TỦ SÁCH PHẬT HỌC
- HÃY ĐẾN ĐỂ
THẤY
Phật Giáo, Con
Đường Đưa Đến Hạnh Phúc
Tác Giả: Ni Sư Ayya Khema
Việt Dịch: Chơn Minh Nguyễn Văn Phú,
- Tịnh Nghiêm Nghiêm Xuân Cường &
Diệu Liên Lý Thu Linh
- Come And See For Yourself The
Buddhist Path To Happiness 2006
Nguyên tác Đức ngữ
‘Komm Und Sieh Selbst’ @ Jhana Verlag 1998
Bản Anh ngữ ‘Come And See For Yourself’ @ Windhorse Publications 2002
ISBN 1 899579 45
Việt dịch từ Anh
ngữ và ấn tống với sự đồng ý của Buddha Haus e..V./Jhana Verlag,
Germany
- CHƯƠNG BỐN
Lỗi Của Người
-
- Lỗi người dễ
thấy biết bao
Lỗi ta khó thấy ai nào muốn khui,
Lỗi người cứ cố phanh phui
Như tìm trấu lẫn trong nồi gạo kia
Lỗi ta lại dấu diếm đi
Tựa người săn bắn muốn che dấu mình
Hay như con bạc cố tình
Cờ gian bạc lận lưu manh dấu bài.
- Dhammapada
stanza 252
Kinh Pháp Cú - Câu 252
(1)
Nếu ta thấy được lỗi người
Tâm ta nóng giận tức thời dễ sinh
Tăng thêm phiền não thật nhanh
Xa lìa an tịnh, quẩn quanh muộn sầu,
Lỗi người chẳng để tâm lâu
Còn chi sầu muộn, còn đâu não phiền.
Dhammapada stanza 253
Kinh Pháp Cú -Câu 253
(2)
- (2)
Kinh Pháp Cú (Dhammapada), Tâm Minh Ngô Tằng Giao chuyển dịch thơ,
Diệu Phương xuất bản 2003
-
Hai câu kệ từ kinh Pháp Cú được nói đến ở đây có tính cách phổ quát
thích hợp cho tất cả, và có thể giúp phát sinh các trí tuệ đáng kể.
Trước hết là câu kệ:
- “Dễ thay thấy
lỗi người
Lỗi mình mới khó thấy
Lỗi người ta phanh tìm
Như sàng trấu trong gạo
Còn lỗi mình che đậy
Như kẻ gian dấu bài”
-
Ở đây, khuynh hướng che dấu lỗi lầm của chúng ta cũng giống như một
thủ đoạn lừa đảo, vì chính thật là ta không thành thật với bản thân.
Tuy nhiên, chấp nhận con người thật của mình rất khó, nhất là khi nói
về lỗi lầm của mình, vì sự đánh giá bản thân của ta luôn sai lạc
- hoặc là quá cao hay quá thấp. Phương cách tốt nhất để có được
một cái nhìn rõ ràng và thực tế về bản thân là tự soi xét mình với
chánh niệm.
-
Thấy lỗi của người thật không khó vì chúng thường làm ta khó chịu, và
trong trạng thái tâm tiêu cực này ta cho rằng những gì ta nghĩ là đúng
và ta có quyền phán đoán người. Đó là lý do khiến chúng ta phê
bình hấp tấp, rồi quên rằng những suy nghĩ của mình chỉ dựa trên ý
kiến riêng của chính mình, nên không thể nào hoàn toàn khách quan. Ở
một mức độ nào đó, tất cả các quan điểm của chúng ta đều sai lạc, vì
chúng khởi nguồn từ ảo tưởng về bản ngã của ta: ‘Tôi có, tôi muốn, tôi
sẽ, tôi tin rằng, tôi biết, tôi nghĩ.’ Những quan điểm của chúng
ta có thể đúng một cách tương đối, nhưng chân lý tương đối không bao
giờ đủ để khiến ta hoàn toàn thỏa mãn, vì cuối cùng thì nó cũng chỉ
thể hiện sự thật của một bản ngã đối chọi với một bản ngã khác. Một
người tin thế này, người khác tin thế kia; người làm cách này, người
khác làm cách hoàn toàn ngược lại. Chân lý xây dựng từ ý niệm
của một bản ngã không thể nào là chân lý tuyệt đối và hoàn toàn. Nhiều
lắm, nó chỉ thể hiện sự lựa chọn của cá nhân. Chân lý tương đối không
thể nào hơn thế được.
-
Nhìn từ quan niệm chân lý tuyệt đối thì hoàn toàn khác. Từ góc nhìn
này, chúng ta bắt đầu ý thức được rằng lỗi của người mà ta quan tâm
đến cũng cần được nhìn thấy nơi ta. Lỗi của người là phản ảnh
của lỗi nơi ta, nếu không ta đã không thể nhận biết chúng. Khi
thấy ai giận dữ hay khoe khoang, chúng ta nhận ra những khuyết điểm
này từ kinh nghiệm của bản thân. Chúng ta biết những cảm xúc này
từ đâu đến và tác động của chúng như thế nào. Tương tự, người ta
nói chỉ có Phật mới nhận ra Phật, vì chỉ có Đấng Giác Ngộ mới biết
được sự giác ngộ.
-
Khi chúng ta ý thức rằng mình đang phê bình người khác, chúng ta cần
ngay tức khắc biết mình sai rồi. Những lời chỉ trích của chúng
ta sẽ không có lợi ích gì; suy cho cùng, có ai đã sửa đổi khi bị bới
móc đâu? Nói xấu người khác luôn có hại, phần lớn là cho mình.
Chúng ta biết người khác cũng có thể khó chịu với ta, và nếu ta phản
ứng bằng sự giận dữ, hờn oán, thì ta có thể rơi vào vòng sân hận
dữ dội hơn bao giờ hết, và có thể mất một người bạn.
-
Vậy thì chỉ trích không có lợi – nhưng nhận lỗi thì trái lại. Ví dụ,
nếu chúng ta thấy một người nào đó không có chánh niệm, thái độ đúng
đắn sẽ là: “Tôi tự hỏi không biết lúc này tôi đang chánh niệm thế
nào?” Đó là phản ứng đáng kể duy nhất. Nếu chúng ta quan sát
thấy một ai đó lầm lỗi, và muốn chỉ trích, ta nên tự nhắc mình là phê
bình người khác sẽ có hại cho mình.
-
Khi để cho sự phê bình, chỉ trích lập đi lập lại và trở thành một thói
quen, chúng ta đã khắc sâu những nếp tiêu cực vào bên trong.
Chắc là trong chúng ta ai cũng biết một người nào đó có tánh hay phê
bình, chỉ trích, và khi nghe họ nói chuyện thì thật là bực mình.
Vì vậy, chúng ta phải cẩn thận trong việc chỉ trích, và tránh tạo thói
quen xấu nơi kẻ khác. Chúng ta cũng nên ý thức rằng, cứ mỗi khi
chỉ trích ai, chúng ta dần dần tạo cho mình một thói quen xấu.
-
Ngược lại, nếu nhân cơ hội đó chúng ta quan sát chính xác điều gì đang
xảy ra với người khác, chúng ta có thể sử dụng sự nhận xét về các hành
vi của họ như một tấm gương cho bản thân. Đây là một tấm gương
rất giá trị, vì tuy rằng nó không thể cho ta thấy hình dáng thể chất
của mình, nó có thể giúp ta dấn thân vào một nhiệm vụ khó khăn hơn
nhiều của việc tự biết mình. Trách vụ này khó không những vì
chúng ta thiếu nhận thức, nhưng chính là vì chúng ta thích như vậy –
chúng ta thường không muốn biết sự thật; chúng ta lo lắng tìm cách lẩn
tránh nó vì chúng ta sợ sự thật sẽ làm ta đau lòng.
-
Hai trong số tám hiện tượng phổ quát được nhắc đến ở đây: khen và chê
trách. Bận tâm để được khen và tránh bị chê trách rõ ràng là hơi
lố bịch, nhưng chúng ta chưa bao giờ thật sự ý thức được điều đó.
Thêm nữa, hai điều này chính là lý do khiến chúng ta miễn cưỡng trong
việc tự hiểu mình: chúng ta sợ sẽ tìm ra những điều về bản thân mà ta
có thể phải chịu sự chê trách. Chúng ta vẫn thích mang vải che
mắt và tránh cái nhìn toàn diện về bản thân.
-
Sự sợ bị khiển trách có thể được giải quyết bằng công thức ‘chấp nhận,
không trách móc, sửa đổi.’ Bước đầu tiên là ý thức được sự sợ bị
khiển trách, sợ sự bất đồng ý kiến, thiếu hỗ trợ, và sợ không được quý
trọng.
-
Gốc rễ của tất cả mọi nỗi sợ hãi là sợ không hiện hữu. Sự sợ hãi
này ẩn chứa trong tiềm thức của mỗi người chúng ta, và nó có thể dấy
lên trong cơn hoảng hốt chỉ vì chúng ta không muốn chịu sự khiển
trách. Ngược lại, chúng ta luôn sẵn sàng trách người khác, với lòng
tin rằng điều đó không làm hại đến mình. Nhưng chúng ta đã lầm;
vì để cho tiêu cực chế ngự, chính ta mới là người đau khổ.
-
Sự sợ hãi bị khiển trách cũng giống như sợ chết, hay là sự sợ cho cái
tôi, cái tự ngã. Xét cho cùng, đó là sự sợ hãi không còn được
hiện diện trên thế gian này nữa. Dĩ nhiên, khi dự đoán phải bị
trách móc, chúng ta không sợ thực sự bị tan biến đi ngay tại chỗ, mà
chỉ sợ đánh mất sự tự mãn, là điều tùy thuộc nơi sự quý trọng của
người.
-
Việc này rõ ràng thật điên rồ, nhưng đa số đều hành động như vậy, và
có người còn tệ hại hơn, đến độ luôn phải cố gắng làm hài lòng tất cả
mọi người. Nhưng làm sao chúng ta có thể hy vọng làm được việc
này? Trước hết là chúng ta không biết tình cảm hay ước muốn của người
khác như thế nào. Thế nhưng, tuy chúng ta không thể làm hài lòng
tất cả, chúng ta có thể luôn cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất.
-
Trên thực tế chúng ta ai cũng muốn được xưng tụng, khen ngợi.
Mọi việc ta làm đều hướng về mục đích này, nhưng nếu quá bức xúc với
mong muốn này, chúng ta sẽ bị sự sợ hãi chế ngự, khiến ta không có cái
nhìn khách quan. Nói cách khác, chúng ta sợ bị chỉ trích.
Để có thể loại bỏ sự sợ hãi này, chúng ta nên bắt đầu bằng cách tự
mình cố gắng không quá phê phán, vì biết rằng những gì mình làm sẽ
quay lại với mình, như vũ khí săn bắn tên boomerang (3) của người thổ
dân châu Úc.
-
Bước đầu tiên đi đến sự hiểu biết về luật nhân quả - là những điều có
thể quan sát được khắp nơi trong vũ trụ - không đủ để giúp ta vượt qua
tất cả sợ hãi. Bước thứ hai liên hệ đến sự hiểu biết về bản chất
của sự sợ hãi. Trong cuộc truy tìm sự chấp nhận của tha nhân,
chúng ta trở thành nô lệ của môi trường chung quanh mình. Ngày nào môi
trường này còn không được như ý mình, hay không vĩnh viễn làm cho mình
cảm thấy tuyệt vời, thông minh, đẹp đẽ, chúng ta sẽ còn tiếp tục cảm
thấy không thoải mái. Một thái độ như thế sẽ khiến cuộc sống của
ta vô cùng khó khăn, và ngăn trở sự tiến đến việc tự biết mình.
-
Ngược lại, sự tự biết mình thật trung thực rất cần thiết để giúp chúng
ta buông xả, kể cả buông xả sự lo sợ bị chê trách. Chúng ta chỉ có thể
buông xả những gì tự mình đã nhận thức rốt ráo, cũng không cần thiết
phải hoán chuyển sự sợ hãi bị chê trách thành sự sợ tự biết mình; việc
chúng ta có thể buông xả cái ngã sau khi đã hiểu được nó, không có
nghĩa là ta đã chết. Nó chỉ có nghĩa là sự vị kỷ (self-centredness)
không còn là quyền lực tối ưu trong cuộc đời ta. Mọi việc không
nhất thiết phải luôn theo như ý mình. Thay vào đó, chúng ta dành một
khoảng không gian bên trong ta cho những gì thật sự đúng. Chúng
ta rồi sẽ hiểu rằng vì có những uế nhiễm trong mọi khía cạnh của đời
sống hữu lậu, nên sẽ không bao giờ tìm được gì toàn hảo bất kỳ ở nơi
đâu.
-
(3) Dụng cụ bằng gỗ của thổ
dân Úc, có nhiều hình dáng, kích cỡ, sử dụng cho nhiều mục đích.
Có đặc tính là khi vứt đúng cách, nó sẽ quay trở lại hướng người vứt.
-
Chỉ cần nhìn vào khía cạnh của vô thường:
tất cả những gì đến rồi phải qua đi, không có gì là trường cửu.
Nếu chúng ta cố bám víu vào một kỷ niệm nào đó, nó sẽ như cát rơi
xuống khỏi lòng bàn tay ta. Dĩ nhiên, tính chất luôn biến đổi
của sự vật đôi khi trở thành lý do cho sự chê trách, nhất là khi người
khác làm cho mình thất vọng vì lỗi hẹn hay không làm xong việc ta giao
phó.
-
Không ai lại đi chỉ trích một ngôi sao trong bầu trời khi nó trở thành
một sao băng sáng rực rồi tan biến đi – chúng ta biết trách móc như
thế thật là vô nghĩa vì nó chỉ là một hiện tượng thiên nhiên. Nhưng
trong thực tế đây là bản chất thật sự của vạn vật, nên khi ta than
phiền về tính biến thiên của tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ thì cũng
vô nghĩa như vậy. Tất cả những hiện hữu có điều kiện đều không
toàn hảo.
-
Đây là lý do tại sao chúng ta nên nhìn lại mình mà không sợ hãi, và
xét xem những gì chúng ta không thích ở người. Chúng ta không
thích thói xấu của họ? Ta nên tự xét lại các thói xấu của
mình. Ta không thích tính luôn muốn được chú ý tới của họ?
Có thể ta cũng muốn là trung tâm của vũ trụ? Bằng cách này,
chúng ta sẽ ngày càng biết rõ mình hơn.
-
Tất cả chúng ta đều biết những nỗi sợ hãi luôn dấy khởi, khi thử trắc
nghiệm như sau: ‘Có lẽ mình không phải là người tốt như mình
nghĩ – và nếu mình không được tốt như vậy, người khác sẽ chê trách
mình.’ Tôi gọi đây là ‘lối suy tư hướng về kết quả’; chúng ta
thấy rất sợ hãi vì sự đe dọa này, như là bị roi quất vào người, khiến
thân xác đau đớn. Chúng ta muốn rằng mọi việc phải thật đúng,
thật toàn hảo. Nhưng ta muốn điều gì hoàn hảo chứ? Trong
vũ trụ này, vạn vật tiến hành theo lề lối riêng của nó, và cứ liên tục
như vậy. Sông chảy, nếu ta ngăn chúng lại sẽ gây ra lũ lụt.
Cuộc sống tiếp diễn, khi ngày này hết thì một ngày mới lại bắt đầu.
Tại sao chúng ta không đặt mình vào dòng luân lưu của vạn vật, và hãy
thôi nghĩ đến việc phải mang vào dòng luân lưu này tất cả những gì
toàn hảo?
-
Điều này có thể áp dụng trong việc hành thiền cũng như với bất cứ
chuyện gì khác. Dầu ta có thể đang ngồi lặng yên trên gối thiền, không
bị ai nói gì hay phê phán gì, nhưng ta vẫn đang tạo áp lực cho bản
thân, khiến trở ngại việc hành thiền. Nếu nghĩ rằng việc hành
thiền phải toàn hảo thì chúng ta sẽ không thể thiền quán mà luôn đương
đầu với lo âu.
-
Thật là vô ích khi mong muốn làm tất cả mọi việc toàn hảo; chúng ta
chỉ có thể cố gắng làm hết sức mình. Chúng ta cũng sẽ vui hơn
nếu bỏ được ước muốn được người khác biết ơn. Dĩ nhiên, nếu có ai tỏ
lòng biết ơn, cảm kích, hay hoan hỷ vì những gì mình đã làm, thì đó
cũng là điều tốt, nhưng là tốt cho họ.
-
Chúng ta nên nhớ rằng mình cũng luôn thay đổi. Năng lượng và
năng lực của chúng ta lên xuống liên tục. Điều này cũng đúng trong
việc hành thiền. Đôi khi tâm trí ta có thể tập trung rất nhanh; những
lúc khác, có thể vì phải gạn bỏ quá nhiều tư tưởng nên phải mất cả giờ
đồng hồ mới tìm được sự tĩnh lặng. Khả năng tập trung hay phân tán tư
tưởng này thường do ta liên tưởng đến 'cái ngã' – ta tự gây ra cho
mình- nhưng tại sao ta cảm thấy cần thiết phải làm vậy? Tất cả
cũng vì tâm ta không ngừng thay đổi.
-
Nếu chúng ta có thể thấy mọi thứ biến chuyển trong ta như thế nào thì
ta sẽ có thể kết luận ở người cũng thế. Nếu ai đó cư xử không
phải phép, chúng ta phải mừng rằng họ sẽ thay đổi, hy vọng là tốt hơn.
Vậy thì, càng chánh niệm về lẽ vô thường - nhất là sự vô thường của
những hành động xấu – chúng ta sẽ thấy dễ buông bỏ tánh vạch lá tìm
sâu, tìm lỗi của người nữa.
-
Như chúng ta đã thấy, những gì ta chê trách nhất ở người là những tính
cách ta cũng ít thích nhất nơi bản thân. Chúng ta cũng đã thấy
rằng nếu thỉnh thoảng ta bỏ thì giờ để quán sát, tìm hiểu các thói xấu
này, ta có thể nỗ lực khắc phục được chúng. Tuy nhiên, trong
tiến trình này, chúng ta có thể phải chịu sự chỉ trích khắt khe, vì
trong lúc những hành vi ta đang quan sát có thể giống hành vi của ta,
người mà ta đang chỉ trích có thể không nỗ lực để cải thiện chúng như
ta. Một thái độ như vậy tạo ra rất nhiều va chạm trong sự liên
hệ giữa người với người; điều này không nhất thiết được biểu lộ ra
ngoài, dầu vậy ta vẫn chất chứa cảm giác không tán thành, chống đối.
Chúng ta nên luôn luôn cố gắng chấp nhận tha nhân, và cố kiềm chế sự
phê bình họ. Điều này cũng ứng dụng với chính mình nữa.
Chúng ta không nên bắt bẻ, bới móc lỗi người, mà hãy luôn tự nhắc mình
nhớ đến công thức, ‘Chấp nhận, không trách móc, sửa đổi.’
-
Trong phần đầu –soi thấu rõ được bản thân– là phần khó nhất.
Phần thứ hai –không trách móc– cũng không dễ thực hiện, vì tâm ta tự
động có phản ứng tiêu cực đối với bất cứ cảm giác khó chịu nào. Tất cả
những gì chúng ta không thích về mình -tất cả những gì ta không thể
chấp nhận và muốn thay đổi - tạo ra những cảm giác khó chịu và tự
trách, rồi con đường đi đến tự giác có thể biến mất khỏi tầm nhìn.
-
Sự thấu hiểu về vô thường giúp ta dễ dàng quán chiếu bản thân. Khi đã
rõ rằng mọi vật ta đang thấy trước mắt biến mất đi ngay lúc đó, thì
việc tránh không tự trách mình sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tất cả
mọi vật đến, sẽ đi và không trở lại nữa – và không có gì đến sau đó sẽ
giống như cái đến trước, dù chúng có vẻ giống nhau đến đâu. Bằng
cách quán sát vô thường như thế, ta có thể bắt đầu sẵn sàng chấp nhận
bản thân và tha nhân hơn.
-
Nhận thức được bản chất thật sự của những gì mà ta chê trách ở người
giúp ta có cái nhìn mới mẻ về bản thân. Chúng ta dứt bỏ được những gì
làm mình khó chịu không phải bằng cách quay lưng lại với người có các
lỗi này, nhưng bằng cách không còn bắt người khác chịu trách nhiệm vì
họ không như ý ta muốn.
-
Trong tiến trình này chúng ta có thể nhận thức được cả vô thường và
khổ đau. Ý thức được rằng khổ đau đến từ chính những phản ứng
tiêu cực của mình, trong đó có cả sự sợ bị chỉ trích, sẽ giúp ta dễ
kiềm chế việc phê bình tha nhân. Chúng ta có thể thấy rõ rằng hầu như
mọi người đều biết nỗi bất an do không được ủng hộ, chấp nhận, và rằng
sự lệ thuộc nơi người khác thật vô cùng khó chịu.
-
Làm sao chúng ta biết người khác nhận xét về mình có đúng không?
Chúng ta có bao giờ thức tỉnh để biết rằng tất cả đều bị kẹt trong cái
bẫy ảo tưởng khiến không thể nào ta có được một quan điểm thật sự
khách quan? Ảo tưởng đó là tất cả chúng ta đều là những cá thể riêng
biệt và rằng nếu đủ khôn ngoan để sắp xếp mọi thứ đúng cách, ta có thể
có những sự dễ chịu riêng.
-
Tất cả mọi người đều sống với ảo tưởng này, khiến họ khao khát hiện
hữu và lo sợ bị hủy diệt. Vậy thì làm thế nào để người khác xác nhận
sự hiện hữu của chúng ta? Mọi sự sợ hãi phản ảnh nỗi sợ hãi bị
hủy diệt. Sự sợ hãi không chỉ giới hạn trong sự sợ cho sự hiện
hữu của thân xác, mà bao gồm cả sự hiện hữu của cảm xúc, sự xác định
của bản ngã. Nhưng nếu ý thức được sự sợ hãi này, chúng ta cũng có thể
phát triển một sự cảm thông sâu sắc đối với tha nhân, vì tất cả nhân
loại đều khát khao sinh tồn khiến phát sinh nỗi khổ đau lớn lao nhất.
-
Nỗi sợ hãi với gốc rễ đã ăn sâu này làm cho con người không thể hoàn
toàn được mãn nguyện, và một khi đã hiểu được sự tương quan này, chúng
ta sẽ không còn đi tìm sự mãn nguyện một cách sai lầm nữa. Thay vào
đó, chúng ta sẽ cố gắng chuyển hóa những khó khăn của kiếp con người
do ngã tưởng gây ra. Tuy nhiên, trước hết chúng ta phải nhận
diện được nỗi lo sợ của việc tự soi xét một cách chân thực, cùng với
nỗi lo sợ bị người khác chê trách, và ý muốn chỉ trích lại, tất cả là
do sự thúc đẩy của nhu cầu muốn tâng bốc tự ngã. Khi kết tội
người khác, ta cảm thấy dễ chịu hơn. Nếu chấp nhận rằng tất cả
chúng ta ai cũng có khiếm khuyết, thì ta tiến gần đến sự thật hơn.
-
Nhận thức này đưa ta tiến xa hơn đến sự hiểu biết về những thiếu sót
cơ bản của sự hiện hữu ở cõi nhân sinh hữu lậu này. Chỉ khi nào
chúng ta ý thức được sự khiếm khuyết này thì ta mới cảm thấy thôi thúc
phải vượt lên trên cõi này – dĩ nhiên không nói về thể chất, nhưng
trong ý nghĩa để buông bỏ được ngã tưởng. Những khó khăn chúng
ta đã vượt qua sẽ không còn quấy nhiễu ta nữa, và chúng ta sẽ đạt được
tri kiến về những vấn đề khác đang còn gây khó khăn cho ta.
Chúng ta sẽ có thể thấy là mình chưa chuyển đổi được các vấn đề khi
chúng vẫn còn phiền nhiễu ta. Chẳng hạn như, khi đọc những tin
tức không hay và ngay lập tức cảm thấy lòng ta đầy bực tức, ta có thể
tự biết rằng mình chưa bỏ hết được những tham lam, sân hận của mình.
Thế giới vẫn còn đầy bao biến động, nhưng bực bội, kết tội chỉ cho
thấy là sân hận vẫn còn đầy trong ta.
-
Chúng ta sinh ra với sáu gốc rễ -ba rễ tốt và ba rễ xấu– thế nên việc
lên án bản thân hay tha nhân thật là vô ích. Vấn đề là nhận thức
được bản chất của những gốc rễ này, và tự nguyện hỗ trợ cho những rễ
tốt phát triển, đồng thời làm giảm bớt các rễ xấu.
-
Dĩ nhiên, các gốc rễ xấu là tham, sân, và si (vô minh trong ý nghĩa về
ngã tưởng). Những đối nghịch của chúng cũng rất quen thuộc với
chúng ta. Nếu chúng ta có thể thấy ba gốc rễ thiện - bố thí,
tình yêu thương vô điều kiện, và trí tuệ - nơi tha nhân, thì ta có thể
kết luận rằng chúng cũng có mặt trong ta. Thực ra, chúng ta biết
rất rõ ràng phải thực hành khi nào, ở đâu và như thế nào. Ngôn từ và
giới luật, tự chúng, không bao giờ đủ cả, nhưng ta đã có đủ trí tuệ
trong ta để cảm nhận được sự thật khi nghe đến nó, và biết có thể tìm
được nó ở đâu.
-
"Ai thấy lỗi của người
Thường
sanh lòng chỉ trích
Người
ấy lậu hoặc tăng
Rất xa
lậu hoặc diệt” (2)
-
‘Dứt bỏ tham muốn’ là một cụm từ khác để chỉ sự hoàn toàn thanh lọc.
Có nghĩa là tham sân không còn có mặt, và khi chúng đã bị hủy diệt thì
ta đã đến rất gần với sự giác ngộ hoàn toàn. Cho đến lúc đó,
theo những lời Đức Phật dạy rất rõ ràng này, chúng ta cần phải nỗ lực
luyện tâm, vì khi nào chúng ta còn chê trách, chúng ta sẽ không ý thức
được những động cơ thật sự của mình và không thể sửa đổi chúng.
-
Các động cơ này chính là hai cội rễ của tham và sân. Cả hai khởi nguồn
từ vô minh, tăm tối, từ ảo tưởng đưa ta đến việc tin rằng thật sự có
‘một ai đó’. Nói một cách tương đối, rõ ràng là chúng ta đang ngồi đây
trên gối thiền, nhưng dựa trên chân lý tuyệt đối thì hoàn toàn khác.
Khi ta còn sống theo chân lý tương đối, khi 'tôi’ hiện hữu trong tương
quan với ‘anh’, chúng ta tự thấy mình tách biệt với tha nhân, nên muốn
tự bảo vệ bằng cách xây những bức tường quanh mình. Chúng ta dựa vào
những động cơ này để làm như vậy, và bất cứ khi nào chúng ta còn tiêu
cực, thì các động cơ này càng thêm cường độ.
-
Đây là lý do khiến cho việc luôn quan sát một cách chánh niệm các phản
ứng tình cảm của mình trở thành rất quan trọng - giữ chánh niệm về
chúng không ngừng, khi chúng xảy ra, ngay cả khi ta không thể buông bỏ
được chúng. Một khi ta đã nhận biết được các phản ứng này, ta
cũng nhận thấy chúng gây ra bao bồn chồn, và do đó rất độc hại cho sự
an tĩnh mà ta cần có để hành thiền. Trong đời sống hằng ngày, thật
không dễ gì thấy được sự khác biệt giữa một tâm tĩnh lặng và một tâm
lăng xăng, nhưng khi hành thiền qua một thời gian, sự khác biệt này sẽ
rõ ràng hơn. Ta sẽ thấy rằng những phản ứng của ta không chỉ gồm có
chỉ trích mà thôi; gốc rễ của chúng có thể được truy trở về từ tham
ái, sân hận, và từ sự sợ hãi.
-
Theo Đức Phật, dục vọng của ta tăng lên khi ta thấy lỗi của người, và
tự cho phép mình có những phản ứng tiêu cực, vì điều này củng cố thêm
tâm phân biệt của chúng ta, và tâm này càng làm cho ngã tưởng thêm sâu
dày. Ngược lại, các mối liên hệ của ta với người cũng có thể giúp ta
có được sự hiểu biết sâu sắc hơn, nếu ta ý thức rằng tha nhân cũng
phải tuân theo luật vô thường, khổ đau, và bất như ý như bản thân ta.
Thực ra, chúng ta nên xem các tương quan với người như là những cơ hội
để tu tập, và nếu biết sử dụng chúng, ta sẽ được những lợi lạc từ một
hệ thống giáo dục hàng đầu. Thật vậy, chúng ta có thể xem toàn
bộ cuộc đời của mình là một cơ hội học hỏi liên tục. Tất cả các mối
liên hệ có thể là phương tiện để huấn luyện chúng ta trong tình thương
yêu, bi mẫn, và là một cơ hội tuyệt hảo để hiểu biết về bản thân.
-
Nếu chúng ta xua đuổi hay trách móc ai, tâm chúng ta sẽ không an. Ngay
khi ta vừa buông bỏ cái cảm giác của sự khắt khe, niềm an lạc trở lại
với tâm. Buông xả thật không dễ, nhưng có nhiều sự hiểu biết nhỏ có
thể giúp ta trên con đường tiến đến đó, ví dụ như, sự hiểu biết rằng
chính ta đã tạo ra sự bất an này, và rằng chính nó làm hại ta.
-
Nếu tiếp tục suy gẫm về vô thường và khổ, chúng ta sẽ bắt đầu hiểu
rằng cả vũ trụ đều phải tuân theo chúng. Tất cả mọi vật đều ở trong
tiến trình phân hủy không ngừng nghỉ, hoại diệt, rồi lại tái tạo.
Chính vì sự chuyển động không ngừng của mọi vật mà không có gì có thể
hoàn toàn vừa ý cả. Một khi nhận thức được lý vô thường trong mọi vật,
chúng ta sẽ không còn khổ đau vì nó. Xét cho cùng, chúng ta chỉ là một
trong cộng đồng của sáu tỉ người, mà mỗi chúng ta ai cũng bị luật vô
thường chi phối.
-
Chúng ta có thể áp dụng những nguyên tắc tổng quát của vô thường và
khổ cho bất cứ tình huống nào. Đây là bước kế tiếp trên con đường dẫn
đến sự tỉnh thức, và ta phải quan sát những tính chất này trong tất cả
mọi vật quanh ta. Chúng ta rồi sẽ thấy không có gì là hoàn toàn như ý,
và tất cả là vô thường. Khi quán sát như thế, không thể có ngoại lệ
nào. Tất cả phải được kể đến. Chúng ta không thể nói, ‘Tôi đã kinh qua
khổ đau, nhưng người làm tôi quá đau khổ thì chẳng ra gì.’ Thật
ra, người đó cũng chiêm nghiệm khổ đau nhiều như ta. Cứ thế dần dần,
bằng cách này, chúng ta phát triển một cảm giác là cuộc đời là một
tổng thể, không chỉ gồm những hiện tượng cá thể.
-
Mỗi khi chúng ta phản ứng bằng sự sợ hãi, tổng số sợ hãi trong đời
sống tăng lên. Mỗi khi chúng ta chất chứa uế nhiễm, không hằng thuận,
hay trách móc, toàn thể tổng số của uế nhiễm tăng lên. Trái lại, nếu
chúng ta hiểu vô thường và khổ, sự hiểu biết này làm tăng thêm toàn
thể tổng số trí tuệ thế gian. Nếu chúng ta thấy rõ rằng mỗi cá nhân
mang một trách nhiệm cho tổng thể, chúng ta sẽ sẵn sàng hơn để trụ ở
tầng mức nơi ta không còn thấy sự phân biệt giữa mọi vật.
-
Mỗi việc làm tốt góp thêm cái thiện cho cuộc đời, vì chúng ta là cuộc
đời. Cảm xúc, tư tưởng, ngôn từ, và hành động của chúng ta là yếu tố
cấu tạo nên thế giới này. Trên căn bản này, thật là thiển cận
khi chỉ trích hay phê bình, vì làm như vậy là đã quên đi những đặc
tính căn bản hay ‘những dấu hiệu’ của sự hiện hữu, đó là vô thường, vô
ngã, và khổ. Chúng ta hành thiền càng lâu, và càng thâm nhập,
suy gẫm sâu xa hơn về những sự thật phổ quát của Pháp, chúng ta càng
thấy dễ chánh niệm hơn về những đặc tính này của sự hiện hữu, và dễ áp
dụng chúng vào đời sống hằng ngày.
-
Dựa trên chân lý tuyệt đối, không có những thực thể tách biệt, tất cả
mọi vật là do duyên khởi, nhưng trên bình diện tương đối mọi người đều
mang trách nhiệm phải phát khởi điều thiện. Sợ hãi là một đặc tính có
thể truy nguyên từ lòng tham muốn được là những cá thể với bản chất cố
định, biệt lập, và muốn có một đời sống luôn vừa ý mình. Cả hai
tham muốn này đều không thực tế: chúng ta không thể nào sống mãi trong
cuộc đời này và mọi việc không thể nào luôn luôn được như ý mình muốn,
do đó sợ hãi phát sinh từ cả hai mục tiêu đó và làm cản trở con đường
của chúng ta. Sợ hãi có thể là một cảm xúc rất mãnh liệt. Có câu
nói rằng ‘sự sợ chết còn tệ hại hơn cái chết’. Tương tự, một cảm xúc
như thế làm mất khả năng duy trì sự tỉnh thức trong ta. Hầu như mọi
thiền sinh đều biết rằng sợ hãi có thể phát sinh trong lúc đang tập
trung tư tưởng, khi đột nhiên cảm nhận về bản ngã của họ tạm thời vắng
bóng.
-
Một khi chúng ta đã chế ngự được sự sợ hãi này, bước kế đến là ý thức
rằng chúng ta đang theo đuổi điều không tưởng. Rồi thì điều mơ ước,
hay đúng ra là sự thôi thúc, được vượt lên mức độ hiện hữu của con
người phàm phu này sẽ phát triển. Sự sợ hãi phát sinh trong tiến
trình này cần được từ bỏ, không phải chỉ một mà nhiều lần, bất cứ khi
nào ta có cảm giác là bản ngã của mình bị đe dọa. Căn bản sự sợ
hãi này cũng giống như khi ta bị trách cứ, hay bị khước từ cái bản ngã
mà ta khát khao. Có nhiều tên khác nhau cho sự sợ hãi, nhưng căn
bản đó là sự sợ hãi không được hiện hữu.
-
Thuốc giải độc hiệu nghiệm nhất cho thói tìm lỗi của ta và tha nhân là
sự chứng nghiệm được sự thật về vô thường và khổ. Tự bảo mình: ‘Tôi
không nên tìm lỗi’, thật sự không đủ. Chúng ta có lẽ đã biết
điều này lâu lắm rồi. Điều khó khăn là chúng ta thường hay bị
lôi cuốn vào những gì chúng ta nên tránh xa. Nói đến điều này,
có lẽ chỉ có thái độ dấn thân với trí tuệ, mục tiêu chính của việc
hành thiền, mới có thể giúp được ta.
-
Thiền được coi như là phương cách giúp chúng ta chiêm nghiệm bản thân
một cách sâu sắc hơn, và đó là lý do tại sao thiền định cần được hỗ
trợ bằng sự trầm tư, quán chiếu, để làm tăng trưởng sự tự biết mình:
Chúng ta đã nuôi dưỡng sự sợ hãi trong ta đến mức độ nào? Chúng
ta sợ đánh mất mình đến đâu? Tự soi xét như vậy đưa ta đến gần
hơn với sự thật. Vấn đề quan trọng ở đây không phải là chúng ta
có thể buông xả sự sợ hãi ngay tức khắc hay không, mà là chúng ta có
thể đạt được những hiểu biết mới mẻ qua sự tự quán chiếu.
-
Chúng ta có thể học nhiều điều từ lỗi lầm của người. Nhưng trên hết,
chúng ta có thể hiểu được rất nhiều về bản thân; khi được như vậy,
chúng ta sẽ cảm thấy tương quan, đoàn kết với người, như thể họ là anh
chị em của mình. Trái lại, khi nào chúng ta còn tự tách biệt và
quá chú trọng đến những sự khác biệt cá nhân, thì lòng tham, sân sẽ
càng lớn mạnh thêm.
--o0o--
|