CHƯƠNG BA
(Tiếp Theo)
---o0o---
Tiết 2: Nói Về Giới
Điều Của Bồ Tát Giới Phạm Võng (tiếp theo)
Số 40: Không Được
Chọn Lựa Truyền Giới
Phật
tử thì khi cho người thọ Bồ tát giới không được chọn lựa. Hết thảy
quốc vương vương tử, tể tướng bách quan, tỷ kheo tỷ kheo ni, thiện
nam tín nữ, dâm nam dâm nữ, Phạm thiên mười tám tầng trời cõi Sắc,
thiên nhân sáu tầng trời cõi Dục, những kẻ vô căn, hai căn, hoàng
môn, nô bộc, tỳ thiếp, tất cả quỉ thần, ai cũng được thọ Bồ tát giới
cả. Phải dạy người thọ Bồ tát giới nhuộm pháp y bằng hoại sắc cho
hợp với chánh pháp. Hoại sắc là nhuộm tất cả pháp y và ngọa cụ bằng
màu sắc phá hủy các màu sắc chính là xanh vàng đỏ trắng đen tía. Mọi
thứ y phục khác cũng nhuộm hoại sắc như vậy. Nói tổng quát, tại bất
cứ quốc độ nào, dân chúng ở đó ăn mặc ra sao thì vị tỷ kheo ăn mặc
phải khác với lối ăn mặc ấy. Khi sắp thọ Bồ tát giới, vị pháp sư bồ
tát phải xét hỏi người ấy, rằng thân hiện tại có làm bảy tội nghịch
không? Vị pháp sư bồ tát không được cho những người thân hiện tại
làm bảy tội nghịch được thọ Bồ tát giới. Bảy tội nghịch là làm cho
thân Phật xuất huyết, giết cha, giết mẹ, giết hòa thượng, giết xà lê,
phá kiết ma tăng và pháp luân tăng, giết thánh giả. Nếu có bảy tội
nghịch thì kẻ ấy thân hiện tại không thể được Bồ tát giới. Ngoài ra,
ai cũng có thể thọ và được giới ấy. Cái phép của người xuất gia là
không lạy quốc vương, không lạy cha mẹ, không lạy bà con, không lạy
quỉ thần, nên không thiên vị hoặc khước từ ai hết, hễ ai hiểu được
tiếng nói của vị pháp sư bồ tát, từ trăm dặm ngàn dặm vẫn đến cầu Bồ
tát giới, mà vị pháp sư ấy vì tâm lý xấu xa, tâm lý ghét giận, không
truyền ngay cho họ giới pháp mà tất cả chúng sinh đều có phần thì
phạm tội khinh cấu.
Bồ tát
giới là của chúng sinh; trừ những kẻ phạm 7 tội nghịch thì thân đời
này của họ không thể thọ và được giới ấy, còn bất cứ ai hảo tâm cầu
giới ấy cũng đáng được truyền ngay. Hãy coi lại và đối quán chính
văn này với chính văn đoạn 3 mục 3 tiết 1.
Bảy
tội nghịch là ngoài 5 tội nghịch còn thêm 2 tội giết hòa thượng và
giết xà lê. Làm thân Phật xuất huyết là tội nghịch 1. Xưa kia, Đề Bà
lăn đá hại Phật, nhưng thân Phật không thể hại được, chỉ làm chảy
máu ngón chân của Ngài. Nay thì đốt phá kinh Phật tượng Phật là cùng
loại. Giết cha, giết mẹ là tội nghịch 2 và 3. Ấy là giết 2 người
sinh ra sinh thân của mình. Giết hòa thượng, giết xà lê là tội
nghịch 4 và 5. Ấy là giết 2 vị sinh ra giới thân cho mình. Giết
thánh giả, nói hẹp là giết La hán, là tội nghịch 6. Ấy là giết các
vị giải thoát. Phá tăng là tội nghịch 7. Tội này phân ra có 2: phá
kiết ma tăng và phá pháp luân tăng. Phá kiết ma tăng: mở đầu, Đề Bà
dụ dổ một số tỷ kheo tách ra kiết ma thuyết giới riêng; sau đó, chỉ
cần tối thiểu 8 vị tỷ kheo cùng ở 1 chỗ, 1 kẻ trong đó dụ dổ 3 người
cùng kẻ ấy là 4, tách ra làm 1 nhóm mà kiết ma thuyết giới hay làm
những sự kiết ma khác, là cùng loại. Phá pháp luân tăng: mở đầu, Đề
Bà lập ra Tam Bảo giả trá để chống phá Tam Bảo chân thật; sau đó chỉ
cần tối thiểu 9 vị tỷ kheo không cần cùng ở 1 chỗ, 1 kẻ trong đó dụ
được 4 người cùng kẻ ấy tách ra, kẻ ấy tự xưng giáo lãnh, lập giáo
pháp và họp 4 kẻ kia làm giáo đoàn riêng, là cùng loại. Cả 2 tội
trên đây chung lại gọi là phá tăng hay phá tăng hòa hợp, có nghĩa
làm tan rã sự cùng sống với nhau bằng giới pháp và giáo pháp của chư
tăng. Nói cách khác là phá hoại Phật giáo. Do vậy mà nay bất cứ chủ
trương và hành động nào phá hoại Phật giáo, là cùng loại. Tất cả 6
tội trước trong 7 tội nghịch là sát sinh cực nặng (dầu làm thân Phật
xuất huyết chỉ là phần da hành của tội ấy), còn tội thứ bảy là vọng
ngữ cực nặng. Bảy tội nghịch là tội đọa vô gián ngục, nhất là tội
phá pháp luân tăng, vì làm thương tổn pháp thân của Phật (Câu xá,
Chính 28/92-94).
Ở đây,
đối với Bồ tát giới thì chỉ những kẻ phạm 7 tội nghịch mới không thể
thọ và không thể được giới ấy. Do đó, 7 tội ấy có bản chép là 7 sự
cản trở (thất giá). Ngoài những kẻ phạm 7 tội nghịch, mọi người ai
cũng phải được cho thọ Bồ tát giới, không được lựa chọn, khước từ.
Thế nhưng, những kẻ trà trộn hay mai phục để phá hoại Phật giáo thì
đó cũng là 1 trong 6 loại tặc trú, không thể không tra xét cho kỹ mà
cứ cho thọ Bồ tát giới. Lại nữa, giới này cấm là cấm lựa chọn theo
tà ý, còn vị truyền giới phải xét người cầu giới có xứng đáng không,
người cầu giới phải xét vị truyền giới có xứng đáng không, thì lại
là sự răn dạy phải làm của Bồ tát giới du dà (mà Vạn 60/378B trích
dẫn). Cho nên lựa chọn hay không lựa chọn theo tà ý thì toàn là cung
cách làm cho Phật pháp suy tàn.
Sau
hết, đây là mấy chỗ cần giải thích. Vô căn: không có cả 2 bộ phận
sinh thực. Hai căn: ngược với vô căn. Hoàng môn: gọi chung 5 loại
người lại cái. Phải dạy người thọ Bồ tát giới nhuộm pháp y bằng hoại
sắc: do chính văn liên tiếp dưới câu này nói rõ mà biết đây là dạy
cho tỷ kheo (và mọi người xuất gia). Ngọa cụ ở đây là những thứ đồ
nằm. Mọi thứ y phục khác là mọi thứ khác nữa thuộc về y phục, trong
đó có các thứ khăn. Cái phép của người xuất gia là không lạy..., câu
này cho thấy rõ vị truyền Bồ tát giới phải là người xuất gia.
Số 41: Không Được Vụ
Lợi Làm Thầy
Phật
tử nếu giáo hóa cho người phát sinh đức tin đại thừa rồi, mình là Bồ
tát làm vị pháp sư chỉ bảo cho người, thì thấy người ấy muốn thọ Bồ
tát giới, mình phải chỉ bảo cách thỉnh hai vị đại sư là hòa thượng
và xà lê. Hai vị đại sư phải hỏi người ấy có hay không có phạm bảy
tội nghịch là bảy tội cản trở sự thọ và được Bồ tát giới. Nếu thân
hiện tại phạm bảy tội nghịch thì vị pháp sư không được cho người ấy
thọ Bồ tát giới; nếu không phạm bảy tội nghịch thì được cho họ thọ.
Nếu người nào phạm mười giới pháp nặng thì phải chỉ bảo người ấy sám
hối bằng cách đối trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, ngày
đêm sáu buổi tụng mười giới pháp nặng và bốn mươi tám giới pháp nhẹ,
cực kỳ khẩn thiết lễ bái ba ngàn đức Phật thuộc ba thì gian quá khứ
hiện tại và vị lai, cầu cho thấy được tướng tốt. Dầu một lần bảy
ngày hay ba lần bảy ngày, cho đến một năm, cũng phải làm sao cho
thấy được tướng tốt. Tướng tốt là thấy được Phật đến xoa trên đỉnh
đầu, thấy ánh sáng của Phật, thấy hoa sen của Phật, hoặc thấy các
tướng kỳ lạ khác, thì tội lỗi tức thì tan biến. Nếu không thấy được
những tướng tốt như vậy thì dẫu sám hối cũng không có cái ích lợi
làm cho người ấy thân hiện tại được lại giới pháp, nhưng có cái lợi
ích thọ lại giới pháp ấy. Nếu ai phạm bốn mươi tám giới pháp nhẹ thì
chỉ bảo người ấy sám hối bằng cách đối diện mà phát lộ, thì tội lỗi
tức thì tan biến. Phạm giới nặng hay nhẹ đều không như bảy tội
nghịch. Làm pháp sư chỉ bảo thì trong các cách trên đây nhất nhất
phải thấu hiểu. Nếu không thấu hiểu sự đúng sai và tội nặng nhẹ của
giới pháp đại thừa, không lý giải đệ nhất nghĩa đế, tập chủng tánh,
trưởng dưỡng tánh, bất hoại tánh, đạo chủng tánh, chánh pháp tánh,
trong tất cả các tánh của Bồ tát vị như vậy không thấu rõ quán hạnh
nhiều ít và ra vào như thế nào, cho đến mười thành phần thiền định
và bao nhiêu quán hạnh khác, cũng nhất nhất không thấu hiểu nghĩa ý
trong đó; mà, là Bồ tát, lại vì quyền lợi, vì danh vọng, vì ham hố
đồ đệ với tâm lý ham cầu xấu xa và quá đáng, làm ra như thấu hiểu
tất cả, thì ấy là tự lừa dối mình lại lừa dối kẻ khác. Vậy mà cố ý
truyền Bồ tát giới cho người thì phạm tội khinh cấu.
Giới
này nối tiếp các giới 16, 40, nhất là giới 23, răn dạy cách làm pháp
sư. Pháp sư này trước đây đã gọi là pháp sư đại thừa, pháp sư bồ tát,
nay đây gọi là pháp sư chỉ bảo. Pháp sư chỉ bảo là đại sư giáo thọ.
Nhưng sự chỉ bảo này không phải chỉ có lúc sắp thọ giới hay lúc thọ
giới, mà là trước nữa, phải giáo hóa làm sao cho người có thể thọ và
giữ Bồ tát giới. Giới 41 này gần như tổng hợp cách làm pháp sư như
vậy. Cách ấy có 4: một, dạy cho người phát sinh đức tin đại thừa,
hai, dạy cách thọ giới, ba, dạy cách sám hối phạm giới, bốn, thấu
hiểu về Bồ tát giới và Bồ tát vị.
Một,
dạy cho người phát sinh đức tin đại thừa là tin mình sẽ làm Phật.
Nhưng nói như vậy là nói tắt về những sự khác nữa, ấy là dạy cho
người biết đại thể về Bồ tát giới, dạy cho người có chí nguyện và
khả năng để thọ và giữ giới ấy, như đã nói trong các giới nhẹ trước
liên quan đến những việc này.
Hai,
dạy cách thọ Bồ tát giới là xét và không truyền giới ấy cho người
phạm 7 tội nghịch, nhưng càng phải giáo hóa sao cho người này có
những cái phước khác. Còn ai không phạm 7 tội nghịch thì cho thọ Bồ
tát giới bằng cách dạy thỉnh 2 vị đại sư hòa thượng và đại sư xà lê.
Nhưng xét Phạm võng (giới 23) Anh lạc (Chính 24/1020) Thiện giới (Chính
30/1014) Du dà (Chính 24/1104) và Địa trì (Chính 30/912) đều thấy Bồ
tát giới chỉ do 1 vị thầy truyền thọ. Chính 1 vị thầy ấy, trước khi
truyền giới thì làm pháp sư chỉ bảo, khi truyền giới thì làm 2 nhiệm
vụ đại sư hòa thượng và đại sư xà lê. Giới văn nói chỉ bảo cách
thỉnh 2 vị đại sư là hòa thượng và xà lê, là vị thầy chỉ bảo cho
người xin thọ giới biết cách thức thỉnh mình làm cả 2 nhiệm vụ hòa
thượng và xà lê mà truyền giới cho người ấy. Giới văn nói 2 vị đại
sư phải hỏi người ấy có hay không có phạm 7 tội nghịch, là vị thầy
ấy, bây giờ, với tư cách hòa thượng và xà lê, hỏi để xác định người
xin thọ giới có hay không có phạm vào những tội cản trở sự thọ giới
và sự được giới. Việc này giới 40 đã hỏi, nhưng hỏi để tra xét, nay
chỉ hỏi theo nghi thức. Nghi thức mà 1 vị thầy phải nói và phải làm
trong việc kiết ma truyền Bồ tát giới thì Chính 24/1104 và 1105 chỉ
dẫn rất rõ. Nhất là lời kiết ma, xin lược dịch như sau: Vị thầy
truyền giới đối trước tượng Phật lạy và bạch, rằng kính bạch vô
lượng Phật đà và Bồ tát hiện tại vô lượng thế giới, hiện thời ở đây
có bồ tát tên XX, đối trước con là bồ tát XX, 3 lần nói thọ Bồ tát
giới, con đã tác chứng cho. Con thỉnh cầu vô lượng Phật đà và Bồ tát
cũng tác chứng cho bồ tát XX thọ Bồ tát giới. Bạch lần thứ 2 và lần
thứ 3 cũng như vậy. Như vậy là kiết ma thọ Bồ tát giới được hoàn tất
(chính 24/1105). Thế nhưng đối với câu "thỉnh 2 vị đại sư", các vị
chú thích có nhiều ý kiến, xin tóm tắt ghi lại như sau. Có vài người
lướt qua, rõ ràng có ý thận trọng; có vài ba người nói vị pháp sư
chỉ cách thỉnh Đức Thích Ca làm hòa thượng, thỉnh mình làm xà lê; có
người nói chỉ cách thỉnh mình làm hòa thương, thỉnh 1 vị khác là
kiết ma xà lê; có người nói mình làm giáo thọ xà lê, chỉ cách thỉnh
Đức Bổn Sư Thích Ca làm hòa thượng, chỉ cách thỉnh Đức Đương Lai Di
Lạc làm xà lê. Ấy là chỉ kể những ý kiến đáng chú ý. Những ý kiến
này gợi lên sự xét lại cách truyền Bồ tát giới. Cách ấy trong lý
thuyết và thực tế thấy có 2. Thứ nhất là cách 1 thầy truyền cho 1
trò. Cách này nên lấy sự chỉ dẫn của luận Du dà làm chính (Chính
24/1104-1105). Tham khảo thì có thể coi thêm Vạn 59/197A và 198B.
Đặc biệt nếu truyền cho cận sự nam và cận trú nam theo Ưu bà tắc
giới kinh thì có thể làm theo kinh ấy (Chính 24/1047-1049). Thứ hai
là cách tổ chức giới đàn truyền cho nhiều người như nghi thức hiện
hành, thì có 2 lớp tam sư thấy được và không thấy. Lớp tam sư không
thấy là Đức Thích Ca làm hòa thượng, Đức Văn Thù làm kiết ma, Đức Di
Lạc làm giáo thọ; lớp này căn cứ kinh Thiện giới và Phổ Hiền, và "từ
lớp này mà được giới là do sức trợ phát của Đức Phổ Hiền" (Chính
62/246). Lớp tam sư thấy được là hòa thượng, kiết ma và giáo thọ
trong giới đàn; lớp này dạy thỉnh và đứng thỉnh lớp trước kiết ma
hoàn tất. Cách truyền giới 1 thầy 1 trò có cái ưu điểm là nghĩa vụ
của vị thầy rất quan trọng cho người thọ giới, còn cách truyền giới
trong giới đàn thì nhược điểm ở chỗ thọ giới rồi thầy trò hầu như
chẳng còn biết gì đến nhau nữa.
Ba,
dạy cách sám hối phạm giới. Trước hết, phạm 7 tội nghịch thì đời này
không được thọ Bồ tát giới, còn gì nữa mà nói đến sám hối. Nếu thọ
Bồ tát giới rồi mới phạm 7 tội nghiểch thì đời này mất giới pháp ấy,
không thể sám hối để được lại hay thọ lại gì hết. Nhưng nói không
thể sám hối là đối với giới pháp, chứ sự sám hối về 7 tội nghịch thì
vẫn có. Đó là chuyện A xà thế vương sám hối tội giết cha, ngay trong
thời Phật còn và được ngài chấp nhận (Chính 1/109). Làm vị pháp sư
thì phải biết như vậy để đừng ruồng bỏ người phạm tội nghịch, làm họ
tuyệt vọng, lại phủ nhận năng lực Phật pháp đối với tội ấy.
Ngoài
kẻ phạm 7 tội nghịch, ai cũng có thể thọ và được Bồ tát giới. Nhưng
thọ và được rồi, nếu phạm 10 giới nặng thì vị pháp sư dạy cho họ
phải sám hối thấy tướng tốt mới được phục hồi giới pháp, khỏi phải
thọ lại. Sám hối mà không thấy tướng tốt thì được thọ lại, vì người
này không phạm 7 tội nghịch. Giới văn nói nếu không thấy được những
tướng tốt như vậy thì dẫu sám hối cũng không có cái ích lợi làm cho
người ấy thân hiện tại được lại giới pháp, nhưng có cái ích lợi thọ
lại giới pháp ấy, chính văn là nhược vô tướng hảo, tuy sám vô ích,
thị nhân hiện thân diệc bất đắc giới, nhi đắc tăng ích thọ giới.
Tăng ích thọ giới, có bản chỉ chép tăng thọ giới, có nghĩa là thọ
giới lại. Câu chính văn này có nhiều ý kiến. Ý kiến có nhiều nhất,
điển hình như ngài Pháp tạng (Vạn 60/100A) là sám hối thấy tướng tốt
thì phục hồi giới pháp, không cần thọ lại, còn sám hối không thấy
tướng tốt thì không phục hồi giới pháp nhưng được thọ lại giới pháp
ấy. Có vài ý kiến thêm chữ "sau này" vào trước chữ thọ lại, có 1 ý
kiến thêm chữ "đời sau". Ý kiến như chính văn là đời này có thể thọ
lại, ý kiến thêm chữ sau này là đời này hay đời sau có thể thọ lại,
ý kiến thêm chữ đời sau là đời sau mới thọ lại. Nay xét thọ Bồ tát
giới là xuất gia hay tại gia thọ giới ấy, vậy Bồ tát giới tùy thuộc
Tỷ kheo giới và tại gia giới. Như vậy, sự phạm giới nặng, nhất là
phạm cả 3 phần da hành, căn bản và hậu khởi của mỗi giới, thì dẫu
nói Bồ tát giới có thể sám hối mà phục hồi hay thọ lại đi nữa, tỷ
kheo giới và tại gia giới cũng không có cái sự phục hồi hay thọ lại
ấy. Trên lý thuyết, nếu có trường hợp chỉ thọ Bồ tát giới thì được
thọ lại hay không, thọ lại trong đời này hay đời sau, phải hoàn toàn
do vị pháp sư bồ tát, vị thầy rất xứng đáng, có trách nhiệm quyết
định, như đã quyết định lúc mới cho họ thọ.
Sau
hết, ai phạm 48 giới nhẹ thì dạy cho họ sám hối theo cách đối diện
bộc bạch mà sám hối là được tiêu trừ. Cách này luận Du dà (Chính
24/1106) cũng dạy rất rõ. Đối diện, chính văn là đối thủ, có nghĩa
đối diện, giáp đầu mặt mà bộc bạch sám hối. Có người đọc đối thú, có
nghĩa đối diện mà thú tội, ý nghĩa như đọc đối thủ. Phạm giới nặng
hay nhẹ đều không như 7 tội nghịch, sát chính văn thì chỉ "không như
7 tội nghịch", nên phải bổ túc như trên.
Bốn,
thấu hiểu về Bồ tát giới và Bồ tát vị. Thấu hiểu về Bồ tát giới là
hiểu làm như thế nào thì đúng, làm như thế nào thì sai, phạm như thế
nào thì nặng, phạm như thế nào thì nhẹ, lại còn phải hiểu lý do và
nội dung của Bồ tát giới, hiểu cách truyền thọ, cách lãnh thọ và
cách sám hối. Thấu hiểu về Bồ tát vị là hiểu căn bản của Bồ tát vị,
hiểu chủng tánh của Bồ tát vị, hiểu pháp hạnh của Bồ tát vị. Căn bản
của Bồ tát vị là đệ nhất nghĩa đế, tức Phật tánh, cũng gọi là thật
tướng bát nhã. Chủng tánh của Bồ tát vị thì kinh Anh lạc nói có 6,
và phối hợp rõ như sau: 1, tập chủng tánh là 10 trú, 2, tánh chủng
tánh là 10 hạnh, 3, đạo chủng tánh là 10 hướng, 4, thánh chủng tánh
là 10 địa, 5, đẳng giác tánh là đẳng giác, 6, diệu giác tánh là diệu
giác (Chính 24/1012). Còn ở đây, kinh Phạm võng nói thì ngài Pháp
tạng chép có 5 và phối hợp như sau: 1, tập chủng tánh là 10 phát thú
(10 trú), 2, trưởng dưỡng tánh là 10 trưởng dưỡng (10 hạnh), 3, bất
hoại tánh là 10 kim cang (10 hướng), 4, đạo chủng tánh là 10 địa, 5,
chánh pháp tánh là Phật địa (Vạn 60/99B-100B). Nay xét chính văn
Phạm võng và Anh lạc, thấy 10 trú 10 hạnh và 10 hướng thì 2 kinh ấy
và thông thường nói như nhau, "ý nghĩa thì đồng, danh từ thì khác" (Trí
húc, Vạn 60/314A). Nhưng 10 địa thì Anh lạc cũng như thông thường
tách đẳng giác và diệu giác ra làm 2 chủng tánh nữa; còn 10 địa
trong Phạm võng thì xét thấy bao gồm cả 10 địa và 2 giác. Vậy nên
phối hợp lại như sau: một, tập chủng tánh là 10 phát thú (10 trú),
hai, trưởng dưỡng tánh là 10 trưởng dưỡng (10 hạnh), ba, bất hoại
tánh là 10 kim cang (10 hướng), bốn, đạo chủng tánh và 5, chánh pháp
tánh là 10 địa (10 địa và 2 giác). Ý nghĩa 5 danh từ Bồ tát tánh và
4 danh từ Bồ tát vị như trên có thể lược giải như sau. Một, tập
chủng tánh: phẩm cách luyện tập, là xuất phát đi mau đến (phát thú),
nghĩa là vững vàng trong Bồ tát vị (trú). Hai, trưởng dưỡng tánh:
phẩm cách bồi dưỡng, là bồi dưỡng hơn lên nữa (trưởng dưỡng), nghĩa
là đi tới về Bồ tát vị (hành). Ba, bất hoại tánh: phẩm cách kiên cố,
là kiên cố như kim cương (kim cang), nghĩa là đã hướng đến chân như
(hướng). Bốn, đạo chủng tánh: phẩm cách bát nhã, và Năm, chánh pháp
tánh: phẩm cách chân như, là sinh trưởng mọi diệu dụng và đã gần như
là Phật (địa và đẳng giác diệu giác). Cũng nên ghi chú thêm rằng có
bản chép 6 chủng tánh: sau trưởng dưỡng tánh thêm tánh chủng tánh,
nhưng xét thấy bất ổn không ít.
Pháp
hạnh của Bồ tát vị là các quán hạnh và pháp hạnh. Quán hạnh có 3, là
không quán, giả quán và trung quán: 10 phát thú thì từ giả quán vào
không quán, không quán còn ít; 10 trưởng dưỡng thì ra không quán vào
giả quán, không quán thì nhiều mà giả quán còn ít; 10 kim cang thì
xoay không quán giả quán vào trung quán, giả quán thì nhiều mà trung
quán còn ít; 10 địa thì trung quán mới nhiều. Không quán là thể hội
thật tướng, siêu việt các phạm trù tư duy; giả quán là hoạt dụng
thật tướng, lợi ích cho hết thảy chúng sinh; trung quán là dung hóa
thật tướng, vô công dụng hạnh đã nhiệm vận hiện tiền. Pháp hạnh thì
ở đây đưa ra 10 thiền chi (10 thành phần thiền định). Pháp số này là
10 nhất thế xứ. Trí độ luận nói như sau, trong cuốn 21, "bội xả làm
cửa đầu, thắng xứ là đi giữa, nhất thế xứ là hoàn thành, 3 loại này
của thiền quán mà đầy đủ thì bản thể thiền quán thành tựu". Vậy là
10 thiền chi (nhất thế xứ, biến xứ) còn lược 2 pháp số nữa, đó là 8
bội xả (giải thoát) và 8 thắng xứ.
Vị
pháp sư truyền Bồ tát giới thì căn bản là phải nghiêm trì giới ấy,
lại phải hiểu rõ và chỉ dạy được 4 điều trên đây. Nhưng nếu truyền
Bồ tát giới với tâm lý ham danh lợi và ham đồ đệ thì hiểu mà truyền
cũng vẫn phạm giới này, huống chi không hiểu. Giới văn câu chót làm
ra như thấu hiểu tất cả, có bản chép thêm "để được hiến cúng", thêm
như vậy vừa thừa vừa thiếu.
Số 42: Không Được
Thuyết Giới Ác Nhân
Phật
tử thì không được vì quyền lợi mà nói giới pháp vĩ đại của hàng ngàn
Đức Phật trước những kẻ chưa thọ Bồ tát giới, những kẻ ngoại đạo và
ác nhân. Trước những kẻ phủ nhận Phật tánh cũng không được nói. Trừ
quốc vương, không được nói với ai cả. Những kẻ ngoại đạo và ác nhân
không lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì như loài vật, đời đời sinh
ra ở đâu cũng không gặp được Phật pháp tăng, như cây như đá không có
tâm hồn, nên gọi là ngoại đạo và ác nhân. Còn những kẻ phủ nhận Phật
tánh thì khác gì đầu gỗ. Là Bồ tát mà trước những kẻ như vậy nói đến
giáo pháp và giới pháp của bảy đức Phật đà thì phạm tội khinh cấu.
Không
phải lúc nào, ở đâu, với ai cũng thuyết Bồ tát giới một cách cẩu thả.
Nhất là đối với những kẻ không có tâm hồn, những kẻ không có giống
Phật, những kẻ ngoan cố, vô tín ngưỡng, nghe Bồ tát giới thì chỉ phỉ
báng, không thể lãnh thọ mà cũng không chịu lãnh thọ. Còn đối với
quốc vương, tức đối với các vị nguyên thủ quốc gia, thì không phải
được nói mà là phải nói; địa vị ấy, quyền sinh sát ở cả trong tay,
không cố mà nói cho họ, bằng cách này hay cách khác, về Bồ tát giới,
thì không còn sự răn đe nào khác nữa.
Giới
39 nói phải diễn giảng Bồ tát giới trong mọi trường hợp, vậy tránh
sao cho khỏi có những kẻ mà giới này hạn chế? Nên người diễn giảng
phải xét người nghe, để có khi có thể diễn giảng đủ cả, có khi chỉ
nên trích giảng mà thôi.
Giới
pháp vĩ đại của hàng ngàn Đức Phật, nói rõ là của 3 ngàn Đức Phật
thuộc 3 thời kỳ quá khứ hiện tại và vị lai. Ấy là lấy 3 ngàn Đức
Phật liên tiếp, gần gũi và của quốc độ này, trong đó có Đức Bổn Sư,
mà nói sự trọng đại của Bồ tát giới. Của 7 Đức Phật đà là lấy 7 Đức
Phật gần nhất trong số 3 ngàn Đức Phật mà Đức Bổn Sư là vị Phật hiện
tại, để nói sự trọng đại của Bồ tát giới. Như loài vật, 1 nhà giải
thích nói vì không thọ Bồ tát giới thì sống cũng như chết chỉ là
sống chết vô ích.
Số 43: Không Được Cố
Tâm Phạm Giới
Phật
tử nếu đã đem đức tin đại thừa mà xuất gia và lãnh thọ giới pháp
chính yếu của chư Phật rồi, lại cố ý sinh tâm vi phạm giới pháp phát
sinh tuệ giác vô lậu như vậy, thì không nên nhận mọi sự hiến cúng
của thí chủ, không đáng đi đất của quốc gia, uống nước của quốc gia.
Cả năm ngàn quỉ dữ thường án trước mặt kẻ ấy mà bảo với nhau, rằng
đó là tên giặc lớn. Vào phòng ốc, thành thị, thôn ấp, nhà cửa, thì
bọn quỉ thường quét dấu chân của người ấy đi. Thế nhân ai cũng nhục
mạ, rằng đó là tên giặc trong Phật pháp. Chúng sinh không ai muốn
nhìn. Kẻ phạm giới có khác gì loài vật, đầu gỗ. Nếu cố ý vi phạm
giới pháp chính yếu của chư Phật thì phạm tội khinh cấu.
Hoặc
là vô ý, hoặc là phiền não quá nặng mà phạm giới, thì dầu sao cũng
còn hơn kẻ phạm giới bằng sự cố ý. Lại còn không sám hối mà nhận
lãnh của tín đồ hiến cúng, thì đó là kẻ không còn chút tàm quí nào
trong lòng. Kẻ ấy đất tuy rộng cũng không đáng có một chỗ để đi,
nước tuy nhiều cũng không đáng có một giọt để uống. Đất của quốc gia,
nước của quốc gia, quốc gia, chính văn là quốc vương, chữ này không
những có nghĩa là vua mà còn chỉ cho tất cả nguyên thủ quốc gia dưới
những danh từ khác nữa. Nói đất nước của nguyên thủ quốc gia là nói
của quốc gia, của cả nước. Quỉ án trước mặt thì vì vậy mà họa không
ít và phước khó toàn.
Số 44: Không Được
Không Trọng Kinh Luật
Phật
tử thì thường phải nhất tâm mà thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa,
lột da làm giấy, thích huyết làm mực, rút tủy làm nước, chẻ xương
làm bút, để sao chép giới pháp của Chư Phật. Lại sao chép mà giữ
bằng giấy vỏ cây như giấy gió, giấy dạ, bằng lụa, lụa trắng, lụa tơ
trần, bằng thẻ tre. Rồi thường đem bảy thứ quí báu, hay những thứ
tạp ngọc vô giá, thơm và đẹp, làm hộp làm đãy mà tôn trí kinh luật
đại thừa ấy. Nếu không hiến cúng đúng cách như vậy thì phạm tội
khinh cấu.
Kinh
luật phải hiến cúng, phần chính vẫn là kinh luật đại thừa, tức Bồ
tát giới Phạm võng. Hiến cúng bằng cách ấn hành mà truyền bá, trang
sức mà thờ cất. Phật tánh nằm trong đó, nên phải hiến cúng như hiến
cúng Phật. Lột da làm giấy, thích huyết làm mực, rút tủy làm nước,
chẻ xương làm bút, là nói tinh thần vị pháp vong thân, không phải
nói thực sự. Sao chép (thư tả) là xưa chỉ viết tay, chưa in. Nay thì
in chứ không phải viết.
Số 45: Không Được
Không Có Giáo Hóa
Phật
tử thì tâm đại bi phải thường xuyên nổi dậy, khi vào những nơi thành
thị, thôn ấp hay nhà cửa, thấy bất cứ ai cũng đều nói lên như thế
này: các người nên lãnh thọ ba qui y và mười giới pháp. Nếu thấy tất
cả cầm thú thì bất cứ bò ngựa heo dê, đều nên tâm nghĩ miệng nói như
sau: cầm thú các con, các con nên phát bồ đề tâm. Là Bồ tát thì đến
bất cứ chỗ nào, dầu là núi non, rừng rú hay khe suối, đồng nội, cũng
làm cho hết thảy chúng sinh phát bồ đề tâm. Nếu Bồ tát mà không giáo
hóa chúng sinh như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Chủ
đích của sự giáo hóa là làm cho tất cả phát bồ đề tâm. Cách giáo hóa
mà giới này dạy chính là cái điển hình Thường Bất Khinh Bồ Tát trong
kinh Pháp hoa. Cách này không mấy ai không cho là tầm thường, lố
lăng, nên không mấy ai không phạm giới này. Nhưng cách này không
những đem sức mạnh của tâm nguyện ảnh hưởng đến đối tượng, mà còn tự
huân tập và hiện hành thường xuyên nơi bản thân về tâm đại bi. Lãnh
thọ ba qui y và mười giới pháp là như truyền thọ Bồ tát giới rồi đó.
Nhưng câu giới văn dạy nói lên khi gặp người thì không phải chỉ làm
theo một cách máy móc và giản dị như vậy. Phải coi đó là đầu đề mà
cách trình bày phải sao cho thích hợp, hiệu quả. Riêng câu giới văn
dạy nói lên khi gặp vật thì làm theo dễ hơn: hãy luôn luôn chú
nguyện cho chúng như vậy. Nhưng phải chú ý chữ tâm nghĩ: phải vận
dụng và tập trung tất cả sự chân thành của tâm đại bi mà chú nguyện.
Số 46: Không Được
Thuyết Không Đúng Phép
Phật
tử thì thường đi giáo hóa với tâm niệm đại bi mà mình thường phát
khởi. Nhưng, dẫu vào nhà tín đồ hay nhà quyền quí, đối với bất cứ
tập thể nào, người xuất gia cũng không được đứng mà thuyết pháp cho
người tại gia. Phải ngồi lên chỗ cao, ở trước mặt họ. Pháp sư tỷ
kheo thì dẫu thuyết pháp cho cả bốn chúng, cũng không được đứng đất
mà nói. Khi thuyết pháp thì vị pháp sư phải được mời ngồi chỗ cao,
hương hoa hiến cúng; còn bốn chúng thính giả thì ngồi chỗ thấp, bằng
ý niệm như hiếu thuận đối với cha mẹ mà kính thuận những lời giáo
huấn của vị pháp sư, lại kính thuận liên tục như các đạo sĩ thờ lửa
giữ lửa không tắt. Nếu người thuyết pháp mà thuyết không đúng phép
như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Thuyết
không đúng phép là thuyết pháp không đúng nghi lễ thuyết pháp. Dẫu
phải giáo hóa mọi người phát bồ đề tâm, nhưng chính vì để họ quí
trọng chánh pháp mà phát bồ đề tâm, nên phải thuyết pháp cho đúng
nghi lễ. Dầu thân như nhà tín đồ hay sang như nhà quyền quí, ở đâu
cũng không được dễ dãi hay hạ mình, sao cũng nói được, bộc lộ tinh
thần thị thường chánh pháp ngay khi chưa nói và khi đang nói. Như
vậy thì phải ngồi, lại ngồi chỗ cao và trước mặt người nghe. Nhưng
nếu trường hợp cũng theo nghi lễ, người nói phải đứng nói mới tôn
nghiêm thì lại khác. Khi thuyết pháp thì vị pháp sư... giữ lửa không
tắt, dịch sát thì như sau, dầu không đúng ý và việc: Nếu khi thuyết
pháp, pháp sư ngồi cao, hương hoa hiến cúng; bốn chúng thính giả
ngồi thấp như hiếu thuận cha mẹ, kính thuận lời thầy như bà la môn
thờ lửa.
Số 47: Không Được
Kềm Chế Phi Lý
Phật
tử như quốc vương, thái tử, bách quan hay bốn bộ, đã đem đức tin đại
thừa lãnh thọ giới pháp của Chư Phật rồi, lại tự thị quyền quí cao
sang mà phá hoại giáo pháp và giới pháp của Như Lai, bằng cách đặt
ra qui chế để kềm chế bốn bộ đệ tử của Như Lai, không cho họ xuất
gia, hành đạo, cũng không cho họ tạo lập hình tượng, chùa tháp, và
truyền bá kinh luật. Lại đặt chức thống quản để chế ngự chư tăng,
lập sách tịch để kiểm kê chư tăng. Tỷ kheo bồ tát thì để cho đứng
đất, bạch y cư sĩ lại tự ngồi chỗ cao, làm nhiều điều phi chánh pháp,
tạo thành tình trạng như bắt binh nô thờ chủ. Nhưng tỷ kheo bồ tát
chính là bậc để cho mọi người kính trọng, có đâu lại bị đem làm kẻ
sai sử của quan quyền một cách trái với giáo pháp, trái với giới
pháp. Nếu hàng quốc vương bách quan đã đem tâm lý tốt đẹp lãnh thọ
giới pháp của Chư Phật rồi, thì đừng làm những tội lỗi phá hoại Tam
Bảo như vậy. Nếu cố ý làm những biện pháp phá hoại Tam Bảo thì phạm
tội khinh cấu.
Giới
này tự nói đã rõ, một cách không ngờ, về những sự kềm chế phi pháp,
và đã mệnh danh những sự ấy là phá hoại Tam Bảo. Một quốc độ mà
cường quyền lấn áp đạo đức, buộc đạo đức và những người tiêu biểu
cho đạo đức phải phục dịch mình bằng những qui chế phi lý, nhất là
qui chế ấy có tính cách kềm chế, giám sát người và việc của một tôn
giáo như Phật pháp, thì đó là "nước của quỉ la sát". Nhưng cường
quyền ở đây, ngoài chính quyền mà chính sách căn bản không dung Phật
pháp, còn là chính quyền mà cầm đầu hoặc nội bộ có những kẻ bất
trung của Phật pháp, tự làm hoặc chịu làm tay sai, lợi dụng ngay sự
làm Phật tử mà làm những việc hại đạo của Phật, thì đó là điều mà
giới này muốn nói đến : nói đến Phật tử tại gia phản bội Phật pháp.
Bốn bộ, bốn bộ đệ tử, ở đây là ưu bà tắc, ưu bà di, đồng nam, đồng
nữ. Câu lại đặt chức thống quản... phá hoại Tam Bảo như vậy, được
biết có bản bị vua quan xưa đục bỏ.
Số 48: Không Được
Phá Hoại Đạo Pháp
Phật
tử nếu đã đem tâm lý tốt đẹp mà xuất gia rồi, lại vì danh vọng và
quyền lợi nên trước mặt quốc vương và bách quan, nói về giới pháp
của Chư Phật mà lại nói một cách rất phi lý, làm cho các vị tỷ kheo
tỷ kheo ni và những người thọ Bồ tát giới bị trói buộc bằng những
hình thức lao tù, những biện pháp quân dịch. Như thế đó là con sâu
trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, không phải con sâu ở ngoài: chính
những kẻ Phật tử như trên tự phá Phật pháp, không phải ngoại đạo ma
vương mà phá được. Nên người lãnh thọ giới pháp của Chư Phật thì
phải ái hộ giới pháp ấy như người mẹ thương đứa con một, như người
con thờ cha mẹ, không được vi phạm. Là Bồ tát thì khi nghe cái tiếng
của ngoại đạo và ác nhân đem lời nói ác phỉ báng phá hoại giới pháp
của chư Phật, lúc ấy khác nào tim mình bị ba trăm mũi nhọn đâm vào,
thân mình bị ngàn lưỡi dao vạn cây gậy đánh đập chém chặt. Thà là
chính mình vào trong địa ngục cả trăm kiếp, chứ không muốn một lần
phải nghe cái tiếng của kẻ ác đem lời ác phỉ báng phá hoại giới pháp
của chư Phật, huống chi chính mình tự phá hoại giới pháp của chư
Phật bằng cách tạo điều kiện khuyến khích kẻ khác phá hoại Phật pháp,
không còn gì gọi là tâm hiếu thuận. Nếu cố ý làm như vậy thì phạm
tội khinh cấu.
Giới
47 phần nhiều nói Phật tử tại gia mà phản bội Phật pháp, giới 48 này
phần nhiều nói sự phản bội ấy của Phật tử xuất gia. Sự phản bội tàn
tệ nhất là chính mình giải thích giáo pháp và giới pháp, đem ngay sự
giải thích ấy mà gây ra hay công nhận sự bị nguy khốn đày ải cho
đồng đạo, nhất là đồng đạo xuất gia. Cường quyền, tay sai của ma
vương hay chính ma vương hiện thân, phá hoại Phật pháp được là do
hành động này tạo cơ hội hay tạo điều kiện. Trong kinh Thắng man, Bà
Hoàng này bạch Đức Thế Tôn, hằng sa đại nguyện đều nên nhập vào một
đại nguyện, ấy là nguyện hộ trì chánh pháp. Hộ trì chánh pháp là đại
nguyện cực kỳ lớn lao... Đức Thế Tôn dạy, Thắng man, đúng như vậy;
chút ít của sự hộ trì chánh pháp cũng làm cho ma vương cả sợ. Như
Lai không thấy có một việc thiện nào làm cho ma vương cả sợ bằng một
chút của sự hộ trì chánh pháp (Chính 12/218). Câu bằng những hình
thức lao tù, những biện pháp quân dịch, được biết có bản cũng bị đục
bỏ.
Chín
giới pháp nhẹ như vậy, các người phải học, phải cung kính phụng trì.
Kết
thúc 9 giới nhẹ thứ hai.
Đoạn 3: Kết Thúc 48
Giới Nhẹ Bồ Tát Giới Phạm Võng
Các
Phật tử, bốn mươi tám giới pháp nhẹ như trên đây, các người hãy thọ
trì như chư Bồ tát quá khứ đã tụng, chư Bồ tát vị lai sẽ tụng, chư
Bồ tát hiện tại đang tụng.
Tổng
kết 48 giới nhẹ đã nói bằng 3 lần 10 và 2 lần 9, tức kết thúc phần
đẳng lưu của Bồ Tát Giới.