LUẬT TẠNG

BỒ TÁT GIỚI
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải
 
CHƯƠNG BA
(Tiếp Theo)
---o0o---
 
Tiết 3: Kết Thúc Và Khuyến Cáo Thọ Trì  Bồ Tát Giới Phạm Võng
Mục 1:   Kết Thúc Phần Bồ Tát Giới (Phần Giới Pháp Vô Tận) 
Mục 2:   Kết Thúc Phẩm Bồ Tát Tâm Địa Giới (Phẩm Pháp Môn Tâm Địa) 
Mục 3:   Phụ Lục Kết Thúc Phần Bồ Tát Giới Bằng Thể Chỉnh Cú 
Đoạn 1:  Nói Về Yếu Tố Và Hiệu Quả Của Bồ Tát Giới 
Đoạn 2:  Nói Về Căn Bản Thật Tướng Bát Nhã Của Bồ Tát Giới 
Đoạn 3:  Khuyến Cáo Và Hướng Nguyện Về Bồ Tát Giới 
            Phụ Lục Nghi Thức Tụng Bồ Tát Giới Phạm Võng
Mục 1: Kết Thúc Phần Bồ Tát Giới (Phần Giới Pháp Vô Tận)
Các Phật tử, hãy nghe cho kỹ Giới pháp gồm có mười điều nặng và bốn mươi tám điều nhẹ như trên đây, các Đức Phật đà trong ba thì gian đã tụng sẽ tụng và đang tụng. Như Lai nay cũng tụng y như vậy. Đại chúng các người, không cứ quốc vương, vương tử, bách quan, tỷ kheo, tỷ kheo ni, thiện nam, tín nữ, hễ lãnh thọ Bồ tát giới thì phải thọ trì, đọc, tụng, giảng thuyết và viết chép đối với cuốn kinh nói về giới pháp của Phật tánh thường trú, truyền bá cho chúng sinh trong tất cả thì gian, làm cho sự cảm hóa của giới pháp này được liên tục mãi, không bao giờ đứt đoạn. Như vậy thì các người sẽ được thấy ngàn Đức Phật, Đức Phật nào cũng trao tay cho, đời đời không sa vào đường dữ, tám nạn, thường sinh trong nhân loại hay chư thiên. Và như vậy là hôm nay, ở dưới cây bồ đề này, Như Lai đã tóm tắt khai thị giới pháp của cả bảy Đức Phật. Đại chúng các người hãy nhất tâm mà học giới pháp ấy, và hoan hỷ mà phụng hành, như Như Lai đã nhất nhất khai thị phong phú trong phần Khuyến học của phẩm Vô tướng thiên vương. Bấy giờ ba ngàn người học tập Bồ tát đạo trong số thính giả hiện diện lúc ấy, nghe Đức Thế Tôn tự tụng lại giới pháp như vậy, ai cũng tâm tâm kính thuận, hoan hỷ phấn chấn mà thọ trì.
Đây là kết thúc về toàn thể Bồ tát giới Phạm võng, tức kết thúc phần Giới pháp vô tận trong phẩm Pháp môn tâm địa. Kết thúc bằng cách khuyên thực hành 5 pháp hạnh đối với giới pháp ấy, và nói về kết quả của 5 pháp hạnh này. Về 5 pháp hạnh, thọ trì là tiếp nhận ghi nhớ, đọc là đọc xét văn nghĩa, tụng là tụng được thuộc lòng, giảng thuyết là giảng nói cho người, viết chép là sao chép ấn hành. Nhưng thọ trì còn có nghĩa tiếp nhận kính giữ, vì chữ trì nghĩa là giữ cho còn trong trí, giữ cho còn giữa đời. Giảng nói cho người, trước hết còn là giới thiệu, loan báo cho người biết về Bồ tát giới Phạm võng. Và 5 pháp hạnh trên đây cũng còn bao gồm các pháp hạnh chánh ức niệm (nhớ nghĩ chính xác), giải nghĩa thú (lý giải ý nghĩa), như thuyết hành (làm đúng kinh dạy).
Thực hành 5 pháp hạnh thì Bồ tát giới sẽ tồn tại lâu dài và rộng rãi, do đó mà người thực hành được kết quả là thấy ngàn Đức Phật, và khi lâm chung thì thấy ngàn Đức Phật trao tay cho. Pháp hoa cũng có kết quả này. Được thấy ngàn Đức Phật là như người niệm Phật, lúc gần lâm chung, đức A di đà phật và vô số chư Phật hóa thân, cùng với Thánh chúng hiện ra trước mắt của họ. Khi lâm chung được ngàn Đức Phật trao tay cho là như người niệm Phật thì khi lâm chung thân không bịnh khổ, tâm không lưu luyến, ý không thác loạn, y như nhập định, Đức Phật A Di Đà cùng vô số Đức Phật hóa thân và Thánh chúng bưng đài kim cang, đưa tay đón dắt. Thường sinh trong nhân loại hay chư thiên, nói cách khác thì như Đại bát nhã đã nói "từ nước Phật này sinh ở nước Phật khác" tức như người niệm Phật tuy ở trong thế giới ngũ trược này mà cũng như ở trong thế giới Cực lạc, và chết rồi sinh ra ở thế giới này hay ở thế giới nào cũng như ở trong thế giới Cực lạc ấy.
Trọn đoạn văn mục này là trả lời 2 câu hỏi: kính giữ Bồ tát giới bằng cách nào? Kính giữ Bồ tát giới thì khi chết sẽ thế nào, chết rồi sinh ra ở đâu?
Ba ngàn người học tập Bồ tát đạo... phấn chấn mà thọ trì, 3.000 ở đây chỉ là một số trong đại hội mà thọ trì Bồ tát giới Phạm võng ngay khi Phật thuyết xong giới ấy. Thọ trì ở đây không phải chỉ là nghe nhớ: tiếp nhận nắm giữ cho còn trong trí, cũng không phải chỉ là truyền bá: tiếp nhận nắm giữ cho còn trong đời, mà chính yếu là thọ trì Bồ tát giới Phạm võng: tiếp nhận giữ gìn giới ấy cho thật nghiêm cẩn. Và đó là cách thượng phẩm thọ Bồ tát giới Phạm võng. Kinh Anh lạc nói thọ Bồ tát giới có 3 cách: đối trước Phật đà hay Bồ tát mà thọ là thượng phẩm, đối trước vị pháp sư thọ trước mình mà thọ là trung phẩm, nếu trong vòng ngàn dặm không có vị pháp sư ấy nên đối trước tượng Phật đà và Bồ tát mà thọ là hạ phẩm (Chính 24/1020).
Mục 2: Kết Thúc Phẩm Bồ Tát Tâm Địa Giới (Phẩm Pháp Môn Tâm Địa)
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni nói xong phần Giới pháp vô tận trong phẩm Pháp môn tâm địa của Đức Bản Thân Lô Xá Na ở Hoa tạng thế giới đã nói, thì một ngàn và một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca khác cũng nói y như vậy. Sự từ cung Đại tự tại thiên vương xuống đến cây bồ đề, trải qua mười chỗ thuyết các pháp phẩm cho hết thảy Bồ tát, và cho đại chúng nhiều đến số lượng không thể nói hết, được thọ trì, đọc tụng và giảng nói, cũng như nhau. Nói tóm, một ngàn và một ngàn lần trăm ức thế giới, Hoa tạng thế giới, và các Hoa tạng thế giới khác nhiều như vi trần, cũng diễn về tất cả kho tàng chánh pháp của chư Phật là kho tàng tâm, kho tàng địa, kho tàng giới, kho tàng vô lượng hạnh nguyện, kho tàng nhân quả Phật tánh thường trú. Và như vậy là chư Phật đã nói hoàn tất về tất cả kho tàng chánh pháp. Hết thảy chúng sinh trong một ngàn và một ngàn lần trăm ức thế giới đều thọ trì, hoan hỷ và phụng hành. Nếu khai thị một cách rộng lớn các nghĩa tướng của tâm địa thì phải như trong phẩm Phật hoa quang vương đã nói.
Đây là kết thúc phẩm Pháp môn tâm địa mà trong đó có phần Giới pháp vô tận, tức là kết thúc trọn phẩm thứ 10 của kinh Phạm võng. Phần Giới pháp vô tận, chính văn là thập vô tận giới phẩm, phẩm ở đây là phần, là phần dưới của phẩm Pháp môn tâm địa; 10 giới pháp vô tận hay Giới pháp vô tận là 10 giới nặng, và như đã nói, nói 10 giới ấy là nói về Bồ tát giới. Các pháp phẩm là nội dung của 10 chỗ thuyết pháp đã kê trong số 2 mục 1 của Tiết 1. Nhưng 10 chỗ ấy đáng lẽ phải nói tắt rằng từ dưới cây bồ đề lên đến cung Đại tự tại thiên vương; nói từ cung Đại tự tại thiên vương xuống đến cây bồ đề là nói ngược thứ tự một chút. Nội dung 10 chỗ thuyết pháp ở đây: tâm là 30 tâm, địa là 10 địa, và cả 2 là nói về Bồ tát vị; giới là 10 giới nặng và 48 giới nhẹ, là nói về Bồ tát giới; vô lượng hạnh nguyện là nói về các Bồ tát hạnh và Bồ tát vị khác mà 10 chỗ thuyết pháp cũng đã kê; nhân quả Phật tánh thường trú thì 4 kho tàng trên là nhân, pháp thân là quả. Các Hoa tạng thế giới khác nhiều như vi trần là dịch rõ chính văn vi trần thế giới. Chúng sinh trong 1 ngàn và 1 ngàn lần trăm ức thế giới đều thọ trì, hoan hỷ và phụng hành, là nói chúng sinh thuộc Hoa tạng thế giới này để làm điển hình. Phật hoa quang vương, có bản chép thêm: 7 hạnh của Phật hoa quang vương.
            Mục 3: Phụ Lục Kết Thúc Phần Bồ Tát Giới Bằng Thể Chỉnh Cú
Mục này dĩ nhiên không thể cho là chính văn của Bồ tát Phạm võng như có nhà chú thích cho như vậy. Có thể nguyên thỉ tụng Bồ tát giới Phạm võng chỉ có bài tựa mở đầu và bài văn chỉnh cú này làm lời mở và lời kết. Văn và ý của mục chỉnh cú này kết hợp văn và ý của luận Du dà và luận Trung quán. Do vậy, chỉ nên gọi là phụ lục mà thôi. Tuy nhiên, mục chỉnh cú này thật đặc biệt, nói đến căn bản quan trọng của Bồ tát giới là thật tướng bát nhã. Thật tướng bát nhã là ánh sáng giới pháp mà đoạn 2 mục 3 của tiết 1 đã nói. Thật tướng bát nhã ấy là tư tưởng căn bản của dịch chủ La thập.
            Mục này có 3 đoạn: đoạn 1 nói về yếu tố và hiệu quả của Bồ tát giới, đoạn 2 nói về căn bản thật tướng bát nhã của Bồ tát giới, đoạn 3 khuyến cáo và hướng nguyện về Bồ tát giới.
            Đoạn 1: Nói Về Yếu Tố Và Hiệu Quả Của Bồ Tát Giới
Những người thông minh thật 
Thì đức tính nhẫn nhịn 
Và khả năng tuệ giác 
Cả hai đều mạnh mẽ
Nhờ đó thọ trì được 
Giới pháp Bồ tát này
Từ nay đến thành Phật 
Thường được năm lợi ích
Một, là được Chư Phật 
Thương tưởng hộ trì luôn
Hai, là khi lâm chung 
Chánh kiến, tâm hoan hỷ 
Ba, là sinh chỗ nào 
Cũng làm bạn Bồ tát 
Bốn, là công đức tụ 
Giới độ thành tựu cả 
Năm, là trong đời này 
Và các đời sau nữa 
Đủ cả phước và tuệ 
Của giới pháp tự tánh.
Đoạn này lấy văn ý luận Du dà, nói về yếu tố và hiệu quả của sự thọ trì Bồ tát giới. Yếu tố ấy là đức tính nhẫn nhịn và khả năng tuệ giác. Còn hiệu quả ấy là 5 lợi ích mà luận Du dà nói rõ hơn: Cho đến chưa chứng vô thượng bồ đề, nhờ nỗ lực tu tập một cách chính xác đối với vô lượng Bồ tát giới, nên thường được 5 lợi ích vượt bậc. Một là thường được mười phương chư Phật giữ gìn. Hai là khi sắp bỏ thân mạng thì lòng rất hoan hỷ. Ba là sau khi thân mạng kết thúc, sinh ra chỗ nào cũng thường cùng các vị Bồ tát giới hạnh thanh tịnh hoặc bằng hoặc hơn mình làm đồng phận, đồng pháp hữu và thiện tri thức. Bốn là thành tựu kho tàng vô lượng công đức to lớn, có thể viên mãn tịnh giới ba la mật. Năm là đời này và các đời sau thường thành tựu được tịnh giới của tự tánh, tịnh giới thành ra cá tính (Chính 30/522). Những lợi ích này cho thấy thọ trì Bồ tát giới thì ở đâu cũng là nước Phật.
Sau đây là mấy từ ngữ cần chú thích. Chánh kiến, ở đây, khi sắp chết, là như người niệm Phật thì khi ấy tâm trí không hôn mê, thác loạn, thấy Phật đưa tay đón dắt. Công đức tụ: cái đống công đức. Giới độ: tịnh giới ba la mật.
Đoạn 2: Nói Về Căn Bản Thật Tướng Bát Nhã Của Bồ Tát Giới
Giới pháp như thế này 
Là sở hành của Phật 
Với chỗ sở hành ấy 
Trí giả hãy khéo nghĩ
Tâm hạnh như ngoại đạo 
Trước tướng và chấp ngã
Thì giới pháp như vầy 
Không thể nào tín thọ
Tuệ giác của Thanh văn 
Diệt tận chứng niết bàn 
Cũng không phải là chỗ 
Gieo giống giới pháp này
Muốn nuôi lớn mầm mống 
Lúa tuệ giác bồ đề 
Để ánh sáng tuệ ấy 
Chiếu tỏa cả thế gian 
Thì cần phải thường xuyên 
Yên tịnh tâm trí mình 
Mà quán sát thật tướng 
Của tất cả các pháp 
Siêu việt mọi khái niệm 
Đối lập nhau như sau: 
Phát sinh với tiêu diệt 
Vĩnh cửu với hư vô 
Đồng nhất với mâu thuẫn 
Xuất hiện với biệt dạng 
Bằng sự quán sát ấy 
Nỗ lực mà trang hoàng 
Việc Bồ tát phải làm 
Phải tuần tự học tập 
Với tất cả các vị 
Tu học còn tiếp tục 
Tu học đã hoàn tất 
Đừng sinh tâm phân biệt 
Thì đó: đệ nhất nghĩa 
Cũng gọi là đại thừa 
Mọi hý luận lầm lỗi 
Đều bặt dấu ở đây
Và từ đây xuất phát 
Trí toàn giác của Phật.
Đoạn này lấy văn ý của Trung luận, của Bát nhã, và của chính Phạm võng (đoạn 2 mục 3 tiết 1). Giới pháp như thế này là sở hành của Phật, chính văn là thử thị Phật hành xứ, một số bản chép thử thị chư Phật tử, chép như vậy là sai đến nỗi rất đáng ngạc nhiên. Sở hành của Phật là cái của Phật biết và Phật làm. Sở hành ấy chính là thật tướng bát nhã, Bồ tát giới xuất phát từ căn bản ấy. Tâm hạnh như ngoại đạo... gieo giống giới pháp này là nói Bồ tát giới thì ngoại đạo và nhị thừa không kham thọ trì. Nhưng nói như vậy chỉ để đề cao Bồ tát giới, và là nói trong 1 lúc nên đối với Bồ tát giới có người có thể thọ trì, có người không thể thọ trì, còn nói trong nhiều lúc thì lúc này có người còn không thể mà lúc khác người ấy đã có thể, do vậy nên nói ai cũng có thể thọ trì Bồ tát giới và trở thành Phật đà, đó mới là tư tưởng chính yếu của Bồ tát giới Phạm võng. Muốn nuôi lớn mầm mống... của tất cả các pháp: Tuệ giác bồ đề là thật tướng bát nhã: tuệ giác thể nhập thật tướng của các pháp. Mầm mống của tuệ giác bồ đề thì chính là tuệ tâm sở trong 5 tâm sở biệt cảnh; sử dụng tâm sở này thì tập quán sát được về thật tướng. Siêu việt mọi khái niệm... xuất hiện với biệt dạng: Thật tướng là gì? là bản chất thật: bản chất siêu việt mọi khái niệm mà thực chất chỉ là đối lập nhau mà hình thành. Mọi khái niệm ấy, ở đây đưa ra 4 phạm trù thành 8 khái niệm để làm tiêu biểu. Tất cả 6 câu này nếu dịch sát chính văn đến gần như không dịch thì phải là không sinh với không diệt, không thường với không đoạn, không nhất với không dị, không lai với không khứ. Bằng sự quán sát ấy, nỗ lực mà trang hoàng: việc Bồ tát phải làm, phải tuần tự học tập: Bằng sự quán sát ấy, chính văn là như thị nhất tâm trung, nhất tâm là sự quán sát thật tướng, chỉ lấy thật tướng làm chủ đề duy nhất (chứ chưa thể nói là đồng nhất với thật tướng). Nỗ lực mà trang hoàng, trang hoàng (trang nghiêm) là nói tắt, nói đủ là trang hoàng quốc độ bằng cách giáo hóa chúng sinh (thành ngữ: trang nghiêm quốc độ, thành thục chúng sinh). Và đó là việc phải làm của Bồ tát. Việc phải làm ấy mà chính yếu là Bồ tát giới là xuất phát từ thật tướng bát nhã. Nên người thọ Bồ tát giới thì, với sự quán sát thật tướng bát nhã, phải nỗ lực mà học và hành. Với tất cả các vị... cũng gọi là đại thừa: Tu học còn tiếp tục là hữu học, tu học đã hoàn tất là vô học. Đối với các vị ấy mà người thọ Bồ tát giới sống với người thọ Bồ tát giới không phân biệt để khinh trọng, thì đó là một bước biểu hiện của bát nhã. Hý luận lầm lỗi, hý luận ở đây là hết thảy tư duy và mô tả theo các phạm trù đối lập nhau; đối với thật tướng bát nhã thì tư duy mô tả như vậy đã là hý luận, mà là hý luận lầm lỗi. Trí toàn giác của Phật, trí toàn giác, chính văn là tát bà nhã.
Đoạn 3: Khuyến Cáo Và Hướng Nguyện Về Bồ Tát Giới
            Thế nên các Phật tử 
Hãy nổi đại dũng mãnh
Đối với giới của Phật 
Giữ như giữ ngọc sáng
Các Bồ tát quá khứ 
Đã học về giới ấy 
Vị lai thì sẽ học
Như hiện tại đang học
Giới ấy chư Phật làm 
Giới ấy chư Phật khen
Và tôi hôm nay đây 
Đã kính theo chư Phật 
Mà tụng lại giới pháp 
Phước đức vô lượng ấy
Hồi hướng cho chúng sinh 
Để cùng nhau xoay về 
Trí toàn giác của Phật 
Cầu nguyện cho các vị 
Được nghe giới pháp này 
Chóng thành đạt trí Phật.
Và tôi hôm nay đây, tôi là vị tụng giới tự xưng. Mà tụng lại giới pháp phước đức vô lượng ấy, chính văn là thuyết phước đức vô lượng tụ, có người hiểu là nói về giới pháp, sự nói ấy được vô lượng phước đức; nay xét phước đức vô lượng tụ mà ở trên nói là công đức tụ nghĩa đen là cái đống phước đức vô lượng, cái đống ấy chính là giới pháp Bồ tát của Phạm võng.
Kính lạy Đức Lô Xá Na Như Lai,
Kính lạy Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai,
Kính lạy Kho Tàng Bồ tát Giới Phạm Võng.
Cả 3 danh hiệu này là của nghi thức tụng giới. Vị tụng giới niệm 3 danh hiệu này trước khi nói lời tác bạch cuối cùng.
Phụ Lục Nghi Thức Tụng Bồ Tát Giới Phạm Võng
Trước khi tụng, vị tụng giới lạy và quì mà thưa: Con là tỷ kheo XX, kính bạch Đại đức tăng, Đại đức tăng bảo con tụng giới, nhưng con e có sự lầm lẫn trong khi tụng, vậy kính xin Đại đức tăng từ bi chỉ bảo cho con. Chúng Bồ tát giới lắng nghe:
Qui y kính lạy 
Đức Lô Xá Na 
Và Kim Cang Phật 
Khắp cả mười phương
Lại lạy phân thân 
Đức Lô Xá Na 
Là ngàn trăm ức 
Các Đức Thích Ca 
Nay tôi kính tụng 
Về Bồ tát giới 
Mà đại cương là 
Ba loại tịnh giới
Chúng Bồ tát giới 
Hãy cùng lắng nghe
Giới như ngọn đèn 
Đã sáng lại lớn
Có thể xua tan 
Bóng tối đêm dài 
Giới như đài gương 
Trong sáng quí báu
Hiện rõ các pháp 
Đủ cả không sót
Giới lại y như 
Ngọc báu ma ni
Tuôn ra của cải 
Giúp kẻ khốn cùng 
Siêu thoát thế gian
Chóng thành Phật đà
Làm được như vậy 
Giới này hơn cả
Vì lý do ấy 
Chúng Bồ tát giới 
Cần phải nỗ lực 
Kính cẩn mà giữ
Chư đại đức, hôm nay bốn tháng của mùa xuân đã qua mất nửa tháng mà chỉ thiếu một đêm, còn lại chỉ thừa một đêm và ba tháng rưỡi. Già bịnh đã gần, Phật pháp sắp ẩn. Chư đại đức, và ưu bà tắc ưu bà di, muốn được đạo quả, các vị phải nhất tâm nỗ lực mà tinh tiến. Tại sao, vì đến như chư Phật cũng phải nhất tâm nỗ lực mà tinh tiến mới thành tựu vô thượng bồ đề, huống chi những kẻ khác đang còn tu tập các thiện pháp khác. Các vị nghe như vậy thì trong lúc còn khỏe mạnh phải nỗ lực mà siêng tu thiện pháp, đâu được không cấp tốc cầu đạo mà đợi đến tuổi già. Đợi đến tuổi già là các vị còn muốn vui thú nỗi gì?
Ngày nay đã qua
Mạng sống cũng bớt
Như cá thiếu nước
Đâu có vui gì,
Tăng tập hợp chưa?
Tăng hòa hợp không?
Tăng tập hợp hòa hợp để làm gì?
Những người chưa thọ Bồ tát giới, hay thọ mà không thanh tịnh, đã ra khỏi đây chưa?
Có bao nhiêu người thọ Bồ tát giới không đến tập hợp mà có dặn nhờ nói muốn và thanh tịnh?
Chư Phật tử, hãy chắp tay lắng nghe. Nay tôi sắp nói đến lời mở đầu giới pháp rộng lớn của chư Phật, các vị tập hợp, yên lặng mà lắng nghe. Và tự xét có tội lỗi thì phải sám hối; sám hối thì yên vui, không sám hối thì tội lỗi càng sâu nặng. Không có tội lỗi thì yên lặng; do sự yên lặng ấy mà tôi biết các vị thanh tịnh.
Chư đại đức, và ưu bà tắc ưu bà di, hãy nghe cho kỹ: Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, trong thời kỳ Phật pháp cuối cùng, càng phải tôn kính Ba la đề mộc xoa. Ba la đề mộc xoa là giới pháp này đây. Phụng trì giới pháp này thì như đêm tối mà gặp ánh sáng, như nghèo nàn mà được vàng ngọc, như bịnh tật mà được lành mạnh, như tù đầy mà thoát lao ngục, như đi xa mà được về nhà. Phải biết giới pháp này là đức thầy cao cả của các vị. Đức Thế Tôn còn ở đời cũng không khác gì giới pháp này. Lòng sợ tội lỗi khó mà sinh được, tâm có đức lành khó mà phát ra. Nên trong khế kinh đã dạy:
Đừng khinh tội lỗi nhỏ 
Cho là không tai họa
Giọt nước tuy là ít
Chảy mãi đầy hồ lớn 
Tội lỗi gây chốc lát
Họa ở vô gián ngục 
Một khi mất thân người 
Muôn kiếp khó được lại 
Sự khỏe đẹp không bền
Qua mau như ngựa chạy 
Mạng người vốn vô thường 
Quá hơn nước núi đổ
Hôm nay dẫu còn đó 
Ngày mai khó bảo tồn.
Các vị phải nhất tâm mà nỗ lực tinh tiến, cẩn thận đừng giải đải, đừng biếng nhác, đừng ham ngủ, đừng phóng ý. Thâu đêm cũng phải tập trung tâm ý lại mà tưởng niệm Phật pháp tăng. Đừng để đời mình trôi qua một cách trống rỗng, mệt nhọc một cách vô ích, để rồi sau đó phải hối hận sâu xa.
Các vị hãy nhất tâm, kính cẩn mà phụng hành cho thật chính xác đối với giới pháp này. Phải học như vậy.
Chư đại đức, hôm nay là ngày mười lăm của nửa tháng trăng tối, ngày bố tát tụng Bồ tát giới. Các vị hãy nhất tâm mà nghe cho khéo. Ai có lỗi thì xin nói ra, ai không lỗi thì xin yên lặng. Yên lặng nên biết chư vị đại đức thanh tịnh, có thể tụng Bồ tát giới. Như vậy là tôi đã nói lời mở đầu Bồ tát giới. Nay xin hỏi, chư đại đức, trong các vị có thanh tịnh cả không? Chư đại đức, các vị thanh tịnh cả, vì các vị cùng yên lặng. Việc này tôi xin ghi nhận như vậy.
Tụng giới xong, vị tụng giới đứng dậy mà thưa, bạch Đại đức tăng, con là tỷ kheo XX, xin kính tạ lỗi Đại đức tăng; Đại đức tăng bảo con tụng Bồ tát giới, nhưng thân miệng ý của con không tinh cần, tụng giới văn không thông suốt, làm cho chư vị ngồi lâu hơn lên, không khỏi phát phiền. Con xin chư vị từ bi hoan hỷ cho con.
--o0o--