LUẬT TẠNG

BỒ TÁT GIỚI
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải
 
CHƯƠNG BA
Dịch Giải Chính Văn
Bồ Tát Giới Phạm Võng
---o0o---
Bồ tát giới Phạm võng 
Là giới pháp vô thượng, 
Trăm ngàn vạn ức kiếp 
Vẫn khó mà gặp được; 
Nay con đã thấy nghe 
Lại còn được thọ trì,
Nguyện cầu sớm thành tựu 
Pháp tánh thân thường trú.
Kính lạy Đức Lô Xá Na Như Lai.
Kính lạy Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai.
Kính lạy Kho Tàng Bồ Tát Giới Phạm Võng. 
Đây là bài kệ khai kinh và kính lạy giáo chủ Bồ tát giới Phạm võng. Bài kệ khai kinh này là bài thông thường mà tôi đổi và dịch cho đúng với trường hợp tụng Bồ tát giới Phạm võng. Pháp tánh thân thường trú là như chính văn sau đây nói, "Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, nên toàn bộ thân tâm của chúng sinh, thân ấy tâm ấy đều nhập vào trong giới pháp Phật tánh, và đương nhiên có cái nhân như vậy thì đương nhiên thực hiện pháp thân thường trú". Chú thích: nhập vào trong giới pháp Phật tánh là thọ và trì giới pháp ấy.
Bài kệ khai kinh này, Bồ tát giới kinh để nguyên và đặt trước nghi thức mở đầu. Để và đặt như vậy không thích hợp ý nghĩa mà cũng không thích hợp nghi thức.
Kinh Phạm võng, phẩm thứ 10 
"Tâm địa giới bồ tát của Đức Lô Xá Na tuyên thuyết",  phần dưới
Đầu đề này đã giải thích trong chương dẫn nhập. Nay chỉ giải thích chính văn.
Tiết 1  :  Mở Đầu Về Bồ Tát Giới Phạm Võng
Mục 1: Nói về Xuất Xứ Của Bồ Tát Giới Phạm Võng Bằng Thể Trường Hàng 
Đoạn 1: Nói Xuất Xứ Gián Tiếp Của Bồ Tát Giới Phạm Võng. 
Số 1    : Đức Lô Xá Na Tổng Kết Về Phẩm Pháp Môn Tâm Địa.
Số 2   : Chư Phật Chuyển Dạy Phẩm Pháp Môn Tâm Địa Cho Chúng Sinh.
Đoạn 2: Nói Xuất Xứ Trực Tiếp Của Bồ Tát Giới Phạm Võng. 
Số 1   : Đức Thích Ca Bổn Sư Tự Thuật Ngài Cũng Chuyển Dạy Phẩm Pháp Môn Tâm Địa Như Chư Phật. 
Số 2    : Đức Thích Ca Bổn Sư Nói Sẽ Nói Lại Bồ Tát Giới Phạm Võng.
Mục 2  :  Nói về Xuất Xứ Của Bồ Tát Giới Phạm Võng Bằng Thể Chỉnh Cú 
Đoạn 1  :  Đức Thích Ca Bổn Sư Thuật Lời Đức Phật Bản Thân Tụng Bồ Tát Giới.
Đoạn 2  :  Đức Thích Ca Bổn Sư Thuật Sự Tụng Lại Bồ Tát Giới Của Chư Phật Hóa Thân. 
Đoạn 3 :   Đức Thích Ca Bổn Sư Mở Đầu Để Tụng Lại Bồ Tát Giới Y Như Chư Phật Hóa Thân. 
Mục 3   :   Qui Định Mấy Điều Cốt Yếu Về Bồ Tát Giới Phạm Võng 
Đoạn 1  :   Qui Định Hiếu Là Giới.
Đoạn 2 :  Qui Định Tất Cả Bồ Tát Vị Phải Tụng Bồ Tát Giới Phạm Võng.
Đoạn 3  :   Qui Định Điều Kiện Lãnh Thọ Bồ Tát Giới Phạm Võng. 
Số 1: Đức Lô Xá Na Tổng Kết Về Phẩm Pháp Môn Tâm Địa
Khi ấy Đức Lô Xá Na đã vì đại chúng mà khai thị một cách tóm tắt, chỉ bằng đầu sợi lông, về pháp môn tâm địa, một trong các pháp môn nhiều đến số lượng không thể nói hết, như cát của trăm ngàn sông Hằng. Và kết thúc rằng, pháp môn tâm địa ấy hết thảy chư Phật quá khứ đã nói, chư Phật vị lai sẽ nói, chư Phật hiện tại đang nói, tất cả Bồ tát trong quá khứ vị lai và hiện tại đã học sẽ học và đang học. Như lai đã trải qua cả trăm vô số kiếp tu hành tâm địa ấy, kết quả thành Phật, danh hiệu Lô Xá Na. Chư vị Phật đà, các ngài hãy chuyển pháp môn của Như lai đã nói cho hết thảy chúng sinh, khai thị tâm địa cho họ. Bấy giờ trên Sư tử tòa sáng chói rực rỡ ở Liên hoa đài, tức Hoa tạng thế giới, Đức Lô Xá Na phóng ra ánh sáng, khuyến cáo một ngàn Đức Thích Ca trên một ngàn cánh hoa, rằng các ngài hãy đem phẩm Pháp môn tâm địa của Như lai mà đi, nói lại một cách tuần tự phẩm ấy cho một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, và hết thảy chúng sinh, với lời khuyến cáo rằng các người hãy thọ trì, đọc tụng, nhất tâm mà phụng hành. 
Đây là Đức Lô Xá Na tổng kết về phẩm Pháp môn tâm địa mà trong đó có phần Giới pháp vô tận (Bồ Tát Giới) khuyến cáo chư Phật hóa thân chuyển dạy pháp môn ấy cho chúng sinh.
Sư tử tòa là Phật như sư tử, Phật ngồi ở đâu chỗ ấy cũng gọi là sư tử tòa. Sư tử tòa ở đây của Đức Lô Xá Na, và chư Phật hóa thân của ngài, là ở Hoa tạng thế giới. Hoa tạng thế giới tượng trưng như Liên hoa đài (đài sen), nên gọi đủ là Liên Hoa Đài Tạng thế giới. Tách ra, chuyển dịch "Liên hoa đài, tức Hoa tạng thế giới" là để ăn liền với ngàn cánh hoa ở câu dưới. Liên hoa đài cũng là từ ngữ dùng trong văn chỉnh cú ở dưới.
Đưa đại chúng đến hỏi để Đức Lô Xá Na nói về pháp môn tâm địa là ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, nhưng Đức Lô Xá Na gọi ngàn Đức Thích Ca mà nói, ấy là Phật nói với Phật về tâm địa; còn ngàn Đức Thích Ca nói với ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, ấy là Phật nói với Phật về cách nói tâm địa cho chúng sinh. Nói một cách tuần tự cho ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, và hết thảy chúng sinh, câu này nói tắt, nói rõ thì phải là nói cho ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca để chư Phật ấy dạy lại cho hết thảy chúng sinh, khuyến cáo chúng sinh thọ trì tâm địa. Nói một cách tuần tự là nói bằng 10 chỗ thuyết pháp.
Số 2: Chư Phật Chuyển Dạy Phẩm Pháp Môn Tâm Địa Cho Chúng Sinh
Khi ấy một ngàn Đức Thích Ca trên một ngàn cánh hoa, và một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, đều đứng dậy từ Sư tử tòa rực rỡ ở Hoa tạng thế giới. Ngài nào cũng cáo thoái bằng cách khắp mình phóng ra ánh sáng bất khả tư nghị, cùng hóa hiện vộ lượng Đức Phật nữa, và cùng trong một lúc dùng vô số sắc hoa xanh vàng đỏ trắng hiến cúng Đức Lô Xá Na, tiếp nhận và ghi nhớ trọn vẹn phẩm Pháp môn tâm địa mà ngài đã tuyên thuyết. Rồi các ngài từ Hoa tạng thế giới ẩn đi. Ẫn rồi nhập định tên Bông hoa ánh sáng của thể tánh thanh tịnh in như hư không, trở về dưới cây bồ đề ở châu Diêm phù của thế giới mình, xuất định nói trên, ngồi trên Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng, và tại Diệu quang đường nói về mười biển cả thế giới, lại rời chỗ ấy đến Đế thích cung nói về mười trú, đến Diệm thiên nói về mười hành, đến Đâu suất thiên nói về mười hướng, đến Hóa lạc thiên nói về mười định, đến Tha hóa thiên nói về mười địa, đến Sơ thiền nói về mười kim cang, đến Nhị thiền nói về mười nhẫn, đến Tam thiền nói về mười nguyện, đến cung Đại tự tại thiên vương thuộc Tứ thiền nói lại phẩm Pháp môn tâm địa mà bản thân là Đức Lô Xá Na ở Hoa tạng thế giới đã nói. Toàn thể một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca đều làm như vậy, không khác gì nhau, như phẩm Hiền kiếp đã nói. 
Đây là chư Phật hóa thân chuyển dạy phẩm Pháp môn tâm địa cho chúng sinh bằng cách thị hiện 8 tướng thành đạo và 10 chỗ thuyết pháp.
Định tên Bông hoa ánh sáng của thể tánh thanh tịnh in như hư không , nói vắn tắt và nói cách khác, là diệu dụng của bản tánh thanh tịnh ; diệu dụng ấy là thị hiện 8 tướng thành đạo và 10 chỗ thuyết pháp. Nhập định rồi xuất định ấy là từ bản tánh thanh tịnh mà hiện khởi diệu dụng như vậy. Trở về dưới cây bồ đề ở châu Diêm phù của thế giới mình, xuất định nói trên, ngồi trên Kim cang tòa là nói tắt về sự thị hiện 8 tướng thành đạo.
Trong 10 chỗ thuyết pháp, Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng , cũng có thể dịch Kim cang tòa rực rỡ hoa mỹ Kim cang tòa này ở dưới Bồ đề thọ của Tịch diệt tràng. Cách 3 dặm về phía đông nam của Tịch diệt tràng là Diệu quang đường (Phổ quang minh điện). Tại chỗ thứ 1 này chư Phật nói về 10 biển cả thế giới, là nói về vi trần thế giới, nói về vô tận Hoa tạng thế giới, thế giới Phạm võng. Còn 8 chỗ kế tiếp nói về Bồ tát hạnh vị. Hạnh vị ấy tuy có 8 số 10, nhưng chính yếu là 30 tâm (10 trú 10 hạnh 10 hướng) và 10 địa, còn những hạnh vị khác chỉ chuẩn bị (10 tín, chính văn này lược đi) hay bổ túc. Đến chỗ thứ 10 nói lại phẩm Pháp môn tâm địa mà, như đã nói, trong đó có Bồ tát giới. Ngang đây lẽ đáng còn phải có câu như chính văn số 2 của đoạn 2 sau đây nói, "Rồi từ cung thiên vương ấy trở xuống ngồi dưới cây bồ đề của châu Diêm phù, vì hết thảy chúng sinh phàm phu mê ám trên đất này, nói lại giới pháp duy nhất mà đức bản thân Lô Xá Na đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa của ngài".
Và như vậy, Bồ tát giới được từ đức Phật bản thân đến chư Phật hóa thân đều nói, tại Liên hoa đài, tại Đại tự tại thiên cung, tại Bồ đề thọ.
Về pháp đã thuyết qua 10 chỗ, cuối Bồ tát giới Phạm võng tổng kết như sau, "Nói tóm, ngàn lần trăm ức thế giới, Hoa tạng thế giới, và các Hoa tạng thế giới khác nhiều như vi trần, cũng diễn về tất cả kho tàng chánh pháp của chư Phật là kho tàng tâm, kho tàng địa, kho tàng giới, kho tàng vô lượng hạnh nguyện và kho tàng nhân quả Phật tánh thường trú".
Số 1: Đức Thích Ca Bổn Sư Tự Thuật Ngài Cũng Chuyển Dạy Phẩm Pháp Môn Tâm Địa Như Chư Phật
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni từ Hoa tạng thế giới mà khởi đầu Ngài đã hiện ra ở đó, hướng về phía đông, đi vào cung thiên vương, nói xong kinh Ma vương chịu giáo hóa, rồi hạ sinh ở nước Ca di la thuộc châu Diêm phù, mẹ là hoàng hậu Ma Da, cha là hoàng đến Bạch Tịnh, "Như lai tên Tất Đạt, bảy năm xuất gia, thành đạo lúc ba mươi tuổi, danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, đầu tiên ngồi Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng tại Tịch diệt tràng, cuối cùng đến cung Đại tự tại thiên vương, tuần tự thuyết pháp cả mười chỗ". Trong khi thuyết pháp tại cung Đại tự tại thiên vương, Đức Thích Ca Mâu Ni nhìn tràng lưới của các Đại Phạm thiên vương, nhân đó nói với họ, rằng vô lượng thế giới in như mắt lưới, mỗi mỗi khác nhau, vô cùng vô tận; pháp môn Đức Lô Xá Na dạy cũng y như vậy. Như lai nay đến thế giới này đã tám ngàn lần, vì cả thế giới Ta bà mà ngồi Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng, nói về mười biển cả thế giới, cho đến đến cung Đại tự tại thiên vương này, tóm tắt khai thị hoàn tất phẩm Pháp môn tâm địa cho đại chúng ở đây. 
Đây là Đức Thích Ca Bổn Sư Tự Thuật, Ngài cũng chuyển dạy phẩm Pháp môn tâm địa cho chúng sinh bằng 8 tướng thành đạo và 10 chỗ thuyết pháp; nói cách khác, ngài cũng thể hiện diệu dụng của định Bông hoa ánh sáng của thể tánh thanh tịnh.
Thích Ca Mâu Ni , hay Thích Ca, ở đây là Đức Thích Ca Bổn Sư. Ngài cũng thị hiện 8 tướng thành đạo và 10 chỗ thuyết pháp. Tám tướng thành đạo là giáng thần, nhập thai, trú thai, xuất thai, xuất gia, thành đạo, chuyển pháp luân, nhập niết bàn. Sự tích như sau: Giáng trần là từ nội viện Đâu suất, Phật giáng trần bằng hình tướng cỡi voi trắng mà xuống vương cung Bạch tịnh. Nhập thai là Phật nhập vào hông trái của hoàng hậu Ma Da. Trú thai là Phật ở trong thai mà không hôn mê, vẫn thuyết pháp cho chư thiên. Xuất thai là ngày trăng tròn tháng tư, từ hông phải của hoàng hậu Ma Da, Phật sinh ra ở hoa viên Lâm tỳ ni. Xuất gia là 25 (23?) tuổi, Phật thoát vương cung, vào núi học đạo. Thành đạo là sau 6 năm khổ hạnh, và sau khi ngồi trên tòa Kim cang, hàng phục ma vương, Phật thành chánh giác dưới gốc bồ đề. Chuyển pháp luân là Phật thuyết pháp, quảng độ chúng sinh trong 50 năm. Nhập niết bàn là 80 tuổi, Phật nhập diệt dưới cây Sa la song thọ. Cả 8 tướng như vậy đều là sự thị hiện, và nói thị hiện, hay nói Đức Lô Xá Na hóa ra Đức Thích Ca, là như thế đó, chứ không phải như là ảo thuật. Cả 8 tướng như vậy toàn là tác dụng độ sinh, chứ không phải chỉ có thuyết pháp mới độ sinh. Và cả 8 tướng như vậy hợp thành một Đức Phật liệt ứng thân, nói cách khác, toàn là "bông hoa ánh sáng của thể tánh thanh tịnh". Chính văn trên đây, 8 tướng này nói đã lược, lại lược luôn cả chữ thị hiện.
Hướng về phía đông là vì Ta bà thế giới ở về phía đông Hoa tạng thế giới. Vào cung thiên vương là cung Đại tự tại thiên vương (Vạn 60/334B) Tịch diệt tràng là Bồ đề tràng; ở đó hóa thân của Phật thị hiện chứng hữu dư niết bàn nên gọi là Tịch diệt tràng, thị hiện chứng vô thượng Bồ đề nên gọi là Bồ đề tràng.
Nói thế giới và pháp môn mà ví dụ như Phạm võng, là nói đạo lý trùng trùng duyên khởi. Thị hiện 8 tướng thành đạo ở Diêm phù, 1 trong 1 tỷ thành phần của đại thiên thế giới Ta bà, mà nói "vì cả thế giới Ta bà mà thuyết pháp 10 chỗ", thì biết Đức Thích Ca Bổn Sư không phải chỉ là một chiều thuộc về số lượng ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca hóa thân, thế giới ngài giáo hóa cũng không phải là một chiều thuộc về số lượng ngàn lần trăm ức tiểu thế giới. Tóm tắt khai thị hoàn tất phẩm Pháp môn tâm địa tức là cũng đã tóm tắt tụng lại Bồ tát giới (phần Giới pháp vô tận trong phẩm Pháp môn tâm địa) cho các vị đại căn đương cơ ở Đại tự tại thiên cung, chứ không phải chỉ nói Bồ tát tâm địa còn Bồ tát giới về Diêm phù mới nói.
Số 2: Đức Thích Ca Bổn Sư Nói Sẽ Nói Lại Bồ Tát Giới Phạm Võng
Rồi từ cung thiên vương ấy, Như lai trở xuống, ngồi dưới cây bồ đề của châu Diêm phù, vì hết thảy chúng sinh phàm phu mê ám trên đất này, nói lại giới pháp duy nhất mà đức bản thân Lô Xá Na của Như lai đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa của ngài, giới pháp mà từ khi mới phát tâm ngài đã thường tụng. Giới pháp ấy như ngọc kim cang sáng chói, và là bản nguyên của chư Phật, của Bồ tát, là hạt giống Phật tánh. Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, nên toàn bộ thân tâm của chúng sinh, thân ấy tâm ấy đều nhập vào trong giới pháp Phật tánh, và đương nhiên có cái thân như vậy thì đương nhiên thực hiện pháp thân thường trú. Về mười Ba la đề mộc xoa mà Như lai sẽ nói lại sau đây, khi xuất hiện ở thế giới này, thì đó chính là giới pháp của Phật pháp, là giới pháp mà hết thảy chúng sinh trong quá khứ vị lai và hiện tại nên kính phụng thọ trì. Như lai sắp sửa vì cả đại chúng ở đây mà trùng tuyên phần Giới pháp vô tận, giới pháp của hết thảy chúng sinh, bản nguyên là tự tánh thanh tịnh. 
Đây là Đức Thích Ca Bổn Sư nói sẽ nói lại Bồ tát giới Phạm võng (Giới pháp vô tận) cho chúng sinh Diêm phù, Bồ tát giới mà bản thân Lô Xá Na của ngài đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa và đã tụng từ khi mới phát tâm, cho đến thành Phật rồi cũng vẫn thường tụng.
Như lai trở xuống, ngồi dưới cây bồ đề của châu Diêm phù, vì hết thảy chúng sinh phàm phu mê ám trên đất này, nói lại giới pháp duy nhất mà Đức Bản Thân Lô Xá Na của Như lai đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa của ngài, giới pháp mà từ khi mới phát tâm ngài vẫn thường tụng là nói Bồ tát giới là giới pháp mà thánh phàm cùng được truyền thọ và thọ trì. "Nói lại giới pháp duy nhất..." chính văn là thuyết ngã bản Lô Xá Na Phật tâm địa trung sơ phát tâm trung thường sở tụng nhất giới. Tâm địa ở đây không phải là nhân địa để dịch tu nhân, mà là gọi tắt tên phẩm Pháp môn tâm địa, như đã gọi như vậy ở đoạn đầu và còn gọi như vậy ở đoạn cuối Bồ tát giới Phạm võng. Phật tụng giới, không phải chỉ tụng trong khi tu nhân, lại càng không phải chỉ tụng lúc mới phát tâm. Cả chính văn chỉnh cú và trường hàng trong đoạn 1 mục 2 và đoạn 2 mục 3 sau đây sẽ chứng tỏ từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật rồi, Phật vẫn thường tụng. Chưa thành Phật thì tụng để được thành, thành Phật rồi thì tụng để truyền thọ, như Phật bản thân tụng lại và Phật hóa thân tụng lại nữa, tụng thành Bồ tát giới Phạm võng này đây.
Phật tánh ở đây vừa có nghĩa bản thể vừa có nghĩa khả năng: bản thể là Phật, và khả năng làm Phật, gọi là Phật tánh. Bản thể và khả năng ấy, chính là thân tâm chúng ta đây. Như vậy, vì chúng sinh có Phật tánh, nên thân là thân chúng sinh, tâm là tâm chúng sinh, mà thân tâm ấy vẫn có thể thọ và trì được giới pháp Phật tánh, nên chính văn nói "Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, nên toàn bộ thân tâm của chúng sinh, thân ấy tâm ấy đều nhập vào trong giới pháp Phật tánh". 
Câu trên đây, chính văn là nhất thế chúng sinh giai hữu Phật tánh, nhất thế ý thức sắc tâm, thị tình thị tâm giai nhập Phật tánh giới trung. Trước hết, phải hiểu các chữ ý, thức, sắc, tâm, tình, tâm. Ý, thức, tâm, 3 chữ ấy chỉ là "một nghĩa mà khác tên", vậy có thể và cần phải gồm lại mà chỉ nói là tâm, cho rõ và đủ hơn. Còn sắc ở đây là 5 sắc căn, tức nhãn căn cho đến thân căn; 5 căn này ngài La thập cũng hay dịch là ngũ tình. Việc này không những thấy trong Pháp hoa (như phẩm 24), mà Trí độ luận (như cuốn 40) nói càng rõ, "5 tình là mắt vân vân, gọi là nội thân; 5 trần là sắc vân vân, gọi là ngoại thân". Như vậy thì chữ sắc ở đây cũng chính là chữ tình ở đây. Và sắc hay tình là 5 căn, là chính cái thân tổng hợp 5 giác quan, vậy có thể và cần phải gồm lại mà chỉ nói là thân, cho rõ và sát hơn. Sát hơn, vì lẽ Bồ tát giới cũng như bao nhiêu giới pháp khác, không có thân như chư thiên Vô sắc giới thì không thọ được, nên chính văn đoạn 3 mục 3 sau đây kể ai cũng được thọ Bồ tát giới mà không kể chư thiên Vô sắc giới. Vậy thì biết thân là yếu tố cần nhất trong việc thọ và trì giới pháp Phật tánh, thân là Phật tánh.
Nên nói thêm chút nữa. Nói Phật tánh mà chỉ nói tâm thì không ai lạ gì, nhưng nói thân vào (nói sắc vào) thì có nhiều người lúng túng. Lúng túng đến nỗi phải lướt bỏ chữ sắc đi, lại hiểu chữ tình là tình thức. Lúng túng như vậy là quên đi rằng, nói Phật tánh thì đúng là nói tâm, nhưng tâm ấy là tâm tánh, gồm cả thân tâm và ngoại cảnh: toàn bộ thân tâm và ngoại cảnh của tâm tánh đều bản thể là Phật, đều thành khả năng làm Phật, nên gọi là Phật tánh cả. Phải hiểu như vậy về chữ Phật tánh, nhất là chữ ấy ở đây. Và hiểu như vậy thì thấy chữ sắc trong 6 chữ ý, thức, sắc, tâm, tình, tâm, chữ sắc ấy đúng là sắc căn (nội sắc), nhưng nếu hiểu thêm rằng chữ sắc ấy cũng chỉ cho cả trần cảnh (ngoại sắc), thì dẫu quá xa cũng vẫn đúng. Đúng, vì không cần luận đến bản thể mà chỉ nói sự dụng, thì ngoại cảnh cũng là phương tiện và khả năng giúp cho sự thọ trì Bồ tát giới, thực hiện Phật tánh.
Sau hết, chính văn chỗ này có một định thức: có Phật tánh thì có thể thọ trì Phật giới, thọ trì Phật giới thì thành tựu Phật quả là pháp thân thường trú.
Mười ba la đề mộc xoa là 10 giới nặng. Nói về Bồ tát giới, phần nhiều hay nói 10 giới nặng ấy, vì 10 giới nặng ấy là căn bản, còn 48 giới nhẹ toàn là đẳng lưu. Nói 10 giới nặng xuất hiện thế gian là nói Bồ tát giới xuất hiện, và 10 giới nặng ấy cũng gọi là 10 giới pháp vô tận hay phần Giới pháp vô tận.
Về 10 giới pháp vô tận, kinh Anh lạc cũng gọi như vậy, và cũng có ý như Phạm võng, chỉ thứ tự có xê xích chút ít. Gọi là giới pháp vô tận, vì giới pháp ấy thọ rồi, đời này đời khác, vẫn thường không mất, đi theo hành giả cho đến thành Phật, lại nữa, giới pháp ấy lấy tâm làm thể, tâm vô tận nên giới vô tận (Anh lạc, Chính 24/1020).
Giới pháp của Phật pháp , chính văn chỉ là pháp giới. Nhưng do từ ngữ Phật pháp trung giới tạng (giới tạng trong Phật pháp, kho tàng giới pháp trong Phật pháp) trong đoạn 3 mục 2 sau đây, và từ ngữ chư Phật pháp giới (giới pháp của Phật pháp) ở đầu đoạn 2 mục 3 sau đây nữa, mà biết pháp giới là gọi tắt những từ ngữ ấy, nên phải dịch rõ ràng như vậy. Giới pháp của hết thảy chúng sinh, bản nguyên là tự tánh thanh tịnh là gián tiếp định nghĩa về giới: giới là tự tánh thanh tịnh, nên giới là của chúng sinh. Vì giới là của chúng sinh như vậy, nên chúng sinh có thể và nên thọ trì. Và giới là tự tánh thanh tịnh của chúng sinh, đó cũng là một cách nói về xuất xứ của Bồ tát giới Phạm võng.
Đọan 1: Đức Thích Ca Bổn Sư Thuật Lời Đức Phật Bản Thân Tụng Bồ Tát Giới Như lai Lô Xá Na 
An tọa Liên hoa đài, 
Xung quanh Liên hoa đài 
Có cả một ngàn cánh. 
Trên ngàn cánh hoa ấy 
Như lai hiện ngàn Phật, 
Tất cả đồng một hiệu 
Hiệu Thích Ca Thế Tôn. 
Mỗi cánh hoa nói trên 
Có trăm ức thế giới, 
Mỗi thế giới lại có 
Một Đức Thích Ca nữa; 
Các Đức Thích Ca này 
Cùng trong một thì gian 
Ngồi dưới bồ đề thọ 
Thành tựu vô thượng giác. 
Ngàn và ngàn trăm ức 
Đức Thích Ca nói trên, 
Toàn thể chỉ là một 
Bản thân Lô Xá Na. 
Một ngàn lần trăm ức 
Đức Thích Ca như vậy 
Cùng tiếp dẫn đại chúng 
Số lượng như vi trần, 
Tất cả đều đưa đến 
Chỗ Như lai an tọa, 
Để nghe Như lai tụng 
Giới pháp của chư Phật. 
Như lai tụng hoàn tất 
Giới pháp của chư Phật 
Là cửa ngõ Cam lộ
Tức thì được khai mở.
Các câu 21-28 là nói ngàn trăm ức Đức Thích Ca đưa đại chúng đến chỗ Đức Lô Xá Na, hỏi để ngài nói phẩm Pháp môn tâm địa, lại nghe ngài tụng Bồ tát giới thành phần Giới pháp vô tận của phẩm Pháp môn tâm địa. Đối với tâm địa thì nói Phật nói, đối với giới pháp thì nói Phật tụng, chữ tụng ấy đưa Bồ tát giới Phạm võng lên tột đỉnh của sự quan trọng. Cửa ngõ Cam lộ là niết bàn: niết bàn là thần dược bất tử, nên cũng có tên Cam lộ.
Đoạn 2: Đức Thích Ca Bổn Sư Thuật Sự Tụng Lại Bồ Tát Giới Của Chư Phật Hóa Thân
Bấy giờ ngàn trăm ức 
Đức Thích Ca Thế Tôn 
Về lại bồ đề tràng 
Ngồi dưới bồ đề thọ, 
Cùng tụng lại giới pháp 
Của Đức Phật bản thân, 
Gồm có mười giới nặng 
Và bốn tám giới nhẹ. 
Giới pháp ấy in như 
Vầng thái dương sáng chói 
Ánh trăng rằm quang rạng 
Và chuổi ngọc quí báu; 
Hết thảy các Bồ tát 
Nhiều như số vi trần, 
Đều do giới pháp này 
Mà thành Đẳng chánh giác.
Tám câu cuối cùng là tán dương năng lực của Bồ tát giới: giới ấy thực hiện trí tuệ như nhật nguyệt và viên mãn phước đức như chuổi ngọc, nên làm cho vi trần Bồ tát được thành Phật đà. Đó là lý do vì sao đức Phật bản thân đã tụng ra và chư Phật hóa thân còn tụng lại về Bồ tát giới. Đẳng chánh giác hay chánh biến tri, là tuệ giác của Phật chứng ngộ một cách như sở hữu tánh về bản thể và tận sở hữu tánh về hiện tượng.
Đoạn 3: Đức Thích Ca Bổn Sư Mở Đầu Để Tụng Lại Bồ Tát Giới Y Như Chư Phật Hóa Thân
Giới pháp đức bản thân 
Lô Xá Na đã tụng, 
Như lai cũng tụng lại 
Hoàn toàn y như vậy
Nên tất cả các người  
Bồ tát mới tu học, 
Hãy hết lòng tôn kính 
Thọ trì giới pháp ấy. 
Các người đã thọ trì 
Giới pháp như vậy rồi, 
Lại đem giới pháp ấy 
Chuyền trao cho chúng sinh. 
Vậy tất cả các người 
Hãy chú ý lắng nghe 
Như lai tụng chính xác 
Giới tạng trong Phật pháp. 
Giới tạng ấy chính là 
Ba la đề mộc xoa, 
Nên hết thảy đại chúng 
Chí tâm mà thâm tín; 
Thâm tín rằng chính mình 
Là đức Phật sẽ thành 
Y như Như lai đây 
Là đức Phật đã thành, 
Thường thâm tín như vậy, 
Giới pháp đã đầy đủ. 
Bất cứ là loài nào 
Hễ vốn có tâm tánh, 
Thì đều nên lãnh thọ 
Giới pháp của chư Phật. 
Chúng sinh mà lãnh thọ 
Giới pháp của chư Phật,
Thì kẻ ấy tức thì 
Nhập vào cương vị Phật; 
Cương vị đã đồng thể 
Với chư Phật đại giác, 
Thì người ấy đích thực 
Là con của chư Phật. 
Vậy tất cả đại chúng 
Cung kính mà lắng nghe, 
Như lai sẽ tụng lại 
Giới pháp của chư Phật.
Đức Thích Ca Bổn Sư mở đầu tụng lại Bồ tát giới với 4 cách. Một, khuyên Bồ tát tự mình thọ trì, lại truyền thọ cho chúng sinh. Bồ tát mới tu học là mới phát đại bồ đề tâm học tập làm Phật. Nói Bồ tát mới tu học không có nghĩa chỉ các vị Bồ tát này mới cần thọ trì và truyền thọ Bồ tát giới, mà là nói ngay như các vị này đã phải làm như vậy, huống chi các vị trên nữa. Hai, nói muốn có giới pháp đại thừa thì phải có đức tin đại thừa. Đức tin ấy là tin mình sẽ làm Phật. Ba, vừa khuyên vừa nói yếu tố thọ trì giới pháp. Yếu tố ấy là có tâm tánh thì có thể và nên thọ trì. Tâm tánh là thể tánh của cả thân tâm và ngoại cảnh. Bốn, nói hiệu lực của giới pháp. Là chúng sinh, nhưng thọ Phật giới thì nhập Phật vị và được gọi là Phật tử. Cương vị Phật là Phật vị: cương vị của các đấng đại giác. Cương vị ấy kể từ khi mới phát đại bồ đề tâm cho đến lúc đã thành vô thượng bồ đề. Cắt nghĩa như vậy là nói về tiệm nhập (vào dần). Nhưng thật ra cũng có trường hợp đốn nhập (vào ngay). Văn khí chỗ này nói tuy có vẻ đốn nhập, nhưng nói để khuyến khích, chứ không phải chỉ đề cao và thừa nhận sự đốn nhập.
Đoạn 1: Qui Định Hiếu Là Giới
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây bồ đề, thành tựu tuệ giác vô thượng rồi, bắt đầu qui định về Bồ tát giới, rằng sự hiếu thuận đối với cha mẹ, đại sư, chư tăng, đối với Tam Bảo sự hiếu thuận phù hợp chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự đình chỉ mọi sự tội lỗi. Đức Thế Tôn liền từ miệng vàng phóng ra ánh sáng vô lượng. Lúc ấy đại chúng có đến trăm vạn ức, các vị Bồ tát, các vị Phạm thiên trong mười tám tầng trời cõi Sắc, các vị thiên nhân trong sáu tầng trời cõi Dục, các vị quốc vương của mười sáu nước cường đại, đều chắp tay, khuynh tận tâm trí, lắng nghe Đức Thế Tôn tụng lại giới pháp đại thừa của hết thảy chư Phật. 
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây bồ đề, thành tựu tuệ giác vô thượng rồi, bắt đầu qui định về Bồ tát giới , nói như vậy là nói tắt; rõ thì phải nói thị hiện thành đạo, tuần tự thuyết pháp 10 chỗ, rồi trở lại ngồi dưới bồ đề thọ, tụng lại Bồ tát giới, bằng cách trước hết qui định về giới ấy. Hiếu thuận đối với cha mẹ, đại sư, chư tăng, trong chữ cha mẹ gồm có chúng sinh, vì lẽ hiếu thuận ở đây là coi tất cả chúng sinh đều đã là sẽ là và đang là cha mẹ bà con của mình. Còn đại sư là 2 vị đại sư: đại sư hòa thượng (vị thầy truyền giới) và đại sư xà lê (vị thầy chỉ dạy cách nói và làm trong sự thọ giới). Không dịch đại sư hòa thượng và đại sư xà lê, chỉ dịch đại sư, là vì Bồ tát giới thì 1 vị mà làm 2 nhiệm vụ này (đến giới nhẹ 41 sẽ nói rõ hơn), nên nhiều chỗ chính văn sau đây hay nói là vị pháp sư (đặc biệt trong giới nhẹ 23). Hiếu thuận đối với cha mẹ, đại sư, chư tăng, đối với Tam Bảo, sự hiếu thuận ấy căn bản phù hợp Phật pháp tối thượng. Sự hiếu thuận như vậy chính là giới pháp, có sức mạnh ngăn chận và loại bỏ tội ác. Các pháp số 18 tầng trời cõi Sắc, 6 tầng trời cõi Dục, 16 nước cường đại, đều dễ tra cứu.
Sau hết, nên nói lại từ ngữ tuệ giác vô thượng. Từ ngữ ấy chính văn là vô thượng giác. Do chữ này của chính văn ở đây mà biết không phải ngài La thập chỉ dịch tắt A nậu đa la tam miệu tam bồ đề là vô thượng đạo, mà cũng dịch tắt là vô thượng giác. Chữ bồ đề, ngài cũng dịch là giác, chứ không phải chỉ dịch là đạo.
Đoạn 2: Qui Định Tất Cả Bồ Tát Vị Phải Tụng Bồ Tát Giới Phạm Võng
Đức Thế Tôn dạy các vị Bồ tát, nay Như lai cứ nửa tháng nửa tháng đích thân tụng lại giới pháp của Phật pháp. Các người, những vị Bồ tát mới phát tâm cho đến những vị Bồ tát mười phát thú mười trưởng dưỡng mười kim cang và mười địa, cũng phải tụng y như vậy. Vì lý do ấy mà ánh sáng giới pháp từ miệng Như lai tuôn ra. Ánh sáng ấy có lý do chứ không phải không có. Nhưng ánh sáng ấy không phải xanh vàng đỏ trắng đen, không phải vật lý tâm lý, không phải khái niệm có không, không phải tính cách nhân quả; mà là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của Bồ tát, căn bản của chính đại chúng Phật tử các người. Vì vậy, đại chúng Phật tử các người phải thọ trì, phải đọc tụng, phải khéo học. 
Bồ tát vị, như đã nói, ngoài sơ phát tâm và thập tín trước đó, chính yếu gồm có thập trú (phát thú) thập hạnh (trưởng dưỡng) thập hướng (kim cang) và thập địa. Hoa nghiêm nói thập trú thập hạnh thập hướng và thập địa, còn Phạm võng nói 30 tâm và 10 địa, ý nghĩa thì đồng, chỉ danh từ có khác (Vạn 60/305B). Tất cả Bồ tát vị này đều phải bố tát tụng Bồ tát giới, vì giới ấy căn bản là thật tướng bát nhã (biểu thị bằng ánh sáng siêu việt của Phật).
Đoạn 3: Qui Định Điều Kiện Lãnh Thọ Bồ Tát Giới Phạm Võng
Phật tử, lắng nghe cho kỹ: Muốn lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì không cứ quốc vương, vương tử, tể tướng, bách quan, tỷ kheo, tỷ kheo ni, Phạm thiên mười tám tầng trời cõi Sắc, thiên nhân sáu tầng trời cõi Dục, tất cả dân chúng, những kẻ hoàng môn, dâm nam dâm nữ, nô bộc tỳ thiếp, quỉ thần trong tám bộ, thần Kim cang, súc sinh, cho đến những kẻ biến hóa, hễ ai hiểu được tiếng nói của vị pháp sư truyền giới, thì đều có thể thọ giới và được giới - đều có thể trở thành người thanh tịnh bậc nhất. 
Điều kiện thọ Bồ tát giới chỉ là và phải hiểu rõ tiếng nói của vị thầy truyền giới. Chính văn trên đây kể ra khá nhiều kẻ mà đối với Tỷ kheo giới không được thọ, vậy mà những kẻ ấy được thọ Bồ tát giới, chứng tỏ giới pháp này cực kỳ bao dung và quảng đại. Tuy nhiên, những loài không có sắc thân như Vô sắc giới, hay những kẻ có sắc thân mà thân ấy đi đôi với tâm quá dữ, quá đần, vô tín ngưỡng (như giới nhẹ 42 nói) thì cũng không thọ được Bồ tát giới. Dầu vậy, việc thọ Bồ tát giới vẫn tương đối dễ dàng. Nhưng dễ thọ không có nghĩa Bồ tát giới không tôn, không nghiêm, không khó như Tỷ kheo giới; chỉ vì Tỷ kheo giới là bản thể Tăng bảo nên điều kiện thọ giới ấy phải tương đối khó hơn mà thôi.
--o0o--