|
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
-
ĐẠO ĐỨC PHẬT
GIÁO
-
&
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
-
Hòa thượng Thích Minh Châu
---o0o---
-
-
14
-
-
ÔNG CẤP CÔ ĐỘC TRẢ LỜI CÁC CÂU HỎI
-
VỀ CÁC Ý KIẾN CỦA NGOẠI ĐẠO
-
-
Trong Kinh Kiến số
93, A. V, 185, Kinh Bộ Tăng Chi III, trang 471, ông Cấp Cô Độc
đã trả lời một cách thông minh, thiết thực, rõ ràng, những câu
hỏi của các nhà du sĩ ngoại đạo về các Kiến của Sa môn Gotama,
của các Tỷ-kheo và của chính mình. Những câu trả lời không những
chứng minh biện tài ứng khẩu đối đáp của ông Cấp Cô Độc, mà còn
nêu rõ ông đã hiểu giáo lý đức Phật dạy một cách thâm thuý sâu
sắc, nhất là đối với giáo vô ngã. Và chúng ta không thấy làm lạ,
mỗi bài kinh, ông được Thế Tôn tán thán khả năng bác bỏ các tà
kiến với Chánh pháp.
-
Ông Cấp Cô Độc
(Anàthpindika) vào buổi sáng sớm, muốn đi đến kiến Thế Tôn ở tại
vườn Kỳ Viên. Nghĩ rằng vì thời gian quá sớm, Thế Tôn đang thiền
định và các Tỷ-kheo đang tụ tập về ý (tu thiền), nên mới ghé qua
hội chúng các du sĩ ngoại đạo. Hội chúng này đang lớn tiếng ồn
ào cãi nhau về các vấn đề phù phiếm, khi thấy ông Cấp Cô Độc
đến, liền bảo nhau giữ im lặng, vì biết rằng hội chúng cư sĩ của
Sa môn Gotama không ưa thích ít ồn ào, được huấn luyện trong ít
ồn ào và tán thành ít ồn ào.
-
Sau những lời hỏi
thăm thân hữu, các du sĩ, ngoại đạo đặt ngay vấn đề: "Này gia
chủ, hãy nói lên Sa môn Gotama có kiến gì?". Với sự thận trọng
cần thiết, ông Cấp Cô Độc trả lời: "Tôi không biết tất cả kiến
của Sa môn Gotama!"
-
-"Này gia chủ, gia
chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa môn Gotama. Nhưng này
gia chủ, hãy nói các Tỷ-kheo có kiến gì?"
-
-"Thưa các Tôn giả,
tôi không biết tất cả kiến của của các Tỷ-kheo."
-
-"Thưa gia chủ, gia
chủ có thể không biết tất cả kiến của Sa môn Gotama, không biết
tất cả kiến của Tỷ-kheo. Vậy này gia chủ, hãy nói về kiến của
gia chủ".
-
Trước những câu hỏi
dồn dập như vậy của du sĩ ngoại đạo, ông Cấp Cô Độc ứng biến khá
tài tình với câu trả lời: "Thưa các tôn giả, thật không khó gì
để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi. Nhưng các tôn giả
hãy trả lời về kiến của các Tôn giả trước. Rồi sau thật không
khó gì để chúng tôi trả lời về kiến của chúng tôi". Ông Cấp Cô
Độc đã khéo léo giao cho các du sĩ ngoại đạo trách nhiệm trả lời
các câu hỏi trước, nhờ vậy hiểu rõ dụng ý của các du sĩ khi đặt
các câu hỏi, và xây dựng câu trả lời của mình. Các du sĩ ngoại
đạo liền đề cập đến 10 loại ý kiến của mình, như chúng ta được
thấy trong Tiểu kinh Màlunkyaputta - Kinh số 63, Trung Bộ, trang
427 (bộ cũ): Thế giới là thường còn, thế giới là vô thường, thế
giới là có giới hạn, thế giới là không có giới hạn, mạng sống và
thân thể là một, mạng sống và thân thể là khác; Như Lai sau khi
chết có tồn tại, Như Lai sau khi chết không tồn tại, Như Lai sau
khi chết có tồn tại và không tồn tại; Như Lai sau khi chết không
tồn tại và không không tồn tại. Mười quan điểm này, các ngoại
đạo xem là kiến của mình và xác định, kiến như vậy là sự thật,
kiến nào khác là hư vọng.
-
Gia chủ Cấp Cô Độc
liền nắm giữ định nghĩa của ngoại đạo và nạn vấn: "Thưa các Tôn
giả, Tôn giả nói như sau: 'Thế giới là thường còn. Kiến này là
sự thật. Kiến nào khác là hư vọng'. Như vậy là kiến của tôi.
Kiến của Tôn giả ấy, hoặc nhân tự mình tác ý không hợp lý, hoặc
duyên nghe người khác nói. Kiến ấy như vậy được sanh (bhùta),
được tác thành (sankhatà), do tâm suy tư, do duyên khởi
lên. Và cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do
duyên khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là
khổ. Cái (khổ) ấy Tôn giả chấp trước (allino: dính vào);
cái (khổ) ấy Tôn giả chấp nhận (ajjhàpagato)".
-
Gia chủ Cấp Cô Độc,
đối với chín kiến còn lại cùng một nạn vấn tương tự, nêu rõ nếu
các du sĩ chấp nhận những kiến ấy là sự thật, ngoài ra là hư
vọng, thời tự đeo cái khổ vào thân, vì các kiến ấy hoặc do tự
mình tác ý không hợp lý, hay do duyên người khác nói. Như vậy
kiến ấy được sanh, dược tác thành, là những pháp hữu vi, do tâm
suy tư, do duyên khởi lên. Kiến ấy là vô thường, cái gì vô
thường, cái ấy khổ. Và cái khổ ấy, các du sĩ ngoại đạo lại chấp
thủ, chấp nhận, và như vậy không thoát ra khỏi đau khổ.
-
Câu trả lời của ông
Cấp Cô Độc chưa thuyết phục được các du sĩ ngoại đạo. Chúng bèn
yêu cầu ông Cấp Cô Độc nói lên kiến của gia chủ là gì sau khi
các du sĩ đã nói tất cả kiến của mình. Câu trả lời của ông Cấp
Cô Độc thật là tuyệt diệu, không những nói lên một cách trung
thực quan điểm vô ngã của đức Phật mà còn vạch rõ quan điểm
"Kiến" của ngoại đạo đưa chúng đến đau khổ trói buộc, còn quan
điểm "Kiến" của ông Cấp Cô Độc đưa đến an lạc và giải thoát. Ông
Cấp Cô Độc đã trả lời:
-
-"Thưa các Tôn giả,
phàm cái gì được sanh, được tác thành, do tâm suy tư, do duyên
được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái gì vô thường, cái ấy là
khổ. Cái gì khổ, cái ấy là: 'Cái này không phải của tôi; cái này
không phải là tôi; cái này không phải tự ngã của tôi'. Tôi có
kiến như vậy thưa các Tôn giả".
-
Các du sĩ ngoại đạo
hiểu lầm ông Cấp Cô Độc chấp thủ quan điểm của mình nên lập tức
chất vấn: "Này gia chủ, phàm cái gì được sanh, được tán thành,
do tâm suy tư, do duyên được khởi lên, cái ấy là vô thường. Cái
gì là vô thường, cái ấy là khổ. Cái gì khổ, cái ấy này gia chủ
lại chấp nhận trước. Cái ấy, này gia chủ, gia chủ lại chấp
nhận".
-
Nhận thức được các du
sĩ ngoại đạo chưa hiểu được quan điểm của mình, ông Cấp Cô Độc
nêu rõ không những ông như thật khéo thấy với trí tuệ: "Cái này
không phải của tôi; cái này không phải của tôi. Cái này không
phải tự ngã của tôi", ông còn như thật rõ biết sự xuất ly ra
khỏi đau khổ, nhờ quán triệt lý vô ngã của đức Phật. Lời giải
đáp của ông Cấp Cô Độc làm cho các du sĩ ngoại đạo ngồi im lặng,
hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ không nói lên lời.
-
Sau khi thấy các
ngoại đạo ngồi im lặng, hoang mang, thụt vai, cúi đầu, sững sờ
không nói lên lời, ông Cấp Cô Độc liền đi đến yết kiến Thế Tôn,
tường thuật lại nội dung cuộc nói chuyện của mình với các du sĩ
ngoại đạo. Nghe xong, Thế Tôn có vài lời tán thán: "Lành thay,
lành thay, này gia chủ. Như vậy, này gia chủ, những kẻ ngu si ấy
thường thường cần phải bác bỏ với sự khéo léo bác bỏ nhờ Chánh
pháp". Rồi Thế Tôn với một bài thuyết pháp, khích lệ, làm cho
phấn khởi, làm cho hoan hỷ gia chủ Anàthapindika (Cấp Cô Độc).
Sau khi ông Cấp Cô Độc từ biệt, Thế Tôn có lời khuyên các
Tỷ-kheo.
-
"Tỷ-kheo nào, dù đã
được đầy đủ 100 năm an cư mùa mưa trong Pháp và Luật này, vị ấy
cần phải như vậy, thường thường bác bỏ các du sĩ ngoại đạo, với
sự khéo léo bác bỏ nhờ chánh pháp, như gia chủ Anàthapindika đã
khéo léo bác bỏ". Thật là một lời tán dương đẹp đẽ từ miệng Thế
Tôn, đề cao biện tài ứng đáp của ông Cấp Cô Độc, và nói lên
trách nhiệm của các Tỷ-kheo cần phải dùng chánh pháp để bác bỏ
các tà kiến của ngoại đạo.
-
Chúng ta nhận thấy
cái nhìn "vô ngã" của đạo Phật là cái nhìn như thật khéo thấy
với trí tuệ, nhìn thấy tánh vô ngã của thế giới và của con
người, nhờ vậy thoát ly sự chi phối của con người và thế giới,
đối trị được sự ràng buộc của tham sân si, vượt khỏi già, chết,
sầu, bi, khổ, ưu não. Trong mười kiết sử, kiến sử thân kiến
(sakkàyaditthi) đi hàng đầu, và thân kiến có nghĩa là chấp
năm thủ uẩn là "của ta, là ta, là tự ngã của ta", tức là chấp
ngã. Trong Kinh Căn bổn Pháp môn (kinh số 1, Trung Bộ), đức Phật
nêu rõ kẻ phàm phu đối với tất cả pháp trong ấy có địa đại v.v.
vị ấy: "Tưởng tri địa đại là địa đại, vì tưởng tri địa đại là
địa đại, vị ấy nghĩ đến địa đại, nghĩ đến (tự ngã) đối chiếu với
địa đại, nghĩ đến tự ngã như là địa đại, nghĩ địa đại là của ta.
Vị ấy ái dục địa đại, ta nói vị ấy không liễu tri địa đại". Trái
lại bậc Thánh có cái nhìn hoàn toàn sai khác. "Vị ấy thắng
tri địa đại là địa đại. Vị ấy không nghĩ đến địa đại, không nghĩ
(tự ngã) đối chiếu với địa đại, không nghĩ đến tự ngã như là địa
đại, không nghĩ đến địa đại là của ta, không dục ái địa đại. Vì
sao vậy? Ta nói 'Vị ấy đã liễu tri địa đại'." Liễu tri địa
đại ở đây là không chấp ngã địa đại.
-
Trong kinh Xà Dụ
(kinh số 22, Trung Bộ), đức Phật đề cập đến sáu kiến xứ, tức là
chấp thủ 5 thủ uẩn là của ta, là ta, là tự ngã của ta, và chấp
thủ thế giới và tự ngã là thường còn, thường hằng, xem là của
ta, là ta, là tự ngã của ta. Và đức Phật khuyên các Tỷ-kheo
"Hãy từ bỏ cái gì không phải của các ngươi. Các ngươi từ bỏ cái
gì sẽ đem lại hạnh phúc an lạc lâu dài cho các ngươi? Chư
Tỷ-kheo, sắc không phải của các ngươi. Hãy từ bỏ sắc. Các ngươi
nếu từ bỏ sắc sẽ đem lại hạnh phúc cho các ngươi. Thọ không phải
của các ngươi... Tưởng không phải của các ngươi... Hành không
phải của các ngươi... Thức không phải của các ngươi. Hãy từ bỏ
thức. Các ngươi nếu từ bỏ thức sẽ đem lại hạnh phúc cho các
ngươi."
--o0o--
|
|