|
ĐẠO ĐỨC PHẬT GIÁO
-
ĐẠO ĐỨC PHẬT
GIÁO
-
&
HẠNH PHÚC CON NGƯỜI
-
Hòa Thượng Thích Minh Châu
---o0o---
-
-
24
-
- KINH
TỔNG THUYẾT
- & BIỆT
THUYẾT
-
- Kinh này đáng
chú ý vì đề cập đến một lời dạy của đức Phật, trong ấy tóm thâu
gọn ghẽ tiến trình tu tập của một người xuất gia đưa đến thánh
quả. Kinh này cũng giới thiệu một phương pháp đức Phật hay
thường dùng để thuyết pháp. Phần đầu gọi là tổng thuyết
(Uddesa) tóm thâu tất cả một vài câu súc tích, rồi phân tích
giải thích rộng ra (Vibhanga). Có khi đức Phật chỉ nói
lên phần tổng thuyết, rồi để một Đại đệ tử của mình phân tích
phần biệt thuyết. Như trong kinh này, chính Ngài Mahà Kàccana
(Đại Ca Chiên Diên) giải thích phần biệt thuyết rồi được đức
Phật xác chứng là đúng với Chánh pháp. Có khi đức Phật giải
thích cả phần tổng thuyết và biệt thuyết, nhờ vậy bài kinh được
trình bày gọn ghẽ và súc tích hơn. Một điều đáng chú ý nữa là
kinh này diễn tả tiến trình giải thoát và dùng một số danh từ
chuyên môn có thể ghi chép sai lạc, cả tiếng Pàli và chữ Hán,
bắt buộc chúng ta phải suy nghĩ và lựa chọn. Chính nhờ phải suy
nghĩ và lựa chọn, chúng ta có khả năng tiến gần đến chính xác
hơn.
- Lời tổng
thuyết của đức Phật dạy trong kinh này như sau:
- "Này
cácTỷ-kheo, vị Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào để
thức của vị ấy đối với ngoại trần không tán loạn, không tản
rộng, tâm không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối
(khủng bố: anupàdàya na parttas-seyya)? Này các Tỷ-kheo, nếu
thức đối với ngoại trần không tán loạn, không tản rộng, tâm
không trú trước nội trần không tán loạn, không tản rộng, tâm
không trú trước nội trần, không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố),
thời sẽ không có tập khởi, sanh khởi của khổ về sanh già bệnh
chết trong tương lai".
- Lời tổng
thuyết này được Tôn giả Mahà Kaccàna phân tích như sau:
- "Sao gọi
là thức đối với ngoại trần bị tán loạn, bị tản rộng? Ở đây, khi
vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức truy cầu sắc tướng, bị
trói buộc bởi vị của sắc tướng, bị cột chặt bởi vị của sắc
tướng, bị triền phược bởi kiết sử vị của sắc tướng, như vậy gọi
là thức đối với ngoại trần bị tán loạn, bị tản rộng. Cũng vậy
đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm
xúc, ý thức pháp.
- "Sao gọi
là thức đối với ngoại trần không bị tán loạn, bị tản rộng? Ở đây
khi vị Tỷ-kheo thấy sắc với con mắt, thức không truy cầu sắc
tướng, không bị trói buộc bởi vị của sắc tướng, không bị cột
chặt bởi vị của sắc tướng, không bị triền phược bởi kiết sử vị
của sắc tướng. Như vậy gọi là thức đối với ngoại trần, không bị
tản rộng. Cũng vậy đối với tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi hương,
lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý nhận thức pháp.
- "Thế nào
là tâm trú trước nội trần? Ở đây vị Tỷ-kheo ly dục ly bất thiện
pháp, chứng và an trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do ly dục
sanh, có tầm có tứ. Thức vị ấy truy tìm hỷ lạc do ly dục sanh,
bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, bị cột chặt bởi vị hỷ
lạc do ly dục sanh, bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do ly dục
sanh, như vậy gọi là tâm trú trước nội trần. Lại nữa vị Tỷ-kheo
đình chỉ tầm và tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái
hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhất tâm.
Thức của vị ấy truy tầm hỷ lạc do định sanh, bị trói buộc bởi vị
hỷ lạc do định sanh, bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do định sanh, bị
triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do định sanh, như vậy gọi là tâm
trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm
tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm
lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Thức của vị ấy truy tầm xả
và lạc, bị trói buộc bởi vị xả và lạc, bị cột chặt bởi vị xả
lạc, bị triền phược bởi kiết sử xả và lạc, như vậy gọi là tâm
trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo, xả lạc xả khổ, diệt hỷ
ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không
lạc, xả niệm thanh tịnh. Thức của vị ấy truy tìm không khổ không
lạc, bị trói buộc bởi vị không khổ không lạc, bị triền phược bởi
kiết sử không khổ không lạc. Như vậy gọi là tâm trú trước nội
trần.
- "Thế nào
là tâm không trú trước nội trần? Ở đây vị Tỷ-kheo ly dục, ly
pháp bất thiện, chứng và trú sơ thiền, một trạng thái hỷ lạc do
ly dục sanh, có tầm có tứ. Thức của vị ấy không truy tìm hỷ lạc
do ly dục sanh, không bị trói buộc bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh,
không bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do ly dục sanh, không bị triền
phược bởi kiết sử hỷ lạc do ly dục sanh, như vậy gọi là tâm
không trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo, đình chỉ tầm và
tứ, chứng và trú thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định
sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Thức của vị ấy
không truy tìm hỷ lạc do định sanh, không bị trói buộc bởi vị hỷ
lạc do định sanh, không bị cột chặt bởi vị hỷ lạc do định sanh,
không bị triền phược bởi kiết sử hỷ lạc do định sanh, như vậy
gọi là tâm không trú trước nội trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo ly hỷ,
trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc
Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú thiền thứ ba. Thức
của vị ấy không truy tìm xả và lạc, không bị trói buộc bởi vị xả
và lạc, không bị cột chặt bởi vị xả và lạc, không bị triền phược
bởi kiết sử xả và lạc, như vậy gọi là tâm không trú trước nội
trần. Lại nữa, vị Tỷ-kheo xả lạc và khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ
trước, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm
thanh tịnh. Thức của vị ấy không truy tầm không khổ không lạc,
không bị trói buộc bởi vị không khổ không lạc, không bị cột chặt
bởi vị không khổ không lạc, không bị triền phược bởi kiết sử
không khổ không lạc. Như vậy gọi là tâm không trú trước nội
trần.
- "Thế nào
là bị chấp thủ quấy rối (khủng bố)? Ở đây kể vô văn phàm phu,
không yết kiến các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không thuần
pháp các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không tu học pháp các bậc
Thánh, các bậc chân nhân, thấy sắc như là tự ngã, hay là tự ngã
như là có sắc, thấy sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã như là trong
sắc. Sắc pháp của vị ấy biến hoại đổi khác. Với sự biến hoại đổi
khác trong sắc pháp ấy, thức của vị ấy bị tùy chuyển bởi sự biến
hoại đổi khác trong sắc pháp của vị ấy. Do thức bị tùy chuyển,
nên các pháp quấy rối (khủng bố) khởi lên, xâm nhập tâm và an
trú. Vì tâm bị xâm nhập nên vị Tỷ-kheo sợ hãi, bực phiền và đầy
những khao khát, và vị Tỷ-kheo bị chấp thủ quấy rối (khủng bố:
anupàdà paritassanà). Cũng vậy đối với bốn thủ uẩn thọ, tưởng,
hành, thức.
- "Và thế
nào là không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố)? Ở đây, vị đa văn
thánh đệ tử yết kiến các bậc Thánh, các bậc chân nhân, thuần
thục pháp các bậc Thánh, các bậc chân nhân, không thấy sắc như
là tự ngã, không thấy tự ngã như là có sắc, không thấy sắc ở
trong tự ngã, không thấy tự ngã ở trong sắc. Sắc pháp của vị ấy
bị biến hoại đổi khác. Với sự biến hoại đổi khác trong sắc pháp,
thức của vị ấy không tùy chuyển bởi sự biến hoại đổi khác trong
sắc pháp của vị ấy. Do thức không bị tùy chuyển bởi sự biến hoại
đổi khác trong sắc pháp, nên các pháp quấy rối (khủng bố) không
khởi lên, không xâm nhập tâm vào an trú. Vì tâm không bị thâm
nhập, nên vị Tỷ-kheo không sợ hãi, không bực phiền, không đầy
những khao khát. Và vị ấy không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố).
Như vậy là không bị chấp thủ quấy rối (khủng bố). Cũng vậy đối
với bốn thủ uẩn thọ, tưởng, hành thức."
- Như đã được
đề cập, kinh này trình bày một phương pháp tu tập cho vị Tỷ-kheo
đạt đến tiến trình giải thoát và giác ngộ. Vị Tỷ-kheo trước hết
đối với ngoại trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không truy
cầu sắc tướng, thanh tướng v.v... không bị luyến aí, triền phược
bởi vị của sắc tướng, thanh tướng v.v..., được tự tại, thoát ly
sự chi phối của ngoại trần. Đối với nội trần, ở đây chỉ cho các
thiền chi của bốn cảnh thiền, tức là hỷ lạc do ly dục sanh, hỷ
lạc do định sanh, xả và lạc xả, không khổ không lạc, vị Tỷ-kheo
không bị đam mê bởi các thiền chi này, mà vượt lên trên chúng để
đạt các thiền chứng cao hơn, và nhờ vậy vị Tỷ-kheo không có trú
trước nội trần. Vị Tỷ-kheo tuệ quán năm uẩn: sắc, thọ, tưởng,
hành, thức là vô ngã, và nhờ vậy khi năm uẩn này bị biến hoại
đổi khác, thức của vị Tỷ-kheo không bị tùy chuyển theo sự biến
hoại đổi khác này. Nhờ vậy, các pháp quấy rối (khủng bố) không
khởi lên, không thâm nhập tâm vào an trú.
- Do tâm không
bị xâm nhập, nên vị Tỷ-kheo không có sợ hãi, bực phiền, lòng đầy
khao khát. Nhờ vậy vị Tỷ-kheo không bị chấp thủ quấy rối và như
vậy được giác ngộ, được giải thoát. Ở đây chúng ta nhận thấy lý
thuyết vô ngã quan trọng bực nào trong tiến trình giác ngộ, được
giải thoát. Vị Tỷ-kheo còn chấp ngã, xem năm thủ uẩn là của Ta,
là Ta, là tự ngã của Ta, thời khi năm uẩn chịu sự biến hoại và
đổi khác, thức của vị Tỷ-kheo tùy chuyển theo sự biến hoại đổi
khác này. Do vậy các pháp quấy rồi, khủng bố khởi lên, xâm nhập
tâm vào an trú. Do tâm bị xâm nhập, vị Tỷ-kheo sợ hãi, bực
phiền, lòng đầy khao khát... Do vậy vị Tỷ-kheo bị chấp thủ quấy
rối, bị khủng bố, không được giác ngộ. Có một số danh từ cần
phải giải thích, như: anupàdàya paritassati - vị ấy bị
chấp thủ quấy rối hay khủng bố. Chữ paritassati dịch là
khủng bố có hơi nặng nên dùng chữ quấy rối cho nhẹ
hơn, dẫu rằng chữ khủng bố thường được kinh chữ Hán dùng.
Ở đây, kinh chữ Hán tương đương giải thích đoạn này có dùng một
số danh từ sai khác nhưng nói chung cũng tương đương với lời
giải thích từ chữ chữ Pàli. Kinh Hán tạng tương đương là "Kinh
Phân biệt quán pháp", Trung A Hàm số 164, Đại I, 694b.
- Kinh Hán tạng
chép: "Chư hiền, thế nào là Tỷ-kheo không thọ mà khủng bố?
Chư hiền, Tỷ-kheo không ly sắc nhiễm, không ly sắc dục, không ly
sắc ái, không ly sắc khát. Chư hiền, nếu có Tỷ-kheo không ly sắc
nhiễm, không ly sắc dục, không ly sắc ái, không ly sắc khát, vị
ấy muốn được sắc, cầu sắc, trước sắc, trụ sắc, sắc tức là ngã,
sắc là sở hữu của ngã. Khi muốn được sắc, cầu sắc, trú sắc, sắc
tức là ngã, sắc là sở hữu của ngã, thời thức ôm ấp sắc. Khi thức
ôm ấp sắc, thời khi sắc ấy biến dị, thức chuyển theo sắc, thời
nó sanh khủng bố pháp và tâm trú trong ấy. Nhân vì tâm không
biết, nên sanh sợ hãi phiền lao, không thọ mà khủng bố". Ở
đây, kinh chữ Hán dịch "annupàdà aparitassanti" là "không thọ mà
khủng bố".
- Thình thoảng,
chúng ta gặp một bài kinh, tóm tắt một cách tuyệt diệu tiến
trình giải thoát giác ngộ như bài kinh này. Ở đây, chúng ta
chứng kiến cách dùng văn khéo léo của đức Phật, đã tóm thâu cả
phương pháp tu hành đạt đến thánh quả, chỉ trong một số câu ngắn
gọn súc tích, được phân tích rạch ròi, không có kéo dài lê thê,
không có rườm rà với những điển tích khó hiểu. Lời dạy của Ngài
bao giờ cũng trong sáng gọn nhẹ, nhưng thiết thực và hướng
thượng.
- (Trung
Bộ III, số 138)
--o0o--
|
|