- BỒ TÁT GIỚI
- Hòa thượng Thích
Trí Quang dịch giải
-
- CHƯƠNG BA
- (tiếp theo)
- ---o0o---
-
-
Tiết 2: Nói Về Giới
Điều Của Bồ Tát Giới Phạm Võng (tiếp theo)
-
Số 11: Không Được
Làm Kẻ Quốc Tặc
- Phật
tử thì không được vì lợi lộc hay vì ác ý, làm sứ thần cho quốc gia
mà liên minh quân sự, động binh đánh nhau, tàn hại vô số sinh mạng.
Là Bồ tát thì sự qua lại trong quân binh còn không được có, huống
chi cố ý làm tên quốc tặc. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
- Làm sứ
thần gây chiến tranh là làm gián điệp ngoại giao, là làm sứ thần cho
chính thể gây hấn: là làm quốc tặc. Chiến tranh do những tên quốc
tặc này gây ra, dầu là giữa quốc gia mình với quốc gia khác, dầu là
giữa các quốc gia khác, đều là những cuộc chiến tội ác. Và như vậy,
những tên quốc tặc còn là những tên giặc quốc tế. Nhưng đó là nói sứ
thần gây chiến. Sứ thần vận động hòa bình thì giới này không nói đến.
-
Số 12: Không Được
Buôn Bán Tàn Nhẫn
- Phật
tử nếu cố ý buôn bán lương dân, buôn bán nô bộc tỳ thiếp, buôn bán
súc vật, buôn bán quan quách và những dụng cụ tẩn liệm; nhưng mọi sự
buôn bán ấy chính mình còn không được làm, huống chi chỉ bảo người
khác. Nếu cố ý tự làm hay chỉ bảo người khác thì phạm tội khinh cấu. Buôn
người, buôn súc vật, là sống trên sinh mạng. Buôn đồ tẩn liệm là
sống trên cái chết.
-
Số 13: Không Được
Phỉ Báng Không Thật
- Phật
tử nếu vì tâm địa độc ác mà, một cách không có sự thật, phỉ báng
những người hiền lương, những vị thiện đức, những bậc pháp sư, đại
sư hòa thượng, đại sư xà lê, quốc chúa, quí nhân, rằng phạm bảy tội
nghịch, mười giới nặng... Nhưng, đối với những người nên coi như cha
mẹ chú bác anh em trong hàng lục thân ấy, mình phải phát sinh tâm
hiếu thuận, tâm từ bi, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên,
lại còn da thêm sự trái ý, sự tổn thương, khiến họ hảm vào tình
trạng khổ tâm, thì phạm tội khinh cấu.
- Đã coi
tất cả đều là bà con, nhất là "bà con Phật pháp", mà lại làm cho họ
khổ tâm, thì còn gì gọi là từ bi, gọi là hiếu thuận. "Không thật"
hay không có sự thật, là không có tội lỗi mình thấy, nghe hay nghi,
mà vu khống, phỉ báng là có. Nếu thật có tội lỗi mà mình thấy, nghe
hay nghi thì phải cử tội đúng luật, không được dung túng, cũng không
được rêu rao.
-
Số 14: Không Được Cố
Ý Thiêu Đốt
- Phật
tử nếu vì tâm địa tàn ác mà phóng lửa lớn, đốt cháy núi rừng, đồng
nội; tháng tư đến tháng chín cũng phóng lửa; phóng lửa đến nỗi có
thể cháy lan đến cả nhà cửa, phòng ốc, thành thị, thôn ấp, tăng
phường, ruộng vườn và cây cối của người, cháy lan đến vật quỉ thần,
vật công hữu. Nhưng hết thảy đều là vật có chủ, không được cố ý
thiêu đốt. Nếu cố ý thiêu đốt thì phạm tội khinh cấu.
- Vật
quỉ thần, vật công hữu. Nhưng hết thảy đều là vật có chủ , chính văn
tôi chọn để dịch là "quỉ thần quan vật. Nhất thế hữu chủ vật". Trong
cách dịch này, "hết thảy đều là vật có chủ", dịch sát là"hết thảy
vâểt có chủ". Nếu nói hết thảy vật có chủ thì có nghĩa còn có vật vô
chủ và có thể thiêu đốt vật ấy. Nhưng giới này đã kể vật quỉ thần và
vật công hữu, thì không còn nhận có vật gì là vô chủ, nên phải dịch
như đã dịch. Chưa hết, chính văn câu này có những bản chép hữu chủ
vật ra hữu sinh vật, theo đó thì phải dịch "những chỗ có sinh vật";
lại có những bản chép quan vật ra cung vật, hữu chủ vật ra hữu sinh
vật, theo đó thì phải dịch "cung miếu và tài vật của quỉ thần; nhưng
tất cả những chỗ có sinh vật". Giới này, xét kyՠthì
thấy răn sự đốt phá vô trách nhiệm nhiều hơn răn sự đốt phá tàn hại
sinh mạng, nên Vạn 60/87B nói chữa hữu chủ ra hữu sinh là sai. Tinh
thần giới văn cấm chỉ nhất là đốt rừng. Xét đến bao nhiêu tác dụng
trọng đại không thể thay thế của rừng rú mới thấy sự quan trọng của
giới này.
- Tháng
tư đến tháng chín là những tháng ở Ấn độ thảo mộc côn trùng sinh sản
nhiều hơn và bị cấm thiêu đốt nhiều hơn, chứ không phải chỉ cấm
những tháng ấy mà thôi. Sau hết, giới này là cấm đốt kẻo cháy lan
đến của cải và tánh mạng của người và vật; nếu cốt đốt cháy của cải
và tánh mạng của người và vật thì phạm tội trộm cướp và tàn sát.
-
Số 15: Không Được
Chỉ Dạy Sai Lệch
- Phật
tử thì với những người cùng là Phật tử như mình, với ngoại đạo, với
kẻ ác, với bà con, với những người quen biết tốt, với ai cũng hướng
dẫn cho họ thọ trì kinh luật đại thừa, hướng dẫn cho họ lý giải được
nghĩa ý của kinh luật ấy, làm cho họ phát bồ đề tâm; mười tâm phát
thú, mười tâm trưởng dưỡng, mười tâm kim cang, ba mươi tâm ấy nhất
nhất hướng dẫn cho họ hiểu rõ pháp dụng thứ tự. Nếu là Bồ tát mà vì
tâm lý xấu xa, tâm lý hiềm ghét, một cách rất vô lý chỉ dạy cho
người kinh luật của nhị thừa thanh văn và học thuyết của ngoại đạo
tà kiến thì phạm tội khinh cấu.
- "Không
được chỉ dạy sai lệch", cũng có thể nói không được không dạy đại
thừa. Đối với bất cứ ai, nhưng với sự cẩn trọng tuyệt đối, người thọ
Bồ tát giới phải hướng dẫn cho họ 3 điều: học hiểu bồ tát giới, phát
bồ đề tâm, học hiểu bồ tát vị. Dạy khác đi là sai lệch. Pháp dụng:
cái dụng trừ mê lầm chứng chân lý của các pháp phải học ở trên.
- Về
việc dạy Tỷ kheo giới (kinh luật của nhị thừa thanh văn) hay tại gia
giới, thì tinh thần và sự việc đã nói trong khi giải thích giới nhẹ
số 8.
-
Số 16: Không Được
Nói Pháp Rối Loạn
- Phật
tử thì bằng một tâm nguyện tốt đẹp, trước tiên học tập uy nghi và
giới pháp của kinh luật đại thừa, lý giải một cách sâu rộng nghĩa lý
và ý vị của uy nghi và giới pháp ấy. Rồi thấy các vị Bồ tát mới học
mà có người từ trăm dặm ngàn dặm đến cầu học kinh luật đại thừa, thì
phải nói cho họ, một cách đúng như chánh pháp, về những khổ hạnh như
thiêu đốt thân phần, cánh tay, ngón tay. Nếu thấy họ tỏ ý e ngại sự
thiêu đốt ấy, mặc dầu đã được bảo là thiêu đốt để hiến lên chư Phật
đi nữa, thì biết không phải là Bồ tát xuất gia. Bồ tát xuất gia thì
dẫu đến hổ lang, sư tử và quỉ thần đang đói, cũng nên xả thịt hay
tay chân của mình mà cung cấp. Sau khi nói những pháp khổ hạnh rồi,
nhất nhất tuần tự nói cho họ về giới pháp chính yếu, làm cho tâm của
họ mở rộng, ý của họ giải tỏa. Nếu là Bồ tát mà vì ý niệm lợi lộc
nên điều đáng giải đáp không giải đáp, nói một cách rối loạn văn
nghĩa của kinh luật đại thừa, không có thứ tự trước sau, nói tóm,
nói một cách phỉ báng Tam Bảo, thì phạm tội khinh cấu.
- "Không
được nói pháp rối loạn" là phải nói một cách tuần tự. Trước hết phải
thử nghiệm và nung nấu tâm chí cho người học đạo bằng cách trình bày
các pháp khổ hạnh, sau đó ngó được mới dạy Bồ tát giới. Uy nghi và
giới pháp của kinh luật đại thừa là chi tiết và giới điều của Bồ tát
giới Phạm võng. Thiêu đốt nằm trong nghĩa hy sinh, phóng xả. Thiêu
đốt để hiến lên chư Phật là hiến lên chư Phật cái chí nguyện kiên cố
như trong sự thiêu đốt. Nhưng đây là nói để thử. Thử coi nói đến
hiến lên chư Phật mà họ có mạnh mẽ tâm chí không. Không thì phải dạy
bảo từ từ, cốt sao cho họ có được tâm chí kiên cường để thọ trì Bồ
tát giới. Đối với thân thể, nói tổng quát, Bồ tát giới Phạm võng bảo
trọng (như giới 37 nói) hay khinh xả (như giới này nói) đều cốt để
học tập Bồ tát giới.
-
Số 17: Không Được Ỷ
Thế Ham Cầu
- Phật
tử nếu tự mình vì đồ ăn, vì thức uống, vì tiền của, vì quyền lợi, vì
danh vọng, thân cận với quốc vương, vương tử, tể tướng, bách quan,
rồi ỷ thế làm oai, yêu sách, hành hung, chiếm đoạt tiền tài sản vật
của người một cách ngang ngược; nhưng mọi sự cầu lợi như vậy là ham
cầu tàn ác, ham cầu quá đáng, vậy mà còn chỉ bảo kẻ khác ham cầu nữa,
không còn gì là từ bi, là hiếu thuận, thì phạm tội khinh cấu.
- Trong
những cách ham cầu mà giới này nói còn thiếu mấy sự thường thấy,
nhất là đem kinh pháp ra nói sao cho vừa lòng phụ nữ và chính quyền.
Yêu sách, hành hung, dịch sát là xin, đòi, đánh, tát, lôi, kéo.
-
Số 18: Không Được Mù
Mờ Làm Thầy
- Phật
tử nếu học và tụng Bồ tát giới thì ngày đêm sáu buổi nắm giữ giới ấy
trong trí, lý giải ý nghĩa giới ấy, nghĩa là lý giải về tánh của
Phật tánh. Là Bồ tát mà không lý giải được một câu đủ nghĩa, một bài
chỉnh cú, lý do của giới pháp cũng không rành, lại nói dối trá rằng
lý giải được, như vậy là tự lừa đảo mình và lừa đảo người khác. Nên,
nhất nhất mù mờ, giới pháp giáo pháp nào cũng không hiểu, vậy mà làm
pháp sư truyền thọ giới pháp cho kẻ khác, thì phạm tội khinh cấu.
- Đầu
giới này có bản chép thêm, theo đó thì phải dịch "nếu Phật tử thì
phải học tập 12 thể loại khế kinh, hằng ngày 6 buổi trì tụng Bồ tát
giới"... Học và tụng Bồ tát giới là học hiểu và tụng thuộc lòng giới
ấy. Ngày đêm sáu buổi: ở chỗ khác là cách nói 24 giờ trên 24 giờ,
nhưng ở đây là buổi đầu, buổi giữa và buổi cuối, của ngày và đêm.
Nắm giữ trong trí, chính văn là trì, là lấy 1 pháp hạnh để nói 5
pháp hạnh: thọ trì, đọc tụng, chánh ức niệm, giải nghĩa thú, như
thuyết hành (hoặc: thọ trì, độc, tụng, giải thuyết, viết chép). Lý
giải ý nghĩa giới ấy, nghĩa là lý giải về tánh của Phật tánh là lý
giải Bồ tát giới, và sự lý giải Bồ tát giới có nghĩa lý giải về bản
nguyên của giới ấy là tánh của Phật tánh. Tánh của Phật tánh là
những đức tính của Phật tánh, trong đó có từ bi hiếu thuận diễn
thành Bồ tát giới. Lý do của giới pháp là nguyên nhân, trường hợp,
chi tiết và tương quan của mỗi giới điều. Người thọ Bồ tát giới,
khoan nói để làm thầy truyền giới ấy cho ai, mà chính mình phải học
cho thật hiểu và thật thuộc về giới ấy.
-
Số 19: Không Được
Phỉ Báng Giữ Giới
- Phật
tử nếu vì tâm lý xấu và ác, thấy vị tỷ kheo giữ giới tay nâng lư
hương thực tập Bồ tát hạnh, mà đâm thọc bên này bên kia, phỉ báng vu
khống người thánh thiện, không từ điều xấu nào mà không dựng đứng
lên, thì phạm tội khinh cấu.
- "Không
được phỉ báng giữ giới", rõ hơn thì phải thêm không được phỉ báng sự
giữ giới bằng cách thực tập Bồ tát hạnh, nhất là sự phỉ báng ấy dùng
lưỡng thiệt mà vu khống và ly gián. Tay nâng lư hương thực tập Bồ
tát hạnh là nói tắt đến 2 lớp: nói tắt về sự hiến hương, lễ bái, trì
niệm, và mọi sự này chỉ là nói một chút về sự thực tập Bồ tát hạnh.
Thực tập Bồ tát hạnh là giữ Bồ tát giới. Ai thực tập như vậy mình
cũng tùy hỷ cả, không nên đố kỵ tổn đức.
-
Số 20: Không Được
Không Cứu Phóng Sinh
- Phật
tử thì phải đem tâm từ bi mà thực hành sự phóng sinh. Phải nghĩ như
vầy: tất cả nam tính là cha ta, tất cả nữ tính là mẹ ta, ta đời đời
kiếp kiếp không khi nào không sinh ra từ cha mẹ ấy. Nên sáu đường
chúng sinh đều là cha mẹ của ta, ta giết mà ăn là giết mà ăn cha mẹ
của mình. Lại cũng giết mà ăn chính thân cũ của mình, vì lẽ hết thảy
thể cứng thể lỏng và sức nóng sức động toàn là thân thể cũ của ta.
Vì nghĩ như vậy nên thường phóng sinh. Đời đời thọ sinh, đó cũng là
một sự thực có tính cách bất biến, nên càng phải chỉ bảo khuyến
khích mọi người phóng sinh. Khi thấy thế nhân tàn sát sinh vật thì
phải tìm cách cứu hộ, giải thoát khổ nạn cho chúng. Rồi thời thường
phải giáo hóa, giảng nói Bồ tát giới cho người để cứu hộ chúng sinh.
Gặp ngày chết của cha mẹ anh em thì phải cung thỉnh pháp sư diễn
giảng kinh luật của Bồ tát giới. Cái phước ấy giúp cho người chết
được thấy chư Phật, hoặc sinh trong nhân loại hay trên chư thiên.
Nếu không làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
- "Không
được không cứu phóng sinh" là phải cứu sinh (cứu thoát sinh vật) và
phóng sinh (phóng thả sinh vật). Đời đời thọ sinh là chúng ta không
phải chỉ có đời này mà đã có vô lượng đời kiếp, và đời kiếp nào cũng
chịu sự sinh ra bởi cha mẹ và tứ đại. Do vậy mà sinh vật nào cũng đã
là cha mẹ cũ của ta, và tứ đại nơi sinh vật nào cũng đã là thân cũ
của ta. Tứ đại là 4 thể lực tạo ra cơ thể và vũ trụ vật lý, tức cứng,
lỏng, nóng, động (kiên, thấp, noãn, động: cố thể, dịch thể, nhiệt
lực, động lực); 4 thể lực này mới là tứ đại, còn đất nước lửa gió (địa
thủy hỏa phong) chỉ là tứ đại tùy tăng: cứng nhiều hơn là đất, cho
đến động nhiều hơn là gió, và mỗi thứ trong tứ đại tùy tăng ấy đều
có đủ cả tứ đại.
- Vì đời
đời thọ sinh nên phải cứu sinh và phóng sinh. Cứu sinh có 2 cách:
tìm cách mà cứu khi sinh vật bị bắt (cách đó, phóng sinh là một) và
tìm cách khuyên người đừng bắt sinh vật nữa (cách đó, giảng Bồ tát
giới là một). Cách sau cứu được cả người bắt và sinh vật bị bắt, nên
gọi là cứu hộ chúng sinh.
- Gặp
ngày chết của cha mẹ anh em, ngày chết là ngày mới chết và ngày kỵ.
Việc giảng Bồ tát giới có ích lợi lớn lao trong việc cứu hộ chúng
sinh, nên gặp ngày chết mà giảng Bồ tát giới thì người chết phi sinh
tịnh độ (thấy Phật) cũng sinh nhân thiên. Giảng Bồ tát giới là giảng
giới ấy với những cách thức thích nghi, chứ không phải chỉ giảng
giải chính văn.
- Thông
thường Phật tử phóng sinh chỉ vì thương sinh vật theo lời Phật dạy
và muốn được phước như lời Phật dạy. Nhưng lý thuyết phóng sinh nói
trong giới này còn bác bỏ cái thuyết cho sinh vật với người đều do
thượng đế tạo ra, và thượng đế tạo ra sinh vật là để cho người ăn.
- Mười
giới pháp nhẹ như vậy các người phải học, phải cung kính phụng trì,
như trong phẩm Diệt trừ tội lỗi Như lai sẽ nói rộng rãi về mỗi một
giới pháp ấy.
- Kết
thúc 10 giới pháp nhẹ thứ hai.
-
Số 21: Không Được Giận Dữ Báo Thù
- Phật
tử thì không được đem sự giận dữ trả lại sự giận dữ, không được đem
sự đánh đập trả lại sự đánh đập, cũng không được giữ tâm niệm trả
thù những kẻ tàn sát cha mẹ anh em bà con của mình hay những kẻ sát
hại quốc chúa. Tàn sát sự sống để trả thù sự sống là điều không
thuận với đạo hiếu. Không nuôi nô bộc tỳ thiếp mà đánh đập mắng
chưởi, ngày ngày ba nghiệp bùng dậy, nhất là tội lỗi khẩu nghiệp lại
càng vô lượng, huống chi cố làm đến bảy tội nghịch. Là Bồ tát xuất
gia mà không có tâm từ bi, cố giữ ý niệm trả thù đến nỗi trong hàng
bà con cũng quyết không tha, thì phạm tội khinh cấu.
- Cái
khác của người học đạo với người thế gian là ở chỗ trả thù hay cảm
hóa. Câu chót hết, chính văn là "nhi xuất gia bồ tát vô từ tâm, báo
thù, nãi chí lục thân trung cố báo giả, phạm khinh cấu tội". Chính
văn này có một cách hiểu mà theo đó thì phải dịch "nếu bồ tát xuất
gia mà không có từ tâm, cố ý báo thù, cho đến vì lục thân mà cố ý
báo thù, thì phạm tội khinh cấu". Hiểu như vậy là cố ép chính văn
cho đúng với đoạn trên đã nói không được trả thù kẻ giết cha mẹ thân
nhân. Nhưng chính văn này rõ ràng muốn nói, là Bồ tát, lại là Bồ tát
xuất gia, mà quyết tâm trả thù (bất cứ trả thù cho ai) đến nỗi không
những đối với người ngoài mà đối với bà con cũng không tha, thì phạm
giới này. Về chữ Bồ tát xuất gia, có bản chép và có người nói không
có, nhưng tìm xét thì có đúng hơn (Chính 62/202). Có điều nói như
vậy không có nghĩa giới này chỉ răn cấm người xuất gia, mà là có
nghĩa răn cấm người xuất gia hơn.
-
Số 22: Không Được
Kiêu Ngạo Không Học
- Phật
tử nếu mới xuất gia, chưa lý giải gì, mà tự thị thông minh, tự thị
cao sang, tự thị tuổi tác, tự thị dòng họ, tự thị giai cấp, kiến
thức to lớn, phước đức to lớn, giàu có to lớn, đủ cả thất bảo, ỷ thị
những thứ ấy mà kiêu ngạo, không chịu học hỏi kinh luật với các vị
pháp sư đã học hỏi trước mình. Các vị pháp sư ấy có thể có người
dòng họ nhỏ, tuổi tác nhỏ, giai cấp nhỏ, nghèo nàn, thấp thỏi, các
giác quan không hoàn chỉnh, nhưng thật là người có đức, lý giải thấu
đáo hết thảy kinh luật. Nếu các vị Bồ tát mới học mà dòm ngó dòng họ
và giai cấp, không chịu đến học hỏi đệ nhất nghĩa nơi vị pháp sư ấy,
thì phạm tội khinh cấu.
- Đệ
nhất nghĩa là chân lý tuyệt đối, tức Phật tánh thường trú. Nếu kiêu
ngạo mà không thỉnh cầu học hỏi giáo pháp và giới pháp Phật tánh,
thì thế là để sự kiêu ngạo vùi lấp cả một kiếp làm người.
-
Số 23: Không Được
Không Truyền Kinh Giới
- Phật
tử nếu, sau khi Như Lai nhập niết bàn rồi, muốn đem tâm nguyện tốt
đẹp lãnh thọ Bồ tát giới mà bằng cách tự nguyện lãnh thọ giới ấy
trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, thì phải bảy ngày sám
hối trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, hễ thấy được tướng
tốt thì thọ giới là được giới. Nếu chưa thấy được tướng tốt, thì
phải hai lần hay ba lần bảy ngày, cho đến một năm, phải sám hối cho
thấy được tướng tốt. Thấy được tướng tốt rồi thì có thể thọ giới
trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát. Nếu không thấy được
tướng tốt, thì dẫu thọ giới trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ
tát, cũng không thể gọi là được giới. Nếu lãnh thọ Bồ tát giới bằng
cách hiện diện đối trước vị pháp sư đã thọ giới ấy trước mình, thì
không cần phải thấy được tướng tốt, tại sao, vì vị pháp sư ấy đã do
các vị pháp sư trước nữa truyền giới cho nhau, và nay truyền lại cho
mình, nên không bắt buộc phải thấy tướng tốt. Và thọ giới trước vị
pháp sư như vậy thì được giới liền, được bởi cái tâm cùng cực cẩn
trọng phát sinh trong lúc ấy. Nếu trong vòng ngàn dặm, không ai có
thể làm vị pháp sư truyền thọ Bồ tát giới, thì người muốn thọ giới
ấy có thể tự nguyện mà lãnh thọ trước hình tượng Phật đà, hình tượng
Bồ tát, nhưng với điều kiện phải sám hối thấy được tướng tốt. Nếu là
vị pháp sư mà tự thị sự lý giải của mình đối với kinh luật và giới
pháp đại thừa, chỉ làm bạn với quốc vương, vương tử và bách quan,
còn các vị Bồ tát mới học đến xin hỏi hoặc nghĩa ý của khế kinh,
hoặc nghĩa ý của giới luật, vị pháp sư ấy vì tâm lý khinh miệt, tâm
lý xấu xa, tâm lý kiêu ngạo, không nhất nhất giải đáp một cách tốt
đẹp những câu của họ thưa hỏi, thì phạm tội khinh cấu.
- Không
truyền kinh giới là không truyền dạy và truyền thọ cho hậu học về
khế kinh và giới luật, chủ yếu là Bồ tát giới Phạm võng; và như vậy
là chính mình làm cho giống Phật đứt đoạn. Giới văn công kích sự xu
phụ quyền quí mà khinh miệt hậu học, không chu toàn nhiệm vụ của
mình. Nhiệm vụ ấy, như vừa nói, là truyền dạy và truyền thọ Bồ tát
giới. Phần người thọ giới, nếu trong vòng ngàn dặm không có vị thầy
xứng đáng thì có thể tự nguyện thọ Bồ tát giới trước tượng Phật và
cũng có thể được giới, với điều kiện trước đó phải sám hối cho đến
lúc thấy được tướng tốt mà giới 41 sẽ nói. Còn nếu thọ Bồ tát giới
với thầy truyền giới thì phải là vị thầy đã do các vị thầy trước
truyền lần, và nay làm cả 2 nhiệm vụ đại sư Hòa thượng và đại sư Xà
lê mà truyền giới cho mình, nhưng mình chỉ được giới nếu có cái tâm
cùng cực cẩn trọng trong lúc thọ giới (và tiếp sau đó trong lúc trì
giới). Vị thầy tự nguyện thọ giới dĩ nhiên không được truyền giới,
nhưng vị thầy do các vị thầy trước truyền lần cũng chỉ được truyền
giới với điều kiện ít nhất là biết quí trọng tương lai của Phật pháp
mà không xu phụ quyền quí, là lãnh thọ và truyền trao đúng với sự
qui định của Bồ tát giới Phạm võng.
- Kinh
Anh lạc nói thọ Bồ tát giới có 3: đối trước Phật đà Bồ tát mà thọ là
thượng phẩm, đối trước pháp sư thọ trước mà thọ là trung phẩm, nếu
trong vòng ngàn dặm không có vị pháp sư ấy nên đối trước tượng Phật
đà và Bồ tát mà thọ là hạ phẩm (Chính 24/1020). Vì sao thọ giới
trước vị pháp sư hơn thọ giới trước tượng Phật thì xét thấy (a)
trong hình thức, thọ giới với vị pháp sư thì có vị thầy không hiện
diện là Phật, có vị thầy hiện diện là pháp sư, (b) trong sự việc,
thọ giới với vị pháp sư thì trước, trong và sau khi thọ giới, vị
pháp sư thường dạy bảo, khuyến khích, nhất là kiểm tra.
-
Số 24: Không Được
Học Các Sách Khác
- Phật
tử nếu có chánh pháp đại thừa trong kinh luật Như Lai đã dạy, chánh
pháp đủ cả chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân, mà không nỗ lực
học hỏi tu tập, lại bỏ chánh pháp quí báu như thất bảo ấy mà học tập
sách vở phủ nhận Phật tánh của nhị thừa, ngoại đạo và thế tục, như
các bộ a tỳ đàm, các luận thuyết hỗn tạp, những thi văn truyện ký,
thì thế là làm mất Phật tánh, làm cản đạo nghiệp, chứ không phải
thực hành Bồ tát đạo. Nếu cố ý học tập thì phạm tội khinh cấu.
- Chánh
pháp đại thừa trong kinh luật Như Lai đã dạy là trong kinh luật Phật
dạy có kinh luật đại thừa. Các kinh luật Phật dạy khác cũng có chánh
pháp đại thừa ít nhiều trong đó. Chánh pháp đại thừa là chánh kiến:
kiến giải về Phật tánh, là chánh tánh: thực hành đức tánh của Phật
tánh, và là chánh pháp thân: thành tựu Phật tánh (thành tựu pháp
thân: thực hiện bản thể đầy đủ đức tánh). Ba điều này bao gồm tất cả
nội dung về lý, hạnh và quả của đại thừa. So với sách vở của tiểu
thừa, ngoại đạo, và thế tục, thì đại thừa như vậy quí như thất bảo,
nhưng thông đạt đại thừa rồi, muốn biết những sách vở ấy để tiện
việc hóa độ, thì lại là việc khác. Sách vở phủ nhận Phật tánh chính
văn là tà kiến, chữ ấy ở đây có nghĩa là những kiến thức phủ nhận
Phật tánh, không có căn bản Phật tánh ấy. Tà kiến như vậy bao gồm cả
nhị thừa, ngoại đạo và thế tục. Nhưng nhị thừa ở đây, là các bộ a tỳ
đàm, nói như vậy là chỉ nói thời kỳ bộ phái, không nói thời kỳ
nguyên thỉ, lại càng không nói về giới luật. Do vậy mà người xuất
gia thọ Bồ tát giới càng phải lãnh thọ, học hỏi và tuân giữ cho
nghiêm về Tỷ kheo giới. Còn ngoại đạo ở đây là các chủ thuyết phức
tạp và hỗn tạp của hết thảy học phái cùng tôn giáo khác. Thế tục là
những thi văn truyện ký của thế tục, nhưng có người chú giải ký là
toán học, bao gồm cả toán pháp, lý số và thiên văn, có người còn dẫn
luận Du dà mà chứng minh cho chú giải ấy.
-
Số 25: Không Được
Lạm Dụng Gây Rối
- Phật
tử nếu, khi Như lai nhập niết bàn rồi, làm chủ sự thuyết pháp, làm
chủ sự hành đạo, làm chủ nơi tăng phường, làm chủ sự giáo hóa, làm
chủ sự tọa thiền, làm chủ sự đi lại, thì phải phát sinh tâm từ bi,
khéo hòa giải mọi sự mâu thuẫn, khéo hộ vệ vật của Tam bảo, đừng sử
dụng vô độ như là của riêng. Nếu trái lại, làm cho Tăng chúng rối
loạn vì sự tranh chấp, mặc sức sử dụng của Tam bảo, thì phạm tội
khinh cấu.
- Các
chức vị làm chủ trong giới văn này, tùy qui chế và định nghĩa mà xưa
nay gọi bằng những tên hoặc đồng hoặc khác, như làm chủ sự thuyết
pháp gọi là pháp sư, cho đến làm chủ sự đi lại gọi là tri khách.
Nhưng làm pháp sư hay làm trú trì, bất cứ chức vị gì mà nắm trọn
phần hay nắm một phần quyền hành trong Tăng chúng, thì phần tự lợi
không được lạm dụng, phần lợi tha phải khéo điều giải mâu thuẫn. Nếu
lạm dụng và gây rối thì chính mình là tên giặc phá hoại Tăng chúng.
-
Số 26: Không Được
Không Đãi Khách Tăng
- Phật
tử nếu đã ở trước trong tăng phường, sau thấy các vị tỷ kheo hay tỷ
kheo bồ tát, đến nơi tăng phường, đến nơi nhà cửa, thành thị hay
thôn ấp của mình, đến nơi nhà của quốc vương thiết lập, đến nơi chỗ
đang kiết hạ an cư, hay nơi chỗ đang thiết lập đại hội cầu phước,
thì mình là chư tăng ở trước, phải đón rước, tiễn đưa, và hiến cúng
ẩm thực; phòng ở, đồ nằm, giường giây hay giường cây, mọi sự đều
cung cấp. Nếu không có sẵn, thì dẫu phải bán mình, bán cả con cái,
cũng gắng mà cung phụng những thứ các vị ấy cần dùng. Rồi nếu có thí
chủ đến thỉnh chư tăng, thì các vị khách tăng ấy cũng có đồng phần,
nên vị chủ tăng phường phải y theo thứ tự mà mời các vị khách tăng
ấy thọ thỉnh. Nếu chư tăng ở trước chỉ thọ thỉnh riêng, không mời
các vị khách tăng, thì vị chủ tăng phường tội lỗi vô lượng, không
khác gì loài vật, không phải sa môn, không phải dòng giống họ Thích.
Nếu cố ý làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
- Giới
này cốt nói cho người xuất gia thọ Bồ tát giới, nhất là các vị tri
sự hay trú trì mà trong giới văn gọi là vị chủ tăng xá. Nhưng trong
chi tiết lại có vài chỗ nói chung hoặc nói riêng cho cả người tại
gia thọ Bồ tát giới. Nhà cửa, thành thị hay thôn ấp của mình là nói
chung cho cả xuất gia tại gia mà nói cho tại gia nhiều hơn. Nhà của
quốc vương thiết lập là thời xưa ở Ấn, vua chúa hay làm những nhà
cửa nghỉ chân cho tu sĩ, du khách. Phòng ở, đồ nằm, giường cây hay
giường giây, toàn là nói về đồ nằm, nhưng sự hiến cúng thường có 4,
là đồ ăn, đồ mặc, đồ nằm và dược phẩm. Bán mình, bán cả con cái, có
bản chép thêm cắt thịt thân mình mà bán, nhưng nhiều bản không có,
và không có thì đúng hơn. Câu này nói riêng cho người tại gia thọ Bồ
tát giới, và đó là nói cái tình đãi sư tăng và đồng đạo cực kỳ chí
thiết, nên nói như vậy có nghĩa giả sử nhiều hơn. Tuy nhiên, cách
nói ấy cũng nên hiểu. Nói bán mình và bán con như kiểu đi ở thì xưa
và nay hay có. Nói bán mình và bán con là bán sức lao động chân tay
và trí thức thì ở đâu và thời nào cũng có và có dưới nhiều hình thức.
Nhưng nói bán thịt mình, nếu thật giới này có nói, thì chỉ là giả sử,
trừ ra bán thịt có nghĩa như bán mình. Y theo thứ tự mà mời các vị
khách tăng ấy thọ thỉnh, cách thức này quan trọng, sẽ được giải
thích trong giới 28 sau đây. Nếu khách tăng bị kỳ thị, không được
tiếp đãi chu tất, không được lợi hòa đồng quân đúng luật, thì sự kỳ
thị ấy bị Phật kết án gần như chưa từng thấy.
-
Số 27: Không Được
Thọ Thỉnh Riêng Biệt
- Phật
tử thì trường hợp nào cũng không được thọ thỉnh riêng biệt, thu đồ
hiến cúng về cả nơi mình. Đồ hiến cúng là thuộc về chư tăng mười
phương. Nếu thọ thỉnh riêng biệt thì ấy là lấy vật của chư tăng mười
phương thu về nơi mình; lại xâm phạm đến vật của Phật đà, thánh giả,
đại sư, chư tăng, cha mẹ và bịnh nhân trong tám ruộng phước, vì lẽ
mình chỉ dùng cho mình mà thôi, nên phạm tội khinh cấu.
- Đồ
hiến cúng là thuộc về chư tăng mười phương, chư tăng mười phương là
các vị tỷ kheo và tỷ kheo thọ Bồ tát giới trong mọi phương hướng,
bất cứ ở đâu. Đồ hiến cúng, theo luật, là của chung chư tăng như vậy.
Nói nôm na, theo luật, không có chùa riêng và đồ riêng của chư tăng
ở trước trong mỗi chùa, mà tất cả chùa chiền, và đồ vật được hiến
cúng đã lâu hay mới có, trong đó có sự trai tăng, đều là của chư
tăng mười phương mà chư tăng ở trước chỉ là một bộ phận, một số đại
diện. Tám ruộng phước là Phật đà, thánh giả (Bồ tát, Duyên giác, La
hán), đại sư Hòa thượng (vị truyền giới), đại sư Xà lê (vị dạy cách
thọ giới), chư tăng, cha, mẹ và bịnh nhân; 8 bậc và người này là
những đám ruộng tốt mọc lên và nuôi lớn phước đức cho người, nên gọi
là 8 ruộng phước. Đồ hiến cúng, theo luật, cũng là của chung 8 ruộng
phước như vậy. Nếu không thọ thỉnh theo thứ tự như giới 28 sau đây
nói, mà thọ thỉnh riêng biệt, lại sử dụng một mình, thì thế là chiếm
đoạt 2 lớp: chiếm đoạt của chư tăng 10 phương và của 8 ruộng phước.
Thọ thỉnh riêng biệt, nói nôm na, là nhận lời mời trai tăng riêng,
nhận đồ hiến cúng riêng, chứ không lợi hòa đồng quân cho chư tăng,
nhất là cho khách tăng. Thu đồ hiến cúng về nơi mình, mình chỉ dùng
riêng cho mình, những chữ mình trong 2 câu này chỉ cho vị trú trì
hay tri sự, lại chỉ cho chư tăng ở trước trong mỗi ngôi chùa. Nếu
người thỉnh tăng mà thỉnh riêng, nếu tăng thọ thỉnh mà thọ riêng,
thì không được gọi là thỉnh tăng hiến cúng và không được cái phước
ấy. Hãy coi kỹ giới 28 dưới đây.
-
Số 28: Không Được
Thỉnh Tăng Riêng Biệt
- Phật
tử thì dầu xuất gia thọ Bồ tát giới, dầu tại gia thọ Bồ tát giới,
hay vị trí thí chủ nào, khi muốn thỉnh chư tăng để hiến cúng cầu
nguyện, cũng phải đến tăng phường, hỏi vị tri sự mà bạch rằng muốn
theo thứ tự thỉnh chư tăng để hiến cúng cầu nguyện. Như vậy là thỉnh
được Hiền thánh tăng mười phương. Nếu thỉnh riêng biệt như thế nhân,
thì thỉnh năm trăm vị tăng La hán và Bồ tát, cũng không bằng thỉnh
một vị tăng phàm phu trong thứ tự của chư tăng. Thỉnh riêng là nề
nếp của ngoại đạo, bảy đức Phật không có qui chế thỉnh riêng. Sự ấy
không thuận với đạo hiếu. Nếu cố ý thỉnh riêng thì phạm tội khinh
cấu.
- Thỉnh
tăng riêng biệt , nói nôm na là mời các Thầy ăn riêng, cho riêng; ý
riêng thích ai thì mời thì cho người ấy. Như vậy không được gọi là
thỉnh tăng và không có cái phước thỉnh tăng. Do đó, giới 27 trên đã
cấm tăng thọ thỉnh riêng biệt, giới 28 này lại cấm người thỉnh tăng
riêng biệt, mà thỉnh và thọ thỉnh đều phải theo thứ tự của chư tăng.
Thỉnh và thọ thỉnh theo thứ tự của chư tăng là thế này. Chư tăng
cùng ở 1 trú xứ, vốn phải phân thứ tự theo năm thọ Tỷ kheo giới mà
giới 38 sẽ nói. Có thể phân thứ tự ấy bằng 1 bảng danh sách. Và thứ
tự phân theo năm thọ giới như vậy gọi là thứ tự của chư tăng . Các
vị khách tăng cũng vậy, ngay khi mới đến, sẽ ở lại mau hay lâu, hay
vô hạn định, vị trú trì hay tri sự phải hỏi năm thọ Tỷ kheo giới của
các vị ấy mà đưa vào thứ tự của chư tăng trong trú xứ. Rồi ai muốn
thỉnh thì hãy đến trú xứ ấy mà bạch với vị trú trì hay tri sự, rằng
xin thỉnh tăng theo thứ tự , lại phải bạch rõ thỉnh cúng được mấy vị.
Nếu người thỉnh không biết cách thỉnh tăng theo thứ tự thì vị trú
trì hay tri sự phải hỏi và phải chỉ cho họ. Đến lượt chư tăng thọ
thỉnh theo thứ tự là vị trú trì hay tri sự bạch chư tăng rõ ý nguyện
của người thỉnh, và chư tăng cùng thọ thỉnh theo ý nguyện ấy. Vị trú
trì hay tri sự lại coi cái số mà người thỉnh có thể cúng, nếu đủ cả
chư tăng thì bạch chư tăng đi dự cả, nếu không đủ thì vị trú trì hay
tri sự theo thứ tự của chư tăng mà cử đi. Cử số này cho lần này rồi
cử đến số khác cho lần khác, khi chư tăng ai cũng đi rồi thì bắt đầu
trở lại mà cử. Như vậy, không kể thỉnh và thọ thỉnh là bao nhiêu vị,
mà ý nguyện người thỉnh là thỉnh Hiền thánh tăng mười phương, còn
tăng thọ thỉnh thì một hay mấy vị, và là phàm phu tăng đi nữa, cũng
là thay mặt Hiền thánh tăng mười phương mà thọ thỉnh. Do đó mà người
thỉnh dầu chỉ thỉnh cúng được một vị, và là một vị phàm phu tăng mà
thôi, cũng vẫn gọi là thỉnh tăng, và vẫn được cái phước thỉnh tăng
ấy. Nếu người thỉnh tăng cũng như tăng thọ thỉnh mà không theo sự
thỉnh và thọ thỉnh thứ tự, lại thỉnh và thọ thỉnh riêng biệt, thì đó
là ngoại đạo, không phải qui chế của Phật, và người thỉnh dầu thỉnh
hàng trăm vị, và toàn là thánh tăng cả, cũng vẫn không được gọi là
thỉnh tăng, và không có cái phước của sự thỉnh tăng. Tuy nhiên, trên
đây là nói thỉnh và thọ thỉnh trong sự hiến cúng cầu nguyện, ngoài
sự đó thì không phải là điều mà giới này nói đến.
- Câu
phải đến tăng phường, hỏi vị tri sự mà bạch rằng muốn theo thứ tự
thỉnh chư tăng để hiến cúng cầu nguyện, như vậy là thỉnh được Hiền
thánh tăng mười phương, có bản chép thêm mấy chữ mà theo đó thì phải
chuyển văn nhiều hơn một chút mới dịch rõ được: Phải đến tăng phường,
hỏi vị tri sự mà bạch rằng muốn thỉnh chư tăng để hiến cúng cầu
nguyện; vị tri sự trả lời hãy thỉnh theo thứ tự. Người ấy y lời mà
thỉnh theo thứ tự. Như vậy là thỉnh được Hiền thánh tăng mười phương.
Cách chép này kém, nhưng rõ hơn được chút nữa cho giới này, lại làm
cho giới này dạy được cả người thí chủ và vị tri sự.
-
Số 29: Không Được
Sống Bằng Tà Mạng
- Phật
tử nếu vì độc ác và vụ lợi mà buôn bán dâm nam dâm nữ, tự tay làm đồ
ăn, tự xay tự giã, coi tướng nam nữ, đoán mộng tốt xấu, đoán thai
trai gái, làm các chú thuật, xảo thuật, luyện tập chim săn thú săn
như luyện chim ưng, pha chế thuốc độc bằng trăm thứ ngàn thứ độc hợp
lại, độc rắn, độc vàng bạc sống, độc sâu cổ, không còn gì là từ bi,
hiếu thuận. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
- Tà
mạng, là sống bằng những cách sống thiếu uy nghi, thiếu tư cách,
thiếu từ tâm. Người xuất gia thì "hoằng pháp thị gia vụ, lợi sinh vi
sự nghiệp" nên phải sống bằng sự giúp đỡ của tín đồ, còn người tại
gia thì "như lý cầu tài" kiếm của một cách hợp lý mà sống, ngoài ra
đều là tà mạng cả. Tự tay làm đồ ăn, tự xay tự giã là nói sự thiếu
uy nghi của vị tỷ kheo. Độc sâu cổ là bắt cả trăm thứ sâu bỏ vào 1
cái hộp cho chúng ăn nhau, con nào còn sống gọi là sâu cổ. Đem phân
sâu cổ ấy tán ra mà đầu độc thì phát điên cuồng hay bị cổ trướng.
Lấy phân cả trăm thứ sâu nuôi chung mà đầu độc, cũng gọi là độc sâu
cổ.
-
Số 30: Không Được
Bất Kính Hảo Thời
- Phật
tử nếu vì tâm lý bất lương, chính mình phỉ báng Tam Bảo bằng cách tỏ
ra thiết cốt với Tam Bảo, nhưng, mở miệng ra là nói về không mà việc
làm thì toàn ở trong có: kinh lý cho thế nhân, vì thế nhân mà mai
mối nam nữ, kết hợp sắc dục, tạo ra đủ thứ hệ lụy; sáu ngày chay
trong mỗi tháng, hay ba tháng chay trong mỗi năm, cũng sát sinh,
trộm cướp, phá trai, phạm giới, thì phạm tội khinh cấu.
- Hảo
thời là những thì gian quí báu, cần phải da tăng sự cẩn trọng, như
những ngày lục trai hàng tháng (8, 14, 15, 23, 29 và 30) và ba tháng
trường trai hàng năm (giêng, năm và chín), hay các ngày kỷ niệm Phật
đà, Bồ tát. Những thì gian quí báu như vậy mà phá giới phạm trai,
thì đã phạm những tội phá giới phạm trai mà còn phạm giới này nữa.
Giới này răn sự xảo trá đối với Tam Bảo, răn sự nói và làm nghịch
nhau, sự kinh lý cho thế nhân, và như vậy là răn tà nghiệp, răn thêm
tà mạng, nhất là răn cấm đích thân phỉ báng Tam Bảo bằng những sự ấy,
nên các bản chú thích đặt tên khác nhau theo những sự răn như vậy.
Kinh lý cho thế nhân, ngoài sự mai mối nam nữ còn có lắm việc, như
kinh tài, môi giới chính trị...
- Mười
giới pháp nhẹ như vậy, các người phải học, phải cung kính phụng trì,
như trong phẩm Thiết chế giới luật Như lai đã giải thích đầy đủ.
- Kết
thúc 10 giới nhẹ thứ ba.
-
Số 31: Không Được
Không Cứu Không Chuộc
- Phật
tử nếu, sau khi Như lai nhập niết bàn, trong thời kỳ dữ dội, thấy
ngoại đạo và những kẻ tàn ác, những kẻ đạo tặc, chiếm đoạt và đem
bán hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, những hình tượng mà mình
tôn thờ như cha mẹ, bán kinh bán luật, bán các vị tỷ kheo, tỷ kheo
ni, bán bồ tát mới phát bồ đề tâm, cho quan lại sai sử hay cho kẻ
khác làm nô bộc tỳ thiếp. Nếu là Bồ tát thì thấy những sự tình ấy
phải phát sinh tâm từ bi, tìm mọi phương cách mà cứu hộ, đi khắp nơi
khuyến hóa mọi người để kiếm tiền của mà chuộc hình tượng của Phật
đà và Bồ tát, chuộc các vị tỷ kheo, tỷ kheo ni và bồ tát mới phát
tâm, chuộc kinh chuộc luật. Nếu không chuộc như vậy thì phạm tội
khinh cấu.
- Giới
văn này nói đã quá rõ về tình trạng đau buồn của đạo pháp, đã xảy ra
và chắc chắn còn xảy ra. Bổn phận của người thọ Bồ tát giới là phải
duy trì ngôi Trú trì tam bảo, nên tự mình vô lực thì phải cực lực
khuyến hóa mọi người, cùng nhau cứu chuộc về cho đạo pháp những vật
và những người đã bị bức đoạt một cách bất lương và bẩn thỉu. Bán
các vị tỷ kheo, tỷ kheo ni và bồ tát mới phát tâm, cho quan lại sai
sử hay cho kẻ khác làm nô bộc tỳ thiếp, câu này ngày xưa có thể là
nghĩa đen cả, nhưng ngày nay thì sự thể biến ảo vô lường, ý nghĩa
đen đúa hơn mà danh từ lại rất bóng nhoáng, và chẳng phải chỉ bán
Phật tử, lại cũng chẳng phải chỉ bán cho kẻ khác làm lao công mà
thôi. Hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, những hình tượng mà
mình tôn thờ như cha mẹ, Vạn 60/57A giải thích là hình tượng của
Phật đà, của Bồ tát và của cha mẹ, nhưng xét ra không đúng với câu
kết của giới này. Tuy nhiên, nói như vậy không phải bảo Phật tử đừng
quan tâm đến cha mẹ, thân nhân và ân nhân.
-
Số 32: Không Được
Tổn Hại Chúng Sinh
- Phật
tử thì không được cất chứa buôn bán dao gậy cung tên, buôn bán bình
thường mà dùng dụng cụ cân lường nhẹ và nhỏ, dựa vào uy thế của quan
quyền mà chiếm đoạt tài vật của người, giam cầm và phá hoại sự thành
công của người bằng tâm địa độc hại, nuôi lớn những loài mèo chồn
heo chó. Nếu cố ý làm những việc như vậy thì phạm tội khinh cấu.
- Tổn
hại chúng sinh bằng cách với người thì buôn bán bất lương, ỷ thế
cướp của, giam cầm và phá hoại sự thành công; với vật thì nuôi để ăn
để bán, nuôi những vật săn bắt tàn hại vật khác. Đến như buôn bán vũ
khí thì khỏi nói.
-
Số 33: Không Được Tà
Dâm Làm Quấy
- Phật
tử thì không được bằng tâm lý đen tối mà xem sự đấu sức nam nữ, của
quân trận, của tướng sĩ, của giặc cướp... Không được xem nghe ca vũ,
không được cờ bạc, không được bói toán, không được làm liên lạc cho
đạo tặc. Những việc như vậy nhất nhất không được làm. Nếu cố ý làm
thì phạm tội khinh cấu.
- Ngoại
trừ đam mê thanh sắc, cờ bạc, du hý, là các thứ mới răn ở đây, ở đây
vẫn còn răn thêm về tà mạng và tà nghiệp (bói toán và làm việc cho
giặc).
- Xem
nghe ca vũ là dịch tắt cho rõ và đủ hơn. Dịch sát là nghe thổi ốc,
đánh trống, đánh mõ sừng (chính văn là giác, có người nói thổi còi
sừng), đàn cầm, đàn sắt, đàn tranh, thổi sáo (có bản tiếp đây chép
thêm thổi sanh), đàn không hầu, nam nữ ca hát, ngâm vịnh (chính văn
là kiếu, có sự giải thích đó là huân, một nhạc khí bằng đất, hay đi
đôi với trì, một nhạc khí khác bằng tre), và mọi thứ tiếng diễn tấu
các nhạc khí khác.
- Cờ bạc
cũng là dịch tắt cho rõ và đủ. Dịch sát là đánh sư bồ (cờ ngũ mộc),
cờ vây, cờ tướng (ba la tắc hý), cờ đạn (vật tròn chọi vào lỗ hay
chọi vào nhau), lục bác, phách cúc (hay cầu, là đánh bóng, đá bóng),
ném đá, gieo hồ, và khiên đạo bát đạo hành thành (còn gọi là bát đạo
hành thành, chỉ có ở Ấn).
- Bói
toán, chính văn là bốc thệ (bốc: bói bằng mai rùa, thệ: bói bằng cỏ
thi), nhưng ở đây tôi dùng chữ này để dịch tắt cho đủ và rõ về mọi
sự bói toán. Dịch sát là móng kính (luyện thuốc bôi vào móng tay hay
ngón tay cho bóng như kính, làm hiện lên điềm tốt xấu, bôi trên kính
trên vách cũng vậy, nên Tàu gọi là phép bói sáng ngời), cỏ thi (như
bói dịch), nhánh dương (bói bằng nhánh dương liễu), bát bồn (bát
phải viết trên chữ hữu là bạn, dưới chữ mãnh là đồ sành, bát bồn là
bói nước đựng trong chén bát), đầu lâu (lấy đầu lâu luyện cho linh
rồi nghe mách thầm bên tai về sự tốt xấu). Trong loại bói toán này,
kinh Niết bàn còn cấm coi tướng tay, chân, mặt, mắt.
- Các
loại ca vũ, cờ bạc và bói toán trên đây, nếu dịch sát thì Ấn khác
Tàu khác, xưa khác nay khác, xưa nay ở nước ta với các nước lại càng
khác hơn nữa, nên dịch sát và cắt nghĩa chỉ như nói chuyện đồ cổ của
một địa phương, chỉ làm cho khó hiểu, và loảng đi về ca vũ, cờ bạc
và bói toán hiện hành tại mỗi xứ mà chủ ý giới này răn cấm.
-
Số 34: Không Được
Rời Bồ Đề Tâm
- Phật
tử thì phải nghiêm trì giới pháp, bằng cách trong mọi cử động đi
đứng nằm ngồi và ngày đêm sáu buổi đều phải đọc tụng giới pháp ấy,
và giữ với lòng bền chắc như ngọc kim cương, giữ như giữ chiếc phao
nổi khi bơi qua biển cả, giữ với quyết chí của vị tỷ kheo bị buộc
bằng cỏ, vĩnh viễn phát sinh nơi mình đức tin cao đẹp của đại thừa,
là tự biết chắc mình là Phật sẽ thành như chư Phật là Phật đã thành,
tâm bồ đề không một thoáng nào rời khỏi tâm trí. Như vậy mà nếu nổi
lên một ý niệm của tâm lý nhị thừa hay ngoại đạo thì phạm tội khinh
cấu.
- Không
rời bồ đề tâm là thể hiện thường xuyên đức tin đại thừa và hành trì
thường xuyên giới pháp đại thừa. Nếu tâm lý có ý niệm tự lợi hay
nghi hoặc xen vào là rời bồ đề tâm, là tiểu thừa và ngoại đạo. Bằng
cách mọi cử động đi đứng nằm ngồi, và ngày đêm sáu buổi, đều phải
đọc tụng giới pháp, đọc tụng ở đây không phải là bố tát tụng giới,
mà là nói tắt về 5 pháp hạnh đối với Bồ tát giới: thọ trì, độc tụng,
chánh ức niệm, giải nghĩa thú, như thuyết hành (hoặc thọ trì, độc,
tụng, giải thuyết, sao chép). Vị tỷ kheo bị buộc bằng cỏ, sự tích
nằm trong Đại trang nghiêm kinh luận, nói vị tỷ kheo vì tuân lời
Phật dạy không được bứt cỏ, nên bị giặc trói bằng cỏ mà vẫn cố chịu
chứ không chịu làm trái lời Phật.
-
Số 35: Không Được
Không Phát Đại Nguyện
- Phật
tử thì phải thường phát khởi mọi lời nguyện, như nguyện hiếu thuận
cha mẹ, đại sư, chư tăng, Tam bảo; nguyện gặp được vị pháp sư tuyệt
hảo và các vị thiện tri thức đồng một sở học, để luôn luôn dạy cho
mình kinh luật đại thừa và các bồ tát vị là mười phát thú, mười
trưởng dưỡng, mười kim cang và mười địa, làm cho mình lý giải và
thực hành chính xác; nguyện kiên trì giới pháp của Phật, dầu phải
mất tánh mạng đi nữa, một thoáng cũng không để rơi mất khỏi tâm trí
cái niệm kiên trì ấy. Nếu là Bồ tát mà không phát khởi mọi lời
nguyện như vậy thì phạm tội khinh cấu.
- Mọi
lời nguyện ở đây là nguyện được hiếu thuận với cha mẹ và Tam bảo,
nguyện được thầy bạn tuyệt hảo để học và hành bồ tát giới và bồ tát
vị, và căn bản là nguyện được cái chí kiên trì giới pháp của Phật.
Tóm tắt thì như vậy, kê ra thì có 10 lời nguyện như sau: nguyện hiếu
thuận với cha mẹ, đại sư, chư tăng và Tam bảo, nguyện được thầy
tuyệt hảo, nguyện được bạn đồng sở học, nguyện được chỉ dạy cho kinh
luật đại thừa là Bồ tát giới Phạm võng, nguyện được hiểu thập trú,
nguyện được hiểu thập hạnh, nguyện được hiểu thập hướng, nguyện được
hiểu thập địa, nguyện được thực hành chính xác, nguyện kiên trì giới
pháp.
-
Số 36: Không Được
Không Phát Đại Thệ
- Phật
tử thì phát khởi mười lời nguyện rộng lớn rồi, để kiên trì giới pháp
của Phật, lại có những lời thề như sau. Thà đem thân này gieo xuống
hố lửa, núi dao, quyết không phá hủy giới pháp của tam thế chư Phật
bằng cách làm sự bất tịnh với bất cứ nữ nhân nào. Lại thề rằng thà
bị lưới sắt nóng ngàn lớp quấn lấy thân thể, quyết không đem cái
thân phá giới mà mặc y phục của tín đồ hiến cúng; thề rằng thà miệng
phải nuốt viên sắt nóng hay dòng lửa dữ đến cả trăm ngàn đời, quyết
không đem cái miệng phá giới mà ăn thực phẩm của tín đồ hiến cúng;
thề rằng thà thân này phải nằm trong lưới sắt đỏ hay trên đất sắt
nóng, quyết không đem cái thân phá giới mà nằm ngồi giường ghế của
tín đồ hiến cúng; thề rằng thà thân này một đời vài đời chịu hàng
trăm mũi giáo đâm vào, quyết không đem cái thân phá giới mà dùng
dược phẩm của tín đồ hiến cúng; thề rằng thà thân này gieo vào vạc
sắt nóng đến cả trăm ngàn đời, quyết không đem cái thân phá giới mà
ở phòng ốc, nhà cửa, vườn tược và đất đai của tín đồ hiến cúng. Lại
thề rằng thà thân này bị chùy sắt giáng đập từ đầu đến chân nát như
bụi nhỏ, quyết không đem cái thân phá giới mà nhận sự cung kính lễ
bái của tín đồ. Lại thề rằng thà bị cả trăm cả ngàn khí cụ bằng sắt
nóng móc mất đôi mắt đi, quyết không đem đôi mắt ấy với tâm phá giới
mà nhìn vào sắc đẹp; thề rằng thà một đời hai đời bị cả trăm cả ngàn
dùi sắt đâm vào hai tai, quyết không đem hai tai ấy với tâm phá giới
mà nghe đến tiếng hay; thề rằng thà bị cả trăm cả ngàn dao bén cắt
mất mũi đi, quyết không đem cái mũi ấy với tâm phá giới mà ngửi đến
hơi thơm; thề rằng thà cái lưỡi bị cả trăm cả ngàn dao bén cắt đứt,
quyết không đem cái lưỡi ấy với tâm phá giới mà nếm vào mùi ngon;
thề rằng thà thân này bị chặt bị xả bởi búa sắc, quyết không đem cái
thân ấy với tâm phá giới mà chạm vào chỗ ưa thích. Lại phát khởi lời
thề như sau, thề làm cho hết thảy chúng sinh đều thành Phật đà. Nếu
là Bồ tát mà không phát khởi những lời thề như vậy thì phạm tội
khinh cấu.
- Để
hoàn thành 10 lời nguyện mà quan trọng là nguyện kiên trì giới pháp
của Phật, phải có những lời thề như sau. Thứ nhất, thề không làm sự
bất tịnh; giới này lấy nam làm điển hình mà nói đến nên đối tượng là
nữ, như vậy nữ thì đối tượng là nam, và chứng tỏ sinh lý làm cho phá
giới hơn cả. Thứ hai, thề nếu phá giới thì không nhận đồ mặc, đồ ăn,
đồ nằm, dược phẩm và chỗ ở, chứng tỏ nhu cầu hay làm cho phá giới.
Thứ ba, thề nếu phá giới thì không nhận sự tôn kính lễ bái, chứng tỏ
sự không biết hổ thẹn hay làm cho phá giới. Thứ tư, thề 5 căn không
tiếp xúc 5 cảnh bằng tâm phá giới, chứng tỏ giác quan hay làm cho
phá giới. Thứ năm, thề làm cho chúng sinh được làm Phật cả, lời thề
này là tổng quát và căn bản, chứng tỏ thệ nguyện lớn lao thì khó mà
có sự phá giới. Mười lời nguyện rộng lớn, ai cũng nói là 10 lời
nguyện nói trong giới nhẹ 35 ở trên, nhưng có người dẫn kinh Phát bồ
đề tâm mà đưa ra pháp số khác, và không ai đồng ý (Vạn 60/96A và
231A). Dòng lửa dữ, chính văn là đại lưu mãnh hỏa, là nhỏ thì như
nước đồng sôi mà rót ra, lớn thì như thác lửa tuôn ra khi hỏa diệm
sơn phun lửa.
-
Số 37: Không Được
Mạo Hiểm Tai Nạn
- Phật
tử thì thường mỗi năm phải có hai kỳ thực hành đầu đà, mùa đông mùa
hạ phải tọa thiền an cư. Thực hành đầu đà thì thường dùng nhánh
dương để làm tăm, đậu để rửa, ba pháp y, bình, bát, tọa cụ, tích
trượng, lư hương, đãy lọc nước, khăn tay, con dao, đồ lấy lửa, nhíp,
giường giây, kinh luật Bồ tát giới và tượng Phật bồ tát. Là Bồ tát
thì khi thực hành đầu đà và khi đi du hóa, dầu đi lại cả trăm dặm
ngàn dặm đi nữa, mười tám vật ấy vẫn thường mang theo mình. Hai kỳ
đầu đà là từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba, từ rằm tháng tám đến
rằm tháng mười, trong hai kỳ ấy, mười tám vật cũng thường mang theo
mình như hai cái cánh với con chim. Bố tát tụng giới thì các vị Bồ
tát mới học đã phải nửa tháng nửa tháng bố tát, tụng mười giới nặng
và bốn mươi tám giới nhẹ; khi tụng thì đối trước tượng Phật Bồ tát
mà tụng; một người bố tát thì một người tụng, mà hai ba cho đến hàng
trăm hàng ngàn người cũng chỉ một người tụng; người tụng ngồi cao,
người nghe ngồi thấp, ai cũng mang pháp y chín điều bảy điều hay năm
điều. Kiết hạ an cư thì nhất nhất phải làm cho đúng phép. Khi thực
hành đầu đà thì đừng đến chỗ tai nạn; chỗ nguy hiểm, chỗ quốc chúa
tàn bạo, chỗ đất quá cao thấp, chỗ cây cỏ rậm rạp, chỗ cọp beo sư tử,
chỗ hay bị nạn nước lửa gió, chỗ có đạo tặc, chỗ đường sá đầy rắn
độc, những chỗ tai nạn như vậy đều không được đến đó. Thực hành đầu
đà, cho đến kiết hạ an cư, đều không được đến ở những chỗ tai nạn
như vậy. Nếu cố ý đến thì phạm tội khinh cấu.
- Trừ ra
sự du hóa phải tìm hết cách mà thâm nhập quần chúng, với sự đề phòng
càng cẩn thận càng tốt ; lại trừ ra sự bố tát tụng giới chỉ cần thì
gian ngắn và luật đã dạy cách ứng phó; còn 2 sự này không được đến ở
những chỗ tai nạn: đầu đà và an cư. Giới văn dạy các hạnh du hóa,
đầu đà, bố tát, an cư, nhưng đầu đà và bố tát được nói đến nhiều hơn.
- Về đầu
đà (đập rủ sự tham lam về ăn, mặc, ở) có 12 hạnh và 18 vật. Mười hai
hạnh như sau, kê theo Đại bát nhã mà Vạn 60/231B và 438B trích dẫn
và tôi xếp lại thứ lớp: ăn có 5 hạnh, là thường khất thực chứ không
thọ thỉnh, khất thực theo thứ tự không lựa chọn giàu nghèo quen lạ
hay cùng đạo khác đạo, mỗi ngày ăn 1 bữa và ngồi ăn 1 lần, ăn chừng
mực là đáng ăn 3 phần mới no thì ăn 2 phần thôi, và sau đứng bóng
thì nước vắt trái cây cũng không dùng; mặc có 2 hạnh, là mặc 3 pháp
y thứ vải thô mà chắp vá, và chỉ mặc 3 pháp y mà thôi; ở có 5 hạnh,
là ở chỗ thanh vắng mà cách làng xóm bò rống lớn mới nghe, chỗ tha
ma để dễ quán bất tịnh và sự chết, chỗ dưới gốc cây chứ không che
cất chòi thất, chỗ đất trống để đêm trăng thanh dễ nhập Không tam
muội, và thường ngồi mà ngồi ngay thẳng chứ không nằm. Du dà luận
nói sự tham lam về ăn mặc ở không thuận lợi cho phạm hạnh; như lông
không đập thì không thể làm thảm, đầu đà đập rủ sự tham lam ấy để
thành tựu phạm hạnh. Trí độ luận nói, Phật pháp chỉ lấy tuệ giác làm
căn bản, không lấy khổ hạnh làm ưu tiên, nhưng 12 hạnh đầu đà giúp
cho tuệ giác nên Phật thường ca tụng. Còn 18 vật của hạnh đầu đà thì
cũng là của hạnh du hóa, và chính văn kê đã rõ. Tựu trung, bát là
nói về sự ăn, 3 pháp y là nói về sự mặc, và tọa cụ là liên quan sự
ở. Ngoài ra, nhánh dương để làm tăm mà xỉa răng và nhấm, nay là tăm
và đồ đánh răng; đậu để rửa vốn dùng các thứ đậu và hạt, hoặc nước
tro, bồ kết, bồ hòn, nay là xà phòng; tích trượng phòng rắn và thú
dữ, lại để báo hiệu trong khi đi khất thực; đồ lấy lửa là dùng cây,
đá, thủy tinh mà lấy lửa, nay là diêm, quẹt; giường giây là lòng
giường đan mây, đan giây, là võng; nhíp để nhổ gai vì đi chân trần.
- Về du
hóa, càng đi xa càng phải mang theo 18 vật như đầu đà. Về an cư, nói
nhất nhất phải làm cho đúng phép là đúng như trong Luật đã qui định.
Về bố tát, nói ai cũng mang pháp y 9 điều 7 điều hay 5 điều là nói
cho người xuất gia thọ Bồ tát giới. Nói bồ tát mới học là nói ngay
các vị này đã phải tụng giới, không phải nói chỉ các vị này mới phải
tụng giới còn các vị trên nữa thì khỏi. Trong sự bố tát tụng giới,
điều quan trọng là phải ngồi theo thứ tự mà giới 38 sau đây sẽ nói;
còn người tụng giới thì cũng theo thứ tự ấy mà chọn người có khả
năng nhất trong chúng cao nhất của các chúng đồng bố tát. Không có
cái phép trong chúng cao mà không có người có khả năng tụng giới đến
nỗi phải chọn người trong chúng dưới; nói cách khác, bất cứ ai thọ
Bồ tát giới rồi, không có cái phép không thể tụng giới ấy: đoạn 2
mục 3 của tiết 1 Phật đã qui định như vậy.
- Thực
hành đầu đà cho đến kiết hạ an cư đều không được đến ở những chỗ tai
nạn, "cho đến" là nói lược về du hóa và bố tát. Du hóa thì cần thâm
nhập mọi nơi, bố tát thì chỉ cần thì gian ngắn, nên có thể không cần
tránh những chỗ tai nạn; nhưng chỉ có thể, không phải hoàn toàn
không cần. Còn đầu đà và an cư thì phải tránh. Trong những chỗ tai
nạn phải tránh, chỗ nguy hiểm, chính văn là ác quốc giới: nước dữ,
có bản chép quốc nạn: tai nạn cả nước, như vậy cũng có nghĩa là chỗ
đang bị tai nạn như chiến tranh, khủng hoảng..., nhưng Vạn 60/440A
nói ác quốc giới là chỗ mà người và cảnh đều không hiền, vậy thì chỗ
nguy hiểm còn là nơi nhân tâm hung dữ. Nghĩa này đủ và quan trọng
hơn. Sự cấm mạo hiểm tai nạn của giới này cho thấy đối với thân
người, Phật pháp khinh là khinh như thế nào mà quí là quí như thế
nào.
- Sau
hết, bố tát thì các vị Bồ tát mới học đã phải nửa tháng nửa tháng
thường bố tát, tụng 10 giới nặng và 48 giới nhẹ; khi tụng thì đối
trước tượng Phật Bồ tát mà tụng; một người bố tát thì một người tụng...,
có bản chép gọn hơn, theo đó thì phải dịch: ngày bố tát, khi các vị
Bồ tát mới học nửa tháng nửa tháng bố tát tụng 10 giới nặng và 48
giới nhẹ, thì đối trước Phật Bồ tát, 1 người bố tát 1 người tụng...
Những chỗ tai nạn như vậy không được đến đó. Thực hành đầu đà cho
đến kiết hạ an cư đều không được đến ở những chỗ tai nạn như vậy.
Nếu cố ý đến thì phạm tội khinh cấu, có bản chép hơi khác, theo đó
thì phải dịch: những chỗ tai nạn như vậy đều không được đến đó. Vì
đó là những chỗ tai nạn cho hạnh đầu đà. Kiết hạ an cư mà những chỗ
tai nạn ấy cũng không được đến, huống chi thực hành đầu đà. Thấy chỗ
tai nạn mà có ý đến thì phạm tội khinh cấu.
-
Số 38: Không Được
Ngồi Không Thứ Tự
- Phật
tử thì sự ngồi phải có thứ tự đúng như chánh pháp, nghĩa là ai thọ
giới trước thì ngồi trước, ai thọ giới sau thì ngồi sau. Không kể
già trẻ, tỷ kheo tỷ kheo ni, quí nhân quốc vương vương tử, cho đến
hoàng môn nô bộc tỳ thiếp, tất cả đều nên ai thọ giới trước thì ngồi
trước, ai thọ giới sau thì tuần tự mà ngồi. Đừng như ngoại đạo ngu
si, già cũng như trẻ không trước không sau, ngồi hỗn tạp như binh nô.
Trong chánh pháp của Như Lai, người trước ngồi trước, người sau ngồi
sau. Nếu là Bồ tát mà ai nấy không ngồi theo thứ tự đúng như chánh
pháp, thì phạm tội khinh cấu.
- Không
phải chỉ một sự ngồi, mà mọi sự cư xử, bình thường cũng như nghi lễ,
đều phải căn cứ thứ tự. Thứ tự ấy có 2, tóm tắt theo Vạn
60/373B-376B, như sau: Một là thứ tự giữa các chúng. Các chúng có 9,
chia ra 2 bộ. Khi 2 bộ ngồi riêng, thì bên tăng bộ thứ tự như sau:
tỷ kheo đứng đầu, kế đến sa di, đến cận trú nam, đến cận sự nam; bên
ni bộ thứ tự như sau: tỷ kheo ni đứng đầu, kế đến thức xoa, đến sa
di ni, đến cận trú nữ, đến cận sự nữ. Khi 2 bộ ngồi chung thì thứ tự
như sau: hết tỷ kheo đến tỷ kheo ni, hết tỷ kheo ni đến thức xoa,
hết thức xoa đến sa di, hết sa di đến sa di ni, hết sa di ni đến cận
trú nam, hết cận trú nam đến cận trú nữ, hết cận trú nữ đến cận sự
nam, hết cận sự nam đến cận sự nữ. Hai là thứ tự trong các chúng.
Thứ tự này cũng có 2. Thứ nhất, 2 chúng tỷ kheo và tỷ kheo ni phải
lấy tuổi tỷ kheo giới làm thứ tự, vì giới ấy là bản thể của Tăng bảo.
Thọ bồ tát giới trước tỷ kheo giới mấy năm cũng không kể, vì giới ấy
không biến thành tỷ kheo giới; nhưng thọ bồ tát giới sau tỷ kheo
giới thì tỷ kheo giới biến thành bồ tát giới, nên tuổi bồ tát giới
bấy giờ được kể theo tuổi tỷ kheo giới. Thứ 2, 7 chúng còn lại thì y
theo tuổi bồ tát giới mà làm thứ tự (khi tụng Bồ tát giới).
- Riêng
thứ tự lấy theo tuổi tỷ kheo giới thì gọi là "thứ tự của chư tăng"
mà các giới nhẹ 26, 27 và 28 đã nói. Thứ tự như trên đây là ý niệm
bình đẳng có lý: ý niệm bình đẳng theo tư cách giới pháp. Nếu thứ tự
kể theo giai cấp và tuổi tác, nếu bình đẳng một cách hỗn tạp, thì đó
là binh nô: chỉ lấy sức mạnh mà giành phần. Nếu là bồ tát mà ai nấy
không ngồi theo thứ tự đúng như chánh pháp, có bản chép gọn hơn,
theo đó thì chỉ dịch: Nếu là Bồ tát mà không ngồi theo thứ tự...
-
Số 39: Không Được
Không Làm Lợi Lạc
- Phật
tử thì thường khuyến hóa mọi người kiến thiết tăng phường, tạo lập
núi rừng, ruộng vườn, xây dựng tháp Phật, thiết lập những chỗ để mùa
đông mùa hạ tọa thiền an cư, nói tóm, tất cả những cơ sở hành đạo
đều nên kiến thiết. Là Bồ tát thì lại phải diễn giảng cho mọi người
về kinh luật đại thừa. Nhưng lúc tật bịnh, quốc nạn, giặc giã, những
ngày mạng vong của cha mẹ, anh em, của đại sư hoà thượng và đại sư
xà lê thì từ ngày ấy cho đến ngày tam thất và chung thất, cũng nên
trì tụng và diễn giảng kinh luật đại thừa. Những lúc làm chay cầu
phước, đi lại làm ăn mà có thể bị lửa dữ thiêu đốt, nước lớn trôi
chìm, gió bão thổi bạt thuyền bè nguy khốn trong sông to biển cả đầy
nạn la sát, thì trước đó cũng nên đọc tụng giảng nói kinh luật đại
thừa. Cho đến hết thảy khổ báo là ba ác, bảy nghịch, tám nạn, gông
cùm, xiềng xích, trói buộc, đa dâm, đa sân, đa si, đa bịnh, đều nên
giảng nói kinh luật đại thừa. Nếu vị Bồ tát mới học không làm như
vậy thì phạm tội khinh cấu.
- Thường
khuyến hóa mọi người kiến thiết, nếu là tại gia thọ Bồ tát giới thì
phải thêm: thường tự mình và khuyến hóa... Ngoài việc tạo lập các cơ
sở hành đạo, giới pháp này đặc biệt khuyến khích tụng và giảng Bồ
tát giới Phạm võng trong mọi trường hợp cầu an, cầu siêu, cầu nguyện,
cầu diệt khổ nhân, cầu trừ khổ báo. Như vậy Bồ tát giới Phạm võng có
thể bao gồm hết thảy công năng các kinh Dược Sư, Phổ Môn, Di Đà, Bát
Nhã. Tạo lập núi rừng, là tạo lập những khu vườn lớn, cây có nước có,
có đủ tăng xá. Từ ngày mạng vong cho đến ngày tam thất và chung thất,
nói như vậy không phải các ngày và các tuần khác không cần cầu siêu,
mà chỉ nói quan trọng nhất là ngày mới chết, ngày tam thất và ngày
chung thất, chứ không phải chỉ ngày chung thất mới quan trọng như ta
thường làm. Gió bão, chính văn là hắc phong (gió đen), là cuồng
phong vùng tâm bão, vùng gió mưa mây nước tạo thành bầu trời đen tối.
Khổ báo 3 ác là 3 đường dữ địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh; nhưng có
người thấy có bản chép 3 báo nên giải thích là khổ báo chịu trong
đời này (hiện báo) đời sau (sinh báo) hay những đời sau nữa (hậu báo).
Khổ báo 7 nghịch là vô gián ngục.
- Chín
giới pháp nhẹ như vậy các người phải học, phải cung kính phụng trì,
như Như lai sẽ nói rõ trong phẩm Phạm đàn.
- Kết
thúc 9 giới nhẹ thứ nhất.