LÂM TẾ CHÚC THÁNH
& TỔ ĐÌNH
PHÁP HỘI BÌNH THUẬN

 
LỜI NÓI ĐẦU
 
Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang thì Phật Giáo đã truyền đến Việt Nam rất sớm, vào khoảng đầu kỷ nguyên TL. Vào khoảng thời gian nầy có ba Trung Tâm Phật Giáo được nhắc đến đó là Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu nằm trong phần đất của Giao Chỉ, hiện nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Hai trung tâm còn lại đó là Trung Tâm Phật Giáo Lạc Dương là kinh đô của Trung Hoa vào đời Nhà Hán, hiện nay là một huyện ở Tỉnh Hà Nam, và Trung Tâm Phật Giáo Bành Thành thì ở hạ lưu sông Dương Tử, hiện thuộc tỉnh Triết Giang.
Về 3 trung tâm nầy, cũng theo VNPGSL của Nguyễn Lang thì Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu hình thành vào thượng bán thế kỷ thứ nhất, được coi là hình thành sớm nhất (1*), sau đó là Trung Tâm Phật Giáo Bành Thành, và đến hạ bán thế kỷ thứ hai tức là năm TL. 165 thì Trung Tâm Phật Giáo Lạc Dương mới hình thành (2*). Do đó, theo Ông Lương Khải Siêu quả quyết rằng, Phật Giáo từ Ấn Độ đã truyền vào Việt Nam trước khi vào Trung Quốc và đã dừng chân tại Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu (3*), rồi sau đó mới truyền vào các Trung Tâm Phật Giáo Bành Thành và Trung Tâm Phật Giáo Lạc Dương.    .
Cho đến năm TL 528 triều đại nhà Lương, Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Quốc truyền đạo, Ngài đã lênh đênh trên biển cả suốt 3 năm trời. Cho nên có thuyết cho rằng Ngài đã dừng chân tại Giao Chỉ, Trung Tâm Phật Giáo Luy Lâu trước khi Ngài vào nội địa Trung Quốc để hội kiến với Vua Lương Võ Đế. Sau khi cuộc đối thoại ngắn với nhà Vua, Tổ biết nhà Vua chỉ là một Phật Tử thuần thành nhưng không phải đối tượng hoằng dương Phật Pháp. Thế là Ngài đã âm thầm vượt sông Dương Tử đi về phía Bắc lên Chùa Thiếu Lâm tại núi Trung Sơn. Tại đây dòng thiền Ấn Độ - Trung Hoa bắt đầu nở rộ và truyền bá mạnh mẽ qua các vị tổ từ Tổ Huệ Khả, Tăng Xán, Đạo Tín trở đi.
Xét về Thiền Tông Việt Nam, cùng thời với Tổ Đạo Tín tức là tổ thứ tư của Thiền Tông Trung Hoa thì từ sớm đã có Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi truyền pháp làm tổ thư nhất của Thiền Tông Việt Nam. Đến đời Đường (TL 820) thì có Tổ Vô Ngôn Thông từ Trung Quốc sang và lập thành phái Thiền Tông thứ hai, rồi sau đó đến các Thiền Phái Thảo Đường, Tào Động..., nhưng Phật Giáo lúc đó chưa mấy thịnh hành. Cho đến gần 1150 năm sau, tính từ Tổ Bồ Đề Đạt Ma đến Việt Nam trước khi vào nội địa Trung Quốc. Vào khoảng năm Đinh Tỵ 1677, Thiền Sư Nguyên Thiều Siêu Bạch cùng các đệ tử từ Trung Quốc qua Đại Việt, vào Phủ Quy Nhơn lập Chùa Thập Tháp Di Đà. Năm 1683, Ngài ra Thuận Hóa lập Chùa Hà Trung và đến Phú Xuân lập Chùa Quốc Ân, dựng tháp Phổ Đồng (1684).
Như vậy Thiền Tông từ Ấn Độ đến Việt Nam từ sớm rồi đi nhanh theo dấu chân của Tổ Bồ Đề Đạt Ma, chưa lưu lại dấu vết gì, nhưng ngày trở lại Việt Nam theo dấu chân Thiền Tổ Nguyên Thiều thì rất đậm nét và phong phú qua sự truyền thừa của các Thiền Tổ cho nên đã định hình cho Việt Nam một thiền phái lớn, có tầm vóc ảnh hưởng sâu rộng trong lòng quần chúng Phật Tử.
Xét về Thiền Phái Lâm Tế ở Trung Quốc, Tổ khai sáng Tông Lâm Tế là Thiền Sư Lâm Tế Nghĩa Huyền truyền đến đời 21 là Ngài Vạn Phong Thời Ủy ở Chùa Thiền Đồng (Trung Hoa) truyền xuống theo bài kệ:
- Tổ Đạo Giới Định Tông
Phương Quảng Chứng Viên Thông
Hạnh Siêu Minh Thiệt Tế
Liễu Đạt Ngộ Chơn Không"
Đến đời thứ 31 Thiền Sư Đạo Mân Mộc Trần đã xuất dòng kệ riêng:
- Đạo Bổn Nguyên Thành Phật Tổ Tiên
Minh Như Hồng Nhựt Lệ Trung Thiên
Linh Nguyên Quản Nhuận Từ Phong Phổ
Chiếu Thế Gian Đăng Vạn Cổ Huyền
Tổ sư Nguyên Thiều - Siêu Bạch đều thuộc hệ truyền thừa của 2 phái này. Sau đệ tử và pháp tôn của Ngài là các tổ như Tổ Sư Minh Hải Pháp Bảo, Tổ Sư Thiệt Diêu Liểu Quán lập thêm hai chi phái khác. Ngài Minh Hải Pháp Bảo khai sơn Chùa Chúc Thánh (Quảng Nam), lập chi phái Chúc Thánh và xuất kệ:
- Minh Thiết Pháp Toàn Chương
Ấn Chơn Như Thị Đồng
Chúc Thánh Thọ Thiên Cửu
Kỳ Quốc Tộ Địa Trường.
Đắc Chính Luật Vi Tiên
Tổ Đạo Hạnh Giải Thông
Giác Hoa Bồ Đề Thọ
Sung Mãn Nhơn Thiên Trung.
Xét qua dòng kệ từ tổ Nguyên Thiều - Siêu Bạch trở xuống để chúng ta hiểu thêm về tổ khai sơn các ngôi chùa tổ trong cũng như ngoài tỉnh. Về chữ Đạo (Đạo Mân) thuộc đời thứ 31, chữ Bổn đời thứ 32, chữ Nguyên đời thứ 33, chữ Thành đời thứ 34, chữ Phật đời thứ 35.
Về chữ Siêu đời thứ 33, chữ Minh đời thứ 34, chữ Thiệt đời thứ 35. Vậy chữ Thiệt và chữ Phật đời ngang nhau. Những thiền sư dù ở giòng kệ thiền sư Vạn Phong Thời ủy hay thiền sư Đạo Mân thì cũng cùng chung phái Lâm Tế mà tổ sư là Nghĩa Huyền thiền sư. Những thiền sư dù ở giòng kệ Liễu Quán hay ở giòng kệ Chúc Thánh thì cũng cùng chung phái Lâm Tế tổ là Nguyên Thiều - Siêu Bạch thiền sư, được truyền thừa tổ sư Nghĩa Huyền thiền sư.
Về Lâm Tế Chúc Thánh, kể từ khi Tổ Minh Hải - Đắc Trí – Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 năm lịch sử với 12 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam, các thế hệ tăng nhân của dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên như Tổ Sư Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm (1726 – 1798), Tổ Sư Ấn Thiên – Tổ Hòa - Huệ Nhãn (1850 – 1888), và Tổ Sư Chơn Tín - Đạo Thành – Pháp Hỷ đã từng đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo Pháp và Dân Tộc, mà qua đó là đã đào tạo các vị thiền tổ có danh tiếng như:
          - Thiền sư Phước Huệ sau nầy là Tăng Cang Quốc Sư
          - Thiền Sư Phổ Huệ …
Đặc biệt sau nầy có nhiều vị thiền sư trở thành lãnh đạo cao cấp của giáo hội như HT. Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, HT. Thích Viên Thành bổn sư của Hòa Thượng Trí Thủ. Lớp thứ hai là Hòa Thượng Mật Thể, Mật Nguyện, Mật Hiển, Trí Thủ, Phúc Hộ. Và lớp thứ ba có thiền sư Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Bát Nhã … Tổ Sư Chơn Tín - Đạo Thành – Pháp Hỷ còn giảng kinh cho cư sĩ Lê Đình Thám, cư sĩ Diệu Không và cho mẹ vua Bảo Đại nữa.
Như vậy ta thấy, dòng Thiền Lâm Tế Chúc Thánh là một trong những thiền phái quan trọng trong việc hình thành và truyền giáo của Phật Giáo Việt Nam qua các thời đại. Quan trọng vì tính chất truyền thừa có hệ thống liên tục, sâu rộng và vững chắc, cho nên dù trải qua không biết bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử nhưng Thiền Phái nầy vẫn liên tục phát triển không ngừng. Qua đó, là một trong những chi nhánh đã cùng song hành với các chi nhánh khác được biết đến và đã được truyền thừa trực tiếp từ Tổ Đình Chúc Thánh, Quảng Nam, khai sơn là Sơ Tổ Sư Minh Hải - Đắc Trí – Pháp Bảo cho đến Tổ Đình Chùa Từ Quang (Chùa Đá Trắng), Phú Yên khai sơn là Tổ Sư Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm, rồi trải qua các triều đại, các vị tổ sư đó là Tổ Đình Pháp Hội Bình Thuận, khai sơn là Tổ Sư Thị Lạc - Hành Thiện -  Hưng Từ.  Nhất là, từ khi đất nước được mở rộng thì Thiền Phái nầy đã có rất nhiều vị danh Tăng mang pháp danh theo dòng kệ pháp phái đi khắp mọi miền đất nước theo bước tiến của dân tộc, đem chánh pháp truyền đến tận những vùng xa xôi của tổ quốc, và cũng chính những vị này đã gieo trồng chánh pháp sâu rộng trong lòng của quần chúng Phật Tử tại Việt Nam cũng như Hải ngoại.
Ngày hôm nay, tại Việt Nam, từ Quảng Nam, Phú Yên xuôi về Nam thì có, Khánh Hòa, Bình Thuận, Gia Định, Bình Dương cho đến các tỉnh miền Nam, Miền Tây Nam Bộ. Từ Quảng Nam ngược về Bắc thì Huế và các tỉnh thành miền Bắc. Tại Hải Ngoại: Mỹ Châu, Âu Châu và Úc Châu đã có rất nhiều ngôi chùa, tu viện, tịnh thất do chư tôn đức của thiền phái Chúc Thánh khai sơn cũng như kế thừa hoằng truyền Phật pháp.
          Rất vui mừng khi tìm lại được sự truyền thừa trong hệ thống  pháp phái LÂM TẾ CHÚC THÁNH & TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI BÌNH THUẬN. Nơi đây con kính dâng lên giác linh hòa thượng bổn sư TỔ SƯ KHAI SƠN CHÙA PHÁP HỘI THỊ LẠC - HÀNH THIỆN – HƯNG TỪ, đồng thơi cũng xin được chia xẻ niềm vui nầy với chư tôn đức xa gần.
          Tại Hải Ngoại những tài liệu về hệ thống pháp phái rất khan hiếm, hơn nữa khả năng cũng có hạn, do vậy chúng tôi biết còn rất nhiều khuyết điểm, thiếu xót. Xin chư tôn thông cảm bỏ qua những thiếu xót. Hy vọng lần tái bản sẽ hoàn chỉnh hơn.
                                                   
                                                         Nhất Quán – Thích Đồng Trung