|
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
-
ĐẠO ĐỨC PHẬT
GIÁO
-
&
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
-
Hòa Thượng Thích Minh Châu
---o0o---
-
-
13
-
-
MỘT MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC TỐT
-
PHẢI ĐƯỢC KHỞI NGUỒN XÂY DỰNG BỞI
-
NHỮNG NGƯỜI CÓ Ý THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM
-
-
Trên bước đường phụng
sự giáo dục, chúng tôi ý thức rất rõ một điều rằng, chúng tôi
không thể xây dựng một môi trường giáo dục nếu như chung quanh
chúng tôi không có những con người, với ý thức và hoài bão giáo
dục, sẵn sàng trợ lực cho chúng tôi trong mọi thời, mọi hoàn
cảnh.
-
Sự nghiệp giáo dục
chỉ có thể thành công chừng nào sự nghiệp ấy đã trở thành ý thức
và trách nhiệm chung của tất cả mọi người. Thiếu mất ý thức và
trách nhiệm này, chúng ta không thể nói đến giáo dục, hay xây
dựng một môi trường giáo dục tốt đẹp cho con người. Một môi
trường giáo dục tốt, theo chúng tôi, phải được khởi nguồn xây
dựng bởi những con người có ý thức và trách nhiệm.
-
Hơn thế, với tinh
thần giáo dục Phật giáo lấy trí tuệ giải thoát làm căn bản, làm
nền tảng, chúng tôi càng ý thức rằng, cần phải kiên trì thật
nhiều trong sự nghiệp giáo dục con người và điều quan trọng
trước nhất là cần phải xây dựng môi trường giáo dục. Bởi lẽ, như
đức Phật đã dạy, trí tuệ giải thoát sẽ không đến với con người
ngay lập tức, nhưng trí tuệ giải thoát sẽ đến một cách từ từ, do
học từ từ, hành từ từ, thực tập từ từ, ở trong một môi trường
tốt đẹp (Kinh Kitagigi, Trung Bộ 70).
-
Có 12 bước đi nhằm
thực hiện trí tuệ giác ngộ mà đức Phật đã giảng dạy, và chúng
tôi muốn nêu ra ở đây để xác lập lại một đường hướng giáo dục
căn bản mà trong sự nghiệp phụng sự giáo dục, chúng tôi đã nỗ
lực xây dựng. 12 bước ấy là:
-
(1) Có lòng tin, (2)
đến gần, (3) tỏ lòng tôn kính, (4) lắng tai, (5) nghe pháp, (6)
thọ trì pháp, (7) suy tư ý nghĩa các pháp, (8) chấp nhận các
pháp, (9) ước muốn sanh khởi, (10) nỗ lực, (11) cân nhắc, (12)
tinh cần. (Kinh Kitagiri, Trung Bộ II.70).
-
Cả 12 bước đi này là
một tiến trình khai mở tuệ giác cho con người, và dĩ nhiên tiến
trình ấy cần được thực hiện ở trong một môi trường tốt đẹp.
-
Một môi trường giáo
dục tốt đẹp, thuận tiện cho việc học tập và hành trì chánh pháp,
theo lời dạy của đức Phật, cần phải hội đủ hai yếu tố vật chất
và tinh thần; nghĩa là, một môi trường mà sống ở đó, người ta có
thể ổn định được đời sống vật chất và có khả năng phát triển đời
sống tâm đức theo pháp môn Giới, Định, Tuệ. Trong kinh Khu Rừng,
Trung Bộ I.17, đức Phật đã chỉ ra các tiêu chuẩn cho thấy một
môi trường giáo dục tốt đẹp, xứng đáng làm nơi nương tựa tu học
cho các đệ tử mình. Ngài dạy:
-
"Này các Tỷ-kheo, vị
Tỷ-kheo sống ở khu rừng nào, hay sống tại một làng nào, một thị
trấn nào, một đô thị nào, một quôc độ nào, gần một người nào,
các niệm chưa an trú được an trú; tâm chưa định tĩnh được định
tĩnh: các lậu hoặc chưa được hoàn toàn đoạn trừ; được hoàn toàn
đoạn trừ; vô thượng an ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt,
được chứng đạt. Và những vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất
thực, sàng toạ, dược phẩm trị bệnh kiếm được một cách không khó
khăn. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải suy nghĩ như sau:
'Ta sống ở khu rừng này, hay sống tại một làng này, một thị trấn
này, một đô thị này, một quốc độ này, các niệm chưa an trú được
an trú; tâm chưa định tĩnh được định tĩnh: các lậu hoặc chưa
được hoàn toàn đoạn trừ, được hoàn toàn đoạn trừ; vô thượng an
ổn khỏi các ách phược chưa chứng đạt, được chứng đạt. Và những
vật dụng cần thiết như y áo, đồ ăn khất thực, sàng toạ, dược
phẩm trị bệnh kiếm được một cách không khó khăn'. Này các
Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo ấy cần phải ở lại những nơi ấy cho đến trọn
đời, không được bỏ đi".
-
Đức Phật còn nhấn
mạnh rằng vị Tỷ-kheo sống ở nơi nào hay sống người nào có đầy đủ
các tiêu chuẩn trên thời phải hết lòng sống tại đó cho đến trọn
đời, không được bỏ đi, dù người ta có xua đuổi.
-
Những bước đi tiếp
cận chân lý giác ngộ như đã nói ở trên gợi cho chúng ta hình ảnh
một môi trường giáo dục thanh thoát, đầy trí tuệ và tình người
do chư đức Phật xây dựng mà theo thời gian, với sự sáng của nó,
môi trường ấy đã trở thành một truyền thống tốt đẹp, luôn luôn
được giữ gìn và được xây dựng bởi những người con Phật với mục
đích đem lại hạnh phúc và an lạc cho con người. Quả vậy, mỗi một
ngôi chùa Phật giáo luôn luôn là một môi trường giáo dục tốt và
người Phật tử đến với ngôi chùa ấy không phải chỉ để học kiến
thức về kinh điển Phật giáo, mà để tu học và đóng góp sức mình
cho việc xây dựng và phát huy môi trường ngày càng tốt đẹp. Và,
qua nếp sống đó, Tăng Ni và Phật tử Việt Nam đang nỗ lực hướng
vào mục tiêu chung của xã hội Việt Nam cũng như ở thế giới ngày
nay là làm trong sạch hóa môi trường sống của con người mà đạo
đức là căn bản.
-
Ngày nay, với lối
sống buông trôi theo dục lạc, con người hiện đại đang dần dần
làm ô nhiễm và phá vỡ một trường sống tốt đẹp của mình. Nhiều
biểu hiện thiếu cân nhắc, thiếu phản tỉnh của con người ngày nay
khiến chúng ta không khỏi lo ngại đến cuộc sống hiện đại và
tương lai, nếu con người không thật sự quay về để tìm xem mình
đang làm gì và có thái độ sống thích hợp như thế nào.
-
Đứng trước sự thách
thức to lớn của lối sống thiếu giác tỉnh, bất chấp các hậu quả
của con người ngày nay, chúng ta - những người Phật tử - cần
phải tỏ rõ hơn nữa nếp sống tự ý thức và tự chế ngự của mình
đồng thời cần phải nỗ lực xây dựng nhiều môi trường sinh hoạt
mang tính giáo dục cao cả cho con người. Tất nhiên, chúng ta
không chủ trương xây dựng những ngôi chùa nguy nga tráng lệ nhằm
thu hút sự chú ý của mọi người, vì đạo Phật không chủ trương
nhiếp phục con người bằng quảng cáo hay cổ xuý, đạo Phật chỉ
giúp xây dựng hạnh phúc cho con người bằng cách nói: "Mời bạn
đến và thấy" (ehipassika). Nhưng chúng ta sẽ nổ lực xây
dựng, trong phạm vi khả năng của mình, những môi trường sinh
hoạt tốt đẹp với những nội dung giáo dục lành mạnh, trong sáng,
hướng thượng, thắm đượm tính người, tính dân tộc bằng chính sự
nỗ lực và trí tuệ mỗi chúng ta. Làm sao mỗi một ngôi chùa đều
trở nên một môi trường giáo dục tốt, góp phần vào việc giữ gìn
và phát huy truyền thống văn hoá, đạo đức của dân tộc, đúng như
một nhà thơ đã ca ngợi:
-
"Mái chùa che chở hồn
dân tộc,
Nếp sống muôn đời của Tổ tông".
--o0o--
|
|