|
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
-
ĐẠO ĐỨC PHẬT
GIÁO
-
&
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
-
Hòa thượng Thích Minh Châu
---o0o---
-
-
15
-
-
PHÁP TRÍ
-
-
Đức Phật thường
khuyên chúng ta, đối với hàng xuất gia thời hành trì năm Pháp:
tín, giới, đa văn, tinh tấn và trí tuệ; còn đối với hàng tại
gia, thời cũng hành trì năm Pháp, trong ấy, bố thí được thay thế
cho tinh tấn. Như vậy trong cả hai hội chúng xuất gia và tại
gia, đức Phật đều khuyên nên "đa văn" (nghe nhiều), và
nghe nhiều được đức Phật định nghĩa như sau: "Là bậc nghe
nhiều, thọ trì điều được nghe, tích tập điều được nghe. Đối với
pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa văn, đề cao phạm
hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Đối với các pháp như vậy
được nghe nhiều, được thọ trì, được ghi nhớ, được đọc tụng nhiều
lần, chuyên ý quan sát, khéo thể nhập nhờ chánh kiến" (Tăng Chi
II, 159).
-
Trong kinh Pháp Trí
(Tăng Chi II, tr 534) đức Phật xác định rõ nhờ nghe nhiều, vị
Tỷ-kheo có khả năng chứng đắc Pháp Trí, tức là một vị đã thành
tựu bảy Pháp, tức là đạt được bảy sự hiểu biết về Pháp được phân
tích như sau: biết Pháp (Dhammannu), biết nghĩa (atthannu), biết
tự ngã (attannu), biết vừa đủ (mattannu), biết thời (kalannu),
biết hội chúng (parisannu), biết người thắng kẻ liệt
(puggalaparorannu).
-
Rồi đức Phật giải
thích rộng rãi hiểu biết này. Ở đây, biết Pháp,
tức là biết Khế Kinh, Ứng tụng, Ký thuyết, Phúng tụng, Không hỏi
tự thuyết, Thị thuyết, Bổn sanh, Pháp chưa từng có, Phương
quảng. Đây là chín thể văn đức Phật đã sử dụng trong khi Ngài
thuyết Pháp độ sanh, chín thể văn được chứa đựng một cách đầy đủ
trong kinh tạng. Như vậy biết Pháp ở đây có nghĩa là biết những
lời dạy của đức Phật.
-
Còn biết nghĩa
là biết ý nghĩa của những câu những lời Phật dạy, biết rõ câu
này có nghĩa như thế này, câu kia có ý nghĩa như thế kia. Từng
bài kinh, hiểu rõ ý nghĩa của từng bài kinh; từng bài kệ hiểu rõ
ý nghĩa của từng bài kệ, hiểu rõ ràng minh bạch không có hiểu
lầm, không có hiểu sai. Như vậy là biết nghĩa.
-
Còn thế nào là
biết tự ngã? Thường đức Phật dạy các đệ tử tại gia hành
trì năm Pháp: tín, giới, đa văn, bố thí và trí tuệ. Có chỗ thêm
pháp thứ 6 là biện tài. Biết tự ngã ở đây có nghĩa là "cho đến
mức độ như vậy tôi có lòng tin. Cho đến mức độ như vậy tôi có
giữ giới. Cho đến mức độ như vậy tôi có bố thí. Cho đến mức độ
như vậy tôi có trí tuệ". Như vậy biết tự ngã, tức là biết khả
năng và mức độ tu tập của chính mình đối với năm pháp đức Phật
dạy. Có hiểu mình rõ ràng như vậy tức là biết tự ngã.
-
Còn biết ước
lượng vừa đủ là biết mức độ vừa phải của một vị Tỷ-kheo
khi nhận lãnh bốn sự cúng dường của tín đồ về y áo, đồ ăn khất
thực, sàng toạ và dược phẩm trị bệnh. Biết nhận vừa phải, vừa
đủ, không quá tham lam, không quá nhiều, như vậy gọi là biết ước
lượng vừa đủ.
-
Với vị Tỷ-kheo có bốn
trách nhiệm phải làm là thuyết giảng cho tín đồ, tự mình hỏi
đạo, tu tập về thiền định. Vị Tỷ-kheo biết thời là
biết đây là thời phải thuyết giảng vị và vị ấy đúng thời thuyết
giảng. Đây là thời cần phải hỏi đạo, cần phải chất vấn, vị
Tỷ-kheo đúng thời chất vấn. Cũng vậy đối với thời phải tụ tập,
vị ấy tu tập. Đối với thời phải thiền định, vị ấy thiền định,
như vậy gọi là biết thời.
-
Ở đây, biết hội
chúng là biết bốn hội chúng. Hội chúng Sát đế lỵ, hội
chúng Bà-la-môn, hội chúng gia chủ, hội chúng Sa môn. Đối với
từng hội chúng, vị ấy biết nên đi đến hội chúng ấy như vậy, nên
đứng như vậy, nên nói như vậy, nên im lặng như vậy. Như vậy là
biết hội chúng.
-
Như thế nào là
biết người thắng kẻ liệt? Vị Tỷ-kheo biết được có hai
hạng người: một hạng ưa thấy các bậc Thánh, một hạng người không
ưa thấy các bậc Thánh. Vị Tỷ kheo biết hạng người không ưa thấy
các bậc Thánh, đáng bị chỉ trích. Hạng ưa thấy các bậc Thánh
đáng được tán thán. Có hạng người không ưa nghe diệu pháp, hạng
ưa nghe diệu pháp. Hạng không ưa nghe diệu pháp đáng bị chỉ
trích. Hạng ưa nghe diệu pháp đáng được tán thán. Có hạng người
lắng tai nghe diệu pháp và có hạng người không lắng tai nghe
diệu pháp. Hạng người không lắng tai nghe diệu pháp đáng bị chỉ
trích. Hạng người lắng tai nghe diệu pháp đáng được tán thán.
Một hạng người nghe xong thọ trì pháp, một hạng người nghe xong
không thọ trì pháp. Hạng người nghe xong không thọ trì pháp đáng
bị chỉ trích. Một hạng người nghe xong thọ trì pháp đáng được
tán thán. Một hạng người quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì,
một hạng người không quan sát ý nghĩa pháp không được thọ trì.
Hạng người không quan sát ý nghĩa pháp được thọ trì đáng bị chỉ
trích. Hạng người quan sát ý nghĩa các pháp được thọ trì đáng
được tán thán. Một hạng người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu
pháp đã thực hành pháp, tùy pháp. Một hạng người sau khi hiểu
nghĩa, sau khi hiểu pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Hạng
người sau khi hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã không thực hành
pháp, tùy pháp, do vậy đáng bị chỉ trích. Hạng người sau khi
hiểu nghĩa sau khi hiểu pháp đã thực hành pháp và tùy pháp, do
vậy hạng người này đáng được tán thán. Một hạng người thực hành
với mục đích tự lợi không có lợi tha. Một hạng người thực hành
với mục đích tự lợi và lợi tha. Hạng người thực hành pháp và tùy
pháp, với mục đích tự lợi, không lợi tha. Do sự việc này họ đáng
bị chỉ trích. Hạng người thực hành pháp và tùy pháp với mục đích
tự lợi và lợi tha, hạng người này đáng được tán thán. Như vậy
đối với Tỷ-kheo, loại người được biết theo hai hạng. Như vậy
Tỷ-kheo biết kẻ thắng hay người liệt.
-
Với những định nghĩa
trên, chúng ta hiểu người có pháp trí là là người biết pháp, là
người biết nghĩa, là người biết tự ngã, là người biết vừa đủ, là
người biết thời, là người biết hội chúng, là người biết người
thắng kẻ liệt. Đầy đủ bảy sự hiểu biết như vậy mới được gọi là
người có pháp trí. Và như vậy pháp trí không phải chỉ thuần túy
tri thức mà gồm cả ưa nghe diệu pháp, lắng tai nghe diệu pháp,
thọ trì diệu pháp, hiểu ý nghĩa diệu pháp, hành trì diệu pháp,
thuyết giảng diệu pháp và hiểu biết trình độ căn cơ của những
người nghe pháp và hành trì pháp. Nếu chúng ta hiểu biết pháp là
biết những pháp môn Phật dạy đưa đến giải thoát và giác ngộ, và
hiểu nghĩa là hiểu mục đích giải thoát và giác ngộ, thời biết
pháp tương đương với Đạo đế, và biết nghĩa tương đương với Diệt
đế.
--o0o--
|
|