PHẬT GIÁO VIỆT NAM

CHÁNH PHÁP & HẠNH PHÚC
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo-2001
H. T. Thích Minh Châu
---o0o---
GIỚI, ĐỊNH, TUỆ CON ĐƯỜNG GIÁO DỤC
CHẤM DỨT ĐAU KHỔ SANH TỬ LUÂN HỒI
 
Hôm nay, chúng tôi xin giới thiệu một hệ thống giáo dục, đã được xây dựng cách đây hơn 2000 năm, vẫn được truyền tụng và hành trì cho đến ngày nay. Đối tượng của hệ thống giáo dục này là các Tăng Ni đã thọ đại giới, sống không gia đình, với tâm nguyện thoát ly sanh tử luân hồi.
Theo đạo Phật, có sanh là có già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Nên muốn diệt trừ đau khổ, cần phải đoạn tận sanh y (upadhi) tức là đoạn tận những gì có khả năng đưa đến một đời sống khác. Do vậy người tu hành sẽ phải sống như thế nào để đoạn tận năm hạ phần kiết sử: thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham dục, sân hận; cùng với năm thượng phần kiết sử: sắc ái, vô sắc ái, mạn, trạo hối và vô minh.
Như vậy pháp môn “Ba vô lậu học” là một chương trình giáo dục, một hệ thống tu học cho hàng xuất gia, đã được đức Phật truyền dạy trong nhiều kinh điễn.
Thứ nhất là Giới học: Tức là sống biết hổ thẹn, biết sợ hãi những điều ác mình làm, sống như thế nào không để cho sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu chi phối tâm của mình, sống như thế nào cho thân hành, khẩu hành, ý hành, mạng sống được thanh tịnh để trợ duyên cho hành giả sống đời sống thanh tịnh trong sáng. Tiếp đến, vị Tỳ kheo tiết độ trong ăn uống, “như ly giác sát thọ thực, không phải để vui dùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, mà chỉ cốt để duy trì Phạm hạnh, diệt trừ các cảm thọ cũ, không cho khởi lên các cảm thọ mới và chúng ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn”.
Bước thêm bước nữa, vị Tỳ kheo chú tâm tỉnh giác. Ban ngày, ban đêm trừ canh giữa dành để nghỉ, vị hành giả đi hành Thiền hay ngồi Thiền, gột sạch tâm khỏi các chướng ngại pháp. Ngoài ra, đi, đứng, nằm, ngồi, phàm có hành động gì, vị hành giả chánh niệm tỉnh giác, biết rõ mọi việc mình đang làm. Như vậy, chính hành động này tác thành giới học, giúp hành giả chế ngự các căn, con người được tự tại, để bước qua giai đoạn thứ hai tức là Định học.
Mục đích của Định học trước hết là loại trừ năm triền cái, làm ô uế tâm, làm chướng ngại trí tuệ, tức là tham dục, sân hận, hôn trầm, thụy miên, trạo hối và nghi. Loại trừ năm triền cái được ví như món nợ trả được nợ cũ; bị đau ốm được lành bệnh, bị tù tội được thoát ly; bị nô lệ được giải thoát, đi qua sa mạc nguy hiểm đến được đầu làng an ổn. Người hành giả dùng năm Thiền chi, dùng tầm đối trị vởi hôn trầm thụy miên, dùng tứ đối trị với nghi, dùng hỷ đối trị với sân, dùng lạc đối trị với trạo hối, dùng nhất tâm đối trị với tham dục.
Không những vị hành giả hưởng được an lạc hạnh phúc trong khi loại trừ năm triền cái, vị hành giả còn hưởng được hỷ lạc do ly dục sanh của sơ Thiền, hưởng được hỷ lạc do định sanh của Thiền thứ hai, hưởng được xả niệm lạc trí của Thiền thứ ba, và hưởng được xả niệm thanh tịnh của Thiền thứ tư. Các loại hỷ lạc của bốn Thiền này thấm nhuần tẩm ướt thân này không một chỗ nào trên toàn thân không do hỷ lạc ấy thấm nhuần. Đức Phật dùng bốn ví dụ để diễn tả hỷ lạc do Thiền sanh đã thấm nhuần toàn thân như thế nào. Như một cục bột tắm được thấm nhuần tẩm ướt với nước, trào trộn với nước nhưng không chảy thành giọt. Như một hồ nước không có lỗ nước chảy ra, nước từ trong phun ra, trời lại đổ mưa tầm tã, như vậy toàn bộ được nước của hồ nước ấy thấm nhuần. Hay ví dụ có hoa sen xanh, sen đỏ, sen trắng, sanh từ đáy hồ, lớn lên trong nước, không vượt khỏi nước. Các hoa sen ấy không có một chỗ nào trên toàn thân không bị nước hồ ầy thấm nhuần. Ví như một người ngồi, lấy tấm vải trắng rộng trùm đầu và tay chân, không để cho một chỗ nào trên toàn thân không bị tấm vải trắng ấy bao trùm. Chúng ta nhận thấy nói đến Thiền định là nói đến thần thông phép lạ, trong khi Thiền được Thế Tôn giải thích như một trạng thái hỷ lạc thấm nhuần toàn thân, khiến con người được hiện tại lạc trú, rồi từ nơi hiện tại lạc trú mới đi đến nhất tâm Thiền định.
“Với tâm định tĩnh thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng vững chắc bình tĩnh như vậy, vị hành giả hướng đến Túc mạng minh, trí tuệ về quá khứ; Thiên nhãn minh, trí tuệ về tương lai; và lậu tận minh, trí tuệ về hiện tại. Vị ấy nhớ đến một đời, nhiều đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều hoại và thành kiếp. Vị ấy nhớ, tại chỗ kia, “ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra tại đây”.
Như vậy, vị hành giả nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết.
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không phiền não, nhu nhuyến dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh như vậy, vị hành giả dẫn tâm, hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử các chúng sinh. Vị ấy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống và sự chết của chúng sinh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sinh người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ.
“Những chúng sinh làm những ác hạnh về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những chúng sinh nào làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, cõi trời, trên đời này.
“Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc bình tĩnh như vậy, vị hành giả dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật “đây là Khổ”, biết như thật “đây là Nguyên nhân của Khổ”, biết như thật “đây là Khổ diệt”, biết như thật “đây là con đường đưa đến Khổ diệt”, biết như thật “đây là những lậu hoặc”, biết như thật “đây là nguyên nhân các lậu hoặc”, biết như thật “đây là sự đoạn trừ các lậu hoặc”, biết như thật “đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”.
“Nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, vị ấy khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”, vị ấy tuệ tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm. Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Như vậy, nhờ chín pháp thuộc “Giới học”, vị hành giả xây dựng một nền tảng đạo đức vững chắc trong sáng, nhờ loại trừ năm triền cái, thực hiện năm Thiền chi, vị ấy chứng đắc bốn Thiền thuộc “Định học”, nhờ phát triển Túc mạng trí, Thiên nhãn trí, Lậu tận trí thuộc “Tuệ học”. Vị hành giả cuối cùng loại bỏ sanh y, diệt tận các lậu hoặc, đạt được giải thoát Niết Bàn.
Khi các vị ấy đạt được mục tiêu giải thoát các vị ấy được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giới; được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh định; được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh tuệ; được xem là được tự tại, được cứu cánh trong Thánh giải thoát.
Để kết luận, chúng tôi xin đưa ra một số nhận xét như sau:
1. Tu hành có thể xem là đồng nghĩa với giáo dục. Vì tu hành có mục đích loại trừ các ác bất thiện pháp và thay thế với các thiện pháp, như tu Thiền là loại trừ năm triền cái: tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi, và thay thế bằng năm Thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
2. Như vậy kho tàng kinh điển đạo Phật là cả một kho tàng quý báu, giáo dục con người loại trừ đau khổ, sống dược an vui.
3. Mục đích của đạo Phật không những loại trừ đau khổ hiện tại mà còn loại trừ sanh tử luân hồi, chấm dứt sanh y (upadhi) không còn trở lui một đời sống khác nữa.
4. Đối tượng của pháp môn Giới, Định, Tuệ là các hàng đệ tử xuất gia của đức Phật, các vị Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, các vị Sa-di, Sa-di ni và gần chúng ta hơn là các Tăng, Ni sinh Trường Cao cấp Phật học Việt Nam, Trường Cơ bản Phật học. Những vị ấy hiện đang được tu tập, được huấn luyện theo pháp môn Giới, Định, Tuệ.
5. Đánh giá đúng mức sự áp dụng pháp môn Giới, Định, Tuệ trong nếp sống hiện tại của Tăng, Ni sinh là đánh giá được giá trị giáo dục của đạo Phật.
--o0o--