-
CƯƠNG YẾU GIỚI LUẬT
-
Thích Thiện Siêu
-
---o0o---
-
Chương 05
-
Cương
Yếu Giới Luật,
Phần 01 - 29
- 01. Tập Tăng tác.
- 02. Thứ hậu tác.
- 03. Kiết-ma phi
tướng.
- 04. Dự dục.
- 05. Nhận dự dục.
- 06. Dự dục không
thành.
- 07. Kiết đại giới
bên Tăng và bên Ni.
- 08. Xuất gia thọ
giới.
- 09. Tỳ-Kheo.
- 10. Đời sống A-la-hán.
- 11. Hòa thượng.
- 12. Y chỉ.
- 13. Nên học và
không nên học.
- 14. A-xà-lê.
- 15. Nguyên nhân
thuyết giới.
- 16. Bố-tát.
- 17. Mục đích Bố-tát.
- 18. Trung gian
Bố-tát.
- 19. Cách thuyết
giới.
- 20. Già thuyết giới.
- 21. Không đủ tư
cách ngăn thuyết giới.
- 22. Đủ tư cách ngăn
thuyết giới.
- 23. Triển ngày
thuyết giới.
- 24. An cư.
- 25. Tiền An cư, Hậu
An cư.
- 26. Thọ nhật.
- 27. Tự tứ.
- 28. Cầu thính.
- 29. Y đệ ngũ luật
sư.
-
01- Tập Tăng
tác
- Trong
các pháp kiết-ma đó có loại kíết-ma tập Tăng tác, tức khi tập Tăng
làm kiết-ma liền. Ví dụ như thọ giới, kiết giới, nhưng trừ hai
trường hợp là Tự tứ và thuyết giới.
-
02- Thứ hậu tác
- Thứ
hậu tác là gì?.
- -
Trước khi thuyết giới, Tự tứ, phải có một ngày dự bị tập chúng để
kiểm điểm chúng Tăng có thanh tịnh không. Nếu ai có lỗi thì phải lo
sám hối trước để ngày mai được thanh tịnh mà kiết-ma Tự tứ, thuyết
giới, gọi là kiết-ma thứ hậu tác.
- Tổ
chức Tự tứ, nhiều khi làm luộm thuộm quá nên kết quả không được như
ý, nhất là khâu tập chúng mà lộn xộn thì trái lời Phật chế. Ngũ phần
luật có nói:
- -
“Muốn thuyết giới, muốn Tự tứ mà Tăng bất hòa, thì trước khi thuyết
giới, Tự tứ, Tăng phải giải hòa đã, vì việc thuyết giới, Tự tứ là
việc chính yếu của Phật chế, Tăng không dám giải tán”. (Dục thuyết
giới Tự tứ, như Tăng bất hòa, ưng tại thuyết giới Tự tứ chi tiền hòa
giải, dữ thuyết giới Tự tứ do Phật chế chi chánh yếu, Tăng bất cảm
giải tán).
- Nếu
đến khi thuyết giới, Tự tứ mà giải tán là trái với chính yếu của
Phật. Có người nói rằng, Tăng bất hòa mãi thì không thuyết giới,
không Tự tứ được, như vậy mãi sao? Thuyết giới Tự tứ cốt là hòa, nếu
không hòa thì làm sao mà thuyết? Tăng hòa ở đây chủ yếu là không có
bốn việc: ngôn tránh, mích tránh, phạm tránh, sự tránh (như đã nói ở
đoạn trước). Tăng bất hòa mà không giải thì thuyết sao được? Nên
phải hiểu cái nào chính cái nào phụ, cái nào trước cái nào sau;
không lấy cái khinh mà làm cái trọng được.
- Tóm
lại, mục đích thuyết giới cốt để nhắc lại sự trì giới, và cơ bản là
trì giới, còn thuyết giới là phụ, để hỗ trợ thêm, như cây mà mình
tưới thêm nước. Cây vốn phải sống mới tưới nước, còn không sống thì
tưới làm gì? Thành tưới nước không quan trọng bằng cây sống. Thuyết
giới là để hỗ trợ cho giới nên gọi là trưởng tịnh. Giới có tịnh thì
mới trưởng, tức thêm phân cho mau tốt.
Tóm lại, muốn kiết-ma phải có bốn điều kện là pháp, nhân,
sự và xứ. Pháp là nguyên tắc, thủ tục, phương thức kiết-ma như đơn
bạch, bạch nhị, bạch tứ. Nhân là điều kiện về nhân sự, nghĩa là nhân
số phải đủ. Ví dụ, thọ đại giới ở nơi đông Tăng (trung quốc) phải đủ
10 vị, ở chỗ ít Tăng (biên địa) 5 vị. Sự là kiết-ma về việc gì. Xứ
là kiết-ma phải làm trong một giới vức nhất định làm khác là sai,
gọi là kiết-ma phi tướng, tức kiết-ma không đúng cách.
-
03- Kiết-ma
phi tướng
- Là
kiết-ma không đúng cách. Có 7 cách kiết-ma phi tướng:
- 1-
Kiết-ma phi pháp, phi Tỳ-ni:
- - Chữ
Tỳ-ni là Luật, nên hiểu đó là phi pháp, phi luật. Trong lời di giáo
của Phật có nói: “Nay Ta để Pháp và Luật cho các ngươi thọ trì (nghĩa
chung). Thế nào gọi là phi Pháp, phi Tỳ-ni? Kiết-ma không đúng cách,
đáng bạch tứ lại bạch nhị, hoặc kiết-ma trước bạch sau, đó gọi là
phi pháp. Một hai người truyền giới cho người khác, hoặc Tăng bốn
người truyền cho bốn người, đó gọi là phi Tỳ-ni. Ví dụ như khi thọ
đại giới, mà một, hai, ba hoặc bốn người thọ cho một người trở lên,
thì dù có làm kiết-ma truyền thọ cũng không thành. Vì nếu biên địa
phải có 5 Tăng (trong đó 1 vị kiết-ma còn 4 biểu quyết). Ở Trung
Quốc, phải có 10 vị mới đúng. Hoặc như 5 người truyền giới cho 4
giới tử cũng bất thành, vì 4 người là thành Tăng, không lý Tăng
truyền giới cho Tăng. Tăng chỉ được trao giới cho từng vị, chứ không
thể cùng lúc trao giới cho 4 người. Do vậy, giới đàn chỉ lần lượt
trao giới cho một đến 3 giới tử. Ba vị cũng là phương tiện, chưa
đúng Luật lắm, vì mỗi lần truyền giới, là như ở đời bà mẹ sinh ra
một đứa con, không thể trong một hai giờ mà sinh đẻ quá 3 đứa con.
Đúng lý nhất, phải truyền cho một người mà thôi.
- Ngày
xưa Đức Phật thấy ai có đủ điều kiện thì cho thọ giới, chứ không cần
tổ chức một giới đàn thật lớn. Tổ chức thọ giới rầm rộ có cái lợi về
lượng, và cũng làm cho nhiều người hộ giới xem đàn mà phát tâm;
nhưng cũng có cái hại về phẩm. Vì trong một giới đàn lớn, thường có
nhiều người nhân cơ hội cũng thọ cho luôn: mặc dù chưa đủ tư cách.
- Cử tội
Tỳ-kheo thì phải là Tăng cử, không cá nhân nào có quyền kết tội cá
nhân nào. Ba người cũng không được kết tội, mà phải đủ chúng bốn
người trở lên. Nêu tội, thì có thể một người nêu, nhưng xét tội và
kết tội thì phải là chúng Tăng mới xét và kết tội được. Cũng vậy,
chỉ có Tăng 5 người, mười người mới truyền giới cho người khác, chứ
cá nhân không truyền đại giới được.
2- Phi pháp biệt chúng kiết-ma:
- - Thế
nào gọi là phi pháp biệt chúng? Nghĩa là bạch việc này mà kiết-ma
việc khác. Biệt chúng là tách ra khỏi chúng. Đáng bạch nhị mà bạch
tứ, là phi pháp. Thế nào gọi là biệt chúng? Trong chúng có bao nhiêu
người, kiết-ma cần bao nhiêu, thì phải có mặt đủ; nếu vắng mà không
dữ dục là biệt chúng. Người đáng đến không đến, cũng gọi là biệt
chúng. Nếu có duyên sự Tam Bảo thì phải dữ dục, không dữ dục là biệt
chúng.
- 3- Phi
pháp hòa hợp kiết-ma:
- - Ví
dụ, người nào cần có mặt thì có mặt, người nào vì duyên sự Tam Bảo
thì dữ dục. Người có mặt thì hòa hợp nhất trí, chứ không có sự bất
hòa, gọi là hòa hợp chúng. Hòa hợp Tăng là một sự hòa hợp triệt để,
mười người như một, dù có một người có mặt, mà tâm không hòa cũng
bất thành, chứ không phải thiểu số phục tùng đa số. Tuy chúng hòa
hợp mà kiết-ma lại phi pháp.
- 4- Như
pháp biệt chúng kiết-ma:
- - Là
kiết-ma đúng như pháp nhưng lại biệt chúng thì cũng thành phi tướng.
- 5-
Pháp tương tợ biệt chúng kiết-ma:
- - Đáng
ra bạch rồi mới kiết-ma, đằng này kiết-ma rồi mới bạch, thế là lộn
ngược, gọi là tương tợ như pháp (có bạch đàng hoàng mà biệt chúng,
nên thành phi tướng).
- 6-
Pháp tương tợ hòa hợp chúng kiết-ma:
- - Đáng
tiên bạch hậu kiết-ma, lại tiên kiết-ma hậu bạch.
- 7- Bị
giá như bất chí kiết-ma:
- - Khi
kiết-ma thọ giới, một trong 10 vị (thập sư) ngăn không cho thọ, đúng
Luật là không được thọ, nhưng chín ông còn lại vẫn kiết-ma cho thọ,
thì đó là kiết-ma phi pháp. Trong Luật không phải lấy thiểu số phục
tùng đa số, mà là phải hòa hợp triệt để 100 phần trăm mới hợp lệ.
- Vậy
muốn kiết-ma cho đúng pháp, phải tránh 7 điều phi pháp trên. Ngoài
ra còn 7 việc phi pháp nữa trong kiết-ma:
- 1-
Nhân phi:
- -
Trong số người tới dự kiết ma mà có lỗi. không chịu sám hối; hoặc
nghi có tội mà không phát lộ, hoặc ở trong một giới mà biệt chúng;
hoặc không ngăn những người bị bất kiến cử, bất thọ hối cử và ác
kiến bất xả cử; ba hạng này không được dự vào, không được thuyết
giới... thế mà trong khi kiết-ma không mời họ ra là nhân phi.
- 2-
Pháp phi:
- - Ví
dụ, 3 vị trở xuống mà vẫn đơn bạch kiết-ma là pháp phi (3 người là
đối thú chứ không đơn bạch).
- 3- Sự
phi:
- - Làm
không đúng thời. Ví dụ, mới tới ngày thứ 12 đã Tự tứ là sự phi. Chỉ
kiết-ma lược Tự tứ khi gặp nạn. Bình thường mà lược Tự tứ cũng là
phi.
- 4-
Nhân pháp phi:
- - Trên
là nhân phi pháp phi, đây nhân và sự đều phi.
- 5-
Pháp sự phi:
- - Trên
pháp phi riêng, sự phi riêng, bây giờ pháp và sự đều phi.
- 6-
Nhân pháp sự giai phi:
- - Ba
thứ cùng phi một lần.
- Những
trường hợp sau đây cũng gọi là phi pháp phi Tỳ-ni. Ví dụ: Có một
Tỳ-kheo tự thấy không phạm, khi được các Tỳ-kheo khác hỏi, thầy nói
không thấy mà Tăng vẫn kiết-ma cử tội gọi là bất kiến cử; đương sự
không thấy tội không sám hối, Tăng vẫn kiết-ma cử tội bất sám gọi là
bất hối cử. Các Tỳ-kheo bắt phải bỏ ác kiến, nên không có gì phải bỏ,
vậy mà Tăng vẫn kiết-ma cử tội ác kiến bất xả, gọi là ác kiến bất xả
cử. Kiết-ma như vậy gọi là kiết-ma phi pháp phi luật.
- Ngược
lại, có Tỳ-kheo không thấy có tội mà Tỳ-kheo nói có, thầy cũng sám
hối xin bỏ, thì cũng gọi là phi pháp phi luật. (Khác với Tỳ-kheo
Xiển-đà có tội mà nói không có).
-
04-
Dữ dục
- Muốn
đừng mắc tội biệt chúng thì trong một đại giới, chúng Tăng có bao
nhiêu Tăng số, khi thuyết giới phải có mặt đầy đủ con số ấy. Người
nào có duyên sự phải vắng mặt, như vì Tam Bảo sự duyên, phụ mẫu sự
duyên hay lý do chính đáng thì phải dữ dục. Dữ dục là mình gởi ý
muốn của mình đến với buổi thuyết giới đó. Khi dữ dục thì nói, ngày
nay chúng Tăng thuyết giới, tôi xin dữ dục như pháp Tăng hay như
pháp Tăng sự kiết-ma. Nếu dữ dục, khi thuyết giới, Tự tứ thì phải
nói đủ là tôi xin dữ dục thanh tịnh, hoặc dữ dục Tự tứ. Ý nghĩa của
việc dữ dục là: Tôi tuy vắng mặt, nhưng Tăng làm gì tôi xin đồng
tình hết. (lưu ý về chữ thanh tịnh và chữ Tự tứ. Thanh tịnh là nói
khi thuyết giới, chữ Tự tứ nói trong khi Tự tứ. Còn các trường hợp
khác, kiết-ma thì không dùng đến). Tất cả mọi kiết-ma đều được phép
dữ dục, chỉ trừ kiết-ma kiết giới là không được phép dữ dục. (Kiết
giới không được phép dữ dục vì cần có mặt để biết giới trường ngang
đâu mà thi hành, còn vắng mặt thì làm sao mà biết được).
-
05- Nhận dữ
dục
- Một
người có thể nhận lãnh cho một vị hay nhiều vị dữ dục cũng được,
miễn là người đó đủ sức nhớ tên của người gởi, chứ không bắt buộc
một người chỉ nhận cho một người dữ dục.
Đến ngày thuyết giới hoặc Tự tứ mà vì có lý do chính
đáng, không đến thì dữ dục người khác rằng: Bạch Đại đức, hôm nay
chúng Tăng thuyết giới (hoặc Tự tứ), tôi xin dữ dục như pháp thanh
tịnh (hoặc dữ dục như pháp Tự tứ). Người nhận dục, khi đến ngày
thuyết giới hoặc Tự tứ, nghe vị yết-ma hỏi thì ra giữa chúng mà
thuyết dục như người kia đã dữ dục.
-
06-
Dữ dục không thành
- Có 5
trường hợp dữ dục không thành:
- 1-
Cách đêm mà dữ dục. Ngày mai mới Bố-tát, tối nay gởi trước, không
thành.
- 2- Đi
ra ngoại giới mà dữ dục. Đã ở ngoại giới thì gởi làm gì nữa, chỉ
đang ở trong đại giới mới dữ dục.
- 3-
Tăng dữ dục cho Ni hay gởi cho cư sĩ không thành. Ni dữ dục cũng vậy.
4- Dữ dục rồi hoàn tục coi như không.
- 5- Dữ
dục rồi lại đến, đến lại đi, không thành.
-
07-
Kiết đại giới bên Tăng và bên Ni
- Về đại
giới, khi Tăng đã kiết rồi, Ni có thể kiết chồng lên mà đại giới của
Tăng vẫn không mất. Ngược lại, khi Ni đã kiết đại giới rồi mà Tăng
kiết đại giới chồng lên cũng không mất đại giới của Ni–vì Tăng kiết
đại giới, Ni không biết. Tóm lại, bên nào kiết thì bên đó biết, chứ
không có tiết lộ cho nhau biết, nên bên nào cũng được yên ổn hết.
-
08-
Xuất gia thọ giới
- Những
người đầu tiên đi xuất gia với Phật, Ngài chỉ gọi “Thiện lai Tỳ-kheo”
là thành Tỳ-kheo rồi. Còn Sa-di đi tu đầu tiên là La-Hầu-La và Tôn
giả Xá-Lợi-Phất được sai làm Hòa thượng truyền giới cho La-hầu-la.
Sau La-hầu-la, cũng có nhiều em bé đi xuất gia. Có một lần, một vị
Tỳ-kheo lớn tuổi nhận một em bé dưới 12 tuổi cho xuất gia làm Sa-di.
Khi vị Trưởng lão đi khất thực, vị Sa-di đi theo hầu. Khi tới quán
bán bánh nào, em cũng đưa tay ra xin, làm cho các vị Tỳ-kheo thấy
xấu hỗ. Phật nghe vậy liền kêu vị Trưởng lão ấy lên quở. Ngài nói:
“Các em bé nhỏ quá, nhận cho đi xuất gia làm gì để cho thiên hạ cơ
hiềm”. Từ đó Phật không cho phép các vị Tỳ-kheo nhận các em bé dưới
12 tuổi xuất gia.
- Nhưng
có một lần, thấy một em bé dưới 12 tuổi mồ côi cả cha lẫn mẹ, đến
xin Tôn giả Xá-Lợi-Phất xuất gia. Tôn giả không nhận vì đã có lệnh
của Thế Tôn. Tuy nhiên, do từ tâm đối với em bé mồ côi này, nếu
không nhận, em có thể gầy mòn và chết, do vậy Tôn giả đến cầu xin
với Phật. Phật hỏi em có đuổi quạ được không? (Ở Ấn Độ có tục lệ
điểu táng nên quạ sinh sôi nảy nở vô số kể). Em có ăn một bữa được
không? Em có giữ được một số giới không? v.v... Tôn giả bạch Ngài là
hy vọng em có thể giữ được. Ngài đồng ý và bảo Tôn giả Xá-Lợi-Phất
độ cho em bé ấy xuất gia làm Sa-di đuổi quạ (khu ô Sa-di). Khu ô là
chữ của nhà Phật. Sau này các vị Tổ mới thêm hình đồng Sa-di, là tuy
có mặc áo chùa nhưng chưa có giới pháp nào cả, vì còn nhỏ, rồi đến
Pháp đồng Sa-di, là có thọ 10 giới. Trường hợp đủ 20 tuổi, căn cơ đủ,
thì có thể cho thọ Sa-di và sau đó thọ Tỳ-kheo liền cũng đúng Luật.
Cũng có trường hợp ngoại đạo xin xuất gia, tùy từng trường hợp cụ
thể và hoàn cảnh mà ấn định ngày cho thọ giới. Người tuổi đã 70 thì
dứt khoát không cho thọ Tỳ-kheo. Một vị Tỳ-kheo được phép 7 lần tu
lại nếu họ xả giới đàng hoàng. Về phía bên Ni, khi đã xả giới rồi
thì không được tu lại. Khi thọ giới phải đủ thủ tục, nhưng khi xả
giới thì chỉ cần một câu rằng “tôi nay xin xả giới Cụ túc (hay không
làm Sa-môn)” là đủ, bất cứ nói với ai mà họ nghe và hiểu. Thọ giới
rất khó, như trèo lên cây rất công phu, nhưng khi xả giới thì như từ
trên cây tuột xuống đất rất dễ.
-
09-
Tỳ-kheo
-
Tỳ-kheo, chữ Phạn là Bhiksu, có nghĩa là thành tựu trọn vẹn. Trung
Hoa dịch là cận viên (gần tới Niết-bàn, tức gần viên tịch) hay bước
lên chỗ cao (Upasampada). Upa: gần gũi ở trên; sampada: đến nơi,
thành tựu trọn vẹn.
-
10-
Đời sống A-la-hán
- Đời
sống A-la-hán có 4 sự thanh tịnh:
- 1-
Được giới thanh tịnh.
- 2- Lục
căn thanh tịnh.
- 3-
Mạng sống thanh tịnh.
- 4-
Niệm thanh tịnh.
- Có
người tưởng nhầm là phải do ít ăn, ít ngủ hay có thể bay lên trời,
chui xuống đất mới gọi là A-la-hán. Nếu thế thì Tôn giả Xá-Lợi-Phất
có bay đâu mà cũng thành A-la-hán.
-
11-
Hòa thượng
- Một
người thọ giới rồi mà không có đủ 5 điều kiện sau đây thì suốt đời
phải y chỉ nơi một vị thầy Hòa thượng hay A-xà-lê:
- 1-
Không biết thế nào là phạm giới.
- 2-
Không biết thế nào là không phạm giới.
- 3-
Không biết thế nào là phạm khinh.
- 4-
Không biết thế nào là phạm trọng.
- 5-
Không biết tụng giới bổn Tỳ-kheo.
- Vị
thầy y chỉ là A-Xà-Lê hay Hòa thượng. Chữ Hòa thượng là một từ của
Tây vức (Tây Trung Quốc như Quy Tư, An Tức... ngày trước khi chưa rõ
địa dư, người ta gọi Ấn Độ là Thiên Trúc, còn Iran hay An Tức quê
Ngài An Thế Cao, thuộc Tây vức). Hòa thượng là người giám hộ trực
tiếp cho đệ tử. Có 3 bậc Hòa thượng:
- 1- Hòa
thượng thế độ.
- 2- Hòa
thượng truyền giới.
- 3- Hòa
thượng y chỉ.
- Hòa
thượng đủ tư cách truyền giới và làm thầy cho người khác phải có
những điều kiện sau đây:
- 1-
Phải đủ 10 hạ lạp.
- 2-
Biết trì, phạm, khinh, trọng.
- 3- Có
kiến thức quảng bác.
- 4-
Giảm được những tâm tư uẩn khúc trong tâm đệ tử.
- 5- Đủ
sức đưa đệ tử lầm lạc trở về với chánh pháp, hay giải thích cho đệ
tử để phá trừ những kiến chấp sai lạc.
-
12- Y
chỉ
- Nếu
Bổn sư tịch thì có thể xin y chỉ thầy khác Hoặc thầy bỏ đạo hoàn tục,
ra ngoại giới, không cùng giới với mình nữa; hoặc đệ tử có duyên cần
đi chỗ khác ở chứ không ở cùng thầy nữa, thì có thể xin y chỉ với
một thầy khác.
- Trừ
trường hợp mình tự ý bỏ đi hay thầy không cho y chỉ mà bỏ đi, cũng
có khi cả hai bên đều muốn xa nhau nhưng không thể công bố vì lý do
nào đó, thì có thể bên thầy hay trò ra khỏi ngoại giới một đêm cho
đến khi bình minh xuất hiện trở về, thế là mất y chỉ. Hoặc lên giới
trường ngủ một đêm cũng mất y chỉ.
-
13-
Nên học và không nên học
- Có 4
trường hợp:
- 1-
Thầy có pháp, có thực. Pháp là giới, định, luệ. Thực là khất thực dễ
dàng.
- 2-
Thầy có pháp, không có thực: có dạy dỗ nhưng khất thực không dễ dàng.
- 3-
Thầy có thực, không có pháp: khất thực dễ dàng nhưng không ai dạy dỗ.
- 4-
Thầy không pháp, không thực: không có ai dạy dỗ và khất thực cũng
không dễ dàng.
-
14-
A-Xà-Lê
- A-Xà-Lê
dịch là quỹ phạm sư, tức là vị thầy mô phạm, gương mẫu. Có 5 hạng A-Xà-Lê:
- 1-
Thầy khi xuất gia, tức thầy cho mình xuất gia.
- 2-
Thầy truyền Đại giới, làm kiết-ma thọ giới cho mình.
- 3-
Thầy giáo thọ, làm giáo thọ cho mình thọ đại giới.
- 4-
Thầy dạy kinh: dạy kinh cho mình dù chỉ là 4 câu kệ.
- 5-
Thầy y chỉ: dù chỉ cho mình trong một đêm cũng là A-Xà-Lê.
- Khi đệ
tử đã thọ giới rồi thì phải học hỏi và thuyết giới.
-
15-
Nguyên nhân thuyết giới
- Nguyên
do có sự thuyết giới là vì lúc đầu Phật chưa thuyết giới. nhưng
ngoại đạo phạm chí tập họp một tháng 3 lần để thầy trò tập hợp gặp
gỡ sinh hoạt vui vẻ và tín đồ vui tụ cúng dường hoan hỉ. Vua Bình Sa
thấy thế về bạch Phật. Phật cho phép các Tỳ-kheo một tháng 2 lần gặp
gỡ nhau. Lúc đầu vâng lời Phật, họ cũng nhóm họp, nhưng ai nấy đều
ngồi thiền im lặng, bị cư sĩ chê. Phật bèn dạy ngồi lại thì phải nói
pháp. Khi được phép nói pháp thì các Tỳ-kheo phải nói về kinh; khi
nói kinh thì có người nói nghĩa không nói văn, người nói văn không
nói nghĩa; người ngồi tòa cao, kẻ thích tòa thấp; trong khi đó có
người tham thiền, có người kinh hành, thậm chí có kẻ ngủ gục. Do đó
không có sự thống nhất trong Tăng chúng, trong khi đó có một số tân
Tỳ-kheo muốn học hỏi nhưng không có ai dạy dỗ, hướng dẫn. Phật biết
và dạy các vị cựu Tỳ-kheo rằng, có nhiều tân Tỳ-kheo muốn học giới,
vậy trong ngày đó phải thuyết giới cho họ nghe. Các Tỳ-kheo khi nghe
Phật dạy thì mừng quá, vì nói kinh thì lại cãi nhau về lý lẽ, ngồi
thiền thì hay ngủ gục, thôi thì thuyết giới là gọn nhất.
-
16- Bố-tát
- Từ đó
chư Tăng, Ni mỗi tháng 2 lần thuyết giới, còn gọi là Bố-tát. Chữ
Bố-tát dịch từ tiếng Phạn là Uposatha; nghĩa là ngày tịnh trú,
trưởng dưỡng, trưởng tịnh. Ngày Bát-quan trai của cư sĩ cũng gọi là
Uposatha.
-
17-
Mục đích Bố-tát
- Mục
đích Bố-tát thuyết giới là nhắc nhở nhau về giới pháp để tu hành,
gọi là trưởng tịnh. Tăng không An cư chỉ phạm tội Đột-kiết-la. Ni
không tiền An cư, phạm Đột-kiết-la, không hậu An cư phạm Ba-dật-đề .
Như vậy đủ biết phạm điều không An cư không nặng bằng phạm các giới
khác. Từ đó đã hình thành ra hai kỳ Bố-tát thuyết giới, nhưng trường
hợp không Bố-tát được thì Luật phụ có ghi (luật chính không nói)
thêm có thể trung gian Bố-tát.
-
18-
Trung gian Bố-tát
- Nếu có
những nạn duyên xảy ra cho Tăng, không thể giữ đúng hạn kỳ Bố-tát
thì có thể triển hạn, dời sang ngày khác. Những tai họa được kể là
do vua quan đưa đến, do đạo tặc, do lửa, do nước, do bệnh, do người,
do ma quỷ hay thú vật. Việc thuyết giới không tác pháp được trong
hai ngày theo định kỳ chính thức mà thực hiện trong khoảng giữa hạn
kỳ này với hạn kỳ sau, được gọi là trung gian Bố-tát. Trừ hai ngày
chính thức Bố-tát trong tháng và một ngày trước và một ngày sau của
hai ngày đó, những ngày còn lại gọi là trung gian. Ví dụ, nếu 15 âm
lịch phải thuyết giới, nhưng do tai họa, phải dời qua ngày 17, 18...
triển hạn lâu nhất là đến 28 hoặc 27 (nếu tháng thiếu). Nếu Bố-tát
ngày 30 bị đình chỉ thì dời qua ngày mồng 2 và lâu nhất là đến 13.
Việc thuyết giới không được tiến hành hai ngày liền nhau. Nếu hạn kỳ
chót của ngày trung gian Bố-tát chưa thực hiện được, thì việc thuyết
giới định kỳ trước sẽ hợp lại làm một với định kỳ sau.
Trường hợp chúng Tăng bất hòa mà Bố-tát thì bị
Đột-kiết-la. Trong khi Bố-tát, có khách Tăng đến thì có thể dự. Nếu
khách Tăng nói, chưa từng nghe giới, xin nói giúp. Trong khi mình
thuyết giới gần xong, thì cứ thuyết cho xong rồi nói lại cho khách
Tăng nghe, nhưng không yết-ma vấn hòa gì nữa. Thuyết giới xong có
khách Tăng đến, nếu khách Tăng tùy hỉ thì thôi, nếu không thì nên
đem ra ngoại giới thuyết cho khách Tăng nghe, vì trong một giới
trường không được thuyết hai lần cho một kỳ Bố-tát.
-
19-
Cách thuyết giới
- Có 5
cách thuyết giới:
- 1- Khi
gặp nạn chỉ thuyết bài tựa.
- 2- Chỉ
thuyết đến phần trọng giới Ba-la-di.
- 3- Chỉ
thuyết đến hết phần Tăng-tàn.
- 4- Chỉ
thuyết đến hết phần bất định.
- 5-
Thuyết trọn vẹn.
-
20- Già thuyết giới
- Nếu có
người muốn ngăn người khác thuyết giới, thì hỏi:
- - “Đã
đến bạch Thượng tọa chưa?”.
- Khi
đến bạch, vị Thượng tọa hỏi:
- -
“Thầy có đủ 5 pháp không mà muốn ngăn thuyết giới?”.
- Năm
pháp là :
- 1-
Ngăn cản cho đúng lúc, đúng thời (thời bất dĩ phi thời).
- 2- Chỉ
nói sự thật (thật bất dĩ phi thật).
- 3-
Việc ngăn đó có lợi ích không (lợi ích bất dĩ vô lợi ích).
- 4-
Phải nói lời dịu ngọt, êm ái, không hung tợn (nhu nhuyến bất dĩ thô
khoáng).
- 5-
Ngăn vì từ tâm, không phải ác tâm (từ tâm bất dĩ ác tâm).
- Tóm
lại, muốn nêu lỗi phải đúng lúc, rằng chuyện đó là thật chứ không
phải thêu dệt, có lợi cho người ta, phải nói lời ôn tồn dịu ngọt, do
lòng từ tâm mà nói. Thượng tọa khuyên người ấy rằng, nếu thấy không
đủ 5 đức thì đừng ngăn. Nếu thầy nói tôi đủ 5 đức thì tiếp tục hỏi:
- - “Vậy
đã bạch Trung tọa chưa?”.
- - “Có”.
- - “Vậy
đã bạch Hạ tọa chưa?”.
- - “Có”.
- Khi ấy
hỏi tiếp:
- -
“Người mà thầy muốn nêu lên là do phạm giới thuộc loại nào? Về kiến
hay về oai nghi? Nếu do nghe, thấy thì do ai? Nơi nào?”.
- Nếu
người kia không đáp được thì khuyên thôi đi, thầy đừng bày chuyện
phá Tăng nữa.
-
21- Không đủ
tư cách ngăn thuyết giới
- Mặt
khác, lrong bộ Căn bản Mục-đắc-ca nói: Có 12 hạng người không được
ngăn thuyết giới, Bố-tát, Tự tứ là:
- 1-
Người ngu: tức là người có ác tướng, ác ngôn, ác tác.
- 2-
Người si: tức là người không có thọ trì Tam tạng.
- 3- Vô
trí: không hiểu văn giáo của Tam tạng.
- 4-
Không thiện xảo: tức không rõ nghĩa lý trong Tam tạng.
- 5- Vô
tàm: người không có tâm hỗ thẹn.
- 6-
Người có sự hiềm khích, tức trước đây đã hiềm khích lẫn nhau, thù
oán với nhau, giờ thấy cơ hội, đem ra đấu đá lẫn nhau.
- 7-
Người ở ngoại giới nói vọng vào can ngăn.
- 8-
Người bị xả khí (ác bất kiến xả).
- 9-
Người nói lộn xộn, không đầu đuôi.
- 10-
Người xả oai nghi: đang đứng chỗ này chạy qua chỗ khác, lộn xộn.
- 11-
Người thất bổn tánh: làm những việc không đáng làm, không biết tu
giới tu luật.
- 12-
Thọ học (học trò), người đang học không có quyền ngăn chặn kiết-ma.
-
22- Đủ
tư cách ngăn thuyết giới
- Có 4
hạng người có quyền ngăn:
- 1-
Người trú bổn tánh: Tức người biết tu giới, biết làm việc đáng làm,
không làm việc không làm việc không đáng làm.
- 2-
Người nói có thứ lớp, không rối loạn.
- 3-
Người không xả oai nghi.
- 4-
Người ở nội giới, ở trong nội giới mới ngăn được, ở ngoại giới bất
thành.
-
23-
Triển ngày thuyết giới
- Ví dụ:
Ngày 15 âm lịch là ngày thuyết giới, nhưng có chúng Tỳ-kheo hay ưa
gây gỗ từ nơi khác sắp đến thì phải dời lui một ngày thuyết giới,
tức ngày 14. Ngày 14 họ tới thì lui ngày 13. Ngày 13 họ tới thì đem
ra ngoài giới kiết tiểu giới để thuyết giới. Đem ra ngoại giới mà
cũng bị phá thì bạch chúng để kỳ sau. Kỳ sau cũng bị phá nữa thì
phải cưỡng bức hòa hợp để thuyết giới.
-
24- An cư
- Lý do
An cư? Có thể tóm lại trong 2 lý do:
- 1- Lý
do thứ nhất:
- -
Trong kinh Trường A-hàm nói: Ông Đại-Điển-Tôn là tiền thân của Phật,
thiên hạ khen ông là người đức hạnh, rằng ông là người đã từng thấy
Phạm thiên, nhưng kỳ thật ông chưa thấy. Do lời thiên hạ khen nên
ông nảy ra ý định An cư để cho thật thấy Phạm thiên.
2- Lý do thứ hai:
- - Là
khi Đức Thế Tôn ở Xá-vệ, trong vườn ông Cấp-cô-độc, nghe lời than
phiền của các cư sĩ về Lục Quần Tỳ-kheo cứ đi lang bạt kỳ hồ trong
thiên hạ, không kể ngày tháng giờ giấc gì hết, nên bị thiên hạ cơ
hiềm. Các vị cư sĩ so sánh rằng, ngoại đạo cũng có 3 tháng An cư,
cũng như loài cầm thú cũng biết thời gian tránh mưa, trái lại sao
mấy thầy Tỳ-kheo đệ tử của Phật lại đi lung tung, không biết nghỉ
ngơi gì cả, lại đạp côn trùng chết lăn chiên đỏ đất. Họ cơ hiềm chê
bai. Do cơ hiềm như vậy nên Phật dạy phải An cư ba tháng.
- Vậy An
cư nghĩa là gì?.
- - An
là an tịnh nội tâm, còn cư là kỳ hạn cư trú trong suốt thời gian
nhất định nào đó. Đến ngày An cư, nếu là Tỳ-kheo thì bắt buộc ai
cũng phải thọ An cư hết. Bên Trung Hoa, ngày xưa đến ngày An cư, họ
còn áp dụng tới mức độ phát thẻ hành trù tức thẻ phát ra cho từng
người rồi thâu lại, đếm trên số thẻ để biết hiện có bao nhiêu người
An cư. Cho đến Phật và hộ pháp họ cũng phát thẻ luôn. Như vậy, người
nào có mặt, dù lớn dù nhỏ đến ngày ấy cũng phải An cư, thậm chí họ
còn mời luôn Phật và hộ pháp cũng phải An cư và phát thẻ. Đó là tư
cách và bổn phận của người tu sĩ.
-
25-
Tiền An cư - Hậu An cư
- Trong
phép An cư thì ai cũng phải thọ An cư nếu là Tỳ-kheo hay Tỳ-kheo-ni,
đệ tử của Phật. Thọ An cư cũng như thọ giới, mỗi người tự mình nói
lên, hoặc ba người tự nói lên trước một vị Tỳ-kheo Thượng tọa để thọ
An cư. Nếu tiền An cư thì bắt đầu từ 16 tháng tư âm lịch và hậu An
cư từ những ngày 17 tháng 4 đến 16 tháng 5 âm lịch. Dù hậu An cư
cũng phải theo ngày tiền An cư mà Tự tứ, nhưng Tự tứ rồi phải ở
trong hạ cho đủ 90 ngày rồi mới ra hạ, mặc dầu theo tiền An cư mà Tự
tứ.
-
26-
Thọ nhật
- Thọ
nhật tức là trong 3 tháng An cư mà có duyên sự phải ra ngoài đại
giới. Nếu thọ nhật thì chỉ được phép thọ nhật 7 ngày. Thọ nhật bảy
ngày thì chỉ đối thú với một người trong chúng mà nói: Thưa Đại đức,
tôi có việc nọ việc kia, phải ra khỏi đại giới 7 ngày, xong 7 ngày
trở về, khi về cũng phải báo lại. Nếu trường hợp chưa đến 7 ngày mà
trở về, khi về cũng phải báo. Trường hợp đi trên 7 ngày thì phải
bạch Tăng chứ không đối thú cá nhân nữa, và chỉ được đi ra khỏi đại
giới trong mùa An cư tối đa 40 ngày thôi. Thí dụ An cư 90 ngày, phải
có 50 ngày ở trong đại giới, kiết hạ thì mới khỏi mất hạ. Xin đi 7
ngày mà đi quá 7 ngày cũng mất hạ. Khi có các nạn xứ, phòng xứ, có
duyên sự xin đi nơi khác, tại đó có An cư mà mình tiếp tục An cư ở
đó thì không mất hạ. An cư xong rồi, phải chấm dứt An cư bằng lễ Tự
tứ.
-
27- Tự tứ
- Phạn
tự Pravarana, Trung Hoa dịch âm Bát-hòa-la, nghĩa là Tự tứ. Kinh Vu-lan
gọi Bát-hòa-la phạn tức là cơm cúng dường trong ngày Tự tứ. Tự tứ
cũng còn gọi là thỉnh thỉnh hay tùy ý: Nghĩa là mình tự nói lên lời
yêu cầu người khác chỉ lỗi cho mình theo chỗ thấy, nghe, nghi của họ
để mình nếu có đúng như họ thấy, nghe, nghi thì xin sám hối cho
thanh tịnh. Trong khi thuyết giới có hỏi câu:
- - “Chư
Đại đức có thanh tịnh không?”, thì mình mới trả lời, còn trong khi
Tự tứ, không đợi hỏi mà phải nói ra, để yêu cầu người khác tự do nói
lên lỗi của mình, và mình nếu có lỗi thì sám hối một cách vui vẻ Câu
Tự tứ như vầy:
- - “Đại
đức nhất tâm niệm, hôm nay chúng Tăng Tự tứ, tôi Tỳ kheo... cũng Tự
tứ. Nếu Đại đức thấy, nghe hoặc nghi tôi có tội, xin Đại đức chỉ cho,
tôi nếu thấy có tội, sẽ như pháp sám hối” (nói ba lần).
- Lúc
đầu Phật đặt ra luật An cư cho các Tỳ-kheo, nhưng có các Tỳ-kheo nói
với nhau:
-
- “Thôi! Cả năm mình
nói nhiều rồi, nay An cư chỉ làm thinh”.
- Trong
suốt mùa An cư, chỉ lấy tay ra dấu thôi. Họ đồng ý với nhau như vậy,
nên tất cả đều im lặng. An cư xong về hầu Phật, Phật hỏi:
- - “An
cư có vui vẻ không, có hòa hợp không?”.
- Mọi
người cho biết, trong mùa An cư này, họ chỉ im lặng, không nói gì cả,
chỉ ra dấu thôi. Phật nói:
- -
“Phải tương giáo, tương giới, sám hối thanh tịnh, an lạc, chứ làm
vậy thành như dê câm, không được!”.
- Khi
Phật cho phép như vậy thì Lục Quần Tỳ-kheo cứ đi chỉ lỗi của người
khác lộn xà ngầu lên hết, bị Phật quở. Phật nói rằng:
- -
“Muốn chỉ lỗi người khác phải đủ năm đức”.
-
28-
Cầu thính
- Trước
khi chỉ lỗi cho ai phải cầu thính, tức báo cho họ biết mình sẽ nói
lỗi của họ ra trước Tăng. Nghe vậy, lục quần Tỳ-kheo đi cầu thính
lung tung hết, gặp ai cũng cầu thính. Đến khi người khác đến cầu
thính để chỉ lỗi các ông thì các ông đi lơ, tránh không cho cầu
thính. Khi không lơ được thì nhận lời. Nhưng đến giờ thuyết giới thì
không đến. Chư Tăng cũng chịu, không biết làm sao! Do đó, Phật nói
trong trường hợp mãn ba tháng An cư trong ngày Tự tứ không có cầu
thính, mà phải mỗi người tự nói lời cầu thính người khác chỉ lỗi của
mình, để mình biết mà sám hối cho thanh tịnh. Trong Tự tứ phải thực
hiện phép đối thú Tự tứ. Ai cũng phải An cư và ai cũng phải đối thú
hết. Có hai cách đối thú:
- 1-
Trước hết vị chủ pháp sự cầu Tự tứ với vị Tăng sai thọ Tự tứ.
- 2- Sau
đó vị Tăng sai thọ Tự tứ đối thú với vị chủ pháp sự mà Tự tứ. Sau
đó các vị này đến trước mỗi vị Tăng khác để cho họ Tự tứ, cho đến
khi hết người cầu Tự tứ.
- Như
vậy, người thọ Tự tứ (nhận Tự tứ) thì phải có năm đức:
- 1- Bất
ái, là không thương yêu, thiên vị.
- 2- Bất
nhuế, là không hiềm khích, oán hận gì hết.
- 3- Bất
bố, là không sợ. Thầy có lỗi tôi nói mà không sợ thầy oán trách.
- 4- Bất
si, là biết chính xác, rõ ràng chứ không phải u mê; phạm biết phạm,
không phạm biết không phạm.
- 5-
Biết ai Tự tứ rồi và ai chưa Tự tứ.
- - Khi
Tự tứ, chúng Tăng phải đủ năm người trở lên, nếu chỉ có bốn người
thì chỉ đối thú Tự tứ, chứ không kiết-ma Tăng sai người Tự tứ. Về Tự
tứ có 4 trường hợp: Định kỳ Tự tứ, Tăng ích Tự tứ, Giảm nhật Tự tứ,
Tăng thượng Tự tứ.
- 1- Thế
nào là định kỳ Tự tứ?.
- - Đó
là đủ ba tháng An cư thì Tự tứ, hay còn gọi là Chánh kỳ Tự tứ.
- 2- Thế
nào là Tăng ích Tự tứ?.
- - Nếu
như chúng Tăng tu trong ba tháng, thấy có ích mà muốn tu tiếp tục
thêm một tháng nữa rồi mới Tự tứ xuất gia, gọi là Tăng ích.
- 3-
Giảm nhật Tự tứ:
- - Nếu
nghe có chúng Tăng ở trú xứ khác sắp đến quấy rầy thì giảm đi một
ngày mà Tự tứ. Thay vì ngày 15 bây giờ 14. Nếu giảm không được thì
họ đã vô nội giới rồi, thì tìm cách ra hiệu cho nhau ra ngoài giới
kiết-ma Tự tứ.
- 4-
Tăng thượng Tự tứ:
- - Nếu
ra ngoài giới kiết-ma Tự tứ cũng không được, thì lui ngày 30 kỳ sau
một kỳ để Tự tứ. Đến ngày 30 không Tự tứ được thì lui đến ngày 15
tháng sau nữa Tự tứ. Nếu lui như thế mà không được nữa thì bắt buộc
phải cưỡng bức hòa hợp Tự tứ.
-
29- Y
đệ ngũ Luật sư trì luật
- Thế
nào là đệ ngũ Luật sư?
- 1- Vị
Tỳ-kheo nào đọc thuộc giới bổn từ đầu đến 30 xả đọa, thì gọi là đệ
nhất Luật sư.
- 2- Vị
Tỳ-kheo nào đọc thuộc giới bổn từ đầu đến Ni-tác-kỳ Ba-dật-đề, gọi
là đệ nhị Luật sư.
- 3- Vị
Tỳ-kheo nào đọc thuộc toàn cả giới bổn, gọi là đệ tam Luật sư.
- 4- Vị
Tỳ-kheo nào đọc thuộc Nhị bộ luật (cả bên Tăng và bên Ni), gọi là đệ
tứ Luật sư.
- 5- Vị
Tỳ-kheo nào đọc thuộc Nhị bộ luật và thông hiểu rộng rãi, thì người
An cư y theo vị đệ ngũ Luật sư này để trì Luật, gọi là đệ ngũ Luật
sư.