quá ít hiểu biết về vấn đề này trong giáo lý
Phật, đến nỗi về sau này, thiền đạo đã bị suy đồi thành một thứ
nghi thức hay lễ tục thông thường, hầu như kỹ thuật[2].
- Phần đông người
ta chú trọng đến thiền định hay "yoga" để luyện một vài năng lực
tâm linh thần bí như "con mắt thứ ba" mà người khác không có. Một
vài năm trước, có một nữ tu sĩ Phật giáo ở Ấn Ðộ cố phát
triển một khả năng nhìn thấy bằng lỗ tai, trong khi bà vẫn còn
thấy được hoàn toàn với hai con mắt! Những ý nghĩ như vậy chỉ là
một tâm bệnh quái đản. Luôn luôn đấy vẫn là vấn đề dục vọng: khao
khát có được năng lực, quyền phép, dù trong lãnh vực chính trị,
quân sự, kinh tế hay tu hành...
- Thiền định là
một danh từ kém cỏi để dịch nguyên ngữ Bhàvanà, có nghĩa sự
đào luyện tâm linh. Bhàvanà trong Phật giáo nói đúng ra, là
một sự đào luyện tâm linh trong ý nghĩa toàn vẹn nhất của danh từ.
Nó nhằm mục đích tẩy sạch tâm tưởng hết những ô nhiễm, những thứ
làm tâm giao động như ý tưởng về dâm dục, sân hận, ác độc, biếng
nhác, phiền não, bất an, hoài nghi; và đào luyện những đức tính
như tập trung, chú ý, thông minh, ý chí, nghị lực, khả năng phân
tích, niềm tin, hoan hỉ, an tịnh, để cuối cùng đưa đến trí tuệ cao
cả thấy rõ thực chất của mọi sự vật, và thực chứng chân lý tối
hậu, Niết-bàn.
- Có hai hình
thức thiền định. Một là phát triển sự tập trung tâm ý (Ðịnh,
samatha hay samàdhi), sự nhất tâm (cittekaggatà, Skt.
cittaikàgratà), bằng nhiều phương pháp được đề cập trong các
kinh, đưa đến những cảnh giới huyền vi như "không vô biên xứ" hay
"phi tưởng phi phi tưởng xứ" (không có tri giác cũng không không
tri giác). Tất cả những trạng thái huyền bí này, theo Phật đều do
tâm tạo, là sản phẩm của tâm, do tâm định đoạt (hay hữu vi,
samkhata)[3].
Chúng không dính dấp gì đến thực tại, chân lý, Niết-bàn. Hình thức
thiền định này đã có từ trước thời Phật. Vì vậy nó không thuần túy
là của Phật giáo, nhưng cũng không bị loại ra ngoài lãnh vực thiền
định Phật giáo. Tuy nhiên nó không thiết yếu cho sự thực chứng
Niết-bàn. Trước khi giác ngộ Phật cũng đã luyện tập các phương
pháp du già (yoga) này với nhiều vị thầy, và Ngài đã đạt
đến những trạng thái tâm linh huyền bí cao siêu nhất, nhưng Ngài
vẫn không thỏa mãn với chúng, vì chúng không đem lại giải thoát
hoàn toàn, không đem lại kiến giải về thực tại tối hậu. Ngài xem
những trạng thái huyền bí ấy chỉ là sự sống hạnh phúc trong hiện
tại, gọi là hiện tại lạc trú (ditthadhammasukhavihàra) hay
tịch tịnh trú (santavihàra), nhưng ngoài ra không
đem lại gì hơn[4].
- Bởi thế Ngài đã
tìm ra hình thức khác của thiền định gọi là vipassanà,
thiền quán hay minh sát bản chất của sự vật, đưa đến sự giải
thoát hoàn toàn của tâm, đến sự thực chứng Chân lý tối hậu,
Niết-bàn. Ðấy là thiền chính yếu, phương pháp tu tâm theo Phật
giáo. Ðấy là một phương pháp phân tích căn cứ trên sự chú ý, ý
thức sáng suốt, tỉnh giác, quan sát.
- Một vấn đề rộng
lớn quan trọng như thế không thể nào nói đủ trong chỉ vài trang
giấy, nhưng ở đây sẽ cố trình bày sơ lược gì là thiền Phật giáo
đích thực mà từ đó độc giả có thể rút ra những lợi ích thực
tiễn.
- Bài thuyết pháp
quan trọng nhất của Phật về thiền hay tu tâm là kinh Niệm xứ
(Satipatthànasutta, kinh Trường bộ Digha-nikàya, số 12 - hay
Trung bộ Majjhima-nikàna, số 10.)
- Bài kinh này
rất được sùng mộ trong truyền thống Phật giáo đến nỗi nó thường
được tụng không những trong các tu viện Phật giáo mà cả đến
trong nhà tín đồ, những người trong gia đình ngồi quanh lắng nghe
một cách thuần thành. Những thầy tu thường tụng kinh này bên
giường người sắp chết để thanh lọc những ý tưởng cuối cùng của họ[5].
- Những cách thức
"thiền định" trong bài kinh ấy không tách rời khỏi sinh hoạt hàng
ngày, không tránh đời. Trái lại tất cả sự tu tập ấy đều liên quan
đến đời sống chúng ta, đến những hoạt động chúng ta hàng ngày, đến
những vui buồn của chúng ta, đến lời nói và ý nghĩ chúng ta, đến
những công việc chúng ta thuộc lĩnh vực đạo đức hay tri thức.
- Bài thuyết pháp
ấy được chia làm 4 phần chính. Phần đầu nói đến thân thể chúng ta
(kàya, thân); phần thứ hai nói đến những cảm giác và
cảm tưởng của ta (vedanà, thọ); phần thứ ba nói về tâm ta (citta);
và phần thứ tư nói về những chủ đề đạo đức và tri thức (dhamma,
pháp).
- Ta cần nhớ rõ
một điều là, dù thiền định dưới hình thức nào, điều cốt yếu là sự
chú ý, tỉnh thức hoàn toàn hay niệm (sati), sự chú ý quan sát
(anupassanà, tùy quán).
- Một trong những
điển hình thiền thông dụng, thực tiễn và quen thuộc nhất liên hệ
đến thân thể là "niệm hơi thở vô ra" (ànàpànasati). Chỉ
riêng pháp thiền này mới cần một thế ngồi đặc biệt như kinh đã chỉ
dẫn. Với các hình thức thiền khác được bàn trong kinh ấy, bạn có
thể ngồi đứng, đi hay nằm tùy ý. Nhưng với thiền "niệm hơi thở vô
ra" thì kinh dạy ta nên ngồi "kiết già, lưng thẳng, ý thức sáng
suốt." Nhưng ngồi kiết già không thích hợp và dễ dàng cho mọi
người mọi xứ, nhất là cho những người Âu. Bởi thế những người
không ngồi kiết già hay bán già được có thể ngồi trên một chiếc
ghế, "giữ lưng thẳng và ý thức sáng suốt". Ðiều tối cần thiết để
luyện tập là hành giả phải ngồi thật thẳng, nhưng không cứng đơ,
bàn tay để thoải mái trên đùi. Xong có thể nhắm mắt hay nhìn chót
mũi mình.
- Bạn hít vào thở
ra suốt ngày đêm, nhưng không bao giờ để ý điều đó, không giây
phút nào bạn tập trung tâm mình vào hơi thở. Bây giờ, bạn sẽ làm
chỉ một việc ấy. Cứ hít vào thở ra như thường lệ, không một gắng
sức hay gượng ép nào. Rồi bạn đem tâm trí tập trung vào hơi hít
vô, thở ra của bạn, để cho tâm quan sát hơi thở vô, hơi thở ra.
Hơi thở ấy có thể khi dài, khi ngắn, điều ấy không sao cả. Cứ thở
bình thường, tự nhiên. Ðiều quan trọng duy nhất là khi bạn thở hơi
sâu dài, bạn phải biết rõ đấy là hơi thở sâu dài, khi hơi thở
ngắn, bạn rõ biết nó ngắn. Nói cách khác, tâm trí bạn phải hoàn
toàn tập trung vào hơi thở đến nỗi bạn biết rõ những vận hành và
nhịp điệu biến đổi của nó. Hãy quên hết mọi việc khác, quên những
gì xung quanh bạn. Ðừng đưa mắt lên, đừng nhìn bất cứ cái gì. Hãy
cố làm như vậy trong chừng năm hoặc mười phút.
- Lúc đầu bạn
thấy vô cùng khó khăn để tập trung tâm vào hơi thở. Bạn sẽ ngạc
nhiên thấy tâm chạy lăng xăng. Nó không ở yên một chỗ. Bạn khởi sự
nghĩ nhiều chuyện khác nhau. Bạn nghe những âm thanh bên ngoài.
Tâm bạn bị giao động, lo ra. Bạn có thể nản chí, thất vọng về điều
ấy. Nhưng nếu bạn tiếp tục luyện tập như thế mỗi ngày hai bận,
sáng và chiều, mỗi lần chừng năm, mười phút, bạn sẽ dần dần bắt
đầu tập trung được tâm vào hơi thở. Sau một thời gian, bạn sẽ kinh
nghiệm một giây phút ngắn ngủi trong đó tâm bạn hoàn toàn tập
trung vào hơi thở, không còn nghe cả đến những âm thanh gần, giây
phút mà ngoại giới không có nữa đối với bạn. Cái giây phút mong
manh này thật là một kinh nghiệm lớn lao đối với bạn, đầy hạnh
phúc hoan lạc và bình an, khiến bạn muốn kéo dài nó. Nhưng bạn
chưa thể làm được. Tuy thế, nếu tiếp tục luyện tập đều đặn, bạn có
thể có lại kinh nghiệm ấy nhiều lần trong những thời khoản càng
ngày càng dài hơn. Ðấy là lúc bạn hoàn toàn quên mình, chỉ chú ý
hơi thở. Khi còn có ý thức về chính mình, thì bạn không bao giờ có
thể tập trung vào một cái gì.
- Lối tập chú ý
hơi thở này, một lối giản dị và dễ nhất, là cốt để phát triển lực
tập trung dẫn đến những trạng thái thiền cao siêu. Ngoài ra, năng
lực tập trung còn là điều cốt yếu để đạt đến bất cứ sự hiểu biết
sâu xa nào, sự thâm nhập, tri kiến về bản chất của vạn hữu, kể cả
sự thực chứng Niết-bàn.
- Ngoài ra, sự
luyện tập này về hơi thở đem lại cho bạn những kết quả tức thì. Nó
lợi ích cho sức khỏe của bạn, giúp bạn thoải mái, ngủ ngon, và có
hiệu năng trong công việc hằng ngày. Nó làm cho bạn bình an thanh
thản. Ngay cả những lúc nóng nảy xúc động, nếu thực hành pháp quán
này vài phút, bạn sẽ thấy mình trở lại bình tĩnh, lắng dịu ngay.
Bạn cảm thấy như vừa được nghỉ ngơi đầy đủ.
- Một hình thức
thiền hay tu tâm khác nữa là có ý thức, để ý đến bất cứ gì bạn
làm hay nói trong đời sống hàng ngày, khi ở một mình, giữa công
chúng hay khi hành nghề nghiệp. Dù khi đứng đi ngồi nằm hoặc ngủ,
hoặc co giãn chân tay, hoặc nhìn quanh, hoặc mặc quần áo, hoặc nói
năng hoặc im lặng hoặc ăn hoặc uống, hoặc ngay cả khi bạn đáp
tiếng gọi của thiên nhiên - trong tất cả những động tác này và
những động tác khác, bạn đều phải hoàn toàn ý thức và tỉnh táo về
hành vi mà bạn đang làm mỗi lúc. Thế nghĩa là, bạn phải sống trong
phút hiện tại, trong hành động hiện tại. Ðiều này không có nghĩa
bạn không nên nghĩ chút nào về quá khứ hay vị lai. Trái lại, bạn
nghĩ về chúng trong sự tương quan với hiện tại, hành động hiện
tại, tùy lúc và tùy trường hợp.
- Người ta không
thường sống trong hành động của họ, trong hiện tại. Họ sống trong
quá khứ hoặc trong vị lai. Mặc dù họ dường như đang làm một việc
gì ở đây và bây giờ, nhưng kỳ thực họ sống ở một nơi nào khác
trong tâm tưởng họ, trong những âu lo và những vấn đề tưởng tượng
của họ. Họ thường nhớ về quá khứ hay nuôi những khao khát và suy
tưởng về tương lai. Bởi vậy họ không sống trong những gì họ đang
làm, và cũng không thưởng thức được những gì họ đang làm trong mỗi
lúc. Do đó họ bất mãn và bất hạnh với hiện tại, với công việc đang
làm, và dĩ nhiên họ không thể nào làm "hết mình" những gì họ có vẻ
đang làm.
- Ðôi khi bạn
thấy một người trong quán ăn vừa ăn vừa đọc - một cảnh rất thường.
Họ cho bạn cái cảm tưởng rằng họ là một người rất bận bịu, không
có thì giờ để mà ăn nữa. Bạn tự hỏi họ đang ăn hay đang đọc. Người
ta có thể nói họ làm cả hai chuyện. Nhưng thật ra họ không làm
được việc nào, họ không thưởng thức được việc nào. Họ bị căng
thẳng, rối ren trong tâm trí, không thưởng thức được những gì họ
đang làm, mà vô tình một cách điên rồ họ đang cố thoát khỏi sự
sống. (Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng người ta không nên
nói chuyện với bạn trong lúc ăn trưa hay ăn tối).
- Dù cố gắng cách mấy, bạn cũng
không thể nào thoát khỏi cuộc đời. Bao lâu bạn còn sống, dù trong
thành thị hay trong hang động, bạn vẫn còn phải đối đầu với cuộc
đời và sống nó. Sự sống chân thật là lúc hiện tại - không phải ký
ức về quá khứ, vì quá khứ đã chết đã trôi qua, cũng không phải
những mơ mộng về tương lai, vì tương lai chưa đến. Một con người
sống trong hiện tại là sống đời sống chân thực, và là người hạnh
phúc nhất.
- Khi có người
hỏi Phật, vì sao những đồ đệ của Ngài sống một cuộc đời đơn sơ
lặng lẽ, chỉ ăn ngày một bữa mà lại hoan hỉ như thế. Ðức Phật trả
lời: "Họ không ân hận vì quá khứ, họ cũng không trầm tư về tương
lai. Họ sống trong hiện tại. Bởi thế họ hoan hỉ. Vì trầm tư tương
lai và ân hận quá khứ, những người ngu khô héo như cây xanh bị
chặt để dưới nắng."[6]
- Sự chú ý hay
tỉnh thức không có nghĩa rằng bạn phải nghĩ và ý thức rằng "tôi
đang làm cái này" hay "tôi đang làm cái kia". Không. Hoàn toàn
trái lại. Lúc mà bạn nghĩ "tôi đang làm cái này", bạn đâm ra tự ý
thức về mình, và khi đó bạn không sống trong hành động ấy, mà bạn
sống trong ý nghĩ về "tôi" và kết quả là việc làm của bạn cũng
hỏng nốt. Bạn phải hoàn toàn quên bạn đi, đắm mình trong những gì
bạn đang làm. Lúc mà một thuyết trình viên tự ý thức và nghĩ "tôi
đang nói với khán giả" thì lời lẽ của anh ta sẽ bị bối rối và dòng
tư tưởng bị gián đoạn. Nhưng khi anh ta quên mình đi trong lúc
nói, đặt hết mình vào đề tài, thì lúc ấy anh ta nói hay nhất, diễn
đạt trôi chảy và giải thích mọi sự một cách rõ ràng. Mọi tác phẩm
vĩ đại - về nghệ thuật, thi ca, tri thức hay tâm linh - đều được
thành hình vào những lúc mà những người sáng tác hoàn toàn quên
mình trong hành động, say sưa với nó, và không còn ý thức về mình.
- Sự chú ý hay
tỉnh thức đối với những hoạt động của mình chính là sống trong
hiện tại, sống trong hành động hiện tại. (Ðây cũng là cách của
Zen, có căn bản chính yếu trên giáo lý này). Ở đây, trong hình
thức "quán" này, bạn không cần phải làm một hành động nào đặc biệt
để phát triển sự chú ý, mà bạn chỉ phải để ý và tỉnh giác (có ý
thức) về bất cứ gì bạn làm. Bạn không cần phải phí phạm một giây
phút nào của thời gian quý báu để thực hành pháp "quán" đặc biệt
này: bạn chỉ cần luôn luôn đào luyện sự chú ý và tỉnh thức, ngày
và đêm, đối với tất cả mọi hoạt động của bạn trong đời sống thường
nhật. Hai hình thức "quán" trên đây thuộc về quán thân.
- Kế đến có một
cách thiền hay tu tâm đối với mọi cảm giác và cảm tưởng của ta, dù
vui, khổ hay không vui không khổ. Ta hãy lấy một ví dụ: Bạn kinh
nghiệm một cảm giác đau buồn, bất hạnh. Trong tình trạng ấy tâm
trí bạn bị suy sụp, mờ mịt, u ám, không quang đãng. Ðôi khi bạn
lại còn không thấy được tại sao mình có cảm giác bất hạnh đó.
Trước tiên, bạn phải tập đừng buồn về những cảm giác bất hạnh của
mình. Nhưng hãy cố tìm hiểu rõ vì sao mình lại có một cảm giác hay
cảm tưởng bất hạnh, lo âu, hay buồn sầu. Cố xem xét nó phát khởi
ra sao, nguyên nhân của nó, và nó tan biến như thế nào, sự chấm
dứt của nó. Cố xem xét nó, làm như bạn đang quan sát nó từ bên
ngoài, không có một phản ứng chủ quan nào cả, như một nhà khoa học
quan sát một đối tượng. Ở đây cũng thế, bạn không nên nhìn nó như
là "cảm giác của tôi" hay "cảm tưởng của tôi" một cách chủ quan mà
chỉ nhìn nó như "một cảm giác" hay "một cảm tưởng" theo cách khách
quan. Bạn lại cũng cần quên đi ý tưởng sai lầm về "tôi". Khi bạn
thấy bản chất của nó, nó sinh và diệt ra sao, tâm thức bạn dần trở
nên dửng dưng đối với cảm giác ấy, và hoàn toàn hết ràng buộc, bạn
được giải thoát, tự do. Ðối với mọi cảm giác hay cảm tưởng khác
cũng thế.
- Bây giờ ta hãy
bàn đến hình thức thiền quán về tâm. Bạn cần phải hoàn toàn ý thức
tâm mình đang mê hay tỉnh; nó đầy hận thù, ác độc, ghen ghét, hay
đầy tình yêu, từ bi; nó đang có ảo tưởng hay thấy biết chân xác rõ
ràng v.v.. Ta phải công nhận rằng rất thường khi ta sợ hãi hay hổ
thẹn, không dám nhìn thẳng vào tâm mình. Bởi thế ta ưa lẩn tránh
nó. Nhưng ta nên can đảm, thành thật nhìn vào tâm mình như nhìn
mặt mình trong gương[7].
- Ở đây không có
thái độ chỉ trích hay phê phán, hoặc phân biệt phải trái, tốt xấu.
Chỉ có sự quan sát, ngắm nhìn, xem xét. Bạn không phải là một quan
tòa, mà là một nhà khoa học. Khi quan sát tâm bạn, và thấy rõ bản
chất đích thực của nó, bạn trở nên dửng dưng với những cảm xúc,
tình cảm và trạng huống của tâm. Nhờ thế bạn không còn bị dính mắc
ràng buộc, và được tự do để thấy mọi sự đúng như thật.
- Ta hãy lấy một
ví dụ. Giả sử bạn tức giận thật sự, sôi sục vì giận dữ, ác độc,
thù hằn. Ðiều thật lạ lùng mâu thuẫn là người đang tức giận thường
không tự biết, không để ý rằng mình đang tức giận. Lúc người ấy
chú ý, có ý thức về tâm trạng của mình, thấy được sự tức giận của
mình, thì sự giận dữ đó dường như đâm ra mắc cỡ, bẽn lẽn, và bắt
đầu nguôi bớt. Bạn phải xem xét bản chất của nó, nó sinh làm sao,
diệt thế nào. Ở đây lại cũng cần nhớ rằng bạn không nên nghĩ "tôi
đang tức giận" hay nghĩ về sự giận dữ "của tôi". Bạn chỉ cần ý
thức và chú ý trạng thái của một tâm hồn giận dữ. Bạn chỉ quan sát
và xem xét một cách khách quan cái tâm đang giận dữ. Ðây phải là
thái độ đối với tất cả mọi tình cảm, cảm xúc và trạng thái tâm.
- Kế tiếp còn một
hình thức thiền quán về những đề mục luân lý, tâm linh và trí
thức. Tất cả mọi sự nghiên cứu, đọc sách, thảo luận, đàm thoại và
bàn cãi về những đề mục như thế đều được bao gồm trong pháp thiền
quán này. Ðọc quyển sách này, và suy nghĩ sâu xa về những đề tài
trong đó là một hình thức thiền quán. Chúng ta đã thấy trước đây
[8]
rằng cuộc đàm thoại giữa Khemaka và nhóm Tăng lữ là một hình thức
thiền quán đã đưa đến sự thực chứng Niết-bàn.
- Bởi thế, theo
hình thức thiền quán này, bạn có thể nghiên cứu, suy nghĩ, và thảo
luận về "ngũ cái" (5 sự ngăn che, nìvarana) gồm có :
- 1. Tham dục (kàmacchanda).
2. Sân hận (vyàpàda).
3. Hôn trầm (thìnamiddha).
4. Trạo hối (uddacakukucca).
5. Hoài nghi (vicikicchà).
- Năm pháp này
được xem như chướng ngại cho bất cứ hiểu biết nào, và do đó, bất
cứ sự tiến bộ nào. Khi bị chúng làm chủ, khi không biết trừ khử
chúng, thì con người không còn có thể hiểu được chính tà, tốt xấu.
- Người ta cũng
có thể quán về Bảy giác chi (Bojjhanga) là bảy yếu
tố của giác ngộ:
- 1. Niệm (sati): có ý thức và
tỉnh giác về tất cả các hoạt động và động tác vật lý cũng như tâm
lý, như đã bàn ở trên.
- 2. Trạch pháp (dhammavicaya).
Tìm tòi nghiên cứu những vấn đề khác nhau của lý thuyết. Ở đây bao
gồm tất cả mọi nghiên cứu về tôn giáo, luân lý và triết học, đọc
sách, sưu tầm, bàn luận, đàm thoại, ngay cả dự
những buổi diễn giảng về những vấn đề của lý thuyết ấy.
- 3. Tinh tấn (viriya), làm
việc một cách đầy nghị lực cho đến cùng.
- 4. Hỷ (pìti), đức tính hoàn
toàn trái ngược với thái độ tâm lý hoài nghi, bi đát hay thảm đạm.
- 5. Khinh an (passadhi), sự
thoải mái của cả thể xác lẫn tinh thần. Người ta không nên có thể
xác hay tâm thần căng thẳng.
- 6. Ðịnh (samàdhi), như đã bàn
ở trên.
- 7. Xả (upekkhà), nghĩa là có
thể đối diện cuộc sống trong mọi thăng trầm của nó, với một tâm
hồn an tĩnh thanh bình, không rối loạn.
- Muốn đào luyện
những đức tính ấy điều cốt nhất là phải có một lòng mong mỏi thực
sự, ý chí, hay khuynh hướng. Nhiều điều kiện vật chất và tâm linh
giúp cho sự phát triển mỗi đức tính ấy được tả rõ trong các kinh
nguyên thủy.
- Người ta cũng
có thể thiền quán về những đề mục như Ngũ uẩn, nghiên cứu câu hỏi
"con người là gì?" hay "cái được gọi là tôi là cái gì?" hay về Tứ
diệu đế, như đã bàn trên. Sự học hỏi và sưu tầm về những đề mục ấy
bao gồm trong mục quán pháp, hình thức thứ tư của tu tâm
hay thiền định, đưa đến sự thực chứng chân lý tối hậu.
- Ngoài những đề
mục đã bàn, còn có nhiều đề mục thiền quán khác, theo truyền thống
có 40, trong đó đặc biệt ta phải kể đến bốn Phạm trú
(brahmavihàra):
- 1. Từ (mettà),
trải ra một tình yêu vô biên, phổ quát và thiện cảm đối với tất cả
mọi chúng sinh không chút phân chia "như một người mẹ thương yêu
đứa con duy nhất."
- 2. Bi
(karunà), lòng trắc ẩn đối với mọi chúng sinh khổ đau phiền
não và gặp hoạn nạn.
- 3. Hỷ
(mudità), niềm vui đầy thiện cảm đối với sự thành công của kẻ
khác, đối với may mắn và hạnh phúc của họ.
- 4. Xả
(upekkhà), sự bình thản trước mọi thăng trầm của cuộc sống.
-
Ghi chú:
-
[1]
A (Colombo, 1929), p.276
-
[2]
Theo "Yogàvacara's Manual" (do T.W. Rhys Davids xuất bản, London
1896), một bản văn về Thiền quán viết ở Tích Lan vào khoảng thế
kỷ 18, đã chứng tỏ Thiền quán vào thời bấy giờ suy đồi thành một
tục lệ đọc thần chú, đốt nến v.v.. Xem thêm chương XII, The
Ascetic Ideal, trong History of Buddhism in Ceylon do Walpola
Rahula, (Colombo, 1956), p.199.
-
[3]
Xem phần nói về Hành uẩn ở Chương Hai.
-
[4]
Xem kinh Ðoạn giảm, Sallekhasutta, Trung bộ kinh 8.
-
[5]
Xem bản dịch rút ngắn kinh này ở phần Phụ lục.
-
[6]
S I (PTS), p.5
-
[7]
M I (PTS), p.100
-
[8]
Xem phần cuối Chương Sáu về Vô ngã.
--o0o--
|
|