LUẬT TẠNG

BỒ TÁT GIỚI
Hòa thượng Thích Trí Quang dịch giải
 
CHƯƠNG BỐN
Chính Văn Bồ Tát Giới Phạm Võng
---o0o---
 
Bồ tát giới Phạm võng 
Là giới pháp vô thượng 
Trăm ngàn vạn ức kiếp 
Vẫn khó mà gặp được 
Nay con đã thấy nghe 
Lại còn được thọ trì 
Nguyện cầu sớm thành tựu 
Pháp tánh thân thường trú
Kính lạy Đức Lô Xá Na Như Lai.
Kính lạy Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai.
Kính lạy Kho Tàng Bồ Tát Giới Phạm Võng.
Kinh Phạm võng, phẩm thứ 10 "Tâm Địa Giới Bồ Tát Của Đức Lô Xá Na tuyên thuyết" (phần dưới)
Xuất Xứ Gián Tiếp Của Bồ Tát Giới Phạm Võng
Khi ấy Đức Lô Xá Na đã vì đại chúng mà khai thị một cách tóm tắt, chỉ bằng đầu sợi lông, về pháp môn tâm địa, một trong các pháp môn nhiều đến vô lượng không thể nói hết, như cát của trăm ngàn sông Hằng. Và kết thúc rằng, pháp môn tâm địa ấy hết thảy Chư Phật quá khứ đã nói, Chư Phật vị lai sẽ nói, Chư Phật hiện tại đang nói, tất cả Bồ tát trong quá khứ vị lai và hiện tại đã học sẽ học và đang học. Như Lai đã trải qua cả trăm vô số kiếp tu hành tâm địa ấy, kết quả thành Phật, danh hiệu Lô Xá Na. Chư vị Phật đà, các ngài hãy chuyển pháp môn của Như Lai đã nói cho hết thảy chúng sinh, khai thị tâm địa cho họ. Bấy giờ trên Sư tử tòa sáng chói rực rỡ ở Liên hoa đài, tức Hoa tạng thế giới, Đức Lô Xá Na phóng ra ánh sáng, khuyến cáo một ngàn Đức Thích Ca trên một ngàn cánh hoa, rằng các ngài hãy đem phẩm Pháp môn tâm địa của Như Lai mà đi, nói lại một cách tuần tự phẩm ấy cho một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, và hết thảy chúng sinh, với lời khuyến cáo rằng các người hãy thọ trì, đọc tụng, nhất tâm mà phụng hành.
Khi ấy một ngàn Đức Thích Ca trên một ngàn cánh hoa, và một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca, đều đứng dậy từ Sư tử tòa rực rỡ ở Hoa tạng thế giới. Ngài nào cũng cáo thoái bằng cách khắp mình phóng ra ánh sáng bất khả tư nghị, cùng hóa hiện vô lượng đức Phật nữa, và cùng trong một lúc dùng vô số sắc hoa xanh vàng đỏ trắng hiến cúng Đức Lô Xá Na, tiếp nhận và ghi nhớ trọn vẹn phẩm Pháp môn tâm địa mà ngài đã tuyên thuyết. Rồi các ngài từ Hoa tạng thế giới ẩn đi. Ẩn rồi nhập định tên Bông hoa ánh sáng của thể tánh thanh tịnh in như hư không, trở về dưới cây bồ đề ở châu Diêm phù của thế giới mình, xuất định nói trên, ngồi trên Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng, và tại Diệu quang đường nói về mười biển cả thế giới, lại rời chỗ ấy đến Đế thích cung nói về mười trú, đến Diệm thiên nói về mười hành, đến Đâu suất thiên nói về mười hướng, đến Hóa lạc thiên nói về mười định, đến Tha hóa thiên nói về mười địa, đến Sơ thiền nói về mười kim cang, đến Nhị thiền nói về mười nhẫn, đến Tam thiền nói về mười nguyện, đến cung Đại tự tại thiên vương thuộc Tứ thiền nói lại phẩm Pháp môn tâm địa mà bản thân là Đức Lô Xá Na ở Hoa tạng thế giới đã nói. Toàn thể một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca đều làm như vậy, không khác gì nhau, như phẩm Hiền kiếp đã nói.
Xuất Xứ Trực Tiếp Của Bồ Tát Giới Phạm Võng
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni từ Hoa tạng thế giới mà khởi đầu ngài đã hiện ra ở đó, hướng về phía đông, đi vào cung thiên vương, nói xong kinh Ma vương chịu giáo hóa, rồi hạ sinh ở nước Ca di la thuộc châu Diêm phù, mẹ là hoàng hậu Ma Da, cha là hoàng đế Bạch Tịnh, " Như Lai tên Tất Đạt, bảy năm xuất gia, thành đạo lúc ba mươi tuổi, danh hiệu Thích Ca Mâu Ni, đầu tiên ngồi Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng tại Tịch diệt tràng, cuối cùng đến cung Đại tự tại thiên vương, tuần tự thuyết pháp cả mười chỗ". Trong khi thuyết pháp tại cung Đại tự tại thiên vương, Đức Thích Ca Mâu Ni nhìn tràng lưới của các Đại Phạm thiên vương, nhân đó nói với họ, rằng vô lượng thế giới in như mắt lưới, mỗi mỗi khác nhau, vô cùng vô tận; pháp môn Đức Lô Xá Na dạy cũng y như vậy. Như Lai nay đến thế giới này đã tám ngàn lần, vì cả thế giới Sa bà mà ngồi Kim cang tòa đầy bông hoa ánh sáng, nói về mười biển cả thế giới, cho đến đến cung Đại tự tại thiên vương này, tóm tắt khai thị hoàn tất phẩm Pháp môn tâm địa cho đại chúng ở đây.
Rồi từ cung thiên vương ấy, Như Lai trở xuống, ngồi dưới cây bồ đề của châu Diêm phù, vì hết thảy chúng sinh phàm phu mê ám trên đất này, nói lại giới pháp duy nhất mà Đức Bản Thân Lô Xá Na của Như lai đã nói trong phẩm Pháp môn tâm địa của ngài, giới pháp mà từ khi mới phát tâm ngài đã thường tụng. Giới pháp ấy như ngọc kim cang sáng chói, và là bản nguyên của chư Phật, của Bồ tát, là hạt giống Phật tánh. Hết thảy chúng sinh đều có Phật tánh, nên toàn bộ thân tâm của chúng sinh, thân ấy tâm ấy đều nhập vào trong giới pháp Phật tánh, và đương nhiên có cái nhân như vậy thì đương nhiên thực hiện pháp thân thường trú. Về mười Ba la đề mộc xoa mà Như Lai sẽ nói lại như sau đây, khi xuất hiện ở thế giới này, thì đó chính là giới pháp của Phật pháp, là giới pháp mà hết thảy chúng sinh trong quá khứ vị lai và hiện tại nên kính phụng thọ trì. Như Lai sắp sửa vì cả đại chúng ở đây mà trùng tuyên phần Giới pháp vô tận, giới pháp của hết thảy chúng sinh, bản nguyên là tự tánh thanh tịnh.
Xuất Xứ Của Bồ Tát Giới Phạm Võng Bằng Văn Chỉnh Cú
Như Lai Lô Xá Na 
An tọa Liên hoa đài 
Xung quanh Liên hoa đài 
Có cả một ngàn cánh. 
Trên ngàn cánh hoa ấy 
Như lai hiện ngàn Phật
Tất cả đồng một hiệu 
Hiệu Thích Ca Thế Tôn
Mỗi cánh hoa nói trên 
Có trăm ức thế giới
Mỗi thế giới lại có 
Một Đức Thích Ca nữa
Các Đức Thích Ca này 
Cùng trong một thì gian 
Ngồi dưới bồ đề thọ 
Thành tựu vô thượng giác 
Ngàn và ngàn trăm ức 
Đức Thích Ca nói trên 
Toàn thể chỉ là một 
Bản thân Lô xá na 
Một ngàn lần trăm ức 
Đức Thích Ca như vậy 
Cùng tiếp dẫn đại chúng 
Số lượng như vi trần 
Tất cả đều đưa đến 
Chỗ Như Lai an tọa
Để nghe Như Lai tụng 
Giới pháp của chư Phật 
Như Lai tụng hoàn tất 
Giới pháp của chư Phật 
Là cửa ngõ Cam lộ 
Tức thì được khai mở
Bấy giờ ngàn trăm ức 
Đức Thích Ca Thế Tôn 
Về lại bồ đề tràng 
Ngồi dưới bồ đề thọ
Cùng tụng lại giới pháp 
Của Đức Phật bản thân
Gồm có mười giới nặng 
Và bốn tám giới nhẹ
Giới pháp ấy in như 
Vầng thái dương sáng chói 
Ánh trăng rằm quang rạng 
Và chuỗi ngọc quí báu
Hết thảy các Bồ tát 
Nhiều như số vi trần 
Đều do giới pháp này 
Mà thành Đẳng chánh giác
Giới pháp đức bản thân 
Lô Xá Na đã tụng
Như Lai cũng tụng lại
Hoàn toàn y như vậy
Nên tất cả các người
Bồ tát mới tu học
Hãy hết lòng tôn kính 
Thọ trì giới pháp ấy 
Các người đã thọ trì 
Giới pháp như vậy rồi
Lại đem giới pháp ấy 
Chuyền trao cho chúng sinh 
Vậy tất cả các người 
Hãy chú ý lắng nghe 
Như Lai tụng chính xác 
Giới tạng trong Phật pháp
Giới tạng ấy chính là 
Ba la đề mộc xoa
Nên hết thảy đại chúng 
Chí tâm mà thâm tín  
Thâm tín rằng chính mình 
Là Đức Phật sẽ thành
Y như Như Lai đây 
Là Đức Phật đã thành
Thường thâm tín như vậy 
Giới pháp đã đầy đủ
Bất cứ là loài nào 
Hễ vốn có tâm tánh 
Thì đều nên lãnh thọ 
Giới pháp của chư Phật
Chúng sinh mà lãnh thọ 
Giới pháp của chư Phật 
Thì kẻ ấy tức thì 
Nhập vào cương vị Phật
Cương vị đã đồng thể 
Với chư Phật đại giác 
Thì người ấy đích thực 
Là con của chư Phật 
Vậy tất cả đại chúng 
Cung kính mà lắng nghe 
Như Lai sẽ tụng lại 
Giới pháp của chư Phật.
Qui Định Mấy Điều Cốt Yếu Về Bồ Tát Giới Phạm Võng
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni ngồi dưới cây bồ đề, thành tựu tuệ giác vô thượng rồi, bắt đầu qui định về Bồ tát giới, rằng sự hiếu thuận đối với cha mẹ, đại sư, chư tăng, đối với Tam Bảo sự hiếu thuận phù hợp chánh pháp chí thượng, sự hiếu thuận ấy gọi là giới, cũng gọi là năng lực chế ngự đình chỉ mọi sự tội lỗi. Đức Thế Tôn liền từ miệng vàng phóng ra ánh sáng vô lượng. Lúc ấy đại chúng có đến trăm vạn ức, các vị Bồ tát, các vị Phạm thiên trong mười tám tầng trời cõi Sắc, các vị thiên nhân trong sáu tầng trời cõi Dục, các vị quốc vương của mười sáu nước cường đại, đều chắp tay, khuynh tận tâm trí, lắng nghe Đức Thế Tôn tụng lại giới pháp đại thừa của hết thảy chư Phật.
Đức Thế Tôn dạy các vị Bồ tát, nay Như Lai cứ nửa tháng nửa tháng đích thân tụng lại giới pháp của Phật pháp. Các người, những vị Bồ tát mới phát tâm, cho đến những vị Bồ tát mười phát thú mười trưởng dưỡng mười kim cang và mười địa, cũng phải tụng y như vậy. Vì lý do ấy mà ánh sáng giới pháp từ miệng Như lai tuôn ra. Ánh sáng ấy có lý do chứ không phải không có. Nhưng ánh sáng ấy không phải xanh vàng đỏ trắng đen, không phải vật lý tâm lý, không phải khái niệm có không, không phải tính cách nhân quả; mà là bản nguyên của chư Phật, là căn bản của Bồ tát, căn bản của chính đại chúng Phật tử các người. Vì vậy, đại chúng Phật tử các người phải thọ trì, phải đọc tụng, phải khéo học.
Phật tử, lắng nghe cho kỹ muốn lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì không cứ quốc vương, vương tử, tể tướng, bách quan, tỷ kheo, tỷ kheo ni, Phạm thiên mười tám tầng trời cõi Sắc, thiên nhân sáu tầng trời cõi Dục, tất cả dân chúng, những kẻ hoàng môn, dâm nam dâm nữ, nô bộc tỳ thiếp, quỉ thần trong tám bộ, thần Kim cang, súc sinh, cho đến những kẻ biến hóa, hễ ai hiểu được tiếng nói của vị pháp sư truyền giới, thì đều có thể thọ giới và được giới đều có thể trở thành người thanh tịnh bậc nhất.
Mười Giới Nặng Của Bồ Tát Giới Phạm Võng
Đức Thế Tôn dạy các Phật tử, giới pháp nặng có mười điều. Nếu thọ Bồ tát giới mà không tụng mười giới pháp nặng ấy thì không phải Bồ tát, không phải hạt giống làm Phật. Vì chính Như Lai cũng tụng như vậy, hết thảy Bồ tát thì đã học sẽ học và đang học. Và như vậy là Như lai đã vắn tắt nói đến tướng mạo Bồ tát giới. Các người phải học, kính cẩn mà phụng trì.
1. Không được tàn sát
Phật tử nếu tự mình tàn sát, bảo người tàn sát, tàn sát bằng phương tiện, bằng cách tán dương sự tàn sát, bằng sự tán đồng khi thấy kẻ khác tàn sát, cho đến tàn sát bằng chú thuật tàn sát với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự tàn sát; nhưng, đối với bất cứ loài nào, hễ có sinh mạng thì không được cố ý tàn sát. Là Bồ tát thì phải phát khởi lòng từ bi và lòng hiếu thuận thường trú, phương tiện cứu giúp và che chở cho hết thảy mọi loài sinh vật, vậy mà đảo ngược lại, mặc sức khoái ý mà tàn sát, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
2. Không được trộm cướp
Phật tử nếu tự mình trộm cướp, bảo người trộm cướp, trộm cướp bằng phương tiện, bằng chú thuật trộm cướp với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự trộm cướp; nhưng, cho đến tài vật quỉ thần, tài vật có chủ, tài vật đạo tặc, tài vật công cộng, dẫu bằng cây kim ngọn cỏ mà thôi, cũng không được cố ý trộm cướp. Là Bồ tát thì phải phát sinh tâm hiếu thuận và tâm từ bi của Phật tánh, thường xuyên giúp người làm phước đức và được yên vui, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên mà còn trộm cướp tài vật của người, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
3. Không được dâm dục
Phật tử nếu tự mình dâm dục, bảo người dâm dục; nhưng, đối với bất cứ nữ nhân nào, cho đến giống cái trong súc vật, phái nữ trong chư thiên và quỉ thần, hoặc những chỗ không phải bộ phận sinh thực, đều không được cố ý dâm dục dâm dục với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự dâm dục. Là Bồ tát thì phải sinh tâm hiếu thuận, cứu độ tất cả, bằng cách đem pháp thanh tịnh mà cho người, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên mà còn nổi dậy sự dâm dục đối với mọi người, không chừa cả súc vật, đến nỗi đối với mẹ, con gái, chị, em gái, bà con nội ngoại, cũng hành dâm cả, không còn gì gọi là lòng từ bi, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
4. Không được vọng ngữ
Phật tử nếu tự mình vọng ngữ, bảo người vọng ngữ, vọng ngữ bằng phương tiện vọng ngữ với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự vọng ngữ, cho đến không thấy nói thấy, thấy nói không thấy, vọng ngữ cả thân thể lẫn tâm trí; nhưng Bồ tát thì phải thường tự phát sinh ngôn ngữ chân chính và kiến thức chân chính, lại phát sinh cho người hai thứ ngôn ngữ chân chính và kiến thức chân chính ấy, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên mà còn làm nổi dậy nơi mọi người những thứ ngôn ngữ bất chính, kiến thức bất chính và hành động bất chính thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
5. Không được buôn rượu
Phật tử nếu tự mình buôn rượu, bảo người buôn rượu buôn rượu với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự buôn rượu; nhưng hết thảy loại rượu đều không được mua bán, vì lẽ rượu là yếu tố gây ra mọi thứ tội lỗi. Là Bồ tát thì phải phát sinh cho chúng sinh cái tuệ minh đạt, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên mà còn phát sinh cho người cái tâm thác loạn, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
6. Không được nói xấu đồng đạo
Phật tử nếu tự mình nói xấu những sự lầm lỡ của những người xuất gia tại gia thọ Bồ tát giới, hay của các vị tỷ kheo, tỷ kheo ni, lại bảo người khác nói xấu nói xấu với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự nói xấu; nhưng Bồ tát nghe những kẻ ác tâm trong hàng ngũ ngoại đạo và nhị thừa công kích sự phi giáo pháp và phi giới luật trong tổ chức Phật giáo, thì thường sinh tâm từ bi, giáo hóa những kẻ ác tâm ấy, làm cho họ có được đức tin đại thừa, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên mà còn tự mình nói xấu những sự lầm lỡ trong tổ chức Phật giáo, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
7. Không được khen mình chê người
Phật tử nếu tự tán dương mình mà phỉ báng người khác, lại bảo kẻ khác phỉ báng phỉ báng với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự phỉ báng; nhưng Bồ tát thì phải thay thế hết thảy chúng sinh mà chịu lấy bao nhiêu sự phỉ báng và tủi nhục, việc xấu thì xoay về nơi mình, việc tốt thì đừa cho người khác, vậy mà đảo ngược lại, tự khoe cái hay của mình, dấu cái tốt của người, làm cho họ phải chịu mọi sự phỉ báng, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
8. Không được tiếc lẫn tài pháp
Phật tử nếu tự mình tiếc lẫn, bảo người tiếc lẫn tiếc lẫn với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự tiếc lẫn; nhưng Bồ tát thì bất cứ người nghèo thiếu nào đến cầu xin, cũng phải tùy nhu cầu của họ mà cung cấp những thứ mình có, vậy mà đảo ngược lại, vì tâm địa không tốt, tâm lý hờn giận, nên đến nỗi một đồng tiền, một cây kim, một ngọn cỏ cũng không cho ai; có ai đến cầu xin Phật pháp, đã không nói cho họ được một câu đủ nghĩa, một bài chỉnh cú, một chút bằng hạt bụi, lại còn nhục mạ họ nữa, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
9. Không được giận dữ không nguôi
Phật tử nếu tự mình giận dữ, bảo người giận dữ giận dữ với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự giận dữ; nhưng Bồ tát thì phải phát sinh cho người mọi thứ thiện căn, nhất là đức tính hòa bình, thường phát sinh nơi mình tâm từ bi và tâm hiếu thuận, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên mà, đối với chúng sinh, thậm chí đối với phi chúng sinh, còn nhục mạ bằng miệng tiếng độc dữ, da thêm sự đánh đập bằng tay chân và khí cụ, lòng vẫn chưa nguôi,người ta cầu xin sám hối, tạ tội bằng ngôn ngữ khả ái, cũng vẫn giận dữ không thôi, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
10. Không được phỉ báng Tam Bảo
Phật tử nếu tự mình phỉ báng Tam Bảo, bảo người phỉ báng phỉ báng với nguyên nhân, trợ duyên, phương pháp và động tác của sự phỉ báng; nhưng Bồ tát nghe cái tiếng của những kẻ ngoại đạo hay những người ác tâm buông một lời phỉ báng đến Phật thì đã thấy như tim mình bị ba trăm mũi nhọn đâm vào, huống chi chính miệng mình phỉ báng; đã không phát sinh sự tín ngưỡng và lòng hiếu thuận cho mọi người mà còn đảo ngược lại, giúp thêm vào sự phỉ báng của những kẻ ác tâm, những người tà kiến, thì đó là tội ba la di của Bồ tát.
Các nhân giả khéo học, như thế đó là mười giới pháp nặng của Bồ tát, các nhân giả phải học. Trong đó nhất nhất không được phạm vào bằng một hạt bụi, huống chi phạm đủ cả mười giới pháp. Ai phạm thì người đó thân hiện tại không thể phát bồ đề tâm, phẩm vị quốc vương và luân vương đã mất, lại mất phẩm vị tỷ kheo tỷ kheo ni, mất các Bồ tát vị mười phát thú mười trưởng dưỡng mười kim cang và mười địa, bao nhiêu thành quả vi diệu và thường trú của Phật tánh cũng mất tất cả, sa vào ba đường dữ, đến nỗi hai kiếp ba kiếp không nghe được cái tiếng Cha mẹ hay danh hiệu Phật pháp tăng. Vì lẽ ấy, nhất nhất không nên phạm. Bồ tát các người đang học bây giờ, sẽ học về sau, đã học trong quá khứ, đối với mười giới pháp nặng như vậy phải cung kính phụng trì, như Như lai sẽ nói rộng rãi trong phẩm Tám vạn uy nghi.
Bốn Mươi Tám Giới Nhẹ Của Bồ Tát Giới Phạm Võng
Đức Thế Tôn dạy các vị Bồ tát, Như Lai đã nói mười giới pháp nặng rồi, bốn mươi tám giới pháp nhẹ bây giờ Như lai sẽ nói.
1. Không được bất kính thầy bạn
Phật tử nếu sắp nhận địa vị quốc vương, địa vị luân vương, địa vị bách quan, thì trước đó phải lãnh thọ Bồ tát giới. Những người như vậy sẽ được quỉ thần hộ trì, được chư Phật hoan hỉ. Lãnh thọ Bồ tát giới rồi, phải sinh tâm hiếu thuận và tâm tôn kính; khi thấy các vị thượng tọa, hòa thượng, xà lê, các vị đại đức, thấy các người cùng một sở học, cùng một kiến giải, cùng một sở hành, thì hãy đứng lên, đón tiếp, thi lễ, hỏi han. Là Bồ tát mà đảo ngược lại, sinh tâm kiêu ngạo, tâm khinh lờn, tâm ngoan cố, tâm giận dữ, không chịu đứng lên, đón tiếp, thi lễ, hỏi han, mọi sự nhu cầu cũng không cung phụng đúng với chánh pháp; trong khi lẽ đáng nên hy sinh cả bản thân, địa vị, con cái, của báu và tài vật linh tinh mà hiến cúng các ngài. Nếu không làm như vậy thì phạm tội kinh cấu.
2. Không được uống các thứ rượu
Phật tử nếu cố ý uống rượu, mà rượu thì dẫn ra vô số lầm lỗi; tự tay mình trao rượu cho người khác uống mà năm trăm đời kiếp cánh tay không có, huống chi chính mình tự uống. Cũng không được chỉ bảo cho mọi người uống rượu hay luyện tập cho các sinh vật khác uống, huống chi chính mình uống lấy. Nên bất cứ rượu gì cũng không được uống. Nếu cố ý tự uống hay bảo người khác uống thì phạm tội khinh cấu.
3. Không được ăn các thứ thịt
Phật tử nếu cố ý ăn thịt, nhưng thịt nào cũng không được ăn. Ăn thịt thì hỏng mất hạt giống Phật tánh vốn rất từ bi, mọi loài sinh vật thấy thì bỏ chạy. Vì lý do ấy, tất cả Bồ tát không được ăn dùng bất cứ thứ thịt gì của sinh vật nào. Ăn thịt thì tội lỗi vô lượng. Nếu cố ý ăn thì phạm tội khinh cấu.
4. Không được ăn đồ cay nồng
Phật tử thì không được ăn năm loại cay nồng là tỏi, kiệu, hành, nén, hẹ. Năm loại ấy, trong bất cứ thức ăn nào cũng không được ăn. Nếu cố ý ăn thì phạm tội khinh cấu.
5. Không được không khuyên sám hối
Phật tử nếu thấy ai phạm tám giới, năm giới, mười giới, các giới khác, bảy tội nghịch, và những tội ác bị tám tai nạn, thấy tất cả tội phạm giới như vậy đều phải khuyên và chỉ cho họ cách thức sám hối. Là Bồ tát mà không khuyên và chỉ cho họ cách thức sám hối, lại cùng họ cư trú, cùng họ nhận đồ hiến cúng, cùng họ bố tát và đồng chúng thuyết giới mà không cử tội để khuyên và chỉ cách cho họ sám hối, thì phạm tội khinh cấu.
6. Không được không cầu chánh pháp
Phật tử nếu thấy các vị pháp sư đại thừa, các vị cùng học cùng hiểu và cùng làm về đại thừa, đến tăng phường, đến nhà cửa, thành thị, thôn ấp của mình, và dẫu ở xa cách trăm dặm ngàn dặm mà đến đi nữa, cũng tức thì đứng lên, đón rước, tiễn đưa, kính lạy, hiến cúng. Mỗi ngày hiến cúng ba lần, và giả sử tốn đến vài ba lạng vàng đi nữa, hết thảy đồ uống, đồ ăn, đồ nằm, đồ ngồi, đồ mặc, thầy thuốc, thuốc, đều cung đốn cho vị pháp sư. Mọi sự nhu cầu của vị ấy cung phụng đủ cả. Mỗi ngày ba lần, phải thường thỉnh cầu vị pháp sư thuyết pháp cho. Mỗi ngày kính lạy ba lần mà vẫn không nổi dậy trong lòng sự giận dữ, phiền bực. Vì pháp mà mất mạng đi nữa cũng vẫn cầu pháp không chán. Nếu không như vậy thì phạm tội khinh cấu.
7. Không được không đi nghe pháp
Phật tử thì bất cứ chỗ nào có diễn giải kinh luật nói về giới pháp, chỗ ấy dầu là nhà to cửa lớn mà có đặt chỗ diễn giảng, các vị Bồ tát mới học cũng phải đem kinh luật đến mà lắng nghe, tiếp nhận và thưa hỏi nơi vị pháp sư. Trong núi rừng, dưới đại thọ, nơi tăng địa, trong tăng phường, bất cứ chỗ nào có giảng thuyết giới pháp thì càng đến để lắng nghe, tiếp nhận. Nếu không đến thì phạm tội khinh cấu.
8. Không được phản đại thừa giới
Phật tử nếu có tư tưởng phản bội kinh luật thường trú của đại thừa, cho rằng kinh luật ấy không do Như lai tuyên thuyết, và đảo ngược lại, thọ trì những kinh luật của nhị thừa thanh văn và ngoại đạo ác kiến mà nội dung gồm có giới pháp và lý thuyết phủ nhận Phật tánh, thì phạm tội khinh cấu.
9. Không được không giúp bịnh tật
Phật tử nếu thấy bất cứ người bịnh tật nào cũng phải giúp đỡ thường xuyên y như phụng sự Phật đà. Bởi lẽ trong tám đám ruộng sinh trưởng phước đức, sự chăm sóc bịnh tật là đám ruộng tốt nhất. Nếu cha mẹ, đại sư, chư tăng, hay đệ tử bị bịnh tật, bị thiếu các bộ phận nơi cơ thể, bị hàng trăm thứ bịnh dày vò, thì mình phải chăm nuôi cho lành mạnh. Là Bồ tát mà vì tâm lý tàn nhẫn, tâm lý giận ghét, nên không chăm sóc bịnh tật cho người, đến nỗi nơi tăng phường, nơi thành thị, thôn ấp, nơi hoang dã, núi rừng, nơi đường sá, thấy bịnh nhân cũng không cứu giúp, thì phạm tội khinh cấu.
10. Không được tàng trữ khí cụ
Phật tử thì không được tàng trữ dao, gậy, cung, tên, giáo, mác, và những khí giới chiến đấu khác. Bao nhiêu dụng cụ để bẫy lưới săn bắn, sát hại sinh vật, cũng không được tàng trữ. Là Bồ tát thì đến nỗi kẻ giết cha mẹ mình, mình cũng không giết lại để báo thù, huống chi đối với người khác và vật khác. Nên không được tàng trữ khí giới và dụng cụ tàn sát. Nếu cố ý tàng trữ thì phạm tội khinh cấu.
Mười giới pháp nhẹ như vậy các người phải học, phải cung kính phụng trì, như trong sáu phẩm sau Như lai sẽ nói rõ.
11. Không được làm kẻ quốc tặc
Phật tử thì không được vì lợi lộc hay vì ác ý, làm sứ thần cho quốc gia mà liên minh quân sự, động binh đánh nhau, tàn hại vô số sinh mạng. Là Bồ tát thì sự qua lại trong quân binh còn không được có, huống chi cố ý làm tên quốc tặc. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
12. Không được buôn bán tàn nhẫn
Phật tử nếu cố ý buôn bán lương dân, buôn bán nô bộc tỳ thiếp, buôn bán súc vật, buôn bán quan quách và những dụng cụ tẩn liệm; nhưng mọi sự buôn bán ấy chính mình còn không được làm, huống chi chỉ bảo người khác. Nếu cố ý tự làm hay chỉ bảo người khác thì phạm tội khinh cấu.
13. Không được phỉ báng không thật
Phật tử nếu vì tâm địa độc ác mà, một cách không có sự thật, phỉ báng những người hiền lương, những vị thiện đức, những bậc pháp sư, đại sư hòa thượng, đại sư xà lê, quốc chúa, quí nhân, rằng phạm bảy tội nghịch, mười giới nặng... Nhưng, đối với những người nên coi như cha mẹ chú bác anh em trong hàng lục thân ấy, mình phải phát sinh tâm hiếu thuận, tâm từ bi, vậy mà đảo ngược lại, đã không làm như trên, lại còn gia thêm sự trái ý, sự tổn thương, khiến họ hãm vào tình trạng khổ tâm, thì phạm tội khinh cấu.
14. Không được cố ý thiêu đốt
Phật tử nếu vì tâm địa tàn ác mà phóng lửa lớn, đốt cháy núi rừng, đồng nội; tháng tư đến tháng chín cũng phóng lửa; phóng lửa đến nỗi có thể cháy lan đến cả nhà cửa, phòng ốc, thành thị, thôn ấp, tăng phường, ruộng vườn và cây cối của người, cháy lan đến vật quỉ thần, vật công hữu. Nhưng hết thảy đều là vật có chủ, không được cố ý thiêu đốt. Nếu cố ý thiêu đốt thì phạm tội khinh cấu.
15. Không được chỉ dạy sai lệch
Phật tử thì với những người cùng là Phật tử như mình, với ngoại đạo, với kẻ ác, với bà con, với những người quen biết tốt, với ai cũng hướng dẫn cho họ thọ trì kinh luật đại thừa, hướng dẫn cho họ lý giải được nghĩa ý của kinh luật ấy, làm cho họ phát bồ đề tâm; mười tâm phát thú, mười tâm trưởng dưỡng, mười tâm kim cang, ba mươi tâm ấy nhất nhất hướng dẫn cho họ hiểu rõ pháp dụng thứ tự. Nếu là Bồ tát mà vì tâm lý xấu xa, tâm lý hiềm ghét, một cách rất vô lý chỉ dạy cho người kinh luật của nhị thừa thanh văn và học thuyết của ngoại đạo tà kiến thì phạm tội khinh cấu.
16. Không được nói pháp rối loạn
Phật tử thì bằng tâm nguyện tốt đẹp, trước tiên học tập uy nghi và giới pháp của kinh luật đại thừa, lý giải một cách sâu rộng nghĩa lý và ý vị của uy nghi và giới pháp ấy. Rồi thấy các vị Bồ tát mới học mà có người từ trăm dặm ngàn dặm đến cầu học kinh luật đại thừa, thì phải nói cho họ, một cách đúng như chánh pháp, về những khổ hạnh như thiêu đốt thân phần, cánh tay, ngón tay. Nếu thấy họ tỏ ý e ngại sự thiêu đốt ấy, mặc dù đã được bảo là thiêu đốt để hiến lên chư Phật đi nữa, thì biết không phải là Bồ tát xuất gia; Bồ tát xuất gia thì dẫu đến hổ lang, sư tử và quỉ thần đang đói, cũng nên xả thịt hay tay chân của mình mà cung cấp. Sau khi nói những pháp khổ hạnh rồi, nhất nhất tuần tự nói cho họ về giới pháp chính yếu, làm cho tâm của họ mở rộng, ý của họ giải tỏa. Nếu là Bồ tát mà vì ý niệm lợi lộc nên điều đáng giải đáp không giải đáp, nói một cách rối loạn văn nghĩa của kinh luật đại thừa, không có thứ tự trước sau, nói tóm, nói một cách phỉ báng Tam bảo, thì phạm tội khinh cấu.
17. Không được ỷ thế ham cầu
Phật tử nếu tự mình vì đồ ăn, vì thức uống, vì tiền của, vì quyền lợi, vì danh vọng, thân cận với quốc vương, vương tử, tể tướng, bách quan, rồi ỷ thế làm oai, yêu sách, hành hung, chiếm đoạt tiền tài sản vật của người một cách ngang ngược; nhưng mọi sự cầu lợi như vậy là ham cầu tàn ác, ham cầu quá đáng, vậy mà còn chỉ bảo kẻ khác ham cầu nữa, không còn gì là từ bi, là hiếu thuận, thì phạm tội khinh cấu.
18. Không được mù mờ làm thầy
Phật tử nếu học và tụng Bồ tát giới thì ngày đêm sáu buổi nắm giữ giới ấy trong trí, lý giải ý nghĩa giới ấy, nghĩa là lý giải về tánh của Phật tánh. Là Bồ tát mà không lý giải được một câu đủ nghĩa, một bài chỉnh cú, lý do của giới pháp cũng không rành, lại nói dối trá rằng lý giải được, như vậy là tự lừa đảo mình và lừa đảo người khác. Nên, nhất nhất mù mờ, giới pháp giáo pháp nào cũng không hiểu, vậy mà làm pháp sư truyền thọ giới pháp cho kẻ khác, thì phạm tội khinh cấu.
19. Không được phỉ báng giữ giới
Phật tử nếu vì tâm lý xấu và ác, thấy vị tỷ kheo giữ giới tay nâng lư hương thực tập Bồ tát hạnh, mà đâm thọc bên này bên kia, phỉ báng vu khống người thánh thiện, không từ điều xấu nào mà không dựng đứng lên, thì phạm tội khinh cấu.
20. Không được không cứu phóng sinh
Phật tử thì phải đem tâm từ bi mà thực hành sự phóng sinh. Phải nghĩ như vầy: tất cả nam tính là cha ta, tất cả nữ tính là mẹ ta, ta đời đời kiếp kiếp không khi nào không sinh ra từ cha mẹ ấy. Nên sáu đường chúng sinh đều là cha mẹ của ta, ta giết mà ăn là giết mà ăn cha mẹ của mình. Lại cũng giết mà ăn chính thân cũ của mình, vì lẽ hết thảy thể cứng thể lỏng và sức nóng sức động toàn là thân thể cũ của ta. Vì nghĩ như vậy nên thường phóng sinh. Đời đời thọ sinh, đó cũng là một sự thực có tính cách bất biến, nên càng phải chỉ bảo khuyến khích mọi người phóng sinh. Khi thấy thế nhân tàn sát sinh vật thì phải tìm cách cứu hộ, giải thoát khổ nạn cho chúng. Rồi thời thường phải giáo hóa, giảng nói Bồ tát giới cho người để cứu hộ chúng sinh. Gặp ngày chết của cha mẹ anh em thì phải cung thỉnh pháp sư diễn giảng kinh luật của Bồ tát giới. Cái phước ấy giúp cho người chết được thấy chư Phật, hoặc sinh trong nhân loại hay trên chư thiên. Nếu không làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Mười giới pháp nhẹ như vậy các người phải học, phải cung kính phụng trì, như trong phẩm Diệt trừ tội lỗi Như lai sẽ nói rộng rãi về mỗi một giới pháp ấy.
21. Không được giận dữ báo thù
Phật tử thì không được đem sự giận dữ trả lại sự giận dữ, không được đem sự đánh đập trả lại sự đánh đập, cũng không được giữ tâm niệm trả thù những kẻ tàn sát cha mẹ anh em bà con của mình hay những kẻ sát hại quốc chúa. Tàn sát sự sống để trả thù sự sống là điều không thuận với đạo hiếu. Không nuôi nô bộc tỳ thiếp mà đánh đập mắng chưởi, ngày ngày ba nghiệp bùng dậy, nhất là tội lỗi khẩu nghiệp lại càng vô lượng, huống chi cố làm đến bảy tội nghịch. Là Bồ tát xuất gia mà không có tâm từ bi, cố giữ ý niệm trả thù đến nỗi trong hàng bà con cũng quyết không tha, thì phạm tội khinh cấu.
22. Không được kiêu ngạo không học
Phật tử nếu mới xuất gia, chưa lý giải gì, mà tự thị thông minh, tự thị cao sang, tự thị tuổi tác, tự thị dòng họ, tự thị giai cấp, kiến thức to lớn, phước đức to lớn, giàu có to lớn, đủ cả thất bảo, ỷ thị những thứ ấy mà kiêu ngạo, không chịu học hỏi kinh luật với các vị pháp sư đã học hỏi trước mình. Các vị pháp sư ấy có thể có người dòng họ nhỏ, tuổi tác nhỏ, giai cấp nhỏ, nghèo nàn, thấp thỏi, các giác quan không hoàn chỉnh, nhưng thật là người có đức, lý giải thấu đáo hết thảy kinh luật. Nếu các vị Bồ tát mới học mà dòm ngó dòng họ và giai cấp, không chịu đến học hỏi đệ nhất nghĩa nơi vị pháp sư ấy, thì phạm tội khinh cấu.
23. Không được không truyền kinh giới
Phật tử nếu, sau khi Như lai nhập niết bàn rồi, muốn đem tâm nguyện tốt đẹp lãnh thọ Bồ tát giới mà bằng cách tự nguyện lãnh thọ giới ấy trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, thì phải bảy ngày sám hối trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, hễ thấy được tướng tốt thì thọ giới là được giới. Nếu chưa thấy được tướng tốt, thì phải hai lần hay ba lần bảy ngày, cho đến một năm, phải sám hối cho thấy được tướng tốt. Thấy được tướng tốt rồi thì có thể thọ giới trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát. Nếu không thấy được tướng tốt, thì dẫu thọ giới trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, cũng không thể gọi là được giới. Nếu lãnh thọ Bồ tát giới bằng cách hiện diện đối trước vị pháp sư đã thọ giới ấy trước mình, thì không cần phải thấy được tướng tốt, tại sao, vì vị pháp sư ấy đã do các vị pháp sư trước nữa truyền giới cho nhau, và nay truyền lại cho mình, nên không bắt buộc phải thấy tướng tốt. Và thọ giới trước vị pháp sư như vậy thì được giới liền, được bởi cái tâm cùng cực cẩn trọng phát sinh trong lúc ấy. Nếu trong vòng ngàn dặm, không ai có thể làm vị pháp sư truyền thọ Bồ tát giới, thì người muốn thọ giới ấy có thể tự nguyện mà lãnh thọ trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, nhưng với điều kiện phải sám hối thấy được tướng tốt. Nếu là vị pháp sư mà tự thị sự lý giải của mình đối với kinh luật và giới pháp đại thừa, chỉ làm bạn với quốc vương, vương tử và bách quan, còn các vị Bồ tát mới học đến xin hỏi hoặc nghĩa ý của khế kinh, hoặc nghĩa ý của giới luật, vị pháp sư ấy vì tâm lý khinh miệt, tâm lý xấu xa, tâm lý kiêu ngạo, không nhất nhất giải đáp một cách tốt đẹp những câu của họ thưa hỏi, thì phạm tội khinh cấu.
24. Không được học các sách khác
Phật tử nếu có chánh pháp đại thừa trong kinh luật Như Lai đã dạy, chánh pháp đủ cả chánh kiến, chánh tánh, chánh pháp thân, mà không nỗ lực học hỏi tu tập, lại bỏ chánh pháp quí báu như thất bảo ấy mà học tập sách vở phủ nhận Phật tánh của nhị thừa, ngoại đạo và thế tục, như các bộ a tỳ đàm, các luận thuyết hỗn tạp, những thi văn truyện ký, thì thế là làm mất Phật tánh, làm cản đạo nghiệp, chứ không phải thực hành Bồ tát đạo. Nếu cố ý học tập thì phạm tội khinh cấu.
25. Không được lạm dụng gây rối
Phật tử nếu, khi Như lai nhập niết bàn rồi, làm chủ sự thuyết pháp, làm chủ sự hành đạo, làm chủ nơi tăng phường, làm chủ sự giáo hóa, làm chủ sự tọa thiền, làm chủ sự đi lại, thì phải phát sinh tâm từ bi, khéo hòa giải mọi sự mâu thuẫn, khéo hộ vệ vật của Tam bảo, đừng sử dụng vô độ như là của riêng. Nếu trái lại, làm cho Tăng chúng rối loạn vì sự tranh chấp, mặc sức sử dụng của Tam bảo, thì phạm tội khinh cấu.
26. Không được không đãi khách tăng
Phật tử nếu đã ở trước trong tăng phường, sau thấy các vị tỷ kheo hay tỷ kheo bồ tát, đến nơi tăng phường, đến nơi nhà cửa, thành thị hay thôn ấp của mình, đến nơi nhà của quốc vương thiết lập, đến nơi chỗ đang kiết hạ an cư, hay nơi chỗ đang thiết lập đại hội cầu phước, thì mình là chư tăng ở trước, phải đón rước, tiễn đưa, và hiến cúng ẩm thực; phòng ở, đồ nằm, giường giây hay giường cây, mọi sự đều cung cấp. Nếu không có sẵn, thì dẫu phải bán mình, bán cả con cái, cũng gắng mà cung phụng những thứ các vị ấy cần dùng. Rồi nếu có thí chủ đến thỉnh chư tăng, thì các vị khách tăng ấy cũng có đồng phần, nên vị chủ tăng phường phải y theo thứ tự mà mời các vị khách tăng ấy thọ thỉnh. Nếu chư tăng ở trước chỉ thọ thỉnh riêng, không mời các vị khách tăng, thì vị chủ tăng phường tội lỗi vô lượng, không khác gì loài vật, không phải sa môn, không phải dòng giống họ Thích. Nếu cố ý làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
27. Không được thọ thỉnh riêng biệt
Phật tử thì trường hợp nào cũng không được thọ thỉnh riêng biệt, thu đồ hiến cúng về cả nơi mình. Đồ hiến cúng là thuộc về chư tăng mười phương. Nếu thọ thỉnh riêng biệt thì ấy là lấy vật của chư tăng mười phương thu về nơi mình ; lại xâm phạm đến vật của Phật đà, thánh giả, đại sư, chư tăng, cha mẹ và bịnh nhân trong tám ruộng phước, vì lẽ mình chỉ dùng cho mình mà thôi, nên phạm tội khinh cấu.
28. Không được thỉnh tăng riêng biệt
Phật tử thì dầu xuất gia thọ Bồ tát giới, dầu tại gia thọ Bồ tát giới, hay vị trí thí chủ nào, khi muốn thỉnh chư tăng để hiến cúng cầu nguyện, cũng phải đến tăng phường, hỏi vị tri sự mà bạch rằng muốn theo thứ tự thỉnh chư tăng để hiến cúng cầu nguyện. Như vậy là thỉnh được Hiền thánh tăng mười phương. Nếu thỉnh riêng biệt như thế nhân, thì thỉnh năm trăm vị tăng La hán và Bồ tát, cũng không bằng thỉnh một vị tăng phàm phu trong thứ tự của chư tăng. Thỉnh riêng là nề nếp của ngoại đạo, bảy đức Phật không có qui chế thỉnh riêng. Sự ấy không thuận với đạo hiếu. Nếu cố ý thỉnh riêng thì phạm tội khinh cấu.
29. Không được sống bằng tà mạng
Phật tử nếu vì độc ác và vụ lợi mà buôn bán dâm nam dâm nữ, tự tay làm đồ ăn, tự xay tự giã, coi tướng nam nữ, đoán mộng tốt xấu, đoán thai trai gái, làm các chú thuật, xảo thuật, luyện tập chim săn thú săn như luyện chim ưng, pha chế thuốc độc bằng trăm ngàn thứ độc hợp lại, độc rắn, độc vàng bạc sống, độc sâu cổ, không còn gì là từ bi, hiếu thuận. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
30. Không được bất kính hảo thời
Phật tử nếu vì tâm lý bất lương, chính mình phỉ báng Tam Bảo bằng cách tỏ ra thiết cốt với Tam Bảo, nhưng, mở miệng ra là nói về không mà việc làm thì toàn ở trong có: kinh lý cho thế nhân, vì thế nhân mà mai mối nam nữ, kết hợp sắc dục, tạo ra đủ thứ hệ lụy; sáu ngày chay trong mỗi tháng, hay ba tháng chay trong mỗi năm, cũng sát sinh trộm cướp, phá trai phạm giới, thì phạm tội khinh cấu.
Mười giới pháp nhẹ như vậy, các người phải học, phải cung kính phụng trì, như trong phẩm Thiết chế giới luật Như lai đã giải thích đầy đủ.
31. Không được không cứu không chuộc
Phật tử nếu sau khi Như Lai nhập niết bàn, trong thời kỳ dữ dội, thấy ngoại đạo và những kẻ tàn ác, những kẻ đạo tặc, chiếm đoạt và đem bán hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, những hình tượng mà mình tôn thờ như cha mẹ, bán kinh bán luật, bán các vị tỷ kheo, tỷ kheo ni, bán bồ tát mới phát bồ đề tâm, cho quan lại sai sử hay cho kẻ khác làm nô bộc tỳ thiếp - Nếu là Bồ tát thì thấy những sự tình ấy phải phát sinh tâm từ bi, tìm mọi phương cách mà cứu hộ, đi khắp nơi khuyến hóa mọi người để kiếm tiền của mà chuộc hình tượng của Phật đà và Bồ tát, chuộc các vị tỷ kheo, tỷ kheo ni, và bồ tát mới phát tâm, chuộc kinh chuộc luật. Nếu không chuộc như vậy thì phạm tội khinh cấu.
32. Không được tổn hại chúng sinh
Phật tử thì không được cất chứa buôn bán dao gậy cung tên, buôn bán bình thường mà dùng dụng cụ cân lường nhẹ và nhỏ, dựa vào uy thế của quan quyền mà chiếm đoạt tài vật của người, giam cầm và phá hoại sự thành công của người bằng tâm địa độc hại, nuôi lớn những loài mèo chồn heo chó. Nếu cố ý làm những việc như vậy thì phạm tội khinh cấu.
33. Không được tà tâm làm quấy
Phật tử thì không được bằng tâm lý đen tối mà xem sự đấu sức của nam nữ, của quân trận, của tướng sĩ, của giặc cướp... Không được xem nghe ca vũ, không được cờ bạc, không được bói toán, không được làm liên lạc cho đạo tặc. Những việc như vậy nhất nhất không được làm. Nếu cố ý làm thì phạm tội khinh cấu.
34. Không được rời bồ đề tâm
Phật tử thì phải nghiêm trì giới pháp, bằng cách trong mọi cử động đi đứng nằm ngồi và ngày đêm sáu buổi đều phải đọc tụng giới pháp ấy, và giữ với lòng bền chắc như ngọc kim cương, giữ như giữ chiếc phao nổi khi bơi qua biển cả, giữ với quyết chí của vị tỷ kheo bị buộc bằng cỏ, vĩnh viễn phát sinh nơi mình đức tin cao đẹp của đại thừa, là tự biết chắc mình là Phật sẽ thành như chư Phật là Phật đã thành, tâm bồ đề không một thoáng nào rời khỏi tâm trí. Như vậy mà nếu nổi lên một ý niệm của tâm lý nhị thừa hay ngoại đạo thì phạm tội khinh cấu.
35. Không được không phát đại nguyện
Phật tử thì phải thường phát khởi mọi lời nguyện, như nguyện hiếu thuận cha mẹ, đại sư, chư tăng, Tam bảo; nguyện gặp được vị pháp sư tuyệt hảo và các vị thiện tri thức đồng một sở học, để luôn luôn dạy cho mình kinh luật đại thừa và các bồ tát vị là mười phát thú, mười trưởng dưỡng, mười kim cang và mười địa, làm cho mình lý giải và thực hành chính xác ; nguyện kiên trì giới pháp của Phật, dầu phải mất tánh mạng đi nữa, một thoáng cũng không để rơi mất khỏi tâm trí cái niệm kiên trì ấy. Nếu là Bồ tát mà không phát khởi mọi lời nguyện như vậy thì phạm tội khinh cấu.
36. Không được không phát đại thệ
Phật tử thì phát khởi mười lời nguyền rộng lớn rồi, để kiên trì giới pháp của Phật, lại có những lời thề như sau. Thà đem thân này gieo xuống hố lửa, núi dao, quyết không phá hủy giới pháp của tam thế chư Phật bằng cách làm sự bất tịnh với bất cứ nữ nhân nào. Lại thề rằng thà bị lưới sắt nóng ngàn lớp quấn lấy thân thể, quyết không đem cái thân phá giới mà mặc y phục của tín đồ hiến cúng; thề rằng thà miệng phải nuốt viên sắt nóng hay dòng lửa dữ đến cả trăm ngàn đời, quyết không đem cái miệng phá giới mà ăn thực phẩm của tín đồ hiến cúng; thề rằng thà thân này phải nằm trong lưới sắt đỏ hay trên đất sắt nóng, quyết không đem cái thân phá giới mà nằm ngồi giường ghế của tín đồ hiến cúng; thề rằng thà thân này một đời vài đời chịu hàng trăm mũi giáo đâm vào, quyết không đem cái thân phá giới mà dùng dược phẩm của tín đồ hiến cúng; thề rằng thà thân này gieo vào vạc sắt nóng đến cả trăm ngàn đời, quyết không đem cái thân phá giới mà ở phòng ốc, nhà cửa, vườn tược và đất đai của tín đồ hiến cúng. Lại thề rằng thà thân này bị chùy sắt giáng đập từ đầu đến chân nát như bụi nhỏ, quyết không đem cái thân phá giới mà nhận sự cung kính lễ bái của tín đồ. Lại thề rằng thà bị cả trăm cả ngàn khí cụ bằng sắt nóng móc mất đôi mắt đi, quyết không đem đôi mắt ấy với tâm phá giới mà nhìn vào sắc đẹp; thề rằng thà một đời hai đời bị cả trăm cả ngàn dùi sắt đâm vào hai tai, quyết không đem hai tai ấy với tâm phá giới mà nghe đến tiếng hay; thề rằng thà bị cả trăm cả ngàn dao bén cắt mất mũi đi, quyết không đem cái mũi ấy với tâm phá giới mà ngửi đến hơi thơm; thề rằng thà cái lưỡi bị cả trăm cả ngàn dao bén cắt đứt, quyết không đem cái lưỡi ấy với tâm phá giới mà nếm vào mùi ngon; thề rằng thà thân này bị chặt bị xả bởi búa sắc, quyết không đem cái thân ấy với tâm phá giới mà chạm vào chỗ ưa thích. Lại phát khởi lời thề như sau, thề làm cho hết thảy chúng sinh đều thành Phật đà. Nếu là Bồ tát mà không phát khởi những lời thề như vậy thì phạm tội khinh cấu.
37. Không được mạo hiểm tai nạn
Phật tử thì thường mỗi năm phải có hai kỳ thực hành đầu đà, mùa đông mùa hạ phải tọa thiền an cư. Thực hành đầu đà thì thường dùng nhánh dương để làm tăm, đậu để rửa, ba pháp y, bình, bát, tọa cụ, tích trượng, lư hương, đãy lọc nước, khăn tay, dao con, đồ lấy lửa, nhíp, giường giây, kinh luật Bồ tát giới và tượng Phật Bồ tát. Là Bồ tát thì khi thực hành đầu đà và khi đi du hóa, dầu đi lại cả trăm dặm ngàn dặm đi nữa, mười tám vật ấy vẫn thường mang theo mình. Hai kỳ đầu đà là từ rằm tháng giêng đến rằm tháng ba, từ rằm tháng tám đến rằm tháng mười, trong hai kỳ ấy, mười tám vật cũng thường mang theo mình như hai cái cánh với con chim. Bố tát tụng giới thì các vị Bồ tát mới học đã phải nửa tháng nửa tháng bố tát, tụng mười giới nặng và bốn mươi tám giới nhẹ ; khi tụng thì đối trước tượng Phật Bồ tát mà tụng; một người bố tát thì một người tụng, mà hai ba cho đến hàng trăm hàng ngàn người cũng chỉ một người tụng ; người tụng ngồi cao, người nghe ngồi thấp, ai cũng mang pháp y chín điều bảy điều hay năm điều. Kiết hạ an cư thì nhất nhất phải làm cho đúng phép. Khi thực hành đầu đà thì đừng đến chỗ tai nạn; chỗ nguy hiểm, chỗ quốc chúa tàn bạo, chỗ đất quá cao thấp, chỗ cây cỏ rậm rạp, chỗ cọp beo sư tử, chỗ hay bị nạn nước lửa gió, chỗ có đạo tặc, chỗ đường sá đầy rắn độc, những chỗ tai nạn như vậy đều không được đến đó. Thực hành đầu đà, cho đến kiết hạ an cư, đều không được đến ở những chỗ tai nạn như vậy. Nếu cố ý đến thì phạm tội khinh cấu.
38. Không được ngồi không thứ tự
Phật tử thì sự ngồi phải có thứ tự đúng như chánh pháp, nghĩa là ai thọ giới trước thì ngồi trước, ai thọ giới sau thì ngồi sau. Không kể già trẻ, tỷ kheo tỷ kheo ni, quí nhân quốc vương vương tử, cho đến hoàng môn nô bộc tỳ thiếp, tất cả đều nên ai thọ giới trước ngồi trước, ai thọ giới sau thì tuần tự mà ngồi. Đừng như ngoại đạo ngu si, già cũng như trẻ không trước không sau, ngồi hỗn tạp như binh nô. Trong chánh pháp của Như lai, người trước ngồi trước, người sau ngồi sau. Nếu là Bồ tát mà ai nấy không ngồi theo thứ tự đúng như chánh pháp, thì phạm tội khinh cấu.
39. Không được không làm lợi lạc
Phật tử thì thường khuyến hóa mọi người kiến thiết tăng phường, tạo lập núi rừng, ruộng vườn, xây dựng tháp Phật, thiết lập những chỗ để mùa đông mùa hạ tọa thiền an cư, nói tóm, tất cả những cơ sở hành đạo đều nên kiến thiết. Là Bồ tát thì lại phải diễn giảng cho mọi người về kinh luật đại thừa. Những lúc tật bịnh, quốc nạn, giặc giã, những ngày mạng vong của cha mẹ, anh em, của đại sư hòa thượng và đại sư xà lê thì từ ngày ấy cho đến ngày tam thất và chung thất, cũng nên trì tụng và diễn giảng kinh luật đại thừa. Những lúc làm chay cầu phước, đi lại làm ăn mà có thể bị lửa dữ thiêu đốt, nước lớn trôi chìm, gió bão thổi bạt thuyền bè nguy khốn trong sông to biển cả đầy nạn la sát, thì trước đó cũng nên đọc tụng giảng nói kinh luật đại thừa. Cho đến hết thảy khổ báo là ba ác, bảy nghịch, tám nạn, gông cùm, xiềng xích, trói buộc, đa dâm, đa sân, đa si, đa bịnh, đều nên giảng nói kinh luật đại thừa. Nếu vị Bồ tát mới học không làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Chín giới pháp nhẹ như vậy các người phải học, phải cung kính phụng trì, như Như lai sẽ nói rõ trong phẩm Phạm đàn.
40. Không được chọn lựa truyền giới
Phật tử thì khi cho người thọ Bồ tát giới không được chọn lựa. Hết thảy quốc vương, vương tử, tể tướng bách quan, tỷ kheo tỷ kheo ni, thiện nam tín nữ, dâm nam dâm nữ, Phạm thiên mười tám tầng trời cõi Sắc, thiên nhân sáu tầng trời cõi Dục, những kẻ vô căn, hai căn, hoàng môn, nô bộc, tỳ thiếp, tất cả quỉ thần, ai cũng được thọ Bồ tát giới cả. Phải dạy người thọ Bồ tát giới nhuộm pháp y bằng hoại sắc cho hợp với chánh pháp. Hoại sắc là nhuộm tất cả pháp y và ngọa cụ bằng màu sắc phá hủy các màu sắc chính là xanh vàng đỏ trắng đen tía. Mọi thứ y phục khác cũng nhuộm hoại sắc như vậy. Nói tổng quát, tại bất cứ quốc độ nào, dân chúng ở đó ăn mặc ra sao thì vị tỷ kheo ăn mặc phải khác với lối ăn mặc ấy. Khi sắp thọ Bồ tát giới, vị pháp sư bồ tát phải xét hỏi người ấy, rằng thân hiện tại có làm bảy tội nghịch không? Vị pháp sư bồ tát không được cho những người thân hiện tại làm bảy tội nghịch được thọ Bồ tát giới. Bảy tội nghịch là làm cho thân Phật xuất huyết, giết cha, giết mẹ, giết hòa thượng, giết xà lê, phá kiết ma tăng và pháp luân tăng, giết thánh giả. Nếu có bảy tội nghịch thì kẻ ấy thân hiện tại không thể được Bồ tát giới. Ngoài ra, ai cũng có thể thọ và được giới ấy. Cái phép của người xuất gia là không lạy quốc vương, không lạy cha mẹ, không lạy bà con, không lạy quỉ thần, nên không thiên vị hoặc khước từ ai hết, hễ ai hiểu được tiếng nói của vị pháp sư bồ tát, từ trăm dặm ngàn dặm vẫn đến cầu Bồ tát giới, mà vị pháp sư ấy vì tâm lý xâu xa, tâm lý ghét giận, không truyền ngay cho họ giới pháp mà tất cả chúng sinh đều có phần thì phạm tội khinh cấu.
41. Không được vụ lợi làm thầy
Phật tử nếu giáo hóa cho người phát sinh đức tin đại thừa rồi, mình là Bồ tát làm vị pháp sư chỉ bảo cho người, thì thấy người ấy muốn thọ Bồ tát giới, mình phải chỉ bảo cách thỉnh hai vị đại sư là hòa thượng và xà lê. Hai vị đại sư phải hỏi người ấy có hay không có phạm bảy tội nghịch là bảy tội cản trở sự thọ và được Bồ tát giới. Nếu thân hiện tại phạm bảy tội nghịch thì vị pháp sư không được cho người ấy thọ Bồ tát giới ; nếu không phạm bảy tội nghịch thì được cho họ thọ. Nếu người nào phạm mười giới pháp nặng thì phải chỉ bảo người ấy sám hối bằng cách đối trước hình tượng Phật đà, hình tượng Bồ tát, ngày đêm sáu buổi tụng mười giới pháp nặng và bốn mươi tám giới pháp nhẹ, cực kỳ khẩn thiết lễ bái ba ngàn đức Phật thuộc ba thì gian quá khứ hiện tại và vị lai, cầu cho thấy được tướng tốt. Dầu một lần bảy ngày hay ba lần bảy ngày, cho đến một năm, cũng phải làm sao cho thấy được tướng tốt. Tướng tốt là thấy được Phật đến xoa trên đỉnh đầu, thấy ánh sáng của Phật, thấy hoa sen của Phật, hoặc thấy các tướng kỳ lạ khác, thì tội lỗi tức thì tan biến. Nếu không thấy được những tướng tốt như vậy thì dẫu sám hối cũng không có cái ích lợi làm cho người ấy thân hiện tại được lại giới pháp, nhưng có cái ích lợi thọ lại giới pháp ấy. Nếu ai phạm bốn mươi tám giới pháp nhẹ thì chỉ bảo người ấy sám hối bằng cách đối diện mà phát lộ, thì tội lỗi tức thì tan biến. Phạm giới nặng hay nhẹ đều không như bảy tội nghịch. Làm pháp sư chỉ bảo thì trong các cách trên đây nhất nhất phải thấu hiểu. Nếu không thấu hiểu sự đúng sai và tội nặng nhẹ của giới pháp đại thừa, không lý giải đệ nhất nghĩa đế, tập chủng tánh, trưởng dưỡng tánh, bất hoại tánh, đạo chủng tánh, chánh pháp tánh, trong tất cả các tánh của Bồ tát vị như vậy không thấu rõ quán hạnh nhiều ít và ra vào như thế nào, cho đến mười thành phần thiền định và bao nhiêu pháp hạnh khác, cũng nhất nhất không thấu hiểu nghĩa ý trong đó; mà, là Bồ tát, lại vì quyền lợi, vì danh vọng, vì ham hố đồ đệ với tâm lý ham cầu xấu xa và quá đáng, làm ra như thấu hiểu tất cả, thì ấy là tự lừa dối mình lại lừa dối kẻ khác. Vậy mà cố ý truyền Bồ tát giới cho người thì phạm tội khinh cấu.
42. Không được thuyết giới ác nhân
Phật tử thì không được vì quyền lợi mà nói giới pháp vĩ đại của hàng ngàn Đức Phật trước những kẻ chưa thọ giới Bồ tát giới, những kẻ ngoại đạo và ác nhân. Trước những kẻ phủ nhận Phật tánh cũng không được nói. Trừ quốc vương, không được nói với ai cả. Những kẻ ngoại đạo và ác nhân không lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì như loài vật, đời đời sinh ra ở đâu cũng không gặp được Phật pháp tăng, như cây như đá không có tâm hồn, nên gọi là ngoại đạo và ác nhân. Còn những kẻ phủ nhận Phật tánh thì khác gì đầu gỗ. Là Bồ tát mà trước những kẻ như vậy nói đến giáo pháp và giới pháp của bảy đức Phật đà thì phạm tội khinh cấu.
43. Không được cố tâm phạm giới
Phật tử nếu đã đem đức tin đại thừa mà xuất gia và lãnh thọ giới pháp chính yếu của chư Phật rồi, lại cố ý sinh tâm vi phạm giới pháp phát sinh tuệ giác vô lậu như vậy, thì không nên nhận mọi sự hiến cúng của thí chủ, không đáng đi đất của quốc gia, uống nước của quốc gia. Cả năm ngàn quỉ dữ thường án trước mặt kẻ ấy mà bảo với nhau, rằng đó là tên giặc lớn. Vào phòng ốc, thành thị, thôn ấp, nhà cửa, thì bọn quỉ thường quét dấu chân của người ấy đi. Thế nhân ai cũng nhục mạ, rằng đó là tên giặc trong Phật pháp. Chúng sinh không ai muốn nhìn. Kẻ phạm giới có khác gì loài vật, đầu gỗ. Nếu cố ý vi phạm giới pháp chính yếu của chư Phật thì phạm tội khinh cấu.
44. Không được không trọng kinh luật
Phật tử thì thường phải nhất tâm mà thọ trì đọc tụng kinh luật đại thừa, lột da làm giấy, thích huyết làm mực, rút tủy làm nước, chẻ xương làm bút, để sao chép giới pháp của chư Phật. Lại sao chép mà giữ bằng giấy vỏ cây như giấy gió, giấy dạ, bằng lụa, lụa trắng, lụa tơ trần, bằng thẻ tre. Rồi thường đem bảy thứ quí báu, hay những thứ tạp ngọc vô giá, thơm và đẹp, làm hộp làm đãy mà tôn trí kinh luật đại thừa ấy. Nếu không hiến cúng đúng cách như vậy thì phạm tội khinh cấu.
45. Không được không có giáo hóa
Phật tử thì tâm đại bi phải thường xuyên nổi dậy, khi vào những nơi thành thị, thôn ấp hay nhà cửa, thấy bất cứ ai cũng đều nói lên như thế này: các người nên lãnh thọ ba qui y và mười giới pháp. Nếu thấy tất cả cầm thú thì bất cứ bò ngựa heo dê, đều nên tâm nghĩ miệng nói như sau : cầm thú các con, các con nên phát bồ đề tâm. Là Bồ tát thì đến bất cứ chỗ nào, dầu là núi non, rừng rú hay khe suối, đồng nội, cũng làm cho hết thảy chúng sinh phát bồ đề tâm. Nếu Bồ tát mà không giáo hóa chúng sinh như vậy thì phạm tội khinh cấu.
46. không được thuyết không đúng phép
Phật tử thì thường đi giáo hóa với tâm niệm đại bi mà mình thường phát khởi. Nhưng, dẫu vào nhà tín đồ hay nhà quyền quí, đối với bất cứ tập thể nào, người xuất gia cũng không được đứng mà thuyết pháp cho người tại gia. Phải ngồi lên chỗ cao, ở trước mặt họ. Pháp sư tỷ kheo thì dẫu thuyết pháp cho cả bốn chúng, cũng không được đứng đất mà nói. Khi thuyết pháp thì vị pháp sư phải được mời ngồi chỗ cao, hương hoa hiến cúng; còn bốn chúng thính giả thì ngồi chỗ thấp, bằng ý niệm như hiếu thuận đối với cha mẹ mà kính thuận những lời giáo huấn của vị pháp sư, lại kính thuận liên tục như các đạo sĩ thờ lửa giữ lửa không tắt. Nếu người thuyết pháp mà thuyết không đúng phép như vậy thì phạm tội khinh cấu.
47. không được kềm chế phi lý
Phật tử như quốc vương, thái tử, bách quan hay bốn bộ, đã đem đức tin đại thừa lãnh thọ giới pháp của chư Phật rồi, lại tự thị quyền quí cao sang mà phá hoại giáo pháp và giới pháp của Như lai, bằng cách đặt ra qui chế để kềm chế bốn bộ đệ tử của Như lai, không cho họ xuất gia, hành đạo, cũng không cho họ tạo lập hình tượng, chùa tháp và truyền bá kinh luật. Lại đặt chức thống quản để chế ngự chư tăng, lập sách tịch để kiểm kê chư tăng. Tỷ kheo bồ tát thì để cho đứng đất, bạch y cư sĩ lại tự ngồi chỗ cao, làm nhiều điều phi chánh pháp, tạo thành tình trạng như bắt binh nô thờ chủ. Nhưng tỷ kheo bồ tát chính là bậc để cho mọi người kính trọng, có đâu lại bị đem làm kẻ sai sử cho quan quyền một cách trái với giáo pháp, trái với giới pháp. Nếu hàng quốc vương bách quan đã đem tâm lý tốt đẹp lãnh thọ giới pháp của chư Phật rồi, thì đừng làm những tội lỗi phá hoại Tam Bảo như vậy. Nếu cố ý làm những biện pháp phá hoại Tam Bảo thì phạm tội khinh cấu.
48. Không được phá hoại đạo pháp
Phật tử nếu đã đem tâm lý tốt đẹp mà xuất gia rồi, lại vì danh vọng và quyền lợi nên trước mặt quốc vương và bách quan, nói về giới pháp của chư Phật mà lại nói một cách rất phi lý, làm cho các vị tỷ kheo tỷ kheo ni và những người thọ Bồ tát giới bị trói buộc bằng những hình thức lao tù, những biện pháp quân dịch. Như thế đó là con sâu trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, không phải con sâu ở ngoài: chính những kẻ Phật tử như trên tự phá Phật pháp, không phải ngoại đạo ma vương mà phá được. Nên người lãnh thọ giới pháp của chư Phật thì phải ái hộ giới pháp ấy như người mẹ thương đứa con một, như người con thờ cha mẹ, không được vi phạm. Là Bồ tát thì khi nghe cái tiếng của ngoại đạo và ác nhân đem lời nói ác phỉ báng phá hoại giới pháp của chư Phật, lúc ấy khác nào tim mình bị ba trăm mũi nhọn đâm vào, thân mình bị ngàn lưỡi dao vạn cây gậy đánh đập chém chặt. Thà là chính mình vào trong địa ngục cả trăm kiếp, chứ không muốn một lần phải nghe cái tiếng của kẻ ác đem lời ác phỉ báng phá hoại giới pháp của chư Phật, huống chi tự phá hoại giới pháp của chư Phật bằng cách tạo điều kiện khuyến khích kẻ khác phá hoại Phật pháp, không còn gì gọi là tâm hiếu thuận. Nếu cố ý làm như vậy thì phạm tội khinh cấu.
Chín giới pháp nhẹ như vậy, các người phải học, phải cung kính phụng trì.
Các Phật tử, bốn mươi tám giới pháp nhẹ như trên đây, các người hãy thọ trì như chư Bồ tát quá khứ đã tụng, chư Bồ tát vị lai sẽ tụng, chư Bồ tát hiện tại đang tụng.
Kết Thúc Về Phần Bồ Tát Giới - Phần Giới Pháp Vô Tận
Các Phật tử, hãy nghe cho kỹ Giới pháp gồm có mười điều nặng và bốn mươi tám điều nhẹ như trên đây, các Đức Phật đà trong ba thì gian đã tụng sẽ tụng và đang tụng. Như Lai nay cũng tụng y như vậy. Đại chúng các người, không cứ quốc vương, vương tử, bách quan, tỷ kheo, tỷ kheo ni, thiện nam, tín nữ, hễ lãnh thọ Bồ tát giới thì phải thọ trì, đọc, tụng, giảng thuyết và viết chép đối với cuốn kinh nói về giới pháp của Phật tánh thường trú, truyền bá cho chúng sinh trong tất cả thì gian, làm cho sự cảm hóa của giới pháp này được liên tục mãi, không bao giờ đứt đoạn. Như vậy thì các người sẽ được thấy ngàn Đức Phật, Đức Phật nào cũng trao tay cho, đời đời không sa vào đường dữ, tám nạn, thường sinh trong nhân loại hay chư thiên. Và như vậy là hôm nay, ở dưới cây bồ đề này, Như Lai đã tóm tắt khai thị giới pháp của cả bảy Đức Phật. Đại chúng các người hãy nhất tâm mà học giới pháp ấy, và hoan hỉ mà phụng hành, như Như Lai đã nhất nhất khai thị phong phú trong phần Khuyến học của phẩm Vô tướng thiên vương. Bấy giờ ba ngàn người học tập Bồ tát đạo trong số thính giả hiện diện lúc ấy, nghe Đức Thế Tôn tự tụng lại giới pháp như vậy, ai cũng tâm tâm kính thuận, hoan hỉ phấn chấn mà thọ trì.
Kết Thúc Toàn Bộ Phẩm Bồ Tát Tâm Địa Giới - Phẩm Pháp Môn Tâm Địa
Bấy giờ Đức Thích Ca Mâu Ni nói xong phần Giới pháp vô tận trong phẩm Pháp môn tâm địa của Đức Bản Thân Lô Xá Na ở Hoa tạng thế giới đã nói, thì một ngàn và một ngàn lần trăm ức Đức Thích Ca khác cũng nói y như vậy. Sự từ cung Đại tự tại thiên vương xuống đến cây bồ đề, trải qua mười chỗ thuyết các pháp phẩm cho hết thảy Bồ tát, và cho đại chúng nhiều đến số lượng không thể nói hết, được thọ trì, đọc tụng và giảng nói, cũng như nhau. Nói tóm, một ngàn và một ngàn lần trăm ức thế giới, Hoa tạng thế giới, và các Hoa tạng thế giới khác nhiều như vi trần, cũng diễn về tất cả kho tàng chánh pháp của chư Phật là kho tàng tâm, kho tàng địa, kho tàng giới, kho tàng vô lượng hạnh nguyện, kho tàng nhân quả Phật tánh thường trú. Và như vậy là Chư Phật đã nói hoàn tất về tất cả kho tàng chánh pháp. Hết thảy chúng sinh trong một ngàn và một ngàn lần trăm ức thế giới đều thọ trì, hoan hỉ và phụng hành. Nếu khai thị một cách rộng lớn các nghĩa tướng của tâm địa thì phải như trong phẩm Phật hoa quang vương đã nói.
            Phụ Lục Kết Thúc Bồ Tát Giới Bằng Văn Chỉnh Cú
Những người thông minh thật 
Thì đức tính nhẫn nhịn 
Và khả năng tuệ giác 
Cả hai đều mạnh mẽ 
Nhờ đó thọ trì được 
Giới pháp Bồ tát này 
Từ nay đến thành Phật 
Thường được năm lợi ích 
Một là được chư Phật 
Thương tưởng hộ trì luôn 
Hai là khi lâm chung 
Chánh kiến, tâm hoan hỉ
Ba là sinh chỗ nào 
Cũng làm bạn Bồ tát
Bốn là công đức tụ 
Giới độ thành tựu cả 
Năm là trong đời này 
Và các đời sau nữa 
Đủ cả phước và tuệ 
Của giới pháp tự tánh
Giới pháp như thế này 
Là sở hành của Phật
Với chỗ sở hành ấy 
Trí giả hãy khéo nghĩ 
Tâm hạnh như ngoại đạo 
Trước tướng và chấp ngã 
Thì giới pháp như vầy 
Không thể nào tín thọ
Tuệ giác của thanh văn 
Diệt tận chứng niết bàn 
Cũng không phải là chỗ 
Gieo giống giới pháp này 
Muốn nuôi lớn mầm mống 
Lúa tuệ giác bồ đề 
Để ánh sáng tuệ ấy 
Chiếu tỏa cả thế gian 
Thì cần phải thường xuyên 
Yên tịnh tâm trí mình 
Mà quán sát thật tướng 
Của tất cả các pháp 
Siêu việt mọi khái niệm 
Đối lập nhau như sau 
Phát sinh với tiêu diệt 
Vĩnh cửu với hư vô 
Đồng nhất với mâu thuẫn 
Xuất hiện với biến dạng 
Bằng sự quán sát ấy 
Nỗ lực mà trang hoàng 
Việc Bồ tát phải làm 
Phải tuần tự học tập
Với tất cả các vị 
Tu học còn tiếp tục 
Tu học đã hoàn tất 
Đừng sinh tâm phân biệt 
Thì đó : đệ nhất nghĩa
Cũng gọi là đại thừa
Mọi hý luận lầm lỗi 
Đều bặt dấu ở đây 
Và từ đây xuất phát 
Trí toàn giác của Phật
Thế nên các Phật tử 
Hãy nổi đại dũng mãnh 
Đối với giới của Phật 
Giữ như giữ ngọc sáng 
Các bồ tát quá khứ 
Đã học về giới ấy
Vị lai thì sẽ học
Như hiện tại đang học 
Giới ấy chư Phật làm
Giới ấy chư Phật khen 
Và tôi hôm nay đây 
Đã kính theo chư Phật 
Mà tụng lại giới pháp 
Phước đức vô lượng ấy
Hồi hướng cho chúng sinh 
Để cùng nhau xoay về 
Trí toàn giác của Phật
Cầu nguyện cho các vị 
Được nghe giới pháp này 
Chóng thành đạt trí Phật
Kính lạy Đức Lô Xá Na Như Lai,
Kính lạy Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai,
Kính lạy Kho Tàng Bồ Tát Giới Phạm Võng.
--o0o--